Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

20170409. BÌNH LUẬN VỀ LÊ DUẨN

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỒNG CHÍ LÊ DUẨN- TƯ DUY SÁNG TẠO TAI CÁC BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ
NGÔ VƯƠNG ANH /ND 6-4-2017

Ðồng chí Lê Duẩn với các dũng sĩ miền nam năm 1972. (Ảnh Tư liệu)    |  
NDĐT - “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”; “Không sáng tạo thì không có thắng lợi của cách mạng” - những luận điểm đó làm nổi bật phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn. Với phong cách tư duy đó, đồng chí Lê Duẩn cùng Trung ương Đảng đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới cả trong lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
1. Tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), đồng chí Lê Duẩn tán thành chủ trương chuyển hướng chiến lược của Đảng: Tạm gác vấn đề ruộng đất, chỉ đưa ra khẩu hiệu Tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội dân tộc; thay khẩu hiệu Thành lập chính quyền xô viết công - nông - binh bằng khẩu hiệu Lập chính quyền cộng hòa dân chủ; tập trung mũi nhọn của cuộc đấu tranh vào đế quốc và tay sai để tập hợp rộng rãi các lực lượng yêu nước và tiến bộ trong khối đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, v.v, tất cả để “Dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc”(1). Đồng chí Lê Duẩn đã cùng với Trung ương Đảng tạo sự chuyển hướng chiến lược trong đường lối của Đảng trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình, trước nguy cơ chiến tranh khốc liệt lan rộng do chủ nghĩa phát-xít gây ra với thế giới nói chung và với dân tộc Việt Nam nói riêng. Sự nhạy bén, sáng tạo đó đã được Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì - khẳng định và phát triển lên một tầm cao mới, chỉ dẫn con đường đi tới mục tiêu giành độc lập cho dân tộc, kết thúc bằng thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (7-1954), đồng chí Lê Duẩn ở lại miền nam tiếp tục chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi hòa bình, hiệp thương thống nhất đất nước. Trong những năm tháng quyết liệt, với kinh nghiệm phong phú từ thực tiễn đấu tranh của một cán bộ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, với tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo, đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền nam (tháng 8-1956).
Đề cương cách mạng miền nam đã phân tích đúng đắn âm mưu, thủ đoạn của địch, tính chất xã hội miền nam, khẳng định: “ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền nam không có con đường nào khác”(2)Đề cương cách mạng miền nam đã có những đóng góp lớn cho sự ra đời của Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (1959). Bản Nghị quyết lịch sử đã trực tiếp thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng miền nam phát triển sang một giai đoạn mới, đánh dấu bằng thắng lợi của cuộc Đồng khởi (1959-1960) rộng khắp miền nam. Thắng lợi đó cũng khẳng định một thành công lớn của Đảng về phương pháp tiến hành chiến tranh cách mạng, một sự khởi đầu chiến tranh cách mạng độc đáo, kịp thời, phù hợp với tình hình.
Khi đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh, đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền nam, sự phân tích toàn diện và đúng đắn những điểm yếu, điểm mạnh, những âm mưu và khả năng, những ý đồ và thủ đoạn của đối phương cho phép đồng chí Lê Duẩn kết luận một cách bình tĩnh và tự tin rằng Mỹ không mạnh như người ta tưởng, nhân dân Việt Nam có khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ. Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ được xác định trên sự phân tích đúng đắn ấy. Quyết tâm độc lập thống nhất cháy bỏng từ truyền thống đến hiện tại, ý chí kiên cường bất khuất của toàn quân toàn dân ta từ Bắc chí Nam, sức mạnh chính nghĩa của cuộc đấu tranh của chúng ta đã vượt qua tâm lý sợ Mỹ, vượt qua những lo ngại khi cho rằng đối đầu với Mỹ, đánh Mỹ là phiêu lưu mạo hiểm.
Đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị đã dự kiến đúng khả năng Mỹ đưa quân vào miền nam, chuyển chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”.
Tháng 11-1965, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Khả năng kiềm chế địch và thắng địch ở miền nam là hiện thực”. Đó là cơ sở để Đảng ta hình thành quan điểm: Cương quyết đánh Mỹ trên chiến trường nhưng không quốc tế hóa cuộc chiến tranh, ngăn chặn chiến tranh lan rộng.
Những nhận định quan trọng này là cơ sở để đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị hạ quyết tâm và quyết định phương hướng cho quân dân cả hai miền nam - bắc tiến lên từng bước đẩy quân Mỹ vào thế sa lầy trên chiến trường Việt Nam.
2. Những sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn đặc biệt nổi rõ trong việc tìm tòi xác định phương pháp đúng đắn để đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Đó là quan điểm tổng hợp.
Vận dụng tổng hợp các quy luật cách mạng trong lãnh đạo chiến tranh, gắn những mặt đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa tư tưởng trong một thể thống nhất, tác động chi phối lẫn nhau; tạo cho được một sức mạnh tổng hợp lớn hơn để đánh thắng đối phương. Quan điểm này đã được vận dụng nhuần nhuyễn trên chiến trường miền nam với một chiến lược tổng hợp, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa của quần chúng và chiến tranh cách mạng; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, với ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy: thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ, v.v. Tích cực thực hiện điều đã được đồng chí Lê Duẩn nêu từ những ngày đầu xác định quyết tâm và phương pháp đánh Mỹ, quân dân miền nam đã chiến thắng trên cả ba mặt: tiêu diệt lực lượng quân sự, đánh bại chiến lược quân sự và làm thất bại mục đích chính trị của chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Đó là luận điểm biết cách thắng từng bước cho đúng.
Kẻ địch của chúng ta có một tiềm lực quân sự và kinh tế rất hùng mạnh. Chúng ta phải chiến đấu trong tình thế lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều nên phải biết cách thắng từng bước; phải có thời gian từng bước làm suy yếu lực lượng của địch, củng cố bồi dưỡng dần lực lượng của ta để so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho ta. Mặt khác chúng ta quyết tâm thắng Mỹ ở miền nam nhưng phải góp phần bảo vệ hòa bình thế giới, bảo vệ miền bắc, nên điều rất quan trọng là phải biết thắng địch một cách có lợi nhất, phải đẩy lùi địch từng bước, đánh thắng địch trên từng vị trí, buộc địch phải xuống thang chiến tranh từng bước cho đến lúc phải chấp nhận thất bại hoàn toàn.
Đó là sự nhạy bén phát hiện, nắm bắt thời cơ, tạo những bất ngờ.
Những cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta làm đảo lộn thế chiến lược của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh đều gắn liền với sự nhạy bén, sắc sảo trong chỉ đạo chiến lược của Bộ Chinh trị đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn - từ lựa chọn thời điểm tiến công, hướng tiến công chủ yếu, cách thức tổ chức tiến công gây bất ngờ cho địch, đẩy quân địch vào thế bị động, lúng túng đối phó rồi thất bại, v.v.
Tháng 10-1974, trong Hội nghị Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn đã nhận định: “Lúc này chúng ta đang có thời cơ”. “Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ, không ai kịp trở tay”(3).
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 toàn thắng là đỉnh cao thành công nổi bật về nghệ thuật nắm thời cơ, từ thời cơ này tạo ra và nắm lấy thời cơ tiếp theo để tiến lên tạo và giành lấy thời cơ cuối cùng kết thúc chiến tranh một cách kịp thời, trọn vẹn và có lợi nhất.
Sự nhạy bén, chính xác, kịp thời nắm bắt thời cơ chiến luợc đã thể hiện rõ một nhãn quan sáng suốt, một tư duy sáng tạo, một trí tuệ lớn của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn.
“Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”; “Không sáng tạo thì không có thắng lợi của cách mạng” - những luận điểm đó làm nổi bật phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn. Với phong cách tư duy đó, đồng chí Lê Duẩn cùng Trung ương Đảng đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới cả trong lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Thực tiễn Việt Nam bao giờ cũng là điểm xuất phát của sự vận động tư duy của đồng chí Lê Duẩn. Cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn để phát hiện ra quy luật và hành động phù hợp với quy luật mà chúng ta học được từ cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ và sôi nổi của đồng chí Lê Duẩn vẫn mang nhiều giá trị trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.
-----------------
(1)- Đảng Cộng sản Việt Nam (2000) - Văn kiện Đảng Toàn tập- Nxb CTQG, Hà Nội, tập 3, tr. 552.
(2)- Lê Duẩn (1987) - Tuyển tập - Nxb Sự thật, Hà Nội, tr. 81-82.
(3)- Lê Duẩn (2005) - Thư vào Nam - Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 371-373.
NGÔ VƯƠNG ANH
VIẾT THÊM VỀ LÊ DUẨN ĐỂ KHỎI NHẦM
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 9-4-2017
Vừa qua ở Quảng Trị đã tổ chức long trọng lễ kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh ông Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dịp này một số diễn văn và bài báo đã ca ngợi ông hết lời. Chỉ xin trích vài đoạn:
Tổng Bí thư Lê Duẩn là người lãnh đạo kiệt xuất, đồng thời là nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam… Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng, góp phần đưa lý luận cách mạng Việt Nam lên tầm cao mới… Cuộc đời đồng chí là một nhân cách lớn về lẽ sống và đạo lý làm người, một tấm lòng bao dung, độ lượng đậm lòng nhân ái cao cả… Đồng chí Lê Duẩn - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lý luận xuất sắc, một tư duy lớn của cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ quốc tế cộng sản trong sáng đã cống hiến suốt cuộc đời mình cho Đảng, cho dân tộc… Đó là tầm cao trí tuệ, tài năng tổ chức, phương pháp cách mạng khoa học, sáng tạo….
Liệu những lời ca ngợi như vậy trung thực đến đâu. Liệu câu thơ của Việt Phương “Ta đã thấy những vết bùn trên các vì sao” có đúng chút nào cho Lê Duẩn không. Ông đã đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 26 năm, lãnh đạo công cuộc cách mạng XHCN để rồi đưa đất nước đến như ngày nay (dân mất lòng tin, đạo đức xuống cấp, các giá trị bị đảo lộn, môi trường bị tàn phá, nợ nần ngập đầu, v.v.), liệu ông có chịu trách nhiệm gì trong việc này không.
Lê Duẩn chết năm 1986. Một số người tiếc cho ông, vì nếu ông chết trước 10 năm, ngay sau lúc kết thúc cuộc chiến Quốc - Cộng thì sẽ tốt hơn. Trong hơn 10 năm cuối đời ông đã lãnh đạo Đảng Cộng sản phạm hết tội lỗi này đến thất bại khác, đưa dân tộc vào bế tắc chỉ vì kiên trì con đường cách mạng sai lầm. Nhiều người hoặc vì ngây thơ, hoặc cố tình ngụy biện đổ lỗi cho mọi sự sụp đổ của Việt Nam bắt đầu từ 1975 là do đất nước bị chiến tranh tàn phá và bị Mỹ cấm vận mà không thấy vai trò của Lê Duẩn và Đảng Cộng sản trong đó.
Đúng là đất nước bị cấm vận một thời gian dài, nhưng phải tự hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cách đối nội, đối ngoại sai lầm như thế nào mới bị người ta cấm vận chứ, tại sao chỉ lo đổ lỗi cho khách quan. Đúng là đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhưng đời sống của người dân bị kiệt quệ chủ yếu là do Đảng Cộng sản gây ra. Mức độ phá hoại do thực hiện các đường lối của Đảng Cộng sản gấp nhiều lần sự tàn phá của chiến tranh. Đó là phong trào hợp tác xã làm kiệt quệ nền nông nghiệp, là chủ trương cấm chợ, ngăn sông giết chết nền thương nghiệp trong nhân dân, là cải tạo công thương, phá nát nền kinh tế ở Miền Nam.
Rồi thì dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn, vấn đề đoàn kết, hòa hợp dân tộc đã không được thực hiện mà càng khoét sâu thù hận do các trại cải tạo và kỳ thị giữa ngụy quân, ngụy quyền và cách mạng gây ra, là hàng triệu người bỏ nước ra đi trong đó hàng vạn thuyền nhân mất xác trên biển.
Trở về trước năm 1975. Vụ án “Nhóm xét lại chống đảng” do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chỉ đạo đã hủy diệt hàng trăm cán bộ ưu tú, trung thực, không chịu quỳ gối khom lưng. Nếu hỏi những người bị hại trong các trại cải tạo, trước và sau 1975 mới biết rõ “một tấm lòng bao dung, độ lượng đậm lòng nhân ái cao cả… của Lê Duẩn chỉ là câu khen nịnh quá lời. Có thể một lúc nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó Lê Duẩn tỏ ra bao dung, độ lượng với một vài người đã chịu cúi đầu và uốn lưỡi, còn nhìn chung ông là con người sắt máu.
Ngoài một vài bài ca ngợi tinh thần, ý chí, sự mạnh dạn và khôn khéo của Lê Duẩn trong việc chỉ đạo chiến tranh, tôi chưa đọc được ở đâu những chứng cứ để có thể kết luận “Lê Duẩn là nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam… Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng, góp phần đưa lý luận cách mạng Việt Nam lên tầm cao mới…Thực ra đường lối chiến tranh của Lê Duẩn, đặc biệt là cuộc tổng nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tuy được thông qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng không được sự nhất trí của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Trong cuộc chiến này Lê Duẩn có câu nói nổi tiếng: “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho cả Liên Xô và Trung QuốcSự thắng lợi trong chiến tranh của Cộng sản không thể bỏ qua yếu tố Trung Quốc, Liên Xô.
Đối với Trung Quốc, phải chăng Lê Duẩn mang tính hai mặt. Trước 1975 ông trung thành với đường lối cách mạng của Mao Trạch Đông, chịu thần phục để nhận viện trợ. Sau 1979, nhận ra dã tâm của chủ nghĩa bá quyền, bành trường Đại Hán, ông đã cho ghi vào Hiến pháp 1982 rằng Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp. Nhưng rồi những người kế tục ông như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… đã quỳ gối, khom lưng thần phục Tàu Cộng để giữ ý thức hệ, thà mất nước chứ không mất đảng.
Phải chăng tư duy sáng tạo, đưa lý luận cách mạng lên tầm cao mới của Lê Duẩn nằm trong lý thuyết LÀM CHỦ TẬP THỂ, do ông đề ra và nhanh chóng tắt ngúm, là việc xây dựng mỗi huyện thành một PHÁO ĐÀI, phát triển toàn diện, là việc sáp nhập các tỉnh, để rồi sau đó lại tốn công, tốn của để chia ra.
Ở Việt Nam, để tăng uy tín cho một ai đó, tuyên truyền cộng sản thường gán ghép cho họ cái nhãn “học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh”, và họ cũng lấy thế làm vinh hạnh. Riêng về Lê Duẩn, tôi nghĩ sự gán ghép đó là khiên cưỡng. Tôi chưa từng được nghe, được xem tài liệu nào trong đó Lê Duẩn tự nhận mình là học trò, mà chỉ được biết là ông đã có những hoạt động nhằm hạn chế đến xóa bỏ một số việc của Hồ Chí Minh. Rõ ràng nhất là vào những năm cuối đời, Hồ Chí Minh bị Lê Duẩn tìm cách gạt ra rìa. Ông Hồ chết vì bệnh tim, bệnh đó chắc đã phát tác mạnh sau cú sốc chết hụt ở sân bay (từ Bắc Kinh về, tàu bay hạ cánh ban đêm suýt bị đâm vào chướng ngại vật), sau cú sốc về sự thiệt hại nặng nề do cuộc nổi dậy 1968. Sau khi ông Hồ chết, Lê Duẩn vội vàng đổi tên nước và tên đảng, những cái tên gắn chặt với sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Tôi cứ hình dung, nếu Lê Duẩn linh thiêng thì khi nghe người ta tuyên bố ông là học trò xuất sắc của Hồ Chì Minh, ông sẽ nhập hồn vào ai đó và lớn tiếng phản bác, và Hồ Chí Minh có linh thiêng cũng không công nhận người học trò như vậy. Có tin đồn, nghe nói từ Vũ Kỳ phát ra, rằng năm 1965 Hồ Chí Minh bắt đầu viết di chúc là theo gợi ý (thực chất là theo lệnh miệng) của Lê Duẩn, và sau khi Hồ Chí Minh chết thì di chúc cũng bị sửa chữa theo chỉ đạo của Lê Duẩn.
Là một con người nổi tiếng, Lê Duẩn có một số tính cách làm cho tôi khâm phục, còn quan điểm về cách mạng tôi có một số điểm bất đồng. Sau khi được nghe tuyên truyền của Đảng Cộng sản ca ngợi, bốc thơm ông lên tận mây xanh, tôi có vài lời viết thêm để kéo ông về gần hơn với thực tế, tránh nhầm lẫn và ngộ nhận cho một số người nhẹ dạ, cả tin. Chắc rằng rồi đây các nhà nghiên cứu sẽ có đánh giá công bằng về vai trò của ông trong lịch sử.
N. Đ. C.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét