Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

20221127. BÀN VỀ CHỨC NĂNG CỦA TRUYỀN THÔNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BỘ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HÙNG NÓI VỀ CÔNG TÁC BÁO CHÍ VÀ CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG

VNN 25-11-2022

Báo VietNamNet xin giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị toàn quốc về công tác truyền thông chính sách, tổ chức ngày 24/11/2022.

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Kính thưa các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Địa phương

Thưa các đồng chí

Báo chí cách mạng thì cách mạng ở chỗ tiên tiên phong, đi đầu. 97 năm qua đã như vậy và sẽ tiếp tục như vậy.

Báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội nước ta, không biến dòng phụ thành dòng chính. Dòng chính của chúng ta đang là tốt, bởi vậy phải lan toả cái tốt, tạo ra đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, niềm tin vào chế độ. Niềm tin xã hội là một sức mạnh, làm mất niềm tin xã hội là làm xói mòn sức mạnh quốc gia.

Báo chí cũng phải nói cái xấu, phê bình cái xấu trong xã hội. Tỷ lệ tin bài loại này dưới 10% thì không làm xói mòn niềm tin, nhưng đủ sức cảnh báo, đấu tranh với cái xấu. Tỷ lệ này mà trên 30%, cái xấu sẽ được cảm nhận là cái chính trong xã hội.

Báo chí không chỉ đưa tin, mà còn là các bài phân tích, đề xuất các giải pháp. Có người gọi là báo chí giải pháp. Tạo ra các không gian cho người dân, chuyên gia tham gia tranh luận, tìm kiếm giải pháp, chính sách để phát triển đất nước. Đây sẽ là đóng góp mới của báo chí.

Tỷ lệ các bài về tuyên truyền chính sách chưa cao. Tin tức về giải trí đang là cao nhất. Nếu người dân không biết, không hiểu chính sách của Đảng và Chính phủ thì hoặc người dân không làm, hoặc làm lại không đúng. Chính sách không được giải thích, không đến được mọi người dân làm sao chính sách thành công được. Rồi còn truyền thông pháp luật, truyền thông vì các lợi ích công cộng, truyền thông ứng phó, thích nghi với các tình huống khẩn cấp, truyền thông dịch vụ công của chính phủ, truyền thông hình ảnh quốc gia, bộ ngành, địa phương... Còn nhiều truyền thông mà chúng ta chưa làm. Báo chí cũng phải nhận lỗi việc này.


Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên nói đến khát vọng Việt Nam. Khát vọng hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI. Báo chí hãy nhận lấy một sứ mệnh mới, đó là khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam, biến khát vọng này thành sức mạnh tinh thần để xây dựng đất nước.

Báo chí là một phương tiện truyền thông. Còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Công tác truyền thông bao gồm việc đưa thông tin gì ra cho báo chí, sử dụng phương tiện truyền thông nào, tức là lập kế hoạch truyền thông và bố trí ngân sách cho truyền thông. Từ trước đến nay, vẫn có sự nhầm lẫn là báo chí làm công tác truyền thông, và vì thế, chính quyền các cấp không làm công việc này. Do vậy mà hay xảy ra khủng hoảng truyền thông của các cấp chính quyền. Báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là, báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền.

Báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi

Các báo đài chưa tự chủ tài chính thì được chính quyền các cấp bố trí ngân sách. Nhưng những báo đài lớn, có ảnh hưởng lớn tới xã hội, đang tự chủ tài chính, lại không có tiền thường xuyên từ ngân sách, cũng không có đặt hàng từ ngân sách. Các báo đài này đang dựa trên thị trường gần như 100%. Và dễ có xu thế trở thành báo chí thị trường.

Nếu gộp lại cả báo đài tự chủ và chưa tự chủ tài chính, ngân sách nhà nước chỉ chiếm 23% tổng thu của báo đài, 77% còn lại là do báo đài thu từ dịch vụ. Tức là, cái dạ dày của báo chí đang được thị trường nuôi tới 77%.

Nhưng vấn đề hiện nay là phần thu dịch vụ của báo chí, nhất là từ quảng cáo, ngày càng bị mất vào tay các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng này, báo chí của chúng ta chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông thì báo chí của chúng ta chỉ còn 40%. Nguồn thu đang bị suy giảm mạnh (hàng chục ngàn tỷ đồng), báo chí đang rất khó khăn, và vì thế mà cần hơn nữa đặt hàng từ Nhà nước.

Về đầu tư cho báo chí cách mạng

Trước đây, chúng ta quan niệm làm báo chỉ cần cây bút, tờ giấy, do vậy không cần đầu tư nhiều cho các cơ quan báo chí, có chăng thì cho cái nhà. Nhưng điều này không còn đúng nữa. Bây giờ mà không có công nghệ là không thể làm báo. Làm truyền hình thì còn cần đầu tư công nghệ nhiều hơn nữa. Mạng xã hội, nền tảng số đang lấn sân báo chí chính là do họ mạnh về công nghệ. Tụt hậu về công nghệ là không thể giữ được người đọc, là mất báo chí cách mạng. Bởi vậy, các cơ quan chủ quản báo chí phải quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ cho các cơ quan báo chí. Chiến lược Chuyển đổi số báo chí mà Thủ tướng Chính phủ sắp phê duyệt là để hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là tới lĩnh vực truyền thông, nó phá huỷ mô hình truyền thông truyền thống. Báo chí muốn tồn tại được phải chuyển đổi số, phải trở thành một tổ chức công nghệ. Công nghệ phải chiếm tới 30% hoạt động của một cơ quan báo chí. Đã đến lúc phải đầu tư mạnh mẽ công nghệ cho các báo đài để giữ vững trận địa. Hiện nay, mỗi năm đầu tư cho báo chí là chưa đến 0,2% tổng chi đầu tư của ngân sách, là mức rất thấp, khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

Nhận thức lại về công tác truyền thông

Công tác truyền thông là một việc, một chức năng của chính quyền các cấp. Không những vậy, trong thời đại truyền thông xã hội, khi ai cũng có thể là tờ báo, là đài truyền hình, thì công tác truyền thông là một việc, một chức năng rất quan trọng của chính quyền. Chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông. Bộ phận này có thể đứng riêng, có thể đưa về một vụ, một sở. Sở TT&TT tại các địa phương là làm quản lý nhà nước về báo chí, chứ không phải làm công tác truyền thông. Tỉnh muốn giao chức năng này về sở TT&TT thì phải bổ sung chức năng, nhân lực, vật lực để làm. Người phụ trách công tác truyền thông của các bộ ngành, địa phương ít nhất cũng phải cấp vụ phó, phó giám đốc sở, mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Vì công tác truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, vậy nên truyền thông phải là một mục trong chi phí. Chính quyền các cấp phải có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Tăng thêm ngân sách cho truyền thông, cả chi thường xuyên và đầu tư, trong lúc này là rất cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực, sẽ giúp cho báo chí hoàn thành được nhiệm vụ tạo nên đồng thuận xã hội, niềm tin và khát vọng Việt Nam. Đầu tư cho báo chí, truyền thông sẽ là đầu tư hiệu quả nhất. Vì nó tạo ra sức mạnh của nhận thức, sức mạnh của tinh thần.

Kính thưa các đồng chí

Bộ TT&TT, ngành TT&TT, báo chí cách mạng, giới truyền thông toàn quốc trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã cho phép tổ chức hội nghị toàn quốc để bàn về công tác truyền thông chính sách của Chính phủ. Thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng đối với công tác truyền thông. Sau hội nghị này, chính quyền các cấp sẽ có sự thay đổi nhận thức về công tác truyền thông, coi truyền thông là một chức năng quan trọng của chính quyền, trực tiếp làm chủ công tác truyền thông, bổ sung các nguồn lực cho truyền thông, thì chất lượng truyền thông chính sách sẽ có sự thay đổi căn bản về chất. Các cơ quan báo chí cũng sẽ có động lực mới, nguồn lực mới để làm tốt hơn truyền thông chính sách của chính quyền các cấp.

Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Xin cảm ơn các đồng chí!

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

TRUYỀN THÔNG LÀ CHỨC NĂNG CỦA CHÍNH QUYỀN

KHÔI NGUYÊN/TVN 26-11-2022

Khi các cấp chính quyền chủ động phối hợp truyền thông với các cơ quan báo chí sẽ là nền tảng quan trọng nhất cho việc làm chủ tình hình trong bối cảnh hiện nay.

Cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915- 27/4/1998) đã viết loạt bài “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân với bút danh N.V.L.

Loạt bài thẳng thắn phê bình những hiện tượng tiêu cực, quan liêu, cửa quyền này lập tức gây tiếng vang. Những nội dung trong loạt bài này khi đó đã tạo nhiều chuyển biến trong thực tiễn. 

Nhà báo lão thành Hữu Thọ-người tiếp nhận bài đầu của loạt bài này- khi trao đổi với báo chí có nói rõ, là Tổng Bí thư, ông Nguyễn Văn Linh có nhiều công cụ để chỉ đạo như chỉ thị, chỉ đạo để cơ quan chức năng theo nhiệm vụ mà chấn chỉnh. Nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chọn báo chí để truyền đi thông điệp là ông mong muốn cả xã hội hiểu đúng về bản chất các vụ việc, tạo nhận thức chung, chung tay cùng Tổng Bí thư loại bỏ những hiện tượng tiêu cực. 


Hội nghị toàn quốc về “Truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực

Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một trong những vị lãnh đạo thích dùng báo chí làm phương tiện trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. 

Điều đó cho thấy, truyền thông không chỉ là nhiệm vụ của riêng báo chí, nó còn là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và đơn vị liên quan. 

Muốn dư luận hiểu rõ bản chất các vụ việc, vấn đề là mong mỏi của cả Nhà nước, người dân và cơ quan truyền thông. Thông tin trung thực tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của truyền thông. Để làm được điều này, riêng cơ quan báo chí thì không thể bởi báo chí không thể có chất liệu để truyền thông, nhiều khi không thể tự mình xác tín được trước dòng chảy hàng triệu thông tin mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ…nếu thiếu sự phối hợp của cơ quan chức năng. Hoạt động truyền thông là một bàn tay, việc phối hợp, chủ động cung cấp và xác tín của chính quyền các cấp như bàn tay còn lại, sự phối hợp nhịp nhàng hai bên mới có thể tạo thành tiếng vỗ tay. 

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã rất có lý khi nhìn nhận về vấn đề này khi phát biểu

 tại hội nghị toàn quốc về “Truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực” chiều 24/1.

Bộ trưởng nói, báo chí là một phương tiện truyền thông. Còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Công tác truyền thông bao gồm việc đưa thông tin gì ra cho báo chí, sử dụng phương tiện truyền thông nào, tức là lập kế hoạch truyền thông và bố trí ngân sách cho truyền thông. 

Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng TT&TT, từ trước đến nay, vẫn có sự nhầm lẫn là báo chí làm công tác truyền thông, vì thế chính quyền các cấp không làm công việc này. Do vậy mà hay xảy ra khủng hoảng truyền thông của các cấp chính quyền. 

“Báo chí khi làm tuyên truyền thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là, báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Đó cũng là mong mỏi của giới báo chí lâu nay bởi sự tác nghiệp khó khăn khi thiếu sự phối hợp của các cấp chính quyền dù Luật Báo chí đã quy định rõ. Khi các cấp chính quyền chủ động phối hợp truyền thông với các cơ quan báo chí sẽ là nền tảng quan trọng nhất cho việc làm chủ tình hình trong bối cảnh hiện nay. 

KHÔI NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét