Một tài liệu được nói là do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam biên soạn về Cuộc gặp cấp cao tại Thành Đô năm 1990 mà nhiều người quan tâm trong nước gọi là Thỏa thuận Thành Đô đang được lưu hành xuống cơ sở đảng. Động thái này được thực hiện sau khi có một số kêu gọi của chính những vị cao cấp trong Đảng cũng như người quan tâm phải bạch hóa thỏa thuận đó.
Những điều được Ban Tuyên giáo nêu ra trong tài liệu có đáp ứng được yêu cầu của những người từng có kiến nghị về việc này hay chưa?
Kiến nghị bạch hóa
Tân hoa xã, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc, và tờ Hoàn Cầu ở Hoa Lục trong thời gian qua tiết lộ thông tin về Cuộc gặp cấp cao vào hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 giữa những lãnh đạo Trung Quốc và những người tương nhiệm Việt Nam. Một nội dung quan trọng được hai cơ quan thông tấn đó của Trung Quốc loan đi và những người quan tâm ở Việt Nam đọc được như sau “ Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây… Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.”
Trước thông tin như thế, vào ngày 20 tháng 7 vừa qua, thiếu tướng Lê Duy Mật, nguyên phó tư lệnh- tham mưu trưởng Quân khu 2 và tư lệnh mặt trận 1979-1984 ( Hà Giang) có một thư kiến nghị gửi đến các cấp lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay. Nội dung thư nêu lên thực tế Việt Nam lâu nay và trích lại điều mà Tân Hoa Xã nêu ra để yêu cầu đảng phải công khai Thỏa hiệp Thành Đô.
Đến ngày 4 tháng 9, 20 cựu sĩ quan cao cấp trong Lực lượng Vũ trang Quân đội Nhân Dân Việt Nam cũng có một kiến nghị gửi cho chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ trong đó có điểm tương tự là phải công khai cho người dân biết về những thỏa thuận nếu có đã ký kết giữa hai phía.
Nhóm những bloggers tại Việt Nam vừa qua khởi xướng phong trào mang tên ‘Chúng tôi muốn biết’ cho biết vào ngày 15 tháng 10 này đại diện của họ sẽ trao một văn bản ‘Yêu cầu Quốc hội Bạch Hóa Hội nghị Thành Đô’ đến Ban Dân Nguyện ở Hà Nội và Văn phòng Quốc hội 2 tại Sài Gòn.
Giải đáp của Ban Tuyên giáo
Tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang được những người quan tâm phổ biến trên mạng Internet có ba đề mục. Hai đề mục đầu nói đến bối cảnh tình hình quốc tế của cuộc gặp và mục đích cuộc gặp. Mục thứ ba trình bày lại những diễn biến và kết quả cuộc gặp được nói nhằm bàn về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc.
Tài liệu của Ban Tuyên Giáo bác bỏ ý của trích dẫn từ Tân Hoa Xã mà những người quan tâm nêu ra. Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo thì không hề có cái gọi là ‘Việt Nam sẽ thành khu tự trị thuộc Trung Quốc giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2020…’ như trên một số trang mạng và blog.
Ban Tuyên giáo cho rằng đó là một ‘luận điệu bịa đặt với ý đồ kích động, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và trong các tầng lớp nhân dân’.
Đòi hỏi mới
Đại tá Bùi Văn Bồng, một trong 20 cựu sĩ quan cao cấp ký tên vào kiến nghị hồi ngày 4 tháng 9 có phát biểu sau khi biết tin về việc lưu hành tài liệu của Ban Tuyên Giáo Trung ương về Cuộc gặp cấp cao Việt- Trung tại Thành Đô hồi năm 1990:
Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu đưa tin như thế thì phải đập lại ngay là không có sự việc đó. Ý đồ gì mà Trung Quốc đưa tin như thế. Theo tôi không có căn cứ gì để tin hay không tin; thế nhưng khi một tờ báo nước ngoài nói những điều bất lợi cho chủ quyền dân tộc và lại cũng bất lợi cho cả đảng cộng sản Việt Nam, nhà nước Việt Nam trong những việc lớn như thế không còn là thông tin nội bộ nữa.
Lẽ ra khi có thư ngỏ của các cựu chiến binh, nhất là khi có thư của thiếu tướng Lê Duy Mật, theo tôi thì báo Nhân dân, hoặc Quân đội Nhân dân hoặc Thông tấn xã phải có ý kiến ngay. Ở đây không làm được việc đó thì tính chiến đấu và kịp thời của báo chí chính thống là chậm, không đạt yêu cầu.
Sự thật đến đâu, ‘Thành Đô’ bàn những vấn đề gì, và không có bàn đến chuyện đó mà báo Trung Quốc bịa. Thế thì có gì khó đâu! Mà mình càng im lặng, cứ giải quyết nội bộ, trở thành một mô- típ rồi: chuyện gì lớn nhỏ đều cứ thích giải quyết nội bộ trước. Theo tôi chuyện này có gì mà giải quyết nội bộ, cứ công khai hóa mà phản bác lại họ. Như thế theo tôi nhân dân sẽ tin hơn và bớt dư luận phức tạp. Còn cứ lẩn quẩn nội bộ, thòi tin chỗ này, thông tin chỗ khác, rồi đưa chỗ này tí, chỗ kia tí thì chả có lợi gì về mặt dư luận mà đồng thời người ta lại cho đảng và Nhà nước không muốn minh bạch hóa.
Cựu tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nhắc lại cách hành xử lâu nay của đảng và nhà cầm quyền Hà Nội; tuy nhiên trước sự phát triển của tinh thần dân chủ thì cách thức bưng bít thông tin sẽ không còn hiệu quả nữa. Ông nói:
Từ khi đảng cộng sản lãnh đạo đất nước bằng những cách theo kiểu của họ thì nhân dân có được biết gì đâu. Chính sách, chủ trương của họ hoàn toàn bí mật. Từ những năm 64-65 lúc thì ngả về Trung Quốc, lúc thì ngả về Nga. Toàn mấy ông trong Bộ Chính Trị, thậm chí mấy ông có ‘giá trị’ trong Bộ Chính Trị họ tự làm lấy đấy chứ. Quốc hội cũng chỉ là bù nhìn thôi, họ lập ra cho có gọi là quốc hội thôi chứ quốc hội cũng không biết. Tất cả nằm trong tay những người của đảng cộng sản và họ tự quyết lấy, ngay quốc hội mà không biết được nữa là nhân dân! Những hiệp ước bí mật của đảng cộng sản với Trung Quốc và Liên Xô cũng như các chính sách khác, nhân dân hoàn toàn không được biết.
Thời gian gần đây do phong trào dân chủ trong nước thì anh em, một số trí thức, một số quân nhân đòi hỏi nên chúng ta được biết phần nào ngọn của tảng băng thôi, còn khúc chìm chúng ta không thể biết được.
Theo tôi nghĩ, dần dần đảng cộng sản phải minh bạch hóa, và nhân dân phải có quyền được biết những chính sách.
Cũng trong tuần qua hai tác giả tại Paris, Pháp là Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm có một bài viết trình bày lại tình hình thế giới cộng sản quốc tế, Việt Nam và Trung Cộng trước khi diễn ra Hội nghị Thành Đô. Bài viết cũng phân tích thực tế về những diễn tiến đã và đang xảy ra để chứng minh cho thấy có một thỏa thuận được lãnh đạo hai phía ký kết và Việt Nam đang gánh phần thua thiệt rất lớn.
Đối với những người đang yêu cầu đảng và chính phủ bạch hóa Thỏa thuận Thành Đô thì cần phải thực hiện nguyên tắc mà Hà Nội luôn tuyên truyền là “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra…” Theo họ thì trong vai trò những người dân làm chủ đất nước, họ yêu cầu các đại biểu quốc hội phải bạch hóa một cách đầy đủ và chính xác toàn bộ nội dung của Hội nghị Thành Đô.
BỆNH CHỨNG "NGUYỄN CƠ THẠCH"
Bài của NGÔ NHÂN DỤNG/Người Việt/ Viet-Studies 23/10/2014
Ông Ðặng Xương Hùng mới dùng một từ tôi được nghe lần đầu: “Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch.” Ông Hùng, từng giữ chức “vụ phó” trong Bộ Ngoại Giao tại Hà Nội, hiện đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ, chắc ông biết rõ chuyện ông Nguyễn Cơ Thạch mất chức bộ trưởng sau Hội nghị Thành Ðô năm 1990 giữa giới lãnh đạo hai đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) và Cộng Sản Việt Nam (Việt Cộng). Hai chữ “hội chứng” hơi trừu tượng không quen thuộc với đa số độc giả cho nên tôi tạm dùng chữ “bệnh chứng,” dù không chính xác bằng.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã mắc một căn bệnh nặng, gọi bằng tên ông Nguyễn Cơ Thạch, vì triệu chứng căn bệnh phát lên rõ nhất trong thời gian hai đảng chuẩn bị Hội nghị Thành Ðô mà sau đó ông Nguyễn Cơ Thạch bị mất chức.
Ở hải ngoại, giới truyền thông gần đây không quan tâm đến Hội nghị Thành Ðô. Nhưng đồng bào trong nước còn rất thao thức về câu chuyện này. Cô Nguyễn Phương Uyên cùng các ông Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa trong phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết” đã yêu cầu “Bạch hóa Hội nghị Thành Ðô.” Không những thế Ban Tuyên Giáo đảng Cộng Sản còn đưa ra lời giải thích về hội nghị này để các đảng viên học tập. Trong bài trước, mục này tỏ ý nghi hoặc không biết bản tuyên bố trên có thực hay không, vì thấy nó chỉ “vạch áo cho người xem lưng” mà thôi. Ông Nguyễn Khắc Mai, cựu vụ phó Dân Vận Trung Ương Ðảng mới xác nhận với đài BBC rằng: “Văn bản của Ban Tuyên Giáo... thì nó có thật đấy... Nhưng chúng tôi hoài nghi sự giải thích... không biết là có đến nơi, đến chốn không...” Muốn hiểu “Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch” thì phải nhắc lại chuyện ở Thành Ðô năm 1990.
Năm đó, sau khi đảng Cộng Sản Liên Xô sụp đổ, Việt Cộng mất chỗ dựa chính trị, ngoại giao, cũng như nguồn viện trợ kinh tế. Như người sắp chết đuối cần một cái phao bám, Việt Cộng kết thân lại với Trung Cộng. Sau cuộc chiến năm 1979 hai đảng từng coi nhau là tử thù. Mối tranh chấp lớn trong mười năm trước là cuộc chiến tranh ở Campuchia, Trung Cộng ủng hộ Khờ Me Ðỏ còn Việt Cộng bảo trợ chính quyền Hun Sen. Biết Việt Cộng đang tuyệt vọng, muốn cầu thân, nên Trung Cộng lợi dụng; buộc Việt Cộng phải giải quyết cuộc chiến ở xứ Khờ Me theo dự án của Bắc Kinh.
Năm 1990, quân Hun Sen đang mạnh hơn; cả thế giới đều ghét Khờ Me Ðỏ vì chúng đã giết hàng triệu người dân vô tội. Nguyễn Cơ Thạch không chấp nhận “đầu hàng” ở Campuchia trong khi phe Hun Sen đang thắng. Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh nghĩ khác, sẵn sàng nhượng bộ ở Campuchia, chỉ mong được kết thân với Trung Cộng. Nguyễn Văn Linh đã cho sửa lại bản Hiến Pháp Việt Nam, xóa bỏ nhưng đoạn kể tội Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân Việt. Linh và Lê Ðức Anh, bộ trưởng Quốc Phòng đã tự hạ mình đến gặp đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội xin cho được gặp giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Trong hoàn cảnh đó, Trung Cộng đã đưa ra mồi nhử, và toàn thể ban lãnh đạo Việt Cộng rơi vào bẫy. Mồi nhử là chấp nhận thảo luận chuyện lâu dài, theo lời Linh yêu cầu là “hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc.” Nhưng họ đặt điều kiện sẽ chỉ bàn chuyện đó sau khi hai bên thỏa thuận một giải pháp cho Campuchia. Việt Cộng phải chiều ý. Suốt trong thời gian hai bên bàn bạc, chuẩn bị, Trung Cộng đã bày trò chia rẽ nội bộ Việt Cộng. Họ không thèm nói chuyện gì với Nguyễn Cơ Thạch và Bộ Ngoại Giao của Việt Cộng mà nói chuyện thẳng tới tổng bí thư, hoặc qua Ban Ðối Ngoại thuộc Trung Ương Ðảng.
Khi chính thức gặp Thứ trưởng ngoại giao Trung Cộng Từ Ðôn Tín, Trần Quang Cơ, cũng giữ chức thứ trưởng ngoại giao sau này viết hồi ký, ghi lại: “Tôi nhớ như in cái giọng ngạo mạn kiểu ‘sứ giả thiên triều’ của Từ...” Từ Ðôn Tín nói: “Lần này tôi sang Hà Nội chủ yếu để bàn với các đồng chí Việt Nam về vấn đề Campuchia, đồng thời cũng xem xét nguyện vọng của các đồng chí...,” ý nói đã gặp Nguyễn Văn Linh và Lê Ðức Anh. Trần Quang Cơ nhận xét: “Ðây là cuộc đàm phán giữa hai quốc gia bình đẳng, làm sao Trung Quốc có thể nói đến chuyện xem xét nguyện vọng của giới lãnh đạo Việt Nam được?” Nguyễn Cơ Thạch không được đi họp ở Thành Ðô, dù là ủy viên Bộ Chính Trị và đang giữ chức bộ trưởng Ngoại Giao. Ông Trần Quang Cơ nói thẳng trong hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ: Trung Quốc muốn ta phải thay đổi bộ trưởng Ngoại giao. Tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc họp ở Nữu-ước tháng 9 năm đó Ngoại Trưởng Trung Cộng Tiền Kỳ Tham từ chối không cho Nguyễn Cơ Thạch được gặp.
Cuối cùng, tại Thành Ðô Việt Cộng đã phải đồng ý công thức của Trung Cộng về một hội đồng lãnh đạo xứ Campuchia. Việt Cộng trước đó yêu cầu mỗi phe cộng sản ở Campuchia có sáu người trong hội đồng này. Trung Cộng đòi mỗi phe có sáu người, thêm người chủ tọa là Sihanouk, một ông hoàng sống thường xuyên ở Bắc Kinh, vẫn cộng tác với Khờ Me Ðỏ, tức là phe Khờ Me Ðỏ có bảy người! Bản tuyên cáo sau Hội nghị Thành Ðô ghi tám điểm thì bảy điểm chỉ nói chuyện Campuchia, điểm thứ tám nói đến việc hợp tác giữa hai đảng Cộng sản cũng nhấn mạnh tới việc Campuchia. Những yêu cầu “hợp tác bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc” của Nguyễn Văn Linh trở thành mơ tưởng hão huyền. Ông Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết thêm rằng trong thời gian hội nghị Trung Cộng xếp cho Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười ở ba biệt thự khác nhau, không thể bàn gì với nhau được.
Nhưng đau đớn cho Việt Cộng là những đòn ngoại giao của Trung Cộng sau đó. Trong hội nghị, hai bên đồng ý là sẽ cùng giữ bí mật. Nhưng ngay sau khi họp xong, Trung Cộng tiết lộ hết. Báo chí ở Thái Lan loan tin Việt Cộng đã chịu theo giải pháp của Trung Cộng ở Campuchia. Ngoại trưởng Mỹ gặp Nguyễn Cơ Thạch cũng nói rằng đã được nghe Trung Cộng báo tin đầy đủ. Việt Cộng uất ức nhưng phải im miệng, như gái ngồi phải cọc.
Người ức nhất là Hun Sen, vì thấy phe Khờ Me Ðỏ có bẩy người, mình chỉ được có sáu. Hun Sen uất hận nhất là cảnh Việt Cộng đi đêm với Trung Cộng, đâm sau lưng mình. Từ đó Hun Sen dần dần lánh xa Hà Nội, tiến gần Bắc Kinh. Vì thà đi thẳng với ông chủ lớn còn hơn đi qua một anh đầu nậu. Trung Cộng cũng bỏ rơi Khờ Me Ðỏ, sau khi bắt được Hun Sen ích lợi hơn nhiều. Cuối cùng, Việt Cộng vừa mất chân trên đất Campuchia, vừa không được Trung Cộng hứa hẹn gì về hợp tác lâu dài bảo vệ chủ nghĩa xã hội!
Hội nghị Thành Ðô là một thảm bại ngoại giao của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng nó cũng là triệu chứng hiện lên rõ nhất của một căn bệnh có gốc từ bên trong, gọi là “Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch.” Ông Ðặng Xương Hùng giải thích: Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch là việc Trung Quốc đã khống chế toàn bộ lãnh đạo Việt Nam để dần dần thực hiện những chính sách của Trung Quốc.” Hội chứng này bao gồm cảnh Trung Cộng “không chế về mặt đối ngoại, khống chế về mặt tổ chức nhân sự cũng như cơ cấu nhà nước của Việt Nam, làm sao có lợi nhất đối với Trung Quốc.” Ngoại giao, tổ chức nhân sự, cơ cấu nhà nước, cái gì cũng bị Trung Cộng khống chế. Phải thấy đây là một tình trạng bệnh trầm kha. Trên thế giới có quốc gia nào bị nước khác khống chế từ bên trong ra bên ngoài như vậy hay không?
Bệnh chứng Nguyễn Cơ Thạch khiến cho tất cả guồng máy cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam lúc nào cũng lo sợ không biết những gì mình nghĩ, mình làm, có hợp ý các “đồng chí” Trung Quốc hay không! Ông Ðặng Xương Hùng lấy thí dụ: “Nhiều nhân vật [chính quyền ở Việt Nam] sau này,... khi đụng chạm giải quyết vấn đề biên giới cũng như những vấn đề về tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Ðông cũng như thế, đều có những dấu hiệu của hội chứng Nguyễn Cơ Thạch. Tức là rất sợ những ý kiến cả nhân của mình về vấn đề quan hệ với Trung Quốc... rất sợ Trung Quốc sẽ xử lý làm ảnh hưởng đến chức vụ của mình với những quyền lợi và lợi ích của mình trong cơ cấu nhà nước [qua việc khống chế lãnh đạo cao nhất của Việt Nam].”
Ông Nguyễn Cơ Thạch đã kết luận về Hội nghị Thành Ðô: “Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu.” Bệnh chứng Nguyễn Cơ Thạch cũng là bệnh chứng “Bắc thuộc mới.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét