GS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay, trước đây, theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học, về kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu, đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.

Tuy nhiên, kể từ 15/8/2022, khi Nghị định số 50/2022/NĐ-CP (quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập) có hiệu lực, trong đó thay thế Điều 9 Nghị định số 141/2013/NĐ-CP, đã thay đổi về thời gian kéo dài làm việc đối với đội ngũ này.

Cụ thể, nguyên tắc thực hiện theo Nghị định 50 là việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức là không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu. Điều này theo ông Đức vô hình trung đã làm giảm tuổi nghỉ hưu của các giáo sư và phó giáo sư.

“Bởi nếu theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP, có những giáo sư, phó giáo sư được ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc thêm 7 – 10 năm, tức là được làm việc tới năm 67 – 70 tuổi. Trong khi đó, theo Nghị định số 50/2022/NĐ-CP, các giáo sư, phó giáo sư được ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc thêm 5 năm, chỉ tới 65 tuổi”, GS Đức phân tích.

GS Đức cho rằng, các giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn và uy tín cao, là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành. Đây là nguồn nhân lực quý của nhà trường. Nhất là khi hiện nay, đội ngũ này đang chiếm tỉ lệ không lớn trong các trường đại học.

Vì vậy, việc tận dụng và kéo dài tuổi công tác với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư là cần thiết và phù hợp. GS Đức cho hay, theo thông lệ quốc tế, hiện nay độ tuổi nghỉ hưu chỉ áp dụng cho đội ngũ làm công tác lãnh đạo, quản lý cấp cao; còn phần lớn các giáo sư, phó giáo sư vẫn là những người đứng đầu ngành, vẫn tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy, tiếp tục đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chuyên môn chứ không chịu sự ràng buộc của quy định về tuổi nghỉ hưu.

“Giáo sư, phó giáo được coi là những người có uy tín trong các trường đại học và cũng là đội ngũ dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, hướng nghiên cứu trong sự phát triển của khoa học công nghệ ở các trường đại học, viện nghiên cứu.

Đội ngũ này không chỉ phát huy năng lực trong nước mà còn tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế, nên có uy tín và ảnh hưởng nhất định về mặt chuyên môn học thuật trong và ngoài nước.

Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút nhân tài, tập hợp đội ngũ, nhất là các cán bộ trẻ tài năng trong và ngoài nước để từ đó xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu, trường phái học thuật của trường đại học”.


GS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Cũng theo GS Đức, từ các thống kê về đội ngũ tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư trong nhiều năm nay cho thấy, mặc dù nước ta đã có sự bổ sung hằng năm và cải thiện tích cực cả về số lượng và chất lượng, nhưng tiềm lực khoa học công nghệ này so với các trường đại học trên thế giới còn rất thấp.

“Việc đào tạo được đội ngũ này cũng không hề dễ dàng, không phải ngày một, ngày hai. Ngoài tố chất, còn mất nhiều thời gian, công sức,… Chưa kể, các giáo sư, phó giáo sư trong những lĩnh vực đặc thù như văn hóa, nghệ thuật lại càng quý và hiếm”, GS Đức nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo GS Đức, việc này cũng có thể dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám" từ công sang tư.

Bởi đội ngũ giáo sư, phó giáo sư khi hết tuổi quy định buộc phải nghỉ tại các cơ sở giáo dục công lập. Nếu vẫn muốn tiếp tục cống hiến, họ phải làm việc tại các cơ sở giáo dục tư thục. So với các trường đại học công lập, các trường tư thục sẽ có nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ hơn (trả lương cao hơn, được giao đảm trách vị trí lãnh đạo bộ môn, khoa…).

Điều này khiến các trường đại học công lập mất dần đội ngũ nhân lực chất lượng cao để mở ngành và duy trình ngành, đặc biệt là các ngành đào tạo sau đại học; mất đi người dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu sinh… và thậm chí, còn thu hút theo cả những đội ngũ khác.

Theo GS Đức, ngay như ĐH Quốc gia Hà Nội cũng phải chịu ảnh hưởng bởi chính sách này.

“Thực tế, có nhiều giáo sư, phó giáo sư khi hết tuổi lao động nhưng còn đủ sức khỏe, minh mẫn, còn có khả năng giảng dạy, dẫn dắt nghiên cứu và cống hiến tốt, mong muốn tiếp tục làm việc ở các trường đại học, viện nghiên cứu đã từng gắn bó, hoặc tại các cơ sở giáo dục đại học công lập lớn, có uy tín. Song vì những quy định rào cản, nên sau khi đến tuổi nghỉ hưu, buộc phải chuyển ra làm việc ở các đơn vị tư thục”, GS Đức nói.

Theo GS Đức, nhiệm vụ của các đơn vị, cơ quan, bộ ngành không chỉ là tận dụng, phát huy, mà còn phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức (trong đó có các giáo sư, phó giáo sư) làm việc, cống hiến.

Do đó, GS Đức cho rằng đặc biệt Nhà nước cần cân nhắc về việc quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo sư, phó giáo sư, vì không phải dễ dàng đào tạo được đội ngũ này.

“Những người đủ sức khỏe, mong muốn cống hiến nên tận dụng. Nên để việc nghỉ hưu đối với các giáo sư, phó giáo sư là quyền, chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc.

Đặc biệt, trong bối cảnh tự chủ đại học như hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn có thể làm được điều đó do đó, nên để các trường tự quyết để thu hút đội ngũ giáo sư, phó giáo sư”.

GS Đức cũng cho rằng, Nhà nước cũng nên có chính sách để tạo điều kiện cho các giáo sư, phó giáo sư được tiếp tục làm quản lý cấp chuyên môn như chủ nhiệm bộ môn, trưởng nhóm nghiên cứu, trưởng phòng thí nghiệm… tại các tổ chức khoa học then chốt.

NGUỒN:  Giáo sư đầu ngành băn khoăn về độ tuổi nghỉ hưu [https://vietnamnet.vn/giao-su-dau-nganh-ban-khoan-ve-do-tuoi-nghi-huu-2241878.html]

TIN LIÊN QUAN: Các trường đại học 'mạnh tay' rót tiền, trải thảm đỏ thu hút tiến sĩ, giáo sư [https://vietnamnet.vn/rot-tien-cho-tien-si-giao-su-ve-truong-dai-hoc-2209390.html]

GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ CÙNG ĐƯỢC KÉO DÀI TUỔI NGHỈ HƯU THÊM 5 NĂM CÓ HỢP LÝ?

PGS.TS NGÔ TỨ THÀNH/ GD 22-1-2024

GDVN- Thực tế, phấn đấu để đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét công nhận giáo sư đã không dễ nhưng để "giữ" được chức danh đó cũng cần sự nỗ lực của các nhà khoa học.

Đề xuất tuổi nghỉ hưu của giáo sư dài hơn phó giáo sư

Do lịch sử để lại, từ năm 1975 đến nay, chức danh giáo sư có nhiều thay đổi. Mỗi lần thay đổi đều mang yếu tố tích cực có tác dụng động viên đội ngũ trí thức nước nhà vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đặc biệt Quyết định 37/2018/QĐ-TTg đã nâng chất lượng giáo sư của Việt Nam tiệm cận với thế giới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giáo sư, phó giáo sư là chức danh khoa học cao nhất của nhà giáo giảng dạy bậc đại học, sau đại học. Nhưng giáo sư và phó giáo sư khác nhau về thứ bậc, tiêu chí, điều kiện, cách làm cũng như quy định về trách nhiệm. Theo Quyết định 37, yêu cầu tiêu chuẩn để được công nhận đạt chuẩn giáo sư cao hơn và khác xa với phó giáo sư.

Đơn cử, đối với ứng viên giáo sư phải có ít nhất 20,0 điểm công trình khoa học, …trong đó ít nhất 05 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín …. hướng dẫn chính ít nhất 02 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ. Trong khi, ứng viên phó giáo sư chỉ cần: 10,0 điểm công trình khoa học,… trong đó 02 bài trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín ….. hướng dẫn 02 học viên được cấp bằng thạc sĩ.

Qua tìm hiểu của người viết, giảng viên tiến sĩ trong trường đại học trước sau gì nếu cố gắng cũng có thể phấn đấu lên giảng viên cao cấp, nhưng từ tiến sĩ lên giáo sư là một chặng đường vất vả khó khăn. Tiến sĩ phải phấn đấu lên phó giáo sư, sau khi được phó giáo sư mới phấn đấu tiếp lên giáo sư. Thực tế, giảng viên tiến sĩ phấn đấu cả đời cũng chưa chắc có thể được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư. Hiện nay tỷ lệ giáo sư/giảng viên là 0,89%, nghĩa là trung bình cứ 100 giảng viên đại học chỉ có 01 giáo sư [1]

Mặc dù giáo sư khác phó giáo sư khác nhau về tiêu chuẩn như vậy, nhưng theo người viết, Nghị định 50/2022/NĐ-CP và Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT “vô tình” đã “cào bằng” giáo sư như phó giáo sư.

Tiến sĩ giảng viên cao cấp, phó giáo sư và giáo sư cùng hưởng ưu đãi, cùng “hệ quy chiếu”, chế độ đãi ngộ giống nhau, cụ thể: Cùng xếp bảng lương như nhau, mã số: V.07.01.01 hệ số lương từ 6.2 đến 8.0; Cùng được kéo dài tuổi nghỉ hưu tối đa: 5 năm.

Thực tế, phấn đấu để đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét công nhận giáo sư đã không dễ nhưng để "giữ" được chức danh đó cũng cần sự nỗ lực của các nhà khoa học.

Bởi tại Khoản 5, Điều 20 của Quyết định 37 ghi rõ: ”Hết thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, nếu ứng viên không được bổ nhiệm chức danh giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học thì quyết định này hết hiệu lực”.

Tại Khoản 4, 5, Điều 27 cũng ghi rõ: “Ứng viên chỉ được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư sau khi có quyết định bổ nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học…..Nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là 05 năm. Kết thúc nhiệm kỳ, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học tổ chức rà soát, đánh giá theo các quy định về cơ cấu vị trí, số lượng, tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư để quyết định việc bổ nhiệm lại. Việc đánh giá hàng năm đối với giáo sư, phó giáo sư thực hiện như quy định hiện hành đối với giảng viên”.

Theo Nghị định 141/2013/NĐ-CP, giáo sư được kéo dài tuổi nghỉ hưu 10 năm, phó giáo sư kéo dài 5 năm, nhưng sang Nghị định 50, các giáo sư, phó giáo sư cùng được kéo dài tuổi nghỉ hưu không quá 5 năm. Nếu tiếp tục duy trì như Nghị định 50, nhiều giảng viên đạt được chức danh giáo sư cũng vừa đủ tuổi về hưu.

Nhập giáo sư với phó giáo sư gọi chung là giáo sư được không?

Theo tìm hiểu của người viết, trên thế giới cũng đang có những cách xét chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư khác nhau. Có nước tồn tại 02 chức danh phó giáo sư (associate professor) và giáo sư (professor) như ở Việt Nam, nhưng phần đông các nước có tiềm lực khoa học lớn thống nhất một chức danh giáo sư. Theo người viết, đã đến lúc chúng ta nên xem xét hội nhập với thế giới trong xét phong giáo sư.

Trường hợp không thể kéo dài tuổi nghỉ hưu của giáo sư mà bắt buộc tuổi nghỉ hưu của giáo sư và phó giáo sư là như nhau, cùng kéo dài tối đa là 5 năm thì tác giả xin đề xuất nhập giáo sư và phó giáo sư gọi chung là giáo sư như một số nước: Mỹ, Đức, Pháp…

Trong giai đoạn chuyển tiếp, những giáo sư cũ (số này không nhiều, đều lớn tuổi sắp nghỉ hưu) gọi là giáo sư cao cấp (hay là giáo sư khoa học). Khi nhập và gọi phó giáo sư là giáo sư, đương nhiên việc xét chức danh giáo sư mới cũng phải khác. Công bố khoa học, thành tích khoa học … của giáo sư mới sẽ nằm trung gian giữ phó giáo sư cũ và giáo sư cũ. Nếu làm được như vậy sẽ giảm bớt thủ tục thời gian xét duyệt giáo sư, không gây tốn kém cho xã hội và các nhà giáo.

Ý tưởng nhập giáo sư với phó giáo sư của tác giả xuất phát từ lịch sử tên gọi phó tiến sĩ và tiến sĩ. Phó tiến sĩ là tên của một học vị cấp tiến sĩ được gọi ở Việt Nam trước thời điểm có hiệu lực của Luật Giáo dục năm 1998. Học vị này tương ứng với học vị Kandidat nauk, vì khi đó Việt Nam có hệ thống văn bằng sau đại học giống với hệ thống của Liên Xô và các nước Đông Âu cũ. Hiện nay, học vị này được gọi là tiến sĩ trong khi học vị tiến sĩ theo kiểu cũ được gọi là tiến sĩ khoa học.

Mới đầu việc gọi phó tiến sĩ thành tiến sĩ, còn tiến sĩ cũ gọi là tiến sĩ khoa học cũng gây nhiều tranh cãi, nhưng sau 25 năm thực hiện đã cho thấy không còn vướng mắc gì. Trước năm 1998, những nhà khoa học sau khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ thường ấp ủ tiếp tục nghiên cứu làm tiếp luận án tiến sĩ thêm thời gian và tốn kém. Gần như cả cuộc đời chỉ lo hoàn thành luận án, hết luận văn cao học, đến luận án phó tiến sĩ, cuối cùng là luận án tiến sĩ. Sau năm 1998, sau khi nhập phó tiến sĩ và tiến sĩ gọi chung là tiến sĩ, rất ít người tiếp tục làm tiến sĩ khoa học mà tập trung nghiên cứu cống hiến cho xã hội trong môi trường học thuật.

Tài liệu tham khảo

[1] https://vietnamnet.vn/ty-le-giang-vien-dai-hoc-co-chuc-danh-giao-su-o-viet-nam-chi-dat-0-89-2059801.html

PGS.TS Ngô Tứ Thành
NGUỒN: Giáo sư, phó giáo sư cùng được kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm có hợp lý? [https://giaoduc.net.vn/giao-su-pho-giao-su-cung-duoc-keo-dai-tuoi-nghi-huu-them-5-nam-co-hop-ly-post240484.gd]
TIN LIÊN QUAN: