Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

20150331. BÔ XÍT LỖ THẬT LÃI GIẢ VÌ CHỌN NHÀ THẦU TRUNG QUỐC

ĐIỂM BÁO MẠNG
DỰ ÁN BÔ XÍT : TKV ĐÃ"SẬP BẪY GIÁ RẺ " ?
Bài tổng hợp trên TT 29/3/2015
TT - Ngày 28-3, tại buổi tọa đàm về dự án bôxit, Tọa đàm do Trung tâm Thiên nhiên và Con người (Pan Nature) tổ chức.nhiều chuyên gia đã khẳng định Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) đã “sập bẫy” giá rẻ, nhưng càng làm càng thua lỗ nặng.
 
 Các bồn chưng cất khổng lồ tại tổ hợp bôxit - nhôm Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng) phục vụ ươm mầm hydrat điều chế alumin từ quặng bôxit - Ảnh: Mai Vinh
***
        
 Càng sản xuất càng lỗ!Buổi tọa đàm do Trung tâm Thiên nhiên và con người (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN) tổ chức dựa trên các thông tin mới về triển vọng các dự án bôxit vừa được TKV đưa ra.
Qua đánh giá từ những số liệu do chính TKV cung cấp, TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng, khẳng định TKV đã “sập bẫy giá rẻ”, dù vẫn cần cập nhật thêm tình hình và có đánh giá thực tế.
Cụ thể, theo phụ lục trong hợp đồng EPC số 1/TKV-CHALIECO ký giữa TKV và nhà thầu Chalieco ngày 14-7-2008 của dự án Tân Rai, nhà thầu chỉ cam kết về công suất là 630.000 tấn/năm, giảm 20.000 tấn/năm so với công bố của TKV. Mà giá trị 20.000 tấn/năm nhân với suất đầu tư bình quân khoảng 1.000 USD/tấn công suất, mức thiệt hại của VN lên tới 20 triệu USD. Doanh thu giảm hằng năm sẽ khoảng 5 triệu USD.
Bỏ thầu thấp, giá hợp đồng tăng
Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban alumin Tổng công ty Khoáng sản VN, cho rằng Trung Quốc bỏ thầu với giá rất thấp. Nhưng sau khi bỏ thầu xong, được VN chọn để ký EPC, giá hợp đồng lại tăng lên. Đặc biệt, theo ông Ban, công nghệ Trung Quốc tiêu hao nước, than, kiềm đều cao hơn mức các nước có công nghệ tiên tiến. Với thực thu alumin theo công nghệ Trung Quốc thiết kế chỉ đạt 85% trên quặng tinh, trong khi công nghệ tiên tiến 87%, theo ông Ban, với công suất 630.000 tấn/năm, tổn thất lên tới 40 triệu USD/năm. “Đó mới là chỉ tiêu ký kết, còn thực tế có đạt được mức nào cũng là vấn đề” - ông Ban nói. Đơn cử, nhà máy sau hai năm vận hành mới chỉ đạt công suất 75-80% công suất thiết kế nên theo ông Ban, chắc chắn lỗ vốn vì mọi chi phí trên 1 tấn sản phẩm tăng.
Mức tiêu hao quặng để sản xuất alumin bình quân trên thế giới là dưới 2 tấn/tấn (dưới 2 tấn quặng được 1 tấn alumin), trong khi mức cam kết của nhà thầu Trung Quốc là 2,737 tấn/tấn, tương đương 25 USD/tấn.
Với công suất hiện tại 630.000 tấn/năm, theo ông Sơn, mức chênh lệch này có thể lên tới 11,607 triệu USD/năm.
Chưa hết, theo ông Sơn, với số giờ hoạt động thực tế ít hơn so với cam kết, mức thiệt hại mỗi năm lên đến hàng trăm ngàn USD. Lấy bốn sai lệch chính, ông Sơn cho biết dự án Tân Rai thiệt hại khoảng 343 triệu USD.
Số tiền này, theo ông Sơn, đáng ra phải cộng vào giá nhà thầu Chalieco đưa ra để so sánh với nhà thầu khác. “Có thể nói giá VN trả cho nhà thầu Trung Quốc cao hơn giá trị thật khoảng 343 triệu USD” - ông Sơn khẳng định.
Dù TKV “tự hào” tuyên bố dự án bôxit Tây nguyên sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, nhưng các chuyên gia cho rằng con số lỗ hằng năm của dự án này đã không được đưa ra. Theo số liệu được TKV công bố, năm 2015 cả Tân Rai và Nhân Cơ sẽ sản xuất được 660.000 tấn, tổng doanh thu trên 4.900 tỉ đồng.
Phân tích số liệu này, ông Sơn cho rằng giá bán sẽ khoảng 7,4 triệu đồng/tấn, tức 346 USD/tấn. Cứ cho chi phí từ năm 2013 không tăng, chỉ cộng thêm chi phí vận tải, khấu hao, giá thành phải là 8,6 triệu đồng/tấn, tức khoảng 403 USD/tấn, lỗ khoảng 56,7 USD/tấn.
Như vậy, nếu sản xuất đủ sản lượng 660.000 tấn trong năm 2015, mức lỗ sẽ khoảng 37,4 triệu USD!
Thấy lỗ từ bù giá điện
Chưa hết, dự án chế biến alumin thành nhôm cũng đã được xúc tiến, dự kiến sẽ đặt nhà máy gần Nhà máy alumin Nhân Cơ.
Theo phân tích của ông Nguyễn Thành Sơn, để triển khai dự án “nhôm kim loại Nhân Cơ”, nhà đầu tư đã yêu cầu Chính phủ cam kết cho mua điện với giá 5 cent/kWh trong vòng 10 năm. Với mức tiêu hao điện thấp nhất thế giới cho công nghệ chế biến alumin thành nhôm (12.900 kWh/tấn), theo ông Sơn, dự án nhôm kim loại Nhân Cơ công suất 450.000 tấn nhôm/năm sẽ phải mua 5,8 tỉ kWh/năm.
Và để có thêm 5,8 tỉ kWh/năm, EVN phải đầu tư thêm một dự án thủy điện công suất 1.933 MW với chi phí phải bỏ ra khoảng 3,8 tỉ USD (lớn hơn thủy điện Hòa Bình), hoặc một dự án nhiệt điện chạy than với chi phí đầu tư khoảng 830 triệu USD (lớn hơn nhiệt điện Phả Lại 2).
Đặc biệt, theo ông Sơn, với giá bán điện bình quân hiện nay của EVN là 1.622 đồng/kWh, tương đương khoảng 7,5 cent/kWh mà doanh nghiệp chế biến nhôm được hưởng giá 5 cent/kWh, tất cả người dùng điện sẽ phải bù lỗ cho dự án nhôm kim loại đủ 5,8 tỉ kWh/năm, tính ra là khoảng 145 triệu USD/năm (khoảng 3.000 tỉ đồng).
Công suất nhôm kim loại càng cao, bù lỗ càng lớn, dự án nhôm kim loại càng triển khai nhanh, càng sớm phải bù lỗ. “Có lẽ chưa có dự án nào đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hay với mục đích xóa đói giảm nghèo của Nhà nước được bù lỗ “khủng” như vậy”- ông Sơn nói.
Dù dự án nhôm kim loại sẽ làm giảm lỗ cho các dự án alumin tối đa là 17,55 triệu USD/năm, nhưng theo ông Sơn, những người dùng điện VN phải bù lỗ cho dự án nhôm kim loại 145 triệu USD/năm, tức gấp hơn 8 lần!
Trong khi đó, chuyên gia Tô Văn Trường, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch nông nghiệp VN, cho rằng Bộ Công thương và TKV đã không phân biệt hiệu quả kinh tế tài chính của doanh nghiệp với hiệu quả kinh tế xã hội của đất nước.
Theo ông Trường, người dân đang trồng cà phê phải nhường đất cho dự án alumin nên muốn tính hiệu quả alumin, phải lấy lãi từ chế biến bôxit thành alumin trừ đi lãi trồng cà phê, đó mới là lãi thực việc khai thác bôxit đem lại cho xã hội.
Khấu hao ít để giảm...lỗ!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Chỉnh (từng được TKV giao làm người phát ngôn về vấn đề bôxit) cho rằng “không nên hiểu thế” bởi công suất 650.000 tấn/năm nhưng khi đi vào thực tế, công suất có thể chỉ 630.000 tấn là hiệu quả, nhà sản xuất có thể quyết mức này chứ không hẳn cứ 650.000 tấn/năm là tốt.
Trả lời về mức tiêu hao, ông Chỉnh cho biết thực tế khi đi vào sản xuất, chất lượng quặng của Nhà máy Tân Rai đã tốt hơn dự tính ban đầu nên tiêu hao các nguyên vật liệu đã giảm. Ngoài ra, giá bán alumin cũng đã tăng dần. Vì vậy, có thể nhận định xu thế thị trường sẽ thuận lợi hơn cho sản xuất alumin ở VN.
Tuy nhiên, ông Chỉnh thừa nhận câu chuyện lỗ và cho biết việc này đã được tính toán ngay từ đầu, trong đó dự kiến nhà máy alumin sẽ lỗ một số năm đầu. Nhưng với xu hướng đang tốt lên, thời gian lỗ có thể giảm xuống. Với ý kiến cho rằng thời gian qua alumin “lãi giả” vì khấu hao rất ít, ông Chỉnh cho biết thời kỳ đầu có thể khấu hao ít hơn để giảm lỗ, đó chỉ là điều tiết, nguyên tắc sẽ phải tính đủ.
Đụng vào đâu cũng thấy lỗ
Mới đây, các cơ quan chức năng đã vẽ lên bức tranh tươi sáng hiệu quả của hai dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ, kèm theo việc Công ty Trần Hồng Quân tham gia xây dựng nhà máy luyện nhôm. Trong khi đó, các thông tin số liệu, nhất là quyết toán năm 2014 của Nhà máy Tân Rai vẫn được bảo mật!
Tuy nhiên, chỉ cần phân tích các thông tin số liệu đã có, đối chiếu với thực tế thấy rõ dự án bôxit Tây nguyên, mọi con đường đều dẫn đến thua lỗ, chưa kể việc ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và môi trường xã hội của dự án.
Do sai lầm từ việc chọn nhà thầu Trung Quốc lúc đầu bỏ thầu giá rẻ (nhưng khi ký hợp đồng EPC lại giá khác), thiết kế nhà máy các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật lạc hậu tiêu hao lớn về quặng và năng lượng...
Theo tính toán của chuyên gia Nguyễn Thành Sơn về giá thành, tính đủ khấu hao và chi phí vận chuyển của alumin Tân Rai, năm 2013 lỗ 94 USD/tấn (tổng số 16 triệu USD), năm 2014 lỗ 87 USD/tấn (tổng số 43 triệu USD), năm 2015 lỗ 57 USD/tấn (tổng số 37 triệu USD).
Thế nhưng, giải pháp cho Công ty Trần Hồng Quân được hưởng nhiều ưu đãi để thực hiện dự án điện phân nhôm là thêm nhiều rủi ro khác. Theo đó, Nhà nước phải bỏ vốn ngân sách khoảng 1.200 tỉ đồng để chuẩn bị mặt bằng cho nhà máy.
Khi nhà máy điện phân nhôm hoạt động sẽ thải ra một lượng lớn chất thải fluoride: perfluorocarbon và hydrogen fluoride dưới dạng khí thải; sodium, fluoride nhôm và cryolite dư thừa dưới dạng phân tử. Nếu không được kiểm soát tốt thì hydrogen fluoride là chất rất độc hại cho thực vật quanh nhà máy. Khí perfluorocarbon là khí nhà kính có thời gian tồn tại lâu dài trong không khí.
Sản xuất nhôm tiêu hao rất nhiều điện năng. Giá nhôm hiện nay trên thế giới khoảng 1.850 - 2.150 USD/tấn. Điện năng cho sản xuất 1 tấn nhôm khoảng 12.900 kWh. Nếu lấy giá bình quân EVN bán điện 7,5 cent/kWh, nhưng nếu phải bán cho dự án của Trần Hồng Quân chỉ có 5 cent, ai phải bù lỗ?
Chỉ tính riêng tiền điện phải bù lỗ 1 năm cho dự án điện phân nhôm ít nhất là 145 triệu USD/năm, nếu đúng cam kết 10 năm thì phải bù lỗ khoảng 1,2 tỉ USD (tính giá quy về hiện tại). Còn nếu tính đúng giá bán điện cho doanh nghiệp 12 cent/kWh, mỗi năm phải bù lỗ cho Công ty Trần Hồng Quân gần 400 triệu USD.
TÔ VĂN TRƯỜNG

CÙNG BỘ CÔNG THƯƠNG GIẢI CÁC BÀI TOÁN LỚP 5 VỀ  BAUXITE
Bài của TS NGUYỄN THÀNH SƠN trên BVB 31/3/2015
TS NGUYỄN THÀNH SƠN
(Căn cứ vào nội dung văn bản của Vụ Công nghiệp nặng Bộ CT đề 29/3/2015)
1/ Bài toán “lỗ kế hoạch” đã từng được dùng ở số nhà 54, phố Hai Bà Trưng, Hà Nội từ thời bao cấp (trước năm 1986), khi giá bán điện, hay giá bán than được Chính phủ qui định, nên có những năm ngành điện hay ngành than phải có chỉ tiêu “lỗ kế hoạch”. Cả hai dự án alumina trên Tây Nguyên được triển khai theo cơ chế thị trường. Khái niệm “lỗ kế hoạch” cần được hiểu là “lỗ thật” đã được lập kế hoạch từ trước. Như vậy, để dư luận tin vào đáp số về “lỗ kế hoạch”, ít nhất Bộ CT nên thông báo cụ thể các con số: sản lượng sản xuất alumina, giá thành của sản phẩm alumina (chi phí sản xuất), sản lượng tiêu thụ alumina và giá bán của alumina v.v. Không nên lấy lý do “bí mật kinh doanh” để dấu lỗ trước Thủ tướng. Một khi đã “lỗ kế hoạch” thì chẳng cần “bí mật” làm gì! Càng công khai, khách hàng càng “thông cảm” mua giá cao.
2/ Bài toán thu hồi vốn của dự án Tân Rai: Đáp số của Bộ CT “nộp” cho “thày giáo” Quốc Hội là “lỗ 4 năm, thời gian thu hồi vốn 11,5 năm”.
Đầu bài được TKV công bố là: tổng vốn đầu tư của dự án Tân Rai là 15.200 tỷ VND; Sản lượng alumina năm 2017 (sau 4 năm “lỗ kế hoạch”) của Tân Rai (theo “sách trắng” của TKV) là 615.000 tấn. Như vậy, sau 4 năm “lỗ kế hoạch” mỗi năm dự án Tân Rai (hiện đang lỗ) sẽ có lãi bình quân sau thuế là:
15.200 tỷ đ : (11,5 năm - 4 năm) = 2.026,66667 tỷ VND/năm
Giả sử thuế thu nhập DN cũng được lập là “miễn thuế có kế hoạch”. Ít nhất, mỗi năm dự án Tân Rai phải có lãi gộp b/q là 2.027 tỷ VND/năm (lấy số chẵn). Tương đương với lãi 94,26 triệu U$/năm, hay tương đương với lãi 153 U$/tấn.
Hiện nay, mức “lỗ kế hoạch” nếu tính đúng, tính đủ đang giao động (tùy theo sản lượng) từ 50÷90 U$/tấn.
Như vậy, đáp số trên của bộ CT chỉ được điểm 10 với hy vọng thày giáo vừa chấm bài vừa ngủ ngật.
3/ Bài toán giá bán hay bài toán về tỷ lệ thuận/tỷ lệ nghịch: Bộ CT khẳng định “thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm dưới 4 năm” và “thời gian thu hồi vốn cũng giảm theo” nhờ “giá bán alumina trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng”.
Trên thế giới, giá alumina tỷ lệ thuận với giá nhôm kim loại.
Giá nhôm kim loại trên thị trường thế giới (LME) b/q như sau: năm 2012- 2050,4 U$/tấn, năm 2013- 1888,2 U$/tấn, năm 2014- 1897,8 U$/tấn, còn 3 tháng đầu năm 2015 là 1814,1 U$/tấn.
Đáp án “chu kỳ tăng” nói trên của Bộ CT chỉ có thày giáo “quá chén” mới giám cho điểm 10.
4/ Bài toán “nộp ngân sách” của dự án Tân Rai: Bộ CT khẳng định “Ước tính, sau khi Dự án đi vào vận hành ổn định, số thuế, phí nộp ngân sách khoảng 430 tỷ đồng/năm, doanh thu của Dự án dự kiến sẽ đạt trên 4.000 tỷ đồng/năm”.
Như vậy, theo Bộ CT, vào năm 2017, dự án Tân Rai có giá bán alumina dự kiến là:
4000 tỷ đồng : 615.000 tấn = 6.504.065 đ/tấn (tương đương với 302,5 U$/tấn)
Đáp án này của Bộ CT ngược với “chu kỳ tăng” của giá bán alumina trong bài toán trên (năm 2014 là 326,5 U$/tấn). Như vậy, có thể hiểu là Bộ CT đang “bật đèn xanh” cho TKV trốn thuế với mức ít nhất là hơn 20 U$/tấn. Có lẽ Chính Phủ và QH nên xem xét lại chức năng và trình độ “quản lý ngành công nghiệp” của Bộ CT.
5/ Bài toán “hiệu quả kinh tế” của dự án Trần Hồng Quân (THQ): Theo Bộ CT, dự án nhôm kim loại THQ trong vòng 30 năm sẽ nộp ngân sách tổng số 420 triệu U$, b/q mỗi năm nộp 14 triệu U$.
Để triển khai dự án nhôm kim loại, nhà đầu tư THQ đã đưa ra yêu cầu ngân sách phải bù lỗ 2,5 cents/kWh điện để chỉ mua điện với giá 5 cents/kWh (thấp hơn giá mua điện của các hộ nghèo hiện nay) trong vòng 10 năm và ngân sách phải chi trước 1200 tỷ VND để có mặt bằng. Như vậy, 10 năm đầu, ngân sách phải bù lỗ (1450 tr.U$ + 1200 tỷ VND)= 1505 triệu U$ để sau 30 năm thu về được 420 triệu U$. Tức số tiền ngân sách phải bù lỗ cho dự THQ lớn gấp 3,5 lần số tiền thu được từ dự án THQ.
Nếu qui về giá trị hiện tại thuần (NPV) với mức lãi suất khiêm tốn 5%/năm thì ngân sách phải bỏ ra 1158,65 triệu U$ để thu về 215,21 triệu U$. Tức số tiền ngân sách phải bù lỗ cho dự án THQ lớn gấp 5,38 lần số tiền thu được từ dự án THQ.
Bất chấp kết quả trên, Bộ CT vẫn cho dự án THQ là có hiệu quả. Có lẽ Chính phủ và QH phải giải tiếp bài toán “Bộ CT đang hưởng lương từ ngân sách hay từ dự án THQ?”
6/ Bài toán GDP của dự án THQ: Bộ CT khẳng định “Đóng góp cho GDP của địa phương (Đắk Nông) bình quân 1 năm khoảng  14. 443 tỷ đồng tương đương 687,763 tr. $/năm”.
Dữ liệu của đầu bài toán: Để luyện được 1 tấn nhôm kim loại cần phải có: 1,95 tấn alumina; 12.920 kWh điện; 0,56 tấn chất điện dung và điện cực là những chi phí đầu vào mà THQ không thể tự làm ra được (phải mua). Giả sử:
-         Giá bán nhôm kim loại b/q (năm 2014) trên thế giới: 1897,81 U$/t.;
-         Chi phí alumina (mua của TKV): 346U$/t.*1,95 t./t.= 675 U$/tấn nhôm;
-         Chi phí điện (mua giá được người nghèo bù lỗ): 12.920 kWh/t.*0,05 cents/kWh= 646 U$/tấn nhôm;
-         Chi phí chất điện dung và điện cực (lấy giá rẻ hơn than) là 200U$/tấn*0,56 tấn/tấn nhôm = 112 U$/tấn nhôm.
Như vậy, giá trị GDP của dự án nhôm kim loại THQ làm ra tối đa là (1898U$/t.-675U$/t.-646U$/t.- 112)*450.000t./năm= 209.250.000 U$/năm (lấy chẵn 210 tr.U$/năm), thấp hơn 3,27 lần so với “đáp số” của Bộ CT.
Tóm lại:
1/ Tất cả các bài toán trên (trừ phần tính NPV) đều thuộc loại “cộng, trừ, nhân, chia” trong chương trình dưới lớp 5/12 của VN; Nhưng,
2/ Tất cả các “đáp số” của Bộ CT cũng có cùng một xu hướng “vừa làm vừa copy” giống như cách đây 3 năm khi giải bài toán về “hiệu quả kinh tế” của alumina Tân Rai mà hiện nay chắc không có thầy giáo nào dám cho điểm 1 (!).
N.T.S (Chuyên gia tư vấn độc lập New Technology Solutions)
/From: tovantruong1948@yahoo.com/

TRÁI CHIỀU GÓC NHÌN VỀ HIỆU QUẢ DỰ ÁN BAUXITE
Bài tổng hợp YẾN THANH / VNEconomy 31/3/2015

Một nhóm 12 nhà khoa học mới đây đã ký vào bản kiến nghị về vấn đề bauxite ở Tây Nguyên, trong đó nhấn mạnh đến khía cạnh hiệu quả tài chính của các dự án hiện hành. 

Ngay sau đó, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đã đưa ra các ý kiến phản bác.

Để rộng đường dư luận, VnEconomy xin lược trích các ý kiến xung quanh vấn đề này.

12 nhà khoa học: Cần đánh giá toàn diện

Theo bản kiến nghị của 12 nhà khoa học nói trên, việc thực hiện chương trình bauxite Tây Nguyên đã và đang bộc lộ nhiều bất cập.

Về vấn đề thiết bị và công nghệ, trong thiết kế kỹ thuật nhà máy Tân Rai, nhà thầu Chalieco đã áp dụng trình độ công nghệ thấp. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của nhà máy cho thấy mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, hóa chất và nước cao hơn mức trung bình của thế giới.

Đặc biệt, thiết bị ở nhà máy Tân Rai không đồng bộ, hệ thống đo lường tự động hoạt động không ổn định, nên hiện nhà máy phải vận hành bằng tay.

Sau gần hai năm sản xuất, nhà máy Tân Rai mới chỉ đạt 60-65% công suất thiết kế. Vì vậy, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật thực tế còn kém hơn thiết kế rất nhiều. Do đó, hiệu quả kinh tế và tài chính của các dự án sẽ thấp.

Về hiệu quả tài chính dự án, cho đến nay, tổng chi phí thực tế cho hai dự án bauxite thí điểm Tân Rai và Nhân Cơ đang vượt hơn so với dự toán ban đầu, trong khi sản lượng đầu ra không đạt thiết kế.

Ngoài ra, đã phát sinh thêm nhiều hạng mục trong quá trình thực hiện (ví dụ chi phí xây dựng đường vận chuyển bauxite, đường tránh khu dân cư…).

Bên cạnh đó, giá khoáng sản hiện nay đang ở mức thấp, dao động khó lường. Do vậy, hiệu quả tài chính của hai dự án này càng bị giảm sút, làm gia tăng sức ép lên nợ công đang tăng cao hiện nay. Nhìn chung, hiệu quả kinh tế - xã hội của chương trình bauxite Tây Nguyên không thể đạt như dự kiến.

Bản kiến nghị cũng nhấn mạnh đến nguy cơ an toàn hồ chứa, theo đó ngày 8/10/2014, đập ngăn hồ chứa bùn thải quặng đuôi của nhà máy Tân Rai đã bị vỡ, hơn 5.000 m3 bùn thải quặng tràn ra môi trường bên ngoài.

Việc sử dụng bùn đỏ sản xuất sắt xốp và vật liệu xây dựng mới chỉ được thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm, trên thế giới chưa có sản xuất ở quy mô công nghiệp vì không có hiệu quả kinh tế.

Vì vậy, vấn đề sản xuất sắt xốp và vật liệu xây dựng từ bùn đỏ quy mô công nghiệp ở Tây Nguyên cần được xem xét rất thận trọng. 

Từ tình hình trên, 12 nhà khoa học kiến nghị Bộ Chính trị chỉ thị tiến hành đánh giá toàn diện, tổng thể và khách quan về hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng… của hai dự án bauxite thí điểm, theo tinh thần kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 245- TB/TW ngày 24/4/2009.

Để đảm bảo tính khách quan, đề nghị giao Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì thực hiện việc đánh giá này. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở cho mọi quyết định tiếp theo đối với chương trình bauxite Tây Nguyên. Đồng thời, cần công bố rộng rãi báo cáo môi trường chiến lược và các báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án.

Trong khi đó, trong bài viết “Bauxite Tây Nguyên: Những con số biết nói” được trình bày tại buổi tọa đàm về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) tổ chức ngày 28/3/2015, TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc New Technology Solutions Vietnam đã phân tích một loạt vấn đề bất cập tại các dự án hiện nay.

Đặc biệt, ông Sơn cho rằng Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) bị “sập bẫy giá rẻ” của các nhà thầu Trung Quốc trong việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên.

Một con số đáng chú ý được chuyên gia này đưa ra và sau đó được nhiều báo chí đề cập đến là “nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD”.

Ông Sơn cũng cho rằng hiện nay, sau 6 năm thử nghiệm, “do có nhiều bất cập (vi phạm) trong chọn thầu, dự án alumin có các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật lạc hậu, rất khó khắc phục (tiêu hao quặng, tiêu hao năng lượng lớn), đang bị lỗ kéo dài và đang làm nẩy sinh thêm vấn đề kinh tế (các mỏ than ở Quảng Ninh đang phải “gánh” lỗ cho alumin Tây Nguyên)”.

“Trong thời gian tới, nếu không cân nhắc đầy đủ và có trách nhiệm, việc triển khai dự án nhôm kim loại Nhân Cơ có thể sẽ còn dẫn đến những điều đáng lo ngại hơn là sự bất công trong xã hội”, ông Sơn viết.

Bộ Công Thương: Cho rằng lỗ là vội vã


Trước những thông tin này, Bộ Công Thương mới đây cũng đã có những lý giải rất đáng chú ý.

Theo cơ quan này, qua quá trình thực tế triển khai, một số nhà khoa học và dư luận xã hội có ý lo ngại về hiệu quả kinh tế của các dự án bauxite, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo TKV về việc rà soát, tính toán, kiểm tra lại.

Theo đó, về hiệu quả tài chính của dự án Tân Rai, tính cập nhật đến ngày 26/4/2014, cho thấy thời gian lỗ theo kế hoạch dự kiến là 4 năm và thời gian thu hồi vốn là 11,5 năm.

Các thông số đầu vào của dự án cơ bản ổn định, không có thay đổi nhiều, giá bán alumin trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng.

Đầu năm 2014, giá bán (FOB cảng Gò Dầu) ở mức 300÷310 USD/tấn, cuối năm ở mức 350-360 USD/tấn, bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn, cao hơn so với tính toán của dự án là 325 USD/tấn.

Mức giá trên thậm chí đã vượt mức dự báo tăng giá alumin trong tính toán, do vậy, hiệu quả kinh tế của dự án tăng lên; thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm dưới 4 năm, thời gian thu hồi vốn cũng giảm theo.

Đối với dự án Nhân Cơ, do có điều kiện vận tải xuống cảng biển xa hơn, hạ tầng khó khăn hơn nên hiệu quả kinh tế thấp hơn so với dự án alumin Tân Rai, với thời gian lỗ kế hoạch là 5 năm và thời gian thu hồi vốn 12 năm.

Cùng với việc TKV rút kinh nghiệm từ dự án Tân Rai, với xu thế tăng giá alumin như cuối năm 2014 và đầu năm 2015, hiệu quả dự án sẽ được tăng lên đáng kể, giảm thời gian lỗ kế hoạch và rút ngắn thời gian thu hồi vốn dự kiến.

Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở.

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

20150330. BĂN KHOĂN CHUYỆN DU HỌC MỸ

ĐIỂM BÁO MẠNG
BON CHEN VÀO TRƯỜNG KHỦNG CỦA MỸ ĐỂ LÀM GÌ ?
Bài NGUYỄN ANH THI/ TVN 29/3/2015
Việt Nam, Mỹ, Harvard, MIT, hồ sơ, đại học, gia thế, quyền thế, thành đạt, du học, luyện thi
Cho đến nay ở Việt Nam có khá nhiều bài báo ca ngợi học sinh vào được khối trường Ivies, nhưng rất hiếm bài báo nói rõ những học sinh này đạt thành tích gì khi học trong trường khủng toàn thiên tài và con em các gia đình quyền thế bậc nhất thế giới đó.
Hàng năm Việt Nam có khoảng 10-20 học sinh được nhận vào nhóm các trường Ivies tại Mỹ. Ivies được hiểu là top các trường ĐH tên tuổi hàng đầu trên thế giới như Havard, Yale, Stanford, Columbia, MIT…
Danh tính các học sinh này sau đó thường xuất hiện trên các trang báo lớn với sự ngưỡng mộ. Thậm chí có cả phụ huynh còn lên báo nói cách dạy con vào được Havard. Nhiều người Việt Nam nghĩ hễ vào Ivies tức là thành công.
Mục tiêu 250 ngàn USD ” trúng thưởng”
Con số trung bình 250 ngàn USD hỗ trợ tài chính (chứ không phải học bổng) do chính sách Need Blind của các trường Ivies giúp cho một học sinh gia cảnh không đủ điều kiện được vào học (mà đa số học sinh VN có gia cảnh này mới được hưởng) là rất lớn. Thêm vào đó, chất lượng giáo dục cao ở nhóm các trường hàng đầu thế giới này vốn đã được khẳng định.
Vì vậy, nó trở thành mục tiêu hàng đầu cuộc đua cho học sinh ở nhiều nơi trên thế giới. Cuộc đua này không đơn giản chỉ nằm ở tài năng của học sinh mà còn có hệ thống dịch vụ tư vấn đi kèm với chi phí khá đắt đỏ.
Ngoài ra, để làm đẹp hồ sơ cho con, một số bậc cha mẹ đã vận dụng tối đa mọi mối quan hệ, sáng kiến, đầu tư tiền bạc… Để có một dòng tốt hơn trên hồ sơ theo chuẩn Mỹ, họ sẵn sàng bỏ tiền túi cho con tham gia một kỳ thi nghệ thuật quốc tế dù chẳng ai biết đến, thuê cả nhà hát lớn và dàn nhạc tham gia biểu diễn cùng con. Hoặc thay vì để cho con tự đi quyên góp tiền thiện nguyện, họ bỏ luôn ra vài chục triệu để tạo ra thành tích cho nhanh…Việt Nam cũng đang có các lò luyện phục vụ nhu cầu này của học sinh và phụ huynh.  Mục đích là làm sao giúp học sinh làm đẹp hồ sơ, có mọi điểm theo tiêu chuẩn cần thiết và trau chuốt các bài luận sẽ nộp cho trường. Chi phí cho dịch vụ này không rẻ, có thể tính bằng nhiều ngàn USD. Và dù năm ăn năm thua thì nhiều cha mẹ học sinh vẫn lăn vào nộp tiền, hy vọng con có một cơ hội ngang bằng... trúng số.
Sự bon chen để có thể nộp hồ sơ thành công vào ĐH Mỹ hạng tốt, hỗ trợ học phí cao có thể  dẫn đến sự gia tăng khả năng gian lận và giả dối. Trung Quốc đã và đang là một “địa chỉ đỏ” khiến các nhà giáo dục ĐH thế giới đau đầu vì dịch vụ làm hồ sơ giả, viết bài luận thay với trình độ tinh vi.
Scandal mới nhất được phát hiện tại bốn ĐH danh giá nhất của tiểu bang New South Wales, Australia cho thấy có hơn 70 SV bị đuổi học (chủ yếu là các du học sinh và phần lớn đến từ Trung Quốc) đã mua bài luận và thi hộ các kỳ thi online  để nộp cho trường. Giá một bài luận có thể lên tới 1.000 USD. Nếu có HS Việt Nam rơi vào tình trạng này thì danh tiếng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ivies có phải là cây đũa thần?
Cho đến nay ở Việt Nam có khá nhiều bài báo ca ngợi học sinh vào được khối trường Ivies, nhưng rất hiếm bài nói rõ những học sinh này đạt thành tích gì khi học trong trường khủng toàn thiên tài và con em các gia đình quyền thế bậc nhất thế giới đó.
Hãy hình dung Havard chú trọng dạy SV làm lãnh đạo. Bởi thực sự rất nhiều SV ở đây khi ra trường sẽ giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt,  vì vốn là con cái nguyên thủ quốc gia, các trùm tài phiệt. Còn bạn dù có là bạn đồng học với họ nhưng khi ra trường thì đơn giản chỉ mong có một cơ hội đi làm thuê, hy vọng ngày nào có cơ đổi đời .
Cũng rất khó khăn để tìm ra thông tin học sinh VN vào Ivies tốt nghiệp xong làm gì? Rõ nhất là một vài học sinh có tên tuổi, tốt nghiệp các trường Ivies hàng đầu của Mỹ trở về VN hành nghề dạy SAT và làm dịch vụ tư vấn du học. Những điều này cho thấy Ivies không phải là cây đũa thần, học xong muốn ra đời thành công cũng chẳng dễ dàng.
Cũng như bất cứ một SV nào mới tốt nghiệp ĐH, để thành công thì cần nhiều kỹ năng mềm xuất sắc, nỗ lực và may mắn chứ không chỉ là tấm bằng ở một trường danh giá.  Ivies chỉ là điểm khởi đầu của con đường. Hơn nữa, dù Ivies có nhiều tiền hỗ trợ tài chính hơn cả, nhưng không thiếu các ĐH khác tại Mỹ vẫn cung cấp tiền đi học cho các học sinh xuất sắc.
Tìm những gì phù hợp với mình
Trên trang facebook của mình, một thầy giáo dạy SAT cho học sinh VN từng nhận học bổng toàn phần của một trường giáo dục đại cương hàng đầu của Mỹ viết: “Là người trong ngành, mình muốn nhắc lại rằng chỉ có khoảng 20 bạn được vào Ivies được ca tụng thôi, nhưng danh sách các bạn du học Mỹ hàng năm rất dài, trong số đó có nhiều bạn vào những trường phù hợp và tiếp tục phát huy tiềm năng của mình. Tất cả chỉ mới bắt đầu!”.
Trong bài báo mới nhất trên New York Times với tựa đề “How to Survive the College Admissions Madness”, Frank Bruni, nhà báo Mỹ nổi tiếng đã ngụ ý rằng hãy vào ĐH tốt để thực sự học tập và mài giũa, để có được những gì cần thiết và phù hợp với từng học sinh khi ra đời chứ không phải chỉ vì chạy đua theo danh tiếng.
Ông cũng dẫn ra lý lịch của 10 CEO hàng đầu trong số 500 công ty lọt vào danh sách của  Fortune. Thật bất ngờ, phần lớn những CEO này không hề học trong các trường Ivies mà từ những tên tuổi khá bình dị như ĐH Arkansas, Texas, California( Davis), Nebraska, Auburn, Texas A & M, ĐH Kettering, St. Louis…
Nguyễn Anh Thi