Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

20230108. BÀN VỀ XÂY DỰNG TRƯỜNG PHI LỢI NHUẬN Ở VN

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TS TRẦN ĐỨC CẢNH: ĐÂY LÀ THỜI ĐIỂM PHÙ HỢP ĐỂ XÂY DỰNG TRƯỜNG PHI LỢI NHUẬN Ở VIỆT NAM

THUỲ LINH th/ GDVN 29-12-2022

Diễn giả Trần Đức Cảnh – Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam những điểm cần hiểu rõ về đại học không vì lợi nhuận, và cơ hội cho loại hình này phát triển trong thời gian tới tại Việt Nam.

TS Trần Đức Cảnh: đây là thời điểm phù hợp để xây dựng trường phi lợi nhuận ở VN ảnh 1

Diễn giả – Tiến sĩ Trần Đức Cảnh (Ảnh: Phạm Minh)

Phóng viên: Những năm gần đây mô hình trường không vì lợi nhuận được nhắc đến nhiều tại các hội thảo cũng như trong các văn bản của bộ ngành liên quan đến giáo dục đại học, bản thân ông đã từng đề xuất loại hình trường này nhiều lần, xin ông cho biết lý do?

Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Loại hình trường không vì lợi nhuận còn có tên là phi lợi nhuận thực ra không mới, nó đã có hằng trăm năm trước ở các nước và cũng đã qua nhiều giai đoạn phát triển. Tôi rất mừng khi loại hình trường này đã được đưa vào Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018.

Tôi là một trong những người đề xướng loại hình trường không vì lợi nhuận từ nhiều năm trước vì thấy khả năng tận dụng và tập hợp nhiều nguồn lực xã hội cho mục tiêu phát triển giáo dục như các nước phát triển trên thế giới đã từng và rất cần thiết cho bối cảnh giáo dục đại học nước nhà; khả năng nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu cũng như đầu ra tốt do sự linh động và cấu trúc tài chính của loại hình trường này. Tôi tin là loại hình trường này sẽ xuất hiện, song song cùng với hệ thống trường công và tư hiện nay.

Phóng viên: Từ ngữ "không vì lợi nhuận" hay "phi lợi nhuận" có thể làm cho nhiều người nghĩ nếu trường không có lợi nhuận thì làm sao có tài chính để hoạt động, như vậy có thực tế không?

Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Có nhiều người đã hỏi tôi như thế. Từ không vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận rất sát nghĩa với “non-profit” trong tiếng Anh, loại hình tổ chức xã hội rất phổ biến trên thế giới, bao gồm cả giáo dục, nó đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các nước.

Mô hình trường không vì lợi nhuận hoạt động như một trường tư, Hội đồng quản trị quyết định các chính sách và quy mô hoạt động của trường, Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu thực thi các chính sách này song song với công tác quản lý.

Trường không vì lợi nhuận phải cân đối thu chi từ học phí và các nguồn thu khác, nhưng khác với trường tư (lợi nhuận) là lợi tức thu được của trường không được phân chia cho chủ đầu tư hay cổ đông, mà phải dùng để tái đầu tư phát triển trường, bao gồm đầu tư cơ sở vật chất, cấp học bổng cho sinh viên, chi cho các đề tài nghiên cứu...

Do đó nếu một trường không vì lợi nhuận hoạt động hiệu quả thì nguồn đầu tư từ tích lũy tài chính thường sẽ lớn hơn các loại hình trường khác. Điển hình là 8 trường trong nhóm Ivy League của Mỹ, Đại học Harvard tích lũy vốn nhiều nhất 53,2 tỷ USD (2021) và thấp nhất là Đại học Brown 6,9 tỷ USD.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về nguồn đầu tư, tài chính ban đầu, cũng như hoạt động lâu dài của loại trường không vì lợi nhuận?

Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Quá trình hình thành loại trường không vì lợi nhuận ở các nước phương Tây, ban đầu hầu hết là do các tổ chức tôn giáo thành lập và bảo trợ, dần dần có cá nhân và các tổ chức cộng đồng tham gia xây dựng, đóng góp cho các trường không vì lợi nhuận các cấp qua hình thức hiến tặng, trường hoạt động song song và có phần tương quan với hệ thống trường công lập.

Nhà nước cũng có vai trò trong việc phát triển loại hình trường này, ở Mỹ, Đạo luật Land Grand ban hành năm 1862, chính quyền liên bang cấp một số lớn đất cho các tiểu bang để giao miễn phí cho một số tổ chức trường không vì lợi nhuận, khuyến khích đầu tư nông nghiệp và cơ khí. Chính sách này đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển ngành nông nghiệp và cơ khí tại Mỹ cuối thế kỷ 19 và sang thế kỷ 20. Ngày nay các trường này đã chuyển thành đa ngành.

Lợi thế của các trường không vì lợi nhuận ở các nước là hầu hết có lịch sử lâu đời, tích lũy tài sản cho trường, uy tín trong xã hội và có lượng lớn cựu sinh viên thành đạt sẵn sàng đóng góp, và luôn bảo vệ trường.

Tuy nhiên cấu trúc tài chính vẫn là mấu chốt để các trường không vì lợi nhuận tồn tại và phát triển. Một, là họ sử dụng phần lợi nhuận để tái đầu tư chứ không chia lời cho các cổ đông. Hai, phần hiến tặng từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho trường được khấu trừ vào thuế. Ba, nhà nước không thu thuế doanh nghiệp và VAT trường không vì lợi nhuận. Bốn, nhà nước đối xử bình đẳng, không phân biệt trường công hay tư trong việc hợp đồng dịch vụ và nghiên cứu.

Phóng viên: Theo ông để hình thành loại trường không vì lợi nhuận trong môi trường và điều kiện của nước ta lúc này là gì?

Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Quốc hội đã đưa loại hình trường không vì lợi nhuận vào Luật Giáo dục là bước tiến quan trọng, tuy nhiên các luật khác cũng phải điều chỉnh, sửa đổi cho đồng bộ, đồng thời các văn bản dưới luật cũng phải ban hành để hướng dẫn nhà đầu tư. Phần quan trọng không kém là có sự hỗ trợ tích cực của các ban ngành, địa phương trong quá trình đầu tư xây dựng và phát triển trường.

Theo Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục: để đầu tư một trường đại học phải chứng minh vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ đồng, yêu cầu này hợp lý cho loại trường nặng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Thời đại ứng dụng công nghệ giáo dục, chí phí đầu tư ban đầu có thể thấp hơn.

Tuy nhiên để đầu tư một trường không vì lợi nhuận, theo tôi nhà đầu tư cũng cần chứng minh vốn tối thiểu 20%, phần còn lại có thể đến từ nhiều nguồn: đóng góp, hiến tặng và vốn vay, linh động tùy theo quy mô và điều kiện của từng mỗi dự án trường.

Ngày nay việc đầu tư cho trường không vì lợi nhuận không còn là việc quá khó với một số cá nhân, tổ chức hay công ty. Họ có nguồn lực để đầu tư một trường hay góp phần xây dựng trường không vì lợi nhuận. Nhà đầu tư cũng cần phải xác định rõ mục tiêu giáo dục và hiểu cách vận hành của loại trường này, đồng thời cũng phải kiên trì vì thời gian trưởng thành phải mất vài thập kỷ mới thấy giá trị sản phẩm đào tạo con người.

Ngoài việc xây dựng mới trường không vì lợi nhuận, nhà nước cũng có thể xem xét cho phép một số ít trường công hoạt động không hiệu quả được chuyển sang loại hình trường không vì lợi nhuận với điều kiện phải bảo đảm tài sản nhà nước giao không bị thất thoát.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về lợi thế của loại hình trường không vì lợi nhuận mục đích là đầu tư cho giáo dục?

Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Trường không vì lợi nhuận không bị vướng cơ chế trường công và cũng không bị áp lực bởi lợi nhuận. Tuy nhiên, trường không vì lợi nhuận sẽ bị áp lực từ những người đóng góp, sinh viên và xã hội. Trường cũng phải rất linh hoạt trong việc gây quỹ, cân đối tài chính từ nhiều nguồn, chứ không riêng học phí.

Một trong những mục tiêu chính của trường không vì lợi nhuận là tạo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học và đào tạo nhân tài. Điển hình học phí trung bình của 8 trường Ivy League (Mỹ) năm 2021 là 50.269 USD/năm, nhưng họ cấp học bổng cho 49% số sinh viên của trường, thuộc các gia đình có thu nhập thấp. Nên mức học phí trung bình (net) cuối cùng chỉ còn ở mức 21.828 USD. Không ngạc nhiên khi nhiều cựu sinh viên thành đạt hiến tặng cho các trường nhiều triệu USD mỗi năm.

Tinh thần và truyền thống hiến tặng, đóng góp không chỉ ở các trường hàng đầu mà cả hệ thống trường không vì lợi nhuận, tinh thần này đến từ hai phía.

Chúng ta thường nghe sinh viên xuất sắc của Việt Nam nhận học bổng toàn phần tại trường ở Mỹ, hầu hết là tại các trường không vì lợi nhuận.

Phóng viên: Ông nghĩ gì về khả năng đầu tư, tinh thần đóng góp của cá nhân, tổ chức cho loại hình trường không vì lợi nhuận tại Việt Nam hiện nay?

Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Bản thân tôi là sản phẩm của nhiều trường không vì lợi nhuận và tham gia nhiều hoạt động của trường nên hiểu rất rõ tinh thần, giá trị cũng như ưu và khuyết điểm của loại hình trường này.

Việt Nam không có loại hình trường không vì lợi nhuận trong thời gian dài, nên còn xa lạ và cũng không ít người nghi ngờ khả năng thành công của loại hình trường này trong môi trường và bối cảnh xã hội hiện nay. Tuy nhiên, loại hình trường không vì lợi nhuận đã trở nên phổ quát hàng thế kỷ, và không ít trường trở thành tinh hoa của thế giới.

Đầu tư vào trường không vì lợi nhuận dành cho một số cá nhân, tổ chức, công ty thật sự tâm huyết và đặt mục tiêu vào phát triển giáo dục chứ không phải vì lợi nhuận. Đóng góp theo hình thức hiến tặng và đầu tư ban đầu là công cụ để hình thành loại trường không vì lợi nhuận, lâu dài trường tự cân đối tài chính.

Tôi tin đây là thời điểm phù hợp nhất để xây dựng trường không vì lợi nhuận tại Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn chuyên gia Trần Đức Cảnh.

Thùy Linh (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét