Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

20150531. VỀ TÌNH TRẠNG "ĐẠO VĂN" Ở ĐẠI HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
"ĐẠO VĂN" NGÀY CÀNG ĐÁNG BÁO ĐÔNG
Bài MINH GIẢNG của / TT 30/5/2015
TT - Tỉ lệ sinh viên ĐH “đạo văn” ở một số trường ĐH VN chiếm tỉ lệ cao so với thế giới. Nhiều học viên cao học cũng bị hủy luận văn thạc sĩ, bài báo khoa học vì hành vi này.
Kết quả khảo sát tình trạng “đạo văn” của Trường ĐH Duy Tân - Ảnh: Minh Giảng - Đồ họa: V.CườngKết quả khảo sát tình trạng “đạo văn” của Trường ĐH Duy Tân - Ảnh: Minh Giảng - Đồ họa: V.Cường

Trên 70% sinh viên “đạo văn”Đây là những thông tin được đại diện một số trường ĐH đưa ra trong hội nghị “Liêm chính học thuật” do Trường ĐH Hoa Sen tổ chức ngày 29-5. Tùy từng trường hợp, “đạo văn” được xác định là hành vi sao chép hoàn toàn hoặc một phần nội dung bài viết hay tác phẩm của người khác vào sản phẩm của mình.
Ông Võ Thanh Hải - phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân - đưa ra số liệu khảo sát sinh viên khi mới nhập học tại trường này với câu hỏi: “Bạn từng sao chép nguyên bản bài viết của các tác giả trên mạng, sách tham khảo, giáo trình... một đoạn văn hay nhiều hơn 1/2 trang... mà không trích dẫn chưa?”.
Theo đó, chỉ có 16% câu trả lời không, còn lại đều cho biết mình có thực hiện việc này. Trong đó 13,5% cho biết thực hiện nhiều lần, 12% thường xuyên thực hiện, 49% có thực hiện và 9,5% ít thực hiện. Về lý do không ghi trích dẫn khi sao chép nội dung từ bài viết của tác giả khác, 36% cho rằng mình không biết phương pháp trích dẫn, 12% không nhớ tác giả là ai, 21% cho biết vì áp lực tiến độ thực hiện, 9% không quan tâm đến việc trích dẫn...
Trong khi đó, nhóm tác giả Trường ĐH Hoa Sen đã thực hiện công trình nghiên cứu về hành vi “đạo văn” của sinh viên trường. Kết quả đưa ra rất đáng báo động. Nghiên cứu được thực hiện trên 681 bài luận môn học của sinh viên các ngành nhân lực, du lịch, tài chính, kế toán, kinh doanh và marketing. Theo TS Đỗ Bá Khang - người thực hiện nghiên cứu, mức độ tương đồng của các bài luận này trung bình là 29%, đây là một tỉ lệ cao so với thế giới. “Trên thế giới người ta có các điểm cắt từ 10-20% (sự tương đồng), có nơi nếu mức độ tương đồng chỉ 5% cũng bị xem là đạo văn. Vì thế mức trung bình 29% của sinh viên Trường ĐH Hoa Sen như vậy là khá cao” - ông Khang nói. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, nếu lấy mức tương đồng ở mức 20% thì có đến 73% bài luận có “đạo văn” và ở 15% có đến 84% số bài luận “đạo văn”. Các bài luận dài có tỉ lệ “đạo văn” nhiều hơn so với các bài luận ngắn.
Ngược lại, Trường ĐH Hàng hải VN chưa kiểm tra sinh viên “đạo văn”, chỉ tập trung kiểm tra hành vi “đạo văn” của giảng viên, những người có học hàm, học vị tại trường cũng như các học viên cao học. TS Trần Long Giang - phó viện trưởng Viện nghiên cứu Trường ĐH Hàng hải VN - cho biết trường kiểm tra sao chép trong công tác thẩm định các giáo trình, kiểm tra sao chép đồ án tốt nghiệp của sinh viên cao học và kiểm tra sao chép các bài báo đăng trên tạp chí Khoa Học Công Nghệ Hàng Hải. Kết quả, theo ông Giang, một số luận văn thạc sĩ đã bị hủy vì có tỉ lệ tương đồng với các tài liệu khác. Nhiều bài báo khoa học có tỉ lệ tương đồng cao hơn quy định cũng bị trường trả lại cho người viết, không gửi cho tạp chí khoa học.
Sử dụng phần mềm kiểm tra “đạo văn”
Nhằm ngăn ngừa hành vi này, một số trường ĐH đã sử dụng phần mềm kiểm tra sự tương đồng. Theo đó, các bài báo, công trình nghiên cứu, giáo trình, luận văn... sẽ được đưa vào phần mềm này. Với dữ liệu toàn thế giới, phần mềm sẽ đọc và so sánh sự tương đồng của bài viết với các bài viết đã công bố chính thức trước đó trong nguồn dữ liệu, từ đó đưa ra kết quả tương đồng. Phần mềm cũng chỉ rõ phần tương đồng này đã được trích trong tài liệu nào. Tùy vào đặc thù của mình, mỗi trường sẽ quy định tỉ lệ phần trăm bao nhiêu thì bị xem là “đạo văn”.
TS Đỗ Bá Khang cho biết khi tiến hành nghiên cứu về “đạo văn”, sinh viên hoàn toàn không biết gì về việc trường sẽ sử dụng phần mềm này để kiểm tra. Sau khi có kết quả trường sẽ thông báo rộng rãi về việc áp dụng phần mềm này trong toàn trường. Mỗi sinh viên được cấp một tài khoản trên phần mềm. Sinh viên sẽ phải nộp các báo cáo, bài viết của mình qua phần mềm này để kiểm tra sự tương đồng. Tỉ lệ tương đồng trong các báo cáo của sinh viên đã giảm hẳn. Ông Khang cũng cho rằng đây là công cụ giữ vai trò ngăn ngừa “đạo văn” và cần có sự hợp tác của nhiều trường ĐH để ngăn ngừa tình trạng này.
Trong khi đó, ông Trần Long Giang cho biết trường bắt đầu áp dụng phần mềm này từ cuối năm 2014. Phần mềm còn có một số hạn chế như cơ sở dữ liệu tiếng Việt của phần mềm này cho lĩnh vực kỹ thuật (ví dụ: xây dựng, cơ khí, tự động hóa...) còn chưa phong phú, do vậy vẫn còn hiện tượng bỏ sót khi kiểm tra “đạo văn”, phí bản quyền cao.
Tuy nhiên, việc sử dụng phần mềm kiểm tra “đạo văn” đã giúp nâng cao chất lượng của các bài báo đăng trên tạp chí khoa học, trích dẫn đầy đủ, có độ tin cậy cao; hạn chế sự sao chép luận văn tốt nghiệp của học viên cao học, giáo trình chuyên môn do đội ngũ giảng viên nhà trường biên soạn được nâng cao về mặt chất lượng.
Internet càng phát triển, “đạo văn” càng phổ biến!
Theo các chuyên gia, nạn “đạo văn” không mới nhưng trong thời đại Internet ngày càng phát triển, hành vi này ngày càng phổ biến hơn bởi tính thuận tiện và chi phí rẻ. Hành vi này ngăn cản sự phát triển các kỹ năng quan trọng của sinh viên như đọc - viết, kỹ năng nghiên cứu, phân tích và hệ thống vấn đề, khả năng sáng tạo, phản biện, phản ánh không chính xác năng lực của người học, người nghiên cứu...
Để hạn chế tình trạng “đạo văn”, một đại biểu cho rằng cần phải sinh hoạt với sinh viên về vấn đề này, đưa vào nội dung chương trình chính khóa học phần phương pháp luận, tăng cường các học phần mang tính sáng tạo cho người học, đổi mới phương pháp đánh giá quá trình học tập của sinh viên, xây dựng phần mềm chống “đạo văn” và xử lý nghiêm các hành vi “đạo văn”. Việc xử lý hành vi “đạo văn” không nhằm mục đích kỷ luật mà là giáo dục, nâng cao ý thức.

MINH GIẢNG

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

20150530. QUỐC HỘI BÀN VỀ QUYỀN IM LẶNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
TRANH LUẬN SÔI NỔI VỀ QUYỀN IM LẶNG
Bài của pv LÊ KIÊN/ TT 28/5/2015
TT - Đại biểu Trịnh Xuyên - thiếu tướng, giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa - cho rằng nêu ra quyền im lặng là vô lý, không thể chấp nhận được. Tuy vậy cũng có những ý kiến khác.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt DũngĐại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng
    Dự thảo bộ luật quy định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Khi anh áp dụng cái mới, tất nhiên là khó nhưng khó thì anh phải phấn đấu
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Làm khó cho hoạt động điều tra?
Tại phiên thảo luận ở tổ đại biểu Quốc hội về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) ngày 27-5, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, thứ trưởng Bộ Công an, chỉ đồng tình một nửa quy định này.
Ông cho rằng: “Cần thiết để bị can, bị cáo tự do trình bày, từ đó cán bộ điều tra người ta mới khai thác những mâu thuẫn trong lời khai, đấu tranh với tội phạm.
Nhưng quy định không buộc đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc tự nhận mình có tội thì không chuẩn lắm, nó làm khó khăn cho hoạt động điều tra”.
Ông Hiếu đề nghị sửa theo hướng “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội” và cho rằng như vậy là đáp ứng được yêu cầu chống bức cung, dùng nhục hình.
“Tôi cho rằng người bị bắt, bị tạm giữ thì trước hết phải có quyền và nghĩa vụ trình bày diễn biến, hành vi của mình và có quyền chứng minh mình không phạm tội, đồng thời cũng có trách nhiệm phải nhận hành vi phạm tội của mình trước pháp luật” - thiếu tướng Trịnh Xuyên lên tiếng.
Ông nhấn mạnh: “Giết người, đánh người gây thương tích mà bảo là được quyền im lặng, không phải trình bày cái gì cả thì không đúng.
Các cơ quan nêu ra quyền im lặng là rất vô lý, không thể chấp nhận được, trong trình độ dân trí và điều kiện của chúng ta như vậy hoàn toàn không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ quan đấu tranh bảo vệ pháp luật, dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm sẽ thấp”.
Thiếu tướng Lê Đông Phong, phó giám đốc Công an TP.HCM, cũng có chung lập luận.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương nhận định:
“Dự thảo bộ luật lần này đưa ra nhiều quy định mới tưởng rằng tiến bộ nhưng rất nguy hiểm, làm bó tay các cơ quan tố tụng, không phục vụ cho việc đấu tranh tội phạm.
Chúng ta quy định như là quyền im lặng của người phạm tội là không đúng. Khi im lặng là lúc chưa có luật sư. Còn im lặng, không khai là bất lợi. Không buộc phải khai, phải nhận tội thế là ngầm hiểu là im mồm, không khai báo gì cả. Giết người cướp của cũng không khai báo là không đúng”.
Không nghĩ như vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Quyền không khai báo các nước thừa nhận, còn mình lại hạ thấp, như thế là hạ thấp quyền của người dân VN xuống. Khi anh áp dụng cái mới, tất nhiên là khó nhưng khó thì anh phải phấn đấu”.
Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch “không đồng tình với ý kiến anh Đương”. Ông Lịch nói: “Không nghĩ rằng Viện KSND tối cao xây dựng dự thảo này là dung túng tội phạm. Chúng ta cũng đừng nghĩ rằng vì trình độ dân trí thế này chúng ta không nên cải cách.
Chúng ta không kém hơn các nước, vấn đề là chúng ta có tôn trọng quyền của bị can, bị cáo hay không. Chứng minh tội phạm là nhiệm vụ của cơ quan thực thi pháp luật, trọng chứng chứ không trọng cung. Nhiều vụ vì coi thường chứng cứ nên mới dẫn đến oan sai”.
Thiếu tướng Trịnh Xuyên  - Ảnh: Việt Dũng
Thiếu tướng Trịnh Xuyên  - Ảnh: Việt Dũng
“Đàng hoàng thì ngại gì ghi âm, ghi hình?”
Các cơ quan nêu ra quyền im lặng là rất vô lý, không thể chấp nhận được Thiếu tướng Trịnh Xuyên , Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho rằng không nên quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung vào luật vì không cần thiết trong mọi trường hợp.
Có những trường hợp bắt quả tang, chứng cứ rõ rồi, người ta nhận tội rồi thì không nhất thiết phải ghi âm, ghi hình. Mục đích là chống mớm cung, bức cung, nhưng các vụ rõ rồi thì không cần.
“Thứ hai nữa là chúng ta không đủ cơ sở vật chất để thực hiện, các huyện đều có cơ quan điều tra, rất khó trang bị đến tất cả. Tôi đề nghị chỉ quy định bắt buộc đối với một số trường hợp, ví dụ như với mục đích tuyên truyền hoặc với các bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng” - ông Hiếu nói.
“Nếu không cho ghi âm, ghi hình thì làm thế nào để kiểm soát được quá trình hỏi cung? Nếu chúng ta đàng hoàng thì chúng ta ngại gì ghi âm, ghi hình?
Tôi cho rằng các vụ án cần được ghi âm, ghi hình. Sắp tới đây chúng ta giám sát tình hình oan, sai sẽ thấy sự cần thiết này” - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông nhận định.
Đại biểu Nguyễn Thành Bộ, chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa, cũng cho rằng: “Về việc bắt buộc ghi âm, ghi hình tôi cho rằng chúng ta làm bộ luật này mà thực hiện được thì quá tốt, điều kiện đất nước khó khăn cũng không thay đổi được việc phải bảo vệ quyền con người.
Vì vậy, nếu chưa đủ điều kiện thì quy định trước những vụ án nào phải ghi âm, ghi hình hoặc cho phép luật sư có quyền ghi âm, ghi hình khi hỏi cung để đối chứng”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông:
Mờ nhạt nguyên tắc tranh tụng
Chúng ta đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội. Một người chỉ bị xem là có tội khi có bản án có hiệu lực pháp luật. Nhưng trước đây bị cáo của chúng ta ra tòa đã mặc áo tù. Tôi nghĩ để thực hiện nguyên tắc này phải quy định từ cách ứng xử.
Tại sao dẫn đến tòa lại còng tay người ta, đã có tội đâu mà bị xích tay? Lẽ ra phải khi tòa tuyên có tội mới xích tay chứ?
Tôi sang Mỹ thấy người ta đưa bị cáo ra xét xử một vụ án rất nghiêm trọng nhưng bị cáo vẫn mặc comlê. Ngay đến cái chỗ ngồi ở tòa cũng cần phải bình đẳng, thể hiện quyền tranh tụng.
Tôi thấy dự án bộ luật này vẫn đi theo xu hướng xét hỏi, chưa đáp ứng quy định về tranh tụng của Hiến pháp và mục tiêu cải cách tư pháp của Đảng.
LÊ KIÊN
VÌ SAO CÁC TƯỚNG CÔNG AN KHÔNG ỦNG HỘ BỔ SUNG QUYỀN IM LẶNG ?
Bài của ANH VŨ/ RFA/ BVB 29/5/2015

Những ngày vừa qua, Quốc hội đã thảo luận dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), tuy nhiên các ĐBQH là tướng công an đều không muốn quy định “quyền im lặng” được bổ sung trong bộ luật này. Tại sao lại có hiện tượng như vậy?
Phương tiện hạn chế bức cung
Tình trạng bức cung, dùng nhục hình của các điều tra viên đã dẫn tới việc có rất nhiều bản án oan sai, đã trở thành hiện tượng phổ biến trong lĩnh vực tư pháp của VN.
Quyền im lặng là một phương tiện quan trọng để hạn chế bức cung, nhục hình - nguyên nhân dẫn đến oan sai trong tố tụng hình sự.
Quyền im lặng là quyền của nghi phạm, của người bị kháng cáo, trong một vụ án có quyền im lặng cho tới khi được tiếp xúc với luật sư hỗ trợ về pháp lý cho mình.
Nói về ý nghĩa của việc bổ xung quyền im lặng của bị can, bị cáo trong Bộ luật TTHS (sửa đổi), từ Sài Gòn LS. Phan Trung Hoài thuộc Đoàn LSVN giải thích: “Quyền im lặng này nó xuất phát từ một quyền cơ bản của con người, đó là quyền của người bị tình nghi là tội phạm hay người là bị can, bị cáo phải nhận được sự trợ giúp pháp lý ngay từ đầu. Chính vì thế cái quyền im lặng này sẽ cho phép thể hiện trên thực tế họ có quyền chờ luật sư trước lúc cơ quan điều tra tiến hành thẩm vấn đối với họ.”
Hiện nay, Quốc hội VN đang thảo luận việc có nên bổ xung “quyền im lặng” của bị can, bị cáo vào trong trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS). Tuy nhiên đã có vấn đề khác biệt lớn về quan điểm giữa các ĐBQH.
Theo báo Tuổi trẻ, vừa qua Quốc hội thảo luận dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), các ĐBQH là tướng công an đều không muốn quy định “quyền im lặng” trong bộ luật này. Theo đó, quan điểm của ngành Công an là “Luật cần phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chúng ta bó tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm”. Còn các ĐBQH khác thì cho rằng “quyền không khai báo các nước đã làm hết, còn VN nếu không như thế là hạ thấp quyền của người dân Việt Nam xuống”.
5 bị cáo là công an, đã tham gia trong vụ bắt giữ,
đánh đập nạn nhân Ngô Thanh Kiều đến tử vong
tại phiên xử hôm 27/3/2014.
Đây là vấn đề do khác biệt về quan điểm, đánh giá về hiện tượng này, từ Hà nội LS. Trần Thu Nam cho biết: “Từ trước đến nay, ở VN người ta chưa quen với cách thức làm luật theo cái hướng bảo vệ quyền con người một cách tối đa, như các nước khác. Khi cho rằng khi bản án chưa có hiệu lực thì con người họ vẫn có các quyền của họ. Tuy nhiên ở VN, các bản án được xét xử không dựa trên cơ sở tranh luận, họ đã quen cách thức cũ là người bị coi là phạm tội phải có trách nhiệm trả lời. Và qua nhiều vụ án cho thấy, khi không trả lời theo yêu cầu của họ thì họ sẵn sàng dùng vũ lực”.
Việc đưa “Quyền im lặng” đối với các bị can, bị cáo bổ xung trong Bộ luật TTHS là điều HP đã quy định và hết sức quan trọng, LS. Phan Trung Hoài ghi nhận: “Theo quy định của pháp luật VN, thì bị can, bị cáo có quyền, nhưng không buộc chứng minh là mình vô tội. Theo quy định của khoản 2 điều 72 của Bộ luật TTHS thì không thể sử dụng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội, nếu như nó không thống nhất với các chứng cứ khác trong hồ sơ. Quyền đó là quyền con người, đã được nhà nước VN ký kết khi ra nhập công ước của LHQ về các quyền Dân sự và chính trị từ năm 1966”.
Quyền tham gia tố tụng của LS sẽ bị vi phạm
Nếu không bổ xung “Quyền im lặng” đối với các bị can, bị cáo thì quyền tham gia tố tụng của LS sẽ bị vi phạm. Nói về các vướng mắc và trở ngại, LS. Phan Trung Hoài cho biết: “Nhưng vấn đề vướng mắc cụ thể hiện nay là ở chỗ cơ hội của người bào chưa – luật sư tiếp cận với người bị bắt giữ ngay từ đầu, nó có một rào cản rất lớn, đó là trình tự cấp giấy phép chứng nhận người bào chữa. Đến đây thì nó lại phát sinh tình trạng, khi tiếp xúc lấy ý kiến của người bị bắt hay bị tạm giữ nhưng không có sự có mặt của luật sư cho nên chúng tôi thường nhận được cái gọi là giấy hoặc quyết định từ chối có người bào chữa. Vì họ cho rằng, bị can trong giai đoạn điều tra thì chưa cần thiết có luật sư”.
Khi được hỏi, lý do tại sao ngành Công an lại kiên quyết bác bỏ việc bổ xung quyền im lặng của các bị can, bị cáo trong Bộ luật TTHS (sửa đổi)?
Một khi luật pháp công nhận quyền này thì việc phán xử một bản án phải được dựa trên các chứng cứ, đó là một bước tiến để tránh khỏi vấn đề các bản án oan sai.
  1. Phan Trung Hoài khẳng định: “Đây là vấn đề thuộc về nhận thức, nhưng rõ ràng nếu hiểu sự tham gia của LS sẽ gây khó khăn cho giai đoạn điều tra tôi nghĩ là không đúng. Nên hiểu, LS thực hiện chức năng xã hội của mình cũng góp phần chống và phòng ngừa tội phạm, để giúp các cơ quan tố tụng xác định sự thật khách quan và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Hiểu như vậy để thấy vai trò của LS là phản biện, để đảm bảophán quyết của tòa án phải xuất phát từ việc tranh tụng”.
Bằng một thái độ thẳng thắn, LS. Trần Thu Nam giải thích: “Cái nguyên nhân là do thói quen từ trước đến nay họ đã như thế rồi, cho nên bây giờ sửa đổi theo chiều hướng có lợi cho bị can, bị cáo thì họ chưa sẵn sàng về vấn đề tâm lý, về kỹ thuật làm án và khả năng chứng minh tội phạm. Do vì chưa quen nên họ lo sợ quyền im lặng trong Bộ Luật tố tụng Hình sự mới sẽ làm khó khăn hơn trong công việc chứng minh tội phạm, từ đó sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Chính vì thế họ đã phản đối rất mạnh về việc ấy”.
Nói về các suy nghĩ của cá nhân, trước việc nhiều khả năng “Quyền im lặng” đối với các bị can, bị cáo sẽ không được đưa vào trong Bộ luật TTHS (sửa đổi) LS. Trần Thu Nam nói: “Với tư cách là một người Luật sư tôi cho rằng cần thiết phải đưa quyền im lặng của bị can, bị cáo bổ xung trong Bộ Luật tố tụng Hình sự và họ có quyền im lặng cho tới lúc có luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ. Tuy nhiên có nhiều nguy cơ quyền im lặng sẽ không được bổ xung trong Bộ Luật tố tụng Hình sự mới. Đó là một điều đáng thất vọng và cũng đáng thất vọng vì có một số những người có chức vụ quyền hạn lại có các phát biểu mang tính chất kém hiểu biết”.
Cũng theo báo Tuổi trẻ, ĐBQH Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ: “Đừng nghĩ rằng vì trình độ thế này chúng ta không nên cải cách. Chúng ta không kém hơn các nước, vấn đề là có tôn trọng quyền của bị can, bị cáo hay không”.
Một vấn để khác cần xem xét đó là, khi ĐBQH là một viên tướng công an thì việc bảo vệ quyền lợi cho người dân sẽ bị lệch lạc. Thay vì làm cho Hiến pháp công minh hơn, thì họ lại bênh vực cho người trong ngành của mình, tìm mọi lý do để làm cho việc điều tra xét hỏi thuận lợi. Bất kể sự thuận lợi đó có dẫn tới ép cung, nhục hình,  khi nghi can không có được quyền tối thiểu của một công dân là quyền im lặng cho tới khi có luật sư bảo vệ cho họ.
Anh Vũ/(RFA)
CÔNG LÝ
Bài của HUY ĐỨC / Trương Huy San/ BVB 29/5/2015
Dự thảo Luật Tố tụng Hình sự đang được thảo luận tại Quốc hội (tháng 5-2015) đã "tiếp thu" được vài nguyên tắc mà "loài người tiến bộ" đã từng áp dụng từ hàng trăm năm qua. Các đại biểu Quốc hội cũng bắt đầu nhận ra, cho dù nhu cầu chống tội phạm lớn tới đâu cũng không thể chấp nhận oan sai. 
Tuy nhiên, nếu không nhận thấy nguyên nhân sâu xa của oan sai thì không những không thể thiết kế một nền tư pháp có thể mang lại công lý mà trong vài trò chống tội phạm, còn có thể trở thành công cụ của từng băng nhóm.
Dân Trí hay Quan Trí
Không ngạc nhiên khi các tướng công an không ủng hộ quyền im lặng của bị can. Quyền ấy chắc chắn sẽ làm khó hơn cho tiến trình điều tra. Chỉ ngạc nhiên, sao các tướng - những người thực thi - lại được đặt ngồi trong cơ quan lập pháp.
Quyền không khai những điều có thể trở thành bằng chứng chống lại mình khi chưa có luật sư được người Mỹ đưa vào Hiến pháp năm 1789 (Tu chính án thứ Năm). Tướng Trịnh Xuyên cho rằng áp dụng nguyên tắc này sẽ không phù hợp với dân trí nước ta. Nói như thế thật là xúc phạm người dân Việt Nam, không lẽ sau 70 năm xây dựng CNXH, dân trí nước ta lại thua dân trí Mỹ 226 năm về trước.
Nếu Quốc hội đã "học Mỹ" khi đưa "quyền im lặng" vào luật Việt Nam chỉ xin quý vị hiểu lại cho rõ nguyên lý "nhà nước của dân". Năm 2006, khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đến thăm nơi tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln, tôi thấy ông đứng rất lâu trước câu nói của Lincoln: "Nhà nước của dân, do dân và vì dân". Những nhà cách mạng Mỹ không chỉ là tác giả của câu nói này mà còn đã thể chế hóa thành công nguyên tắc này.
Khi giành được độc lập, khi đã cầm quyền thay vì quay lưng với nhân dân như nhiều nhà cách mạng khác, vị tổng thống thứ Nhất của họ, ngay trong năm đầu cầm quyền, đã đưa vào Hiến pháp 10 tu chính án ngăn chặn Quốc hội ra các đạo luật ngăn cản các quyền tự do quan trọng nhất của người dân.
Các đại biểu đến từ phía Nam - hai luật sư Trương Trọng Nghĩa và Trần Du Lịch - đã tranh luận khá thẳng thắn với các tướng công an. Nhưng rất tiếc chưa thấy hai ông chỉ ra hai nguyên tắc cơ bản để bảo vệ quyền im lặng: Nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc một người không thể bị coi là có tội khi chưa có một bản án có hiệu lực của tòa. Vì không coi trọng hai nguyên tắc này mà nhiều người dân chỉ cần bị dân phòng bắt đã bị đối xử như tội phạm.
Camera & Nhục Hình
Nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra sáng kiến dùng camera đặt trong phòng hỏi cung để ngăn chặn điều tra viên sử dụng nhục hình. Camera liệu có tác dụng không khi "phòng hỏi cung" nằm trong tay cơ quan điều tra? Các vị nghĩ rằng các điều tra viên sẽ bật nó lên cho quý vị xem cách họ làm cho những người vô tội ký vào đơn nhận tội?
Có những cuộc tra tấn được điều tra viên trực tiếp tiến hành trong phòng hỏi cung như vụ 7 công dân vô tội bị ép nhận tội giết người ở Sóc Trăng. Nhưng, không phải điều tra viên nào cũng sử dụng nhục hình thô thiển vậy.
Theo tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKS TC, ngay cả con người huyền thoại Tạ Đình Đề - người bảo vệ Hồ Chí Minh thời đang còn là "Lý Thụy ở Vân Nam" - trong hai lần bị "công an ta" bắt (1975-1976 và 1985-1988), nếu không nhận tội, không khai đúng ý" của người thẩm vấn cũng bị "chuyển phòng giam khác, bị giao cho đầu gấu". Tạ Đình Đề kể với ông Biểu: "Khi nghe lệnh chuyển phòng, người tôi bủn rủn... Sang phòng giam mới, bị nhốt với bọn đầu gấu mới (tôi sẽ phải chịu đủ trò) tinh quái và độc ác"(Tạ Đình Đề - NXB Hội Nhà Văn 2014, trang 254).
Kinh nghiệm của ông Tạ Đình Đề không chỉ là câu chuyện của thập niên 1970s, 1980s. Khi gặp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bị án Hồ Duy Hải vẫn không dám kêu oan mà chỉ xin giảm án vì Ủy ban Tư pháp gặp xong rồi về còn Hải thì phải quay lại trại giam của công an Long An. Một khi hệ thống trại giam, đặc biệt là các trại tạm giam đang nằm trong tay các cơ quan điều tra thì chuyện ngăn chặn bức cung, nhục hình là vô vọng cho dù có gắn bao nhiêu camera trong phòng hỏi cung.
Độc Lập giữa Các Cơ Quan Tố Tụng 
Không có nhà nước nào cơ quan lập pháp lại mang các vụ án ra đánh giá sai đúng trong các phiên toàn thể. Không phải tự nhiên mà tố tụng phải bao gồm nhiều định chế độc lập: điều tra, VKS, TA, luật sư. Quyền giám sát tố tụng nằm ở khả năng "độc lập, chỉ tuân theo pháp luật" của các cơ quan thực thi chứ không phải là ở quyền giám sát chính trị của cơ quan lập pháp.
Điều nguy hiểm nhất hiện nay là các công tố viên và thẩm phán bị cơ quan điều tra viên "lôi vào cuộc", bị "cộng đồng trách nhiệm" ngay trong những ngày đầu. Các thủ tục tố tụng phải dựa trên chứng cứ chứ không phải là suy đoán của điều tra viên. Nếu kiểm sát viên độc lập và không quá sợ cơ quan điều tra, anh ta sẽ không phê chuẩn tạm giam một công dân nếu chứng cứ mà cơ quan điều tra đưa ra không thuyết phục.
Tòa án cũng có khuynh hướng bị lũng đoạn bởi cơ quan điều tra nên cách an toàn nhất trong công tác xét xử của họ là "án tại hồ sơ" và với những vụ phức tạp thì tòa dưới còn tham vấn tòa trên nhằm tránh án bị "cải, sửa" khi phúc thẩm để không "mất điểm thi đua".
Không phải tự nhiên mà trong suốt nhiều năm ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang kêu oan, VKS lẫn TATC đều im, dù họ không trực tiếp dùng nhục hình bức cung. Vì cả VKS và TA đã "đồng lõa" với cơ quan điều tra ngay từ đầu, đứng chung xuồng ngay từ đầu, nên minh oan cho ông Chấn thì họ sẽ trở thành tội phạm.
Cũng như ông Chấn, 7 bị cáo ở Sóc Trăng được minh oan là vì kẻ thực sự gây án đã ra tự thú. Những người thực sự oan khuất chưa chắc đã nằm trong số được tòa tuyên vô tội. Không ai có thể biết chắc trong số hàng triệu "vụ án đẹp", trong số hàng triệu bộ hồ sơ án hoàn hảo, hàng triệu bị can nhận tội kia có bao nhiêu thực sự oan sai. Những kẻ gây án thực sự đang ở trong tù hay vẫn ở ngoài vòng pháp luật.
Quyền Lực Tuyệt Đối
Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, thật khó để nhận ra quyền lực cao nhất đang nằm ở đâu. Nhưng rõ ràng không có cơ quan nào có những quyền đáng sợ như Bộ Công an đang nắm.
Trong vụ án Năm Cam và những vụ án tướng Thành sử dụng tay chân ở Tiền Giang, người dân chỉ biết câu chuyện một băng đảng xã hội đen bị đánh tan. Ít ai biết sự lộng quyền của tướng Thành, biết cái cách thức ông ta khống chế TA và VKS không khác gì Năm Cam cả.
Vì tướng Thành đã trở thành "anh hùng của nhân dân", trở thành "thần tượng của số đông", nên người ta đã không tống giam ông cho dù những kẻ điều tra viên Tiền Giang bắt bớ, chia chác theo lệnh ông đều đã phải vào tù hoặc vào nhà thương điên để tránh vành móng ngựa.
Không tính thứ bậc trong Đảng, TA, VKS không dễ dàng độc lập trước một Bộ có trong tay quá nhiều công cụ. "Quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối"(Lord Acton). Không chỉ trong hệ thống tư pháp, không có nhà nước nào nuôi dưỡng nguy cơ chính trị bằng cách tạo ra một siêu bộ nếu không muốn các chính trị gia trở thành con tin của bộ ấy.
Chưa kể sự khuynh loát của quyền lực, không ai có thể một lúc hoàn thành quá nhiều chức năng. Vậy nhưng, Bộ Công an hiện nay đang nắm trong tay vai trò điều tra, cảnh sát và cả an ninh, tình báo.
Tình báo phải là một cơ quan độc lập và chỉ nhắm vào kẻ thù bên ngoài chứ không phải nhắm cả vào bên trong (Có thể có an ninh nội địa nhưng đến khi có một nhà nước thực sự của dân thì không cần cơ quan an ninh kiểu như hiện nay). Và, ngay trong vai trò cảnh sát thì cũng nên tách ra: Cảnh sát quốc gia và cảnh sát địa phương.
Cảnh sát địa phương phải thuộc thẩm quyền của các địa phương ; quy mô và phương thức hoạt động tùy từng nơi mà tổ chức khác nhau. Không nhất thiết một huyện ngoại thành cũng có cảnh sát như một huyện ở vùng nông thôn. Những thành phố quá an ninh chỉ cần có vài ba trăm cảnh sát cho vui thay vì cũng nhiều tướng tá như nơi đầy trộm cướp.
Cảnh sát giao thông nên là một lực lượng riêng. Nếu cơ quan điều tra không cùng một mẹ với cảnh sát giao thông thì chắc sẽ mạnh tay hơn với nạn mãi lộ mà không sợ ngành tai tiếng.
Cảnh sát quốc gia thiết lập trật tự và sự thống nhất trên toàn quốc ở những vấn đề cảnh sát địa phương không với tới và nắm những lực lượng như cảnh sát cơ động, cảnh sát chống bạo động. Cảnh sát địa phương đảm trách vai trò giữ gìn trật tự và điều tra những án thuộc về trị an như cướp giật, trộm cắp, kể cả những vụ giết người thuần hình sự xảy ra trên địa bàn.
Nên lập cơ quan điều tra quốc gia để điều tra những vụ án có yếu tố băng đảng, những vụ tham nhũng và những vụ liên quan đến trách nhiệm thi hành công vụ.
Tòa Ba Cấp
Nên thiết lập hệ thống tòa án theo ba cấp xét xử: sơ thẩm, phúc thẩm và tòa phá án. Không tòa nào là cấp trên của tòa nào; các cấp xét xử chỉ tuân theo pháp luật. Không thể để chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp ủy, "nằm trên tòa án". Các ứng cử viên thẩm phán phải chủ yếu nằm trong số các luật sư giỏi và uy tín nhất.
Tòa nên xét xử bằng tranh tụng: công tố buộc tội; luật sư bào chữa; hội thẩm nhân dân quyết định có tội hay không; thẩm phán lượng hình nếu hội thẩm nhân dân tuyên có tội. Với thủ tục này, mỗi phiên sơ thẩm chỉ cần một thẩm phán và 5-7 hội thẩm viên. Để đảm bảo khách quan, thẩm phán có thể không cần đọc trước hồ sơ, riêng hội thẩm thì không được đọc trước hồ sơ vụ án.
Vấn đề băn khoăn nhất là luật sư. Tuy nhiên ngay cả với bị cáo không có tiền "chạy" và thuê luật sư giỏi thì tình trạng pháp lý cũng không thể xấu hơn với cách tiến hành tố tụng hiện nay. Chỉ cần yêu cầu mỗi luật sư hàng tháng phải tham gia bào chữa miễn phí một số vụ theo chỉ định của tòa. Chỉ cần cho xã hội dân sự phát triển sẽ có nhiều luật sư tình nguyện bào chữa cho người nghèo và sẽ có nhiều tổ chức hỗ trợ pháp lý cho người nghèo.
Nhà nước cũng có thể dùng một ngân khoản để trả cho luật sư trong trường hợp đặc biệt. Đây là khoản chi cho công lý chứ không phải đơn giản cho bị cáo.
Đừng sợ mất vai trò của Đảng. Một đảng tốt là một đảng đảm bảo có một hệ thống tư pháp có thể cung cấp công lý chứ không phải là một đảng khi muốn thì thọc tay vào vụ án. Các tướng lĩnh cũng không nên cố công bảo vệ đặc quyền cho công an. Quan nhất thời. Hãy nhìn gương tướng Quắc, tướng Trần Văn Thanh. Rất có thể có ngày quý vị trở thành nạn nhân của hệ thống tư pháp mà quý vị đang thiết kế.
Huy Đức/(FB Trương Huy San)/TTHN