Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

20160831. NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI CỦA ĐẢO CHÍNH Ở LIÊN XÔ NĂM 1991.

ĐIỂM BÁO MẠNG
VÌ SAO ĐẢO CHÍNH NĂM 1991 Ở LIÊN XÔ THẤT BẠI ?
HOÀI LINH/ VNN 31-8-2016
chính biến, đảo chính, Liên Xô, Gorbachev
Patrick Amstrong, chuyên gia về Liên Xô và Nga, từng là cố vấn chính trị ở đại sứ quán Canada tại Moscow hé lộ nguyên nhân khiến đảo chính năm 1991 ở Liên Xô bất thành.
Trò chuyện với Sputnik, nhà ngoại giao Canada đã về hưu này cho hay, kế hoạch đảo chính của một số thành phần trong lực lượng vũ trang Liên Xô vào tháng 8/1991 không thành công do họ - cũng giống đa phần dân chúng -  bị chia rẽ về những chính sách cải tổ gây tranh cãi của Tổng thống Mikhail Gorbachev. 
"Sự thật cay đắng ở đây là kế hoạch đảo chính được đề ra với ý định bảo vệ Liên Xô song thực tế nó lại tiêu diệt Liên Xô. Đó là vì nó triệt tiêu sự tái thiết liên bang thông qua Hiệp ước liên bang mới, vốn được đa phần dân chúng ủng hộ", ông Amstrong nói.Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, thay vì cứu Liên Xô như ý định của những người lãnh đạo đất nước, cuộc đảo chính lại triệt tiêu hệ thống có thể được cải tổ tốt hơn.
Hiệp ước mới bắt đầu có hiệu lực chỉ một hoặc hai ngày trước khi đảo chính bất thành, nhà ngoại giao Canada về hưu nói thêm.
Sau khi nhận được những báo cáo đầu tiên về đảo chính, ông Amstrong - khi đó đang ở Ottawa, nhưng vẫn được công nhận là chuyên gia về Liên Xô tại phái bộ Canada ở Moscow, cho hay, ông hiểu ngay rằng người dân ở Moscow không chấp nhận hay ủng hộ kế hoạch đảo chính.
"Các binh sĩ lái xe tăng tranh luận với dân thường là dấu hiệu cho thấy một cuộc đảo chính không thành công. Lúc đó, tôi biết, đảo chính thất bại. Nói một cách ngắn gọn, đảo chính phải diễn ra nhanh và toàn diện...hoặc sẽ thất bại". 
Armstrong nhắc lại hai yếu tố sống còn để đảo chính thành công đã không xuất hiện trong các bản tin từ Moscow.
"Không ai trong đảng Cộng sản Liên Xô có mặt trong Ủy ban đặc biệt lãnh đạo cuộc đảo chính và cũng không có chỗ nào có máy bay bay thấp. Nói một cách ngắn gọn, chả có ai trong ban đảo chính".
Chuyên gia này cũng nhắc lại chuyện, cùng ngày hôm đó, ông nói với một phóng viên của The Globe & Mail rằng cuộc đảo chính đã không thành công và sẽ sớm bị thất bại.
"Tới thứ Tư, ngày thứ ba của cuộc đảo chính, rõ ràng là đảo chính đã bất thành và mọi thứ đã kết thúc".
  • Hoài Linh

20160830. BÀN VỀ 'CƠ CHẾ'

ĐIỂM BÁO MẠNG
"THẰNG CƠ CHẾ"
BÙI VĂN BỒNG / BVB 30-8-2016
Cơ chế là “thằng” nào mà có tác dụng ghê gớm như vậy? Tội trạng, mức độ vi phạm pháp luật, vi phạm đường lối, chính sách của đảng, vi phạm kỷ cương, kỷ luật dù cho cỡ nào, bí quá, đổ tại 'thằng cơ chế', coi như xong, êm xuội! Không có một Tòa án nào có thể lôi “thằng” cơ chế ra hầu tòa. Cơ chế do con người đẻ ra, là hiện hữu, nhưng cũng rất trừu tượng, chung chung, nói cách gì cũng được, bẻ cong quẹo thế nào cũng ra. Không ít hiện trạng, vụ việc con người đẻ ra cơ chế, lại dùng ngay cơ chế để vụ lợi, chạy tội, bỏ qua pháp luật, …
Cơ chế là gì? Ta vẫn thường nghe các cụm từ "đi xin cho X một cơ chế?", "cơ chế xin cho", “cơ chế giải quyết chính sách”, “cơ chế cho nhân sự”, "cơ chế vận hành bộ máy', …
Từ "cơ chế" là chuyển ngữ của từ mécanisme của phương Tây. Từ điển Le Petit Larousse (1999) giảng nghĩa "mécanisme" là "cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố phụ thuộc vào nhau". Còn Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học 1996) giảng nghĩa cơ chế là "cách thức theo đó một quá trình thực hiện". Cách giải thích của Từ điển Tiếng Việt như vậy rất chung chung, lấy khái niệm giải thích cho khái niệm, chưa thể gọi là chuẩn xác.
Không rõ từ “cơ chế” bắt đầu được dùng ở nước ta tự bao giờ, nhưng có thể khẳng định rằng nó được dùng trước tiên và từ lâu trong ngành y. Các thầy thuốc thường nói đến cơ chế gây bệnh và cơ chế tác dụng của thuốc.  Và khi người ta đã nhận biết được những cơ chế ấy, có nghĩa là đã giải thích được bệnh và phương pháp chữa bệnh có cơ sở khoa học. Nếu chưa nhận biết được thì việc chẩn đoán và điều trị vẫn chỉ là theo triệu chứng, theo kinh nghiệm mà thôi. Điều đáng lưu ý là cả cách dùng trong ngành y, cả định nghĩa trong từ điển, đều cho thấy “cơ chế” được dùng với hàm ý chỉ hiện tượng ở trạng thái động chứ không phải ở trạng thái tĩnh. Cho nên hiểu cơ chế chỉ là các qui định quản lý là hiểu theo trạng thái tĩnh, chưa thấu triệt hết tính chất động của hiện tượng.
Từ "cơ chế" được dùng rộng rãi trong lĩnh vực chính trị-kinh tế, quản lý xã hội từ khoảng cuối những năm 1970, khi chúng ta bắt đầu chú ý nghiên cứu về quản lý và cải tiến quản lý kinh tế, với nghĩa như là những qui định về quản lý. Cách hiểu đơn giản này dẫn tới cách hiểu tách rời cơ chế với con người như nêu trên.
Việc tiến hành công việc theo "Cơ chế xin-cho" có thể được hiểu trong xã hội hiện nay theo 1 cách như sau: Trong mọi ban ngành đều có các chỉ tiêu, nguồn vốn do Nhà nước giao hàng năm theo kế hoạch và cơ quan chủ quản có quyền quyết định đơn vị nào sẽ được thực hiện. Nhưng để giành được các chỉ tiêu, nguồn vốn đó thì đơn vị thực hiện cần phải đề đạt mong muốn của mình và có một số hoạt động sao cho đáp ứng được yêu cầu của Cơ quan Chủ quản. Trong quá trình thực hiện, cả hai bên đều phải nỗ lực vì các chỉ tiêu, nguồn vốn đều có thời hạn xác định và nếu không kịp thì sẽ không thực hiện được và nhất là nguồn vốn Nhà nước sẽ không kịp giải ngân được.
Có lẽ cái "cơ chế xin-cho" phải được hiểu theo một cách khác, vì nếu nó có giá trị tích cực như vậy, sao nhiều cơ quan, đơn vị yêu cầu phải xóa bỏ "cơ chế xin-cho"? 
Cơ chế xin-cho được mang nghĩa tích cực hay tiêu cực, tùy thuộc vào trong quá trình con người thực hiện, những "hoạt động" và "yêu cầu" đặt ra như đã nói ở trên là tích cực hay tiêu cực.
Riêng trong lĩnh vực quản lý, có các loại cơ chế sau đây, xin liệt kê để khi ai đó viết bài cơ chế đỡ mất công tìm: cơ chế hiện đại; cơ chế lạc hậu; cơ chế cũ; cơ chế mới; cơ chế một cửa; cơ chế đúng; cơ chế sai; cơ chế vay trả; cơ chế xin cho; cơ chế thoáng; cơ chế mở; cơ chế cải cách, cơ chế phù hợp, cơ chế không phù hợp...
Bàn về cơ chế quản lý như là một hiện tượng đang chuyển động, không thể không nói tới những con người hoạt động trong đó như là những chi tiết không thể thiếu của bộ máy quản lý. Con người nằm trong cơ chế, tham gia vào sự vận hành của cơ chế, bị cơ chế điều khiển, chứ không nằm ngoài cơ chế và điều khiển cơ chế. Quan hệ giữa cơ chế với con người là quan hệ giữa cục bộ với toàn bộ. Cho nên nó không chỉ bao gồm những qui định về cách thức vận hành, mà còn bao gồm cả con người hoạt động theo những cách thức đã được định sẵn trong thiết kế cơ chế. Và chính những hành động của tất cả chi tiết con người như thế tạo nên cơ chế như là một bộ máy quản lý đang vận hành.
Cần nhấn mạnh rằng cơ chế phải và chỉ có thể vận hành theo những cách thức định sẵn, trong đó mỗi chi tiết phải đóng được vai trò của mình. Chỉ cần một chi tiết hư mòn hay kém chất lượng, sự vận hành của cơ chế sẽ lập tức trục trặc. Cho nên cơ chế tự nó có khả năng phát hiện và đòi hỏi loại trừ những chi tiết, ở đây là những con người không phù hợp với nó.
Theo tác giả Lê Văn Tứ (Tuổi trẻ): Cơ chế phân bổ quota hàng dệt may đã không đạt được tới mức như thế nên mới có vụ Mai Thanh Hải. Cho nên không thể qui vụ này chỉ là do có người xấu, mà phải thấy ngược lại, chính là do cơ chế có khiếm khuyết. Nếu cơ chế tốt thì dù có Mai Thanh Hải là chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu, y cũng không dám làm và không thể làm. Và nếu y cả gan làm thì cũng sẽ bị cơ chế phát hiện và thải loại, vụ việc không thể xảy ra. Còn nếu cứ theo cơ chế hiện hành thì dù không có Mai Thanh Hải đang bị tạm giam hiện nay, cũng sẽ có một hay những Mai Thanh Hải khác. Người ta bàn nhiều về tính không minh bạch, không công khai của cơ chế phân bổ quota hiện nay. Vì vậy kết quả phân bổ không phụ thuộc vào cơ chế, mà phụ thuộc vào người làm việc phân bổ. Phải chăng chính vì thế mà tiêu cực đã xảy ra, và còn có thể tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi khác.
Có người lý luận rằng trong quan hệ giữa cơ chế với con người, con người là yếu tố quyết định vì cơ chế do con người tạo ra. Ở đây có sự lẫn lộn giữa người tạo ra cơ chế và đứng ngoài cơ chế với người thực hiện nằm trong cơ chế như là một bộ phận của cơ chế. Cơ chế đúng là do con người tạo ra, nhưng người đó không phải là ông vụ phó Lê Văn Thắng hay ông chuyên viên Mai Thanh Hải, mà là những người thiết kế ra cơ chế và giám sát nó vận hành. Xét cho cùng trách nhiệm phải qui về đó.
Đến đây có thể gút lại câu chuyện như sau: Cơ chế phân bổ quota khiếm khuyết đã khuyến khích và tạo điều kiện khách quan cho Mai Thanh Hải và đồng bọn tiêu cực. Đó là lỗi về cơ chế. Tất nhiên nếu Mai Thanh Hải là người liêm chính thì tiêu cực có thể không xảy ra, song đó là trường hợp may mắn, mà quản lý thì không thể dựa vào may rủi được. Đến lượt mình, cơ chế không tốt là do người thiết kế cơ chế yếu kém hoặc cũng không tốt nốt. Đó mới là lỗi về con người. Câu chuyện đã đi tới cội nguồn của nó…
Một ví dụ khác: Trên thực tế, cam kết trong WTO về doanh nghiệp nhà nước ghi rõ: Chính phủ Việt Nam không tác động trực tiếp hay gián tiếp tới các quyết định thương mại của doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước kiểm soát, hay doanh nghiệp được hưởng độc quyền. 
Cho đến gần đây, quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước được thực hiện bởi các bộ, các ủy ban tỉnh, và hội đồng quản trị các tổng công ty. Cơ chế này, đã dẫn đến tình trạng các quyết định đầu tư vốn ở doanh nghiệp do nhiều cấp thực hiện (bộ, ngành, địa phương, tổng công ty) theo kiểu phong trào.Việc giao vốn, cấp vốn trực tiếp từ ngân sách hoặc cho vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước mang tính hành chính, bao cấp nên hiệu quả đầu tư chưa cao.Việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp còn rất “lỏng lẻo” vì trách nhiệm của cơ quan quản lý và doanh nghiệp được nhà nước đầu tư vốn không rõ ràng.
“Cơ chế chủ quản” đối với các doanh nghiệp như hiện nay là không phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và Luật doanh nghiệp đòi hỏi. Do đó phải có biện pháp kiên quyết xoá bỏ sự can thiệp trực tiếp của cơ chế này nhằm nâng cao hiệu quả tạo môi trường, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và quốc tế.
Có một điều gây bức xúc từ lâu: Người ta cho rằng đã thành cơ chế thì không thể thay đổi. Do hiểu vậy, người ta coi cơ chế  như   một   “hằng đẳng thức”, không mấy ai dám sáng tạo trong thực thi và vận dụng, không mấy ai dám bỏ hoặc thay nó bằng một cách thức khác, hoặc bỏ đi, hoặc chuyển đổi cho phù hợp thực tế. Cho nên, “thằng” cơ chế cứ nghiễm nhiên tồn tại, thành bức bình phong cho những ai chỉ nhăm nhe tìm cớ áp dụng nó, nhằm vơ lợi cho cá nhân, phe nhóm, thậm chí cho cả ‘hệ thống lợi ích’ của các tầng, hệ quan chức!
BVB

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

20160828. THƯ GIÃN VỚI CHUYỆN KHEN-CHÊ

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHEN QUÁ HÓA... CHỬI !
THÁI HỮU TÌNH/ BVN 28-7-2016
Kết quả hình ảnh cho nâng bi
Tôi có hai ông bạn rất vui tính, hay pha trò, chỉ phải cái tật “đảng tính đầy mình” bất di bất dịch, chẳng biết thật hay giả nhưng cứ mở miệng là phải nói đúng lập trường, đặc biệt đối với ông TBT tối cao của đảng thì chỉ một mực tôn vinh và kính phục. Hai ông rất tương đắc, thế mà có hôm tranh luận xung đột, tôi tưởng suýt nữa họ “choảng” nhau…
Ông Khoái đặt tờ báo xuống bàn, vỗ đùi đánh đét rồi ngả người trên ghế xích-đu, lắc lư cái đầu:
- Hay, hay! Hay tuyệt cú mèo! Dân chủ đến thế là cùng! Có thế chứ! Tài, tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư ông cụ Tổng!
Ông Thà cũng đang chăm chú đọc một tài liệu (chắc là một bản tin nội bộ sau Đại hội chứ gì), nghe thấy ông bạn “chửi” đích danh TBT liền đứng phắt dậy, chỉ mặt và sừng sộ:
- Ông điên à, sao hôm nay bỗng dưng ăn nói phản động thế, nhiễm tư tưởng của đám biểu tình rồi hả?
- Phản động cái con khỉ, tôi sướng quá thì có. Không phải câu chửi mà là câu thán phục. Đây ông xem, cụ Tổng nói quá đúng, “Dân chủ đến thế là cùng” tức là dân chủ cực điểm rồi, không thể dân chủ cao hơn được nữa, cao hơn nữa thì chết. Đột nhiên tôi nhớ nhân vật Hoàng của Nam Cao phải vỗ đùi bái phục Tào Tháo “Tài đến thế là cùng, tiên sư anh Tào Tháo”, một câu khen để đời. Ông không biết à: khi sự kính phục, sự khoái trá đã đến mức vô cùng tận thì mọi ngôn ngữ thông thường đều bất lực hết, chỉ có phát cuồng lên bật thành câu chửi mới bộc lộ hết cái xúc cảm của sự kính phục. Thế mới là văn học ông ạ, đấy cũng là cái nguyên lý “cùng tắc biến” trong ngôn ngữ. Khen quá hóa… chửi, mà Chửi chính là Khen, có câu khen nào tuyệt vời hơn câu chửi dưới ngòi bút Nam Cao?
Ông Thà được bạn giảng giải một chút về “lý thuyết văn học” như vậy chắc đã hiểu ra, nên vừa tủm tỉm cười vừa tấm tắc phụ họa:
- Ừ tài thật, vừa mới hôm nào lấy phiếu tín nhiệm ở Trung ương, ông ấy xếp thứ 8 mà nay đánh bật được hai lão thứ nhất thứ nhì thì có giỏi không? Ổng tuyên bố chống kẻ hám quyền và phải loại trừ người quá tuổi, nói thế ai cũng tưởng ông tự loại mình ra thế mà kết cục ngược lại thì có tài không? “Nghệ thuật lãnh đạo” như thế phải công nhận là siêu.
Ông Khoái bổ sung:
- Mà phải công nhận, ông ấy nói câu nào là trúng câu ấy, chỉ bọn ngu không hiểu nên phản đối thôi. Ví dụ trong khi ai cũng bảo mất biển mất nước đến nơi thì ông khẳng định “Tình hình biển đông không có gì mới”? Thoạt nghe tưởng vô lý, nhưng đúng quá đi chứ, có mất nước, bị Bắc thuộc lần nữa thì cũng có gì mới nào, Bắc thuộc lặp đi lặp lại ba bốn lần, dài cả nghìn năm rồi chứ mới nỗi gì? Chí lý, thậm chí lý! Nói câu ấy là đã nhìn rõ cái sự Bắc thuộc nó chắc như đinh đóng cột rồi, quả là viễn kiến, là tiên tri như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vậy.
Ông Thà có vẻ rất ưng ý sự đánh giá ấy nên gật đầu lia lịa:
- Ừ, ừ, khen TBT nhà mình thì cứ khen cả ngày!
T.H.T.
Tác giả gửi BVN
 ĐÔI LỜI CÙNG BÁC THÁI BÁ TÂN
VÕ VĂN TẠO/ BVN 28-8-2016

Đôi lời cùng bác Thái Bá Tân

Bác Thái Bá Tân lâu nay được nhiều người chơi fb, trong đó có tôi, mến mộ qua những vần thơ 5 chữ giản dị, hóm hỉnh phê phán thế sự. Mấy hôm nay, bỗng rộ lên tranh cãi về một stt bác mới viết. Không ít người chụp mũ, thóa mạ nặng nề đại loại bác "nâng bi Trọng lú", "nịnh thối đảng", "sớm đánh, tối đầu", "ăn cây nào, rào cây ấy", "được CS ưu ái cho du học, chịu ơn CS"...
Thiết nghĩ, những nhận xét đó thật không công bằng với bác, nếu không nói là có phần cực đoan, hồ đồ.
Thế nhưng, đọc stt của bác, tôi cũng xin có đôi lời cùng bác:
1. Bác tin ông Trọng là người liêm khiết.
Vâng, tôi và nhiều người khác cũng chưa nghe thông tin ông Trọng tham nhũng tiền bạc hay có tài sản khủng bất minh.
Tuy nhiên, là người học hành chữ nghĩa (dù học Mác Lê), hẳn ông Trọng dư biết: tự do tư tưởng, tự do quan điểm chính trị là quyền cơ bản, tối thượng, thiêng liêng và tự nhiên của mỗi con người trong xã hội. Một đảng chủ trương độc tài về chính trị, là đảng đó đã cướp đoạt quyền tự do ấy của cả xã hội. Chắc chắn ông Trọng dư biết độc tài cai trị là cái gốc đẻ ra mọi tha hóa, xấu xa, trong đó có tham nhũng vật chất. Chỉ có tự do tư tưởng, đa nguyên chính trị, đa đảng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, chấp nhận đối lập, lá phiếu của dân chúng có quyền lực thực sự thì mới giảm thiểu lạm quyền, tha hóa, tham nhũng, coi dân như cỏ rác, như bầy bò để vắt sữa.
Tham nhũng vật chất là vơ vét của cải thiên hạ về tay cá nhân, phe cánh. Tham nhũng chính trị là vơ vét quyền lực xã hội về tay cá nhân, phe nhóm. Tác hại của tham nhũng chính trị, quyền lực khủng khiếp hơn tham nhũng vật chất.
2. Bác tin lãnh đạo nước ta không bán nước cho Tàu.
Tôi cũng tin như bác. Vì bán nước (thành khu tự trị hay tỉnh của Tàu) thì đang ở vị trí nguyên thủ quốc gia (vua một cõi), họ đâu muốn thành tỉnh trưởng (hàng thần lơ láo)?
Nhưng cái tình huống cuối thập niên 1980, Liên Xô và Đông Âu từ bỏ CS, họ sợ tự do dân chủ lan đến VN, mà muối mặt, trơ trẽn và nhục nhã chủ động cầu cạnh thằng bành trướng từ nghìn đời nay, mới trước đó có 2 năm thảm sát 64 bộ đội ta trong vụ xâm lấn Trường Sa - Gạc Ma, cách đó có 1 năm, đang tâm điều xe tăng chà nát hàng nghìn sinh viên đòi dân chủ và minh bạch một cách ôn hòa ở Thiên An Môn, thì cái dã tâm ngai vua tập thể trên hết đã bộc lộ quá rõ ràng. Nhận định của ông Nguyễn Cơ Thạch về Hội nghị Thành Đô 9-1990: "Một thời kỳ Bắc thuộc mới đầy nguy hiểm" ngày càng được thực tế VN minh chứng.
Tôi tin họ không trắng trợn thỏa thuận, ký kết đến 2020, VN thành khu tự trị thuộc Tàu, nhưng chắc chắn những gì họ đã bàn bạc, thỏa thuận và thực thi từ Thành Đô đến nay đã và đang làm VN ngày càng suy yếu trong tương quan lực lượng với Tàu, tạo cơ hội Tàu ngày càng lấn lướt chủ quyền của VN, và nguy cơ VN bị thôn tính từng phần, xâm lược ngày càng rõ nét. Lợi ích quốc gia ngày càng bị Tàu cướp đoạt, lòng dân ngày càng hoang mang. 
Nếu họ vì đất nước, vì nhân dân, đã không bỏ lỡ mọi cơ hội Hoa Kỳ và các cường quốc văn minh muốn tăng cường hợp tác.
3. “Bất chấp tham nhũng và sự bất tài của một số lãnh đạo”, bác tin “đất nước ta sẽ phát triển về kinh tế, và dần dần sẽ đổi mới hơn nữa và tiến bộ hơn về chính trị".
Tôi cũng tin như bác, vì đó là quy luật mà họ không thể cưỡng lại. Nhưng lực cản từ họ làm chậm lại rất nhiều đà tiến của đất nước.
4. Bác tin con người Việt Nam ta về cơ bản vẫn tốt chứ không hoàn toàn u ám như nhiều bác mô tả.
Tôi không nghĩ như bác. Tôi cho rằng, chừng nào CS còn cai trị thì thói giả dối, tuyên truyền bịp bợm, ngu dân còn thống trị, và chỉ làm cho người VN càng tệ hại mà thôi. Cứ so sánh đạo đức, lối sống, triết lý giáo dục miền Bắc trước và sau 1954, miền Nam và cả nước trước và sau 1975 là thấy rõ ngay.
5. Bác: "không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi. Tất nhiên vẫn muốn tốt hơn nữa. Tôi thấy bộ máy chính phủ vận hành được. Bác thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Bác Thăng năng nổ và dám nói, dám làm".
Ý này thì bác sai rõ rồi. Tôi cho rằng không gì khôi hài, trơ trẽn và ngụy biện hơn lập luận ấy của đảng. "Đổi mới" là gì? Nếu chẳng phải là suốt mấy thập niên đảng từng rập khuôn áp đặt khốc liệt mô hình quản lý duy ý chí kinh tế - xã hội ngu xuẩn của Stalin, kìm hãm, triệt tiêu sức sản xuất như trói nền kinh tế xã hội lại. Rồi thấy nguy cơ khủng hoảng tột cùng, đảng mới nới bớt cho kinh tế phát triển một phần tự nhiên như nó vốn vận hành (kinh tế thị trường) và lu loa đó là công ơn của đảng?
Bác hãy nhìn sang Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaixia, Indonesia... để thấy, đầu thập niên 1960, họ kém xa ta đó.
Cái nhìn của bác về Thủ tướng Phúc dường như không được mấy người tán thành, chí ít trong vụ cá chết. Formosa tái phạm biết bao lần, có thấy đóng cửa đâu? Bác Thăng chỉ được cái lăng xăng, la lớn, đánh bóng tào lao. Nếu bác rành lịch sử tiến thân kiểu "công công" của bác Thăng, bác đã chẳng lạc quan vậy. Về lời nói và hứa hẹn, ông Phúc và ông Thăng cộng lại, chưa bằng ông X.
6. Bác: "tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy. Tóm lại, về đại cục mà nói, tôi thấy tình hình không phải xấu đi mà đang tốt lên, trừ vụ nợ công và thâm hụt ngân sách mà tôi không rõ lắm".
Vâng, tôi cũng tin dân chủ tự do thực sự sẽ có với nước ta. Có điều, nó sẽ có ngay trong một thời gian rất nhanh, nếu chóp bu CS, vì quyền lợi nhân dân và đất nước, từ bỏ quyền lợi vị kỷ của họ. Hiện nay, họ không từ thủ đoạn xấu xa, đê tiện, tội lỗi nào để làm chậm quá trình ấy ngày nào hay ngày ấy, cốt vơ vét thêm nữa cho bản thân, dòng tộc, vây cánh.
Hài lòng với những gì đã và đang có không phải suy nghĩ chung của đa số dân nghèo lam lũ thấp cổ bé họng và trí thức chân chính.
Nợ công, thâm hụt ngân sách thì chính báo chí quốc doanh cũng cho cả nước rõ rồi. Đại cục chẳng tốt lên đâu.
Đảng đang cố duy trì quyền lực độc tôn cai trị bằng mọi giá. Tôi chẳng thấy gì sáng sủa sau Đại hội 12, vì một số nhân vật kỹ trị, có học, còn chút lương tâm thì bị gạt ra rìa, hoặc bố trí ở vị trí hữu danh vô thực. Trong khi đó, các vị trí chủ chốt lại tràn ngập giới bảo thủ, hắc ám, quân phiệt. Một vài doanh nghiệp sân sau của ê kíp cũ bị sờ gáy, nhưng dường như những con cá mập mafia bự nhất vẫn nhởn nhơ. Dư luận cho rằng, chúng sẽ nhanh chóng thích nghi với ê kíp mới.
Thưa bác Thái Bá Tân, tôi suy nghĩ như vậy, có quá bi quan?
V.V.T.
-------------------------------------
Đây là status của bác Thái Bá Tân:
Đôi lời
Bực mình một bác vừa rồi bảo tôi nâng bi bác Trọng và chế độ. 
Nói rõ thế này nhé.
Cuộc sống đa dạng, con người cũng đa dạng, không ai, không cái gì xấu cả hoặc tốt cả. Cách đánh giá cũng da dạng như vậy. Bất chấp nguy hiểm cho bản thân, tôi lên tiếng phản biện, có khi nặng lời. Nhưng cái gì tôi tin là đúng thì tôi khen. Chưa nói chuyện đúng sai, nhưng đó là quan điểm và quyền của tôi. Không đồng ý thì thôi, sao phải thóa mạ? Nhiều bác lề trái đôi khi nói thái quá, tôi đọc đấy, biết đấy và im lặng. Đó là thái độ tôn trọng người khác. 
Nhân tiện:
1. Tôi tin bác Trọng là người liêm khiết. Làm quan thời bây giờ như thế là tốt lắm rồi. Còn có cái này cái nọ thì lại chuyện khác.
2. Tôi tin lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu.
3. Bất chấp tham nhũng và sự bất tài của một số lãnh đạo, tôi tin đất nước ta sẽ phát triển về kinh tế, và dần dần sẽ đổi mới hơn nữa và tiến bộ hơn về chính trị. Hình ảnh “chìm tàu” tôi nhắc đến chỉ là một kiểu phúng dụ, nói quá, của văn chương. Mà ta đã tiến bộ và đổi mới lắm rồi đấy.
4. Tôi tin con người Việt Nam ta về cơ bản vẫn tốt chứ không hoàn toàn u ám như nhiều bác mô tả.
5. Tôi không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi. Tất nhiên vẫn muốn tốt hơn nữa. Tôi thấy bộ máy chính phủ vận hành được. Bác thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Bác Thăng năng nổ và dám nói, dám làm.
6. Tôi tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy. Tóm lại, về đại cục mà nói, tôi thấy tình hình không phải xấu đi mà đang tốt lên, trừ vụ nợ công và thâm hụt ngân sách mà tôi không rõ lắm.
Tôi nghĩ như thế đấy. Và chính niềm tin này đã tiếp sức cho tôi trong việc phản biện và thơ phú giúp lớp trẻ sống có ích, có ý nghĩa cho mình và cho đất nước.
Tôi yêu Việt Nam. Tôi cũng yêu cả các bác. Không yêu, đã chẳng thèm nói, chẳng thèm dạy học và chẳng thèm viết.
Hơi thật thà quá. Xin lỗi.
T.B.T.

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

20160827. BÀN VỀ DẠY VÀ HỌC CHÍNH TRỊ

ĐIỂM BÁO MẠNG
 ĐỀ PHÒNG CÀNG HỌC CÀNG XA RỜI THỰC TẾ
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 27-8-2016
Kết quả hình ảnh cho chủ nghĩa mac lenin
Ngày 25 tháng 8 Bộ Chính trị và Ban Bí thư TƯ ĐCS VN tổ chức học tập 2 chuyên đề : Nguồn lực và động lực phát triển đất nước 2016-2030, và Cuộc cách mạng lần thứ tư.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Tổng Bí thư hoan nghênh các cơ quan có liên quan và các tác giả đã chuẩn bị công phu, có chất lượng nội dung các báo cáo, cung cấp được nhiều thông tin mới mẻ, bổ ích, thiết thực; đồng thời cũng gợi mở thêm một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu để hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng của các báo cáo. Tổng Bí thư cũng yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tích cực chuẩn bị nội dung các chuyên đề tiếp theo để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tôi đã cố tìm nội dung cụ thể của các chuyên đề và tên của báo cáo viên nhưng chưa tìm thấy. Tổ chức học chuyên đề cho Bộ Chính trị là việc tương đối mới lạ. Sẽ là rất tốt khi nội dung báo cáo tháo gỡ cho học viên những nhận thức sai lầm, kích thích được, gợi mở được năng lực sáng tạo của họ, khi báo cáo viên không những là nhà khoa học chân chính, trung thực mà còn biết đặt chân lý và quyền lợi dân tộc lên trên ý thức hệ và quyền lợi riêng của đảng. Ngược lại, nếu nội dung thuyết trình cũng như báo cáo viên chỉ nhằm minh họa Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML), nhằm ca ngợi sự sáng suốt của Đảng, đi theo quan hệ 4 tốt và 16 chữ vàng thì không khéo càng học càng xa rời thực tế, càng bóp méo sự thật, càng hiểu sai chân lý, càng phản lại dân tộc.
Chương trình giảng dạy về CNML, về Lịch sử ĐCSVN ở các trường đại học chiếm khá nhiều thời gian nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Đa số thầy dạy chỉ trình bày theo sách vở một cách thiếu tự tin, sinh viên bị bắt buộc học chỉ để thi, phần nhiều thi xong là quên, nếu có nhớ thì khi đối chiếu với thực tế lại thấy ngược lại, càng mất lòng tin. Trước tình hình đó đáng lẽ cần đổi mới nội dung môn triết học thì xu hướng của tuyên huấn là tăng thêm giờ học. Thực tế càng tăng giờ sinh viên càng chán học. Ngay như môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu chỉ dạy trong 10 đến 12 giờ là vừa phải, chương trình quy định 60 giờ, tưởng là đề cao môn học, không ngờ tác dụng ngược lại, vi nội dung không hấp dẫn mà càng cố kéo dài lê thê thì người học càng chán. Không biết đã bao giờ lãnh đạo Đảng đặt câu hỏi: Tại sao học và vận động làm theo Hồ Chí Minh rất nhiều mà càng học thì đạo đức xã hội càng xuống cấp trầm trọng.
Xin kể câu chuyện. Tôi về quê, nghe hai người cháu, cán bộ ở các phòng của huyện, khoe là được cho đi học lớp lý luận do tỉnh mở để bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Tôi nói, các cháu mà đi học các lớp ấy thì không khéo càng học càng xa rời thực tế (tôi định nói càng học càng ngu, nhưng nể 2 anh cháu mà nói chệch đi). Các cháu chất vấn: Tại sao cậu lại nói thế. Tôi trả lời là chính tôi đã dự thính vài lớp như vậy và biết một số điều được dạy là sai đến mức nguy hiểm. Nguyên là khi tôi về dạy các lớp tại chức ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, tôi thường gặp các lớp bồi dưỡng như vậy. Những buổi không lên lớp tôi tranh thủ đến dự thính, nghe xem người ta giảng dạy cái gì. Phần lớn là về nội dung cơ bản của CNML. Bản chất nội dung đó có nhiều điều sai, mà thỉnh thoảng thầy còn giảng sai thêm nữa. Ở đây không phải sai sai thành đúng, mà sai sai thành sai nhiều hơn. Trong giờ nghỉ tôi trao đổi với vài học viên, họ cho rằng thầy giảng thế thì biết thế chứ không thể đánh giá được mức độ đúng sai ở chỗ nào. Các thầy đều có bằng Tiến sĩ về KHXH. Học viên cán bộ cấp huyện làm sao đủ trình độ để đánh giá sự đúng sai bài giảng của một thầy có bằng Tiến sĩ, chuyên dạy lý luận và làm công tác tuyên huấn.
Lớp học của Bộ Chính trị và Ban Bí thư không thể phạm các điều sai như ở các lớp bồi dưỡng, nhưng nếu vẫn tôn thờ CNML thì lại có thể phạm cái sai khác lớn hơn, phạm vào những ngụy biện tinh vi mà trình độ của các học viên chưa chắc đã có đủ để phát hiện.
Sau lớp học có đánh giá và đề nghị của Tổng Bí thư. Đó là ý kiến cá nhân, mức độ đáng tin cậy phụ thuộc nhiều vào trình độ và quan điểm người đánh giá.
Để cho những buổi học tập như thế đạt hiệu quả cao, tránh được việc nói và nghe một chiều, làm cho chân lý bị hiểu sai, tôi xin đề nghị mấy điểm sau :
1- Công khai tên báo cáo viên và nội dung thuyết trình để ai muốn phản biện có thể đóng góp ý kiến.
2- Các buổi học tập như thế nên mở rộng một chút, mời thêm vài ba trí thức tham dự, những người này phải có trình độ cao, trung thực, dám phản biện, có thể đại diện cho tiếng nói của trí thức, họ sẽ phản biện vào cuối buổi học trước mặt học viên, để cho học viên không bị nhồi sọ một chiều .
3- Nên mở một số cuộc đối thoại giữa những nhà lý luận của Đảng và đại diện của trí thức, của doanh nhân theo đề nghị của GS Chu Hảo, của ông Nguyễn Trung (tôi cũng đã từng có đề nghị đối thoại như vậy). Khi thấy chưa tiện đối thoại thì có thể mở vài cuộc họp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ủy viên trung ương, mời một số trí thức bất đồng chính kiến đến trình bày quan điểm của họ về CNML, về đường lối xây dựng đảng và đất nước. Sau khi nghe các vị đó thuyết trình các trí thức của Đảng tha hồ phản biện. Tôi xin ứng cử làm một trong những thuyết trình viên như vậy.
Kết luận. Học và làm chỉ tốt khi đúng hướng. Nếu chọn sai hướng (nhưng vì vô minh, vì bảo thủ, vì không chịu nghe người khác mà cứ cho là đúng, nhất định không chịu thay đổi) thì càng tích cực bao nhiêu càng xa rời mục đích tốt đẹp là tự do và hạnh phúc của nhân dân. Thực tế gần một thế kỷ qua chứng tỏ theo CNML là đi sai đường. Nhiều dân tộc thấy sai, đã quay lại. Bộ phận tinh hoa của dân tộc Việt và đa số nhân dân cũng đã thấy sai. Chỉ còn một số nào đó trong ĐCS và trong nhân dân là chưa thấy. Muốn biết sai đúng đến đâu thì không phải đóng cửa để học theo lối ngụy biện mà mở cửa cho sự tự do tư tưởng, tự do đối thoại. Có như thế việc học mới mang lại kết quả tốt đẹp.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
71 NĂM 'CÁC MẠNG MÙA THU'- LẠM BÀN VỀ CÁCH  MẠNG VÀ CHÍNH TRỊ
NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 27-8-2016

71 năm “cách mạng mùa thu” - lạm bàn về cách mạng và chính trị

Đa đảng thì loạn? Giả sử có 2 đảng như Đảng Cộng sản thì chuyện gì xảy ra?
Trước tháng 8-1945, Việt Nam đã có đa đảng cách mạng, nhưng sau đó ít lâu các lãnh tụ và thành phần ưu tú đảng khác đều bị cộng sản giết hoặc thủ tiêu, tiềm lực đảng khác đều bị tiêu diệt.
Ở Trung Hoa, Quốc dân đảng đã liên minh với Đảng Cộng sản nhưng rồi lại chiến tranh tiêu diệt lẫn nhau. Thua trận Quốc dân đảng phải rút sang Đài Loan.
Trong một thời gian dài Quốc dân đảng độc quyền cai trị Đài Loan, họ mới trả lại quyền tự quyết cho người dân trong mấy năm gần đây.
Đảng cách mạng
Nói đến đảng là nói đến tổ chức. Các đảng cách mạng tổ chức theo hàng dọc từ trên xuống dưới. Hình tượng lãnh tụ được dựng lên làm thước đo cho cả tổ chức.
Đoàn kết thống nhất chỉ thực hiện với những ai chấp nhận tham dự vào guồng máy của đảng, nếu không họ sẽ bị loại trừ hay bị tiêu diệt.
Mọi thành viên phải tuyệt đối trung thành với đảng, thường xuyên học tập các tài liệu và thi hành các chỉ thị từ trên đưa xuống. Các thành viên cấp thấp thường không có cơ hội để đề đạt ý kiến cá nhân.
Sức mạnh của đảng dựa trên kỷ luật sắt, sự trung thành và khả năng thực hiện các chỉ thị của tầng lớp lãnh đạo.
Các đảng cách mạng nghiêng về việc vũ trang cướp và nắm chính quyền. Khi các đảng cách mạng nắm được chính quyền họ dễ trở thành độc tài đảng trị.
Nếu các đảng cách mạng không chấp nhận chuyển biến thành các đảng chính trị thì các điểm yếu sẽ bộc lộ để rồi bị đào thải.
Đảng chính trị
Còn các đảng chính trị thì liên tục thay đổi người lãnh đạo. Các thành viên gắn bó với nhau dựa trên lý tưởng, đường lối, chính sách, quyền lợi… khi có mâu thuẫn họ giải quyết bằng cách thương lượng hay theo quyết định đa số.
Các thành viên thường không bị đòi hỏi phải tuyệt đối trung thành với đảng, với lãnh đạo. Ở Úc cựu Thủ tướng Tự Do Malcolm Fraser chính thức bỏ đảng Tự Do. Nhiều đảng viên chuyển từ một đảng sang đảng khác vẫn được đảng mới trọng dụng.
Đoàn kết thống nhất theo hàng ngang bằng cách thuyết phục và thương lượng với nhau nhằm đưa ra nhóm lãnh đạo và đường lối thích ứng với từng thời kỳ.
Các phe cánh trong đảng luôn công khai tranh luận về đường lối và chính sách của mỗi đảng.
Ở Úc 2 đảng chính trị Tự Do và Quốc Gia tạo nên một liên minh bền vững; họ thường xuyên điều chỉnh chính sách và quyền lợi tránh những mâu thuẫn gây rạn nứt giữa hai đảng.
Trong khi các đảng cách mạng lo định hướng dư luận thì các đảng chính trị liên tục tìm hiểu nguyện vọng quần chúng, nguyện vọng thành viên để đề ra những chính sách thích hợp nhất nhằm cạnh tranh với nhau.
Ở Hoa Kỳ hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thật ra bao gồm hàng ngàn tổ chức chính trị nhỏ. Bằng cách công khai tranh luận chính sách, các ứng cử viên lôi kéo các nhóm nhỏ này nhập vào đảng chính trị, xây dựng sức mạnh chiến thắng đối phương.
Mục tiêu cao nhất của các đảng chính trị là được cầm quyền bằng lá phiếu của người dân để thực thi những chính sách do đảng đề ra.
Bởi thế các thành viên đảng chính trị phải luôn luôn đổi mới bản thân bằng cách học hỏi và thay đổi liên tục. Sự thay đổi tạo nên sức mạnh đảng chính trị và dẫn đến sự không ngừng phát triển của đất nước.
Cách mạng không đổ máu
Nếu định nghĩa cách mạng là thay đổi toàn diện thì đảng chính trị cũng giữ vai trò cách mạng.
Tại Miến Điện đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Myanmar là một đảng chính trị do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Đảng này đã giành khoảng 75% trong tổng số ghế Quốc hội, làm nên cuộc cách mạng thay đổi toàn diện nền chính trị Miến Điện.
Trở lại Việt Nam, phương cách vũ trang bạo động đã bị đào thải từ những năm cuối 1980. Ngày nay không mấy người còn tin vào phương cách này.
Nhưng các đảng chống lại cộng sản xét cho cùng vẫn mang nặng bản chất cách mạng, thiếu thực lực, không làm được những việc cụ thể và chưa thay đổi chính bản thân để có thể tham dự vào các sinh hoạt chính trị dân chủ trong tương lai.
Một tổ chức chưa dân chủ nội bộ, chưa dân chủ trong môi trường hải ngoại thì thật khó tin họ sẽ mang lại dân chủ cho Việt Nam.
Tổ chức dân sự
Trong vòng 10 năm nay cách mạng Việt Nam chuyển hướng lấy đấu tranh bất bạo động làm phương tiện đấu tranh. Muốn có chiến thuật có chiến lược thì cần có tổ chức mạnh nhưng chúng ta lại chưa có, nên sinh hoạt hầu như âm thầm, tự phát, vô tổ chức.
Năm 2016 khi Khối 8406 thành lập liền bị đàn áp, trên 50 thành viên Khối bị bắt, nhưng ngày nay đã có khá nhiều tổ chức dân sự độc lập công khai hoạt động.
Khá tương tự với Miến Điện, tại Việt Nam đã hình thành một xã hội dân sự sơ khai với thật nhiều tổ chức dân sự hoạt động công khai.
Các tổ chức này hoạt động vô vụ lợi với nhiều mục đích khác nhau bao gồm tổ chức tôn giáo, công đoàn, hướng đạo, đồng hương, từ thiện, môi trường, nghiên cứu, các câu lạc bộ, du ca, các nhóm thân hữu…
Các tổ chức xã hội dân sự này đang tập trung sức mạnh thành viên và đào tạo thành phần lãnh đạo tạo nền tảng cách mạng Việt Nam.
Các tổ chức dân sự sẽ trở thành một phần của hệ thống chính trị tương lai. Họ sẽ vận động các đảng chính trị, vận động chính trị gia thúc đẩy chính phủ đề ra những chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cũng như cho quyền lợi của các thành viên trong tổ chức dân sự.
Ngược lại các đảng chính trị cũng sẽ vận động các tổ chức dân sự hỗ trợ họ cầm quyền thực thi các chính sách đảng chính trị đó đề ra.
Ai lãnh đạo công nhân?
Công đoàn là một tổ chức có tiềm năng mạnh nhất. Mỗi năm xẩy ra hằng ngàn cuộc đình công nhưng không có cuộc đình công nào do Liên đoàn Lao động một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản đứng ra tổ chức.
Sáng ngày 23-8-2016 trả lời Bí thư Đinh La Thăng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. HCM ông Trần Kim Yến cho biết đã có những cuộc đình công kéo dài đến bảy ngày nhưng cuối cùng không tìm ra được ai là người phát động, đại diện cho nhóm đình công.
Điều đáng để ý là ông Đinh La Thăng yêu cầu Liên đoàn Lao động nếu chưa tổ chức đình công thành công thì cứ mạnh dạn đứng ra tổ chức cho thành công. Ông cũng cho rằng chưa thành công là do tổ chức công đoàn (quốc doanh) chưa mạnh dạn làm việc đó.
Rõ ràng đã có một sự cạnh tranh vai trò đại diện cho công nhân. Những người phát động đình công chính là những người đang âm thầm xây dựng và lãnh đạo các công đoàn tự do.
Bạo động và bạo loạn
Diễn biến hòa bình là một quá trình đòi hỏi Đảng Cộng sản phải tự thay đổi, phải tự cách mạng. Như đã giải thích bên trên Đảng Cộng sản vẫn muốn giữ bản chất của một đảng cách mạng nên việc thay đổi chính trị gần như không có.
Không thay đổi chính trị thì luật pháp vẫn đặt dưới đảng quyền. Thiếu tướng công an Phan Anh Minh tiết lộ nếu không có sự đồng ý của đảng, chỉ thị 15 không cho phép công an tiến hành điều tra các đảng viên. Đảng trở thành lá chắn, ổ chứa tội phạm.
Vụ nổ súng ở Yên Bái giết chết 3 cán bộ lãnh đạo địa phương cho thấy tình trạng bất ổn trong đảng đã đến lúc bộc lộ. Các phe cánh trong đảng không thể thu xếp chuyện nội bộ, hành vi bạo lực là phương cách để giải quyết vấn đề.
Điều đáng quan tâm là trước ba người chết, người dân vì đã quá ngao ngán nhưng không làm được gì, nên đón nhận tin tầng lớp lãnh đạo cộng sản giết nhau như một tin mừng. Vô hình trung nó khuyến khích giải quyết các mâu thuẫn bằng phương cách bạo lực.
Đời sống người dân mỗi ngày một cơ cực hơn: đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn, cao nguyên Trung phần bị hạn hán, môi trường biển miền Trung bị hủy hoại, môi trường các nơi khác cũng bị ô nhiễm, người thất nghiệp ngày càng đông, dân oan mất đất ngày càng nhiều…
Không giải quyết được các vấn nạn nói trên, nhà cầm quyền tiếp tục sử dụng bạo lực cách mạng trấn áp các cuộc biểu tình bất bạo động. Tức nước vỡ bờ [trong tương lai có thể] ngày càng xuất hiện nhiều cuộc biểu tình bạo động mang khuynh hướng bạo loạn.
Càng bạo loạn thì việc ổn định lại đất nước càng khó khăn hơn. Những người cầm quyền bằng bạo lực vốn đã độc tài càng dễ tăng thêm độc tài, tiếp tục sử dụng bạo lực để cai trị thay vì xây dựng một nhà nước hiến định và pháp trị. Các giải pháp chính trị sẽ tốt hơn cho Việt Nam.
71 năm (1945-2016) “cách mạng mùa thu” đất nước trong cảnh tang thương, thiết nghĩ đã đủ chứng minh con đường cách mạng bằng bạo lực là con đường đưa dân tộc đến chỗ diệt vong.
Các đảng cách mạng cần tự cách mạng bản thân để trở thành các đảng chính trị cạnh tranh nhau xây dựng lại Việt Nam.
N.Q.D.
Melbourne, Úc Đại Lợi
26/08/2016
Tác giả gửi BVN. Bài viết được đăng với tinh thần bàn bạc, trao đổi trong một diễn đàn chung, trong đó quan điểm và phong cách ngôn từ là thuộc về từng người viết.