Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

20170418. LIÊN TƯỞNG TỪ VỤ ĐỒNG TÂM, MỸ ĐỨC, HÀ NỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỒNG TÂM, LỘC HÀ, TỔNG BIỂU TÌNH VÀ XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH
BÙI QUANG VƠM/ BVN 18-4-2017
clip_image001
Cảnh sát cơ động được điều động tăng cường đến Mỹ Đức hôm 16/4/2017. Citizen photo

Liên tiếp những ngày gần đây, hiện tượng xung đột giữa dân chúng với nhà cầm quyền địa phương đang bộc lộ những nấc thang mới. Mức độ đấu tranh của quần chúng đã có mức nhảy vọt cả về quy mô lẫn chiều sâu nhận thức. Nhà cầm quyền cộng sản tại Hà Nội có vẻ như đang lúng túng giữa một cách hành xử phát xít và một lựa chọn trí tuệ không hổ thẹn với một chính quyền của thế giới dân chủ văn minh.
-  Ngày 9/04, Công an thị xã Kỳ Anh đã khởi tố vụ án 150 người tội gây rối trật tự công cộng.
- Ngày 12/04, Công an Hà Tĩnh khởi tố vụ án 2000 người gây rối cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước.
- Ngày 16/04, công an Hà Nội khởi tố vụ án 4 người và đang có khả năng khởi tố vụ án 6000 dân xã Đông Hà, huyện Mỹ Đức gây rối trật tự công cộng, theo điều 245 bộ luật Hình sự.
Sự hoảng sợ thái quá, tư duy cai trị, sự hằn học sĩ diện cùng với sự thèm khát trả đũa đã đẩy các quan chức cấp thấp tới những quyết định có thể bị goị là ngu xuẩn, khiến Hà Nội không biết làm gì.
Khởi tố 150 người, khởi tố 2000 người, rồi đang muốn khởi tố cả 6000 người, không biết ở đâu trên trái đất, có thể có một phiên toà có số phạm nhân nhiều như vậy không và người ta sẽ phải xét xử như thế nào. Tại sao có một loại luật pháp mà cùng một lúc có nhiều người vi phạm như vậy?
Hơn thế, một Chính phủ có thể kết tội cả dân tộc của nó không? 
Trong vụ án bắn chết 3 người tại Đắk Nông, tháng12/2016, ông Phạm Công Út từ Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định vụ án "giống như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng trước đây, ông Vươn cũng phải chọn con đường nguy hiểm cho mình khi chấp nhận mang án giết người cũng chỉ nhằm để bảo vệ đất đai của mình. Ở đây là các hộ dân bị "cướp đất" theo cách hiểu của họ, nên họ là những người bảo vệ từng tấc đất của mình, trong đó có nghi can Đặng Văn Hiến".
Tại Đồng Tâm, chiều tối hôm 15/04, "dân gọi, báo là đã đổ xăng vào 20 lính cơ động và sẽ đốt nếu làng bị bao vây và tấn công"!(1) Hiện côn đồ bao vây làng, dọa giết và đốt nhà dân!
Khi nhà báo hỏi bà con "có nản chí và sợ hãi không?" thì họ trả lời rằng: "Dân ở đây thì cho lên máy chém cũng không hết người chị ạ, chúng tôi sẵn sàng giữ đất đến chết. Hiện nay hơn 6.000 dân vẫn đang cố thủ giữa làng".
Diễn biến tiếp, sẽ như thế nào?
Các vụ vụ khởi tố tập thể, khởi tố số đông dân chúng cho thấy quan hệ giữa người dân và chính quyền đang chính thức trở nên đối kháng. Bên kết án và bên bị kết án. Luật pháp đứng về phía chính quyền diễn giải tội thuộc về dân. Loại luật pháp không bảo vệ người yếu, người thua thiệt trong xã hội là luật pháp phi nghĩa, nó tự huỷ tính cách công lý của nó và nó tự trở nên vô giá trị.
Nó phản ánh tư duy cầm quyền và cai trị, không phù hợp với chế độ của dân, do dân và vì dân. Trấn áp nhằm tiêu diệt ý chí chống đối chính quyền. Lô gíc của nhà cầm quyền là nếu nhượng bộ, người dân sẽ được đằng chân lân đằng đầu, nếu chính quyền không trấn áp, đè bẹp hoàn toàn, thì sẽ buộc phải lùi dần cho đến khi mất hết quyền lực và không còn kiểm soát được ổn định và tồn tại của chế độ.
Chính theo sự dẫn dắt của lối tư duy này, chính quyền chỉ vắt óc tìm mọi thủ đọan, đặt bẫy, lừa bịp, lèo lá lươn lẹo với người dân, nhằm thắng từng chi tiết nhỏ, những cái đầu cai trị này không hiểu được rằng, họ có thể lừa bịp được một vài người mà không thể lừa bịp được số đông, và chỉ có thể che đậy sự thật, có thể bịa đặt đảo lộn thật giả trong một thời hạn nhất định. Với thời gian, thật giả sẽ như cái kim trong bị. Vì vậy, bằng tiểu xảo, nhà cầm quyền chỉ càng làm sự phẫn nộ tăng lên, và chính quyền càng ngày càng không còn chính danh để thực hành pháp luật.
Đó là quy trình tự vô hiệu hoá quyền lực, vô hiệu lực hoá pháp luật.
Chính quyền sẽ không thể dừng ở khởi tố và kết án 2000 người của huyện Lộc Hà, 6000 người của xã Đồng Tâm. Nếu cái cần sửa là chính sách ruộng đất, là luật sở hữu đất đai mà không được sửa, cứ giữ mãi cái "đất đai là sở hữu nhà nước", để những tên cầm quyền, cầm chức tước đoạt từng miếng cơm của dân, thì nhà cầm quyền sẽ còn phải khởi tố và kết án nhiều dân nữa. Sau Đồng Tâm Mỹ Đức sẽ có hàng trăm, hàng ngàn Đồng Tâm khác.
Cuộc cách mạng ruộng đất, khẩu hiệu "ruộng đất về tay dân cày" đã thúc đẩy người nông dân cả nước vùng lên làm cách mạng giúp Đảng Cộng sản giành được chính quyền. Nhưng khi có chính quyền trong tay, những người cộng sản đã phản bội dân. Họ đã một lần nữa tước đoạt ruộng đất khỏi tay người cày bằng chính sách "Đất đai thuộc sở hữu nhà nước". Trên thực tế, nhà nước chính là các cấp chính quyền, bắt đầu và trực tiếp là chính quyền cấp xã, huyện. Sự tàn bạo của chế độ chính là thể hiện qua sự tham lam, vô đạo và vô văn hoá của cấp thấp nhất này.
Hiện tượng ban đầu, người đi biểu tình mang theo cờ đỏ sao vàng, sau đó cờ đỏ sao vàng được thay bằng cờ tôn giáo, bằng linh kỳ truyền thống, rồi gần đây, xuất hiện cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ Cộng hoà Việt Nam, phản ánh sự phát triển nhận thức của quần chúng.
Mang theo cờ đỏ sao vàng, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, chống tệ nạn tham nhũng trong tinh thần bảo vệ chế độ, nhưng bị chính cảnh sát chìm nổi, giả dạng côn đồ, thẳng tay đàn áp. Chính quyền không bảo vệ dân, người dân buộc phải tìm tới sự che chở của thần linh, của chúa trời và hồn thiêng đất nước. Và cuối cùng là một ước nguyện dân chủ, một thể chế dân chủ phổ biến của văn minh nhân loại. 
Sự biến mất của cờ đỏ là tín hiệu cờ cộng sản đang không còn mang ý nghĩa tượng trưng hay đại diện nữa. Cùng với nó nghĩa là người ta đang đi đến phủ nhận tính hợp pháp của chính phủ, quyền cai trị của đảng cộng sản.
Các cuộc đối chất trực tiếp phản đối chính quyền địa phương cho thấy người dân đang bắt đầu giai đoạn chất vấn tính chính danh của chính quyền và bắt đầu không tìm đến chính quyền như tìm kiếm người bảo vệ các quyền lợi của mình. Luật pháp đang mất dần hiệu lực.
Lý thuyết đấu tranh bất bạo động nhấn mạnh khía cạnh giai đoạn cuối cùng của phong trào quần chúng là tự lập ra uỷ ban tự quản, bất tín nhiệm và vô hiệu hoá quyền lực của chế độ. Không thừa nhận hiệu lực của pháp luật, chính là không thừa nhận chính quyền.
Khi toàn bộ một quốc gia, người dân không tuân thủ chính quyền trực tiếp, thì thực chất, chế độ đã không còn tồn tại, vì không kiểm soát và không điều hành được các hoạt động xã hội.
Hiện tượng bất tín nhiệm chính quyền địa phương, tự bầu ra người đại diện điều hành tự quản của mình, bất tín nhiệm người của chính quyền, tự hoạt động độc lập với chính quyền của chế độ đã xuất hiện trong làng xã Việt Nam, như một nhu cầu tư nhiên, khi chính quyền chỉ định một cách áp đặt không xứng đáng.
Theo Việt Nam Thời Báo, "bà Trần Thị Hiền kể lại vụ việc bắt đầu vào những ngày đầu tháng 7/2016, xóm Ngọc Thượng có tổ chức một cuộc họp với 39 gia đình tham dự:
“Khoảng 10 năm nay, xóm Ngọc Thượng chưa một lần tổ chức họp xóm đông đủ bà con. Lần họp ấy thì có cả thẩy 39 người. Trong lúc bỏ phiếu và công bố thì tôi được 21/39 phiếu rồi ông Hoàng thì được 18/39 phiếu. Tôi thắng cử và được vỗ tay công nhận, đích thân ông Chủ tịch, Bí thư cũng công nhận trước xóm. Bầu cử xong khoảng 2 ngày thì có ông Phó chủ tịch điện chúc mừng”.
Đây chính là một hình thức dân chủ trực tiếp. Người dân tự bầu ra người đại diện và cơ chế tự quản của mình. Chính quyền chỉ là người chứng kiến.
Phong trào Tổng biểu tình trên cả nước hiện nay cũng mang những hình thức tương tự. Những người biểu tình tự tổ chức, tự tín nhiệm tạo ra đại diện tự quản.
Mặc dù đó mới chỉ là những gì đang xảy ra một cách tự phát, bản năng, chưa phải là những chuyển động có tổ chức và được dẫn dắt theo một chương trình hay một kế hoạch được tính toán mang tính chất kỹ thuật. Nhưng khi hình thành đầy đủ các yếu tố cần thiết cho một chuyển động có ý thức, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, việc ra đời một cơ chế tự quản tách khỏi sự lệ thuộc với chính quyền hiện hữu sẽ là chuyện tự thân và tất yếu.
Đó là sự hình thành nên phong trào xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, mà chính Đảng Cộng sản đã biết tận dụng và khai thác triệt để sức mạnh của nó, như những khuôn mẫu để làm ra cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc, làm nên cuộc cách mạng giành chính quyền tháng Tám năm 1945.
Nếu nhà cầm quyền không nhận ra tín hiệu có tính quy luật tất yếu đó, thì sự cáo chung của chế độ chỉ còn là chuyện sớm hay muộn.
Không có khó khăn để hình dung những gì sẽ diễn ra:
Hà Nội sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương thương lượng và làm một vài động tác xoa dịu yên dân, mục đích để cứu những CSCĐ đang bị nhốt giam tại nhà văn hoá xã.
Người dân xã Đồng Tâm cũng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thả các CSCĐ. Họ không thể và không có điều kiện để giữ mãi, mặc dù chính quyền sẽ không chịu thả những người dân bị lừa bắt đi.
Nhưng vẫn như những lần khác, bài của chính quyền là giả làm như xuống thang, thương lượng để dập tắt lửa, sau đó sẽ áp dụng các thủ đoạn nham hiểm, chia tách từng nhóm, từng cá nhân rồi tạo dựng hồ sơ, chứng cứ giả để luận tội, kết án, khởi tố. Song song việc bắt và truy tố điểm, chính quyền sẽ tạo một áp lực thường trực lên cuộc sống sinh hoạt của cả xã, tạo một không khí khủng bố và một cảm giác thua thiệt. Tất cả con số 6000 người tham dự sự kiện, sẽ lần lượt bị xử lý bằng các thủ đoạn khác nhau, âm thầm, nhưng không bỏ só một ai. Các vụ án sẽ bị xử cực nặng. Những cái chính quyền goị là đầu rắn sẽ bị nhà cầm quyền đập dập không thương tiếc.
Tóm lại là cách hành xử của một chính quyền chống lại dân chúng, thù địch với dân chúng.
Có nghĩa là, trước mắt, trong một thời hạn có thể không dài nào đấy, người dân xã Đồng Tâm sẽ thua. Cùng với người dân xã Đồng Tâm, dân chúng cả nước sẽ thua.
Nhưng chế độ đang biến mất. Nó thực sự đã biến mất khỏi ý thức của người dân trong tư cách một chính quyền. Nó đang hiện ra như một tập đoàn của một lực lượng chiếm đóng, đối lập thù địch với dân.
Một thứ chuyển động, ban đầu có thể âm thầm, nhưng sẽ đến lúc nó biến thành một làn sóng không gì ngăn cản được. Đó là làn sóng tẩy chay chính quyền trên quy mô toàn quốc. Dân chúng sẽ tự lập ra các uỷ ban tự quản, không chấp hành luật pháp và chính sách của Chính phủ. Không nộp thuế và bất cứ một nghĩa vụ đóng góp nào cho chế độ. Một chính quyền thật sự của dân, vì dân sẽ tự hình thành như vậy.
Phong trào Tổng biểu tình hiện nay đang có thêm động lực và phải gánh lấy trách nhiệm hỗ trợ và hậu thuẫn cho đồng bào xã Đồng Tâm.
Đồng Tâm đang rất cần sự hỗ trợ về Pháp lý, về Tinh thần và về Vật chất của toàn thể đồng bào, cả trong nước lẫn ngoài nước.
Hãy kêu gọi cả nước đứng dậy vì Đồng Tâm. Hãy bảo vệ bà con Đồng Tâm. Phản đối âm mưu khởi tố tập thể.
Hãy kêu gọi sự xuất hiện của nhân cách xuất chúng trong hàng ngũ những lãnh đạo cộng sản hiện tại vì một giải pháp ôn hoà hướng tới nền dân chủ đích thực cho dân tộc Việt.
Giải pháp cho Đồng Tâm chứa đựng giải pháp cuối cùng, vĩnh viễn cho tương lai Việt Nam.
Ngược lại, dẫm đạp lên quyền sống của người dân, luật Magnitsky Toàn cầu sẽ không bỏ sót bất cứ kẻ nào.
Đàn áp, giết dân, thì không thể còn tư cách tồn tại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nói tới vụ dùng bom hoá học để giết chính dân Syrie của Bachar al Assad, đã tuyên bố, "chính phủ giết chính dân của mình thì không còn tư cách cầm quyền"; "Nó đáng bị dội bom tiêu diệt".
Chính quyền cộng sản Hà Nội, nếu cũng lựa chọn giết dân, hoặc bỏ tù cả 6000 dân xã Đồng Tâm, hẳn không ra ngoài những gì mà các chính khách, học giả, tư tưởng gia trên thế giới trước nay liệu định.
17/04/2017
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN
(1) Thật ra, theo một số nguồn tin khác, số lượng CSCĐ bị bắt nhiều hơn con số 20, và việc đổ xăng vào người CSCĐ không có. Dân chỉ đổ xăng vào các vật liệu đặt xung quanh nhà văn hóa nơi nhốt các CSCĐ này – BVN.

CÔNG XẪ PARIS ĐỒNG TÂM?

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 18-4-2017
clip_image001
Công an phải rút lui sau khi dân làng ở Mỹ Đức trực diện đối mặt.
Kỷ niệm hai chục năm chẵn của cuộc nổi dậy Thái Bình năm 1997, Bộ Chính trị đảng như “lên ruột” trước một cơn cuồng phong mới: Đồng Tâm 2017.
Cơn cuồng phong mới
Một hình ảnh hoàn thiện tái hiện dĩ vãng. Cũng bùng lên từ nguồn cơn giới nha lại địa phương tham nhũng đất đai, tham ô đủ thứ và nhũng nhiễu nông dân. Cũng đê vỡ toác trước con sóng trào phẫn uất vượt cả giới hạn sợ hãi của người dân. Cũng một tinh thần đoàn kết và đồng lòng, đồng tâm cao độ đến bất ngờ của nông dân, như thể một sự xúc phạm quá lớn đối với cảnh nạn phân hóa rã đám trong hệ thống chính quyền và công an trị thời nay.
Nhưng khác biệt cũng không nhỏ. Giờ đây, không còn là Quỳnh Phụ cách Hà Nội hàng trăm cây số, mà cái tên Đồng Tâm thình lình hiện ra ngay tại thủ đô, tạo dấu ấn chưa từng có kể từ thời “Hà Tây về Hà Nội”.
Hà Nội lại là ngự phủ của toàn bộ giới lãnh đạo chóp bu. Hiểm họa “Cách mạng tháng Tám” đang quá kề cổ.
Và cũng khác hẳn với quá khứ với một số lần người dân các nơi bắt giữ lẻ tẻ vài ba công an viên trong một số vụ việc bất công và bức xúc gây ra bởi chính quyền, cái tên Đồng Tâm đã tạo nên cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên người dân dám bắt giữ cả một đơn vị cấp trung đội cảnh sát cơ động của Công an Hà Nội, trong đó có cả “đồng chí Trung đoàn trưởng cảnh sát cơ động” và “đồng chí Phó trưởng công an huyện Mỹ Đức mặc thường phục”.
Ở vào thế cùng kiệt về kế sinh nhai lẫn sinh mạng, nông dân chỉ còn biết hành động “người đổi người”.
Hãy đừng bao giờ cho rằng những nông dân hiền hòa ở xã Đồng Tâm ấy chỉ chực chờ nổi loạn chống chính quyền, theo cách mà bộ máy tuyên truyền của công an, tuyên giáo và giới dư luận viên mất sạch liêm sỉ luôn chực chờ tung ra. Thử hỏi khi vùng đất Đồng Tâm đang yên lành, nếu không có chuyện Đỗ Mười - Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - ký một quyết định thu hồi hơn 47 ha đất nông nghiệp của nông dân Đồng Tâm từ năm 1980 để “phục vụ dự án an ninh quốc phòng và sân bay Miếu Môn”, làm sao có thể phát sinh hậu quả ghê gớm như ngày hôm nay? Thử hỏi, nếu không có chuyện chính quyền huyện Mỹ Đức, sau khi nhận lại số đất nông nghiệp trên từ Lữ đoàn 28 của Quân chủng Phòng không - không quân do sân bay Miếu Môn không làm được, nhưng lại nhập nhèm suốt 10 năm từ 2007 đến nay mà không làm quyết định giao đất cho bà con nông dân, trong khi lại xảy ra hàng loạt vụ việc một số quan chức địa phương bảo kê cho người thân chiếm dụng đất và giờ đây còn định để cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) “cướp” đất của dân, làm sao bà con nông dân lại phải rồng rắn kéo đoàn khiếu kiện đông người trong ròng rã nhiều năm trời? Và thử hỏi, nếu không có chuyện giới công an trị sử dụng “biện pháp nghiệp vụ”, mà thực chất là thủ đoạn “điệu hổ ly sơn”, để bắt giữ trái phép một số đại diện của dân xã Đồng Tâm, làm sao người dân xã này lại phải nghĩ đến việc bắt giữ lại các cảnh sát cơ động và quan chức công an để “trao đổi tù binh”?
Đồng Tâm lại đang trở thành một phiên bản của Ô Khảm. Sáu năm trước, cái làng nhỏ Trung Quốc chưa hề có tên trên địa đồ thế giới ấy thậm chí đã được báo The New York Times ví như “Công xã Paris Ô Khảm”.
Công xã Paris Ô Khảm
Năm 2011, Ô Khảm thuộc huyện Lục Phong, Quảng Đông đã nổi lên đánh đuổi lũ cường hào ác bá cộng sản ăn chặn của dân và tham nhũng đất đai ra khỏi làng này. Ô Khảm còn vùng lên dữ dội hơn nhiều sau khi một người đại diện cho dân làng là Tiết Cẩm Ba bị công an Trung Quốc tống giam và chết thảm trong tù vì bị tra tấn.
Nguồn cơn gây sóng trào phản kháng của dân giữa Ô Khảm và Đồng Tâm là y hệt nhau: chính quyền.
50 lần là chênh lệch giữa giá bán đất ra thị trường mà chính quyền đã toa rập cùng doanh nghiệp để thu lợi bất chính, so với giá bồi thường đất cho nông dân.
Khi đó, cũng như Đồng Tâm đương đại, Ô Khảm bị chính quyền khống chế và cô lập, bên trong thì cắt điện, bên ngoài thì chặn Internet và giới truyền thông, đồng thời sử dụng đến vài ngàn công an và quân đội vây kín.
Chỉ có điều, “Công xã Paris Ô Khảm” đã giành thắng lợi lớn. Cuộc đấu tranh quyết liệt, bền bỉ và sáng tạo của 13 ngàn người dân Ô Khảm, quyết tâm đi bộ đến tận Bắc Kinh để khiếu kiện, đã khiến Thủ tướng Trung Quốc thời đó là Ôn Gia Bảo phải ngã lòng chuyên chính. Thế rồi Bộ chính trị Trung Quốc bắt buộc phải nhân nhượng. Ít ngày sau, Ô Khảm đã ghi danh vào lịch sử dưới ách cai trị của Đảng Cộng sản: làng đầu tiên ở Trung Quốc được tiến hành bầu cử tự do, với người phụ trách làng được chính nhân dân bầu ra.
Công xã Paris Đồng Tâm?
Đồng Tâm cũng có thể được như Ô Khảm. Bức xúc lên đến đỉnh điểm, tinh thần đoàn kết cùng ý thức tổ chức cao của 6 ngàn nông dân Hà Nội có thể tạo nên một Công xã Paris ngay trong lòng thủ đô.
Không những thế, tiếp ngay sau phong trào biểu tình phản kháng Formosa và phản đối chính quyền của vài chục ngàn ngư dân, giáo dân ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, vụ Đồng Tâm đang phát ra tín hiệu bùng nổ dây chuyền, một vết dầu loang cực lớn ở một số tỉnh thành miền Bắc – những nơi đã tích tụ đủ phẫn uất trước nạn cường hào ác bá và đã tích lũy đủ mầm mống để vào bất cứ lúc nào cũng có thể biến thành “khởi nghĩa”.
Vẫn là một câu ngạn ngữ thời nay: “Nếu cho chính quyền cộng sản cả sa mạc, chính quyền đó vẫn phải nhập khẩu cát”. Trong nhung nhúc các nhóm lợi ích trong một chế độ “ăn của dân không chừa thứ gì”, bao giờ cũng vẫn là quá muộn. Một tác nhân Viettel tiếp tay khiến nông dân bị bần cùng hóa hoàn toàn xứng đáng bị giới tiêu dùng ở Việt Nam và quốc tế tẩy chay.
Để khi đó, đừng mong đợi hão huyền “quân đội sẽ ra tay trấn áp các lực lượng thù địch”.
Không, kể từ thời quả bom Đoàn Văn Vươn nổ tung ở Hải Phòng năm 2012, đã và sẽ chẳng có quân đội nào chịu biến thành công cụ hèn tủi để bảo vệ cho giới quan chức “tiền trên bàn thờ”, đàn áp và chống lại Nhân Dân - những người đã sinh thành mình.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN. Bài đã đăng trên VOAhttp://www.voatiengviet.com/a/dong-tam-my-duc-nong-dan/3813192.html
ĐỐI MẶT VỚI BẠO LOẠN, THỜI KHẮC LỊCH SỬ CỦA MỖI CHÍNH QUYỀN
TRẦN HÀ LINH/ BVN 18-4-2017
Cách đây hơn một trăm năm, nước Mỹ tư bản cũng đã có một ví dụ tương tự, đó là cuộc đình công của công nhân ngành than ở Pennsylvania năm 1902.
Vụ việc đã đi vào lịch sử như một bước ngoặt trong chính sách ở Hoa Kỳ, đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò của việc đảm bảo thông tin minh bạch, chính xác trong tiến trình chính sách. Ngoài ra, nó còn làm nổi bật vai trò của một vị Tổng thống mà đến nay vẫn được nhắc đến với sự mến mộ: Theodore Roosevelt.
Thứ sáu, ngày 3/10/1902, Tổng thống Theodore Roosevelt triệu tập một cuộc họp chưa từng có tiền lệ, tại khuôn viên của Nhà Trắng (lúc bấy giờ ở số 22 Lafayette Place, Washington, D.C.). Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh đang có đình công lớn và kéo dài ở các mỏ than antraxit của bang Pennsylvania, đe dọa an ninh năng lượng của cả nước. Bản thân ông Roosevelt thì trước đó một tháng, vừa bị tai nạn khi chiếc xe ngựa chở ông bị xe điện tông phải.
· Lược dịch từ: The Coal Strike of 1902 – Turning Point in U.S. Policy (Website Bộ Lao động Hoa Kỳ).
Roosevelt lo sợ “có những điều chưa ai biết đến… và khả năng bạo loạn chắc chắn sẽ leo thang thành xung đột trong xã hội”. Và mặc dù về mặt pháp lý, Tổng thống không có quyền can thiệp, nhưng ông vẫn gửi điện tín đến cả hai phía (chủ mỏ và công nhân), mời họ tới Washington để thảo luận, tìm giải pháp cho khủng hoảng.
Tại cuộc họp, ngồi trên xe lăn, Tổng thống kêu gọi tinh thần yêu nước của các bên, để sẵn sàng “hy sinh cá nhân vì lợi ích chung”.
Sau này, lịch sử ghi nhận rằng cuộc gặp hôm ấy đã đánh dấu sự chuyển đổi của chính quyền liên bang Hoa Kỳ từ vai trò “ngăn chặn đình công”, “phá đình công” sang vai trò “kiến tạo hòa bình” trong các xung đột, tranh chấp phát sinh trong nền sản xuất công nghiệp.
Vào thế kỷ 19, mỗi khi đình công nổ ra, các Tổng thống Mỹ hoặc không có động thái gì, hoặc nếu có thì sẽ đứng về phía giới chủ chống lại công nhân.
Tổng thống Andrew Jackson (nhiệm kỳ 1829-1837) từng “phá đình công” vào năm 1834 khi ông điều quân đội đến công trình kênh đào Chesapeake và Ohio. Năm 1877, ngành đường sắt đình công, Tổng thống Rutherford B. Hayes (nhiệm kỳ 1877-1881) huy động quân đội đàn áp. Năm 1894, Tổng thống Grover Cleveland (hai nhiệm kỳ, 1885-1889 và 1893-1897) cũng cho quân đội phá cuộc “Đình công Pullman” của đường sắt toàn quốc. Thậm chí, năm 1886, ông Cleveland còn đề nghị Quốc hội “lồng ghép” vào Uỷ ban Lao động (tiền thân của Bộ Lao động sau này) một cơ quan có chức năng ngăn chặn các cuộc đình công lớn.
clip_image002
Công nhân khai mỏ ở bang Tây Virginia năm 1908. Ảnh: Daily Mail.
Bối cảnh năm 1902
Vào cuối thế kỷ 19, ngành than antraxit đã trở thành một ngành độc quyền tự nhiên ở nước Mỹ. Nguồn sản xuất tập trung cả vào các mỏ nằm trên một diện tích vài trăm kilomet vuông, thuộc 5 hạt ở bang Pennsylvania. Công nhân làm việc rất vất vả trong điều kiện nhiều rủi ro. Giới chủ còn duy trì mức lương thấp bằng cách thuê thật nhiều lao động từ Đông Âu và Nam Âu. Thống kê cho thấy có khoảng 150.000 công nhân, đến từ 14 nước khác nhau, nói ngôn ngữ khác nhau, phong tục cũng khác nhau.
Dù sao, bối cảnh của năm 1902 cũng có một cái lợi cho công nhân, đó là rất nhiều người trong số họ đã ký hợp đồng hợp tác với tổ chức có tên “Công nhân mỏ đoàn kết” (United Mine Workers, UMW), một công đoàn đại diện cho quyền lợi của họ, với khoảng 115.000 thành viên tính đến những năm cuối thế kỷ 19 (Tuy nhiên, chỉ có 8.000 trong số họ làm việc ở Pennsylvania). Năm 1898, John Mitchell trở thành Chủ tịch của Công đoàn này khi còn rất trẻ, 28 tuổi.
Ngoài ra, phần lớn công nhân mỏ tham gia cuộc đình công năm 1902 là người Công giáo. Có thể đây cũng là điểm thuận lợi bởi nó khiến họ có xu hướng đoàn kết và hợp tác với nhau hơn.
Tiến trình tranh đấu
Công nhân mỏ đòi tăng lương và giảm giờ làm, tuy nhiên giới chủ than vãn rằng lợi nhuận của ngành đang thấp trong khi công đoàn cứ khuyến khích sự vô kỷ luật. Các chủ mỏ từ chối đàm phán.
Trước tình hình đó, John Mitchell đề nghị hai bên hòa giải thông qua Liên đoàn Dân sự Quốc gia, và nếu không được, thì một ủy ban gồm các Giáo sĩ, Linh mục sẽ vào cuộc, làm báo cáo điều tra về tình hình ở các mỏ than. Phía giới chủ đáp lại: “Khai thác mỏ antraxit là một ngành công nghiệp chứ không phải chuyện tôn giáo, tình cảm hay học thuật”.
Ngày 12/5/1902, đình công chính thức bắt đầu.
Ban đầu, vẫn còn hy vọng đình công sẽ được giải quyết ổn thỏa, bởi lính cứu hỏa, kỹ sư, thợ bơm nước vẫn làm việc. Tuy nhiên, vào ngày 2/6, đội ngũ này cũng đình công nốt. Một cuộc chiến đấu khốc liệt giữa đôi bên – chủ và công nhân – bắt đầu và kéo dài dai dẳng: 147.000 người đình công, trong đó, 30.000 người bỏ đi nơi khác, chẳng hạn về lại châu Âu (khoảng 8.000-10.000 người). Và mặc dù Mitchell kêu gọi đình công ôn hòa, nhưng công nhân vẫn có những phản ứng bạo lực, chẳng hạn, tấn công những người chống đình công, khủng bố gia đình họ, đánh luôn cả đội ngũ cảnh sát có vũ trang được các chủ mỏ thuê đến (cảnh sát tư).
Tổng thống Theodore Roosevelt lúc đó vừa nhậm chức, thay thế người tiền nhiệm William McKinley bị ám sát. Ông cho rằng cả các chủ tư bản lẫn người lao động đều cần phải có trách nhiệm trước cộng đồng.
clip_image003
John Michell (1870-1919), Chủ tịch Công đoàn United Mine Workers. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Ngày 8/6/1902, Roosevelt yêu cầu Đặc ủy lao động Mỹ Carroll D. Wright tiến hành điều tra về cuộc đình công và báo cáo lại.
Wright không trực tiếp đến các mỏ than vì cảm thấy rằng, với tư cách người đại diện cho Tổng thống, sự hiện diện của ông ở đó sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Ông đến New York, tại đây, ông tiến hành phỏng vấn các chủ mỏ, nhà tài chính, đốc công, giám sát thi công. Về phía đại diện của công nhân, ông cũng mời cả Chủ tịch Công đoàn John Mitchell. Wright làm việc rất tận tụy và sau 12 ngày, ông gửi đến Tổng thống một báo cáo chi tiết, có cả bảng biểu, số liệu thống kê.
Wright tường trình rằng cả hai phía đều đã hợp tác với ông trong quá trình điều tra, và việc có những quan điểm khác biệt chỉ đơn thuần là do lập trường khác nhau chứ không phải do có bên nào xuyên tạc tình hình. Wright cũng cố gắng lập báo cáo trên cơ sở sự thực, dữ kiện thực tế, chứ không lồng tình cảm vào. Ông giải thích đầy đủ về nguyên nhân sâu xa, nguồn gốc của cuộc đình công, yêu sách của công nhân, những đòi hỏi và phàn nàn từ giới chủ, các bất đồng về cân đong than, về mức lương, chi phí sản xuất, lợi nhuận và chuyên chở.
Wright đề xuất thử giảm số giờ công từ 10 xuống 9 tiếng một ngày, bảo vệ những người không phải thành viên công đoàn, tổ chức một ủy ban hòa giải chung, và đặc biệt, cho áp dụng quyền mặc cả tập thể bất cứ khi nào có thể. Ông mong những đề xuất này có thể “góp phần đưa đến một ngày, khi mà ngành sản xuất than antraxit sẽ được quản lý công bằng hơn và theo những tiêu chuẩn đạo đức cao hơn…”.
Bản báo cáo của Wright làm dấy lên hy vọng về khả năng giải quyết khủng hoảng sớm. Các công nhân mỏ háo hức chờ nó được ấn hành.
Báo chí cho rằng Tổng thống có phần thiên vị báo cáo, còn báo cáo thì bênh vực những người thợ mỏ. Wright giận dữ bác bỏ điều này. Tháng 8/1902, báo cáo được công bố trước dư luận.
Thế lưỡng nan của Tổng thống
Đình công vẫn kéo dài. Tổng thống Roosevelt đứng ngồi không yên. Tổng chưởng lý Philander Knox khuyên Tổng thống không nên can thiệp, vì không có quyền. Trong khi đó, giới chủ mỏ tỏ rõ quyết tâm bẻ gãy các cuộc đình công, và họ bác bỏ mọi đề xuất hòa giải từ phía công đoàn, nói rằng “chẳng có gì để đàm phán cả”.
Công đoàn gửi cho phát ngôn viên George Baer của giới chủ mỏ một bức thư kêu gọi ông ta nhượng bộ, với tư cách một người Cơ Đốc lương thiện. Đáp lại, Baer viết: “Quyền và lợi ích của người lao động sẽ được bảo vệ và chăm sóc, nhưng không phải bởi những kẻ kích động, mà bởi những Cơ Đốc nhân được Chúa sáng suốt ban cho quyền kiểm soát tài sản của đất nước”. Ngay sau đó, công đoàn đã khôn khéo tận dụng lá thư này, đẩy mạnh yếu tố “quyền thiêng liêng”, “quyền thần thánh” mà Baer đề cập tới. Kết quả là công luận ngả sang ủng hộ công nhân và phản đối chủ mỏ.
Tổng thống Roosevelt lúng túng. “Trên nguyên tắc, chính quyền liên bang chẳng có quyền làm gì” – ông than thở với Thượng nghị sĩ Henry Cabot Lodge (bang Massachusetts). “Tôi không biết phải xử lý sao”. Mùa đông càng đến gần, giá than càng tăng. Roosevelt lo lắng. Ông quyết định đưa các bên xích lại gần nhau.
clip_image005
Chủ tịch Công đoàn John Mitchell, President trong một chuyến làm việc với công nhân ở mỏ than năm 1902. Ảnh: Blog Falmanac.
Đối đầu lịch sử
Tại cuộc gặp lịch sử, Roosevelt mời đại diện của chính quyền địa phương, lao động và giới chủ. Tổng chưởng lý Knox, Đặc ủy lao động Carroll D. Wright đều tham dự. “10 người có mặt trong phòng tôi vào ngày 10/3” – ông viết. “Tôi vẫn chưa rời xe lăn được”.
Roosevelt cũng nói rõ rằng ông không có quyền can thiệp, nhưng “tính chất nghiêm trọng của khủng hoảng vẫn lơ lửng đó” buộc ông phải sử dụng ảnh hưởng của mình để “chấm dứt một tình trạng đã trở nên không thể chịu nổi”.
Mitchell, theo đánh giá của Roosevelt, “đã cư xử với sự tự trọng và điềm tĩnh tuyệt vời”, trong khi giới chủ mỏ “ngược lại, thể hiện sự ngu ngốc kỳ lạ và thái độ rất tệ”. Bên chủ mỏ tỏ ra xấc xược, liên tục buộc tội Mitchell là “kẻ cầm đầu những thành phần kích động và cực đoan, gây ra cái chết của 21 người và ngăn cản hàng nghìn người được đi làm việc, bằng đe dọa và vũ lực”.
Các chủ mỏ yêu cầu Tổng thống, thay vì tốn thời gian đàm phán với “những kẻ kích động tình trạng vô chính phủ” thì nên sử dụng quyền lực nhà nước để “bảo vệ những người thợ muốn lao động, cũng như bảo vệ vợ con anh ta”. Nếu được bảo vệ thích đáng, họ sẽ sản xuất đủ than để xử lý khủng hoảng thiếu nhiên liệu. Họ cũng giận dữ từ chối mọi nỗ lực hòa giải của Tổng thống, từ chối giao thiệp với Mitchell.
Tổng thống Roosevelt không cho rằng phía thợ đình công là hoàn toàn vô tội, nhưng ông không đồng ý với quan điểm của phía chủ mỏ là “không có gì để đàm phán cả”. Ông tin vào báo cáo của Carroll D. Wright, rằng “chắc chắn cả hai phía đều có đúng có sai”, tuy nhiên, phía chủ mỏ không có lý do gì để từ chối hòa giải.
clip_image006
Ông Carroll D. Wright là Chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban Lao động Hoa Kỳ, nay là Bộ Lao động. Nguồn ảnh: Wikipedia.
Những nỗ lực không mệt mỏi
Không thấy triển vọng thành công, Tổng thống quyết định mời Carroll D. Wright tiến hành điều tra tiếp. Cựu Tổng thống Grover Cleveland khuyên Roosevelt rằng các thợ mỏ cứ nên trở lại làm việc, rồi đàm phán giải quyết mọi chuyện sau. Roosevelt hoan nghênh sự ủng hộ của Cleveland và đề nghị mở rộng cuộc điều tra của Wright, bằng cách mời Cleveland và một số nhân vật nổi tiếng khác “tham gia cùng” Wright. “Tôi chân thành năn nỉ ngài chấp thuận việc này” – ông viết cho Cleveland.
Cựu Tổng thống Cleveland miễn cưỡng đồng ý và cũng chấp nhận bán lỗ toàn bộ cổ phần trong ngành than đường sắt của mình để tránh xung đột lợi ích.
Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Elihu Root cũng lo lắng. Vốn là một Luật sư nổi tiếng chuyên về luật doanh nghiệp, và là bạn của tỷ phú ngân hàng J. P. Morgan, Root nói với Roosevelt rằng ông muốn đứng ra hòa giải theo một cách không có sự tham dự của Tổng thống. Ngày 11/10/1902, Root gặp riêng  Morgan ở New York, trên du thuyền của Morgan, và cùng nhau soạn thảo một đề xuất hòa giải bằng trọng tài.
Giới chủ mỏ, lo sợ dư luận ngày càng ghét họ và chịu sức ép từ Morgan, cuối cùng đã chấp nhận khuyến nghị từ Root và Morgan. Họ đồng ý có trọng tài phân xử. Tuy nhiên, họ không chấp nhận đàm phán với Mitchell trên tư cách của Mitchell là Chủ tịch Công đoàn UMW. Họ chỉ coi Mitchell là phát ngôn viên của những người thợ mỏ. Thêm vào đó, họ yêu cầu Ủy ban hòa giải chỉ có 5 thành viên, gồm một kỹ sư quân sự, một kỹ sư mỏ, một thẩm phán, một chuyên gia trong ngành kinh doanh than, và một “nhà xã hội học danh tiếng”.
Mitchell thì muốn Tổng thống bổ sung vào Ủy ban một người lao động – người mà chắc chắn hiểu rõ quan điểm của phía công nhân – và một Linh mục Công giáo, bởi phần lớn thợ mỏ đình công theo Công giáo.
Roosevelt bèn đề cử E. E. Clark – lãnh đạo Công đoàn trong ngành dây dẫn đường sắt – làm “nhà xã hội học tài năng”, cách gọi mà chắc Clark trước đó chưa bao giờ nghe đến. Ông cũng thuyết phục được các chủ mỏ mời thêm một vị Giám mục Công giáo vào Ủy ban trọng tài. Và cuối cùng, ông chỉ định Wright làm thành viên thứ bảy.
Điều quan trọng nhất trong việc thành lập Ủy ban trọng tài, đó là việc cả hai phía, thợ mỏ và chủ mỏ, đều đã đồng ý rằng mọi tranh chấp cần phải được phân xử bởi trọng tài. Cả hai phía cũng nhất trí rằng sẽ tuân thủ mọi quyết định của Ủy ban.
Vào ngày 23/10/1902, cuộc đình công kéo dài 163 ngày chấm dứt. Buổi sáng hôm sau, Tổng thống Roosevelt gặp gỡ cấp tốc Ủy ban trọng tài, yêu cầu họ cố gắng thiết lập quan hệ tốt giữa chủ và công nhân ở các khu mỏ và tiếp tục giải quyết đình công.
Tiếp sau đó là quá trình nghe điều trần từ các bên. Trước khi bắt đầu nghe điều trần, Ủy ban trọng tài dành một tuần đi thị sát khu mỏ. Phía chủ tình nguyện bố trí một chuyến tàu hỏa đặc biệt để đưa đón họ, đồng thời, đề nghị họ đến thăm những mỏ do cả hai phía chọn ra. Tuy thế, Ủy ban từ chối đề nghị này. Họ muốn quan sát trực tiếp tình trạng ăn ở và lao động của công nhân mỏ.
Carroll D. Wright hết sức bận rộn. Ông dùng một phần lớn nguồn lực của Bộ Lao động (khi đó có tổng ngân sách hàng năm là 183.000 USD) để hỗ trợ công việc của Ủy ban. Ông mời thêm các chuyên viên đặc biệt, chuyên gia, thư ký, đến khu mỏ để tìm hiểu thông tin giá cả các mặt hàng mà thợ mỏ thường mua. Ông thường xuyên nhấn mạnh với họ về “nhu cầu khẩn cấp” phải có dữ liệu đầy đủ, và thậm chí khuyến khích họ thuê phiên dịch, nếu công nhân là lao động ngoại quốc nhập cư.
Ủy ban trọng tài, sau cuộc thanh tra thị sát, họp nhau lại trong gần ba tháng để nghe điều trần. 558 nhân chứng đã ra điều trần, trong đó có 240 đại diện cho thợ mỏ, 153 đại diện cho thợ mỏ không phải thành viên công đoàn, và 154 người đại diện cho chủ mỏ. 10.047 trang tài liệu đã được trình bày. John Mitchell đóng vai trò nổi bật trong việc trình bày vụ việc từ phía các thợ mỏ.
Công nhân đòi tăng lương 20%, giảm giờ làm xuống 8 tiếng/ngày. Sau quá trình phân xử, phần lớn được tăng lương 10%, làm 9 tiếng/ngày thay vì mức 10 tiếng phổ biến thời gian đó. Chủ mỏ vẫn không công nhận Công đoàn độc lập UMW, song John Mitchell lạc quan cho rằng UMW đã giành được chiến thắng trên danh nghĩa, mà quan trọng nhất là đã thành lập được Ủy ban trọng tài để giải quyết tranh chấp, mà không chịu sự chi phối của chủ mỏ.
clip_image008
Tổng thống Theodore Roosevelt (trái) đã mở ra một chương mới trong lịch sử chính quyền Mỹ, khi kiến tạo cách xử lý hoà bình các cuộc đình công và bạo loạn trong vụ đình công năm 1902. John Mitchell (phải) cũng đi vào lịch sử như một trong những lãnh đạo công đoàn nổi tiếng nhất, cùng với cha Micheal. J. Hoban (giữa) – người ủng hộ các công nhân khai mỏ khi đó. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ.
Đình công và lợi ích chung
Nhà hoạt động công đoàn nổi tiếng của Mỹ, Samuel Gompers (1850-1924), hồi tưởng: “Thỉnh thoảng lại có người hỏi tôi sự kiện nào là quan trọng nhất trong phong trào lao động Mỹ, và tôi luôn luôn đáp rằng, đó là cuộc đình công của công nhân mỏ than antraxit ở Pennsylvania… Kể từ thời điểm ấy, thợ mỏ không còn là những cỗ máy-người thuần túy chỉ sản xuất than nữa, mà họ đã trở thành con người, thành công dân. Cuộc đình công là bằng chứng rõ rệt về hiệu quả của công đoàn”.
Chiến thắng của công nhân mỏ cũng thổi một sức sống mới vào phong trào lao động Mỹ: Nó hỗ trợ đắc lực cho những lãnh đạo công đoàn ôn hòa và các chủ lao động cấp tiến – những người đề cao đàm phán, cho rằng đàm phán là cách kiến tạo hòa bình. Nó còn làm gia tăng uy tín của Tổng thống Theodore Roosevelt.
Và một điều nữa, đôi khi cũng bị người ta quên mất, đó là sự việc đã đưa đến một thay đổi lớn về vai trò của chính quyền liên bang trong các vụ đình công mang tầm quốc gia.
Trong báo cáo của mình, ủy ban trọng tài đã thận trọng tóm tắt trách nhiệm của chính quyền liên bang trong “các vụ việc liên quan đến lợi ích chung”:
“Người dân có quyền được biết sự thật, để có thể xác định trách nhiệm. Để làm được điều này, phải trao quyền cho những đại diện được sự ủy nhiệm của người dân, để các đại diện đó hành động vì dân, thay cho dân, bằng cách tiến hành điều tra toàn diện”.
Roosevelt phát biểu điều này một cách mãnh liệt hơn. Những lá thư của ông có các dòng như:
“Không một người thông minh nào có thể bác bỏ một điều: Trong vụ đình công than antraxit này, công chúng có lợi ích liên quan”.
“Chính quyền liên bang đại diện cho lợi ích chung của toàn thể dân chúng”.
Dự thảo lời tuyên bố của ông gửi cho các chủ mỏ và lãnh đạo công đoàn tại cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 3/10/1902 có viết: “Không được tạo tiền lệ chính quyền can thiệp vào đình công”.
Tuy nhiên, vì biết rằng chính mình đang phá bỏ tiền lệ cũ, nên Roosevelt cuối cùng đã xóa câu này khỏi tuyên bố chính thức. Ông hiểu rằng trong điều kiện bình thường, ông không có quyền can thiệp vào đình công. Nhưng Roosevelt không phải loại người ngồi đó mà không làm gì. Như ông đã nói với Tổng chưởng lý và Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, “hành động có thể tạo ra một tiền lệ xấu”, nhưng ông thà chịu rủi ro bị Quốc hội đem ra luận tội và cách chức còn hơn là để đất nước rơi vào hỗn loạn.
Các nỗ lực của Roosevelt cuối cùng đã thành công. Các bên đều tán thành kết luận của Ủy ban trọng tài, và tình hình các mỏ than yên bình trở lại. Quan trọng nhất là, trong dài hạn, cuộc xung đột đã xác lập một vai trò mới cho chính quyền liên bang trong các tranh chấp về lao động.
Trong suốt cuộc đối đầu lịch sử giữa các chủ mỏ than và công nhân vào ngày 3/10/1902, Roosevelt luôn nói: “Tôi phát biểu không phải vì giới chủ mỏ cũng không phải vì các công nhân, mà vì toàn thể cộng đồng”.
Ông đã cố gắng để cả hai bên hiểu và chấp nhận sự thật rằng: Bên thứ ba – cả xã hội – có lợi ích và quyền lợi sống còn, và từ đó, ông tạo ra tiền lệ để chính quyền liên bang can thiệp vào các tranh chấp về lao động, nhưng không phải với tư cách kẻ phá đình công mà với tư cách là người đại diện cho lợi ích công.
T.H.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét