Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

20181002. ẢNH HƯỞNG CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG ĐẾN VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆT NAM ?

NGUYỄN MINH PHONG/ GDVN 30-9-2018

Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nguồn: CNN
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc mở màn ngày 6/7/2018, đến ngày 24/9/2018 đã có 1 gói 50 tỷ USD của cả 2 nước cùng bị áp thuế 25% và thêm gói 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế 10%, 60 tỷ USD từ Mỹ bị áp thuế 10% và có khả năng cùng tăng lên 25% vào đầu năm sau…
Cuộc chiến này không gây bất ngờ vì đã được ông Donald Trump đưa vào chương trình hành động của mình nếu đắc cử Tổng Thống Mỹ.
Đây cũng là cuộc chiến hợp pháp đối với cả hai bên trong khuôn khổ các biện pháp tự vệ thương mại cho phép của WTO, mà cả hai nước đều là thành viên.
Nhưng đây là cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới và rất khó đoán định, được dẫn dắt bởi những “nghệ thuật thương lượng” trong kinh doanh "không giống ai" của Tổng thống, tỷ phú Donald Trump và những tính toán thâm trầm, dài hơi, tổng hợp “36 phép dùng binh”, kết hợp cả “lửa và nước” truyền thống của Trung Quốc.
Cả bên tấn công và bên phản vệ đều “vừa đánh vừa đàm”, lấy lợi ích quốc gia của mình là mục tiêu tối thượng, song cuộc chiến này chưa rõ hồi kết, trong khi hệ lụy của nó là đa dạng và đa chiều, sẽ ngày càng vượt khỏi biên giới Mỹ và Trung Quốc, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu của guồng máy kinh tế thế giới (trong đó có Việt Nam) đang trong giai đoạn tăng tốc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đầy hăm hở, theo cả bề rộng và bề sâu, trước mắt và lâu dài…!
Việc tăng thuế nhập khẩu hàng hóa trừng phạt lẫn nhau khiến giá cả thị trường hàng hóa nhập khẩu tăng, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước chịu thêm tổn phí theo tỷ lệ thuận với sự mở rộng danh mục chủng loại, quy mô giao dịch thương mại hai chiều và kéo dài về thời gian.
Ngoài ra, những biện pháp trả đũa ngầm thông qua hàng rào kỹ thuật bổ sung cũng tăng thêm, thủ tục hải quan tại các cảng nhập cũng trở nên chậm chạp và chi phí đắt đỏ hơn, làm tăng nguy cơ chủ hàng bị thua thiệt hoặc cân nhắc chuyển hướng thị trường sản xuất và xuất khẩu sang các nước khác.
Mỗi năm Mỹ nhập khẩu khoảng 500 tỉ USD các sản phẩm của Trung Quốc, cao hơn gần 4 lần giá trị của các lô hàng đến từ các nước khác.
Mức thuế 25% mà Mỹ áp đặt trên 818 sản phẩm Trung Quốc sẽ làm tăng chi phí mua sắm cho các nhà sản xuất của Mỹ, bởi khoảng 30% các linh kiện điện tử (như chip và điện trở) là nhập từ Trung Quốc. (???)
Việc chuyển toàn bộ chi phí gia tăng đó cho người tiêu dùng không phải là dễ dàng, do đó phần lớn gánh nặng sẽ rơi vào lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng.
Viện Nghiên cứu Mizuho của Nhật Bản ước tính rằng nếu thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc giảm 20%, thì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ bị giảm thêm 3 điểm phần trăm.
Để bù lại nguy cơ tiêu cực này, dòng hàng hóa hoặc FDI từ Trung Quốc sang các nước khác có thể sẽ gia tăng.
Hơn nữa, để tránh đối diện với hàng rào thuế quan mới này, có thể nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hoặc Mỹ sẽ dịch chuyển sang nước thứ ba để sản xuất rồi xuất khẩu tiếp vào thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Tập đoàn sản xuất phụ tùng ô tô Keihin (Nhật Bản) dự kiến sẽ không xuất khẩu các sản phẩm mới từ Trung Quốc sang Mỹ nữa và không nhập những lô hàng như bảng điều khiển điện tử được sử dụng trong xe hybrid và xe điện từ Trung Quốc, mà sẽ sản xuất các bộ phận ở Mỹ hoặc vận chuyển chúng từ Nhật Bản.
Ngoài ra, sự suy giảm dòng hàng từ Trung Quốc vào Mỹ và ngược lại đồng nghĩa với tạo thêm khoảng trống thị trường, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt và các nước khác tăng cường đầu tư, nâng cấp và liên kết chuỗi sản phẩm mới để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ và Trung Quốc.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt có thể thêm cơ hội mua rẻ hơn những mặt hàng của Trung Quốc (như động cơ, thiết bị…) khó xuất sang Mỹ.
Tuy nhiên, khi mặt hàng cơ khí, các thiết bị, linh kiện từ Trung Quốc khó xuất hơn sang Mỹ thì sẽ tràn sang Việt Nam và cạnh tranh với hàng Việt. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, hàng Trung Quốc có thể mượn đường và xuất xứ từ Việt để xuất sang Mỹ. Điều này khiến doanh nghiệp Việt vừa bị giảm thị phần, vừa có thể bị oan và tăng nguy cơ bị trừng phạt từ Mỹ.
Đặc biệt, sức ép tăng lãi suất đồng USD của Mỹ và giảm giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ cùng hợp lực làm tăng sức ép lên tỷ giá VND.
Sức ép giảm giá VND (tức tăng tỷ giá đối với đồng USD) sẽ gia tăng cùng chiều với sự gia tăng nhập siêu và khan hiếm ngoại tệ, cũng như quy mô dòng chảy ngược USD ra ngoài biên giới trước sức hút chênh lệch lãi suất huy động đồng USD của Việt Nam (hiện bằng 0% và chưa có dấu hiệu tăng) với Mỹ (từ 1,75-2% và sẽ tiếp tục tăng chậm).
Nếu kéo dài xu hướng ổn định tỷ giá (làm tăng giá trị danh nghĩa VND), sự bất lợi về xuất khẩu của hàng Việt sẽ đậm nét hơn và sức cản thu hút dòng FDI vào Việt Nam cũng sẽ lớn dần lên.
Điều này đồng nghĩa với khả năng thu hẹp sản xuất và xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài vì các nhà đầu tư này không muốn bị thiệt hại về tỷ giá khi đầu tư vào Việt Nam.
Còn nếu buộc phải tăng tỷ giá, tức giảm giá VND, thì áp lực lạm phát trong nước sẽ là thách thức lớn nhất của nửa cuối năm 2018, trong bối cảnh sức ép lạm phát chi phí đẩy và lạm phát tiền tệ trong nước giữ nguyên, thậm chí còn tiếp tục gia tăng cùng quá trình tăng tốc tự chủ tài chính và thị trường hóa cộng đồng đông đảo các đơn vị sự nghiệp công trong nước theo lộ trình đã định...!

Dây chuyền sản xuất giày, dép xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Midori Safety Footwear Việt Nam tại khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Như vậy, nhìn tổng thể, cuộc chiến thưong mại Mỹ-Trung càng kéo dài và càng mở rộng danh mục tăng thuế từ nhóm công nghệ, kỹ thuật cao sang các nhóm ngành hàng khác... càng có thể làm đứt đoạn hoặc dịch chuyển chuỗi cung ứng liên kết cũ, hình thành hoặc làm sâu sắc hơn các liên kết mới với các đối tác không bị ảnh hưởng bởi tăng thuế.
Nói cách khác, có thể xuất hiện những đảo chiều hoặc bẻ ghi dòng FDI khu vực và thế giới theo hướng né các thị trường đang chịu mức thuế cao, dồn tụ vào các nước ít có có nguy cơ áp thuế-bảo hộ nhiều hơn.
Việc cần làm của Việt Nam lúc này là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, rà soát các điểm mạnh-yếu, chuẩn bị kỹ các kịch bản tình huống, tăng năng lực phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, linh hoạt các giải pháp ứng phó cần thiết để hạn chế tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét