Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

20221201. SỰ THÔNG MINH CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


AI THÔNG MINH ĐẾN MỨC NÀO ?

THIÊN KIM /KTSG 30-11-2022

(KTSG) – Trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence – AI) có thông minh hơn con người? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên cần định nghĩa thế nào là thông minh.

Năm 1950, nhà tâm lý học J.P. Guilford chia suy nghĩ sáng tạo ra làm hai nhóm: suy nghĩ tích hợp (convergent thinking) và suy nghĩ phân kỳ (divergent thinking). Theo ông, suy nghĩ tích hợp là khả năng trả lời đúng các câu hỏi, biểu hiện của trí nhớ và tư duy logic. Không như thế, suy nghĩ phân kỳ là khả năng có thể tìm ra nhiều câu trả lời từ một vấn đề hay một câu hỏi, biểu hiện của sự tò mò tìm hiểu, khả năng suy nghĩ khác biệt.

Phần lớn mọi người khi so sánh AI với trí tuệ con người hay nghĩ đến khả năng suy nghĩ tích hợp của AI. Với siêu trí nhớ và khả năng phân tích tốc độ cao, máy tính đã vượt trội con người ở các trò chơi trí tuệ (như cờ vua) hay ở các phép toán phức tạp. Chúng ta cũng thường cho rằng AI chỉ còn thiếu khả năng tưởng tượng, sự tò mò tìm hiểu, phá vỡ quy luật, tức là khả năng suy nghĩ phân kỳ.

Hãy thử so sánh theo một cách khác. Theo các nghiên cứu ngành khoa học thần kinh, não bộ con người có khoảng 86 tỉ nơ ron khi mới sinh ra. AI thì lại có số lượng hạn chế hơn rất nhiều. Ví dụ như Pohoiki Beach, hệ thống máy tính được coi là “bộ não điện tử” của Intel, được coi như một trong những hệ thống mạnh nhất thế giới, thì chỉ có khoảng 100 triệu nơ ron. Con số này tương ứng với số lượng nơ ron trong não bộ của con chuột mà thôi.

Khi so sánh AI với trí tuệ con người, ta có thể đề cập tới “học sâu” (deep learning). Đây là một kỹ thuật đặc biệt của “học máy” (machine learning). Hoạt động của “học sâu” có nhiều tương đồng với cách thức vận hành vỏ não thị giác (các nơ ron chọn lọc và phân tích các đặc điểm của hình ảnh).

Ví dụ, hệ thống nhận diện khuôn mặt của AI cũng dựa trên mạng lưới các lớp nơ ron nhân tạo chọn lọc và phân tích các đặc điểm hình ảnh theo nhiều mức độ: nhờ vào một thuật toán, hệ thống nhận diện có thể tự “sửa sai” và sau rất nhiều lần thử nghiệm, thì đã có thể nhận diện được khuôn mặt.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng tới giờ AI mới chỉ “bắt chước” được một phần nhỏ não bộ con người. Theo Jean Louis Dessalles, một chuyên gia về AI, hệ thống nơ ron “học sâu” hiện nay mới chỉ là một bộ máy kết hợp hình ảnh, hay nói cách khác nó giống như việc chúng ta học thuộc lòng. Vì thế, khó có thể nói là nó thông minh. Khả năng này mới chỉ là một phần rất nhỏ của trí thông minh.

Phần lớn các chuyên gia về AI đều cho rằng cho dù công nghệ AI có rất nhiều tiến bộ trong thời gian qua, vẫn còn vô số những thứ phải cải thiện, như sự “thiếu khách quan” của các thuật toán, hay các hệ thống được coi là “thông minh” lại đưa ra những quyết định sai lệch khi dựa vào những dữ liệu thiếu phù hợp.

Năm 2015, một thuật toán dùng để nhận diện khuôn mặt của Google Photo đã nhận dạng người da đen như khỉ đột, hoàn toàn ngoài mong muốn của các kỹ sư phần mềm. Sai sót nằm trong chính các dữ liệu được sử dụng để phân tích. Khi dữ liệu sai, thì kết quả cũng sẽ sai, vì AI không vận hành như ta mong muốn kết quả. Nó vận hành theo đúng lệnh đưa ra.

Một ví dụ khác là trong lĩnh vực y tế. Càng ngày càng có nhiều bác sĩ dựa vào AI để hỗ trợ việc chẩn đoán bệnh, phân tích hình ảnh, phát hiện triệu chứng dễ dàng hơn, để hạn chế những sai lầm của con người (do mệt mỏi, do thiếu tập trung).

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy vai trò vô cùng to lớn của dữ liệu sử dụng để lập chương trình cho máy tính. Nghiên cứu này đã chỉ ra sự thiếu khách quan của AI: khi hình ảnh nam chiếm đa số trong dữ liệu sử dụng, thì bệnh nhân là phụ nữ bị chẩn đoán kém kỹ càng hơn bệnh nhân nam, và ngược lại(1). Vì thế, cần xây dựng những cơ sở dữ liệu phong phú và cân bằng nhất có thể được, để AI có thể thực sự “thông minh”.

Thời gian vừa qua, chúng ta nói nhiều đến khả năng máy móc thay thế con người trong tương lai. Theo một báo cáo năm 2018 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), 14% ngành nghề hiện nay có khả năng cao (hơn 70%) bị thay thế bởi máy móc, và 32% ngành nghề khác sẽ phải chịu những thay đổi to lớn dưới tác động của tự động hóa.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra rằng “nguy cơ cao nhất tập trung ở những công việc đòi hỏi năng lực thấp, và thường có mức thu nhập thấp”, như nghề nhân viên vệ sinh, trợ lý, nhân viên nhà ăn, nhân viên trong ngành mỏ, xây dựng và vận chuyển.

Với trí thông minh nhân tạo, càng ngày càng có những robot được lập trình để hỗ trợ con người. Thế nhưng chẳng ai mong muốn có một robot hỗ trợ thông minh cái gì cũng biết, nhưng lại không có khả năng cảm nhận cảm xúc con người. Sự “thấu cảm nhân tạo” cũng đang là điều mà các chuyên gia AI nhắm tới.

Ở thời điểm này, khả năng xác nhận cảm xúc con người (vui, buồn, giận dữ…), AI đã có thể làm được. Tiếp theo là khả năng kết nối thông tin và cảm xúc (như kết nối hình ảnh một người buồn bã, với thông tin một người thân của người này mới qua đời), AI cũng đang đạt được. Tuy nhiên, AI chưa thể đặt mình vào vị trí của người khác, như chúng ta có thể làm một cách dễ dàng.

AI có thể “thông minh”, nhưng không hẳn theo nghĩa thông minh của con người. Điểm mạnh của AI là khả năng “tiến hóa” và bắt chước trí thông minh con người ngày càng nhanh chóng hơn.

Một trong những ứng dụng quan trọng gần đây của AI là trong ngành thiết kế công nghiệp hay kiến trúc: khi máy tính được nạp các dữ liệu cần thiết thì AI có thể tạo ra hàng trăm thiết kế mới, đáp ứng tiêu chí đặt ra. Rõ ràng là AI cũng có tiềm năng trong suy nghĩ phân kỳ như con người. Đáng lo ngại hay đáng mừng?

(1) Agostina Larrazabal et al., “Gender imbalance in medical imaging datasets produces biased classifiers for computer-aided diagnosis”, Proceedings of the National Academy of Sciences, vol. CXVII, n° 23, 9 juin 2020.

 THIÊN KIM

BÌNH LUẬN:

Đang có hiện tượng suy nghĩ lệch chuẩn. AI là sản phẩm do con người tạo ra. Vậy sẽ là kỳ quặc khi mong đợi/ lo sợ AI thông minh hơn con người ? Thậm chí trong trường hợp AI tỏ ra vượt trội về mọi thứ, điều này cũng có nghĩa trí thông minh của con người mới là đáng nể nhất. Trong mọi tình huống thử thách, điều quan trọng ai sẽ làm chủ cuộc chơi. Muốn vậy, việc sở hữu nhân lực và công nghệ nguồn, luôn là vấn đề quan trọng nhất.


Con người nói chung, thì không sợ AI khôn ngoan hơn mình. Nhưng đi vào từng con người cụ thể, thì lo sợ, thậm chí đáng lo lắng là đúng. Ở cấp độ mỗi quốc gia/ tổ chức/ công ty/ doanh nghiệp/ cá nhân, khi đề cập đến ứng dụng AI cần phải biết trả lời đầy đủ các câu hỏi: Hiệu quả mang lại là gì ? Lợi ích cụ thể ra sao ? Nguy cơ rủi ro nào tiềm ẩn ? Giải pháp nào sẽ là tối ưu hơn ? Nếu không, ta sẽ thua cuộc, thậm chí thua toàn diện. Còn kẻ thống trị, sẽ mãi là thống trị thiên hạ.

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

20221130. BÌNH LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH 'ZERO-COVID' CỦA TQ

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TẠI SAO TRUNG QUỐC LUÔN MUỐN GIỮ CHÍNH SÁCH ZERO-COVID?

NGUYỄN HỒNG VŨ/ TD 29-11-2022


Mấy hôm nay, mình thấy liên tục các cuộc biểu tình về chính sách Zero-COVID ở Trung Quốc. Mình không biết rằng kết quả các cuộc biểu tình đó sẽ đi đến đâu nhưng có lẽ trước mắt nhân dân Trung Quốc sẽ bị thiệt thòi khá nhiều. Nguyên nhân của các cuộc biểu tình trên có thể là vì họ chưa tìm ra được câu trả lời thỏa đáng cho việc áp dụng chính sách Zero-COVID.
Đây là một câu hỏi rất khó để có thể tìm được câu trả lời một cách rõ ràng. Từ khi các ca COVID-19 đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2019, cho đến nay đã là 3 năm. Những kỹ thuật sinh học tân tiến nhất hành tinh đã được sử dụng để nghiên cứu virus SARS-CoV-2 từ đầu năm 2020 và đến cuối năm 2020 thì hàng loạt các vaccine đã ra đời. Việc sử dụng vaccine rộng rãi đã làm chậm sự lây lan của virus và giảm tỉ lệ tử vong đáng kể do bệnh COVID-19. Đến khoảng cuối năm 2021 - đầu năm 2022 thì tình hình dịch bệnh lắng xuống đáng kể và nhiều nước trên thế giới bắt đầu mở cửa lại, dần bỏ bớt các thủ tục phiền hà về cách ly và xét nghiệm COVID.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại vẫn giữ chính sách “Zero COVID” cho đến nay thì thật khó hiểu. Nó như một hiện tượng lạ mà con người chưa tìm được lời giải thích.
Đứng ở khía cạnh khoa học thì việc giữ cho khoảng 1.5 tỉ người Trung Quốc “không dính” COVID-19 là việc không tưởng vì:
1/ Vaccine tốt nhất hiện nay vẫn không ngăn được 100% sự lây nhiễm.
2/ Virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi thành những chủng khác để vượt hàng rào miễn dịch.
3/ Việc lock down 1.5 tỉ người dân và các việc cấm đi lại giữa các quốc gia vẫn không thể nào là tuyệt đối!
Đứng ở khía cạnh y tế thì càng khó hiểu [hơn] vì:
1/ Việc sử dụng vaccine đã giảm đáng kể tỉ lệ người chết do COVID-19, do vậy, lợi ích của việc lock down không còn như trước kia.
2/ Dù rằng các chủng virus mới (Delta, Omicron) có làm giảm hiệu quả ngăn lây nhiễm của vaccine nhưng hiệu quả ngăn bệnh COVID-19 tiến triển xấu, vẫn còn khá tốt.
3/ Hiện nay, chỉ còn một số nhỏ những người có hệ miễn dịch suy yếu, người có bệnh nền không đáp ứng với vaccine thì có nguy cơ cao khi nhiễm bệnh COVID-19. Nhưng với những nghiên cứu về thuốc điều trị COVID-19 trong thời gian qua thì chúng ta có khá nhiều các liệu pháp để điều trị cho nhóm người này nếu cần thiết và hệ thống y tế không còn bị quá tải như lúc trước khi có vaccine nữa.
Đứng ở khía cạnh xã hội thì việc lock down làm ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế, sức khỏe và tâm lý của người dân.
Tóm lại, đứng ở hầu hết các góc cạnh mà phân tích thì có vẻ chẳng ai có thể hiểu tại sao chính quyền của ông Tập Cận Bình vẫn giữ nguyên chính sách Zero-COVID cho đến nay! Mình thỉnh thoảng có nói chuyện với các nhà khoa học người Trung Quốc đang làm việc ở Mỹ về việc này và chính họ cũng chẳng hiểu vì sao người dân của họ lại “sợ” COVID-19 đến thế?!
Nếu các bạn nhìn vào đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ XX vừa được tổ chức vào giữa tháng 10 vừa qua (hình trong bài) thì với kiểu xếp ghế ngồi gần sát nhau, các vị quan chức lớn ngồi hàng đầu không đeo khẩu trang và thậm chí họ còn chơi kèn trong hội trường thì có lẽ không phải họ “sợ” COVID-19 đến thế đâu! Câu trả lời cho câu hỏi trên có lẽ không phải nằm ở khía cạnh khoa học hay y tế mà ở khía cạnh chính trị!
Mong nhân dân Trung Hoa sớm tìm được lối ra không những cho đại dịch COVID-19 mà cho chính cuộc sống của họ!
Bảo trọng nhe bà con!
_____
Thông tin tham khảo:
- Những hình ảnh đầu tiên từ Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc - Zing
- Protesters are so upset with China's COVID rules, some are openly saying Xi should go - NPR
- China Covid Unrest Boils Over as Citizens Defy Lockdown Efforts - Bloomberg

HƠN 50 TRƯỜNG TẠI TRUNG QUỐC BIỂU TÌNH CHỐNG 'ZERO COVID' VÀ KÊU GỌI DÂN CH
MỘC V/trithucvn 28-11-2022


Những nguồn tin từ Trung Quốc cho thấy có hơn 50 trường cao đẳng và đại học ở nước này đang phát động biểu tình, hưởng ứng “cách mạng giấy trắng”. (Chụp màn hình video)
Hòa nhịp vào làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc, hơn 50 trường cao đẳng và đại học tại Trung Quốc đã phát động biểu tình phản đối thể chế toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hưởng ứng “cách mạng giấy trắng”. Đồng lòng với vụ hỏa hoạn ở Tân Cương Dường như vụ hỏa hoạn vào ngày 24/11 tại một tòa nhà dân cư ở Urumqi – Tân Cương làm hàng chục người thiệt mạng có phần lý do dẫn đến sự kiện này, vì trong vụ hỏa hoạn đó nhiều người không thể chạy thoát do cơ quan chức năng phong tỏa dịch bệnh COVID-19. Vụ việc đã làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ người dân địa phương, bất mãn tích tụ đến giới hạn đã khiến mọi người bất chấp xuống đường biểu tình, và hiện tượng dần lan rộng ra nhiều nơi khác tại Trung Quốc. Hiện nay, ngoài các cuộc biểu tình đường phố tự phát của người dân ở nhiều thành phố, sinh viên từ nhiều trường cao đẳng và đại học ở Trung Quốc cũng đã giơ cao giấy trắng và hô khẩu hiệu trong khuôn viên trường để phản đối chế độ ĐCSTQ, nhằm đáp lại làn sóng cuộc biểu tình “giấy trắng” đang lan rộng nhanh chóng ở Trung Quốc. Cựu phóng viên Wu Ruoshan của Đài truyền hình Anh (BBC) trú tại Hồng Kông đã chia sẻ danh sách các trường học biểu tình được cư dân mạng Trung Quốc tổng kết đăng trên Twitter vào ngày 27/11, cho thấy chỉ trong 3 ngày từ ngày 25 đến sáng ngày 27/11, khi nhiều người phanh phui lý do thảm kịch hỏa hoạn tòa nhà chung cư ở Urumqi thì đã có các cuộc biểu tình của sinh viên tại hơn 50 trường đại học. Danh sách cho thấy nhiều trường trong số đó được xếp hạng hàng đầu như: Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, Đại học Thượng Hải, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Truyền thông Nam Kinh, Đại học Nghệ thuật Nam Kinh, Đại học Chiết Giang, Đại học Cát Lâm, Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Tây An, Đại học Công nghệ Tây An, Đại học Hồ Nam, Học viện Sân khấu Thượng Hải, Đại học Nông nghiệp Đông Bắc, Học viện Mỹ thuật Quảng Châu, Đại học Thâm Quyến, Đại học Vũ Hán, Đại học Luật và Khoa học Chính trị Tây Bắc, Đại học Trùng Khánh, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Tứ Xuyên, Đại học Thành Đô, Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc, Đại học Dầu khí Trung Quốc, Học viện Điện ảnh Thanh Đảo, Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn, Học viện Truyền thông Tứ Xuyên, Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Trung Quốc, Học viện Opera Trung Quốc, Học viện Hý kịch Trung ương, Đại học Công nghệ Vũ Hán, Đại học Vạn Lý Chiết Giang, Đại học Sơn Đông, Đại học Phúc Đán, Tôn Đại học Yat-sen, Đại học Nhân dân Trung Quốc… Wu Ruoshan nói rằng các sinh viên từ các trường này đã đồng loạt bày tỏ sự tức giận của họ đối với chính sách phong tỏa COVID-19 của chính quyền ĐCSTQ, đồng thời cổ vũ tự do dân chủ đất nước và gửi lời chia buồn tới các nạn nhân. Phóng viên Dake Kang của AP trú tại Bắc Kinh đã đăng trên Twitter để tìm kiếm những người có thể đưa tin về ‘cách mạng giấy trắng’ này: “Chúng tôi hy vọng có bức tranh khách quan và trung thực nhất, đồng thời cũng muốn phản ánh tiếng nói của nhiều người hơn, nhưng chúng tôi không thể cùng lúc đảm bảo an toàn cho bạn, mong mọi người bảo vệ tốt nhất an toàn cá nhân của mình”. Kêu gọi truy tìm danh tính cảnh sát bắt sinh viên biểu tình Trong khi các trường cao đẳng và đại học trên khắp Trung Quốc biểu tình phản đối chế độ ĐCSTQ, có thông tin cho rằng một số sinh viên đã bị cảnh sát mặc thường phục bắt giữ bất hợp pháp. Theo video trực tuyến, một số sinh viên đã bị cảnh sát mặc thường phục bắt giữ bất hợp pháp trong đám đông biểu tình và cưỡng chế giải tán địa điểm, các sinh viên hét lên “Tại sao các người lại bắt người?”, “Thả người ra!”… Để phản đối đàn áp bạo lực, một số cư dân mạng sau đó đã tweet rằng “Mọi người hãy cùng phát động truy tìm đối với những viên cảnh sát mặc thường phục đã bắt giữ trái phép sinh viên để báo thù”. Cư dân mạng Trung Quốc đã đồng loạt hưởng ứng hợp tác để tìm kiếm thông tin cá nhân của những viên cảnh sát mang thường phục, bao gồm ảnh cá nhân, địa chỉ cá nhân, địa chỉ nhà của cha mẹ và thậm chí cả căn cước công dân.


Cư dân mạng Trung Quốc đã đồng loạt hưởng ứng hợp tác để tìm kiếm thông tin cá nhân của những viên cảnh sát mang thường phục. (Ảnh: MXH)
Sinh viên Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh kêu gọi tự do dân chủ Trường cũ nơi trước đây lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình theo học là Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh cũng có đông đảo sinh viên biểu tình vào ngày 27/11, mọi người hô vang khẩu hiệu “Dân chủ và pháp quyền, tự do ngôn luận”. Các video đăng trên mạng xã hội Twitter cho thấy đông đảo sinh viên Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh tập trung trong khuôn viên trường để phản đối. Reuters đưa tin, trong số đám đông tụ tập trong khuôn viên Đại học Thanh Hoa để hát quốc ca Trung Quốc, có thể nhìn thấy các sinh viên đại học cầm tờ giấy trắng để phản đối. Một trường hàng đầu khác là Đại học Bắc Kinh cũng cho thấy hoạt động hưởng ứng. Tại một khu vực trong trường có người ghi hàng chữ đỏ: “Chấm dứt phong tỏa, trả lại tự do! Không cần axit nucleic mà cần lương thực!… Hãy mở mắt ra nhìn thế giới! ‘Zero COVID’ là hoang đường!”

Nói về sự kiện lớn này tại Trung Quốc, giáo sư Feng Chongyi từ Đại học Công nghệ Sydney (Úc) cho hay trên Epoch Times vào ngày 27/11, rằng hoạt động cho thấy điểm khác biệt quan trọng là hiệu ứng dây chuyền chứ không chỉ mang tính đơn lẻ. Phong trào xuống đường chống lại nhà cầm quyền toàn trị ĐCSTQ có thể cuối cùng đã bắt đầu, phong trào này sẽ sản sinh ra một nhóm anh hùng của thời đại, những người sẽ thay đổi Trung Quốc, có thể buổi bình minh của sự chuyển đổi hiến pháp tại Trung Quốc đang mở ra.

MỘC VỆ

TRUNG QUỐC DẬP TẮT HY VỌNG NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH 'ZERO COVID'

CHÁNH TÀI /KTSG 1-12-2022

(KTSG Online) – Thông điệp mới nhất về kiểm soát dịch bệnh đã dập tắt các hy vọng của thị trường về việc Bắc Kinh sẽ nới lỏng các chính sách “zero Covid” nghiêm ngặt, khiến các thành phố và nhà máy bị đóng cửa kéo dài.

Người dân trong trang phục bảo hộ được đưa vào một khách sạn cách ly ca nghi nhiễm Covid-19 ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc hôm 1-11. Ảnh: Getty

Trung Quốc sẽ kiên quyết tuân thủ các biện pháp kiểm soát Covid-19 hiện tại khi đất nước đối mặt với dịch bệnh bùng phát ngày càng nghiêm trọng, giới chức y tế Trung Quốc cho biết.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 5-11, Hu Xiang, một quan chức của phòng kiểm soát và phòng chống dịch bệnh thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) nhấn mạnh: “Các thực hành trước đây đã chứng minh rằng kế hoạch phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cùng một loạt các biện pháp chiến lược của chúng tôi là hoàn toàn đúng đắn”.

Trong tuần qua, có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ rời bỏ chính sách “zero Covid”. Nhiều  bài viết chưa được xác minh, đăng trên mạng xã hội ở Trung Quốc đề cập đến kế hoạch mở cửa nền kinh tế  trở lại.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh, hôm 4-11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo đạt được thỏa thuận cho phép người nước ngoài tại Trung Quốc được tiêm vắc-xin Covid-19 của liên doanh Mỹ – Đức Pfizer-BioNTech. Thông báo này cũng làm dấy lên kỳ vọng rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị mở cửa trở lại.

Các quan chức NHC cho biết các ca nhiễm Covid-19 bùng phát nhiều nơi trên toàn quốc, khiến việc tuân thủ các chính sách hiện tại càng trở nên quan trọng. Trung Quốc báo cáo hơn 3.500 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 4-11 với các đợt bùng phát ở Quảng Đông, Nội Mông, Phúc Kiến và Bắc Kinh.

Chính quyền địa phương đã phong tỏa một trung tâm công nghiệp ở thành phố Trịnh Châu, nơi đặt nhà máy iPhone lớn nhất của Tập đoàn công nghệ Foxconn cho đến ngày 9-11, sau khi các công nhân ở đây tìm cách chạy trốn khỏi nhà máy vì lo sợ bị lây nhiễm và cách ly.

Tuy nhiên, Tuo Jia, một quan chức khác của NHC, cho biết chính quyền trung ương cũng sẽ yêu cầu chính quyền địa phương ở các thành phố bao gồm Trịnh Châu và Thâm Quyến điều chỉnh các biện pháp kiểm soát Covid-19 quá mức,

Các chỉ số chứng khoán ở Trung Quốc tăng điểm vào hôm 4-11, giúp vốn hóa thị trường cổ phiếu của nước này tăng thêm khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ trong tuần qua khi các tin đồn và các bản tin báo chí khác thắp lên hy vọng cho giới đầu tư về khả năng giảm căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung Quốc và nới lỏng các quy định kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 5,3% trong phiên giao dịch cuối tuần, khép lại tuần tăng điểm mạnh nhất trong 11 năm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 5,3% trong tuần qua, mức tăng điểm theo tuần mạnh nhất trong hơn hai năm.

Đà tăng cổ phiếu diễn ra trên diện rộng, lấn án các lo ngại trên thị trường toàn cầu về triển vọng lãi suất của Mỹ tăng cao hơn nữa so với dự kiến trước đây. Cổ phiếu bất động sản và công nghệ dẫn đầu đà tăng với cổ phiếu của những gã khổng lồ trực tuyến Alibaba và JD.com đều tăng hơn 10% trong phiên giao dịch cuối tuần.

Trước đó, Bloomberg đưa tin nhóm công tác của Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) đã hoàn tất trước thời hạn các cuộc thanh tra tài liệu kiểm toán của các công ty Trung Quốc có cổ phiếu niêm yết tại Mỹ.

Thông tin này dường như cho thấy các quan chức Mỹ hài lòng với kết quả thanh tra. Hồi tháng 8, Bắc Kinh và Washington đã đạt được thỏa thuận cho phép giới chức Mỹ thanh tra tài liệu kiểm toán của các doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết cổ phiếu tại New York.

Thỏa thuận này là bước đầu tiên giúp gần 200 công ty Trung Quốc, bao gồm những tập đoàn lớn như Alibaba, Baidu, tránh được nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc khỏi sàn giao dịch chứng khoán New York.

Các bài đăng trên mạng xã hội nói về khả năng Trung Quốc nới lỏng các quy định kiểm soát Covid-19 vào tháng 3 năm sau càng làm tăng sự lạc quan trên thị trường chứng khoán.

Tại một hội nghị ngành ngân hàng hôm 4-11, một cựu quan chức kiểm soát dịch bệnh cấp cao của Trung Quốc cũng nói rằng sẽ những thay đổi đáng kể đối với chính sách “zero Covid” diễn ra trong vòng 5- 6 tháng tới.

Nhà quản lý quỹ phòng hộ Lei Ming cho biết tin đồn Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở đã kích hoạt sự phục hồi trong thị trường đang ở tình trạng quá bán. “Nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán tăng vọt là do áp lực bán đã cạn kiệt sau khi thị trường giảm mạnh”, ông nói.

Một số hạn chế liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc đã được điều chỉnh trong những tuần gần đây, nhưng các báo cáo chính thức cũng cho thấy sự gia tăng các ca nhiễm ở nhiều vùng của đất nước. Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa kéo dài vẫn được áp dụng ở một số địa phương.

Truyền thông trong nước đưa tin bắt đầu từ tháng này, một số sân bay và nhà ga tàu cao tốc không còn yêu cầu hành khách xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19 có hiệu lực vòng 48 giờ nữa, nhưng họ vẫn cần xuất trình bằng chứng rằng họ đã tránh xa mọi khu vực tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm,

Theo Bloomberg, Reuters