Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

20160822. BÌNH LUẬN VỀ VỤ 2 QUAN ĐẦU TỈNH YÊN BÁI BỊ GIẾT

ĐIỂM BÁO MẠNG
PHÁT SÚNG TỘI ÁC VÀ THAM-SÂN -SI
KỲ DUYÊN/ TVN 21-8-2016
Tham sân si, Yên Bái, Đỗ Cường Minh, Bí thư Tỉnh ủy, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ngô Ngọc Tuấn
Vào giữa lúc cả xã hội đang quan tâm theo dõi diễn biến của cơn bão Thần Sét vẫn tiếp tục di chuyển, thì một vụ việc như… tiếng sét giữa trời quang, khiến cả xã hội chấn động.
Tại Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh kiêm Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn đã bị bắn tại phòng làm việc của họ, trước cuộc họp Hội đồng Nhân dân tỉnh chuẩn bị khai mạc.
Vết thương quá nặng, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hai nạn nhân đều bị bắn 2-3 phát đạn. Một bị bắn vào ngực, bụng và đầu. Một bị bắn vào ngực xuyên lên cổ và vào đầu, đều đã không qua khỏi.Nghi can, không phải một kẻ du thủ du thực nào, mà hóa ra cũng là một quan chức - Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái.
Đỗ Cường Minh, sau phát súng tội ác bắn vào hai quan chức tỉnh ủy, đã tự sát bằng cách bắn vào đầu. Và cũng tử vong sau ít giờ đồng hồ.
Mặc dù, trước sự việc quá nghiêm trọng, nhận được thông tin, ý thức được hoàn cảnh vụ việc và tình hình nguy cấp, Bộ Y tế đã khẩn trương điều kíp bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức lên Yên Bái, trực tiếp tham gia ca mổ cấp cứu.
Nhưng tất cả, số phận đều đã… “an bài”.
Kỳ họp thứ 02 HĐND tỉnh Yên Bái đã phải hủy bỏ ngay sau đó.
Trước vụ việc gây chấn động mạnh cả xã hội, nhất là là với cán bộ, nhân dân tỉnh Yên Bái, người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp lên Yên Bái nắm tình hình, làm việc với lãnh đạo tỉnh, chỉ đạo giải quyết vụ việc.
Cũng ngay buổi chiều 18/8, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức họp báo. Theo những thông tin từ cuộc họp báo cho biết, khẩu súng đối tượng sử dụng là súng K 59, được trang bị hợp pháp để dùng trong hoạt động nghiệp vụ bảo vệ rừng. Cơ quan chức năng đã khám xét nhà ở, phòng làm việc của đối tượng. Đối tượng là con rể của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Trước đó, được giới thiệu, bổ nhiệm đúng quy trình, là người hiền lành, hoàn thành tốtnhiệm vụ được giao(VietNamNet, ngày 18/8).
Mới đây, cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố hình sự vụ án.
Nhưng câu chuyện đời người, câu chuyện bi kịch của số phận, của quan hệ công quyền có lẽ chưa dừng được ở đó.
Tại cuộc họp báo, bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái nhận xét có thể do một phút nông nổi, dẫn tới tinh thần bị kích động nên đối tượng đã không làm chủ được bản thân.
Cả 03 người- 02 nạn nhân và đối tượng Đỗ Cường Minh đều đã trở về với cát bụi. Chỉ họ biết rõ nhất điều gì giữa họ với nhau, biết rõ điều gì khiến họ đang là đồng chí, bỗng chốc trở thành kẻ không đội trời chung, chỉ cách nhau bằng những tiếng súng nổ đanh chát, lạnh lùng. Dù họ rồi đây vẫn phải “nằm chung”- ở nghĩa địa, chí ít là chung nhau … cát bụi.
Trong cuộc sống hiện đại này, với biết bao vòng xoáy tham – sân- si, mà bản chất hỉ -nộ- ái - ố của con người, đặt trong mối quan hệ cộng đồng đầy phức tạp, thì mâu thuẫn giữa con người với con người, giữa quan chức với quan chức đều có thể xảy ra ở bất cứ đâu, lĩnh vực nào, tỉnh nào. Nhưng một hành vi kích động đến mức như vậy, chứng tỏ sự mâu thuẫn giữa họ- đối tượng Đỗ Cường Minh với 02 nạn nhân quá căng thẳng, đến đỉnh điểm. Nếu như Đỗ Cường Minh thực sự không mắc bệnh tâm thần
Và đây mới là điều đáng nói nhất, việc hành xử giải quyết mâu thuẫn nhau giữa hai bên đều là quan chức, lại theo cách hành xử của giới giang hồ, xã hội đen, hệt như trong những bộ phim hình sự- khiến cho xã hội, người dân thấp cổ bé miệng sửng sốt, bất ngờ.
Điều đáng buồn, trên các trang mạng xã hội, rất ít những sự chia sẻ xót thương. Mà nhiều hơn lại là những hoài nghi về sự “ân oán” lợi ích, tình cảm, đặt trong bối cảnh xã hội lợi ích nhóm đang hoành hành, đạo đức cán bộ đảng viên suy thoái, như người đứng đầu tổ chức Đảng từng lo ngại.
Dù người viết và ai cũng tin rằng, đó vẫn là sự mất mát, tổn thất vô cùng to lớn, là nỗi đau pha chút cay đắng hoặc bẽ bàng cho gia đình, dòng họ của cả hai phía, nạn nhân và thủ phạm.
Không hiểu, gặp nhau dưới suối vàng, họ sẽ “nói” với nhau điều gì? Về những đắng cay và khắc nghiệt của tham- sân –si, khi tất cả đã chỉ còn là tro tàn quá khứ?
Vụ án đầy bi kịch nhanh chóng kết thúc. Nhưng còn mở ra biết bao điều mà những quan chức có trách nhiệm cần suy nghĩ. Liệu điều đó có phản chiếu những suy thoái, thậm chí là sự khủng hoảng, bất ổn âm thầm của đội ngũ cán bộ, của bộ máy công quyền, mà Tổng Bí thư tại Hội nghị Dân vận ngày 27/5 đã phải phát biểu:
Những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng, ngày càng nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng, vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ(VnExpress.net, ngày 28/5).
Vụ việc đầy bi kịch tại Yên Bái, không còn là mất đoàn kết, mà có thể là mâu thuẫn nội bộ đến điểm đỉnh. Không chỉ gây sốc cho người dân cả nước ở hành vi cố tình gây tội ác, mà ở góc độ nhân tâm, còn là một đạo lý hành xử giữa đồng chí với nhau rất đáng sợ, rất không đẹp.
Xưa nay, người có tội, như một luật nhân- quả, rồi cũng phải trả giá.
Nhưng khi một guồng máy cán bộ mà sự tham- sân- si đến mức khiến cho người dân mất niềm tin và thất vọng, hoài nghi trước tổn thất của những số phận, đó mới thật đáng nghĩ, đáng buồn. Ai có lỗi đây?
Kỳ Duyên
KHỦNG HOẢNG YÊN BÁI, KHỦNG HOẢNG CÔNG LÝ
HUY ĐỨC/ BVN 20-8-2016
Khởi tố là cần thiết vì nếu có thể tìm ra nguyên nhân vụ án mạng ở Yên Bái thì cho dù không còn bị can, bị cáo nào, chính quyền vẫn có thể rút ra nhiều bài để học. Tuy nhiên, không cần chờ khi công cuộc điều tra khép lại, cơ quan lãnh đạo cao nhất của ĐCS VN mới cần ngồi xuống để nhận ra đâu là căn nguyên của cuộc khủng hoảng này.
Khủng hoảng không phải bắt đầu từ Yên Bái.
Tại thời điểm xảy ra vụ Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng (5-1-2012), tôi viết bài "Quả Bom Đoàn Văn Vươn" và cảnh báo, đừng để "những quả bom lại nổ". Hai mươi tháng sau, chiều 11-9-2013, ở Thái Bình, nông dân Đặng Ngọc Viết đã cầm súng xông vào trụ sở Ủy ban, nổ súng vào 5 cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố, rồi tự sát...
Cho dù giờ đây, ông Đoàn Văn Vươn đã trở về đoàn tụ gia đình và công việc cày cấy trên mảnh đất nhuốm máu của ông có vẻ như đang tiến triển; cho dù ông Đặng Ngọc Viết đã chuẩn bị cho mình một cái chết bi tráng, cái giá mà hai ông và gia đình phải trả là quá khắc nghiệt. Tại sao hai thường dân lương thiện này đã phải dùng súng, dùng bom?
Đấy là hành động của những con người không còn tin chính quyền này có thể mang đến cho mình công lý.
Nhiều người hôm qua cũng đặt câu hỏi, dẫu có mất chức chi cục trưởng, ông Đỗ Cường Minh vẫn còn khá nhiều cơ hội, tại sao ông nỡ chọn một kết cục bi thảm như vậy.
Cũng như ông Viết, ông Vươn, phải đối diện với một tình huống bất công một quan chức của chế độ mới phải dùng đến khẩu súng do chế độ trang bị cho để bắn vào những người cùng ngồi trong lòng chế độ.
Không chỉ có những thường dân, hành động của ông Minh cho thấy, ngay cả những cán bộ ở cấp rất cao giờ đây cũng không còn tin rằng trong cái tổ chức mà họ đang có chân, dẫu vẫn mang lại cho họ rất nhiều bổng lộc, khi đụng chuyện cũng không thể mang đến cho họ công lý.
Rõ ràng, vụ Yên Bái cho thấy tính mạng các nhà lãnh đạo của "Đảng Ta" đã không còn an toàn ngay cả khi họ ngồi trong những căn phòng cách âm quá tốt (Súng K59 nổ trong phòng Bí thư mà không ai nghe thấy). Nhưng, đừng phản ứng mau lẹ bằng cách tăng cường lực lượng cảnh vệ hoặc đặt máy dò kim khí ngay trước cổng các cơ quan.
Không phải cứ thêm súng ống là có thể giữ được tính mạng cho quý vị.
Chỉ khi không còn chút hy vọng nào vào công lý người dân và các đồng chí của quý vị mới tìm đến bạo lực. Đừng sợ hãi bạo lực đến mức tăng cường bạo lực cho dù có nấp dưới mỹ từ kỷ cương. Đừng củng cố những thiết chế chỉ để bảo vệ chính quyền bởi cách làm đó cũng không khác chi tự cài bom dưới ghế.
Hãy nghĩ đến một lộ trình cải cách chính trị để không chỉ quý vị tránh được những viên đạn của đồng chí mình mà còn để cho dân tránh được bể dâu lần nữa.
H.Đ.
Tác giả gửi BVN
VỤ LÃNH ĐẠO YÊN BÁI THANH TOÁN NHAU: HIỂU THÊM VỀ LÒNG DÂN
NGUYỄN TƯỜNG THỤY/ RFA/BS/ BVB 21-8-2016
Thông tin đầu tiên về vụ bắn chết hai quan đầu tỉnh Yên Bái có lẽ lên báo sớm nhất là tin “Chấn động: Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái nổ súng bắn lãnh đạo tỉnh của Pháp luật Việt Nam” vào lúc 9 h40’ ngày 18/8/2016, tức là chỉ sau khi vụ việc xảy ra 1 giờ rưỡi . Tuy nhiên ít phút sau, bài báo này đã bị ẩn. Chỉ khi đến giữa ngày, nhiều trang báo đồng loạt đăng tin thì bài này mới cho hiện trở lại.
Lập tức, các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook dày đặc các thông tin, bình luận về sự kiện này. Sang mấy ngày tiếp theo, các facebooker gần như không quan tâm đến thông tin nào khác. Đặc biệt, thái độ khi bình luận đối với họ tuyệt đại đa số là… hả hê.
Sự hả hê lan rộng tới mức, ngay tối hôm đó, VTC phải đăng bài để chấn chỉnh, định hướng, được các facebooker coi là bài khóc mướn “Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án” của tác giả Khánh Nguyên. Bài viết đầy những giáo lý từng nghe đến nhàm chán, chỉ trích nặng nề đám đông đang hả hê đó.
Sau khi cho rằng, đây là tổn thất lớn của hệ thống chính trị, của gia đình nạn nhân, tác giả cao giọng dạy bảo, qui kết: “Đùa cợt, rồi hả hê với nỗi đau của sự mất mát cũng đồng nghĩa với cổ vũ cho hành vi tội ác man rợ. Và những kẻ này, ở một mức độ nào đó, cũng có phần man rợ như tên sát nhân máu lạnh”.
Và đương nhiên, lời rao giảng giáo điều này bị cộng đồng mạng đồng thanh lên tiếng kịch liệt phản đối. Họ đặt ra những câu hỏi mà tác giả khó trả lời. Chỉ xin dẫn ra đây ý kiến của Trương Minh Tam, một tù nhân lương tâm từng chịu quá nhiều đau khổ: “Không có lương tri nào đòi hỏi mỗi chúng ta phải đau khổ, thương xót khi đứng trước cái chết của những kẻ tội đồ cả. Nhỏ nước mắt trước cái chêt của quỷ dữ là nước mắt của những kẻ không có não!”.
Hỉ, nộ, ái, ố là các cung bậc trạng thái tình cảm của con người. Những trạng thái này được thể hiện bằng thái độ, bằng lời nói tuy đôi khi cũng phải kìm nén. Bày tỏ như thế nào là tùy thuộc vào mỗi người do quan hệ cá nhân của họ. Việc thể hiện hay không, thể hiện như thế nào, không ai có thể bắt được ai. Một chàng trai không thể chất vấn một cô gái rằng, tôi nhà giàu, đẹp trai, con quan, tại sao cô không yêu tôi? Không thể trách cô gái là không có xúc cảm trước cái tưởng là tiêu chuẩn hàng đầu cho mỗi người khi chọn bạn đời. Việc các facebooker hả hê trước vụ thanh toán nhau ở Yên Bái là trạng thái tình cảm thật, khi mà người dân phải chịu quá nhiều áp bức, đè nén, bất công, đau khổ vì chính quyền gây ra, khi mà chính quyền coi họ như cỏ rác, giẫm đạp, giày xéo lên họ để thăng tiến, để sống cuộc đời vương giả, phè phưỡn. Thời buổi soi vào tim óc người ta xem người ta nghĩ gì, định hướng tình cảm phải yêu ai, ghét ai đã qua rồi.
Xin hỏi tác giả bài viết, tác giả có thái độ thế nào trước cảnh tượng như sau mỗi cuộc đàn áp áp dân thành công như đàn áp biểu tình, cưỡng chế đất, cán bộ và nhân viên cộng lực hả hê nhau chia tiền và nâng cốc ở các nhà hàng, không cần biết đến hậu quả là những gia đình lâm vào cảnh cùng quẫn vì mất nhà, mất đất? Ngược lại chút thời gian, trong thời kỳ chiến tranh, báo chí hả hê đưa tin như thế nào sau mỗi trận thắng, giết được bao nhiêu Mỹ và “Ngụy”, trong khi những người lính ấy cũng có gia đình, vợ con?… Lúc ấy, tác giả ở đâu? Nếu chưa sinh ra, tác giả có biết đến cuộc nội chiến đẫm máu và nước mắt trong giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử dân tộc?
Xin kể một chuyện về vụ Tòa tháp đôi của Nước Mỹ bị tấn công ngày 11/9/2011 làm 2999 người tử vong và mất tích, trong đó có tới 2944 người là dân thường. Vậy mà ở ViệtNam, không hiếm người tỏ rõ sự hả hê với những từ ngữ như “đáng đời”, “cho chết”. Trong bữa ăn trưa ngày 12/9 năm ấy, vợ tôi đi chợ về kể nhiều người mừng lắm, tôi bảo: “Sao lại mừng? Nước Mỹ nhức đầu thì Việt Nam cũng sổ mũi. Bin Laden là kẻ thù chung của loài người chứ đâu của riêng Nước Mỹ. Người chết lại toàn là dân thường”.
Chú em tôi đi họp chi bộ về nói cuộc họp phổ biến việc nước Mỹ bị khủng bố không được tỏ ra vui mừng. Rồi chú ấy nhận xét: “Như vậy là rõ ràng công nhận là mình có vui mừng rồi còn gì”.
Đừng lên mặt đạo đức để rao giảng cho thiên hạ mỗi khi có người tỏ thái độ khác với mình. Cần phải đặt ra câu hỏi, tại sao công an chết, cán bộ chết thì dân mừng, cấp càng cao thì càng mừng hơn nữa. Vấn đề nên rút ra ở đây là tại sao họ mừng, lòng dân hướng về ai, họ cần gì và căm ghét những gì.
Việc cán bộ cao cấp ở Yên Bái bị thanh toán mà dân lại mừng có thể coi như một cuộc trưng cầu dân ý về lòng dân đối với Đảng và nhà cầm quyền. Nó không như những gì mà cộng sản thường rêu rao như “ý đảng, lòng dân”, “nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng” và cả những đại ngôn “Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn”. Nhân đây, xin nhắc thêm sự kiện gần nhất là Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam. Sự cuồng nhiệt của người Việt Nam khi đón Tổng thống Mỹ, cách bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam với ông Obama cho thấy, họ đang hướng về Nước Mỹ, khát khao những giá trị Mỹ, đặc biệt là giá trị dân chủ, nhân quyền. Đó cũng có thể coi như một cuộc trưng cầu dân ý vậy.
Nguyễn Tường Thụy/Blog RFA/BS
NHÌN VỤ BẮN 02 LÃNH ĐẠO YÊN BÁI DƯỚI GÓC ĐỘ TÂM LÝ
GS MẠC VĂN TRANG/ BVB 20-8-2016
Muốn dân xót thương khi người lãnh đạo chết, thì hãy để nhân dân thực sự được tự do lựa chọn bầu người họ yêu quý, tin tưởng lên làm lãnh đạo và được quyền phế truất kẻ không còn xứng đáng ở vị trí lãnh đạo. Đơn giản vậy thôi. Đừng hỏi nhân dân tại sao?
Đây là vụ án nghiêm trọng gây chấn động xã hội, nhưng dư luận bàn tán về vụ án lại rất khác nhau do “tâm lý” (suy nghĩ, cảm xúc…) trước sự kiện này ở mỗi người một khác. Xin phân tích vài khía cạnh tâm lý.
  1. Trước hết về hung thủ. Bà Trà chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhận xét:“Nếu tiếp xúc thì sẽ thấy ông Đỗ Cường Minh là một người lành hiền, cố gắng hoàn thành công việc. Ông Minh đã được tín nhiệm giới thiệu giữ chức Chi Cục trưởng Kiểm lâm như hiện nay. Trong cuộc sống, ông Minh cũng rất hòa đồng. Bà Trà phán đoán có thể có một vấn đề gì đó dẫn đến một phút ông Minh bột phát, không kiềm chế bản thân”. Giám đốc CA nói: "Khi đối tượng từ phòng đồng chí Cường tới phòng đồng chí Tuấn các cán bộ ở phòng Ban Tổ chức Tỉnh ủy ở gần đó còn chào hỏi nhau và nghĩ cán bộ lên làm việc”.
Qua đây thấy ý kiến cho rằng ông Minh “một phút bột phát, không kiềm chế” là không đúng. Tất cả cho thấy hành động gây án đã được chuẩn bị, tính toán rất kỹ lưỡng và hung thủ rất bình tĩnh. Sau khi bắn Bí thư bằng 4 viên đạn, hung thủ thản nhiên ra ngoài bắt tay, chào hỏi mọi người (không ai nghi ngờ gì) và bình thản đi 150m, vào phòng bắn tiếp Chủ tịch HĐND tỉnh cũng với 4 viên đạn. Viên cuối cùng dành cho mình. 9 viên đạn vừa hết, được dùng rất chuẩn xác. Bắn mỗi đối thủ 4 phát là trút sự căm giận ghê gớm lắm. Bắn trực diện, không bắn lén. Chắc hẳn vừa bắn vừa kể tội “vì sao mày phải chết”. Người bắn có trạng thái tâm lý tin vào hành động của mình là chính đáng và kẻ bị xử là đích đáng. Ta chưa biết được ân oán giữa họ, những chắc chắn hung thủ có mối uất hận rất sâu nặng và đã nung nấu từ lâu mới đi đến quyết định, đã được cân nhắc kỹ càng… cả 3 cùng chết.
  1. Giám đốc CA Yên Bái cho rằng, thủ phạm đã rõ, đã chết, không cần điều tra vụ án, là sai. Vì cần điều tra làm rõ: Thủ phạm gây án vì động cơ gì? Đằng sau vụ án là gì? Có những ai liên quan trực tiếp, gián tiếp đến vụ án. v. v...
  2. Lần đầu tiên, một vụ trọng án trong nội bộ chính quyền, lại được thông tin công khai trên đài báo. Thủ tướng Phúc đến tận nơi thăm hỏi, chỉ đạo, phát biểu với PV truyền hình. Chủ tịch tỉnh Yên Bái họp báo ngay, trả lời thẳng thắn, cởi mở… Thay vì tâm lý che đậy, giấu giếm, đưa tin “tuyên truyền định hướng” như trước, nay đã chủ động công khai minh bạch thông tin về vụ án. Đây là chuyển biến tâm lý tích cực, đáng ghi nhận của Chính phủ. Hơn nữa biết rằng, càng giấu “càng chết”, vì trên mạng xã hội đã đưa tin tùm lum hết rồi… Truyền thông nhà nước đang cố gắng theo kịp truyền thông xã hội.
  3. Dư luận xã hội về vụ án, cho thấy “ý Đảng, lòng Dân” phân ly, xa cách ghê quá. Trên FB Châu Đoàn, tác giả nhận định: “Điều đáng quan tâm ở đây là thái độ của cộng đồng mạng. Có thể nói là 95% mọi người có thái độ thờ ơ, nhiều người có thái độ “hả hê” bởi sự chán ghét chính quyền vốn có”... Điều này trái với đạo lý của dân ta “Nghĩa tử là nghĩa tận’, “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”… Nhưng điều đau lòng, đó lại là sự thật, rất thật. Vì trong các hiện tượng tâm lý thì biểu lộ cảm xúc là chân thực nhất. Có thể sau khi biểu lộ “vui thích”, “hả hê”, người ta chợt nhận thức ra mình đã biểu lộ thái độ sai lệch, xin lỗi và điều chỉnh lại… Nhưng không thể phủ nhận, những biểu cảm ban đầu mới là tâm lý bộc lộ tình cảm thật”.
Bạn Khánh Nguyên trên VTC News, ngày 18-8-2016, có bài viết: “Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng vụ thảm án” muốn “lên lớp” cho “95%” số người thờ ơ hoặc biểu lộ “phản cảm”, nhưng thái độ trịch thượng, gay gắt, quy chụp 1 chiều của tác giả lại gây phản tác dụng. Người ta lại đặt tiếp các câu hỏi:
-Tại sao lại có “quá nhiều kẻ vô lương đang đùa cợt, thậm chí hả hê với nỗi đau tột cùng vụ thảm án xảy ra ở Yên Bái sáng nay”? Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, hãy tự hỏi, sao người khác chết thì bao nhiêu kẻ thương xót, người này chết lại “quá nhiểu kẻ hả hê”? Toàn bộ hệ thống Đảng, Chính quyền và mỗi quan chức hãy tự suy ngẫm và tìm ra câu trả lời đi. Đừng trách oán xã hội. Dư luận xã hội, suy nghĩ, tình cảm xã hội được hình thành và bộc lộ theo quy luật của nó đấy.
- Tại sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Đây là mất mát to lớn”… mà người dân lại thấy nó chả quan trọng gì? Đó là tâm lý chán chường đối với không chỉ mấy người này, mà toàn hệ thống chính quyền. Người dân thấy chính quyền “hèn với giặc, ác với dân”, ăn tàn, phá hại quá nhiều rồi; hứa hẹn, thề thốt quá nhiều rồi, nhưng tình trạng tham nhũng, sưu cao, thuế nặng, xã hội suy đồi, dân khổ trăm chiều vẫn kéo dài vô vọng. Khi đã chán chường thì ai trong chính quyền này chết, dân cũng chẳng xót thương đâu!
Muốn dân xót thương khi người lãnh đạo chết, thì hãy để nhân dân thực sự được tự do lựa chọn bầu người họ yêu quý, tin tưởng lên làm lãnh đạo và được quyền phế truất kẻ không còn xứng đáng ở vị trí lãnh đạo. Đơn giản vậy thôi. Đừng hỏi nhân dân tại sao?
19/8/2016
  1. Tâm lý học Mạc Văn Trang /(FB. GS. Mạc Văn Trang) 
ÁN MẠNG TẠI YÊN BÁI-ĐÂU LÀ SỰ THẬT ?
THẠCH ĐẠT LANG/ DLB/ BVB 22/8/2016
"...Đỗ Cường Minh chưa chắc đã là thủ phạm bắn chết Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn bởi không ai có thể tự bắn vào đầu mình từ sau gáy ra phía trước. Phải có một nhân vật thứ tư thực hiện hành động sát thủ này. Người đó là ai? Chỉ có Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn và (may ra) Đỗ Cường Minh mới có thể trả lời...".
Một vụ án mạng xảy ra ở tỉnh Yên Bái, ngay trụ sở ủy ban hành chánh tỉnh với 3 người chết gồm 2 nạn nhân và một hung thủ vào ngày 18.08.2016 đã khiến cho cộng đồng mạng nóng hẳn lên. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử đảng CSVN, một vụ sát nhân xảy ra ngay tại công đường, trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh giữa các người đồng chí, đồng thời cũng là lãnh đạo cao cấp nhất của tỉnh Yên Bái.
Theo các nguồn tin trên báo chí trong nước, chi cục trưởng chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái, Đỗ Cường Minh là thủ phạm - đồng thời cũng là nạn nhân vì sau khi bắn Phạm Duy Cường, bí thư tỉnh ủy Yên Bái, Ngô Ngọc Tuấn, chủ tịch HĐND kiêm trưởng ban tổ chức tỉnh ủy - Minh tự sát bằng một phát đạn bắn vào đầu.
Hầu hết dư luận trên cộng đồng mạng lề trái tỏ ra thích thú, hào hứng với những bình luận (có vẻ) hả hê khi theo dõi tin tức nóng hổi, vừa thổi vừa xem này. Sự hả hê, vui thú khi thấy người khác gặp tai nạn, tiếng Đức có một chữ là Schadenfroh (đầy đủ nghĩa hơn chữ gleeful hay gloating của tiếng Anh - Schaden: thiệt hại, froh: vui mừng). Lý do tại sao cộng đồng mạng tỏ ra vui mừng, hớn hở khi có đảng viên cao cấp của đảng CS bị đồng chí thanh toán bằng vũ khí cũng như việc trên VTC News online có một bài viết của Khánh Nguyên lớn tiếng “dạy dỗ” cộng đồng mạng về lương tri, đạo đức... không phải là mục đích bài viết, nhưng trong khi ba điều bốn chuyện, có lạm bàn (chút đỉnh) thì xin độc giả niệm tình tha thứ cho.
Ông Vàng À Sàng, giám đốc bệnh viện đa khoa (thiếu khoa Khắc Phục nên chưa trở thành bệnh viện toàn khoa) Yên Bái cho biết, viên đạn trên đầu Minh đi từ phía sau gáy trổ ra phía trước. Đây là một điểm khác thường, khó hiểu, không thể giải thích khoa học vì nếu tự tử, không ai có thể vòng tay đưa khẩu súng K-59 ra phía sau gáy, bóp cò. Một người tự tử bằng súng ngắn như K 59, Colt 45, P 38, CZ 85...chỉ có thể kê súng vào thái dương, dưới cằm, vào miệng, đỉnh đầu để bóp cò. Một viên đạn trổ từ sau gáy ra phía trước chắc chắn phải do một người khác thực hiện. (1)
Diễn tiến vụ án mạng, nếu đúng như mô tả của Đặng Trần Chiêu, giám đốc công an Yên Bái thì Đỗ Cường Minh phải là kẻ có máu lạnh, vui buồn, giận dữ không lộ ra trên nét mặt, một sát thủ từng giết người, đã lên kế hoạch giết Duy Cường và Ngọc Tuấn một cách kỹ lưỡng, cẩn thận, có tính toán từng bước, chứ không thể là một hành động bộc phát trong lúc nóng giận của một người tính tình hiền lành, hòa đồng, vui vẻ với mọi người như lời bà Phạm Thị Thanh Trà, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái nhận định về cá tính của Đỗ Minh Cường.
Theo lời thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái: Minh đương nhiên được sử dụng vũ khí, giấy phép của Minh vẫn còn giá trị nhưng mục đích phải tùy quy định. Minh đã quá quen rồi nên anh em không kiểm tra cụ thể có mang vũ khí không. Mỗi một phòng Minh bắn 4 viên đạn. Lúc 15h20 phút, Minh qua đời.
Phóng viên đặt câu hỏi, Minh bắn ông Cường xong rồi qua phòng bắn ông Tuấn thì có ai thấy tiếng súng không? Tại sao lại phát hiện ông Minh và ông Tuấn bị bắn trước khi phát hiện ông Cường?
Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái Đặng Trần Chiêu nói, quãng đường từ phòng nọ đến phòng kia dài 150m, cửa phòng lại đóng kín, loại súng K59 tiếng nổ nhỏ.
"Chúng tôi xác định Minh bắn ông Cường trước sau mới bắn ông Tuấn, có nhân chứng thấy Minh đi vào phòng ông Tuấn còn chào hỏi. Sau thấy tiếng nổ mới vào thì phát hiện cả 2 thiệt mạng" - ông Đặng Trần Chiêu nói. (2)
Tại sao thiếu tướng công an lại nói rằng, mỗi phòng Minh bắn 4 viên đạn thay vì nói nạn nhân bị bắn mấy viên vào người? (nói vậy liệu rằng có chủ đích?).
Xét về mặt tâm lý, một người “hiền lành” như Đỗ Cường Minh khó có thể là thủ phạm giết Ngô Ngọc Tuấn và Phạm Duy Cường, Một người bình thường hiền lành, khó lòng kềm chế được cảm xúc, giữ được bình tĩnh, không thay đổi nét mặt, cử chỉ sau khi bắn chết một người khác bằng 4 viên đạn, rồi đi bộ 150m một cách thản nhiên, chào hỏi những người tình cờ gặp mặt, tiếp tục thanh toán nạn nhân thứ hai và đưa súng ra sau gáy tự sát.
Lời khai của ông Vàng À Sàng, giám đốc bệnh viện đa khoa Yên Bái cũng khác biệt với lời tuyên bố của Đặng Trần Chiêu, giám đốc công an tỉnh Yên Bái. Theo ông Sàng, hai ông Tuấn và Cường mỗi người bị bắn 3 viên vào bụng, cộng một viên vào đầu ông Minh là 7, nhưng hiện trường lại có 8 vỏ đạn. Khẩu K 59 Đỗ Cường Minh sử dụng để hạ sát Phạm Duy Cường và Ngô Ngọc Tuấn thuộc loại súng nhỏ, nhẹ (730gr), đạn 9mm, băng đạn 8 viên hoặc 12 viên (Modell PMM). Tiếng nổ của K- 59 cũng lớn như P 38 hoặc Colt 45 của Mỹ. (3)
Sự việc xảy ra lúc 8 giờ sáng, khi được chở vào bệnh viện đa khoa Yên Bái, ông Sàng nói, hai ông Tuấn, Cường đã chết hẳn, riêng Đỗ Cường Minh tim cũng đã ngừng đập, khi bác sĩ tìm cách hồi sinh, tim Minh đập lại một ít phút nhưng rồi ngừng hẳn. Đặng Trần Chiêu nói Minh chết 15g:20´ là chỉ để bào chữa cho việc Nguyễn Xuân Phúc trình diễn sự quan tâm của mình tới nạn nhân. Cho là nạn nhân được đưa đến bệnh viện lúc 10 giờ thì khoảng cách giữa 2 lời nói là 5 tiếng 20 phút.
Một điểm khác cần lưu ý nữa, khoảng cách giữa 2 hiện trường là 150m, đi bộ nhanh phải mất ít nhất 1-2 phút, tại sao những tiếng súng đầu tiên không ai nghe, chỉ nghe những tiếng nổ sau? Không lẽ chỉ có phòng làm việc của bí thư mới được xây dựng cách âm (đề phòng phản động nghe lén) còn các phòng khác thì không? Hơn thế nữa, tất cả các nguồn tin trên báo chí đều không hề nói tới một điều: - Ai đã nghe tiếng súng nổ và ai là người đầu tiên phát hiện ra Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn, Đỗ Cường Minh bị bắn?
Án mạng xảy ra vào khoảng 8 giờ sáng ngày 18.08.2016, ngày 19.08.2016 hai nạn nhân Phạm Duy Cường, Ngô Nhật Tuấn đã được nhập quan. Hết Nguyễn Xuân Phúc đến Tô Lâm, bộ trưởng công an chỉ đạo quyết liệt điều tra nhưng hiện trường đã bị xóa sạch hết dấu vết, nạn nhân đã được liệm thì còn điều tra gì nữa?
Nguyên tắc đầu tiên khi có án mạng là phải gọi xe cứu thương, làm cấp cứu, hồi sinh nhưng không được tự ý di chuyển nạn nhân. Nếu nạn nhân chưa chết, bác sĩ, y tá phải làm cấp cứu ngay tại chỗ, sau đó mới đưa vào bệnh viện. Còn nạn nhân chết rồi thì phải giữ nguyên hiện trường cho đến khi pháp y, chuyên viên thu thập xong chứng cớ (forensic) đạn đạo (ballistic) mới đưa nạn nhân đi.
Báo chí, truyền thông trong nước được lệnh loan báo môt cách sơ sài, chỉ đưa tin phỏng vấn Đặng Trần Chiêu giám đốc công an, Phạm Thị Thanh Trà chủ tịch UBND Yên Bái. Hết. Không thấy nói đến các nhân chứng (những người gặp ông Minh sáng ngày 18.08.2016), nạn nhân cũng như thủ phạm không hề được giảo nghiệm y khoa (Autopsie). Công an Việt Namlàm việc thật tài tình, toàn bộ vụ án mạng được kết thúc một cách “cực kỳ” nhanh chóng.
Vụ án mạng ở Yên Bái là một vụ trọng án, nạn nhân là những lãnh đạo cao cấp, lẽ ra phải được điều tra đến nới đến chốn, nhưng chắc rồi cũng giống như các vụ Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ, thủ phạm liên hệ đến trung ương và bộ chính trị nên cần phải được ém nhẹm, bịt kín. Chỉ khác một điều là 2 vụ trước diễn tiến xẩy ra âm thầm, đảng và chế độ CSVN dễ lèo lái, bưng bít, che dâu, định hướng dư luận. Lần này có thể vì tình thế gấp rút, Yên Bái lại ở xa nên đảng phải thay đổi chiến lược, hành động nhanh chóng nhưng vì không thể che mắt người dân nên đành phải công khai hóa sự việc.
Đỗ Cường Minh chưa chắc đã là thủ phạm bắn chết Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn bởi không ai có thể tự bắn vào đầu mình từ sau gáy ra phía trước. Phải có một nhân vật thứ tư thực hiện hành động sát thủ này. Người đó là ai? Chỉ có Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn và (may ra) Đỗ Cường Minh mới có thể trả lời.
Thạch Đạt Lang /Dân làm báo/TTHN
_______________
VỤ ÁN YÊN BÁI: KẺ GIẤU MẶT THỨ TƯ LÀ AI?
NGUYỄN THỊ XUÂN LỘC/ CTM/ BVB 21-8-2016
Vụ án Yên Bái có kẻ thứ tư xuất hiện. Tức là người đã dàn dựng ra cuộc “nổ súng” và cũng là người kết liễu cuộc đời của người gọi là thủ phạm. Liệu Công an Yên Bái có tìm ra kẻ thứ tư hay không, hay cuối cùng sẽ đóng hồ sơ với thủ phạm Đỗ Cường Minh mà không có lời giải đáp?
Vụ hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái bị bắn tử thương đã gây kinh hoàng trong hàng ngũ lãnh đạo CSVN từ địa phương đến trung ương.
Những diễn tiến
Khoảng 7 giờ sáng ngày 18 tháng Tám, năm 2016, ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã đăng ký tại Văn phòng Tỉnh ủy lên gặp Bí thư.
Tại phòng làm việc của ông Phạm Duy Cường, Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái, ông Minh đã bắn vào đầu ông Cường. Sau đó, ông Minh đóng cửa phòng và đi bộ thêm 150 mét sang phòng ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái. Các cán bộ của Ban tổ chức Tỉnh ủy có nhìn thấy ông Minh, nhưng chỉ chào hỏi và nghĩ ông Minh đến phòng ông Tuấn có việc.
Khi vào phòng ông Ngô Ngọc Tuấn, ông Đỗ Cường Minh bắn vào bụng, ngực, đầu ông Tuấn. Sau khi gây án, ông Minh bắn vào đầu tự sát.
Khi nghe tiếng súng nổ, mọi người chạy sang, bàng hoàng phát giác cả ông Tuấn và ông Minh đều nằm dưới nền nhà.
Các nạn nhân mau chóng được đưa đi cấp cứu. Nhưng hai lãnh đạo đã tử vong trước khi nhập viện. Ông Cường được khâm liệm ngay. Ông Đỗ Cường Minh được người nhà đem về lo hậu sự khi việc “tiên lượng sống sót thấp”.
Ông Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công An tỉnh Yên Bái cho biết khẩu súng K59 mà ông Minh sử dụng tại hiện trường đã bắn hết đạn, không có nòng giảm thanh. Công an thu được 4 vỏ đạn tại phòng làm việc của ông Tuấn và 4 vỏ đạn khác ở phòng làm việc của ông Cường. Ông Tuấn trúng 3 phát đạn.
Ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay trong buổi sáng cùng ngày, đã trực chỉ Yên Bái để gọi là nắm bắt tình hình và triệu tập cuộc họp với lãnh đạo tỉnh.
Dữ kiện từ báo chí:
Báo Tiền Phong đã loan tải các diễn tiến như sau:
            - Ông Vàng À Sàng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Bái, cho biết nạn nhân Phạm Duy Cường và Ngô Ngọc Tuấn đều bị bắn 3 phát vào bụng, tử vong trước khi nhập viện. Riêng ông Đỗ Cường Minh bị một viên đạn xuyên từ gáy ra trước, nhập viện trong tình trạng tim ngừng đập
Sau khi được cấp cứu, tim đập trở lại, nhưng tiên lượng sống sót thấp. Đầu giờ chiều ngày 18 tháng Tám, gia đình đã làm thủ tục đưa ông Minh về nhà lo hậu sự.
Báo Tuổi Trẻ đã loan tải như sau: “Hai nạn nhân đều bị bắn 2 đến 3 phát đạn. Một bị bắn vào ngực, bụng và đầu. Một bị bắn vào ngực xuyên lên cổ và vào đầu”…
Dư luận bàn tán
Với những dữ kiện đưa ra từ phía chính quyền Tỉnh Yên Bái và từ Báo chí, dư luận đã có một số nghi vấn về vụ án này:
-Một trong hai lãnh đạo bị bắn vào ngực xuyên lên cổ và vào đầu. Đường đi của viên đạn chứng tỏ nạn nhân không bị bắn từ xa và không có yếu tố bất ngờ. Ngược lại, hung thủ phải đứng sát nạn nhân và đã có sự vật lộn khiến khẩu súng hướng lên và viên đạn xuyên từ ngực lên cổ và vào đầu nạn nhân. Vì thế âm thanh của phát súng định mệnh đã bị chận bởi ngực của nạn nhân.
Điều này giải thích lý do tại sao súng loại K59 có tiếng nổ lớn, không có nòng hãm thanh, mà không ai nghe súng nổ khi ông Phạm Duy Cường, Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái, là nạn nhân thứ nhất bị thanh toán.
- Ông Đỗ Cường Minh (được phía công an cho là sau khi có hành động sát nhân đã quay súng tự sát) đã bị một viên đạn xuyên từ gáy ra trước. Khó có thể tưởng tượng ông Minh muốn tạo cho mình một cách tự sát fantasy đến độ quặt tay ra sau gáy và bóp cò.
Đạn từ phiá sau gáy xuyên ra trước chỉ có thể xảy ra trong trường hợp nạn nhân bị bắn từ đằng sau.
Như thế, có thể nói sau khi hạ sát ông Đỗ Cường Minh, hung thủ đã đặt khẩu súng vào tay ông Minh như tang chứng của vụ ám sát và tự sát.
- Khi cuộc điều tra chưa được tiến hành, dấu vân tay trên khẩu súng chưa được điều tra, những thủ tục khám nghiệm tử thi chưa được thực hiện, thế mà việc khâm liệm chôn cất các ông Phạm Duy Cường và ông Đỗ Cường Minh đã được tổ chức vội vàng nhanh chóng, điều này thật khó hiểu!
- Người dân ở 4 tỉnh miền Trung bị chất độc hại của Formosa sống dở chết dở nhiều tháng nay không thấy bóng ông Phúc đâu, bỗng dưng ông Phúc đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường vụ án Yên Bái để “nắm bắt và chỉ đạo” thì cũng thật khó hiểu!
Liệu có kẻ thứ tư ?
Lúc đầu công an Yên Bái không định truy tố, nhưng sau cùng quyết định là phải truy tố để tìm ra nguyên nhân vụ án, vì những dữ kiện được nêu ra trên báo chí không mấy thuyết phục.
Đó là những dữ kiện liên quan cái chết của ông Đỗ Cường Minh, công an cho là thủ phạm và đã tự bắn vào đầu, nhưng Bác sĩ Vàng À Sàng thì nói là bị một viên đạn từ gáy ra trước.
Chưa điều tra lại cho là thủ phạm và nói thủ phạm tự tử mà không có bất cứ bằng chứng nào, trong khi Bác sĩ khám nghiệm vết thuơng lại cho thấy là không phải do hành động tự sát.
Như vậy, vụ án Yên Bái có kẻ thứ tư xuất hiện. Tức là người đã dàn dựng ra cuộc “nổ súng” và cũng là người kết liễu cuộc đời của người gọi là thủ phạm.
Liệu cuộc truy tố của công an Yên Bái có tìm ra kẻ thứ tư hay cuối cùng đóng hồ sơ với thủ phạm Đỗ Cường Minh?
Nguyễn Thị Xuân Lộc /(CTM Media)
THÔNG TIN TRÁI CHIỀU VỀ VIỆC NỔ SÚNG Ở YÊN BÁI
NGƯỜI BUÔN GIÓ/ BVB 22-8-2016
Ngày 18 tháng 8 năm 2016 tại văn phòng tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái, chi cục trưởng kiểm lâm Đỗ Cường Minh đã dùng súng ngắn K59 của Nga bắn chết bí thư tỉnh uỷ Phạm Duy Cường và chủ tỉnh hội đồng nhân dân, kiêm trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ, Ngô Ngọc Tuấn. Lúc ban đầu tin cho biết hai người bị bắn tại hội trường, nhưng sau đó tin cải chính hai ông Cường và Tuấn bị bắn chết tại phòng làm việc. Sự việc được cho là diễn ra lúc 7 giờ 45 phút, trước cuộc họp của hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái họp bàn về điều động nhân sự.
Trong vụ họp báo buổi chiều cùng ngày, ông thiếu tướng , giám đốc công an tỉnh Yên Bái ông Đặng Trần Chiêu tuyên bố vì hung thủ đã chết, nên không khởi tố vụ án. Nhưng chỉ một lúc sau, nhận chỉ thị từ Bộ Chính Trị, ông Đặng Trần Chiêu lại tuyên bố sẽ khởi tố vụ án, lý do ông đưa ra đây là vụ việc phức tạp, còn có nhiều liên quan.

H1
H1

Hầu hết các báo lúc đầu đều đưa tin hai ông Cường và Tuấn bị bắn trọng thương, bệnh viện nỗ lực cứu chữa. Một tấm hình cho biết ngay khi nghe tin xảy ra vụ việc, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên Yên Bái để thăm bệnh tình hai nạn nhân.

H1

Ông Vàng A Sảng giám đốc bệnh viện đa khoa Yên Bái cho báo VnExpress biết, hai ông Cường và Tuấn mỗi ông bị bắn ba phát vào ngực và bụng, tử vong trước khi nhập viện.
Vậy khi thủ tướng Phúc đến thăm hai ông Cường và Tuấn, là thăm xác chết? Bài trên báo Thể Thao Văn Hoá còn nói rõ ông Phúc đến bệnh viên thăm và chỉ đạo các bác sĩ nỗ lực cứu chữa hết mình.
Các báo đều thống nhất đưa tin ông Minh bắn 8 phát súng chia đều cho hai ông Cường, Tuấn mỗi ông 4 viên. Vậy như lời ông Sảng nói, còn 2 viên đạn đã bắn đi đâu?

H1

Thông tin đáng chú ý nhất là đông cơ của việc giết hai quan chức đầu tỉnh này của Đỗ Cường Minh lại được VTV, tức truyền hình nhà nước VN nói rằng ông Minh bị thần kinh. Nhưng tại sao một người thần kinh lại lặng lẽ đi vào từng phòng những người cấp trên trực tiếp, có quyền quyết định về chức vụ của mình để lặng lẽ bắn hạ từng người một, trước phiên họp sẽ công bố quyết định thuyên chuyển nhân sự và cắt giảm nhân sự?
Tại sao ông Minh không bắn ai khác mà lại chỉ bắn đúng hai người sắp thông báo quyết định nhân sự có liên quan đến ông ta như vậy?
Một chi tiết nữa được các báo đưa lên rồi hạ xuống, đó là việc ông Minh bị một phát đạn bắn đằng sau gáy xuyên ra đằng trước, bài báo Tiền Phong chỉ mô tả đường đi viên đạn. Chi tiết này sau đó được diễn giải bằng việc ông Minh tự sát bắn vào đầu mình. Từ đằng sau gáy, một tư thế bắn tự sát thật khó tin.

H1
Ông Đỗ Cường Minh ngay hồi đầu năm 2016 có trả lời phỏng vấn truyền hình Yên Bái về tình trạng bảo vệ rừng, ông nói lưu loát, không cần nhìn bất kỳ giấy tờ, văn bản nào. Bố vợ ông Minh từng là bí thư tỉnh Yên Bái, vợ ông cũng là một quan chức cấp cao trong tỉnh. Bà phó bí thư tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà thông tin cho dư luận biết rằng ông Minh là người hiền lành, hoà đồng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tín nhiệm giới thiệu tiếp tục giữ chức vụ hiện nay.
Nhưng nếu ông Minh không bất đồng về việc chuyển nhân sự, thì tại sao ông phải bắn hai người có quyền thuyên chuyển trước buổi họp ra quyết định như vậy?
Rõ ràng mâu thuẫn của ông Minh với ông Cường Bí Thư và ông Tuấn tổ chức là tại việc thuyên chuyển, cắt giảm nhân sự theo nghị quyết 39 của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nguyên nhân chính của sự việc nằm ở đây. Nghị quyết 39 dưới chiêu bài tinh giảm biên chế, nhưng thực ra là sát nhập một số cơ quan vào với nhau, qua đó để tăng cường sự quản lý của Đảng. Nói nôm na, đây là chiêu trò để tăng quyền lực vào tay Đảng, tức các bí thư và cao nhất là tổng bí thư. Một thủ đoạn khéo léo để thâu tóm quyền lực êm ái của Nguyễn Phú Trọng. Khi thực thị nghị quyết này, những nhân sự nào kháng cự lại sự tập quyền của đảng sẽ bị thanh trừng dưới mỹ từ là tinh giảm biên chế.
Vụ thảm sát cán bộ cấp cao Yên Bái đã giáng một đòn rất nặng vào toan tính duy trì chế độ Đảng uỷ tập quyền mà cụ thể là quyền lực vào tay bí thư của Nguyễn Phú Trọng. Là người có bằng tiến sĩ xây dựng Đảng và đang tiến hành công cuộc xây dựng Đảng. Nguyễn Phú Trọng hẳn nhiên phải là người chiụ trách nhiệm nhiều nhất trong vụ việc này. Bởi tính giáo điều, không nhìn nhận thực tế là cán bộ đảng viên các cấp coi nhau như kẻ thù, như chính bản thân ông ta coi đối thủ chính trị từng là đồng chí của mình như kẻ thù. Nhìn lại những cái chết của Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh trước kia  và của Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn ngày hôm nay đều có nguyên nhân là từ những quyết định xây dựng Đảng CSVN của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà ra.
 Một khi mâu thuẫn về nhân sự căng thẳng đến mức các quan chức đầu tỉnh hạ sát nhau như vậy, ai cũng có thể thấy rằng chính trường Việt Nam trong tương lai tới đây sẽ còn nhiều bất ngờ gay cấn.
Người Buôn Gió/BS


VỤ ÁN YÊN BÁI: CUỘC ĐẤU ĐÁ QUYỀN LỰC ĐANG ĐẾN HỒI GAY CẤN NHẤT

PHẠM NHẬT BÌNH/ BVB 24-8-2016

Cho đến nay, câu chuyện một Chi cục trưởng Kiểm lâm dùng súng được nhà nước cấp, hạ sát cùng lúc hai viên chức cao cấp nhất của tỉnh Yên Bái vẫn còn là đề tài nóng cho dư luận bàn tán xôn xao. Chính nhân vật đang giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, bà Thanh Trà cũng phải thú nhận trong cuộc họp báo: “Đây là vụ việc rúng động chưa từng xảy ra ở đất nước chúng ta.
Sự kiện cán bộ kiểm lâm bắn chết Bí thư Tỉnh và Trưởng ban Tổ Chức tỉnh cũng đã làm trung ương đảng CSVN chấn động. Vì đây gần như là lần đầu tiên diễn ra cuộc nổ súng giữa những cán bộ cấp cao của một tỉnh. Nó không chỉ nghiêm trọng về mức độ giết người lạnh lùng mà còn nghiêm trọng ở chỗ cho thấy cuộc đấu đá quyền lực của nội bộ đảng CSVN đang tới hồi gay cấn nhất, phải giải quyết bằng vũ lực.
Với cái chết của Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng ban Tổ chức tỉnh, hai nhân vật quyền lực nhất về nhân sự trong cấp ủy, cho thấy 3 điều có thể xảy ra sau đây chung quanh nhân vật được cho là nghi can trong vụ thảm sát nội bộ.
Thứ nhất, Chi cục trưởng kiểm lâm Đỗ Cường Minh trong quá khứ đã bị cấp trên chèn ép về trách vụ, có thể bị cách chức vì không làm hài lòng cấp trên. Có nghĩa là có mâu thuẫn về quyền lợi từ lâu trong việc làm ăn chia chác giữa Minh và những tay đầu não trong tỉnh. Cũng có dư luận cho rằng một phần do công tác tổ chức cán bộ, việc sáp nhập Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp làm một khiến Minh bị bất lợi trong chức vụ dẫn tới phẫn uất và tìm cách thanh toán hai xếp lớn.
Thứ hai, do chức vụ của mình trong ngành lâm nghiệp, Minh có dính líu đến những băng nhóm phá rừng, buôn bán gỗ lậu bị tỉnh khám phá. Ai cũng biết, đa số nhân viên kiểm lâm từ trước đến nay không những chỉ có nhiệm vụ gìn giữ rừng mà bên trong còn thông đồng với “lâm tặc” để cùng nhau tàn phá rừng, ăn chia trên từng thước khối gỗ. Lâm tặc không thể hoành hành nếu không có thông đồng và bao che của lực lượng kiểm lâm và các viên chức đứng đầu tỉnh. Có thể ông Minh lem nhem tiền bạc, hay ăn chia không đồng đều với cấp trên nên khi bị đe dọa truy tố, mất chức Minh đã ra tay trước. Một tỉnh giàu về lâm sản như Yên Bái là mảnh đất màu mỡ để những người nắm quyền lực dễ dàng thực hiện hai chữ đầu của câu nói “tiền rừng, bạc biển”… Đó cũng là lý do để các phe phái tranh giành nhau quyết liệt nhất.
Thứ ba, tuy là một tỉnh miền núi nhưng bộ máy cầm quyền không khác trung ương, cũng năm bè bảy mối chia chác quyền lợi để một phần bỏ túi riêng, một phần phục vụ cấp cao hơn. Có thể ở đây, trong cấp ủy đảng Yên Bái, chi cục trưởng nằm trong một băng nhóm làm ăn khác với băng Bí Thư. Mặc dù làm ăn bất chánh nhưng hai bên cũng đã có sự tranh chấp quyền lợi công khai hoặc ngấm ngầm trong nhiều năm. Sự tranh chấp ấy đến nay không còn đường giải quyết theo cách thông thường nên cuối cùng ông Chi Cục Trưởng sợ bại lộ, phải giết Bí Thư và tự sát để cứu băng đảng của mình. Phải chăng cũng chính vì vậy mà ngay sau khi nội vụ xảy ra, đích thân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc phải về tận Yên Bái để trấn an cán bộ và kêu gọi đoàn kết.
Nhưng đây cũng chưa phải là lần đầu tiên súng đạn được dùng đến trong bối cảnh một đất nước có quá nhiều bất công và nạn cướp bóc trắng trợn của của chế độ. Hơn một lần nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng đã nổ súng vào đoàn quân cưỡng chế của chính quyền địa phương và anh Đặng Ngọc Viết bắn 5 cán bộ nhà đất tại Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố Thái Bình. Nay đến phiên chính những người cộng sản thanh toán lẫn nhau.
- Cuộc chiến nội bộ mà ông Trọng đang cảnh báo là một cuộc chiến có thật chứ không chỉ là những vụ tham ô nhũng lạm bình thường như trước đây. Ngay trong thời gian diễn ra Đại Hội 12, những cuộc đấu đá không khoan nhượng trên thượng tầng lãnh đạo giữa một bên là phe Nguyễn Phú Trọng một bên là phe Nguyễn Tấn Dũng để giành giật quyền lực đã diễn ra không che đậy và là một đề tài được bàn tán công khai. Sau khi đại hội kết thúc, với thắng lợi về phe Trọng, nay cuộc chiến ấy đang từ từ lan tới các địa phương. Chắc chắn nó sẽ tạo ra những mâu thuẫn trầm trọng trong nội bộ các cấp ủy và sẽ làm đảng tan rã từng phần.Cho dù điều nào xảy ra, cái chết của 3 cán bộ đảng tại Yên Bái đã báo hiệu hai điều:
Ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội đảng 12. Ảnh: AP
Hiện nay, cuộc chiến ấy không còn mang tính chất phân hóa nội bộ mà đã chuyển sang thế đối đầu một mất một còn giữa các phe. Mâu thuẫn lợi ích nhóm đang làm bùng nổ những cuộc thanh toán ngấm ngầm hoặc công khai, điển hình như các cuộc đấu tố khai mào đối với Trịnh Xuân Thanh và hai cha con Vũ Huy Hoàng, Vũ Quang Hải. Lợi ích càng to mâu thuẫn càng lớn và các cuộc thanh trừng càng dữ dội, quyết liệt. Đảng viên công khai hạ sát cấp ủy đảng để giải quyết mâu thuẫn cho thấy đã đến lúc cái gọi là “tình đồng chí” nay trở thành mối hận thù không đội trời chung dù được phủ dưới lớp một sơn bóng bảy.
Những phát súng từ Yên Bái vừa qua trong văn phòng đảng ủy, chính là tiếng súng báo hiệu cuộc nội chiến không còn đơn thuần là sự kèn cựa quyền lực mà đã chuyển sang thế đối đầu bạo lực khi không còn có thể tiếp tục “cộng sinh.”
Phạm Nhật Bình /TTHN


GIẢI MÃ BẤT  NGỜ VỤ YÊN BÁI HAY 'CÂY RỪNG ĐÒI NỢ MÁU'
VÕ VĂN TẠO/ BVN 24-8-2016
Tiếng súng dữ dằn vô tiền khoáng hậu bất ngờ sáng 18-8-2016 ở Tỉnh ủy Yên Bái làm cả nước kinh hoàng.
Lần đầu tiên, sếp ngành cấp tỉnh chơi hàng nóng "xử" gọn các "đồng chí" cỡ Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy, rồi tự sát. Vụ ra tay đoạt mạng nội bộ giới chức đảng còn kinh hoàng hơn phim mafia Ý, thậm chí cả vụ ám sát Tổng thống Kennedy.
Gác sang một bên chuyện tình cảm, thái độ cộng đồng mạng với vụ 3 quan chức mất mạng vì thủ tiêu dằn mặt; miễn bàn chuyện lọt đồng phạm hay không?
Xâu chuỗi những tình tiết trước đây và mới đây ở Yên Bái, có thể hiểu logic vụ việc động trời này:
1. Yên Bái là tỉnh nghèo, nhưng tài nguyên rừng rất giàu, không ít giới chức địa phương giàu nứt đố đổ vách (dãy phố nguy nga nhà quan ở Yên Bái. Bí thư Cường vừa tậu biệt thự 80 tỷ ở Hà Nội. Minh kiểm lâm chu cấp cho con du học xong Thụy Sĩ và sắp du học tiếp Anh quốc. Đưa tang Minh, xế hộp xịn nhiều như cây rừng Yên Bái) nhờ ăn của rừng mà không rưng rưng mắt. Phóng sự "Rút ruột rừng bảo tồn" gần đây của báo Lao động và VTV từng phanh phui tệ nạn này. Lâm tặc móc nối giới chức kiểm lâm và chóp bu tỉnh, đốn gỗ quý đường kính 2-3m, bỏ lại cả những khúc cây đường kính hơn 1m... Đó là nguyên nhân để cuộc tranh đua chức quyền ở Yên Bái trở nên gay gắt, quyết liệt, mang tính sống mái.
2. Minh kiểm lâm chuyên môn nhì nhằng, không phải kiểm lâm nòi, nhờ bố vợ là Bí thư tỉnh ủy trước đây, mà chuyển từ công nhân đường sắt, sang Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, rồi nhanh chóng lên sếp kiểm lâm. Thời bố vợ Minh làm Bí thư tỉnh ủy, o ép cấp dưới là bà Trà. Nay bà Trà ngoi lên Chủ tịch UBND tỉnh, thậm chí còn là Ủy viên trung ương đảng duy nhất của tỉnh, trong ê kíp cánh hẩu cùng đương kim Bí thư Cường và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Tuấn, nắm cơ hội nghìn năm có một ra ân báo oán (hút chết, chiều 18-8, họp báo vụ thanh toán, bà Trà chưa hết run). Họ muốn "dọn" Minh, nhân chủ trương sáp nhập Chi cục Kiểm lâm với Chi cục Phát triển lâm nghiệp, dành ghế béo bở cho kẻ "biết điều" khác.
3. Minh được giới chức tỉnh và láng giềng đánh giá hiền lành, nhưng cục tính. Dễ hiểu vì sao, mất ghế béo bở trong lúc được coi là "hoàn thành tốt nhiệm vụ", Minh không chấp nhận nhịn êm, chọn đường chơi sát ván.
4. Đơn giản: "đồng chí không bằng đồng tiền". Quyền đẻ ra tiền. Cả 3 đều quan chức có hạng trong guồng máy nô dịch, áp bức bóc lột, tha hóa thối nát hắc ám, dễ hiểu vì sao dân chúng không những không thương xót, lại có phần hân hoan.
V.V.T.
Xem thêm:
Phóng sự phá rừng Yên Bái:
https://youtu.be/j61nv9faa4c
Đưa tang Minh kiểm lâm
https://youtu.be/j8R48ApRxa4


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét