Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

20141020. NGHĨ VỀ THƯƠNG MẠI HÓA GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHI NHÀ TRƯỜNG BIẾN THÀNH THƯƠNG TRƯỜNG
Bài của NGUYỄN VŨ PHAN trên Tuổi trẻ 18/10/2014
 
TT - Loạt bài trên Tuổi Trẻ về tình trạng dùng nhà trường làm nơi kinh doanh, quảng cáo để lại một dư vị cay đắng - không lẽ ngành giáo dục bị thương mại hóa đến mức này chăng?
Loạt bài đăng trên Tuổi trẻ
        
 
Nhìn từ góc độ những người làm kinh doanh, họ phải tìm mọi cách để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Bằng con đường bình thường thì không nói làm gì, cái đặc biệt ở Việt Nam là nảy sinh nhiều kênh phân phối biến tướng rất lạ kỳ.
Đó có thể là dùng danh nghĩa của một cơ quan, tổ chức nào đó để mời theo kiểu ép mua vé xem văn nghệ, mua sách dạng sách truyền thống. Đó cũng có thể là khai thác quan hệ thân quen để năn nỉ mua hợp đồng bảo hiểm, sản phẩm đa cấp...
Tất nhiên, cái thị trường rộng lớn nhất, dễ bị thuyết phục nhất chính là học sinh các cấp, hay nói rộng ra là giới trẻ em.
Chính vì thế ở mọi nước, dân marketing tập trung vào phân khúc khách hàng này để bán hàng, không chừa một thủ thuật nào như dùng hình ảnh các diễn viên nổi tiếng, các nhân vật hoạt hình đang được yêu thích... Nhưng trực tiếp dùng sân trường để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm rồi tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về sản phẩm thì quá mức.
Bởi nhận thức của trẻ em còn chưa vững nên nước nào cũng có những quy định về quảng cáo và marketing nhằm bảo vệ trẻ em khỏi ảnh hưởng của quảng cáo (như bị béo phì vì thức ăn nhanh hay xung đột với bố mẹ vì đòi tiền mua sản phẩm được quảng cáo). Còn đưa hoạt động thương mại vào ngay nhà trường thì chưa thấy quy định, có lẽ không có nước nào cho phép hoạt động thương mại hóa kiểu đó diễn ra.
Thật sự mà nói, việc cho phép các doanh nghiệp vào sân trường quảng cáo sản phẩm thì cái tác hại chưa bằng một phần của các dòng chảy vận động để hàng loạt trường trang bị những máy móc đắt tiền, tiếng là nhằm phục vụ việc dạy việc học trong khi thực chất là để doanh nghiệp bán hàng, nhà trường hưởng hoa hồng bán máy.
Sự tệ hại của việc bắt ép học sinh sử dụng, phụ huynh bỏ tiền đóng góp cho những trang thiết bị theo kiểu này cũng ở mức độ nhẫn tâm không kém việc bác sĩ kê toa thuốc đắt tiền không cần thiết cho bệnh nhân nhằm hưởng hoa hồng bán thuốc.
Trong khi đó, hiệu trưởng các trường cũng phải ý thức được rằng nhiệm vụ của họ không phải là “cải thiện đời sống” của giáo viên, kể cả cho bản thân họ bằng mọi cách. Nhiệm vụ của họ là duy trì môi trường học tập tốt nhất cho học sinh của mình.
Vì cứ hiểu sai khái niệm “cải thiện đời sống” theo kiểu kế hoạch ba ngày xưa mà nhà trường bị biến tướng thành thị trường, trong khi ban giám hiệu vẫn thấy đó là chuyện “chẳng đặng đừng”, dù sao cũng không đáng trách cho lắm!
Điều đáng buồn nhất trong câu chuyện “xã hội hóa” khiên cưỡng này là tạo ra một môi trường giáo dục không công bằng khi học sinh nhà có điều kiện sẽ được tiếp cận trang thiết bị đắt tiền, phòng học có máy lạnh, còn học sinh nhà nghèo sẽ chỉ học bằng bảng đen, phấn trắng.
Cho dù chưa biết bên nào học hiệu quả hơn nhưng cái tâm lý mặc cảm thua sút sẽ đeo đuổi các em con nhà nghèo suốt đời.
Loạt bài trên Tuổi Trẻ gây xôn xao dư luận một thời gian rồi có lẽ mọi chuyện sẽ trở lại như cũ, các chiến dịch tiếp thị vào nhà trường sẽ tiếp diễn. Chỉ còn biết kêu gọi vào đạo đức kinh doanh, không nên tấn công vào nhà trường nữa; chỉ biết trông mong vào giới quản lý, nhanh chóng soạn những nội quy cấm hẳn hiện tượng thương mại hóa trường học này.
 
NGUYỄN VŨ PHAN
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét