Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

20221025. BÌNH LUẬN VỀ ĐẠI HỘI 20 ĐẢNG CSTQ

ĐIỂM BÁO MẠNG


THẤY GÌ QUA HÌNH ẢNH HỒ CẨM ĐÀO…

LƯU TRỌNG VĂN/ FB 23-10-2022


Hình ảnh Hồ Cẩm Đào 79 tuổi, nguyên lãnh đạo tối cao của Trung Quốc bị xốc dậy đưa ra khỏi Đại hội đảng CS Trung Quốc gây chấn động dư luận thế giới.
Đáng sợ không bởi một nguyên thủ QG lừng lẫy một thời bị xốc đi, mà đáng sợ bởi sự lạnh lùng, không bất cứ một biểu hiện cảm xúc nào của các lãnh đạo đảng ngồi xung quanh. Không bất cứ ai thèm nhìn theo ông Hồ dù chỉ để gật đầu chào.
Vì sao?
Chắc không tự dưng.
Tân hoa xã đưa tin ông Hồ được đưa ra nghỉ vì lý do sức khoẻ. Ai đã coi clip ông Hồ bị xốc nách đưa ra ngoài đại hội đều thấy rõ Tân hoa xã đã nói dối. Bởi nếu ông Hồ bị mệt phải đưa đi chăm sóc sức khoẻ thì thái độ của ông Tập và các lãnh đạo ngồi quanh ông không thể lạnh lùng, ghẻ lạnh như thế.
Thái độ ghẻ lạnh, vô lễ với người lãnh đạo trước đây của mình của ông Tập, thể hiện giữa ông Tập và ông Hồ có những bất đồng sâu sắc. Và bất đồng này tất cả cấp dưới của ông Tập đều biết, nên họ cùng tỏ thái độ thờ ơ với ông Hồ.
Một clip nội bộ rất nhạy cảm được tung ra cố tình, với mục đích khẳng định ông Tập đã ở vị thế mới quyền lực tuyệt đối không thua kém Mao trước đây. Sự khẳng định ấy đồng nghĩa với việc cáo chung hội nghị lão thành Bắc Đới Hà. Từ nay Tập không còn bị sức ép của bất cứ ai. Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân chính thức khép lại mọi ảnh hưởng đối với Tập.
Chắc chắc sau đại hội này sẽ có làn sóng tung hô Tập, học tập trước tác tư tưởng của Tập. Chắc chắn bất cứ ai không hài lòng với Tập, chống Tập sẽ bị đấu tố bởi đám hồng vệ binh- dư luận viên thế hệ mới, và bị đàn áp không khoan nhượng.
Trung Quốc chính thức sa vào cuộc đấu mới nhân danh ổn định để phát triển.
Mâu thuẫn nội bộ đảng CS Trung Quốc có thể tạm yên. Nhưng mâu thuẫn giữa khát vọng Dân chủ của người dân Trung Quốc với đảng CS Trung Quốc sẽ không bao giờ chấm dứt.

LTV

VÀI KẾT LUẬN NHÃN TIỀN RÚT RA TỪ ĐẠI HỘI 20 ĐẢNG CS TRUNG QUỐC

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 23-10-2022

clip_image002

Hôm nay Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (BCH TƯ ĐCS TQ) khoá 20 sẽ có phiên hội nghị thứ nhất để bầu Tổng bí thư (TBT), 25 Uỷ viên Bộ chính trị (UV BCT) và 7 Uỷ viên Thường vụ (UVTV) BCT. Chưa bầu cũng biết ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục là TBT và Chủ tịch TQ nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, bất chấp điều khoản giới hạn 2 nhiệm kỳ mà các TBT tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cầm Đào phải tuân thủ. Xa hơn nữa, Đại hội 20 ĐCS TQ mở đường cho ông Tập trở thành lãnh tụ trọn đời, vượt qua cả Đặng Tiểu Bình, có quyền lực lớn nhất kể từ Mao.

Muốn hay không muốn, các nước láng giềng, và cả bàn cờ chính trị thế giới, phải đối mặt với ông Tập Cận Bình trong 5 năm nữa. Vì thế, từ cách hành xử và vị thế của ông Tập Cận Bình trong Đại hội 20 ĐCS TQ, nên rút ra các biện pháp đối phó.

1.

Ông Hồ Cẩm Đào TBT ĐCS và Chủ tịch TQ 2 nhiệm kỳ (8-14/11/2002- 8-14/11/2012), dù cưỡng lại, nhưng đã bị xách nách, ép buộc rời khỏi hội trường Đại hội 20 ĐCS TQ trong phiên bế mạc, trước lúc biểu quyết các nghị quyết của đại hội. Video quay lại cho thấy ông Hồ Cẩm Đào ngồi ngay bên trái ông Tập Cận Bình. Thủ tướng Lý Khắc Cường ngồi bên phải ông Tập. Khi bị xách nách kéo lên, ông Hồ Cẩm Đào đã cưỡng lại, sau đó đưa tay vớ tài liệu của ông Tập, ông Tập đưa tay ra giữ lại. Nhân viên phục vụ chặn tay ông Hồ Cẩm Đào. Khi không cưỡng lại được, bị áp tải đi, ông Hồ Cẩm Đảo cúi xuống nói với ông Tập điều gì đó, vỗ vai ông Lý Khắc Cường, sau đó đi khá nhanh, thẳng người, không có chút nào biểu hiện sức khoẻ yếu. Hành động cưỡng bức áp tải cựu TBT Chủ tịch Hồ Cẩm Đào diễn ra cạnh ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường, trước mắt và trong sự im lặng của 2295 đại biểu.

Tại sao ông Tập Cận Bình lại đối xử với ông Hồ Cẩm Đào như vậy? Ông Hồ Cẩm Đào là ân nhân của ông Tập Cận Bình. Ông Hồ Cẩm Đào đã đưa ông Tập Cận Bình vào BCT và vào thẳng UV TV BCT ngay tại đại hội 17 (2007), sau đó đặt ông Tập Cận Bình vào vị trí TBT và Chủ tịch TQ tại đại hội 18 (2012).

Không biết vô tình hay cố ý, sự áp tải ông Hồ Cẩm Đào diễn ra khi đã cho phép các phóng viên nước ngoài vào dự khán phiên bế mạc, nên video mới lọt ra ngoài. Còn truyền thông nhà nước TQ thì đưa tin ông Hồ Cẩm Đào rời phòng họp với lý do “cảm thấy sức khoẻ yếu”.

Có 4 điều quan trọng nhãn tiền rút ra từ biến cố trục xuất cưỡng bức ông Hồ Cẩm Đào.

a/. Ông Tập Cận Bình bất chấp ơn huệ, tình nghĩa của bậc tiền bối đã đưa ông Tập lên ngôi quyền lực cao nhất TQ.

b/. Ông Tập Cận Bình cũng không đếm xỉa đến sĩ diện và uy tín của ông Hồ Cẩm Đào từng giữ vị trí Chủ tịch TQ trong suốt 10 năm. Vụ trục xuất cưỡng bức ông Hồ Cẩm Đào là hành động sỉ nhục ông Hồ Cẩm Đào, đồng thời cũng chẳng đoái hoài đến thanh danh của vị trí TBT và Chủ tịch TQ. Đó là màn kịch chưa từng xảy ra trong các kỳ đại hội ĐCS TQ từ khi nước CHND Trung Hoa ra đời vào ngày 1 tháng 10 năm 1949.

c/. Vụ trục xuất cưỡng bức ông Hồ Cẩm Đào trước hết là để cho kết quả biểu quyết bằng giơ tay về các nghị quyết đại hội 20 suy tôn vai trò trung tâm hạt nhân của ông Tập Cận Bình không thể có một phiếu nào chống đối.

c/. Đó còn là hành động để dằn mặt tất cả những ai có ý định chống lại ông Tập, dọn đường cho ông Tập giữ ngôi thống trị TQ trọn đời.

Bài học rút ra từ màn trục xuất cưỡng bức ông Hồ Cẩm Đào:

Đối với ân nhân và với vị thế oai phong của bậc tiền bối TBT - Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào mà ông Tập Cận Bình còn hành xử như vậy, thì các “đồng chí nước ngoài” đừng cậy nhờ vào tình giai cấp quốc tế, càng không thể chờ mong vào cùng chung ý thức hệ, càng không thể cậy trông vào tình nghĩa, ơn huệ, hay xu nịnh, van lơn. Trong tâm niệm của ông Tập Cận Bình, chỉ có quyền lực và lợi ích. Đó là quyền lực và lợi ích của cá nhân ông Tập Cận Bình, bao gồm quyền lực và lợi ích của quốc gia ông cai trị.

2.

Điều khoản giữ quyền thống nhất Đài Loan bằng bạo lực được đưa vào điều lệ ĐCS TQ cho thấy ông Tập Cận Bình không từ bỏ bạo lực trong giải quyết xung đột quốc tế. Từ đó để thấy tranh chấp ở Biển Đông với TQ phải được chuẩn bị như thế nào. TQ sẽ luôn dùng bạo lực để đe doạ và khuất phục đối thủ yếu trong tranh chấp ở Biển Đông.

3.

Quy định TBT không quá 2 nhiệm kỳ trong điều lệ ĐCS TQ có hiệu lực với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào nhưng lại vô nghĩa đối với Tập Cận Bình. Thêm một lần minh chứng, với các nhà độc tài như Stalin, Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình… điều lệ ĐCS là công cụ để mở rộng quyền lực, bắt đối thủ phải tuân theo điều lệ, còn cá nhân nhà độc tài thì ở ngoài vòng điều lệ. Với các nhà độc tài, điều lệ thay đổi theo nguyện vọng và mục đích của họ. Năm 2018, dưới quyền lực của mình, ông Tập đã bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ cho chức vụ chủ tịch và phó chủ tịch nước trong Hiến pháp, nhưng vẫn giữ nguyên hạn chế 2 nhiệm kỳ cho vị trí thủ tướng.

Từ đó để tìm đến con đường mà văn minh nhân loại đã đúc kết sau hàng trăm năm. Rằng chọn lãnh đạo đất nước phải là sự lựa chọn của toàn dân.

4.

Tạo hoá không dành sự khôn khéo riêng cho một ai. Phải luôn tiên lượng rằng đối thủ khôn khéo không kém thì may ra mới giảm bớt được tổn thất. Khi cùng trên một mặt bằng, sự khôn khéo có ảnh hưởng chỉ trong một giới hạn. Khi đối thủ mạnh hơn bội phần, thắng bại không thể chỉ dựa vào khôn khéo. Trước một con cọp đói hung dữ, sự khôn khéo của con nai con chỉ kéo dài sự sống thêm vài giây, trước khi bị cọp nuốt chửng.

Ông Tập cận Bình là nhà độc tài sáng trí. Trung Quốc sẽ mỗi ngày một hùng mạnh. Trung Quốc càng hùng mạnh thì ông Tập càng hành xử bạo ngược. Chỉ có đối lực mạnh hơn Trung Quốc mới kiềm chế được sự bạo ngược của ông Tập.

5.

Có người đặt câu hỏi vì sao trên phông của đại hội 20 ĐCS TQ không có ảnh Marx hay Lenin?

Đại hội 8 (1956) phông trắng. Đại hội 9 (1969), 10 (1973) có cờ và ảnh Mao Trạch Đông. Đại hội 11 (1977) gồm cờ, ảnh Mao Trạch Đông và Hoa Quốc Phong. Từ đại hội 12 (1982) cho đến nay, chỉ có cờ và búa liềm, không có ảnh cá nhân nào.

Từ khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời (1949), ảnh Marx và Lenin chưa từng thấy xuất hiện trên phông của các đại hội ĐCS TQ. Thực ra, lãnh đạo nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ đi theo đường lối của Marx hay Lenin. Họ chỉ cóp nhặt từ Marx và Lenin những gì có lợi cho sự thống trị của họ.

Thể chế thay đổi, lãnh đạo thay đổi, tư tưởng thay đổi. Sẽ đến lúc cờ và búa liềm của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa biến mất trên phông các đại hội, như đã từng biến mất ảnh Mao Trạch Đông và Hoa Quốc Phong. Buộc số phận con người mãi mãi phải theo một ai đó là chống lại quy luật biến đổi không ngừng của vũ trụ.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

TẤM GƯƠNG TRUNG QUỐC

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 23-10-2022

Việt Nam luôn là cái bóng của Trung Quốc, tất nhiên không học được hết những cái hay của họ đâu. Vì đâu phải cái gì cũng học được.
Ví dụ về cái hay của TQ mà Việt Nam không học được, đó là việc loại bỏ doanh nghiệp quân đội, TQ làm 20 năm rồi mà Việt Nam vẫn chịu. Quân đội Việt Nam vẫn là một thế lực về kinh tế. Có lẽ là vì vai trò lịch sử của quân đội Việt Nam cao hơn nhiều so với quân đội TQ, là do Việt Nam có chiến tranh (vệ quốc) lâu hơn, công lao của quân đội lớn hơn, nên kiêu binh phải nhiều hơn.
Nhưng dù sao, TQ vẫn là một tấm gương sáng cho Việt Nam noi theo. Hơn nữa, TQ còn là thiên đường, là niềm tin và hi vọng của anh em cán bộ công chức, là nền tảng "lý luận" của anh em DLV và bò đỏ. Đại khái họ sẽ chém: Đấy nhé, TQ cũng CS nhé, mà sắp vượt qua Mỹ rồi đấy. Đừng tưởng cứ CS là nghèo đói đâu.
Thế nên chả sớm thì muộn, đảng ta cũng phải học theo đảng bạn. Chẳng qua bài dễ làm trước, bài khó làm sau.
Bên Tàu vừa rồi có phong sát, thì anh em nghệ sĩ xôi thịt Việt Nam cũng liệu hồn. Nếu chị Nguyễn Phương Hằng không bị xử nặng, thì anh em cứ xác định là cũng đến lượt mình. Đừng vội hí hửng.
Tiếp nữa là việc TQ đánh đại gia, đây mới là việc hệ trọng. Đầu tiên là vụ Alibaba, rồi sau tới Evergrande (BĐS). Sắp tới sẽ còn nữa. Vì chủ tịch Tập mới chém ở ĐH đảng, đại ý là sẽ phân chia lại tài sản của người giàu (CCRĐ và cải tạo công thương nghiệp thời 4.0) và triệt hạ những kẻ giàu bất chính. Tàu làm thành công thì Việt Nam cũng sẽ học theo, khó tránh. Vì đó là con đường duy nhất để rửa mặt cho đảng, để có chính danh mà duy trì chế độ.
Việt Nam cũng đang đánh đại gia rồi đó, chủ yếu là trong giới BĐS và tài chính. Trong vòng một năm tới mình dự sẽ là thời kỳ đen tối nhất cho nhóm đại gia này và điểm nhấn chính là luật Đất đai 2023 sẽ là dấu chấm hết cho sự lũng đoạn của giới đầu cơ và phát triển BĐS. Các vụ việc đang bị móc ra mới chỉ là khởi đầu thôi.
Đây là thời điểm thuận lợi nhất để đánh vào mối quan hệ bất chính giữa đại gia BĐS và lũng đoạn chính trị (điều hàng, chạy ghế). Mấy năm covid, tiền nhàn rỗi trong dân rất nhiều, lãi suất ngân hàng thì thấp, nên dòng tiền này đổ sang chứng khoán và BĐS. Các đại gia nhân cơ hội đó mới vơ vét đống tiền này bằng các thủ đoạn phi pháp kiểu thổi giá chứng khoán, BĐS. Chờ anh em ôm mớ tướng rồi thì bác cả mới cho úp sọt. Thế thì còn hơn mấy lần cải cách công thương nghiệp mà dân lại vẫn hỉ hả.
Tầm này các đại gia BĐS đều như ngồi trên đống lửa hết. Càng to càng hớ hênh, dính nhiều vấn đề, càng dễ tèo. Đó là vì lượng tiền trái phiếu doanh nghiệp trót ôm vào, nhưng ngân hàng lại siết cho vay, chứng ung, chứng rụng. Các dự án BĐS đang dở dang mà không có vốn để hoàn thiện thì sẽ không có tiền trả nợ trái chủ, sẽ thành lừa đảo thôi.
Luật Đất đai mới sẽ đánh vào giới đầu cơ khiến họ phải co lại, chuyển hướng đầu tư đồng nghĩa với thị trường BĐS sẽ ảm đạm, vì bây giờ BĐS xây mới được bán cho giới đầu cơ rồi hai bên bắt tay nhau thổi giá tạo sốt ảo chứ gì đâu. Giới đầu cơ không còn mấy thì đồng nghĩa với BĐS ế. Vậy các khu đô thị vài trăm ha sẽ bán cho ai? Mà tiền nợ trái chủ thì đến ngày đáo hạn. Bây giờ hi vọng cuối cùng cho anh em đại gia BĐS và tài chính là lò tắt mà thôi.
Nhưng kết quả đại hội đảng 20 của TQ sẽ là gáo nước lạnh cho họ. Bởi vì Tập Cận Bình củng cố được địa vị thì xu hướng đốt lò sẽ mạnh thêm như lời ông ta phát biểu trước ĐH đảng như kể trên. Sẽ đánh mạnh vào giới đại gia để phân chia lại lợi ích. Thế nên kể cả bác cả có nghỉ, thì người khác lên cũng khó mà tránh khỏi cái bóng của TQ. Khả năng lò tắt hẳn để quay lại thời 3X là khó xảy ra.
Ở status trước mình đã viết là chính trị TQ mới ảnh hưởng sát sườn tới Việt Nam, chứ không phải là chính trị Mỹ. Dân Việt Nam hóng bầu cử Tổng thống Mỹ cũng chả khác gì xem đấu quyền Anh, mọi thứ đều đã có luật lệ ổn định và minh bạch. Hô hào cổ vũ cho vui chứ võ sĩ nào vô địch thì với Việt Nam cũng ít ảnh hưởng nếu TQ không ảnh hưởng.
E rằng Tập duy trì được quyền lực thì còn ảnh hưởng ngược lại Mỹ. Nhất là xu hướng cứng rắn với Đài Loan và dĩ nhiên là với cả biển đảo tranh chấp với Việt Nam.
Việc ông Hồ Cẩm Đào bị điệu ra khỏi Đại hội đảng là chỉ dấu cho thấy ông Tập muốn ra oai. Lưu ý rằng, clip trên mạng là bắt nguồn từ các nhà báo nước ngoài quay chứ không phải từ báo chí TQ. Để ý hình ảnh ông Tập liếc mắt về phía ống kính, cho thấy rằng ông cố tình cho phát tán hình ảnh này.
Nếu chỉ nhằm mục đích triệt ông Hồ thì Tập chỉ việc chặn Hồ từ nhà, không cho dự đại hội nữa là xong, như đã làm với Giang Trạch Dân. Năm 2017, ở Đại hội 19, cả Giang và Hồ ngồi hai bên Tập, nhưng ở ĐH này Giang đã biến mất và Hồ bị loại ở ngày cuối của Đại hội (là lúc chốt được danh sách UVBCT và chính sách của Tập, tức là đã chắc bài).
Hành động này không chắc là Hồ sẽ bị bắt nhưng nó là chỉ dấu cho thấy quan điểm chính trị của Hồ đã chính thức bị loại bỏ. TQ làm thế lại hay, rõ ràng sòng phẳng chứ không như Việt Nam, vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa cũ và mới!
Nhưng việc đăng quang lần 3 của Tập đế cũng phủ bóng đen lên kinh tế TQ. Bởi xu hướng đốt lò dài kỳ và thiếu thân thiện với Mỹ cùng việc chống dịch cực đoan sẽ làm giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.
Cái gì thịnh quá thì cũng sẽ dẫn đến suy, ông Tập quá mạnh thì dẫn tới quyền lực tuyệt đối, sẽ tha hoá tuyệt đối, là lý do dẫn tới sụp đổ. Nhưng chuyện đó cũng còn lâu, đừng vội hy vọng.

DQC

TRÔNG 'NÓ' LẠI NGẪM TỚI TA

NGUYỄN THÔNG/ TD 17-10-2022


Đảng cai trị bên Tàu đang đại hội để củng cố quyền cai trị. Đại hội lần thứ 20 (nhị thập), cứ tính cả trước lẫn sau bình quân nhiệm kỳ 4 năm thì nó đã tồn tại hơn 80 năm, còn trụ được bao lâu, nói theo kiểu ông cụ, “nhưng ai mà biết được nó còn sống được bao lâu nữa”. Chỉ có điều, lịch sử nhân loại từ xưa đến nay, chả có đám độc tài phát xít nào vạn tuế muôn năm được mãi.
Nói thẳng ra, tôi không có cảm tình với bọn cộng sản Tàu. Nói chung là cộng sản. Cộng sản đồng chí gì mà giết người như ngóe. Ngay nó với nhau còn chẳng tốt, đừng mong nó tốt chi với ta. Thứ mà lâu nay các ông bà cai trị xứ này cứ tâng lên thành tinh thần quốc tế vô sản, sự giúp đỡ thủy chung vô tư trong sáng, chịu ơn nghĩa của nó (Tàu), cũng như của đám Liên Xô, Cuba…, xin hãy dẹp đi.
Chúng dúi cho ta vũ khí, tí gạo tí mì, để rồi ta dại dột làm người lính đi đầu, tiền đồn hậu đồn, kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt nhằm bảo vệ chúng nó, để chúng nó được yên. Chúng được ngủ ngon trong khi ta suốt ngày đêm mấy chục năm canh giữ cho chúng. Chúng mất tí súng, tí bột mì, còn ta nghĩa trang liệt sĩ rải khắp 3 miền. Món nợ xương máu ấy, chưa bắt trả là may, lại cứ ơn mí chả nghĩa.
Nhưng ngó cái ảnh đại hội của nó, ít nhiều phải khâm phục. Cùng nòi cộng sản với nhau nhưng nó biết “tự chuyển hóa”, sửa chữa, đổi thay, biết từng bước đạt tới giá trị thực. Thứ bệnh hình thức, hoa hòe hoa sói, phô trương kệch cỡm, tốn kém lãng phí từng thấm vào máu, lặn vào từng tế bào cộng sản, thì nay nó đã gỡ được.
Đại hội của cái đảng chính trị đông nhất thế giới, của nước đông nhất thế giới, được cả thế giới chú mục vào, nhưng trang trí khá giản dị, không có lấy một bông hoa, chứ đừng nói một bó, một lẵng. Cũng không màu mè chăng khoe chữ nọ chữ kia, kiểu như “đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm…”. Tượng, ảnh mấy ông quá cố lỗi thời đã bị cuộc sống đào thải lại càng mất tiệt. Không chỉ đại hội 20 mà ngay cả đại hội 19 cách nay 5 năm cũng vậy. Đó là cái hơn của họ so với đám đàn em.
Tôi để ý, nhận ra rằng tấm ảnh bộc lộ sự “cách mạng” ấy của cộng sản Tàu đã không được báo chí mậu dịch An Nam trưng ra, hình như họ cố giấu một sự thực “nhạy cảm”. Đưa tin về đại hội thì cứ đưa (đố dám không đưa) nhưng kiếm cái ảnh trung tính khác. Để thiên hạ nhìn vào, dễ có những liên tưởng so sánh này nọ. Tôi còn lạ gì mưu mẹo của tuyên giáo xứ này.
Chơi với nó, gần thế kỷ chứ có ít đâu, cái hay của nó chẳng học, chỉ rước về những thứ rởm, tồi, dở hơi, ác độc. Nếu ai vặn vẹo hỏi tôi, thứ gì, thử nói ra xem nào, thì đây, vụ cải cách ruộng đất năm xưa đến nay vẫn còn nóng.
Ảnh trên mạng
Nhiều thứ cần phải sửa phải dẹp, hẵng cứ bắt chước nó, dẹp ngay cái bệnh màu mè hình thức hoa hoét cờ đèn kèn trống không thực chất mà lại rất tốn kém đi. Dân hết chịu nổi rồi. Cứ coi thử xem, chỉ cái đại hội địa phương (xem ảnh) mà hoa hoét rực rỡ thế kia, vẽ ra ở đủ 63 tỉnh thành, rồi hàng mấy trăm huyện, hàng vạn xã đều như thế. Thậm chí căn bệnh mạn tính ấy lây sang cả tôn giáo (xem ảnh) thì mới hiểu kinh như thế nào. Dường như hết thuốc chữa.
NT

TẬP 'ĐĂNG QUANG' TRONG BỐI CẢNH TRUNG QUỐC GẶP NHIỀU THÁCH THỨC
 Katsuji Nakazawa/ Nikkei Asia / BVN 25-10-2022

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi’s coronation ceremony opens on date of China’s first atom bomb,” Nikkei Asia, 20/10/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh ‘sứ mệnh’ Đài Loan trong lúc chuẩn bị đảm nhiệm nhiệm kỳ thứ ba giữa bối cảnh kinh tế suy thoái.

Ngày 16/10 chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc cộng sản. Đây là ngày được nhiều người Trung Quốc coi là vinh quang và hệ trọng, thế nên Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn nó làm ngày khai mạc đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Một trí thức Trung Quốc cùng thời với Tập hồi tưởng lại cảnh mình nhảy cẫng và hét lên sung sướng tại một thị trấn vào ngày 16/10/1964, khi ông nghe tin về vụ thử bom hạt nhân thành công đầu tiên của Trung Quốc.

Bất cứ khi nào có một cuộc triển lãm về lịch sử đảng, vụ thử bom hạt nhân cách đây 58 năm tại La Bố Bạc, miền tây Trung Quốc cũng đều giữ một vị trí nổi bật.

Trung Quốc coi vụ thử bom này là sự kiện phá vỡ thế độc quyền hạt nhân của một vài cường quốc. Đối với Trung Quốc, sở hữu bom hạt nhân đồng nghĩa rằng họ có thể chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ và chủ nghĩa bá quyền Liên Xô.

Các cuộc triển lãm tuyên truyền của ĐCSTQ luôn trưng bày hình ảnh vụ thử bom hạt nhân thành công đầu tiên của nước này cách đây 58 năm.

Chính Chủ tịch Mao Trạch Đông, người cha lập quốc của Trung Quốc cộng sản, là người đã kêu gọi phát triển bom hạt nhân vào giữa những năm 1950. Ông tin rằng Trung Quốc cần sức mạnh không quân hạng nặng, lực lượng lục quân mạnh, và bom hạt nhân để tránh bị nước khác bắt nạt.

Ngày 16/10 năm nay rơi vào Chủ nhật. Dù hai kỳ đại hội toàn quốc trước đó, năm 2012 và 2017, đều khai mạc vào các ngày trong tuần, Tập vẫn chọn chủ nhật làm ngày khai mạc đại hội năm nay – kỳ đại hội sẽ trao cho ông nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị nhà lãnh đạo quốc gia.

Trong bài phát biểu khai mạc, Tập liên tục nói về sức mạnh – “một quốc gia hùng mạnh,” “một quân đội hùng mạnh,” và liên tục kêu gọi thống nhất với Đài Loan để bảo vệ “an ninh quốc gia.” Tuy nhiên, những lời kêu gọi của ông về việc tăng cường sức mạnh quân sự đã khiến thế giới lo ngại.

Tập mô tả việc thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục là “sứ mệnh lịch sử” của Đảng, đồng thời đe dọa sẽ sử dụng vũ lực, nếu cần, để đạt được điều đó.

“Chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu vì sự thống nhất trong hòa bình với sự chân thành và nỗ lực cao nhất, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ hứa hẹn từ bỏ việc sử dụng vũ lực, và chúng ta vẫn giữ quyền thực hiện mọi biện pháp cần thiết,” ông nói.

Bài phát biểu của Tập trong kỳ đại hội 5 năm trước không hề đề cập đến việc sử dụng vũ lực. Ngoài ra, việc lựa chọn ngày khai mạc có lẽ còn nhắm vào nhóm đảng viên lão thành, những người luôn nhớ về thành tựu xa xưa của đất nước.

Vào mùa thu năm 1964, Tập chỉ mới 11 tuổi, còn cha ông, Tập Trọng Huân, đã bị thanh trừng hai năm trước đó. Dù lớn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt, Tập đã liên tiếp thăng tiến trong đảng và cuối cùng trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. Chỉ người có sự kiên trì và quyết tâm như vậy mới có thể xây dựng một quốc gia vững mạnh đủ sức chống lại Mỹ và đạt được sự thống nhất với Đài Loan – đó chính là logic của Tập.

Lập luận này, cũng bao gồm việc phục hưng dân tộc Trung Hoa, là lời biện minh của Tập cho việc nắm quyền lâu dài.

Một màn hình khổng lồ ở Hong Kong trình chiếu các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc gần Đài Loan vào đầu tháng 8. © Reuters

Dù báo cáo của Tập trước đại hội là phiên bản ngắn gọn, nhưng ông vẫn cần 1 giờ 44 phút để trình bày nó. Thời lượng này đã tuân thủ quy định chính thức về COVID-19, rằng tất cả các cuộc họp đều bị giới hạn dưới hai giờ.

Thực ra, các cuộc họp ngắn lại có lợi cho Tập, vì chúng hạn chế khả năng bất kỳ đảng viên nào lên tiếng phản đối các chính sách, hoặc định hướng của ông dành cho đất nước.

Dù Tập nói khá nhiều về vấn đề an ninh quốc gia, bài phát biểu của ông có ít điểm mới về chính sách đối ngoại, và hoàn toàn không đề cập đến Ukraine. Nó cũng ít nhắc đến các chính sách liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Điều này rất khác so với năm 2017, khi Tập nói về nhiều chủ đề hơn, và nỗ lực để khích lệ tinh thần người dân trong nước.

Điểm đáng chú ý nhất trong bài phát biểu năm 2017 là mục tiêu đạt được hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 – nghĩa là sớm hơn mục tiêu đặt ra trước đó gần 15 năm. Nó phản ánh mong muốn bắt kịp và sau đó vượt qua Mỹ về mặt kinh tế.

Bài phát biểu năm 2017 cũng đặt năm 2035 là thời hạn để hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Tập đang có ý nói rằng Trung Quốc sẽ đủ mạnh để đối đầu với Mỹ trên chiến trường vào thời điểm đó.

Đã xuất hiện làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên toàn cầu đối với bài phát biểu năm 2017. Người ta nói rằng Steve Bannon, cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đọc bài phát biểu đó tận 8 lần. Sau đó, chính quyền Trump dần trở nên đối đầu hơn, châm ngòi cho chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Tập phát biểu khai mạc đại hội toàn quốc ĐCSTQ vào ngày 16/10. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Có lẽ chính vì phản ứng đó, nên bài phát biểu mới nhất của Tập đã được soạn thảo một cách thận trọng hơn. Nó đã bỏ qua các khái niệm về “một cường quốc biển mạnh” hay tiến tới “hội nhập quân sự-dân sự” vốn đã khiến người Mỹ nóng mặt. Tập còn né tránh các chủ đề nhạy cảm như Biển Đông, cũng như cạnh tranh Mỹ-Trung để giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ, và cuộc chạy đua về công nghệ bán dẫn tiên tiến.

Đáng chú ý, khi đưa tin phát biểu của Tập về vấn đề Đài Loan trên bản tin tối Chủ nhật, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc do nhà nước điều hành đã xóa mất đoạn mà chủ tịch nói rằng “chúng ta sẽ không bao giờ hứa hẹn từ bỏ việc sử dụng vũ lực.” Hành động biên tập đó không thể là vô tình.

Nhưng nó chỉ là chỉnh sửa vì mục đích lên sóng. Bởi chừng nào đảng còn để Tập tại vị, các chính sách cơ bản sẽ được giữ nguyên.

Bài phát biểu năm nay của Tập cũng chứa đựng một số ý tưởng về tiêu dùng trong nước: tăng cường sự dẫn dắt của đảng, thịnh vượng chung, tự cường, và tuần hoàn kép.

Hôm thứ Hai, Tập đã cùng các đại biểu từ Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây thảo luận và ủng hộ hiện đại hóa kiểu Trung Quốc như một mô hình phát triển độc đáo của riêng nước này.

Nhưng không có ý tưởng nào trong số những ý tưởng được đề ra có thể thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, và báo cáo hầu như không có bất kỳ con số cụ thể nào.

Hồi mùa thu năm 2020, Tập cho biết Trung Quốc “hoàn toàn đủ khả năng” tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế hay thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035. Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc cần mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 4,73%. Mục tiêu tăng gấp đôi đã không được đề cập trong phát biểu năm nay, cho thấy những nghi ngờ về việc đạt được mức tăng trưởng hàng năm kể trên.

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại phiên khai mạc đại hội toàn quốc của ĐCSTQ ở Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 16/10. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Tập cũng không đề cập đến mức tăng trưởng trung bình trong thập niên vừa qua, vì những con số này không thể sánh được với thành tích của những người tiền nhiệm, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Về lĩnh vực nhà ở, Tập không nói gì về thuế bất động sản, một ý tưởng mà trước đây các trợ lý của ông đã nhắc đến. Xét đến tình hình bất động sản trượt dốc, đây sẽ là một ý tưởng khó có thể triển khai trong 5 năm tới.

Hôm thứ Ba, Trung Quốc đã trì hoãn việc công bố số liệu tổng sản phẩm quốc nội quý 3 của nước này, nhiều khả năng lý do là vì Tập.

Nhìn chung, đại hội toàn quốc của ĐCSTQ đã phải đối diện với một số thực tế. Trong khi Tập vẫn muốn xây dựng một quốc gia có thể chống lại Mỹ trên mọi mặt trận, nền kinh tế đang mắc kẹt trong tình trạng ảm đạm với tốc độ tăng trưởng giảm dần – và những điều này sẽ không biến mất trong một sớm một chiều.

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. Liệu tình trạng kinh tế bất ổn hiện nay của Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu? Và nếu Tập tham gia tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2027 – khi ông 74 tuổi – liệu ông có sẵn sàng thay đổi chính sách kinh tế hay không?

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn bản dịchnghiencuuquocte.org


MỐI ĐE DỌA VÀ NỖI SỈ NHỤC CẢ LOÀI NGƯỜI

PHẠM ĐÌNH TRỌNG/TD 24-10-2022

Quen thói nói lấy được, ra rả nói dối, trắng trợn bịa đặt lịch sử để bành trướng lãnh thổ: Đông Sa, Trung Sa, Tây Sa, Nam Sa là vùng biển lịch sử lâu đời của Trung Quốc. Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở biển Nam Trung Hoa, sẵn sàng lộ mặt nói dối với bên ngoài để dằn mặt đối thủ chính trị trong nội bộ, ngày 22.10.2022 Tân Hoa Xã lại lem lẻm nói lấy được: Cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào được đưa ra khỏi phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay vì lý do sức khỏe.
Xem clip đang tràn ngập trên mạng xã hội ai cũng thấy rõ Hồ Cẩm Đào bị cấm vệ mặc lễ phục bảnh bao che đi con người công cụ bạo lực xốc nách kéo ra khỏi chỗ ngồi trong phiên bế mạc đại hội đảng của Tập Cận Bình mà Tập Cận Bình đã tuyển chọn xong bộ sậu phe cánh, đã củng cố vững vàng ghế thống soái. Clip ghi hình rất rõ Hồ Cẩm Đào bị áp giải ra khỏi lễ đường như một tội phạm chứ không phải được đưa ra như một người bệnh.
Cấm vệ hai tay xốc hai nách lôi Hồ không được, liền dồn sức vào một tay xốc vào nách phải Hồ, lấy sức gồng Hồ lên, Hồ vẫn trì xuống không chịu. Trong đại lễ của đảng, không thể thô bạo dùng sức mạnh với bậc đảng trưởng tiền bối. Không thô bạo nhưng cấm vệ rất kiên quyết, dứt khoát bứng Hồ đi, loại Hồ ra khỏi sinh hoạt của đảng. Cấm vệ đã xông vào lễ đường ra tay là lệnh của thống soái, của quyền uy trong đảng, Hồ không thể cưỡng, đành để cấm vệ lôi khỏi ghế. Đứng lên rồi Hồ vẫn mấy lần định ngồi lại không được đành để bị dẫn đi. Cuộc cưỡng bức rõ mồn một như một vụ bắt cóc người đứng đầu đảng tiền nhiệm của Tập Cận Bình diễn ra ngay trong đại hội đảng của Tập.
Hình ảnh và diễn biễn vụ cưỡng bức cho thấy clip không phải do truyền thông vô tình chộp được mà có kịch bản, có đạo diễn được đương quyền trong đảng dàn dựng, ghi hình. Các đại biểu đại hội đảng đã ngồi kín ghế, ngay ngắn, trật tự như những bé ngoan trong lớp mẫu giáo. Clip bắt đầu khi cấm vệ xuất hiện đến chỗ Hồ hành động từ tốn nhưng rất quyết liệt sắt đá, không khoan nhượng. Camera ghi cận cảnh mọi động tác cưỡng bức Hồ, bám theo Hồ bị dẫn giải đến khi đi khuất.
Khống chế, cưỡng bức, áp giải một nguyên lão đảng trưởng của đảng ra khỏi đại hội đảng là sự việc bất thường, nghiêm trọng diễn ra chậm chạp trước lớp lớp những hàng ghế đại biểu đại hội đảng nhưng các đại biểu đã được quán triệt, đã được thông báo sự việc, được xác định thái độ, vẫn ngồi nghiêm chỉnh, ngay ngắn, thản nhiên, mặt hướng thẳng về phía trước như không có chuyện gì xảy ra. Không bất ngờ. Không nghiêng ngó theo dõi. Không một mảy may xôn xao. Ngay cả những đại biểu ngồi cùng hàng ghế với Hồ, ngồi hàng ghế liền sau Hồ không thể không thấy sự việc nhưng mặt họ vẫn hướng ra khoảng không phía trước để không thấy gì. Khi Hồ bị dẫn giải đi qua ngay trước mặt, họ cũng thờ ơ, không nhìn, không thấy, không biết.
Tiền nhiệm của Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào đứng đầu đảng cộng sản Trung Quốc hai khoá liền, từ 2002. Đến 2012 nhường lại ghế đầu đảng cho Tập Cận Bình. Với kẻ hết thời, không còn quyền lực, ứng xử thế nào chả được. Cho dự hay không cho dự một phiên họp hay cả đại hội đều do đương quyền. Không muốn cho kẻ hết thời Hồ Cẩm Đào dự một phiên họp hoặc không cho Hồ dự cả đại hội đảng của Tập, không thiếu gì cách nhẹ nhàng, tử tế. Nhưng Tập để Hồ đến đại hội đảng, ngồi ghế đầu cạnh Tập rồi cho quân cấm vệ vào lễ đường đại hội xốc nách, lôi Hồ ra khỏi đại hội trước mặt các đại biểu đảng toàn quốc, cho thấy hai điều:
Một là đại hội 20, Tập đã bố trí được đội hình, đưa được đàn em thân tín vào các vị trí quyền lực trong đảng, Tập đã thâu tóm trọn quyền, đã trụ lại được nhiệm kì thứ ba là thực sự xoá bỏ được giới hạn nhiệm kì để nắm quyền lực tối cao suốt đời, trở thành hoàng đế Trung Hoa. Bế mạc đại hội 20, Tập liền cho diễn màn sỉ nhục Hồ để dằn mặt tất cả những nguyên lão tiền nhiệm đang soi mói Tập, đang ngăn cản Tập lên ngôi hoàng đế. Sỉ nhục, loại bỏ Hồ ra khỏi đại hội, Tập sỉ nhục, loại bỏ tất cả nguyên lão tiền bối cộng sản Trung Quốc để khẳng định vị trí độc tôn của Tập trong đảng. Loại bỏ ảnh Mác Lê Mao trên phông màn diễn đàn đại hội, Tập loại bỏ cả hệ thống lí luận cộng sản nguyên thuỷ để khẳng định lí luận chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc của Tập.
Hai là đảng viên của đảng chính trị phải là nhà chính trị có tấm lòng con người, có tư cách công dân và có chính kiến chính trị. Nhưng 2298 đảng viên cộng sản trong đại hội 20 đại biểu cho gần trăm triệu đảng viên cộng sản Trung Quốc đã im lặng, làm ngơ trước màn diễn của Tập Cận Bình sỉ nhục Hồ Cẩm Đào, thì 2298 đại biểu chỉ là hình nhân, chỉ là tượng đất sét do Tập nhào nặn và bày đặt, chỉ là con rối do Tập giật giây và gần trăm triệu đảng viên cộng sản Trung Quốc chỉ là thần dân của hoàng đế Tập Cận Bình, chỉ là bề tôi của chúa thượng Tập Cận Bình, chỉ là bầy đàn, là sức mạnh công cụ của bạo chúa Tập Cận Bình.
Trong lịch sử loài người đã có rất nhiều bạo chúa, độc tài nhưng chưa có một bạo chúa, một độc tài nào có được lực lượng công cụ đông đảo khủng khiếp như độc tài Tập Cận Bình. Độc tài nào cũng muốn thâu tóm cả thế giới. Với sức mạnh gần trăm triệu con người công cụ, với sức mạnh vũ khí hạt nhân, với tham vọng thâu tóm cả loài người, độc tài Tập Cận Bình không chỉ là nỗi đe doạ với dân lành Trung Quốc, là nỗi sỉ nhục với nhân phẩm người dân Trung Quốc mà là nỗi đe doạ, nỗi sỉ nhục với cả loài người.

PĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét