Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

20170419. BÀN VỀ 'CÔNG CHỨC ROBOT'

ĐIỂM BÁO MẠNG
'CÔNG CHỨC ROBOT' VÀ SỢI DÂY KINH NGHIỆM
XUÂN DƯƠNG/ GD 19-4-2017
"Công chức robot" chỉ biết làm theo chương trình đã lập sẵn, không suy nghĩ, không xem xét trước hậu quả bên ngoài hay tác động xã hội thế nào từ việc làm của mình. (Ảnh minh họa: plo.vn)
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng này được gọi tên là “Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây cộng với những thay đổi trong nước đã góp phần hình thành một đội ngũ “công chức cắp ô” chiếm khoảng 30% tổng số công chức nhà nước - theo nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông còn là Phó Thủ tướng.
Vậy cuộc “Cách mạng 4 chấm” này sẽ sản sinh cho đất nước loại công chức gì? Theo ý kiến chủ quan có lẽ sẽ là “công chức robot”.
Chưa thể khẳng định loại công chức mới này chiếm bao nhiêu phần trăm, nhưng thực tế cho thấy số lượng “công chức robot” hiện nay không thể gọi là nhỏ.
Robot là những thiết bị chỉ biết làm theo chương trình đã lập sẵn, không suy nghĩ, không xem xét hậu quả, cũng không có chuyện đi muộn về sớm hay đình công đòi tăng lương.
“Công chức robot” có những nét tương đồng như là chỉ biết làm theo chương trình đã lập sẵn, không suy nghĩ, không xem xét trước hậu quả bên ngoài hay tác động xã hội thế nào từ việc làm của mình.
Tuy nhiên vì là “công chức” nên khác robot ở chỗ biết mưu lợi cho bản thân, biết né tránh trách nhiệm và biết “dọn ổ” chuẩn bị hạ cánh an toàn.
Có thể nhận diện những điển hình của “công chức robot” qua “văn hóa cấm” liên quan đến một vài đơn vị thuộc ngành Văn hóa.
“Văn hóa cấm” nói ở đây có thể hiểu theo hai hướng.
Thứ nhất là hành động “cấm” của cơ quan chức năng ngành Văn hóa qua việc một vài đơn vị thuộc ngành này ra lệnh cấm biểu diễn, lưu hành một số bài hát, có bài ra đời trước 1975, cũng có bài bị “cấm” từng được các cơ quan, đơn vị nhà nước tặng giải thưởng.
Cách hiểu thứ hai: cấm là một dạng văn hóa ứng xử, cũng như người Việt ngày nay quen với các cụm từ “văn hóa từ chức”; “văn hóa xấu hổ”; “văn hóa học đường”,…
“Văn hóa cấm” đôi khi bị “quy chụp” cho là “không quản được thì cấm”!
Câu chuyện cấm trình diễn các tác phẩm nghệ thuật (điêu khắc, hội họa, âm nhạc,…) ngoài lý do “bản quyền” còn vô số lý do khác thuộc về “quyền bản”.
Chữ “bản” ở đây dùng với ý nghĩa là “làng”, “quyền bản” hay “quyền làng” cũng tương tự như “lệ làng” vậy.
Không chỉ ngày xưa mới tồn tại “phép vua thua lệ làng” mà ngày nay cũng vậy, chỉ có khác là thời hiện đại nên ngôn ngữ cũng hiện đại theo, chẳng hạn “trên bảo dưới không nghe, nghe rồi không làm đến nơi đến chốn, làm kiểu đánh trồng bỏ dùi”…
“Quyền bản” được vận dụng rất sáng tạo, có nhiều biến thể tùy theo địa phương, hoàn cảnh, chẳng hạn ký phê duyệt thời gian hoạt động dự án cho Formosa tới 70 năm là “quyền bọ”; công nhận tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Giám đốc sở 30 tuổi “đúng quy định” là “quyền bộ”.
Nếu chịu khó tìm hiểu thì còn “quyền sở”, “quyền cục”, “quyền anh”, “quyền em” (còn gọi là  “quyền tự có”)...
Về “quyền sở”, đã xảy ra câu chuyện thế này, ngày 7/2/2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang ban hành công văn thông báo có 354 bài hát bị cấm lưu hành tại tỉnh này, trong số đó có bài “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến.
Ca khúc “Màu hoa đỏ” (phổ nhạc từ bài thơ “Thời hoa đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu) được cố nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác năm 1991. 
Năm 1994, “Màu hoa đỏ” đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và giải "Ca khúc xuất sắc" của Bộ Quốc phòng.
Có thể ca khúc “Màu hoa đỏ” tuyệt vời về nội dung, giai điệu, có thể được tặng thưởng nhưng vì bị lồng những hình ảnh không phù hợp (trong biến thể dành cho hát karaoke) nên cứ cấm cái đã cho “an toàn”!
Nếu không phải là “công chức robot” nếu là công chức bình thường có lẽ chả ai nghĩ ra sáng kiến cấm “Màu hoa đỏ”, cũng có thể vị lãnh đạo ngành Văn hóa ở Tiền Giang - người cầm bút ký quyết định cấm - chưa bao giờ nghe bài hát này?
Việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh ra văn bản cấm lưu hành một bài hát nằm trong danh mục đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép, đã đi vào lòng người qua hơn một phần tư thế kỷ không biết có phải “quyền sở” to hơn “quyền bộ” hay đó chỉ là thao tác đã được lập trình của những “công chức robot”?
Chuyện Sở Nông nghiệp (từng) có 8 cấp phó ở Thanh Hóa, Sở (từng) có 44/46 người là lãnh đạo ở Hải Dương hay (lãnh đạo) Sở ở Đồng Nai bảo “lấp sông Đồng Nai là đúng quy trình” không giống “quyền sở” ở Tiền Giang nếu chỉ xem xét về hiện tượng.
Sự giống nhau có chăng chỉ là về phương diện “mặt bằng” mà nếu tìm lỗi thì sẽ có người quy ngay trách nhiệm cho “thế giới phẳng”?
Nếu lỗi không do “thế giới phẳng” thì tại sao lại “mặt bằng” lại “bằng” thế?
Có một điều nói ra chưa chắc đã “đúng quy trình”, nhưng không nói thì cảm thấy áy náy.
Liệu có phải lỗi không do “thế giới phẳng” mà tại vì “giỏ nhà ai, quai nhà ấy”, hay cũng còn tại “con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”?
Được biết Bộ Tư pháp từng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức tham mưu soạn thảo, thẩm định, trình ban hành văn bản trái pháp luật.
Riêng chính quyền địa phương trong 5 năm (2011-2015) đã ban hành 9.427 văn bản và đã phát hiện 299 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền ban hành.[1]
Chia bình quân cho 63 tỉnh, thành phố, mỗi tỉnh có gần 5 văn bản sai luật, đây là chưa kể đến các bộ, ban, ngành.
Ngày 5/10/2012 Chính phủ ban hành Nghị định số 79: “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”.
Theo điều 9 Nghị định này thì chỉ có hai cơ quan được quyền cấp phép là Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh.
Phát huy “sáng kiến” của Tiền Giang, mới đây Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định tạm dừng phổ biến 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 dù các ca khúc này đã được lưu hành từ trước.  
Các ca khúc bị dừng biểu diễn gồm: "Cánh thiệp đầu xuân" (Lê Dinh - Minh Kỳ); "Chuyện buồn ngày xuân" (Lam Phương); "Con đường xưa em đi" (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương); "Đừng gọi anh bằng chú" (Diên An) và "Rừng xưa" (Lam Phương).
Đây là cách thể hiện “quyền cục” hay chỉ là một cách chỉnh sửa cho “đúng quy trình”?
Ngày 16/12/2016, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 7274 đề nghị xem lại nội dung một số bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến.
Trước tình hình trên, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thành lập Hội đồng nghệ thuật thẩm định và nhận thấy 5 bài hát được cấp phép trước đây vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan” là nội dung được báo Anninhthudo.vn đề cập hôm 15/3/2017. [2]
Theo lẽ thường, nếu có vi phạm “quyền tác giả và quyền liên quan” thì cơ quan nhà nước phải dựa vào khiếu nại của tác giả hoặc đối tượng liên quan để xử lý.
Không thiếu các vụ việc tòa án yêu cầu hai bên nguyên và bị thỏa thuận mà không cần mở phiên tòa xét xử. Trường hợp tác giả hoặc người có quyền liên quan không khiếu nại thì có cần phải làm to chuyện?
Theo lời một vị lãnh đạo, năm bài hát bị “cấm” không có gì đặc biệt cả về nội dung ca từ lẫn ý nghĩa chính trị, thế nên chuyện “cấm” dường như chỉ là những “lỗi kỹ thuật”.
Một khi là “lỗi kỹ thuật” với “công chức robot” thì phải quy cho người lập trình, robot thế hệ bốn chấm chưa được trang bị trí tuệ nhân tạo để tự sửa “phần mềm”!
Tuy nhiên với hai ca khúc “Màu hoa đỏ” và “Nối vòng tay lớn” thì không thể nói là là “lỗi kỹ thuật”.
“Nối vòng tay lớn” là ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Không thiếu các sự kiện tầm cỡ, được truyền hình trực tiếp, có sự tham gia của lãnh đạo cao cấp, mọi người cùng cất vang ca khúc này.
Vậy tại sao người ta lại bỏ sót không đưa nó vào danh mục được phép biểu diễn?
Tại sao chỉ đến khi Ban giám hiệu Trường đại học Y dược Huế - nơi tổ chức chương trình “Nối vòng tay lớn” xin cấp phép biểu diễn thì ca khúc “Nối vòng tay lớn” mới được cấp phép?
Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật lời ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn như sau:
Ca khúc “Nối vòng tay lớn” vẫn được cấp phép biểu diễn từ trước đến nay, đó là sự thật. Song Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng không thể nói sai luật vì đúng là ca khúc này chưa được cấp phép”. [3]
Không biết các nhà ngôn ngữ học có hiểu ý ông Tuấn hay không chứ phó thường dân thì chịu, bởi lẽ “ “Nối vòng tay lớn” vẫn được cấp phép biểu diễn từ trước đến nay” nhưng “đúng là ca khúc này chưa được cấp phép”?
Nếu không phải là “công chức robot”, nếu là người bình thường suy nghĩ có tí logic thì làm sao có thể không thấy trái tai khi nghĩ ra cách lý giải: “được cấp phép biểu diễn từ trước đến nay” nhưng lại “chưa được cấp phép”?
Nếu ông Phó Cục Nghệ thuật biểu diễn nói rằng các sở địa phương cấp chứ “Cục ông” chưa cấp thì nghe còn lọt tai, đằng này nghe ông nói mà thấy giống như Google dịch tiếng Anh sang tiếng Việt quá!
Còn một câu hỏi khác, liệu Hội đồng nghệ thuật mà Cục Nghệ thuật biểu diễn thành lập để đưa ra quyết định tạm dừng phát hành 5 ca khúc có tham khảo ý kiến Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao trước khi quyết định “cấm” hay không?
Sau hơn 40 năm thống nhất, hiện có hơn 4 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Dù Thứ trưởng Bộ Văn hóa, ông Vương Duy Biên đã phê bình nặng việc cấm 5 ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn song chỉ phê bình thôi là đã đủ?
Làm sai chỉ phải nhận phê bình, thế thì cần gì phải đủ bằng cấp lý luận cao cấp, chuyên viên chính mới làm được lãnh đạo sở, cục?
Liệu Quốc hội có nên ban hành thêm “Pháp lệnh cách chức” bên cạnh Luật Cán bộ Công chức, có nên quy định cứ là sai là cách chức không rút kinh nghiệm cho tốn thời gian, tiền thuế nuôi đội ngũ “công chức robot” thế hệ 4 chấm như hiện nay?
Mà không chỉ cách chức, nếu gây hậu quả thì còn phải xử lý hình sự, khi đó người ta mới “kinh sợ” chứ không phải chỉ là “kinh nghiệm”?
Một đất nước với “bầy sâu” tham nhũng hoành hành chưa thể tiêu diệt kèm theo lực lượng “công chức cắp ô” và “công chức robot” cứ nhởn nhơ đùa với công luận thì làm sao có thể thoát khỏi tình trạng “đội sổ” như ý kiến của một vị cựu lãnh đạo?
Liệu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có cần chờ chỉ đạo của Thủ tướng mới tiến hành xử lý các vụ “cấm” mà các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện? Hay là Bộ cũng ngại, nhỡ xử lý “nhầm” thì lại phải “rút kinh nghiệm”?
Tài liệu tham khảo:
[3] http://vov.vn/Print.aspx?id=612967
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét