Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

20160816. BÀN VỀ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
Giáo sư Nguyễn Xuân Thu (thứ 2 bên phải vào) cùng bạn bè trong một sự kiện. Ảnh tác giả cung cấp
Đổi mới giáo dục Đại học ở Việt Nam là một vấn đề đã được cả nước quan tâm từ hơn hai thập kỷ nay.
Qua đọc bản “Tổng kết nghiên cứu về phương hướng cải cách Đại học ở Việt Nam” từ nhóm Đối thoại Giáo dục (do Giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì) tôi thấy nổi cộm lên tấm lòng đau đáu của những người Việt Nam ở nước ngoài luôn mong muốn thúc đẩy nền giáo dục trong nước đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.
Ngọn lửa giáo dục này đã nhen nhóm và làm cháy bỏng tâm can tôi.
Tôi là một người ở lứa tuổi quá “thất thập” và đã có gần 60 năm gắn bó với giáo dục từ cấp Trung học Phổ thông đến bậc Đại học; từ một thầy giáo trẻ đứng lớp đến một ông già ngày đêm thao thức nghĩ về quê nhà.
Dựa trên so sánh, đối chiếu với quan điểm của nhóm Đối thoại Giáo dục, tôi xin đưa ra những kiến nghị của mình về vấn đề giáo dục Đại học trong nước:
1. Nên đổi mới cả trường Đại học công lập và ngoài công lập
Theo Nhóm Đối thoại Giáo dục chủ trương bằng cách đối thoại để thay đổi có hiệu quả nền giáo dục Đại học, còn theo chúng tôi, chúng ta không chỉ nên đổi mới các trường Đại học công lập mà cả đối với các trường Đại học ngoài công lập.
Gần 30 năm nay, Việt Nam không có mấy trường Đại học, Cao đẳng công lập mới ra đời nhưng số lượng các trường Cao đẳng, Đại học ngoài công lập lại tăng lên chóng mặt.
Khuynh hướng xã hội hóa giáo dục ở các trường này vẫn còn tiếp tục gia tăng.
Do đó, muốn đổi mới ráo riết giáo dục Cao đẳng, Đại học Việt Nam chúng ta nên cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục ở cả hai khu vực: công lập và ngoài công lập.
2. Phải điều chỉnh chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bàn về cải cách mô hình quản trị Đại học, Nhóm Đối thoại Giáo dục chỉ đưa ra ý kiến và khuyến nghị cải tổ một phía, tức các trường Đại học công lập.
Theo ý kiến chúng tôi, muốn cải tổ triệt để một hệ thống giáo dục Đại học, rất cần thiết cải tổ cả cơ quan chủ quản của các trường Đại học tức Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trách nhiệm chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là quản lý các hoạt động của giáo dục Đại học mà là tập trung tối đa vào ưu tiên xây dựng các chính sách, tài trợ và theo dõi, kiểm tra sự thực thi các chương trình do Chính phủ và Bộ Giáo dục đã ban hành.
Nhiều nước phát triển (như Mỹ và Úc) không có một Bộ Giáo dục riêng ở cấp liên bang; ở cấp liên bang Mỹ, các Bộ Y tế, Giáo dục và Dịch vụ xã hội gộp lại thành một bộ.
Ở Úc, Bộ Giáo dục, Khoa học công nghệ và Quan hệ lao động đứng chung thành một bộ[ii].
Các nhiệm vụ chính của Bộ Giáo dục chủ yếu là:
(1) Xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng cho đất nước, xây dựng tầng lớp lãnh đạo xuất sắc tương lai, tạo thêm việc làm cho người dân, gắn với thế giới qua các hoạt động văn hóa và thương mại, nuôi dưỡng một nền kinh tế dựa trên tri thức và sáng tạo[iii].
(2) Thành lập cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục độc lập
Tổ chức này có mục đích xây dựng một chính sách về kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục gồm kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo (training programs) và kiểm định hoạt động của các trường đại học, cao đẳng (universities and colleges).
Theo kinh nghiệm của Anh, Úc, New Zealand, các tổ chức kiểm định chất lượng có những nhiệm vụ như sau:
(1) quy định và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng bao gồm kiểm định các chương trình đào tạo mới (accredit new programs) và tái kiểm định (re-accredit) các chương trình đào tạo sau mỗi năm năm.
(2) đăng ký và đánh giá hiệu quả của các hoạt động tại các trường đại học và cao đẳng. Tất cả các hoạt động trong các trường đều phải được kiểm định chất lượng.
Sau khi kiểm định, kết quả phải được công bố trên trang mạng của tổ chức chất lượng và các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người có thể biết chất lượng đào tạo và nghiên cứu tại các trường đại học Úc (www.teqsa.gov.au).  
Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, giáo dục Việt Nam trở thành nền giáo dục mở (Ảnh: doisongphapluat.vn).

Ví dụ như chương trình quỹ tín dụng cho sinh viên vay tiền, chương trình giúp sinh viên khuyết tật, chương trình tạo cơ hội cho mọi sinh viên phát triển con đường học vấn của mình, chương trình hợp tác quốc tế và phát triển du học sinh quốc tế…Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có nhiệm vụ xây dựng rất nhiều chính sách và chương trình quan trọng khác.
(3) Lập ngân sách giáo dục và đào tạo trình Chính phủ và Quốc hội chấp thuận.
Trong phần ngân sách dành cho giáo dục đại học có ấn định số sinh viên mỗi trường đại học được tuyển, dựa trên nhu cầu phát triển nhân lực (các trường đại học, cao đẳng không được tự do tuyển sinh theo như khuyến nghị của Nhóm Đối thoại Giáo dục) và phân bố ngân sách cho các trường đại học (tại Úc, theo luật, giáo dục là trách nhiệm của các tiểu bang[iv].
Cũng cần lưu ý rằng tại một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Úc… ngân sách tài trợ cho các chương trình đào tạo bậc đại học (Bachelor degree), kể cả văn bằng Thạc sĩ dự lớp (Master by course work) do Bộ Giáo dục Liên bang cấp.
Còn ngân sách cho các chương trình đào tạo sau đại học như Thạc sĩ nghiên cứu (Master by research) và Tiến sĩ, gọi chung là “đào tạo nghiên cứu” (research training) do các Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (Australian Research Council) thuộc Bộ khoa học và Công nghệ và/ hoặc các doanh nghiệp lớn tài trợ.
Tại Úc, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia tài trợ các chương trình đào tạo nghiên cứu cho các trường đại học và Tổ chức CSIRO (Tổ chức Khoa học ứng dụng trong Công nghiệp Liên bang)[v].
Vậy, Nhóm Đối thoại Giáo dục nên chăng gửi bản Tổng kết này đến cả Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu có những vấn đề nằm ngoại phạm vi giải quyết của Bộ Giáo dục?Do đó, bản Tổng kết nghiên cứu về phương hướng cải cách đại học ở Việt Nam của Nhóm Đối thoại Giáo dục nhằm đến việc cải tổ các trường đại học Việt Nam nhưng theo chúng tôi, phần lớn nội dung trong bản Tổng kết chú trọng đến nghiên cứu khoa học.
(4) Trách nhiệm pháp lý bắt buộc các trường/ đơn vị có ngân sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý phải giải trình ngân sách và báo cáo kết quả các hoạt động của mỗi chương trình.
Mỗi chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng ra đều có các mục tiêu, các chương trình hoạt động và lộ trình thi hành, có ngân sách và các tiêu chí đánh giá cho mỗi chương trình.
3. Thay đổi kết cấu và hoạt động của các trường Đại học
Các trường Đại học thường có Hội đồng trường là chủ nhân của trường và Ban giám hiệu chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của trường theo đường lối, chính sách do Hội đồng trường đưa ra.
3.1 Hội đồng trường (University Council) hay Hội đồng Ủy thác như khuyến nghị của Nhóm Đối thoại Giáo dục hay Hội đồng Quản trị (theo Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng trong các trường ngoài công lập).
Hội đồng trường là chủ nhân thật sự của các trường Đại học.
Hội đồng trường tại Úc được thành lập theo luật giáo dục của mỗi tiểu bang. Mỗi trường đại học có Điều lệ riêng.
Thông thường Hội đồng trường có trên/ dưới 15 thành viên, gồm 1/3 do Thủ hiến tiểu bang bổ nhiệm, 1/3 do trường đại học mời từ những người thành đạt trong xã hội và khoảng 1/3 là đại diện cho giáo viên, cho nhân viên hành chính, Ban giám hiệu.
Hội đồng trường có nhiệm kỳ 5 năm.
Chủ tịch Hội đồng trường (Chancellor) do các thành viên của Hội đồng trường bầu ra.
Hội đồng trường có nhiệm vụ:
(1) bổ nhiệm và theo dõi hoạt động của hiệu trưởng,
(2) chấp thuận sứ mệnh và chiến lược phát triển của trường,
(3) giám sát sự điều hành trường,
(4) xem xét ngân sách hàng năm và kế hoạch kinh doanh của trường,
(5) xây dựng chính sách và các nguyên tắc hoạt động của trường. Hội đồng trường có nhiều tiểu ban như tiểu ban tài chính, tiểu ban xây dựng và tài sản, tiểu ban kiểm soát, tiểu ban quản lý rủi ro…
3.2 Ban giám hiệu:
Gồm có Hiệu trưởng (President) kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng trường (Vice-Chancellor) và các Phó Hiệu trưởng (Deputy Vice-Chancellors hoặc Provosts) do Hồi đồng trường bổ nhiệm.
Mỗi trường đại học (university) có nhiều Khoa (Faculties).
Đứng đầu mỗi khoa có Khoa trưởng (Dean, đề nghị không dịch là Rector như hiện nay).
Dưới mỗi khoa có các Bộ môn (Department) đứng đầu là Trưởng Bộ môn (Head of Department).
Dưới mỗi Bộ môn có các ngành học (Course), người đứng đầu mỗi ngành học gọi là (Course Leader).
Hội đồng Khoa học cùng các khoa (Faculties) trong trường, các trung tâm, các ban, ngành trong trường chịu trách nhiệm trong việc cung cấp các chương trình hoạt động có chất lượng.Hội đồng Khoa học (Academic Board) có nhiệm vụ giúp Hội đồng trường (University Council) về các mảng nghiên cứu phát triển, xây dựng các chương trình đào tạo, cấp các loại văn bằng tốt nghiệp, và cho ý kiến về ngân sách hàng năm của trường.
Chất lượng của các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, quản lý, tư vấn, dịch vụ đã trở thành lẽ sống còn và danh tiếng của một trường đại học.
Tại những nước phát triển, các hội đồng trường đại học là chủ nhân các trường đại học và có nhiệm vụ bổ nhiệm Ban giám hiệu trường để quản lý các hoạt động của trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra việc thực thi các chính sách về giáo dục và đào tạo do Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra.
Quản lý các trường đại học là trách nhiệm của các Hội đồng trường, không phải của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên bang.
Hội đồng trường đại học đóng tại tiểu bang nào báo cáo các hoạt động cho Bộ Giáo dục của Tiểu bang ấy (trách nhiệm luật định).
Luật Giáo dục ra đời năm 2005 và Luật Giáo dục Đại học 2012 của Việt Nam (hiệu lực từ 01/01/2013) chỉ nêu lên vai trò giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý giáo dục trong các tỉnh, thành phố (nhưng hình như không quản lý các trường đại học).Tại các nước phát triển, theo luật, sứ mệnh phát triển giáo dục và đào tạo là của mỗi tiểu bang. Bộ giáo dục liên bang có nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục tại mỗi tiểu bang.
Nhóm Đối thoại Giáo dục kiến nghị nên “phân quyền làm “chủ” đại học cho địa phương” là một kiến nghị mang tính rất tích cực, nhưng không biết Việt Nam hiện nay có nhất trí với các đổi mới này không?
Theo nghị định Chính phủ số 30/2012/ND-CP ngày 12/04/2012 về việc tổ chức và hoạt động quỹ từ thiện/ xã hội, hiến tặng cho các cơ sở giáo dục được tính vào chi phí của doanh nghiệp.
Do đó, nếu các tỉnh quản lý các trường đại học nằm tại các địa phương thì các doanh nghiệp địa phương cũng sẽ dễ dàng trong việc tài trợ hơn.
4. Tài chính Đại học: Cần một “triết lý tài chính giáo dục”
Theo nhóm Đối thoại Giáo dục, có ba thách thức tài chính lớn tại các trường Đại học hiện nay:
(1) Các trường Đại học thiếu kinh phí một cách trầm trọng,
(2) Bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục Đại học giữa người giàu và người nghèo xuất phát từ mức học phí quá thấp,
(3) Cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình tài chính tại các trường còn nhiều bất cập.
Theo chúng tôi thấy, về tài chính, hiện nay bất cứ trường Đại học nào trên thế giới ngay cả các trường Đại học giàu nhất ở Mỹ cũng đều thiếu kinh phí.
Như vậy không phải chỉ riêng ở Việt Nam mới thiếu kinh phí, mặc dù Việt Nam đã dành một phần GDP không nhỏ cho giáo dục và đào tạo.
Về tính bất bình đẳng đã được nhóm Đối thoại Giáo dục nêu lên, chúng tôi thấy rất rõ trong việc phân tầng các loại trường Đại học Việt Nam (Đại học cấp quốc gia, Đại học cấp vùng và các trường Đại học khác).
Các trường Đại học tư thục không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền; các nước phát triển không phân tầng trường Đại học như ở Việt Nam mà họ chỉ phân biệt các trường Đại học theo “loại hình” (classification of university categories).
Ví dụ ở Úc có nhóm gồm các trường Đại học chú trọng nhiều đến lý thuyết, nghiên cứu, có nhóm gồm các trường Đại học trong hệ thống công nghệ, các trường Đại học có bộ phận Cao đẳng, các trường dạy những ngành như y, dược, quản lý, hải dương học…
Trường Đại học ANU (Australian National University) vì nằm ở thủ đô nên đặt như vậy chứ không phải là một trường thuộc đẳng cấp quốc gia.
Việc phân tầng Đại học tại Việt Nam tạo nên sự ỷ lại, không công bằng và thiếu cạnh tranh.
Khi Chính phủ không đủ tài nguyên để hỗ trợ tài chính cho sinh viên đi học, muốn có một nền giáo dục chất lượng cao thì cả Chính phủ và cá nhân sinh viên đều phải chia nhau trả.
Theo chúng tôi, để có sự công bằng trong việc phân bố tài chính cho sinh viên và các trường Đại học trước hết Việt Nam cần xây dựng một triết lý tài chính Đại học (philosophy of financing higher education) hợp lý.
Nguyên tắc là cá nhân và chính phủ (thuế của dân) cùng đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Nếu một ngành học mà sinh viên lúc ra trường được nhận nhiều giá trị vật chất và tinh thần (như bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư) thì người đó phải trả học phí cao hơn xã hội đóng góp (qua thuế do dân đóng góp).
Nếu sinh viên ra trường làm việc mang tính chất cống hiến cho xã hội nhiều hơn (như trong các viện bảo tàng, viện khảo cổ) thì thuế của xã hội phải đóng cao hơn cho học sinh còn lại đóng mức giống nhau.
Trong trường hợp một sinh viên mà không có đủ khả năng chi trả học phí và/hoặc sinh hoạt phí thì chính phủ phải có một chính sách riêng cho sinh viên vay mượn và trả lại từ từ sau khi tốt nghiệp, có việc làm ổn định.
Tại Úc, có chương trình HECS (Higher Education Contribution Scheme), theo đó sinh viên cùng chính phủ mỗi bên cùng đóng góp một phần vào giáo dục Đại học.
Nếu sinh viên nào có tiền thì trả trước (được giảm giá), còn không thì trả sau khi tốt nghiệp.
Nhờ chính sách ấy mà không có một sinh viên nào tại Úc muốn vào Đại học mà không có cơ hội.
Chúng tôi nghĩ, Chính phủ Việt Nam cũng nên kiện toàn chính sách tín dụng cho sinh viên (Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về việc tín dụng đối với học sinh, sinh viên) nếu muốn đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế xã hội.
5. Chất lượng giáo dục và đào tạo
Bản Tổng kết nghiên cứu của nhóm Đối thoại Giáo dục đã dành nhiều trang phân tích hiện trạng và đưa ra các kiến nghị về cách hoạt động cho các trường Đại học khá chính xác, tuy nhiên còn rời rạc và thiếu tính hệ thống.
Muốn có một trường Đại học có chất lượng, trường ấy phải mạnh từ quản lý đến lãnh đạo.
Quản lý từ nhân sự, tài chính, kế toán, đến thư viện, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất.
Lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, phải có kế hoạch và chương trình để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Các chương trình đào tạo tiên tiến và tài năng hiện nay theo chúng tôi không xuất phát từ nhu cầu phát triển của đất nước mà tùy thuộc vào các trường đại học đối tác.Một trường Đại học nổi tiếng nhờ một mặt ở quản lý, lãnh đạo nhưng cốt lõi của là ở chất lượng của các khóa học và các chương trình đào tạo - nghiên cứu khoa học (research training programs).
Muốn có và duy trì cả hai phần chất lượng ấy các trường phải có một bộ phận kiểm định chất lượng nội bộ của trường.
Kiểm định chất lượng không phải chỉ xảy ra khi có kiểm tra, thanh tra. Công tác kiểm định chất lượng là một việc làm thường xuyên, nó gắn kết với nhà giáo như là một phần của cuộc sống.
Một người khỏe mạnh từ thể chất đến tinh thần không phải chỉ thỉnh thoảng mới bồi bổ sức khỏe mà phải bồi bổ liên tục, thường xuyên.
Chất lượng của một chương trình đào tạo đã được hình thành từ khi mới thiết kế, xây dựng.
Một chương trình có chất lượng không dạy tràn lan, khống chế trong một số môn học ngang bằng với các chương trình chuẩn quốc tế.
Ví dụ, tốt nghiệp một văn bằng Đại học ngành kế toán có 24 môn học trong ba năm.
Số giờ sinh viên bắt buộc phải tham dự trong lớp, phương pháp dạy và học, nội dung trình bày trong mỗi tiết học và người thầy phải trình bày tập trung tối đa.
Giáo trình bắt buộc phải được cấu trúc rất chặt chẽ, tránh không để cho giáo viên trình bày lang bang, lạc đề.
Cách thức tiến hành kiểm tra đánh giá, nội dung từng môn học, lịch học mỗi tuần, tỷ lệ phần thực tập, sách bắt buộc phải đọc, các nguồn sách tham khảo cũng là những điều cần được chú ý.
Tóm lại, chất lượng hay chuẩn đầu ra của mỗi môn học đã được thể hiện từ khi bắt đầu thiết kế, xây dựng chương trình (chứ không nằm riêng lẻ như khuyến nghị của Nhóm Đối thoại Giáo dục tại trang 14).
6. Nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở Đại học
Đọc qua bản tổng kết nghiên cứu của Nhóm Đối thoại Giáo dục, một trong những mối quan tâm của nhóm nổi cộm nhất là nghiên cứu khoa học.
Nhóm Đối thoại Giáo dục đưa ra hai nhận định cốt lõi:
(1) “Khả năng nghiên cứu khoa học yếu kém”,
(2) “Tài trợ nghiên cứu khoa học của Nhà nước còn dàn trải.”
Để khắc phục những bất cập này Nhóm đã đưa ra nhiều khuyến nghị nhưng chúng tôi đặc biệt chú ý tới hai khuyến nghị:
(1) “Thiết lập một số vị trí với điều kiện làm việc và đãi ngộ đặc biệt để tạo ra những đầu tàu trong nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng”
(2) “Thiết lập cơ chế tài chính để hỗ trợ chi phí cho các nhà khoa học nước ngoài sang Việt Nam làm việc”.
Theo chúng tôi nghĩ, “điều kiện làm việc và đãi ngộ đặc biệt” không những không tạo ra được những đầu tàu trong nghiên cứu mà qua kinh nghiệm ở Việt Nam nhiều lúc còn gây tác hại cho các hoạt động nghiên cứu, học thuật (đề nghị bỏ cụm từ “khoa học” trong “nghiên cứu khoa học”, chỉ cần sử dụng từ “nghiên cứu” là đủ).
Làm việc theo đội, nhóm (teamwork) nhắm đến các mục tiêu nghiên cứu đã được xác định sẽ xây dựng nên những nhà khoa học xuất sắc trong nhóm.
Với suy nghĩ ấy, chúng tôi xin chân thành đưa ra đề xuất với Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục không nên kêu gọi Chính phủ Việt Nam thiết lập cơ chế để hỗ trợ chi phí cho các nhà khoa học nước ngoài sang Việt Nam làm việc” (vì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong nghiên cứu, giáo dục) mà nên lập một quỹ quốc tế riêng ở ngoài Việt Nam nhằm hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam.
Quỹ quốc tế hỗ trợ nghiên cứu Việt Nam (International Fund for Vietnam Research) nếu được thành lập, phải đặt trụ sở ở nước ngoài, có thể đặt tại Chicago nơi Giáo sư Ngô Bảo Châu đang làm việc.
Quỹ quốc tế này có ba chức năng quan trọng liên quan đến phát triển nghiên cứu tại nước nhà:
(1) Lập chương trình gây quỹ hàng năm để giúp xây dựng và phát triển các chương trình nghiên cứu tại Việt Nam,
(2) Tìm những nhà nghiên cứu lớn ở nước ngoài, đặc biệt là những vị sắp hay mới nghỉ hưu (Việt kiều và các nhà khoa học quốc tế) có những công trình nghiên cứu trong những lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam đang cần và mời họ tham gia với chức vụ là những Giáo sư Hợp tác (Adjunct Professor),
(3) Điều phối các hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ tài chính tượng trưng cho các Giáo sư hợp tác.
Quỹ quốc tế hỗ trợ nghiên cứu Việt Nam còn có nhiều tác dụng khác như có thêm sự tham gia chặt chẽ giữa ba loại đối tác chiến lược: các nhà khoa học trong và ngoài nước, các cơ sở nghiên cứu và các trường Đại học trong nước và quốc tế, và các doanh nghiệp đa quốc gia và các cơ sở sản xuất trong nước.
Như vậy chúng ta sẽ có giáo dục, nghiên cứu và doanh nghiệp ba trong một.
Đó là nội dung đã được phác thảo tại Nghị Quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 v/v về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động với các cơ sở giáo dục Đại học công lập giai đoạn 2014-2017 mà nhóm Đối thoại Giáo dục đã nêu lên trong bản tổng kết của mình.
7. Những điều bản Tổng kết nghiên cứu chưa nói đến
Qua trao đổi với một số giáo viên Đại học và các nhà quán lý giáo dục trong nước, chúng tôi nhận thấy có rất ít người quan tâm đúng mức đến chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo mặc dù từ năm 2009 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra văn bản yêu cầu việc này.
Tại các nước phát triển, muốn xây dựng một chương trình đào tạo mới trong một khoa của trường, phải ra quyết định thành lập một ban thiết kế chương trình mới.
Nếu thấy rằng đó là một chương trình thật sự cần thiết thì họ đi đến làm một công cuộc nghiên cứu kế tiếp là soạn thảo một chương trình với những môn học cần thiết cho văn bằng ấy.Ban này phải làm một cuộc nghiên cứu xem chương trình đó có cần thiết không.
Khi soạn xong, phải so sánh xem các môn học ấy có tương tác với các chương trình tương tự ở các trường Đại học khác trong nước (số môn học, giờ tham dự lớp, nội dung, lịch học, phương pháp, kiểm tra đáng giá, sách giáo khoa, sách tham khảo, năng lực và kinh nghiệm của giáo viên…) hoặc các trường tại những nước phát triển khác.
Sau khi soạn xong, để được chấp nhận, chương trình ấy phải được ban tư vấn gồm những người chuyên môn và đại diện doanh nghiệp thông qua.
Theo đó, mọi người khi đọc tài liệu có thể thấy chuẩn đầu ra hoặc những kỹ năng nhận được sau khi tốt nghiệp từ chương trình ấy.
Ở Việt Nam, các trường Đại học không có truyền thống xây dựng một chương trình mới như ở các nước phát triển, do đó nhiều người còn xa lạ với chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo cũng là chuyện thường.
Ở Việt Nam thông thường các giáo viên lấy các chương trình ấy từ trên Internet hay từ một tài liệu nào đó.
Chúng tôi rất tiếc là chưa thấy nhóm Đối thoại Giáo dục đưa ra kiến nghị các trường Đại học của Việt Nam cần xây dựng các chương trình đào tạo hay nghiên cứu mới dựa theo các phương pháp khoa học mà các trường Đại học trên thế giới hiện đang áp dụng.
Ngoài chuẩn đầu ra của mỗi chương trình, nhiều giáo viên tại Việt Nam hiện nay cũng chưa nắm rõ tầm quan trọng của Khung Trình độ Quốc gia (National Qualifications Framework) trong khi Việt Nam đã tham gia kí kết Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (ngày 4/2/2016).
Một khi tham gia Hiệp định này Việt Nam bắt buộc phải có Khung trình độ tương đương với khung trình độ nghề nghiệp của các nước trong khu vực Thái Bình Dương.
Nếu các trường Đại học Việt Nam không đào tạo được lực lượng lao động có tay nghề bằng chuẩn ASEAN, có kỹ năng cao thì lao động từ các nước khác sẽ giành các vị trí thu nhập cao trong nước.
Ngoài ra, nếu không chú trọng, hiện tượng chảy máu chất xám cũng sẽ tạo ra một sự thiệt thòi ngày càng lớn cho Việt Nam.
Những điều này chúng tôi chưa tìm thấy ở bản tổng kết của Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Có lẽ, chúng tôi đã đòi hỏi quá nhiều ở nhóm Đối thoại Giáo dục chăng?
Giáo sư Nguyễn Xuân Thu, sinh năm 1935, tại Vĩnh Linh, Quảng Trị;
Tốt nghiệp Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm, tại miền Nam Việt Nam;
Thạc sĩ về Hệ thống Công nghệ Giáo Dục (Mỹ) và Tiến sĩ Giáo dục (Mỹ)
Từ 1982 đến 2005: Từ Giảng sư, rồi Giáo sư tại Đại học RMIT ở Melbourne.
Công trình nổi bật: Sáng lập viên Đại học RMIT Việt Nam.
Từ sau năm 2005, ông về nghỉ hưu, tham gia các công tác từ thiện, xã hội...
Bài viết là quan điểm, góc nhìn, cách hành văn và kiến nghị của riêng tác giả.
Tài liệu tham khảo và chú thích:
(i) Gồm ba lĩnh vực: các chính sách (policies), ngân sách (funding) và các chương trình hoạt động (programmes).
[ii] Mỹ có Bộ Giáo dục, Y tế và Dịch vụ xã hội (Edfucation, Health and Human Services). Sứ mạng giúp sinh viên đạt được mục tiêu học vấn của mình và chuẩn bị cho một sự cạnh tranh mang tính toàn cầu bằng cách xây dựng một nền giáo dục xuất sắc và bảo đảm cơ hội học tập đồng đều cho mọi người.
[iii] Mỗi bộ Giáo dục liên bang của Mỹ hay Úc có nhiều chương trình hoạt động khác nhau. Chương trình Kiểm định Chất lượng và Tiêu chuẩn Giáo dục Đại học (Tertiary Education Quality and Standards www.teqsa.gov.au) là một chương trình quan trọng tại Úc.
[iv] Chương trình Hỗ trợ Tài chính cho Sinh viên gọi là HELP (Financial Education Loan Program) của Chính phủ Liên bang Úc gồm 4 loại chính là:
(1) HECS-HELP: cho sinh viên Úc vay để trả phần đóng góp học phí với chính phủ (Higher Education Contribution Scheme),
(2) FEE-HELP: cho sinh viên Úc vay để trả học phí học tại các trường đại học tư thục,
(3) OS-HELP: cho sinh viên vay để học tại các trường đại học ở nước ngoài,
(4) VET-HELP: cho sinh viên Úc vay để trả học phí học trong các trường cao đẳng tại Úc.
[v] CSIRO (Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation) là một tổ chức nghiên cứu có gần 1000 cơ sở nghiên cứu trên toàn lãnh thổ Úc, New Zealand và trên thế giới, kể cả tại Trung tâm NASA của Hoa Kỳ.
Tám lĩnh vực nghiên cứu chính của Tổ chức là Thiên văn, môi trường, y tế, khai thác hầm mỏ và chế tạo, loài vật và thảo mộc, nông nghiệp và sản xuất thực phẩm, công nghệ thông tin và năng lượng tái tạo.
Nguyễn Xuân Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét