ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: Ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình đều xem Triều Tiên là con bài chiến lược? (GD 31/5/2017)-"Quân sư" cảnh báo Trung Nam Hải: Tổng thống Donald Trump không dễ đối phó (GD 30/5/2017)-Triển vọng quan hệ Việt-Mỹ (viet-studies 30-5-17)- Nguyễn Quang Dy-Nỗ lực cân bằng quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc (BBC 30-5-17) -- P/v Lê Hồng Hiệp-Vì sao không thấy một bóng Mỹ nào ra đón Thủ tướng Phúc? (BVN 30/5/2017)-Thiền Lâm/ VNTB-
- Trong nước: Ông "cấp phép hát Quốc ca" về Văn phòng Bộ (GD 31/5/2017)-7 người chết vì chạy thận ở Hòa Bình là hiện tượng y khoa chưa từng có (GD 31/5/2017)-Khởi tố vụ án liên quan đến 7 người chạy thận tử vong (VNN 31/5/2017)-Đại biểu nêu ba điều kiện để giám sát kê khai tài sản cấp cao (GD 30/5/2017)-Vận tải biển khó khăn, đâu hẳn vì giá cước (KTSG 31/5/2017)-Hot girl xứ Thanh, đại biểu sốt ruột và… “Việt kiều yêu nước”! (DT 30-5-17)-Thiết bị lọc bụi lò vôi của Formosa phát nổ (VNN 31/5/2017)-
- Kinh tế: Mô hình nhập từ Trung Quốc giá hơn 60 tỷ, hỏng hóc liên tục, nhà thầu "bỏ chạy" (GD 31/5/2017)-Bộ trưởng Tài chính: “Chúng ta không làm vẫn phải ăn” (KTSG 31/5/2017)-Sức ép cho mục tiêu tăng trưởng 6,7% (KTSG 31/5/2017)-Doanh nghiệp Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ ký nhiều thỏa thuận (KTSG 31/5/2017)-Thuốc lá gây tổn thất cho kinh tế Việt Nam 24.600 tỉ đồng/năm (KTSG 31/5/2017)-Bộ LĐTB&XH có chỉ số cải cách hành chính thấp nhất (KTSG 30/5/2017)-Doanh nghiệp Mỹ sẽ mở hàng trăm cửa hàng giặt ủi ở Việt Nam (KTSG 30/5/2017)-Cần “cuộc cách mạng” trong quản lý nợ công (VOV 30-5-17)-Đập thủy điện uy hiếp an ninh nguồn nước ĐBSCL (TP 30-5-17)-Dự án nghìn tỷ thua lỗ: Quả đắng sau những hợp đồng EPC (TP 30-5-17)-Nghịch lý thị trường ôtô Việt Nam (1): Khi xe rẻ… không rẻ (VnE 30-5-17)-Ô tô sang biếu tặng: Bán tống bán tháo, dỡ showroom vì thua lỗ (VNN 30-5-17)-
- Giáo dục: Tại sao giáo viên sợ Hiệu trưởng như sợ cọp nếu bỏ công chức, viên chức? (GD 30/5/2017)-Người học Toán đang rất có giá với các ông chủ lớn Facebook, Google, Microsoft (GD 30/5/2017)- Chuyện học hành ở đảo Trường Sa (GD 31/5/2017)-Hà Nội công bố đường dây nóng hỗ trợ tuyển sinh đầu cấp (GD 31/5/2017)-
- Phản biện: Văn hóa đối thoại & Đồng thuận quốc gia (BVN 30/5/2017)-Nguyễn Quang Dy--Không được lợi dụng vấn đề đối thoại để chống phá (GD 31/5/2017)-Bắc Hà/QĐND-Phải sửa từ móng nhà (BVN 30/5/2017)- Tô Văn Trường-Làm chậm tiến độ – Cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất của nhà thầu Trung Quốc (BVN 30/5/2017)-Ngọc Việt-
- Thư giãn: Xem Mỹ bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa 'Triều Tiên' (VNN 31/5/2017)-
PHẢI SỬA TỪ MÓNG NHÀ
TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 30-5-2017
Thiết bị sản xuất xi măng của Trung Quốc (Ảnh trên mạng)
Sau rất nhiều bùng nhùng bức xúc xảy ra ở những dự án hàng nghìn tỷ đồng do nhà thầu Trung Quốc luôn thắng thầu rồi làm hỏng, khi được hỏi thì các chủ đầu tư phía Việt Nam thường đều tự tin trả lời: “tất cả đều đúng quy trình và minh bạch!”
Nhưng những tổn hại về đội vốn, về môi trường, về an toàn và kéo dài thời gian ở những dự án ấy buộc công luận phải đặt các câu hỏi: “Tại sao những tổn hại ấy phần lớn chỉ xảy ra với các dự án mà các Công ty Trung Quốc trúng thầu? Có lợi ích nhóm ở đây không? Có móc ngoặc hối lộ không? Và trên hết, có những kẽ hở lỏng lẻo trong cơ chế và thủ tục xét thầu sử dụng công quỹ không?" Các câu trả lời dường như đã nằm trong các câu hỏi.
Vậy nếu coi việc loại bỏ những hậu quả tai hại từ những dự án đấu thầu sử dụng công quỹ là sửa một ngôi nhà thì chắc khâu đầu tiên là phải sửa từ nền móng!
Hiện nay, có hàng trăm nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện các dự án ở Việt Nam, hầu hết đều là các công nghệ lạc hậu, bê trễ thời gian thi công, và đội vốn, v.v... để lại các hậu quả rất nặng nề về mọi mặt. Nếu rà soát có hệ thống và khách quan, một câu hỏi tất nhiên sẽ được đặt ra: đây có phải là sự "thông đồng" có hệ thống hay chỉ là sự "ngẫu nhiên đáng ngờ" của từng dự án riêng lẻ?
Chỉ nói riêng ngành xi măng ở thập niên 1990, trong vòng chưa đến chục năm, các địa phương đã ồ ạt nhập về hơn 50 dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ lò đứng của Trung Quốc mà sau thời gian ngắn hoạt động đã bị khai tử, làm lãng phí rất lớn tiền của và gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Bài học đắt giá nói trên vẫn chưa học thuộc, lại “mắc bẫy” ngay vào một sai lầm mới, đó là phong trào làm xi măng lò quay, nhà nước đã không kiểm soát được chất lượng thiết bị và công nghệ nhập khẩu ồ ạt của Trung Quốc.
Nhiều người đặt vấn đề vì sao Trung Quốc luôn thắng thầu các dự án ở Việt Nam như sản xuất xi măng, gang thép, nhiệt điện, bauxite, xây dựng cơ sở hạ tầng? v.v… Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh, có khả năng đưa người lên vũ trụ, nhưng các đơn vị thắng thầu lại thường chỉ là các đơn vị có chất lượng kém hoặc hầu hết không khá. Vấn đề này cần xem xét, đánh giá cả từ hai phía, chủ đầu tư và bên dự thầu cũng như chủ trương của những người có thẩm quyền.
Bỏ giá dự thầu kiểu láu cá
Hạng mục nào nhắm làm không được thì nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thấp hẳn, hạng mục ngon xơi thì giá tăng vọt, nhưng tổng giá bỏ thầu vẫn thấp nhất. Lấy ví dụ: có hạng mục tư vấn thiết kế cùng 2 đơn vị dự thầu khác (3 quốc tịch khác nhau) tính giá suýt soát nhau. Nhà thầu Trung Quốc bỏ giá chỉ bằng 18% giá trung bình của 2 đơn vị dự thầu kia. Nhà thầu các nước, tất nhiên bị loại vì không thể nào làm được với giá thấp như thế.
Phải công nhận là quy định chấm thầu của ta còn lỏng lẻo. Mặc dù các dự án quốc tế có thuê tư vấn nhưng khi tư vấn có cơ sở để bác nhà thầu Trung Quốc thì chủ đầu tư vẫn có “cách lách” để chấm cho đạt! Về mặt chuyên môn, khổ nỗi là hạng mục kia có tầm quan trọng về tiến độ và chất lượng, không làm thì cả dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng lại khó trích dẫn hồ sơ mời thầu để biện minh cho việc này!
Khi đàm phán hợp đồng, nhà thầu Trung Quốc nhìn nhận đã bỏ giá quá thấp cho hạng mục đó, nên họ hứa sẽ chuyển chi phí từ các hạng mục khác để đắp qua hạng mục bỏ giá thấp. Cuối cùng “vỡ trận”, khi được nhắc nhở về lời hứa “đắp qua”, nhà thầu Trung Quốc bảo không có chi phí đế đắp qua, và tìm đủ lý do biện minh rồi bỏ luôn hạng mục đó. Trong khi họ ăn lời ở các hạng mục ngon xơi đã bỏ giá cao. Nếu phải tổ chức đấu thầu lại, tốn rất nhiều thời gian và chi phí điều hành, rồi cũng phải trả chi phí cao để thi công, thậm chí còn cao hơn cả dự toán ban đầu.
Sử dụng công nghệ kém cỏi
Trong một dự án, tư vấn khuyến cáo với điều kiện như thế này, thì cần các loại thiết bị như thế kia. Nhưng hồ sơ mời thầu thiếu chặt chẽ, không ràng buộc cụ thể những điều kiện như thế nào, cho nên nhà thầu có quyền không nghe khuyến cáo của tư vấn, lại dùng thiết bị và công nghệ kém cỏi nhằm giảm chi phí (trước tiên là giảm giá dự thầu). Hậu quả là thiết bị hỏng hóc, tiến độ chậm, nhưng họ viện dẫn đủ lý do để bào chữa. Lại phải tổ chức đấu thầu lại cho hạng mục đó với nhiều chi phí rất tốn kém.
Còn đối với nhà thầu có lương tâm và tinh thần chuyên nghiệp, muốn tính đúng, tính đủ để làm cho tốt thì họ sẽ thua khi dự thầu vì giá quá cao.
Chỉ do 2 thủ thuật nói trên là đủ để nhà thầu Trung Quốc tuyên bố: Dù theo giá nào họ vẫn làm được, trong khi nhà thầu có lương tâm và tinh thần chuyên nghiệp thì không cạnh tranh nổi với Trung Quốc.
Lỗi tại chủ đầu tư nêu đầu bài "hở" và kiểm tra, giám sát kém
Trước hết, các chủ đầu tư đã không làm kiểu đấu thầu "2 phong bì", phong bì kỹ thuật và phong bì giá, riêng rẽ. Cần phải lựa chọn các nhà thầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ cao. Đây cũng có thể là khâu chủ đầu tư sơ hở từ đầu. Chẳng hạn, đã nêu yêu cầu kỹ thuật công nghệ không rõ. Ví dụ nêu "thiết bị từ các hãng G7", nhưng sau này, họ lại lắp đặt các thiết bị G7 được sản xuất tại nước khác, chất lượng kém hơn hẳn, như kiểu xe nhập khẩu và xe lắp ráp chất lượng khác nhau.
Thành ra, dù nhà thầu kém, kể cả một số nhà thầu Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn "qua mặt" được các nhà cung cấp thiết bị chính hãng! Đến khi xét thầu theo giá thì nhà thầu Trung Quốc có lợi thế do biết cách bỏ thầu chắc thắng.
Còn kinh nghiệm của nhà thầu? Khi dẫn đoàn Việt nam đi tham quan xem công trình họ làm ở Trung Quốc rất hoành tráng, tiến độ và chất lượng đâu ra đó, cả tây lẫn ta đều trầm trồ khâm phục! Họ bảo: công trình bên ta thì nhỏ hơn nhiều, làm sẽ dễ thôi!
Thực tế, khi qua VN họ làm không phải “dễ thôi”, mà là quá lôi thôi. Tổng kết các vụ việc, cần tự hỏi: Có phải họ cố ý muốn phá hoại ta không? Cũng chính nhà thầu đó, mình đã đi tham quan, chứ lẽ nào họ “sơ ý” làm kém cỏi như thế?!? Một dự án chỉ cần trễ hạn vài tháng là bao nhiêu thiệt hại, rồi còn phải đối phó với những hỏng hóc cứ xảy ra chỗ này chỗ nọ, khi này khi khác! Các dự án do Trung Quốc thực thi trễ cả năm trời là chuyện “thường ngày ở huyện”!
Ai bật đèn xanh?
Nhiều người am hiểu thời cuộc cho rằng mọi dự án định đưa ra đầu thầu phía Trung Quốc đã có tay trong của phía ta và của phía họ cho biết trước rồi. Cái đám “lobby 2 bên này” bàn kế hoạch giữa ta và nó để xúc tiến, đấu thầu kiểu gì Trung Quốc cũng trúng, bằng mọi thủ đoạn: dèm pha các đối thủ khác, bỏ thầu thấp, “bôi trơn” gầm bàn, hứa hẹn lo nguồn tài chính, v.v…
Khi Trung Quốc thắng thầu rồi, họ giở thủ đoạn mới, ví dụ yêu cầu ta nên mở rộng công suất, vì bịa ra là triển vọng dự án tốt lắm, nên thêm cái nọ thay cái kia..., trên cơ sở đó làm lại giá thầu đã được duyệt giữa họ và Việt Nam. Thủ đoạn này cuối cùng thường nâng giá dự án lên gấp đôi hoặc hơn nữa – điển hình là bauxite Tân Rai, Nhân Cơ lúc đầu là 600 triệu đô la, ký rồi nâng lên tới khoảng 1,2 tỷ đô (viện lẽ mở rộng công suất của dự án). Dự án bauxite này vừa thua lỗ về kinh tế, vừa ô nhiễm môi trường, đã được nhiều người, kể cả các vị lão thành cách mạng cảnh báo từ khi mới sơ khởi.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông vì vay vốn của Trung Quốc do Trung Quốc làm tổng thầu liên tục chậm tiến độ, không bị phạt, lại đòi tăng vốn lên 250 triệu đô la. Việt Nam phải bấm bụng vay thêm rồi nhà thầu vẫn ỳ ra, và chưa đưa vào vận hành đã thấy có nhiều điều vênh váo. Đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đang trở thành nỗi thất vọng do gói thầu A3 của Trung Quốc liên tục làm ăn gian dối, gây bê trễ về thời hạn thi công và tác hại lớn về kinh tế xã hội, v.v...
Song cái nguy thật sự nằm ở chỗ có sự đồng lõa và bật đèn xanh thường là ở cấp có thẩm quyền. Nói nghiêm khắc, đây là một trong những tội ác tham nhũng trầm trọng, mất lòng dân nhất.
Giải pháp
Về hồ sơ mời thầu: Cần chặt chẽ về kỹ thuật, quy trình, nêu rõ mục tiêu phải đạt, tiêu chí, loại thiết bị/công nghệ tầm G7 (có cho phép dùng thiết bị tương đương hay không). Cần tính toán dòng tiền đầu tư, công vận hành bảo dưỡng trong lâu dài. Cần so sánh: giá đầu tư có thể cao ban đầu nhưng về lâu về dài tổng chi phí sẽ thấp, so với giá đầu tư thấp nhưng sau đó có nhiều “hidden cost” (chi phí ẩn) nếu tính đúng, tính đủ thì tổng giá sẽ cao. Trong 2 ví dụ nêu trên, chi phí nhân sự khi hạng mục đình trệ, rồi soạn hồ sơ mời thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng mới, v.v... là rất cao nhưng không được thể hiện trên giấy tờ.
Về tính toán hiệu quả: Công trình sớm 1 ngày là có lợi ích ngày đó, nhưng nhiều lúc khó tính ra thành tiền (ngoài những dự án sinh ra tiền như điện, hóa chất, sản phẩm bán được...) cho nên làm nghiên cứu khả thi và dự toán cần đặt nặng ở lợi ích về lâu, về dài, rồi cố gắng huy động nguồn vốn cho đủ mà làm cho tốt.
Cả trong hồ sơ thuyết minh tiền khả thi và khả thi cần phân biệt hiệu quả kinh tế quốc gia (tính tất cả chi phí và kết quả, bao gồm cả các khoản giảm thuế, làm công trình kế cận, sử dụng chung...) với hiệu quả tài chính dự án (đã trừ đi các chi phí giảm thuế, làm đường, bến cảng...) để thấy hiệu quả đích thực và cái giá mà quốc gia phải trả có xứng đáng không.
Cũng từ đó: định giá sàn để đảm bảo chất lượng, khuyến khích đơn vị dự thầu đề xuất công nghệ/thiết bị phù hợp tầm G7 dù cho nhà thầu là Trung Quốc, Hàn quốc, Thái Lan,...
Vai trò của tư vấn: Cần nâng cao vai trò của tư vấn. Ở nước ngoài, nếu có chuyện băn khoăn 50/50 về quy định, quy trình, cơ sở khoa học... giữa việc chấp nhận và bác bỏ vấn đề gây quan ngại thì chủ đầu tư nghe theo khuyến cáo của tư vấn, vì tư vấn có tính độc lập nhưng vẫn muốn bảo vệ chủ đầu tư. Đã thuê tư vấn, phải trả tiền cao cho người bảo vệ mình mà lại không nghe theo họ thì làm sao mà bảo vệ được quyền lợi của mình?
Sửa lại móng nhà: Nguyên lý điều hành quản lý nhà nước là trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi. Nếu quyền hạn lớn hơn trách nhiệm dễ sinh ra tham nhũng, quan liêu. Nếu quyền lợi không gắn với trách nhiệm sẽ mất động lực. Theo quan điểm duy vật lịch sử, hệ thống chính trị là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc có mối quan hệ hữu cơ gắn bó với cơ sở kinh tế.
Vấn nạn thắng thầu - tham nhũng và “đi đêm” thì nước nào cũng có, đặc biệt khu vực công là nơi mà nó thể hiện rõ nét nhất. Để giảm thiểu vấn nạn này thì có hai con đường: (1) Hoàn thiện môi trường Luật pháp và (2) Giảm thiểu tới mức cần thiết khu vực công. Có nhiều mô hình của các nước tiên tiến mà ta có thể tham khảo, nhưng hình như yếu tố cốt lõi của vấn đề ở đây, mang tính bao trùm lên tất cả, chính là… thể chế chính trị - xã hội.
Lời kết
Những người phụ trách và quyết định cho đấu thầu và trúng thầu của chúng ta, là những người thuộc một nước có nền công nghiệp lạc hậu, và có những điều kiện bất lợi do lịch sử để lại. Phải nói là Trung Quốc rất hiểu tâm lý cán bộ ta, vừa vụ lợi, vừa bị cầm tù trong tâm lý coi họ là bạn, cùng một hệ thống tư tưởng, cho dù chúng ta đã quá hiểu về họ.
Thực ra, giá thầu với Trung Quốc đội lên rất cao, cao hơn các nguồn khác, và Trung Quốc biết chúng ta đã “há miệng mắc quai” rồi, tiếp tục mắc thêm nợ nữa, kèm theo là những ràng buộc khó gỡ đối với họ.
Chung quy lại, trước hết phải sửa từ móng nhà, thì không có chuyện Trung Quốc thắng thầu tràn lan, làm ăn bê bết để lại các hậu họa mọi mặt về chính trị kinh tế xã hội và môi trường ở Việt Nam.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN
LÀM CHẬM TIẾN ĐỘ- CÁCH PHÁ HOẠI KINH TẾ
KHỦNG KHIẾP NHẤT CỦA NHÀ THẦU TRUNG
QUỐC
NGỌC VIỆT / TĐQ/ BVN 30-5-2017
Có thể thấy rằng, việc làm chậm tiến độ là một cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất của những nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực thực hiện (hay cố tình không thực hiện) những gói thầu mà họ bỏ thầu và trúng thầu.
Làm chậm tiến độ – Cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất của nhà thầu Trung Quốc
Biến kỳ vọng thành thất vọng
Ngày 12.1.2012 đã diễn ra một sự kiện đặc biệt tại Hà Nội, đó là lễ ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) thoả thuận về một khoản vay tái thiết và phát triển (IBRD) cùng bốn gói tín dụng hỗ trợ giảm đói nghèo (IDA) cho Việt Nam, với tổng số tiền là 973,5 triệu USD, theo tài liệu của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam).
“Đây là lần đầu tiên mà WB tài trợ cho việc phát triển đường cao tốc tại Việt Nam. Các khoản tín dụng ký kết hôm nay sẽ cung cấp vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thành phố có tiềm năng phát triển và góp phần hỗ trợ thực hiện các cải cách của Việt Nam”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam khi đó phát biểu tại lễ ký kết.
Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi rất được kỳ vọng của người dân và chính phủ Việt Nam cũng như những nhà đầu tư quốc tế.
Theo AmCham Vietnam thì số tiền của các khoản tín dụng trên được sử dụng để tài trợ cho Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với giá trị là 613,5 triệu USD, tài trợ cho Dự án phát triển hạ tầng đô thị với giá trị là 210 triệu USD và khoản tín dụng dành cho Dự án Hỗ trợ giảm đói nghèo với giá trị là 150 triệu USD.
Trong số các gói tín dụng đó thì Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi rất được kỳ vọng, được đánh giá là sẽ nâng cao hiệu quả trong việc hỗ trợ năng lực cần thiết cho sự tăng trưởng của khu vực Trung Bộ trong tương lai, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo điều kiện cho thúc đẩy thương mại trong nước và quốc tế thông qua hội nhập khu vực.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã được giao làm chủ đầu tư của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ngày 19.5.2013 Dự án đã được khởi công và dự kiến 65km đầu tiên được thông xe vào cuối năm 2016, đến năm 2018 sẽ thông xe toàn tuyến.
Vậy nhưng, ngày 23.7.2016, VEC cho biết đã phát hiện những gian dối trong sử dụng vật liệu nền đường tại gói thầu A3 có giá trị đầu tư là 1.360 tỉ VND, thuộc Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (DA ĐNQN). VEC đã buộc nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc phải lập tức dừng thi công tại những vị trí trên, cho đến khi loại bỏ và thay thế vật liệu đạt chuẩn.
Rồi ngày 1.3.2017 tại hạng mục cầu VD09A km 107+307, tư vấn giám sát (TVGS) hiện trường đã phát hiện bãi tập kết vật liệu thép để thi công cầu VD09A của nhà thầu Giang Tô không đảm bảo kỹ thuật, quá sát mặt đất, một số thanh sắt chạm đất.
Ngày 22.3.2017, tại hạng mục cầu VD09C, TVGS kiểm tra khoan cọc nhồi cầu VD09C đã phát hiện không có phụ gia bentonite tại hiện trường. Nhà thầu không có tài liệu chứng minh dung dịch khoan hiện tại đúng yêu cầu thi công được duyệt.
Gói thầu A3 do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đã liên tiếp có những sai phạm
Do đó, TVGS đã yêu cầu nhà thầu Giang Tô dừng thi công công tác khoan cọc cho đến khi bổ sung đầy đủ nguồn bentonite và các tài liệu đảm bảo cho vật liệu sử dụng làm dung dịch để khoan tạo lỗ cọc.
Vậy là bao nhiêu kỳ vọng về dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, một công trình trọng điểm, nay đã dần trở thành nỗi thất vọng gắn liền với những sai phạm liên tiếp của nhà thầu Trung Quốc tại gói thầu A3.
Những thiệt hại từ việc chậm tiến độ của nhà thầu Trung Quốc
Ngày 17.4.2017, trong công văn gửi ông Gordon A. Edwards, Giám đốc, tư vấn giám sát CS1 gói thầu A3, do ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban QLDA ĐNQN ký, có nội dung yêu cầu nhà thầu Giang Tô thay thế Giám đốc dự án gói thầu A3 là ông Sun Taiping, trước ngày 1.5.2017.
Đặc biệt, trong công văn này, VEC cho biết tư vấn giám sát sẽ xem xét thiệt hại với chủ đầu tư do việc chậm tiến độ của gói thầu A3 và thông báo cho nhà thầu phải chịu trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng.
Thoạt nghe có thể nhiều người cũng cảm thấy an lòng vì nhà thầu Trung Quốc làm ăn gian dối đã bị phát hiện, xử phạt và nhất là bị xem xét phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra, song phân tích kỹ thì lại thấy “buồn nhiều hơn vui”.
Bởi lẽ, nhà thầu Trung Quốc không thể bồi thường được những thiệt hại do họ gây ra, mà việc phạt theo hợp đồng chỉ mang tính chiếu lệ. Xin phép đưa ra bài toán kinh tế để chứng minh cho nhận định đó.
Cả dự án có thể bị ảnh hưởng bởi một gói thầu A3 mà nhà thầu Trung Quốc sai phạm liên tục khiến bị chậm tiến độ
Có thể thấy, thiệt hại do nhà thầu Trung Quốc làm chậm trễ công trình sẽ bao gồm hai phần: phần tính toán được bằng số liệu và phần chưa thể tính được bằng số liệu (đặt trường hợp nhà thầu chấp nhận khắc phục và khắc phục được lỗi).
Thứ nhất, phần thiệt hại tính toán được bằng số liệu – đó là thiệt hại về tài chính:
Theo tài liệu của VEC, tổng vốn đầu tư của DA ĐNQN khoảng 28.000 tỉ VND, trong đó WB tài trợ 613,5 triệu USD, tương đương khoảng 13.300 tỉ VND. Vì là vốn vay dạng IDA nên lãi vay của khoản vốn này là 0%.
Vốn đối ứng của Việt Nam là 28.000 tỉ – 13.300 tỉ = 14.700 tỉ VND. Dự án sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ (TPCP), lãi suất khoảng 7%/năm.
Như vậy, tổng vốn đầu tư cho DA ĐNQN sẽ phải chịu lãi suất vay là:
R = (13.300 tỉ x 0% + 14.700 tỉ x 7%)/28.000 tỉ x 100 = 3,765%
Do đó:
Lãi vay 1 năm của DA ĐNQN là: RA3yC = 28.000 tỉ x 3,765% = 1.029 tỉ
Lãi vay 1 tháng của DA ĐNQN là: RA3mC = 1.029 tỉ / 12 = 85,75 tỉ
Lãi vay 1 ngày của DA ĐNQN là: RA3dC = 85,75 tỉ /30 = 2,858 tỉ
Gói thầu A3 có tổng giá trị đầu tư là 1.360 tỉ VND, vậy:
Lãi vay 1 năm cho gói A3 là: RA3y = 1.360 tỉ x 3,765% = 49,98 tỉ
Lãi vay 1 tháng cho gói A3 là: RA3m = 49,98 tỉ /12 = 4,165 tỉ
Lãi vay 1 ngày cho gói A3 là: RA3d = 4,165 tỉ/30 = 0,1388 tỉ
Nếu chậm tiến độ một ngày thì gói thầu A3 sẽ làm thiệt hại riêng về lãi vay cho vốn đầu tư của gói thầu này là RA3d = 138,8 triệu VND, song thực ra nó có nguy cơ gây ảnh hưởng tới cả dự án, nghĩa là thiệt hại thực tế là RA3dC = 2,858 tỉ VND.
Đặt trường hợp nhà thầu Trung Quốc chấp nhận bồi thường thiệt hại do chậm tiến độ, chắc chắn con số bồi thường chỉ được tính toán xoay quanh khoản thiệt hại là 138,8 triệu VND/ngày, chứ không phải là 2,858 tỉ VND/ngày, nghĩa là rất nhỏ so với thiệt hại thực tế của Việt Nam. Bởi lẽ nhà thầu Trung Quốc chỉ thực hiện gói thầu A3 của DA ĐNQN.
Thứ hai, phần thiệt hại chưa thể tính toán bằng số liệu – như ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của vùng, khu vực và cả nước. Và phần thiệt hại này chắc chắn sẽ không thua gì thiệt hại đã tính toán được, như về lãi vay của vốn đầu tư.
Cùng với những thiệt hại về kinh tế - tài chính, việc chậm tiến độ, nhất là với những công trình trọng điểm, còn gây ra rất nhiều hệ luỵ cho kinh tế - xã hội tại khu vực được hưởng lợi nhờ dự án.
Có thể thấy rằng, việc làm chậm tiến độ là một cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất mà những nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực thực hiện (hay cố tình không thực hiện) những gói thầu mà họ bỏ thầu và trúng thầu.
Hiện nay, có tới hàng trăm nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện những gói thầu của họ trên đất nước Việt Nam và phần lớn bị chậm tiến độ. Qua bài toán kinh tế trong tính toán thiệt hại do chậm tiến độ trong Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có thể thấy thiệt hại do nhà thầu Trung Quốc gây ra cho kinh tế Việt nam khủng khiếp như thế nào.
Trước việc nhà thầu Trung Quốc lại liên tục mắc sai phạm, điều đó khiến giới phân tích cho rằng dường như đó là những sai phạm có tính toán. Vì vậy có thể nhận diện đây là một cách phá hoại kinh tế của nhà thầu Trung Quốc, chứ không chỉ đơn giản là việc mắc lỗi trên công trường.
N.V.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét