Ngày 19/05/2022 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1698/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (Đề án 1698).
Theo đề án, tổng kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 272 tỉ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỉ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỉ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỉ đồng.
Nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã sử dụng ngân sách chi cho người đi đào tạo, bồi dưỡng trong hoặc ngoài nước và kết quả không phải là bức tranh đẹp như dự kiến.
“Con 4 cựu quan chức du học không về: Nhùng nhằng hoàn tiền gần chục tỷ đồng” là tiêu đề bài viết từng đăng trên Vietnamnet.vn về câu chuyện xảy ra tại tỉnh Quảng Ngãi. [1]
“Đà Nẵng quyết định kiện đòi “nhân tài” bồi thường kinh phí” là câu chuyện xảy ra tại thành phố có thời được gán cho mỹ danh là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”. [2]
Có lẽ lãnh đạo Hà Nội đã đúc rút kinh nghiệm từ các địa phương khác và suy nghĩ cẩn trọng mọi khả năng nên mới xây dựng một đề án công phu như vậy.
Sự ra đời của Đề án 1698 làm xuất hiện những ý kiến trái chiều là điều không tránh khỏi, đánh giá đúng sự cần thiết và triển vọng của đề án này với sự phát triển của thủ đô là việc cần làm, nhất là với thực trạng đội ngũ cán bộ công chức Hà Nội có không ít vấn đề trong thời gian 10 năm, tức là khoảng hai nhiệm kỳ vừa qua.
Vậy thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội là như thế nào?
 |
Ảnh minh họa: Baodansinh.vn |
Người dân thủ đô chắc không quên thời ông kiến trúc sư N.T.T làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố được vị Chủ tịch kế nhiệm đánh giá là thời mà “quy hoạch thủ đô bị băm nát”.
Báo chí khi đó bức xúc nêu câu hỏi: “Những ai băm nát quy hoạch Thủ đô?”. [3]
Một số lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật, có người đã phải ngồi tù.
Bốn năm trước, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVI) Tổng giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội khi đó từng nêu:
“Trong tổng số hơn 700 người đang làm việc tại Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội, chỉ khoảng 60% là “đủ năng lực” làm việc tốt. Còn lại 40% năng lực hạn chế cũng không bỏ được, không loại được vì nhiều người là con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống thành phố”.
Số cán bộ nhân viên này “làm việc làng nhàng, đi ra đi vào. Tuy nhiên họ không vi phạm kỷ luật, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi… Có không ít cán bộ đi học hết lớp này, lớp kia, thậm chí có 3 bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm được việc gì ở đài”. [4]
Thủ trưởng một đơn vị đánh giá năng lực nhân viên dưới quyền tại hội nghị của Đảng bộ thành phố rõ ràng không thể là đánh giá thiếu trách nhiệm.
Nhìn rộng ra, tình trạng không ít người giao việc gì “cũng làm tốt” miễn là được bổ nhiệm không phải là cá biệt trong công tác tổ chức cán bộ, 8 năm trước, báo Vietnamnet.vn viết:
“Một người chưa từng một ngày kinh doanh được giao đứng đầu doanh nghiệp lớn. Người khác được tập đoàn "xin" về để trẻ hóa lãnh đạo, dù thành tích thua lỗ ở doanh nghiệp trước”. [5]
Minh họa cho nhận định nêu trên không khó tìm trên các trang báo, chẳng hạn giám đốc sở 30 tuổi “thích chơi chim” ở Quảng Nam...
Phải chăng để tránh tình trạng kiến trúc sư để cho quy hoạch thủ đô bị băm nát nên ngày nay những người kiến thức chưa (hay không?) phù hợp với vị trí việc làm trong bộ máy công quyền thủ đô cần được bồi dưỡng nâng cao trình độ?
Nhưng vì sao lại phải lấy ngân sách chi cho việc học tập của các cá nhân mà không phải là yêu cầu họ tự học để năng lực bản thân xứng đáng với vị trí việc làm mà họ được tuyển dụng?
Câu hỏi trên dẫn tới hai câu hỏi khác:
“Các thạc sĩ, tiến sĩ sau khi đào tạo sẽ làm công tác nghiên cứu hay vẫn làm công tác quản lý nhà nước tại các đơn vị chức năng của thành phố?”.
“Vì sao không tổ chức thi tuyển rộng rãi từ nhân viên đến lãnh đạo sở, ban, ngành và cấp cao hơn với sự công khai, minh bạch về chức năng, nhiệm vụ vị trí việc làm cụ thể?”.
Một khi việc tuyển dụng cán bộ là đặc quyền của công tác tổ chức, khi chuyện thi tuyển chỉ là thí điểm thì việc trình độ cán bộ không đáp ứng nhu cầu công việc và phải chi tiền đào tạo sẽ là tất yếu?
Một vị giáo sư, nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước nêu ý kiến:ng đại học, viện nghiên cứu chứ làm công tác quản lý thì không cần. Cơ quan quản lý không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ, chỉ cần tinh thông pháp luật, trách nhiệm cao và làm việc hiệu quả cao chứ không cần chạy theo cái bằng”. [6]
Mỗi năm, hàng triệu sinh viên phải mang tiền nhà đóng học phí theo học đại học, cao đẳng trong khi “Hàng năm có hơn 400.000 cử nhân ra trường. Tuy nhiên, con số thất nghiệp là gần 200.000 lao động”. [7]
Việc Hà Nội quyết định chi hơn 270 tỷ đồng cho đào tạo cán bộ mới chỉ là con số trong dự án. Số tiền ngân sách phải chi cho lương, phụ cấp mà những người theo học tập trung được hưởng trong khi họ không làm việc tại cơ quan thực sự là số tiền không nhỏ nhưng chưa được tính đến.
Riêng với công chức được chọn đào tạo, bồi dưỡng, Hà Nội tập trung vào “nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, thực thi công vụ gắn với chuyển đổi số, quản lý phát triển đô thị và nông thôn”.
Trong các lĩnh vực này chỉ có “chuyển đổi số” là lĩnh vực mới, các chức danh quản lý (công chức hoặc viên chức) đều được yêu cầu phải có chứng chỉ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính hoặc chuyên viên cao cấp vậy nên mục đích đào tạo của Hà Nội có phải hơi thừa?
Liệu Hà Nội có nên tập trung vào bồi dưỡng đạo đức công vụ, tiêu diệt nạn tham nhũng, đào thải những cá nhân không hoàn thành công việc được giao?
Mặt khác, Hà Nội là thủ đô, đầu não kinh tế chính trị của cả nước nên có ưu thế rất lớn trong việc tuyển chọn cán bộ trong số 200.000 cử nhân thất nghiệp. Không thể nói tất cả những người này đều không có chuyên môn phù hợp với nhu cầu nên thành phố đành phải tuyển người rồi cho đi bồi dưỡng, đào tạo thêm.
Ngày 07/02/2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 494/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách 89 chức danh thí điểm thi tuyển tại các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Trong 89 chức danh này, số chức danh là công chức chiếm chưa đến 50%, còn lại là viên chức giáo dục, y tế.
Số liệu trong Đề án 1689 cho biết tổng số cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội là 140.408 người, số cán bộ, công chức từ cấp xã đến thành phố là 19.247 người. Số chức danh thí điểm thi tuyển chỉ là 89, một con số quá nhỏ bé (0,46%) nếu so với gần hai vạn cán bộ, công chức.
Được biết ngày 26/05/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 202-TB/TW về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”. Thời gian từ đó đến khi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 494/QĐ-UBND là 07 năm. Vậy đến bao giờ thì việc thi tuyển cán bộ mới trở thành hoạt động thường xuyên?
Và đương nhiên không thể không nhắc lại câu hỏi “Lấy ngân sách chi cho một số người đi đào tạo, bồi dưỡng vì năng lực chưa đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm có phải là công bằng với người đóng thuế”?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/con-4-cuu-quan-chuc-du-hoc-khong-ve-nhung-nhang-hoan-tien-gan-chuc-ty-dong-731220.html
[2]https://tuoitre.vn/da-nang-quyet-dinh-kien-doi-nhan-tai-boi-thuong-kinh-phi-561346.htm
[3] https://vietnamnet.vn/nhung-ai-bam-nat-quy-hoach-thu-do-540812.html
[4] https://tuoitre.vn/40-nhan-su-kem-cua-dai-truyen-hinh-ha-noi-la-con-ong-nay-ba-kia-20180703142411431.htm
[5] https://vietnamnet.vn/con-duong-lam-sep-cua-con-trai-cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-310336.html
[6] https://vietnamnet.vn/hoc-tien-si-de-lam-gi-343110.html
[7] https://thanhnien.vn/thuc-trang-cu-nhan-that-nghiep-la-do-dau-post1409461.html
Xuân Dương
NẾU LÀ QUAN CHỨC, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THÌ LẤY ĐÂU THỜI GIAN ĐI HỌC TIẾN SĨ ?
TÙNG DƯƠNG/ GD VN 28-5-2022
Hà Nội sẽ chi hơn 61 tỉ đồng cử cán bộ, công chức, viên chức đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Khoản đầu tư này lấy từ ngân sách thành phố.
Hà Nội cho rằng việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. "Các trường hợp thuộc diện đào tạo, bồi dưỡng là công chức, lãnh đạo, quản lý cấp phòng và quy hoạch chức danh tương đương cấp phòng; công chức chuyên môn nghiệp vụ thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã; cán bộ công chức cấp xã; viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập", Đề án của Hà Nội nêu rõ.
Công chức đi làm thì phải hoàn thành nhiệm vụ, lãnh lương thì phải làm đúng giờ, đủ ngày công lao động. Về cập nhật kiến thức chuyên môn, các cơ quan, đơn vị tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng, đó là việc đương nhiên phải làm. Cá nhân ai có nhu cầu đi học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì tự mình lo, không nên chi ngân sách cho cán bộ, công chức đi học như vậy là không công bằng.
 |
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “ Tiến sĩ là bậc cao nhất của chuyên môn nghiên cứu khoa học, dành cho những người chuyên nghiên cứu khoa học và giảng dạy, nhưng việc giảng dạy cũng phải gắn với nghiên cứu khoa học chứ nếu chỉ giảng không thì cũng không phải.
Theo quan điểm của tôi, hiện tại công chức phải làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, của ngành đó, phải làm công tác quản lý, và quản lý là khoa học, là một nghề và quan trọng nhất là phải học quản lý hành chính công, đây là vấn đề thiết thực.
Với ngạch công chức có cần làm tiến sĩ không? Theo tôi cũng cần nhưng không bắt buộc và không phải vấn đề cần thiết ngay lập tức, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là việc học đó có được thực hiện chuẩn chỉ hay không?
Việc cho công chức đi đào tạo tiến sĩ từ cấp chuyên viên, từ trưởng phòng và số này rất ít, những người này có thể xin nghỉ một khoảng thời gian để đi học. Nhưng thực tế hiện nay ở nhiều cơ sở đào tạo, họ “rất thích” đào tạo các giám đốc sở, các chủ tịch, phó chủ tịch, theo tôi sai ở chỗ này. Những người này đi học vào thời gian nào khi công việc của họ rất nhiều?
Khi người đó còn là chuyên viên, có điều kiện về thời gian để đi học, như vậy thích hợp cho việc đào tạo, nhưng bắt buộc họ phải có khả năng nghiên cứu, cơ quan phải dành thời gian cho người này thực hiện việc nghiên cứu. Và quan trọng, người này phải nghiên cứu những vấn đề thiết thực cho công việc mà họ đang làm, gắn liền với đặc thù nơi họ đang công tác, chứ không phải nghiên cứu những vấn đề khác trái với chuyên môn.
Một việc nữa là phải xem xét vấn đề quy hoạch người đi học, đây là vấn đề quan trọng. Nhưng thực trạng bây giờ rất nhiều người bảo vệ luận án tiến sĩ khi họ đang là quan chức, đây là điều bất cập.
Thứ nhất, khi người đó là quan chức, là thủ trưởng cơ quan thì lấy đâu ra thời gian để đi học bởi đối chiếu theo Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư 18/2021), thời gian học tiến sĩ yêu cầu chính quy, học tập trung, với thời gian đào tạo 3-4 năm. Có làm Tiến sĩ trong nước cũng phải 3-4 năm, mà phải nghiên cứu say sưa mới tìm ra được những vấn đề mà mình đang thực hiện, vậy thử hỏi nếu là quan chức thì lấy đâu ra thời gian để làm?
Ở nước ngoài khi làm Tiến sĩ, họ hướng dẫn phương pháp nghiên cứu định tính, và nghiên cứu định lượng trong khoa học xã hội, việc này phải đào tạo trong 6 tháng đến 1 năm, sau đó nghiên cứu sinh phải đi thực tế 1 năm, rồi đi thực tế bổ sung. Rồi sau đó phải học về vấn đề này rất nhiều, nhưng ở nước ta việc này thường chỉ học trong vài tuần, thậm chí có trường hợp tôi biết họ học vấn đề này trong 2 tuần, có thể nói là rất kém.
 |
Ảnh minh họa. |
Thứ hai, nghiên cứu sinh phải trực tiếp đi thực tế, nhưng thường không đi mà lấy tài liệu trong thư viện để áp vào, dẫn đến nhiều luận án tiến sĩ bị cho là có mô tip giống nhau bị xã hội lên án, rất nhiều đề tài ná ná như nhau, chỉ khác về địa danh và số liệu.
Thứ ba, qua thực tiễn từ địa phương, từ đó nghiên cứu sinh mới này ra vấn đề để nghiên cứu. Ví dụ, người đó làm công tác trong ngành giáo dục, thì phải nghiên cứu về các vấn đề đang nảy sinh từ giáo dục, làm sao để chất lượng giáo dục lên cao hơn,…hoặc xây dựng mô hình giáo dục phù hợp với nhiều vùng miền khác nhau.
Trước những vấn đề đặt ra phù hợp với lĩnh vực mà người đó đang làm việc, vậy thử hỏi họ có thực sự nghiên cứu giải quyết vấn đề, có khả năng làm không? Hay đã là quan chức rồi thì sẽ có một “hội đồng” bên dưới sẵn sàng giúp sức?
Chưa kể nghiên cứu sinh còn phải đi thực tế vài tháng, có khi cả năm, rồi về viết luận án, sửa đi sửa lại nhiều lần, vậy bây giờ nếu người đó là quan chức, là chủ tịch xã/phường thì họ “đóng cửa” cơ quan để đi làm tiến sĩ hay sao?
Nguyên nhân từ việc đánh giá qua bằng cấp?
Ông Sơn nhận định: “Cái dở là chúng ta đánh giá con người qua bằng cấp của họ, từ đó dẫn đến loạn việc học, loạn bằng cấp, việc học thật thi thật chưa được thực hiện nghiêm túc. Ngày xưa cứ đỗ tiến sĩ là được làm quan, nhưng kiến thức hiện nay khác với ngày xưa, giờ là kiến thức khoa học, có khả năng làm quản lý, làm tiến sĩ để chứng minh có công trình nghiên cứu khoa học, chứ không phải chứng minh có khả năng để làm quan.
Hiện nay xã hội đã có nhiều thay đổi, nhưng tôi nhận thấy, nhiều nơi vẫn theo “nếp” cũ, lấy bằng cấp để đánh giá trình độ một con người, để bổ nhiệm chức vụ, trong khi thực chất chức vụ đó không cần đến trình độ tiến sĩ, hay nói đúng hơn là cần chuyên môn về quản lý hành chính công chứ không phải là cần nghiên cứu khoa học.
Phần lớn tiến sĩ tại các nước phát triển sẽ trở thành giảng viên đại học, thực chất bao hàm hai nhiệm vụ: Tạo ra tri thức (nghiên cứu) và truyền bá tri thức (dạy học). Chính điều này làm cho giảng viên đại học khác với giáo viên các bậc dưới chỉ cần tập trung vào việc dạy học. Cũng có số ít tiến sĩ sau đó ra làm trong doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp không thực sự cần tấm bằng tiến sĩ. Họ cần người làm thực tế, tính toán và hành động để đạt mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp.
Xã hội cũng đã nghe rất nhiều về các đề án đào tạo tiến sĩ nhưng hiệu quả là vấn đề đáng phải bàn. Điển hình như Đề án 911, được đầu tư 14.000 tỷ đồng để đào tạo 23.000 tiến sĩ, đề án này dừng nửa chừng. Đề án 322 "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước", dự định diễn ra trong 5 năm (2000 - 2005) nhưng sau đó kéo dài 10 năm với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Kết quả là số tiến sĩ tốt nghiệp chỉ chiếm 50% số gửi đi học. Hơn 30% số người về nước không trở lại cơ quan cũ làm việc.
Một số địa phương cũng có đề án cử cán bộ công chức đi đào tạo sau đại học, nhưng cũng lùm xùm kiện cáo vì nhiều người đi không về. Đà Nẵng là một ví dụ về kiện "nhân tài" bồi thường kinh phí sau khi cử người ra nước ngoài đào tạo, sau đó không về nước phục vụ mà kinh phí cho đào tạo cũng không hoàn trả”.
Tùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét