Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

20181025. BÀN VỀ NHÂN TRỊ VÀ PHÁP TRỊ

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHÁP TRỊ HAY NHÂN TRỊ

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 25-10-2018

Ảnh minh họa. Nguồn: enternews.vn
“Pháp trị” hay “Nhân trị” là những khái niệm thường được các nhà nghiên cứu, luật gia, chính trị gia, triết gia nói tới nhưng không phải ai cũng có thời gian tìm và hiểu.
Với quần chúng những khái niệm này thường khá mơ hồ, thậm chí có người chưa bao giờ nghe nói.
Dù là Pháp trị hay Nhân trị thì đó cũng chỉ là phương thức quản trị xã hội, ngôn ngữ thông dụng ngày xưa là “cai trị”.
Có những sự khác biệt giữa các quốc gia, các thể chế chính trị trong việc vận hành Pháp trị theo một trong hai khuynh hướng.
Một số quốc gia coi Pháp trị là “Cai trị bằng pháp luật” (Rule by law), theo đó pháp luật được xem là công cụ cai trị (quản lý) xã hội (của giới cầm quyền) thông qua nhà nước.
Nhà nước - mà cụ thể là giới lãnh đạo - trong trường hợp này thường đứng trên pháp luật.
Một số khác coi Pháp trị là sự “Cai trị của pháp luật” (Rule of law), trong trường hợp này pháp luật là tối thượng, không ai có quyền đứng trên pháp luật, kể cả nhà nước.
Khi pháp luật “cai trị” đất nước thì mọi cá nhân và tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật, các cá nhân, các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền phạm pháp đều bị pháp luật trừng trị.
Song hành và đối lập với “Pháp trị” là “Nhân trị” (Rule of person).
Cũng có hai cách vận hành Nhân trị để quản lý xã hội dựa vào cách lý giải chữ “Nhân” trong Nhân trị.
Một phía cho rằng “Nhân” là nhân đức, nhân từ, nhân đạo, “Nhân trị” là lấy nhân đức để cai trị dân chúng.
Phía còn lại cho rằng “Nhân” là người, “Nhân trị” được hiểu là sự cai trị (quản lý) xã hội bởi con người, cách hiểu này được các học giả phương tây nói đến nhiều.
Nhân trị theo hướng thứ hai, nếu một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ nắm toàn quyền quản lý thì sự cai trị được xem là “độc quyền thiểu số”, ngược lại là “độc quyền đa số”. Một trong những “xuất hiện” của “độc quyền đa số” được gọi là “làm chủ tập thể”.
Khái niệm “xuất hiện” được dùng trong một số ngành khoa học tự nhiên, mỗi “xuất hiện” được nhận dạng sẽ giúp con người nhận biết được sự tồn tại của một tập hợp (các phần tử) qua các đặc trưng của “xuất hiện” đó.
Chẳng hạn một “xuất hiện” sếu đầu đỏ tại một địa danh giúp người ta nhận biết có một loài chim (tập hợp chim) đã được đặt tên là “Sếu đầu đỏ” và là loài nằm trong “sách đỏ”.
Một biệt phủ trái phép của một vị tướng công an (Quảng Nam) đã nghỉ hưu trên núi Hải Vân là một “xuất hiện” giúp người dân nhận diện sự tồn tại của một “tập hợp” các loại “Biệt phủ trái phép”.
Khu nhà của gia đình ca sĩ Mỹ Linh - Anh Quân tại Sóc Sơn Hà Nội cũng chỉ là một “xuất hiện” của tập hợp “Biệt phủ trái phép” như vậy.
Trong phần 2, người viết sẽ trình bày thêm một vài ý kiến về “Nhân trị”.
Nói đến “thượng tôn pháp luật” thì đương nhiên đó không phải là một hệ thống chính trị dựa trên “Nhân trị” mà phải là “Pháp trị”.
Vấn đề là thể chế chính trị của chúng ta đang theo hướng “Pháp trị”, “Nhân trị” hay kết hợp cả hai?
Xét về tuyên ngôn trong Hiến pháp, “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”, xét khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, xét đến các văn bản nói về “Thượng tôn pháp luật” thì rõ ràng nhà nước Việt Nam là nhà nước “Pháp trị”, không phải “Nhân trị”.
Vậy thì chúng ta đang “Pháp trị” kiểu gì, “Rule by law” hay “Rule of law”?
Trước khi trả lời câu hỏi này, xin dẫn ý kiến của hai vị đại biểu Quốc hội và một nhà báo:
Ngày 28/3/2016, tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ 2011-2016, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn thành phố Thành phố Hồ Chí Minh ) nêu ý kiến:
Báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội nêu được rất nhiều điều. Tuy nhiên, dù Quốc hội đã có nghị quyết xây dựng luật nhưng nhiều lần cơ quan soạn thảo vẫn xin lùi, chuyển sang nhiệm kỳ sau là không hoàn thành nhiệm vụ,...  
Ví dụ như Luật biểu tình, Luật lập hội mà Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị từ năm 2005 đã đưa vào, nhưng cơ quan soạn thảo vẫn lần lữa chưa hoàn thiện.
Do đó, phải có chế tài, nếu không người dân có cảm giác cơ quan hành pháp có quyền lực hơn cơ quan lập pháp”. [1]
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 14, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chất vấn Thủ tướng:
Thủ tướng sẽ xử lý như thế nào đối với các Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân không thi hành 85 vụ việc trong bản án hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật năm 2017?”. [2]
Bài viết của tác giả Hạnh Nguyên - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - có đoạn:
Còn có thể kể ra nhiều vụ việc, nhiều lĩnh vực “điển hình” của việc không tuân thủ pháp luật, hoặc pháp luật bị "bẻ cong" đã tác động xấu đến tính nghiêm minh của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, gây xói mòn lòng tin của nhân dân… 
Một nhà nước, một dân tộc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, trong đó “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, quan sai cũng xét xử như dân thường, thì Nhà nước và dân tộc đó sẽ phát triển vững bền”. [3]
Với ba ý kiến đã đề cập, một khi “nhiều vụ việc, nhiều lĩnh vực” khiến “pháp luật bị bẻ cong”, một khi mới chỉ xem xét đến khía cạnh “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” mà chưa chú ý đến sự bình đẳng của người dân với cơ quan công quyền (tức là nhà nước), một khi cơ quan hành pháp “không thi hành 85 vụ việc trong bản án hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp” thì liệu đã đủ cơ sở để kết luận, đó là “quản lý (cai trị) xã hội bằng pháp luật” tức là “Rule by law” chứ không phải “Pháp luật quản lý xã hội” - Rule of law”?
Cần nhắc lại một lần nữa, rằng quản lý xã hội bằng pháp luật thì quyền lực nằm trong tay người quản lý tức là cơ quan ban hành và thực thi pháp luật.
Nếu “pháp luật quản lý xã hội” thì cả cơ quan ban hành các đạo luật là Quốc hội lẫn cơ quan thực thi pháp luật là Chính phủ đều chịu sự chi phối của pháp luật.
Đối với Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là tuân thủ Hiến pháp và “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chính phủ và các cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép, người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Quốc hội không thể ban hành, không ban hành hoặc sửa đổi các đạo luật mà không dựa vào thực trạng xã hội và nguyện vọng của toàn dân cũng như Chính phủ không thể vin vào bất kỳ lý do gì để trì hoãn thi hành hoặc “uốn nắn” các quy định của pháp luật.
Điều quan trọng nhất trong đổi mới thể chế chính trị là dựa vào nguyên lý “Pháp luật cai trị (quản lý) xã hội - Rule of law” mà chúng ta quen nói là “Thượng tôn pháp luật”.
Chính điều này đã được không ít người đề cập trong việc Quốc hội cần ban hành “Luật về hoạt động của đảng”.
Bài viết “Cần có luật về Đảng” đăng ngày 19/02/2013 trên Vietnamnet.vn có đoạn:
“Ông Hằng (Nguyên Phó Chủ tịch Mặt trân Tổ quốc Việt Nam Phạm Xuân Hằng - NV) kiến nghị phải sửa đổi nội dung khoản 3 (điều 4 Hiến pháp) nói trên thành: 
“Vai trò lãnh đạo của Đảng được bảo đảm bằng pháp luật và do luật định”. [4]
Việc chưa luật hóa hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội kết hợp với nhận thức chưa đầy đủ của không ít người thực thi công vụ đã khiến cho pháp luật chưa thực sự là tối thượng, là công cụ duy nhất để quản lý xã hội, cho đến nay có lẽ chúng ta vẫn mới chỉ đạt đến ngưỡng quản lý xã hội bằng pháp luật.
Trong hoàn cảnh đó lực lượng quản lý xã hội luôn có điều kiện đưa các ý kiến chủ quan vào quá trình thực thi pháp luật.
Có thể thấy rõ ba “xuất hiện” của xu hướng này là “án bỏ túi”, “bộ tứ” hay “Liên ngành tư pháp”,…
Trả lời câu hỏi: “Vậy còn hiện tượng họp 3 ngành trước khi ra quyết định truy tố, xét xử. Có hiện tượng này không thưa luật sư?”, báo Infonet.vn dẫn lời cựu thẩm phán - luật sư Phạm Công Út như sau:
“Điều này là sự nhức nhối của hoạt động tư pháp tồn tại vốn có từ thời kỳ cách mạng “Cải cách ruộng đất” và hiện vẫn duy trì đến ngày nay.
Đó là việc lãnh đạo ba cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án thường có sự phối hợp liên ngành để họp bàn đưa ra các vụ án điểm, nhất là việc phải bàn bạc thống nhất về các vụ án cần phải “xét xử lưu động” hay xét xử tại trụ sở tòa án…”.[5]
Vậy quản lý một quốc gia cần “Nhân trị” hay chỉ là “Pháp trị”?
“Nhân trị” trong một thời gian dài là sự cai trị của người đứng đầu (nhà vua) trong vương quốc được thừa kế hoặc chiếm đoạt được bằng vũ lực.
Khi vua đã quyết thì thần dân, kể cả tể tướng hay hoàng tộc đều phải tuân thủ và không có chuyện thảo luận trừ khi được vua cho phép.
Tuy nhiên quan điểm “Nhân trị” là cách cai trị dựa vào đạo đức của người đứng đầu (hoặc giới cầm quyền) được không ít người tán đồng.
Thời nhà Trần, chế độ phong kiến tập quyền đạt cực thịnh, nhà nước có 6 bộ là Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình, Bộ Công, Bộ Lại.
Tuy nhiên chỉ có bốn lĩnh vực quản lý xã hội được quan tâm gồm: “lễ, nhạc, chính, hình”. “Lễ” (đạo đức) đứng đầu, “Nhạc” (văn hóa) thứ hai, “Chính” (hành chính) thứ ba và “Hình” (pháp luật) xếp cuối cùng.
“Nhân trị” thời xưa coi trọng “Lễ” mà xem nhẹ “Pháp” bởi vua là Thiên tử (con Trời), ý vua là bất khả kháng.
Dẫu có là như thế thì dân vẫn có những hình thức thể hiện sự bất tuân, chẳng hạn:
“Tháng chín có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng”.
Hoặc
Quan có cần nhưng dân chưa vội
Quan có vội quan lội quan sang”…
“Nhân trị” theo cách hiểu ngày nay có điểm tương đồng với ngày xưa khi “Độc quyền thiểu số” được thực hiện. Mặc dù quốc gia có luật song vẫn tồn tại phổ biến tình trạng “lãnh đạo thích gì thì đó là luật”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tcnn.vn
Trong xã hội được quản lý bằng “Nhân trị” theo hướng “độc quyền thiểu số”, người lãnh đạo không bị hạn chế cả về sự việc lẫn phương thức.
Sự nguy hiểm xuất phát từ đây bởi người lãnh đạo có thể làm cả những việc pháp luật không cho phép.
Tuy nhiên đó lại không phải là sự nguy hiểm nhất, nguy hiểm nhất là sự nhầm lẫn của dân chúng khi “Nhân trị thiểu số” núp dưới chiêu bài đạo đức, pháp luật được quảng bá nhưng việc thực thi lại không đến nơi đến chốn, với dân chúng thì khắt khe, với “nhóm lợi ích” hay họ hàng, dòng tộc lại tùy tiện.
Gần 600 năm trước, Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” viết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy trí nhân để thay cường bạo”.
Bình Ngô đại cáo không chỉ là tuyên ngôn thắng trận mà còn là lời khuyên của vị khai quốc công thần với nhà vua ở thời điểm người Việt xem “Nhân trị” là đương nhiên, là con đường tất yếu của quá trình dựng nước và giữ nước.
Xưng đế, lập quốc, có một vị vua người Việt, có nền độc lập trước kẻ thù phương Bắc là nguyện vọng cháy bỏng của người dân Giao chỉ, của nhà nước Âu Lạc, Đại Việt,… từ khi lập quốc.
Từ năm 1930, đặc biệt là sau năm 1945, những người nông dân, công nhân, trí thức nghe theo tiếng gọi của Việt Minh tham gia đánh Pháp, đuổi Nhật không mấy người tự đặt câu hỏi sau này đất nước sẽ theo con đường “Pháp trị” hay “Nhân trị” bởi khi cách mạng thành công hơn 90% người Việt không biết đọc, biết viết.
Nước Việt Nam cho đến năm 1945 - khi cách mạng tháng 8 thành công - việc cai trị (quản lý) miền Bắc và miền Trung vẫn theo thể chế “Nhân trị”.
Như vậy “Nhân trị” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử phát triển của nước Việt và dân tộc Việt cho đến khi đánh đổ thực dân phong kiến, tạo dựng nền dân chủ cộng hòa.
“Nhân trị của thiểu số” hay sự tập trung quyền lực vào một cá nhân không phải là xấu nếu chú ý đến vai trò lịch sử của phương thức quản lý quốc gia này.
Cũng không trở nên xấu nếu người nắm trong tay quyền lực trị quốc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích nhóm hay dòng tộc.
Người đứng đầu quốc gia thấm nhuần tư tưởng “chí nhân, đại nghĩa” sẽ giúp tạo nên sức mạnh dân tộc, giúp người Việt chiến thắng các thế lực thù địch cả trong lẫn ngoài.
Nói cách khác, người lãnh đạo đặt luật pháp ở vị trí cao nhất, nếu biết kết hợp cả “chí nhân, đại nghĩa” với sự “thượng tôn pháp luật” thì chắc chắn đó là hồng phúc của dân tộc.
Tuy nhiên hy vọng dùng “Chí nhân, đại nghĩa” để cảm hóa những kẻ cuồng tín, dùng sự trong sạch của bản thân đề cấp dưới noi theo nhằm quản lý xã hội đúng nhưng không đủ.
Nhân đạo với kẻ phạm tội là bất nhân với người vô tội. Người bị kết luận “vi phạm rất nghiêm trọng” mà vẫn ngồi ở ngôi cao, vẫn không bị đưa ra tòa thì lòng dân không phục.
Chỉ chiếc lều chăn vịt dựng trong vườn nhà hoặc quán cà phê đã bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan công quyền còn hàng trăm biệt phủ lấn chiếm đất công, thậm chí lấn chiếm cả rừng phòng hộ hoặc hành lang bảo vệ đê vẫn nghênh ngang tồn tại thì phải hỏi tại sao lại như thế?
Một khi đã thực hiện “đảm nhiệm hai vai” nhằm tạo bước đột phá đổi mới thể chế thì việc không thể không tiến hành là đồng nhất “kỷ luật” của tổ chức với pháp luật của nhà nước.
Một tổ chức chính trị giữ vai trò lãnh đạo đất nước theo hiến định thì không nên có chuyện tách kỷ luật của tổ chức khỏi pháp luật, cũng không thể có chuyện kỷ luật của tổ chức nhẹ hơn các hình thức xử lý của pháp luật.
Nếu “vi phạm” điều lệ của tổ chức được xác định ở mức “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng” thì cũng có nghĩa phải tương đương với “phạm pháp” ở mức “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Tránh “nhẹ trên, nặng dưới” giờ đây còn phải kèm theo tránh “nhẹ trong, nặng ngoài”.
Xã hội không được quản lý bởi (chứ không phải bằng) pháp luật tiềm ẩn nhiều rủi ro vì con người khi trưởng thành luôn mang trong mình thiện và ác.
Không ít ý kiến cho rằng con người là sinh vật “ngu xuẩn nhất” trong thế giới sinh vật bởi chỉ duy nhất con người là tự hủy hoại môi trường sống của chính mình.
Lòng tham của con người luôn là chiếc túi không đáy, tiền nhiều bao nhiêu cũng vẫn thiếu, đất rộng bao nhiêu cũng không đủ, ngôi cao đến mấy cũng không thỏa mãn.
Có thể thấy “Nhân trị” hiểu theo cách cai trị bằng đạo đức chỉ nên xem là một sự kết hợp chứ không thể là duy nhất.
“Nhân trị” theo kiểu “Độc quyền đa số” bằng cách luật hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tham khảo ý kiến của một nhóm người do dân chúng bầu chọn có khắc phục được nhược điểm của “Độc quyền thiểu số”?
Điều này phụ thuộc vào hai yếu tố:
Thứ nhất, “nhóm dân cử” thực chất có phải do dân cử hay được lựa chọn bằng những cách thức mà luật pháp không cấm?
Thứ hai, quyền lực của “nhóm dân cử” có đủ mạnh để bác bỏ ý kiến chủ quan của người đứng đầu nếu nó đi ngược nguyện vọng của dân chúng?
Tránh những bất cập tiềm ẩn ngay trong thể chế, có thể thấy “Pháp trị” theo hướng “pháp luật cai trị (quản lý) xã hội” là lựa chọn khoa học nhất trong giai đoạn hiện nay.
Chừng nào còn giữ định hướng “Cai trị (quản lý) xã hội bằng pháp luật” thì chừng đó ý muốn chủ quan của giới cầm quyền vẫn quyết định sự vận hành của thể chế.
“Nhân trị” theo nghĩa là sự cai trị của con người với con người tạm gọi là “Nhân trị nhân”, dù là theo khuynh hướng “Độc quyền thiểu số” hay “Độc quyền đa số” đều tiểm ẩn nhiều rủi ro đối với tầng lớp bị cai trị.
Vậy “Nhân trị” theo hướng nhân văn - đạo đức, tạm gọi là “Nhân trị đức”, lấy bản thân làm khuôn mẫu, lấy nhân văn làm định hướng hoạt động có giúp cho việc cai trị (quản lý) xã hội trở nên hoàn hảo?
Câu hỏi này sẽ không thể có câu trả lời thỏa đáng nếu không gắn với hoàn cảnh cụ thể tức là tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh của quốc gia và những diễn biến địa - chính trị toàn cầu.
Khi đất nước thái bình, lòng dân quy về một mối, đạo đức công dân và văn hóa xã hội không bị xuống cấp thì rõ ràng pháp luật không có nhiều việc để làm và người đứng đầu chỉ cần tập trung đến khía cạnh nhân văn, đến “phòng” chứ không phải “chống”.
Ở thời điểm này, giới lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, nhà nước,… có thể dùng “chí nhân, đại nghĩa” để cai trị (quản lý) xã hội.
Vấn đề là theo tính quy luật, xã hội luôn vận động và thời điểm kế tiếp của “thái bình, thịnh trị” có thể là chiến tranh, loạn lạc, cũng có thể chỉ ở mức lòng dân ly tán, văn hóa - đạo đức xuống cấp, người dân mất niềm tin vào thể chế.
Lúc này “Nhân trị đức” không thể giúp giới cầm quyền cai trị (quản lý) xã hội.
Xin giải thích một chút về điều này.
Có ý kiến cho rằng kỷ luật của chính quyền, tổ chức rất nhân văn, nhằm mục đích răn đe, cảnh báo những người vi phạm kỷ luật, pháp luật.
Có người bị kỷ luật còn cảm ơn tổ chức, cơ quan đã kỷ luật mình.
Lấy đạo đức, nhân văn làm gương cho người khác không sai, song lồng “nhân văn” vào pháp luật không phải lúc nào cũng đúng.

Ảnh minh hoạ/ Baophapluat.vn
Từng có trường hợp “ba ngành” cho rằng, đối tượng phạm tội “có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu” nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cách lập luận này không biết được áp dụng bao nhiêu lần song thực tế cho thấy không ít quan chức, trước khi bị phát hiện vi phạm (kỷ luật hoặc pháp luật) đều có “nhân thân tốt”, sau khi phạm tội đều có “sức khỏe yếu”, đều phải vào bệnh viện điều trị nên dẫu có mất cái “nguyên” này những vẫn “nguyên” nhiều thứ khác.
Lại có ý kiến cho rằng kỷ luật đánh vào danh dự, uy tín, mất danh dự, uy tín là mất tất cả!
Có ngây thơ quá không khi nhận định như vậy?
Khi người ta trọng danh dự, uy tín và có đủ năng lực suy xét, chẳng ai làm việc gì để đến nỗi phải kỷ luật, chỉ những người “mặt trơ trán bóng” vừa thiếu tâm vừa không đủ tầm, chẳng có cả danh dự lẫn uy tín mới bị kỷ luật, vậy kỷ luật đánh vào “cái không còn” liệu có bị … mỏi tay?
Lấy nhân đức cai trị một xã hội nhiễu nhương phải chăng chỉ là ảo vọng?
Vậy trừng trị một người để làm gương cho muôn người có tác dụng?
Suốt nhiều năm qua, sau mỗi đợt kê khai tài sản, chẳng đã phát hiện bốn năm trường hợp vi phạm trong cả triệu người kê khai đó sao?
Nếu bốn năm người bị phát hiện sai phạm không khiến cả triệu người cảnh tỉnh, tiếp tục kê khai có phải là lãng phí thời gian, tiền bạc?
Chống tham ô, lãng phí có phải là một trong những mục tiêu của chiến dịch “Lò nóng - củi tươi”?
Dường như có một cách hiểu chưa chính xác, rằng cán bộ nghèo mới là người liêm chính còn cán bộ, công chức giàu thì tất phải bòn rút của công, phải tham nhũng,…!
Tuy nhiên cán bộ giàu bất thường mà không chứng minh được nguồn thu hợp pháp thì chắc chắn chỉ có thể bằng tham nhũng mà có.
Người liêm chính, cũng như toàn bộ dân chúng, chỉ không được phép làm những gì pháp luật cấm.
Để giữ thanh danh, để tạo dựng hình ảnh một lãnh đạo trong sạch trước dân chúng mà để cho con cháu, dòng tộc có cuộc sống kham khổ thì khó có thể là tấm gương cho mọi người.
Như đã nói ở phần đầu, “Pháp trị” theo hướng pháp luật cai trị xã hội là định hướng đúng đắn, song ngay cả như thế có phải là đã toàn thiện, toàn mỹ?
Trả lời câu hỏi này lại phải nói đến “Nhân trị”.
Luật pháp do con người tạo ra, nếu quá trình làm luật không minh bạch, không dân chủ, nếu luật pháp lại do “Độc quyền đa số” chi phối thì “Luật pháp cai trị xã hội” chẳng khác gì liều thuốc an thần khiến dân chúng mơ màng về sự công bằng, bác ái.
Xin dẫn một ví dụ:
Năm 2013, Bộ Công thương tổ chức thi tuyển công chức tại Cục Quản lý thị trường, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển là Cục trưởng Trương Quang Hoài Nam.
Sau kỳ thi, đã có nhiều đơn thư khiếu nại, phản ánh: đề thi bị lộ, thí sinh biết trước và cả 10 thí sinh trúng tuyển này đều được cho là con cháu của người trong Cục”. [1]
Sau khi có kết luận của Công an và Bộ Nội vụ, sau khi bị kỷ luật, Cục trưởng Hoài Nam được điều chuyển làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, còn ông Trịnh Văn Ngọc - người cũng bị kỷ luật do liên quan tới những bê bối trong thi tuyển công chức này được nhận Huân chương Lao động hạng 3 “Vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2011 đến năm 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. [2]
Người dân kém hiểu biết đổi ngoại tệ tại tiệm vàng bị ông Hoài Nam ký quyết định phạt 90 triệu đồng, còn bản thân người này vi phạm chẳng bị phạt đồng nào, lại còn làm Phó Chủ tịch thành phố, vậy đây là “Pháp trị” “Nhân trị” hay “Quan trị”?
Loài người từ xưa đến nay chứng kiến quá nhiều sự kiện đến mức không ít triết gia phải kết luận “Công lý nằm trong tay kẻ mạnh”.
“Kẻ mạnh”, theo cách nói của người Việt là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.
Vậy những người bị kỷ luật vẫn nhận huân chương, vẫn làm lãnh đạo, họ “bạo” vì cái gì?
Nhìn ra thế giới, dù không nhận được nghị quyết phê chuẩn của Liên Hợp Quốc do thiếu chứng cứ và bị thế giới phản đối, Tổng thống Mỹ Bush (con) vẫn phát động chiến tranh xâm lược Iraq dựa trên lý lẽ của riêng mình, rằng nước này sở hữu vũ khí hóa học.
Sau khi tàn phá đất nước Iraq, giết chết tổng thống nước này, những người đã xua quân ném bom giết hại dân thường xoa tay bảo “Có sự nhầm lẫn thông tin tình báo”!
Giả sử có cái “Cân công lý” đủ to, nếu đặt “danh dự, uy tín” vào một bên, bên còn lại đặt biệt phủ, xe sang, bồ nhí,… thì cán cân sẽ nghiêng về bên nào?
Xem thế đủ thấy, dù là “Pháp trị” hay “Nhân trị” thì dân chúng vẫn là người “bị trị” chừng nào nhà nước “của dân, do dân, vì dân” vẫn còn là khẩu hiệu.
Độc giả Lê Tuấn báo Giaoduc.net.vn cho rằng:
Nhân trị" khi lập pháp, tức là khi làm luật phải theo mong muốn chính đáng của nhân dân.
"Pháp trị" khi hành pháp và tư pháp, tức là quản lí xã hội phải bằng pháp luật. Như vậy sẽ công bằng, dân chủ, văn minh và tiến bộ”. [3]
Có điều, luật pháp chẳng bao giờ hết kẽ hở, luật sư giỏi chính là người biết tìm những kẽ hở đó để “lách” còn “đày tớ” giỏi phải hơn luật sư một bậc, phải biết “lách” ở bất kỳ chỗ nào có thể “lách”.
Nếu các đạo luật được ban hành với những kẽ hở cố ý (chứ không phải vô tình) thì sự công bằng, văn minh, tiến bộ sẽ thuộc về “đày tớ” hay ông chủ?
Vậy chẳng lẽ không còn điều gì để tin tưởng?
Loài người, kể cả các thần linh mà con người tưởng tượng ra vẫn sống trong một xã hội đầy rẫy giả dối, lừa lọc nhưng khoa học vẫn phát triển và con người ngày càng hiểu biết tự nhiên nhiều hơn.
Tin vào nhân ái - đôi khi là niềm tin tuyệt vọng - vẫn là động lực khiến loài người không bị diệt vong.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tcnn.vn
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã chọn một hình minh họa khá thú vị trong phần 2 của bài viết.
Trong 8 hình nhỏ, hình đầu tiên nói về vai trò của quần chúng, những mảnh ghép xã hội, dẫu là xanh, vàng hay đỏ vẫn phải do nhiều người hợp sức mà thành.
Hình thứ 6 cho thấy khi người ta đơn độc thì dễ mất phương hướng.
Hình thứ 7 mô tả “pháp luật cai trị xã hội”, người đứng đầu (màu đỏ) vẫn bị pháp luật chi phối.
Những hình còn lại cho thấy vai trò của người lãnh đạo (màu đỏ) là phải biết tập hợp, đoàn kết, dẫn dắt và điều khiển quần chúng.
“Pháp trị” hay “Nhân trị” nếu tách rời đều không thể quản lý xã hội, vấn đề là người lãnh đạo đề cao cái gì và xem nhẹ cái gì, quan trọng hơn là có đủ bản lĩnh để chiến thắng phần “con” trong danh phận “con người”?
Xuân Dương
Tài liệu tham khảo:
[1]https://infonet.vn/dbqh-truong-trong-nghia-chung-ta-lam-dan-thuong-mot-vai-gio-xem-post194647.info
[2] http://nhandan.com.vn/cuoituan/item/34886402-y-thuc-ve-thuong-ton-phap-luat.html
[3]http://www.dangcongsan.vn/tieu-diem/thuong-ton-phap-luat-gia-tri-vung-ben-401343.html
[4] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/can-co-luat-ve-dang-109512.html
[5]https://infonet.vn/tu-vu-an-oan-ong-nen-con-bao-cao-an-an-bo-tui-hop-3-nganh-van-oan-sai-post185905.info
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét