Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

20240327. DỰ ĐOÁN VÀ ĐỀ XUẤT TỔ CHỨC NHÂN SỰ CẤP CAO

  ĐIỂM BÁO MẠNG


KHỦNG HOẢNG NHÂN SỰ Ở THƯỢNG TẦNG, NHÂN VẬT NÀO SẼ NGỒI GHẾ CHỦ TỊCH NƯỚC?
NÔNG VĂN TIỀM/TD 25-3-2024


Kịch bản phù hợp nhất khi tướng Phan Văn Giang ngồi ghế Chủ tịch nước, thay Võ Văn Thưởng; Nguyễn Tân Cương nắm Bộ trưởng Quốc phòng thay Giang; Trần Cẩm Tú ngồi ghế bà Mai (nếu bà cáo quan, hồi hương). Bùi Thị Minh Hoài sẽ cầm trịch Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Lê Minh Khái sẽ nắm Trưởng Ban Kinh tế.

Ghế chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam hiện đang bị bỏ trống. Trong khi chờ Bộ Chính trị chuẩn thuận một nhân vật chính thức lên thay ông Võ Văn Thưởng, hiện bà Võ Thị Ánh Xuân đang ngồi tạm ghế này kể từ ngày 21-3-2024. Đây là lần thứ hai bà Xuân ngồi tạm ghế Chủ tịch nước, nhưng bà Xuân sẽ không bao giờ được ngồi ghế này chính thức, bởi bà không ở trong Bộ Chính trị.

Khủng hoảng nhân sự

Lịch sử đảng cộng sản từ sau năm 1975 đến nay, chưa bao giờ bị khủng hoảng nhân sự cấp cao như hiện nay. Chỉ trong khoá 13, số Ủy viên Trung ương bị bỏ tù, kỷ luật, buộc thôi chức… đã chạm con số 20! Trong số bốn Uỷ viên Bộ chính trị bị buộc phải về vườn, có hai người bị phế truất từng giữ chức Chủ Tịch nước.

Đến đây, công cuộc “phòng chống tham nhũng” của ông Trọng đã đi sang hướng khác. Không chỉ dân chúng, mà nhiều đảng viên và lão thành cách mạng đều có chung nhận định: “Lò ông Trọng” đã biến thành nơi thanh trừng, để các phe phái trong đảng tranh giành quyền lực.

Ngày 20-3-2023, Võ Văn Thưởng bị các “đồng chí” của ông ta phế truất y hệt cách mà họ từng làm với người tiền nhiệm của Thưởng là ông Nguyễn Xuân Phúc. Chuyện Võ Văn Thưởng bị phế truất là một sự kiện rúng động, cả trong và ngoài nước. Thế giới cũng bất ngờ với bất ổn chính trị hiếm hoi bị lộ ra từ chốn cung đình cộng sản.

Trước đó, ngày 13-3-2024, Tiểu ban nhân sự đại hội 14 nhóm họp. Mọi người nhìn thấy, Thưởng còn rất vui, thần thái sáng ngời. Thưởng được ông Trọng dìu dắt, đưa lên để tranh vé A1 trong đảng nhiệm kỳ tới. Gió đổi chiều nhanh quá, chỉ ba ngày sau, ngày 16-3, Thưởng bị ép viết đơn “xin thôi các chức vụ”. Ngày 20-3, Thưởng bị tước bỏ sạch trơn quyền lực. Chỉ trong vòng một tuần, mọi thứ quay 180 độ!

Xót xa hơn khi một nguyên thủ quốc gia bị “chém” tới hai lần. Ngày đầu, đảng vung búa “chém” Thưởng một nhát. Dù bị xiểng niểng, đi đứng không vững sau nhát chém đầu của “đồng chí” mình, nhưng hôm sau Thưởng phải chường mặt ra để quốc hội “chém” thêm một nhát nữa, hồn xiêu phách lạc rồi mới được về vườn “làm người tử tế”! Không rõ Thưởng đã tỉnh lại chưa sau hai nhát chém chí mạng này?

***

Về “công cuộc đốt lò”, lâu nay đã có lời ra tiếng vào về chuyện “củi lửa” trong “cái lò” của ông Trọng. Lò càng đốt, củi càng tăng mạnh. Tham nhũng không hề giảm mà nó ngày càng tinh vi hơn. Số tiền quan cướp của dân, của đất nước, không chỉ là “ăn cắp vặt” vài trăm triệu, mà đã lên đến con số trăm tỷ, ngàn tỷ… Chỉ một quan chức nhỏ như bà Đỗ Thị Nhàn nhưng đã nhận hối lộ trong một vụ án, số tiền 5,2 triệu Mỹ kim, tương đương 130 tỷ đồng! Thử hỏi, các quan chức lớn hơn, số tiền mà họ nhận trong nhiều vụ án cộng lại, sẽ là bao nhiêu?!

Những lo lắng của các nguyên lão về việc các phe nhóm trong đảng sẽ tận dụng chiến dịch “đốt lò” để tiêu diệt, hạ bệ nhau, nay đã rõ mười mươi. Đáng chú ý, khủng hoảng nhân sự cấp cao đã làm cho ông Nguyễn Phú Trọng đang rơi vào tình trạng không kiểm soát được tình hình. Nội bộ đảng đang rối bời, xa hẳn tầm nắm của ông Trọng, một người ở tuổi gần đất xa trời, đi đứng không vững, bệnh tật đầy người, có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Gần hai năm qua, kể từ ngày Nguyễn Thanh Long bị bắt giam, Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khoẻ Trung ương – một ban quan trọng của đảng – không có trưởng ban.

Lê Đức Thọ bị bắt giam, suốt ba tháng qua, tỉnh Bến Tre không có bí thư.

Gần hai tháng kể từ lúc Trần Tuấn Anh bị buộc phải thôi chức, Ban Kinh tế Trung ương không có trưởng ban.

Năm 2013, khi đề nghị tái lập Ban Kinh tế Trung ương, trong cương vị tổng bí thư, ông Trọng cho rằng, đây là ban cực kỳ quan trọng, nên cơ cấu trưởng ban phải là Uỷ viên Bộ Chính trị.

Cấp trưởng Trần Tuấn Anh mất chức, cấp phó Nguyễn Thành Phong cũng ra khỏi Uỷ viên Trung ương về “đuổi gà”, đến nay Phó Trưởng ban phụ trách Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng lại chưa là Uỷ viên Trung ương. (Hưng là con trai cựu Phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn Yểu, chị gái Hưng là Nguyễn Thị Phương Hoa, thứ trưởng bộ Tài nguyên – Môi trường).

***

Thượng tầng hiện đang đánh nhau “một mất một còn”. Họ đánh nhau kinh hoàng đến nỗi, bà Trương Thị Mai, nữ ủy viên Bộ Chính trị duy nhất trong số 14 vị, đe doạ sẽ nghỉ việc. Bà Mai nói: “Các anh suốt ngày cứ bắt bớ, triệt hạ lẫn nhau, ném cả cán bộ lẫn doanh nhân vào tù hết, thì cái kết sẽ đi đến đâu?”. Bà Mai cũng thẳng thừng từ chối khi có Uỷ viên Bộ Chính trị ngỏ ý: “Chị Mai nên nhận ghế chủ tịch nước”.

Những người trong Đảng bàn tán rằng, Nguyễn Phú Trọng đã đưa mọi việc vượt quá giới hạn. Ông Trọng trao “thượng phương bảo kiếm” cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Bộ Công an, nhưng không có chế tài để kiểm soát quyền lực.

Việc bắt Uỷ viên Trung ương trước rồi mới đình chỉ sinh hoạt đảng hoặc khai khừ sau, là trái với điều lệ đảng. Tương tự, việc bắt đại biểu quốc hội trước, rồi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới “tạm dừng hoạt động đại biểu”, là xem thường Hiến pháp. Cả Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, đang bị rẻ rúng; bị chế giễu là bù nhìn; phải làm những việc đã được quyết định rồi, chứ thực ra không có quyền hành gì.

Quay trở lại khoảng trống quyền lực đang bị thách thức, nhân vật cấp cao nào trong đảng sẽ ngồi ghế chủ tịch nước? Sau đây là các phương án:

1. Phương án Tô Lâm

Tô Lâm hiện là ứng viên sáng giá nhất cho ghế Chủ tịch nước. Nếu được vào “tứ trụ”, Tô Lâm sẽ nghiễm nhiên nhận được “kim bài” miễn hồi tố, cùng sự bảo đảm bình yên cho gia đình. Một nhân vật có quá nhiều kẻ thù như Tô Lâm, được ngồi ghế A2, mới tìm kiếm được an toàn trong tương lai.

Tô Lâm vốn “nắm được thóp” các Uỷ viên Bộ Chính trị, điểm danh các Uỷ viên Trung ương chỉ như “con tin”, nên ngồi vị trí A2 xem như đã đặt một chân vào “nhân sự đặc biệt” khoá 14 để tranh ghế A1 – Tổng bí thư, trong đại hội 14.

Hai đệ tử ruột của Tô Lâm là thứ trưởng Lương Tam Quang, thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra và thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra. Hàng trăm cán bộ cấp tướng, tá quê Hưng Yên đang được Tô Lâm cơ cấu cứng ở các Cục, Vụ của Bộ Công an. Tất cả những người này, cùng với số sĩ quan Tô Lâm rải đi biệt phái “nằm vùng” trong Chính phủ và các cơ quan đầu não của đảng, nắm chủ chốt hầu hết các Sở Công an tỉnh thành cả nước, sẽ làm “lá chắn thép”, trung thành, bảo vệ cho họ Tô, bất kể bộ trưởng Bộ Công an kế nhiệm là ai.


Ảnh: TBT Nguyễn Phú Trọng chụp với bộ trưởng BCA Tô Lâm. Nguồn: Báo CAND

2. Phương án Phan Văn Giang

Phan Văn Giang chưa đủ tiêu chuẩn “trọn một nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị”. Nhưng không sao, quy định 214 QĐ/TW vẫn thòng một câu “Trường hợp đặc biệt, Bộ Chính trị sẽ quyết định”.

Sắp tới, Nguyễn Phú Trọng sẽ phải triệu tập Hội nghị trung ương 9 để bầu bổ sung ít nhất ba Uỷ viên Bộ Chính trị, đến từ các ủy viên chính thức nổi trội, sau đó bổ sung vài Uỷ viên chính thức từ nguồn Ủy viên Dự khuyết Trung ương. Ba gương mặt có thể bổ sung Bộ Chính trị lần này là Bùi Thị Minh Hoài (Trưởng ban Dân vận Trung ương), Lê Minh Khái (Phó Thủ tướng Chính phủ) và tướng Nguyễn Tân Cương (Tổng Tham mưu trưởng Quân đội).

Kịch bản phù hợp nhất khi tướng Phan Văn Giang ngồi ghế Chủ tịch nước, thay Võ Văn Thưởng; Nguyễn Tân Cương nắm Bộ trưởng Quốc phòng thay Giang; Trần Cẩm Tú ngồi ghế bà Mai (nếu bà cáo quan, hồi hương). Bùi Thị Minh Hoài sẽ cầm trịch Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Lê Minh Khái sẽ nắm Trưởng Ban Kinh tế. Được biết, Khái là nhân vật được quy hoạch ghế thủ tướng cho nhiệm kỳ 2026-2031.


TBT Nguyễn Phú Trọng với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. 
Nguồn: Báo Tài chính VN

3. Phương án Vương Đình Huệ

Họ Vương được Nguyễn Phú Trọng ưu ái, quy hoạch vị trí A1, thay thế khi ông Trọng rút lui. Nếu Vương Đình Huệ qua A2 lúc này, tình thế sẽ nguy hiểm. Khi quân bài của ông Trọng lật ngửa, Huệ cầm chắc suất “nhân sự đặc biệt” khoá sau, sẽ là bia ngắm bắn của các phe khác trong đảng.

Còn hai năm nữa mới tới đại hội 14, ai dám chắc Huệ không bị phế truất nửa chừng, với trọng tội “đạo đức và lối sống”, “tham vọng quyền lực” hay “có vấn đề về lập trường”…

Trường hợp ông Huệ ngồi ghế chủ tịch nước, bà Mai phải được điều sang Quốc hội, Trần Cẩm Tú sẽ điền vào chỗ bà Mai. Bùi Thị Minh Hoài sẽ trở thành nhân vật nữ thứ hai (sau bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ), ngồi ghế Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.


TBT Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Nguồn: TTXVN

Tô đại tướng sẽ ra sao nếu trượt ghế A2?

Nếu phương án Phan Văn Giang hoặc Vương Đình Huệ được thực thi, xem như đây là canh bạc tồi đối với Tô Lâm. Khi ấy, cánh cửa đi tiếp của họ Tô sẽ bị khép lại, Tô Lâm sẽ về vườn vào cuối khóa này. Cả hai đàn em của Tô Lâm là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc cũng sẽ phải về vườn, vì chưa có chính trị gia nào vào Bộ Chính trị lần đầu bằng “vé vớt” lần hai. Kết cục, vai trò “Hưng Yên hoá” Bộ Công an của Tô Lâm sẽ chấm hết.

Thời gian không còn nhiều, chỉ còn hơn hai tuần cho các phe toan tính để chọn nước cờ nào mà đi. Bộ Chính trị sẽ nhóm họp để chốt nhân sự, giới thiệu cho quốc hội bầu tân chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Thoả hiệp để quân bình cán cân quyền lực, hay “đánh nhau” để phân chia ngôi thứ trong đảng?

Có lẽ lúc này, ngay cả bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng chưa chắc tìm được câu trả lời!

NVT

NGUỒN: Khủng hoảng nhân sự ở thượng tầng, nhân vật nào sẽ ngồi ghế Chủ tịch nước? [https://baotiengdan.com/2024/03/25/khung-hoang-nhan-su-o-thuong-tang-nhan-vat-nao-se-ngoi-ghe-chu-tich-nuoc/]

TỪ TRƯỜNG HỢP ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG NHÌN VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ   NGUYỄN NGỌC CHU/TD 25-3-2024

Việc Ban Kiểm tra Trung ương liên tiếp đề xuất, và Bộ Chính trị tiến hành kỷ luật hàng loạt cán bộ cao cấp trong thời gian vừa qua, là việc làm được nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt. Nhân dân còn mong muốn đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng mạnh mẽ thêm nữa.

Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua [1], phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.

Qua trường hợp của ông Võ Văn Thưởng [2], nhìn lại các trường hợp khác trước đó như của ông Nguyễn Xuân Phúc [3], các Uỷ viên Bộ Chính trị (UVBCT) cũng như các Uỷ viên Trung Ương (UVTƯ) bị kỷ luật để tìm ra nguyên nhân. Từ nguyên nhân mà đưa ra giải pháp.

1. AI CHƯA BỊ PHÁT HIỆN?

Rút kinh nghiệm công tác nhân sự của Đại hội XII, công tác nhân sự của Đại hội XIII được thông báo là “làm kỹ hơn” với các yêu cầu như báo chí đã đưa tin, chẳng hạn như: “Không để lọt vào Trung ương những người thiếu đức kém tài”. Nhưng nhiệm kỳ Đại hội XIII mới qua ba năm, mà hàng loạt cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật. Trong đó có 18 UVTƯ. Đáng nói nhất là có bốn UVBCT, có hai Chủ tịch nước và có hai Phó thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ bị kỷ luật trong BCT là 22,22% (4/18). Bao gồm:

1- Nguyễn Xuân Phúc (UVTƯ, UVBCT);

2- Võ Văn Thưởng (UVTƯ, UVBCT);

3- Trần Tuấn Anh (UVTƯ, UVBCT);

4- Phạm Bình Minh (UVTƯ, UVBCT);

5- Vũ Đức Đam (UVTƯ);

6- Chu Ngọc Anh (UVTƯ);

7- Nguyễn Thanh Long (UVTƯ);

8- Phạm Xuân Thăng (UVTƯ);

9- Nguyễn Thành Phong (UVTƯ);

10- Trần Văn Nam (UVTƯ);

11- Lê Đức Thọ (UVTƯ);

12- Điểu Kré (UVTƯ);

13- Nguyễn Phú Cường (UVTƯ);

14- Trần Đức Quận (UVTƯ);

15- Huỳnh Tấn Việt (UVTƯ);

16- Bùi Nhật Quang (UVTƯ);

17- Phan Việt Cường (UVTƯ);

18- Hoàng Thị Thúy Lan (UVTƯ).

Ông Võ Văn Thưởng là Uỷ viên Dự khuyết Trung ương khoá X (24/4/2006) lúc mới 36 tuổi [2]. Sau đó là UVTƯ liên tục ba khoá XI, XII, XIII; và là UV BCT các khoá XII, XIII. Trong khoảng thời gian từ năm 2006 – 2024, ông Võ Văn Thưởng đã kinh qua các chức: Bí thư thư nhất Đoàn TNCS HCM, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ HCM, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Ban bí thư, rồi Chủ tịch nước [2]. Gần đây, mới phát hiện ông Võ Văn Thưởng vi phạm khuyết điểm từ lúc còn là Bí thư tỉnh Quảng Ngãi (nhiệm kỳ 2011-2014). Như vậy không phải bây giờ ông Võ Văn Thưởng mới vi phạm khuyết điểm. Mà bây giờ mới phát hiện ra ông Võ Văn Thưởng vi phạm khuyết điểm “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông” [4]. Chứng tỏ rằng công tác nhân sự các khoá XI, XII, XIII đều để lọt những người không đạt tiêu chuẩn vào BCT.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là UVTƯ bốn khoá liên tục X, XI, XII, XIII; là UVBCT ba khoá liên tục XI, XII, XIII; là Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, Thủ Tướng rồi Chủ tịch nước trong khoảng thời gian từ 2/8/2007 -18/1/2023 [2]. Việc ông Nguyễn Xuân Phúc mắc khuyết điểm, vi phạm những điều đảng viên không được làm, không phải là chuyện ngày một ngày hai. Vấn đề nằm ở thời gian bị phát hiện.

Trường hợp bà Hoàng Thị Lan và các UVTƯ khác cũng như vậy. Không phải bây giờ họ mới mắc khuyết điểm, mà bây giờ mới phát hiện ra.

Câu hỏi hiển nhiên là AI CHƯA BỊ PHÁT HIỆN?

Ông Phúc, ông Thưởng, bà Lan cũng như những người đã bị kỷ luật – họ hoàn toàn không bị oan. Nhưng không ai cấm được trong đầu họ đang có những so sánh với những người CHƯA BỊ PHÁT HIỆN.

2. AI KHÔNG THAM NHŨNG?

Nhân sự Đại hội XIV đang được chuẩn bị. Và lại được nghe các tiêu chí vang lên trên truyền thông:

– “Không để lọt vào Trung ương những người giàu bất thường”;

– “Không để lọt vào Trung ương người kê khai tài sản không trung thực”.

Tuy tên gọi có khác, nhưng về bản chất đều thuộc vào nội dung “Không để lọt vào Trung ương những người tham nhũng”.

Tham nhũng có muôn hình vạn trạng, dễ thấy nhất là tham nhũng quyền lực, tham nhũng tiền bạc, tham nhũng tình ái. Với một hàng dài danh sách các UVTƯ bị phát hiện mắc tội tham nhũng, thì còn biết bao nhiêu người tham nhũng nhưng chưa bị phát hiện?

Cho nên, thay cho câu hỏi AI CHƯA BỊ PHÁT HIỆN? AI THAM NHŨNG? thì nên đặt câu hỏi AI KHÔNG THAM NHŨNG? sẽ dễ tìm ra câu trả lời hơn.

AI KHÔNG THAM NHŨNG?

Có ai có thể chỉ ra một cái tên cụ thể? Nếu bạn không chỉ ra được một cái tên, thì câu trả lời đã rõ. Trên thực tế câu trả lời đã có trong lòng bạn. Thử nhìn vào một số trường hợp đã biết để đi đến câu trả lời.

Thí dụ về cấp Bộ. Ông Nguyễn Bắc Son nhận ba triệu đô la để trong hai va li và ba lô ngoài ban công [5]. Ông Chu Ngọc Anh nhận 200.000 đô la để quên trong garage ô tô “không nhớ” [6], Ông nguyễn Thanh Long nhận hối lộ 2,25 triệu đô la [7].

Ở bình diện tỉnh, ông Lê Đức Thọ có cả ngàn tỷ đồng trong nhà bank [8], cả Bí thư lẫn Chủ tịch Lâm Đồng đều bị bắt liên quan đến nhận hối lộ [9].

Đến cấp cục trưởng như bà Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu đô la của Vạn Thịnh Phát [10]. Cấp giám đốc sở như ông Đỗ Hữu Ca nhận 35 tỷ đồng tiền chạy án, có 40 sổ đỏ bị phát hiện [11].

Đến cấp chủ tịch của một huyện mà trong tài khoản cá nhân mất một lúc 170 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng [12]. Những số liệu nêu ra là số liệu công khai, được biết. Không nói đến “của chìm của nổi” như ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, đất đai, nhà cửa… chưa được biết.

Chỉ từ những con số đó thôi, từ cấp huyện tới tỉnh, cho tới bộ, trung ương, theo phép thống kê toán học mà thác triển, thì cũng dự báo được phần nào số tài sản khổng lồ của những cán bộ khác, và rất khó để chỉ ra AI KHÔNG THAM NHŨNG.

Đưa ra những điều trên để thấy, sự tham nhũng trong số cán bộ có chức có quyền không phải nhất thời mà liên tục, không phải cá biệt mà số đông, không phải ngẫu nhiên mà có tính phổ quát.

Từ đó suy ra, cách làm nhân sự đi tìm NGƯỜI KHÔNG THAM NHŨNG vô cùng khó khăn, nếu không nói là KHÔNG KHẢ THI.

Bởi lẽ, từ cán bộ cấp cơ sở đi qua các cấp: Huyện, tỉnh, tới trung ương, hay từ cấp phòng, vụ tới cấp bộ, đã bị “nhúng” trong môi trường làm việc mà tham nhũng mang tính phổ quát, thì khó hoàn toàn trong sạch. Ngay cả đưa một người trong sạch, chưa có chức vụ gì vào tham gia bộ máy ở cấp trung ương, thì khi nằm trong bộ máy cũng phải chịu sự chi phối của môi trường, mà từ không tham nhũng, lại có thể sẽ dính vào tham nhũng.

3. NHÂN SỰ ĐƯỢC CHỌN LỰA BỞI SỐ ÍT ĐƯA ĐẾN SỰ GIẢM DẦN VỀ CHẤT LƯỢNG

Từ những năm 1980 của thế kỷ trước, đã có những nhận xét “tiếu lâm” dân gian, rằng trí tuệ của lãnh đạo qua các thời kỳ có thể ví như là một hàm số giảm nghiêm ngặt theo thời gian.

Con đường làm nhân sự của các Đại hội là do lãnh đạo lựa chọn. Trước đây, GS Hoàng Tuỵ đã từng đưa ra nhận xét về cách làm nhân sự của ta. Rằng lãnh đạo tự chọn người kế tiếp để đưa ra bầu (thực tế là “lấy phiếu tín nhiệm”) thì không tránh được suy thoái nhanh chóng. Và GS đưa ra thí dụ:

“Nếu chất lượng lãnh đạo ở một thế hệ là A, thì ở thế hệ tiếp liền theo không vượt quá t*A với 0<t<1. Cho nên sau k thế hệ sẽ không vượt quá A (t lũy thừa k của A). Vì tiến dần rất nhanh tới 0, nên chất lượng cán bộ giảm rất nhanh. Chẳng hạn với t=0,8 thì sau 2 thế hệ chất lượng đã không vượt quá 0,64A rồi. Chính vì vậy mà từ cách mạng tháng 8 thế hệ đầu tiên chất lượng rất cao, nhưng đến thế hệ này thì đã tiệm cận đến…”

Trong ví dụ của GS Hoàng Tuỵ, nếu tính sau 5 thế hệ thì còn 0,33A. Khi đưa ra công thức ví dụ này, chính GS Hoàng Tuỵ đã viết trước “Nhiều người sẽ bảo đó là logic toán học máy móc”. Và Ông cũng lưu ý rằng trong cái “logic toán học máy móc” ấy, “bỏ qua con số định lượng, chỉ xét định tính, thì đó là logic cuộc đời” – nó chứa đựng một sự thật không dễ chịu.

Số ít không bao quát bằng số đông. Số ít dễ bị tác động, còn số đông thì khó bị mua chuộc. Muốn BCH TƯ khoá XIV sắp tới có người tài, người có đức thì cần có cách tiếp cận khác.

Vậy phải làm cách nào?

ĐỀ XUẤT

1. Chống tham nhũng bằng kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý kỷ luật như hiện nay là việc làm nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của nhân dân. Nhưng nạn tham nhũng đã lan tràn trong hàng ngũ cán bộ trung cao cấp. Cần thêm các biện pháp khác có khả năng loại trừ tận gốc phần lớn nạn tham nhũng. Trong số đó, quan trọng bậc nhất là cải cách thể chế, cải cách phương thức quản lý nhà nước.

2. Ngoài cải cách thể chế, cải cách phương thức quản lý nhà nước, thì còn phải thay đổi phương thức tuyển chọn nhân sự. Cách tuyển chọn nhân sự hiện tại, qua thực tiễn 4 kỳ Đại hội X, XI, XII, XIII cho thấy để lọt vào BCHTƯ rất nhiều UVTƯ và UVBCT không đủ tài, kém phẩm chất, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm mất lòng tin của Nhân Dân, và gây thiệt hại to lớn cho Nhà nước.

3. Số ít nắm quyền làm nhân sự, dù tài giỏi đến đâu, cũng không nhìn bao quát hết, vừa không đại diện cho số đông, vừa dễ bị tác động tiêu cực, nên không tài nào ngăn cản được tình trạng suy thoái của cán bộ cao cấp, nhất là trong hoàn cảnh cơ chế hiện nay. Cần phải nhìn nhận lại cách làm nhân sự này. Cách làm nhân sự này không chỉ dẫn đến tình trạng lãnh đạo thế hệ sau không bằng lãnh đạo thế hệ trước, mà nguy hiểm hơn, là bảo vệ và duy trì quyền lực, dẫn đến nguy cơ làm gia tăng tham nhũng quyền lực.

4. Con đường rèn luyện thực tiễn bằng cách thuyên chuyển cán bộ cần cải tổ lại, tránh hình thức và lãng phí. Việc thuyên chuyển cán bộ hiện nay do từ trên đưa xuống, nếu có thăm dò ý kiến thì cũng mang tính hình thức, dẫn đến tình trạng không biết việc, ngồi không nóng chỗ, không hành động để tránh va chạm, hệ quả cuối cùng là không hiệu quả. Trong việc thuyên chuyển cán bộ cần đề cao vai trò của địa phương nhận nhân sự. Địa phương nhận nhân sự cần có tiếng nói quyết định thì nhân sự mới có chất lượng, hữu ích cho địa phương.

5. Công tác Đoàn thanh niên và các Đoàn thể khác (Công đoàn, Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…) là quan trọng. Tuy nhiên, công tác Đoàn thể không đối mặt với các tình huống khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” hay “một mất một còn”, nên không thể hiện được tài năng của lãnh đạo. Bởi thế, tuyển chọn nhân sự qua con đường Đoàn thể cần xem xét lại. Thực tiễn cho thấy, các cán bộ cấp cao thăng tiến từ con đường Đoàn thể chẳng những không có năng lực, mà còn vi phạm khuyết điểm với tỷ lệ không nhỏ.

6. Mở rộng dân chủ trong Đảng để cho số đông lựa chọn nhân sự là phương thức tốt nhất trong công tác nhân sự, được thực tiễn kiểm nghiệm. Đó là con đường duy nhất đúng để tìm ra lãnh đạo có tài, có đức. Hơn thế nữa, mở rộng dân chủ để số đông lựa chọn lãnh đạo còn là biện pháp hữu hiệu nhất chống lại tham nhũng quyền lực – nguy hiểm nhất trong các hình thức tham nhũng.

Tự nguyện từ bỏ quyền lực là điều vô cùng khó khăn. Nên con đường mở rộng dân chủ đầy gian truân.

Nói đến mở rộng dân chủ trong Đảng cũng là nói đến mở rộng dân chủ trong dân. Dân chủ là mục tiêu của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

TÀI LIỆU DẪN:

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_sách_quan_chức_Việt_Nam_bị_kỷ_luật

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Võ_Văn_Thưởng

[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Xuân_Phúc

[4] https://vov.vn/chinh-tri/trung-uong-dong-y-de-ong-vo-van-thuong-thoi-giu-chuc-chu-tich-nuoc-post1083879.vov

[5] https://tuoitre.vn/3-trieu-usd-xep-day-2-vali-1-balo-duoc-ong-nguyen-bac-son-de-ngoai-bancong-20191019151938607.htm

[6] https://tienphong.vn/ong-chu-ngoc-anh-de-that-lac-200000-usd-cua-phan-quoc-viet-bieu-post1601792.tpo

[7] https://vnexpress.net/cuu-bo-truong-y-te-nguyen-thanh-long-bi-truy-to-nhan-2-25-trieu-usd-4658981.html

[8] https://laodong.vn/thoi-su/bi-thu-tinh-uy-ben-tre-le-duc-tho-giai-trinh-khong-trung-thuc-ve-tai-san-1230080.ldo

[9] https://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/lat-lai-sieu-du-an-khien-ca-chu-tich-va-bi-thu-tinh-uy-lam-dong-bi-bat-i721216

[10] https://vietnamnet.vn/bi-cao-do-thi-nhan-khai-nhan-5-2-trieu-usd-de-tien-vao-goc-nha-khong-dung-2257391.html

[11] https://tuoitre.vn/nhung-nguoi-nhu-ong-do-huu-ca-co-dang-mat-lam-tuong-20240226080405017.htm

[12] https://thanhnien.vn/dong-nai-chu-tich-ubnd-hnhon-trach-bi-boc-hoi-hon-170-ti-dong-trong-tai-khoan-18524032216194666.htm

Số lượng cán bộ trung, cao cấp vi phạm kỷ luật càng ngày càng nhiều, nhất là cán bộ cao cấp bao gồm nhiều UVTƯ và UVBCT, đã đặt ra câu hỏi cấp bách về cách làm nhân sự cho Đại hội Đảng.

Nhân sự Đại hội XII, dù đã “làm rất kỹ” nhưng vẫn để lọt nhiều cán bộ kém đạo đức và kém tài năng đứng trong hàng ngũ Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) khoá XII. Có ít nhất là 10 UVTƯ, bao gồm ba UV BCT khoá XII bị kỷ luật. Chưa kể đến hàng loạt các UVTƯ và UVBCT khoá XI cũng bị kỷ luật trong nhiệm kỳ khoá XII [1].

Nguyễn Ngọc Chu

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/pfbid0aZtaGMtQVyZqCx7UqVqUxxv266r9vKuyHPPxwk2diHFNmrpZDoRvnu2NEguuuGmal

NGUỒN:Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng, nhìn về công tác cán bộ (TD 26-3-2024)      [https://baotiengdan.com/2024/03/26/tu-truong-hop-ong-vo-van-thuong-nhin-ve-cong-tac-can-bo/]

VIỆT NAM: CHỦ TỊCH NƯỚC BỊ CÁCH CHỨC, TỔNG BÍ THƯ BỊ
TIẾM QUYỀN?
RFI & Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM)/ BVN 26-3-2024



Chưa đầy hai năm, Việt Nam lại tìm chủ tịch nước lần thứ ba. Ông Võ Văn Thưởng, người được ông Nguyễn Phú Trọng che chở, không thoát khỏi chiến dịch “đốt lò”, dù trước đó ông đã được tổng bí thư “cứu” một lần. Trái với người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng ra đi với những lời chỉ trích gay gắt của Đảng: Những vi phạm, khuyết điểm của ông “đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”.
Tại sao lần này ông Thưởng không qua được cửa ải? Một trong những lý do gián tiếp có lẽ là tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư dường như bị những người giúp ông làm trong sạch bộ máy đảng tiếm quyền. Trên đây là một trong những nhận định của giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt ngày 21/03/2024.
- RFI: Ông Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước thứ hai phải từ chức trong vòng hơn một năm. Đây là chuyện vô cùng hiếm trong lịch sử Việt Nam. Nên hiểu hiện tượng này như thế nào?
- Benoît de Tréglodé: Trước hết phải nói rằng đây là một sự kiện có nhiều ý nghĩa. Ông Võ Văn Thưởng, người thân cận và được tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng che chở, đã được vạch cho một sự nghiệp sáng lạn từ năm ngoái (2023). Mọi người đều cho rằng ông sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng, kể cả chức tổng bí thư Đảng thay ông Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm thích hợp. Ông Thưởng có cả một quá trình công tác, một sự nghiệp hoàn toàn phù hợp với những gì mà ông Trọng trông đợi ở một nhà lãnh đạo cấp cao cho Nhà nước Việt Nam. Vậy mà bỗng dưng ông Thưởng “ngã ngựa”, lại vào lúc chưa đầy hai năm nữa là tới kỳ Đại hội Đảng.
Vậy có thể rút ra những bài học gì từ sự kiện này?
Trước mắt, tôi thấy được ba bài học. Thứ nhất, kể cả người được ông Trọng bảo vệ cũng “ngã ngựa”, có nghĩa là ông Trọng không còn mạnh như trước đây, cho nên các đối thủ của ông tự cho phép đánh bật ông Võ Văn Thưởng. Vì vậy, bài học rút ra, đó là chủ tịch nước bị buộc thôi chức cũng đồng nghĩa với việc ông Nguyễn Phú Trọng không còn đủ khả năng ngăn cản việc này. Nên nhớ là cách đây ít lâu, đích thân ông Trọng đã can thiệp vào bộ máy Nhà nước để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình. Nhìn từ khía cạnh này thì đây là một điểm rất đáng quan tâm.
Yếu tố thứ hai, để buộc chủ tịch nước Việt Nam từ chức, người ta lôi lại một vụ tham nhũng từ cách đây 12 năm, khi ông Võ Văn Thưởng làm bí thư tỉnh Quảng Ngãi. Hậu quả vụ tham nhũng bất ngờ ập xuống sau 12 năm. Cho nên, có thể thấy đây chỉ là một cái cớ chính trị để hạ gục một người hiện trở thành mối nguy hiểm cho những mục tiêu và tham vọng của một số người khác.
Điểm thứ ba, tôi cho là vô cùng quan trọng, đó là những chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Nguyễn Phú Trọng trong khi ông vốn là một trong những người đấu tranh mạnh mẽ chống tệ nạn này ngay từ nhiệm kỳ đầu vào năm 2011. Hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ bộ Công an, dưới trướng ông Tô Lâm và bộ trưởng Công an gần như là chỉ huy chính những chiến dịch này. Trước đây, ông Tô Lâm luôn phải đối phó với ảnh hưởng rất mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng.
Đây là ba bài học từ việc chủ tịch nước bị lật đổ mà theo tôi, mang đầy tính chính trị và tình thế.
- RFI: Với tư cách là một nhà nghiên cứu, quan sát nước ngoài, ông nhận định như thế nào về việc hai chủ tịch nước bị buộc từ chức chỉ trong hơn một năm?
- Benoît de Tréglodé: Trước tiên phải nói là tôi không quá bất ngờ. Đúng là cách đây vài tháng, thậm chí là vài tuần, nhiều nhà quan sát về tình hình chính trị Việt Nam, cũng như nhiều người Việt mà tôi vẫn trao đổi, đều tin vào tương lai sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng. Vậy mà ông bất ngờ bị hạ bệ, một cách khá tàn bạo.
Đối với tôi, nếu nhìn vào ba bài học đã đề cập ở trên thì thời thế đã thay đổi và cuộc chiến thừa kế trong Đảng đã bắt đầu. Có thể là một số người trong vòng quyền lực thứ nhất biết được tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng và tự cho phép khơi mào cuộc chiến hay còn gọi là cuộc đấu tranh nội bộ để giữ những vị trí cao nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Có nghĩa là cuộc tranh giành kế thừa ông Trọng đã được phát động. Nếu tình trạng sức khỏe của tổng bí thư Đảng không suy yếu như hiện nay thì chuyện lẽ ra phải xảy ra trong năm 2025 thì lại đến sớm hơn, ngay từ bây giờ. Cuộc chiến kế thừa sẽ không chờ đến tháng 01/2026 vào kỳ Đại hội Đảng sắp tới.
Một điểm khác cần lưu ý, khi tổng bí thư Đảng nắm giữ chức chủ tịch tiểu ban nhân sự, ông Nguyễn Phú Trọng cho phần còn lại của giới lãnh đạo thấy rằng ông chưa tìm được người kế nhiệm rõ ràng. Ông cho thấy là vẫn muốn có ảnh hưởng đến việc chọn người kế nhiệm. Tuy nhiên, hiện giờ, việc ông Võ Văn Thưởng bị loại cho thấy ông Trọng không còn ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm người kế nhiệm tương lai.
Tại sao chiến dịch chống tham nhũng, không biết lần thứ bao nhiêu, dường như lại loại bỏ chính người được ông Trọng bảo vệ? Tại sao lại viện đến cái cớ cũ rích là một vụ tham nhũng ở tỉnh Quảng Ngãi cách đây 12 năm để loại ông Thưởng? Đối với tôi, rõ ràng sự kiện này cho thấy khởi đầu của một cuộc đấu đá nội bộ giành quyền kế vị giữa các phe phái đang chi phối quyền lực Nhà nước Việt Nam.
- RFI: Việc thay đổi một vị trí trong “Tứ trụ” trong khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ tác động như nào đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế?
- Benoît de Tréglodé: Trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị, thực ra, theo tôi hiểu giờ còn 14, nếu căn cứ vào điều lệ Đảng để có thể được bầu vào vị trí tổng bí thư, thì có lẽ chỉ còn 4 ứng cử viên có thể đủ điều kiện. Có thể thấy là có sự thắt chặt và thay đổi khá rõ ràng.
Liên quan hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tôi cho là tác động sẽ ở mức vừa phải trong thời gian đầu. Tất cả các nhà quan sát, kể cả thuộc các tổ chức công hay tư đều biết rằng bộ máy chính trị Nhà nước sẽ có biến động trước kỳ Đại hội Đảng tới. Dĩ nhiên, chuyện lại xảy ra sớm hơn dự kiến, vì như tôi nói, điều được cho là có thể xảy ra vào năm 2025 lại xảy ra ngay năm 2024. Nhưng giới quan sát đã đoán được chuyện đó.
Tuy nhiên, những xáo trộn trong nội bộ không có nghĩa là bộ máy Nhà nước Việt Nam sụp đổ, mà ngược lại, lại được củng cố. Đây chỉ là cuộc tranh giành những vị trí trống và để biết được thực sự rằng liệu nhân vật quyền lực hiện nay – tôi nghĩ chủ yếu đến bộ trưởng Công an – có đạt được mục tiêu của ông trong khuôn khổ tái cơ cấu các vị trí quyền lực đứng đầu Đảng hay không, nếu thực sự là sức khỏe của tổng bí thư tiếp tục suy yếu.
Theo tôi, hình ảnh của Việt Nam sẽ bị tác động vừa phải, bởi vì điều quan trọng là tăng trưởng của Việt Nam, đúng là thấp hơn một chút so với mong đợi nhưng vẫn ở mức đáng ngạc nhiên. Nền kinh tế Việt Nam được lợi rất nhiều từ các chính sách giảm thiểu rủi ro với Trung Quốc. Tôi tin chắc là các chuyên gia về rủi ro chính trị của những đại tập đoàn, những nhà đầu tư nước ngoài lớn không thấy mầm mống bất ổn trong nước cho nên tác động kinh tế từ những biến cố chính trị sẽ ở mức vừa phải.
- RFI: Việt Nam luôn ca ngợi và lấy “sự ổn định chính trị” làm lý do thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chuyện hai chủ tịch nước lần lượt phải từ chức có đi ngược lại với khẳng định này không?
- Benoît de Tréglodé: Trước tiên, quyết định tước chức vụ chủ tịch nước của ông Thưởng không phải được đưa ra trong hỗn loạn hay bất cẩn. Chúng ta biết là trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông Lê Hoài Trung, đã thăm Trung Quốc trong hai ngày 18-19/03. Tại tỉnh Cát Lâm, ông hội đàm với ông Lưu Kiến Siêu, trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là người đối thoại của đảng Cộng sản Việt Nam trong trường hợp cần trao đổi với nước láng giềng. Có thể hình dung là vấn đề cách chức chủ tịch nước Việt Nam đã được bàn thảo ở Cát Lâm ngay hôm 18/03.
Giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có một truyền thống chính trị, đó là đề cập, trao đổi các vấn đề chính trị quan trọng. Đây hoàn toàn không phải là chuyện giới hạn chủ quyền. Cuộc gặp hôm Thứ Hai (18/03) ở Cát Lâm có ý nghĩa quan trọng, cho thấy là các nhà lãnh đạo Việt Nam biết là họ đi về đâu. Quyết định không được đưa ra trong hoảng loạn mà được tham vấn kỹ càng. Quyết định đó hướng tới một mục tiêu đã xác định, đó là cân nhắc đến việc tổ chức lại các vị trí lãnh đạo, có thể sẽ được thực hiện trước dịp Đại hội Đảng lần tới vào năm 2026.
Sự ổn định này là mục tiêu trước tiên của tầng lớp chính trị Việt Nam. Họ biết tăng trưởng kinh tế là mục tiêu đầu tiên của đảng Cộng sản. Họ biết đất nước giàu mạnh là một dữ liệu căn bản để tạo ra sự ổn định về kinh tế, xã hội của đất nước. Mục tiêu này sẽ không bị ảnh hưởng vì chủ tịch nước đột ngột từ chức.
- RFI: Liệu sắp tới chuyện gì có thể xảy ra?
- Benoît de Tréglodé: Chuyện này phức tạp, đó là điều mà giới chuyên gia về vấn đề chính trị ở Việt Nam thường mượn từ “Criminologie”, tức một kiểu “tin đồn, tin nói hớ” để hiểu được chuyện sẽ xảy ra như nào. Tôi là một nhà nghiên cứu về Việt Nam đương đại, tôi không nằm trong nội bộ guồng máy quyền lực Việt Nam nên dĩ nhiên đối với tôi, tất cả những đồn đại này chỉ là các giả thuyết.
Một trong những giả thuyết, đó là sẽ chọn ra được một ứng viên thay thế ông Võ Văn Thưởng từ nay đến tháng Năm. Nhưng nhiều nhà quan sát nghi ngờ là liệu quyền chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân có giữ luôn thêm một thời gian chức vụ này hay không.
Ngoài ra cũng có giả thuyết là gộp hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư, như ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ từ 2018 đến 2021, chuyện này cũng có thể xảy ra. Đúng là một số người có thể nghĩ rằng ông Trọng sẽ kiêm nhiệm hai chức vụ nhưng tôi cho rằng một trong những lý do lật ông Võ Văn Thưởng có thể là do sức khỏe của ông Trọng xấu đi, dù chúng ta không có bất kỳ thông tin y tế nào để nắm rõ. Trong trường hợp này, ông Trọng có lẽ không đủ sức khỏe để giữ cả hai vị trí về lâu dài.
Trong số những ứng viên được nêu lên, người ta cũng nhắc đến nhân vật quyền lực hiện nay ở Việt Nam là bộ trưởng Công an có thể cũng muốn kiêm nhiệm cả hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước. Đừng quên là ông Tô Lâm đã từ chối nếu chỉ giữ một mình chức chủ tịch nước. Nhìn vào ảnh hưởng của ông trong bộ máy Nhà nước, điều quan trọng đầu tiên đối với ông Tô Lâm, có lẽ là phải tìm ra được người kế nhiệm. Đã có một vài tên tuổi và có một người thân cận mà ông muốn giao trọng trách đứng đầu bộ Công an. Vị trí này có tầm quan trọng đối với ông Tô Lâm, bởi vì phải để những chiến dịch chống tham nhũng trong tương lai không “động” đến ông ấy. Cho nên ông Tô Lâm thực sự cần đến một trợ thủ đắc lực, sau đó để ông có thể rảnh rang giữ chức vụ mà ông có nhiều khả năng sẽ được giao. Nhưng đó chỉ là những giả thuyết!
Điều chắc chắn là ông Tô Lâm hiện là nhân vật trung tâm của công tác bổ nhiệm các lãnh đạo lớn sắp tới của bộ máy Nhà nước Việt Nam nên ông ấy sẽ cân nhắc và tính toán. Và có thể nói chắc chắn chính ông đã khéo léo can thiệp đến chuyện xảy ra hôm nay (21/03) với sự từ chức bất ngờ của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
*
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
Nguồn:

RFI Tiếng Việt
https://l.facebook.com/l.php?u=https%3A%2F%2Fwww.rfi.fr%2Fvi%2Ft%E1%BA%A1p-ch%C3%AD%2Ft%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam%2F20240325-viet-nam-chu-tich-nuoc-bi-cach-chuc-tong-bi-thu-bi-tiem-quyen%3Ffbclid%3DIwAR0uC-izjHcJ-

Bauxite Vietnam

https://www.facebook.com/profile.php?id=100071353650766&__cft__[0]=BVN