Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

20221031. BÀN VỀ 'HỌC RỘNG', 'HỌC SÂU'

 ĐIỂM BÁO MẠNG


BỘ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HÙNG NÓI CHUYỆN VỚI SINH VIÊN VỀ LÝ TƯỞNG, HỌC HỎI, HỌC HÀNH

VNN 20-10-2022

Báo VietNamNet xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ khai giảng năm học 2022-2023 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vào ngày 19/10/2022.

Kính thưa các quí vị đại biểu

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo

Thưa các em sinh viên thân mến

Ngày mai là Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, xin chúc cho tất cả những người phụ nữ mỗi ngày là một ngày mới để có thêm nhiều năng lượng mới và toả sáng mỗi ngày làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn! Xin chúc mừng các bạn nữ!

Lý tưởng là ngôi sao sáng dẫn lối

Đời người ai cũng cần một ngôi sao sáng dẫn lối.

Lý tưởng sống chính là ngôi sao sáng dẫn lối. Không có lý tưởng dẫn lối cuộc đời dễ thành luẩn quẩn.

Không có lý tưởng cũng giống như sống mà không có mục đích. Không có mục đích học cũng không tới, nói chi tới khởi nghiệp.

Lý tưởng thì dẫn đường, niềm tin tạo ra động lực tinh thần.

Lý tưởng và niềm tin tạo ra sức mạnh cho con người để vượt qua gian nan, thử thách. Sức mạnh này là lớn nhất, là vô địch. Nó lớn hơn cả sức mạnh vật chất. Hãy nhìn cha ông mình qua hàng ngàn năm đã dựng nước và giữ nước thế nào sẽ thấy. Khi khởi binh đánh đuổi ngoại xâm, khi ra đi tìm đường cứu nước, có gì đâu ngoài lý tưởng và niềm tin.

Niềm tin là mảnh ván còn lại khi con thuyền đã bị giông tố đập nát. Mảnh ván ấy cứu sống chúng ta lúc khó khăn nhất.

Không có lý tưởng lớn thì không có niềm tin lớn, không có niềm tin lớn thì không có sức mạnh lớn, không có sức mạnh lớn thì không có thành công lớn.

Cuộc đời có lý tưởng, có niềm tin, có hoài bão, có mục tiêu phấn đấu, có đóng góp, có cống hiến, mới là cuộc sống có ý nghĩa.

Nhân vật chính Pa-ven Coóc-sa-ghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn nổi tiếng Liên Xô Ni-cô-lai Ô-xtơ-rốp-xki đã nói về lý tưởng sống và lẽ sống:  “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Lý tưởng là cái đầu tiên cần có để bước vào đời, vào đại học. Không có cái này, những điều tôi sẽ nói sau đây sẽ không nhiều ý nghĩa.


Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khai giảng - Ảnh: Thảo Anh

Muốn đào một cái giếng sâu thì miệng giếng phải rất to

Bởi vì khi đào sâu xuống, đường kính phải nhỏ dần lại. Các em muốn sau này nghiên cứu sâu, bây giờ phải học rộng, phải đọc rộng. Chương trình đại học phải học nhiều môn cũng là có ý này. Hãy rộng trước rồi sâu sau.

Hỏi để học

Các cụ nhà mình nói: Học hỏi. Đa số các nước khác là không có từ này.

Hỏi là tư duy. Học mà không hỏi là học mà không tư duy.

Hỏi là tiêu hoá, học là ăn. Học mà không hỏi là ăn mà không tiêu hoá.

Hỏi là tìm cái gốc. Học là cái ngọn. Học mà không hỏi là có ngọn mà không có gốc.

Hỏi là để hiểu. Học là để nhớ. Nhớ nhiều mà không hiểu gọi là học vẹt.

Hỏi là làm cho ít đi. Học là làm cho nhiều lên. Ít đi thì nhớ, nhiều lên thì không nhớ. Người uyên thâm thì bao giờ cũng tìm đến sự ít.

Hỏi để sinh ra tri thức mới. Học là nhận vào tri thức cũ. Học sinh mà hỏi thì giáo viên sẽ tư duy và vì thế mà sinh ra tri thức mới. Người giáo viên đến lớp mỗi ngày thấy thú vị là do học sinh hỏi. Không có sự thú vị mỗi ngày, bài giảng cũng không hay được. Vậy là bằng cách hỏi, các em đã biến lớp học thành một môi trường sáng tạo.

Hỏi là để giáo viên học ở học sinh. Học là để học sinh học ở giáo viên.

Thời 4.0, bác Google sẽ không nói gì nếu chúng ta không hỏi. Hỏi mà không trúng thì bác ấy cũng nói những thứ không liên quan, tức là rác. Hỏi mà trúng thì bác ấy cái gì cũng biết.

Bởi vậy, thời 4.0 hỏi là việc đầu tiên của học.

Hành để học

Các cụ nhà mình nói: Học hành. Đa số các nước khác cũng không có từ này.

Học mà không hành gọi là học suông. Ăn đầy mà cái bụng vẫn rỗng.

Học rồi hỏi thì hiểu. Nhưng chỉ có hành thì mới ngộ ra. Ngộ là khi kiến thức thành của mình. Học mà không hành, kiến thức vẫn là của người khác.

Người phương Tây dùng lý luận, dùng tranh cãi để hiểu. Người phương Đông làm và thông qua làm để hiểu. Qua hành đạo mà trở nên hiền triết, mà ngộ đạo. Bởi vậy mà hành càng quan trọng hơn với người phương Đông. Chắc cũng vì vậy mà có từ  “học hành”.

Học thì không biết mình cần học gì thêm nữa. Hành mới biết mình thiếu gì, cần học gì thêm. Học mà không hành, luôn thấy thừa. Học mà hành, thấy mình luôn thiếu. Thiếu là điều kiện đầu tiên của học.

Học là thầy dạy, trò nghe. Và vì vậy, trò khó mà giỏi hơn thầy.

Hành là trò làm thầy xem. Và vì vậy mà trò có thể giỏi hơn thầy. Nó giống như huấn luyện viên thể thao. Trò có thể đá bóng giỏi hơn huấn luyện viên.

Sách mà ít thì học trước rồi hành sau là đúng. Sách mà nhiều như bây giờ thì làm trước để biết mình thiếu gì, rồi tìm sách mà đọc.

Bây giờ vì thế mà hành trước rồi học sau.

Vậy hãy hành nữa, hành mãi, học nữa, học mãi.

Khởi nghiệp để khai phóng năng lượng con người

Khởi nghiệp là một áp lực lớn. Thường áp lực lớn mới khai phóng hết năng lực của con người. Tài nguyên của một quốc gia chính là những năng lực chưa được khai phóng này. Quốc gia nào khai mở được thì quốc gia đó hùng cường thịnh vượng. Khởi nghiệp là một cách để giải phóng tiềm năng con người.

Đài Loan cứ 16 người là có một doanh nghiệp. Nếu Việt Nam cũng vậy, chúng ta phải có tới 6 triệu doanh nghiệp. Bây giờ mới có chưa đến 1 triệu. Tức là còn 5 triệu doanh nghiệp nữa đang chờ các em khởi nghiệp đó.

Thời chiến người lính xung trận, đánh kẻ xâm lăng bảo vệ tổ quốc. Thời bình doanh nhân xung trận, làm cho nước giàu mạnh, cường thịnh để không kẻ thù nào dám đến xâm phạm. Vậy là doanh nhân cũng bảo vệ tổ quốc. Cách bảo vệ tổ quốc của họ là không để cho kẻ xâm lăng nào dám đến.

Nếu hiểu lập nghiệp là hành, thì lập nghiệp cũng giống như đi học vậy. Hành để biết mình không biết rồi từ đó mà học để biết. Vậy lập nghiệp là cách học tốt nhất. Nhưng đây là cách học mở mang bờ cõi.

Đi làm thuê thường được bảo phải làm gì. Doanh nhân thì phải nghĩ ra việc mà làm. Tuy người làm công không phải nghĩ ra việc, nhưng phải đợi người khác bảo làm gì. Nếu các bạn thuộc nhóm người đợi chờ, các bạn không nên lập nghiệp.

Lập nghiệp nên tiêu tiền của ai? Tiêu một đồng của mình, thường cẩn trọng và hiệu quả hơn hàng chục lần so với tiền của người khác. Dùng đồng tiền cẩn trọng và hiệu quả là điều kiện đầu tiên của một doanh nhân. Vậy đầu tiên hãy dùng những đồng tiền ít ỏi của mình mà lập nghiệp. Chỉ dùng tiền của người khác khi đã thử, đã thấy cơ hội.

Người khởi nghiệp luôn có nỗi sợ mình nhỏ. Nhưng sức mạnh lớn nhất của khởi nghiệp lại là nhỏ. Nhỏ thì trong tổ chức không có tầng nấc, không có các loại qui định quan liêu, không phải chia việc này của ai. Một tổ chức lớn mất đến 40% năng lượng cho những việc không tạo ra giá trị. Nhỏ thì chi phí thấp, to thì chi phí cao. Vậy hãy đừng sợ Apple, đừng sợ Viettel. Bởi nỗi sợ đang ám ảnh họ từng ngày chính là sự quan liêu của bộ máy to. Họ đang mong có được sự hiệu quả, linh hoạt của một công ty khởi nghiệp, mà mãi vẫn không có lời giải.

Khởi nghiệp có cần nhiều người không? Khởi nghiệp mà càng ít người càng tốt. Bill Gates, Steve Jobs, Elon Musk đều khởi nghiệp từ 2-3 người. 2-3 người như một gia đình. Sức mạnh gắn kết, hy sinh thì không gì bằng gia đình. To ra không còn được như vậy nữa.

Mình lập nghiệp bây giờ là muộn thì còn cơ hội gì không? Cái may là con người luôn đi tìm cái mới, thị trường luôn háo hức với cái mới. Các công ty lớn lại chậm chạp với cái mới. Tuổi thọ trung bình của các doanh nghiệp ngày nay chỉ còn 20. Ngay cả 500 công ty lớn nhất trong Fortune 500, sau 10 năm cũng chỉ còn lại một nửa. Thế giới tồn tại được là do cái chết. Sự sáng tạo vĩ đại nhất là cái chết. Bạn có một ý tưởng mới đúng, tức là bạn đang chuẩn bị thay thế Facebook, Youtube đấy. Hãy nhìn TikTok mà xem. Khi Facebook và Youtube dài lê thê, TikTok lại ngắn nhất có thể.

Đi tìm một ý tưởng mới để lập nghiệp có khó không? Sẽ là rất khó nếu bạn sinh ra vào một thời bình yên. Nhưng sẽ dễ hơn rất nhiều nếu bạn sinh ra vào thời của một cuộc cách mạng công nghiệp mới, cách mạnh số. Khi một cuộc cách mạng xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Những kẻ đang thành công lớn sẽ có xu thế làm như ngày hôm qua. Các bạn chỉ cần làm ngược lại với họ. Các bạn cứ nhìn ra xung quanh 10 năm gần đây mà xem, cơ bản là như vậy đấy.

Lập nghiệp với nguồn lực bé nhỏ, làm sao mà nghiên cứu thị trường, làm sao mà mang sản phẩm đi test hàng ngàn người được? Các bạn không nhất thiết phải làm điều này. Các bạn đang có một nhu cầu cháy bỏng nào đó, hãy lập nghiệp để đáp ứng chính nhu cầu của mình, vì bạn mà có nhu cầu, rất nhiều người cũng như vậy. Con người là thế giới thu nhỏ, hãy nghiên cứu mình để thấy thế giới rộng lớn. Bạn làm ra sản phẩm và chính bạn hãy dùng đi, bạn là người khó tính, bạn thoả mãn với sản phẩm, tức là sản phẩm đã xuất sắc. Một sản phẩm xuất sắc sẽ không cần đến nghiên cứu thị trường, cũng không cần test ai cả, mọi người sẽ thích, sẽ háo hức đón chờ. iPhone là một sản phẩm như vậy. Nhưng điều kiện ở đây, bạn phải là người khó tính. Khó tính đến khó chịu như Steve Jobs vậy. Ở mức xuất sắc, bạn chính là thế giới. Ở mức trung bình, bạn chắc sẽ phải nghiên cứu thị trường.

Truyền thống ngày khai giảng

Hàng năm, Học viện nên mời người nổi tiếng đến làm diễn giả ngày khai giảng, phát biểu, trao đổi, giao lưu để gây cảm hứng cho sinh viên, cho thầy cô. Và làm cho sự kiện này trở lên được mong chờ hàng năm và thành truyền thống của Học viện.

Mỗi năm nên chọn một chủ đề.

Cuối cùng, tôi xin chúc năm học 2022-2023 của Học viện có nhiều đổi mới thú vị để giúp cho việc học rộng, học sâu, học hỏi, học hành và tinh thần khởi nghiệp của sinh viên được kết quả tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

'CÁI MIỆNG GIẾNG' CỦA BỘ TRƯỞNG THÔNG TIN

TƯ GIANG /TVN 26-10-2022

“Muốn đào một cái giếng sâu thì miệng giếng phải rất to” - câu nói này của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được viral rất mạnh trên mạng xã hội với đủ cung bậc cảm xúc hôm qua.

Là một nhà báo vừa theo dõi các vấn đề vĩ mô, vừa chơi mạng xã hội, tôi thấy hiện tượng này khá thú vị và dường như ít khi diễn ra với một bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đương chức. Với những tút mang lại cảm xúc tiêu cực, tôi không rõ ông ấy có phiền không nhưng có điều chắc chắn, ông ấy không lạm dụng quyền lực của mình.

Trên thực tế, ông bộ trưởng nói câu trên với các tân sinh viên trong bối cảnh là lễ khai giảng năm học 2022-2023 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vào ngày 19/10.

Ông lý giải câu trên như thế này: “Bởi vì khi đào sâu xuống, đường kính phải nhỏ dần lại. Các em muốn sau này nghiên cứu sâu, bây giờ phải học rộng, phải đọc rộng. Chương trình đại học phải học nhiều môn cũng là có ý này. Hãy rộng trước rồi sâu sau!”.

Đặt câu đó trong bối cảnh đầy đủ như trên thì thấy, đó là lối nói ví von để dễ hiểu, dễ nhớ với các bạn sinh viên trẻ tuổi; khuyến khích họ học rộng, đọc rộng những năm đầu đại học để sau này tập trung chuyên sâu.


Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khai giảng. Ảnh: Thảo Anh

Một facebooker bênh Bộ trưởng: “Thật ra câu này là trong cuốn 'Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới'. Nó là ý tưởng của giáo sư Saito Takashi ví việc đọc sách như đào giếng, muốn sâu cần rộng, đã rộng dần dần sẽ sâu”.

Xin mở ngoặc là tôi cũng thường xuyên khuyên con trai tôi, một sinh viên của trường Fulbright ở TP.HCM, như vậy. Tôi nói, con còn trẻ và đầy năng lượng, con hãy học thật nhiều, học đến kiệt quệ đi trong mấy năm đầu để sau này tập trung vào chuyên ngành con chọn.

Tức là câu trên là lời khuyên học hành chứ đâu phải chuyện đào giếng, dựng nhà!

Xin trích lại mấy câu chuyện mà ông ấy kể khi đối thoại với các bạn sinh viên ngay sau lễ khai giảng.

Dẫn chứng thành công của CEO Meta, công ty sở hữu Facebook, Mark Zukerberg, Bộ trưởng nói khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những thứ lớn lao, cần nhiều kinh nghiệm hay nguồn vốn lớn bởi quan trọng nhất của khởi nghiệp là ý tưởng mới lạ, độc đáo. “Những ý tưởng mới không xuất phát từ kinh nghiệm. Kinh nghiệm cho ta biết đúng sai nhưng cũng là gánh nặng trên vai, làm cho tư duy hạn hẹp lại. Thường có những ý tưởng mới, độc đáo thì lại không cần nhiều tiền phát triển".

“Con người thường chỉ cố gắng khi có áp lực. Khi chúng ta gặp một việc khó, làm việc khó thì chúng ta trở nên giỏi, chúng ta làm việc vĩ đại thì trở nên vĩ đại. Sinh viên ra trường tìm đến những nơi làm việc có áp lực lớn, thường áp lực thì tốt hơn, nhất là người trẻ có nhiều năng lượng”.

"Cá nhân tôi lúc đang làm gì thì chú tâm vào làm việc đó tốt thôi. Cũng không đặt mục tiêu quá lớn lao. Đi học thì tập trung vào học cho tốt, thậm chí là học tốt tất cả các môn. Khi ra trường vào làm việc tại viện nghiên cứu thì cũng làm tốt việc của mình, và đến khi ra làm doanh nghiệp cũng vậy. Đến lúc làm Bộ trưởng cũng vậy, chỉ chú tâm vào việc đang làm và làm tốt nhất".

Đó toàn là những lời khuyên, mà tôi nghĩ là chân thành, hữu ích và từ trái tim của ông ấy, cho thế hệ sinh viên trẻ tuổi.

TG

LẠI NGÔN TỪ CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HÙNG
TRÂN VĂN th/TD 29-10-2022

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (TTTT) – lại khuấy động dư luận khi ví von: Muốn đào một giếng sâu thì miệng giếng phải rất to (1) lúc tham dự lễ khai giảng niên khóa mới tại Học viện Bưu chính Viễn thông.
Từ khi đảm nhận vai trò Bộ trưởng TTTT, ông Hùng đã nhiều lần khuấy động dư luận vì những tuyên bố, nhận định kiểu như: Đói khát là một lợi thế (2). Hay... Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới và mang thế giới về Việt Nam (3),...
Ông Hùng cũng là người nói không ngưng nghỉ về “công nghệ 4.0”, về “số hóa”,... nhưng suốt hai năm 2020 và 2021, các ứng dụng hỗ trợ phòng ngừa kiểm soát COVID-19 vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của ông đã trở thành một loại thảm họa khác (4)...
Lần này, huấn từ “giếng sâu – miệng to” tiếp tục làm ông Hùng… “nổi tiếng.”
***
Từ... “lời dạy” của ông Hùng, Ba Kiem Mai cố gắng lý giải vì sao ông Hùng lại... mạnh dạn... “dạy”... hùng hồn như thế: Có lẽ ông Hùng mường tượng thợ đào giếng phải mở miệng giếng rất to rồi sau đó mới đào sâu xuống và đáy giếng hẹp dần và nhận xét: Phép so sánh rất hình tượng, trực quan ... hệ và sinh động ... đậy nhưng sai về thuyết “cơ ứng dụng”. Ba Kiem Mai giải thích: Đào giếng không giống như vạt núi, lấp vực để làm nên đường đèo, tạo ra các bờ vực và vách núi có độ nghiêng (để chống sạt lở) gọi theo tiếng Pháp là taluy (bờ vực là taluy âm, vách núi là taluy dương). Thợ đào giếng không bao giờ mở cái miệng giếng có đường kính rất to, rồi đào hẹp dần xuống đáy giếng, vì như vậy dung tích chứa nước ngầm không bao nhiêu, mà mất nhiều đất trên bề mặt. Thậm chí họ làm ngược lại, miệng giếng nhỏ hơn đáy giếng (thí dụ đường kính miệng 1,8m,/đường kính đáy 3m) để chứa nhiều nước. Họ đóng hai trụ đỡ một tay quay ròng rọc, rồi kiềng (hay niềng) miệng giếng bằng ống cống để chống lở, sạt đất. Họ đào xuống sâu và rộng dần, đổ đất vào gàu, ở trên có người quay tời kéo lên đổ bỏ đất. Đó là cách đào tay… (5)!
Khác Kiem Ba Mai, Nguyễn Thị Bích Hậu không kể tới ông Hùng mà chỉ đề cập đến... một ông “dạy”... “phải tạo miệng rất to để có một cái giếng sâu” nhằm khuyến khích học trò học hành. Theo Hậu... Ổng nói vậy vì ổng chưa đào giếng hay chưa bao giờ coi đào giếng - luôn đào hố hố nhỏ trước, có nước mới đào rộng ra và xây thành cho chắc chắn. Không ai ngay từ đầu đào một cái miệng giếng to đùng vì không có nước sẽ phải bò ra lấp. Giếng sâu cũng vậy. Chỉ vùng nào cằn cỗi, mạch nước quá sâu mới phải lao vào mà đào còn đào xuống chút xíu nước đã phun hà rầm thì ngu chi đào sâu và to cho khổ. Tuy nhiên đào giếng đã lạc hậu rồi. Tìm cái hố có sẵn làm giếng rồi thả con ếch vô là ngon. Khi nào mất ngủ nằm nghe con ếch ở đáy giếng nó hót nghe cũng thú lắm nha (6).
Giống Nguyễn Thị Bích Hậu, Nguyễn Thùy Dương không đả động gì đến ông Bộ trưởng TTTT mà chỉ nói khơi khơi: Có nhiều bậc cha mẹ, thầy cô lấy lãnh đạo làm hình mẫu cho học sinh. Học sinh non nớt nghe ông này bà kia thì nghĩ tính xác thực cao. Mặc nhiên, trang giấy trắng bắt đầu được viết những dòng đầu tiên về định dạng cuộc đời và niềm tin. Rồi tụi học trò sẽ học được gì từ những hình mẫu như chú Hùng té… à nhầm….. chú Hùng đào giếng, chú Diên (Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Công Thương) tầm nhìn buôn lậu. Kiến thức sinh tồn còn sai thì hỏi sao càng ngày xã hội càng đi xuống. Cha mẹ, thầy cô nên suy nghĩ chọn hình mẫu khác để con học tập. Học cán bộ rồi năm, mười năm cán bộ đăng nhập đội tuyển an ninh 24/7 thì khổ. Chẳng hạn trường hợp chú Long cựu Chưởng môn phái Y tế chỉ hai năm đã phải đăng nhập rồi thấy hôn? Ở miền khác sao thì tui không biết, ở miền Nam đào giếng miệng rộng dễ sạt miệng với bị... té giếng lúc xách nước lắm (7).
***
Cũng từ ví von: Muốn đào một giếng sâu thì miệng giếng phải rất to... Thái Hạo so sánh về hiệu quả đào giếng – phụ thuộc vào công cụ và cho rằng: Thứ có tính quyết định đối với việc đào cạn hay sâu không nằm ở miệng to hay nhỏ mà ở “công cụ lao động”. Đối với giáo dục thì cũng thế, thứ quan trọng nhất, quyết định chất lượng đào tạo và học hành của sinh viên là công cụ, chứ không phải học rộng cỡ nào. Công cụ đó là gì? Là tư duy. Dạy học là dạy tư duy, học là học “phương pháp học”. Nếu không có công cụ tư duy đúng đắn, phù hợp thì dù học rộng đến mấy cũng không thể sâu được, có khi còn gây họa như đào giếng sai cách mà ông Hùng đã chỉ giáo. Một nền giáo dục đúng đắn, tiến bộ phải coi trọng tư duy, lấy tự do làm nền tảng, dùng trao đổi - đối thoại làm phương pháp. Tất cả những cái này được đặt trên những hiểu biết phổ quát về triết học (chính trị học, đạo đức học, logic học, mỹ học...), tôn giáo... “Điều kiện cần” để sinh viên có thể phát triển bản thân chính là những thứ “tư liệu sản xuất” này.
Thái Hạo nhấn mạnh: Trong khi kêu gọi sinh viên “hãy rộng trước rồi sâu sau” nhưng vẫn hạn chế tự do, bóp nghẹt tư duy, ngăn cản phản biện, nhồi nhét - giáo điều, thì đó chỉ là nói cho có, nói lấy được. Đó là cách nói phủi bỏ trách nhiệm (phải tạo môi trường lành mạnh cho giáo dục và học thuật) và dồn hết lên vai sinh viên trong khi họ hoàn toàn không thể tự quyết định được. Không giao đất mà bắt trồng cây lấy gỗ thì thánh cũng phải bó tay. Trước khi nói sinh viên phải học như thế nào, ông Hùng và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hãy làm công việc thuộc về trách nhiệm của mình trước là trao lại “công cụ lao động” và “tư liệu sản xuất” cho người học. Xin đừng cao đạo mà nói cho sướng miệng nữa (😎)
Không tán thành việc nhiều người chỉ xoay quanh chuyện đào giếng, Võ Võ Tuyên Tuyên bảo rằng: Mấu chốt nằm ở chỗ ông Hùng... CHÔM và XÀO lại ý tưởng của Kim Woo Chung - một doanh nhân Hàn Quốc nổi tiếng.
Kim Woo Chung là người sáng lập Daewoo, một trong những tập đoàn kinh tế hùng mạnh của Hàn Quốc. Ông đề cập đến việc muốn đào giếng sâu trước tiên phải đào rộng khi trò chuyện với giới trẻ Hàn Quốc kèm lý giải...
Điều bây giờ tôi lo nghĩ là chúng ta quá bận tâm tới việc đào giếng càng nhanh càng tốt và chúng ta quên đi chiều sâu. Muốn đào đủ sâu bạn cần phải có một khoảng trống đủ rộng trước khi đào. Tuy nhiên chiều sâu và chiều rộng phải tỷ lệ nghịch với nhau. Nếu bạn muốn chiều sâu giếng tương ứng với chiều rộng thì bạn sẽ gặp khó khăn ngay. Muốn đào sâu bạn cần đủ chiều rộng. Mọi vật không phải luôn theo chiều hướng này nhưng đó là nguyên tắc cơ bản cần áp dụng đầu tiên. Nếu bạn chỉ nghĩ đến chiều sâu thì chỉ cần đào sâu một chút, bạn sẽ thấy rằng bạn không thể xuống sâu hơn nếu không có đủ chiều rộng cần thiết. Vì thế hãy tạo cho mình khoảng trống đủ rộng trước khi bắt đầu đào. Lúc đó bạn có thể cảm thấy thoải mái để đào sâu. Hãy trở thành chuyên gia, chuyên viên nhưng không tới mức độ trở thành đui mù với mọi thứ khác. Dù chuyên môn của bạn là gì đi nữa thì bạn cũng cần có tầm hiểu biết chung đủ rộng, lúc đó bạn mới là người có văn hoá, có tri thức (9)...
***
Biết nói gì đây với ông Hùng khi thiên hạ đã nói với ông đủ thứ từ khi ông trở thành Bộ trưởng TTTT và thích chứng tỏ ông vừa... “mạnh”, vừa... “hùng” nhưng những tuyên bố xủng xoẻng, khuấy động dư luận ấy chỉ cho thấy, đến giờ ông vẫn... chưa giống ai!
Chú thích

OAN VÀ KHÔNG OAN...

VÕ VÕ TUYÊN TUYÊN/ FB 26-10-2022


Mấy hôm nay dân mạng FB đồng thanh lên tiếng về vụ ông Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có lời khuyên cho thế hệ trẻ. Rằng: "Muốn đào cái giếng sâu thì miệng giếng phải rất to". Với đủ kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm sống...mọi người ra sức chứng minh là ông bộ trưởng nói sai, không hiểu gì về chuyện đào giếng. He he...
Nhưng thực tế câu chuyện không phải mấu chốt tranh cãi về đào giếng đúng hay sai,mà chí ít là ổng....CHÔM và XÀO lại ý tưởng từ một Doanh nhân nổi tiếng Hàn Quốc: Kim Woo Chung, nhà sáng lập nên một trong những tập đoàn kinh tế hùng mạnh của Hàn Quốc có tên Daewoo. Câu chuyện "muốn đào giếng sâu thì trước tiên phải đào rộng đã" đã được ông đưa vào khi nói chuyện với giới trẻ Hàn Quốc. Ông KIM WOO CHUNG lý giải:
- Điều mà tôi lo nghĩ bây giờ là chúng ta quá ư bận tâm tới việc đào cái giếng càng nhanh càng tốt và chúng ta lại quên đi chiều sâu. Muốn đào đủ sâu bạn cần phải có một khoảng đất đủ rộng trước khi đào. Tuy nhiên chiều sâu và chiều rộng phải tỷ lệ nghịch với nhau. Nếu bạn muốn chiều sâu giếng tương ứng với chiều rộng thì bạn sẽ gặp khó khăn ngay.
Muốn đào được giếng sâu bạn cũng cần đủ chiều rộng
Mọi vật không phải luôn theo chiều hướng này, tuy nhiên đó là nguyên tắc cơ bản áp dụng trước tiên. Nếu bạn thực sự muốn đào sâu thì trước tiên phải đào rộng. Nếu bạn chỉ nghĩ đến chiều sâu thì dường như với nhát xuổng đầu tiên bạn sẽ có thể đào được đủ sâu nhưng chỉ cần đào sâu hơn chút nữa thì bạn sẽ thấy rằng là bạn không thể xuống sâu hơn nữa nếu không có chiều rộng cần thiết.
Vì thế nên hãy tạo cho mình khoảng rộng trước khi bắt đầu đào. Lúc đó bạn có thể cảm thấy thoải mái về việc đào sâu. Hãy trở thành chuyên gia, chuyên viên nhưng không tới mức độ trở thành đui mù với mọi thứ khác. Dù chuyên môn của bạn là gì đi nữa thì bạn cũng có tầm hiểu biết chung đủ rộng lúc đó bạn mới là người có văn hoá, có tri thức.
HEHE....Tiếc thay khi ông Hùng Bộ Trưởng"sử dụng lại" ý tưởng này...thì mọi người chỉ soi về....CHUYỆN ĐÀO GIẾNG!!!!

Võ Võ Tuyên Tuyên



GIÁO DỤC: LÀM SAO ĐỂ ĐÀO ĐƯỢC MỘT CÁI GIẾNG SÂU?
THÁI HẠO/ FB 26-10-2022

(Tus này không nói chuyện đào giếng, mà là chuyện giáo dục)
Trong buổi lễ khai giảng năm học 2022-2023 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ông BT Bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng dạy sinh viên rằng: “Muốn đào một cái giếng sâu thì miệng giếng phải rất to”, có đúng thế chăng?
Như bài trước tôi đã nói, việc đào được sâu hay không không phụ thuộc vào độ rộng của miệng giếng, mà quyết định bởi “tư liệu sản xuất”. Nếu đào bằng cuốc mà muốn cho sâu thì đúng là phải mở miệng giếng rộng. Nhưng dù thế, đào bằng cuốc cũng chỉ sâu được nửa mét là cùng, vả lại không ai đi đào giếng bằng cuốc bao giờ cả! Đào giếng là đào bằng xẻng (với lớp đất mặt còn mềm), xuống sâu và gặp đá thì dùng thuổng, xà beng..., thậm chí còn phải đánh mìn. Người đào giếng chuyên nghiệp sẽ có 2 loại dụng cụ chính là một chiếc xà beng và một cây xẻng (cán ngắn), dùng xà beng đào đất đá ra, rồi lấy xẻng xúc bỏ vào xô, cho người ở trên kéo lên. Hiện đại hơn thì có thêm máy phá bê tông để đục đá cứng.
Ngày nay, người ta dùng máy để khoan nên giếng chỉ là một đường ống có đường kính chừng 20cm mà có khi sâu tới cả trăm mét. Đó là do công cụ đào đã thay đổi, từ xà beng và xẻng, chuyển sang mũi khoan máy. Tóm lại, cái chi phối có tính quyết định đối với việc đào được cạn hay sâu không nằm ở miệng to hay nhỏ, mà là ở “công cụ lao động”.
Đối với giáo dục thì cũng thế, quyết định chất lượng đào tạo và học hành của sinh viên thì công cụ mới là quan trọng nhất, chứ không phải anh học rộng tới bao nhiêu. Công cụ đó là gì? Là tư duy. Dạy học là dạy tư duy, học là học “phương pháp học”. Nếu không có công cụ tư duy đúng đắn, phù hợp thì dù có học rộng đến mấy cũng không thể sâu được, có khi còn gây họa như đào giếng sai cách mà ông Hùng đã chỉ giáo.
Một nền giáo dục đúng đắn, tiến bộ phải coi trọng tư duy, lấy tự do làm nền tảng, dùng trao đổi - đối thoại làm phương pháp. Tất cả những cái này được đặt trên những hiểu biết phổ quát về triết học (chính trị học, đạo đức học, logic học, mỹ học...), tôn giáo... “Điều kiện cần” để sinh viên có thể phát triển bản thân chính là những thứ “tư liệu sản xuất” này.
Trong khi kêu sinh viên “Hãy rộng trước rồi sâu sau” nhưng vẫn hạn chế tự do, bóp nghẹt tư duy, ngăn cản phản biện, nhồi nhét - giáo điều, thì đó chỉ là nói cho có, nói lấy được. Nó là cách nói phủi bỏ trách nhiệm (phải tạo môi trường lành mạnh cho giáo dục và học thuật), và dồn hết lên vai sinh viên trong khi họ hoàn toàn không thể tự quyết định được. Không giao đất mà bắt trồng cây lấy gỗ thì đến thánh cũng phải bó tay.
Trước khi nói sinh viên phải học như thế nào, ông Hùng và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hãy làm công việc thuộc về trách nhiệm của mình trước đã, là trao lại “công cụ lao động” và “tư liệu sản xuất” cho người học. Xin đừng cao đạo mà nói cho sướng miệng nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét