Ngày 26/5, Báo điện tử Vnexpress đã dẫn lời Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn về việc thanh tra nhiều hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của nhà xuất bản giáo dục nói chung và quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng.
"Tôi đã chỉ đạo triển khai việc này từ 2021 và hiện nay các cơ quan liên quan đang thực hiện nhiệm vụ. Khi có kết quả cụ thể, sẽ thông tin đầy đủ", Vnexpress dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.[1]
Rõ ràng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phạm vi quyền hạn đã chỉ đạo thanh tra hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 10 diễn ra từ ngày 22 đến ngày 24/12/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có nội dung về Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021. Bên cạnh những ưu điểm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác tổ chức cán bộ; tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách; biên soạn sách giáo khoa; đầu tư công…
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo đại diện Nhà nước sở hữu 100% vốn. Đơn vị này có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành sách giáo khoa và các ấn phẩm phục vụ giảng dạy, học tập.
|
Câu chuyện sách giáo khoa ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn còn dấu hỏi lớn chưa giải đáp. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam |
Với vốn điều lệ 596 tỷ đồng, doanh nghiệp này đang hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Là doanh nghiệp nhà nước, theo quy định, họ phải công bố thông tin định kỳ, về chiến lược phát triển; kế hoạch sản xuất, đầu tư; báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng...
Tuy nhiên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị cách đây ba năm từng tuyên bố nắm 60-70% thị phần phát hành sách cả nước - đã không công bố báo cáo tài chính năm 2020, 2021; kế hoạch kinh doanh năm 2021, 2022 trên website lẫn cơ quan quản lý vốn là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giai đoạn trước từ 2016-2020, Nhà xuất bản cũng không công bố các báo cáo này dù có tóm lược số liệu tài chính.
Doanh thu của nhà xuất bản này liên tục tăng trưởng từ 2015 đến 2019 – năm gần nhất doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh. Theo kế hoạch sản xuất và phát triển được đề ra năm 2017, nhà xuất bản đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng liên tiếp 4% một năm và cán mốc 1.500 tỷ đồng vào 2022.
Lợi nhuận giai đoạn 2017-2019 đều trên 100 tỷ đồng mỗi năm, nhưng ban lãnh đạo nhà xuất bản từng cho biết việc "làm sách giáo khoa là thực hiện nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao, không mang lại lợi nhuận như dư luận đồn đoán, thậm chí mỗi năm còn bị lỗ trên dưới 40 tỷ đồng từ việc in và phát hành sách giáo khoa".
Nhà xuất bản có 7 công ty con (nắm giữ trên 50% vốn), 26 công ty liên kết và 8 công ty được xem là khoản đầu tư dài hạn. Trong báo cáo lương thưởng năm 2020, bình quân mỗi người quản lý của nhà xuất bản có thu nhập 44,6 triệu đồng và nhân viên là 27,6 triệu đồng một tháng.[2]
Vấn đề Sách giáo khoa đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận, nhiều câu hỏi lớn trong việc biên soạn xuất bản sách vẫn chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng có thẩm quyền
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, năm học 2020 – 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa mới, trong đó chỉ riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có 4 bộ là bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống"; bộ "Chân trời sáng tạo"; bộ "Cùng học để phát triển năng lực”; bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Bộ sách còn lại là "Cánh Diều", sản phẩm hợp tác của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam. [3]
Tuy nhiên, đến năm học 2021- 2022, chỉ còn 03 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu gồm bộ “Cánh diều”, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Chân trời sáng tạo”.
Như vậy, 2 trong 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai giảng dạy từ lớp 1 đã không còn là bộ “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.[4]
Sự “biến mất” của 2 bộ sách giáo khoa này dù đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giải thích, tuy nhiên, câu trả lời chưa thể thuyết phục được dư luận, đặc biệt là với các học sinh, các thầy cô giáo đã được tập huấn để học tập và giảng dạy các bộ sách này.
Liên quan đến vấn đề in ấn sách giáo khoa, ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá bán sách giáo khoa là một trong những vấn đề luôn được quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của học sinh, phụ huynh.
Thế nhưng, vấn đề giá sách giáo khoa ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn luôn thu hút sự chú ý của dư luận bởi nhiều còn rất nhiều bí ẩn.
Ngày 3/4/2019 Tạp chí điện tử Nhà đầu tư đăng bài "Bí ẩn nguồn thu gánh lỗ sách giáo khoa cho Nhà xuất bản Giáo dục" dẫn lời ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời về cơ cấu giá thành cho việc xuất bản, phát hành (sách giáo khoa, sách tham khảo, vở bài tập?) cho biết, giấy và công in chiếm 65%, phát hành chiếm 20%, 15% là cho chi phí nhân công và quản lý.
Điều này cho thấy nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất là chi phí mua giấy để in sách và đây là một trong những yếu tố tạo nên giá thành sản xuất và quyết định đến giá bán của sách giáo khoa.
Số lượng giấy Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sử dụng hàng năm ước tính hơn 40.000 tấn với giá trị ước tính gần 1.000 tỷ đồng.
Với số lượng nguyên liệu đầu vào lớn như vậy, việc đấu thầu rộng rãi, minh bạch sẽ giúp giảm giá thành sách giáo khoa". [5]
|
Ảnh: VnExpress |
Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và 3 năm gần nhất, năm báo cáo: 2019 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ngày 18/6/2020 cho biết một trong những khó khăn của đơn vị này là giá vật tư, nguyên liệu, đặc biệt là giá giấy tăng rất cao (20% - 25%) [6]
Tuy nhiên, vào tháng 10/2021 đã có những lùm xùm khi có nhà cung cấp giấy in kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo việc công ty này không được tham gia chào hàng, đấu thầu cạnh tranh cung cấp giấy in sách giáo khoa cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mặc dù đã 2 lần gửi công văn đề nghị.
Như vậy, đấu thầu cạnh tranh công khai và minh bạch là giải pháp tốt nhất để Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tìm được các nhà cung cấp giấy in đảm bảo chất lượng với giá thấp nhất, chỉ có như vậy mới có thể giảm tối đa chi phí giá thành, giảm gánh nặng cho xã hội và mang về lợi nhuận cho chính nhà xuất bản này.
Thực tế, thời gian gần đây, nhiều nhà trường, nhiều phụ huynh đã lo lắng khi giá sách giáo khoa tăng.
Một trong những lý do khiến giá thành sách tăng được nêu là do quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính.
Dư luận rất cần các cơ quan chức năng làm rõ việc này bởi cũng trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 23/5, nhiều Đại biểu Quốc hội đã nêu ra nhiều bất cập về chương trình đổi mới sách giáo khoa, thậm chí có câu hỏi liệu có những tiêu cực trong lựa chọn sách giáo khoa hay không.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đã đặt câu hỏi: “Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho hay, cử tri đang rất bức xúc về các chương trình giáo dục phổ thông có những vấn đề chưa phù hợp.
“Đặc biệt sách giáo khoa không được sử dụng lại nên mỗi năm tốn hàng ngàn tỉ đồng để mua sách giáo khoa mới, gây khó khăn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt với gia đình khó khăn” - ông nói. [7]
Trước đó, thời điểm đầu năm học 2018-2019, một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng khan hiếm, “cháy hàng” sách giáo khoa; đặc biệt là các bộ sách giáo khoa đầu cấp cho học sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10.
Nhiều phụ huynh “nháo nhác” mua gom nhiều nơi mới có đủ bộ sách giáo khoa cho con.
Tháng 9/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành việc kiểm tra về vấn đề in ấn, phát hành sách giáo khoa năm học 2018-2019 tại Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Đến nay, kết quả của đợt kiểm tra rất khó tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng.[8]
Xa hơn nữa, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai kết luận sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong đó chỉ rõ hàng loạt các sai phạm như vi phạm về công tác quản lý sử dụng tài sản; về công tác tài chính, công tác tổ chức cán bộ…[9]
Hi vọng, những câu hỏi lớn về hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ được cơ quan chức năng chỉ rõ.
* Tài liệu tham khảo:
[1][2] https://vnexpress.net/thanh-tra-nhieu-hoat-dong-cua-nha-xuat-ban-giao-duc-4468283.html
[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/2-bo-sach-giao-khoa-moi-chi-tho-1-nam-chuyen-gi-the-nay-post216363.gd
[4] https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-trung-hoc/Pages/tin-tuc.aspx?ItemID=7219
[5] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-can-lam-ro-co-hay-khong-khuat-tat-dau-thau-giay-in-sach-giao-khoa-tai-nxbgdvn-post221326.gd
[6]https://nxbgd.vn/Attachments/files/PDF/Bao%20cao%20danh%20gia%20tinh%20hinh%20SX-KD%202019%20va%203%20nam%20truoc.pdf
[7] https://laodong.vn/thoi-su/bo-truong-gddt-ly-giai-vi-sao-gia-sach-giao-khoa-moi-cao-gap-2-3-lan-sach-cu-1048950.ldo
[8] https://baotintuc.vn/giao-duc/kiem-tra-viec-in-va-phat-hanh-sach-giao-khoa-cua-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-20180921090342490.htm
[9] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/buc-tranh-toan-canh-ve-nhung-sai-pham-tai-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-post179299.gd
Trần Phương
GIÁ SÁCH GIÁO KHOA TĂNG CAO: NẾU CÓ BẤT THƯỜNG, BỘ TÀI CHÍNH NÊN KIỂM TRA, LÀM RÕ
PHAN THẾ HOÀI/ GDVN 28-5-2022
Ngày 13/4/2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố bảng giá sách giáo khoa mới của hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" lớp 3, 7, 10, áp dụng từ năm học 2022-2023.
So với sách hiện hành (chương trình giáo dục 2006), giá các bộ sách này cao hơn từ 2-3 lần. Chẳng hạn, sách giáo khoa lớp 3, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có giá 183.000 đồng còn bộ Chân trời sáng tạo là 190.000 đồng - chưa kể sách Tiếng Anh.
Năm 2021, sách lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có giá 179.000 đồng, còn bộ Chân trời sáng tạo là 186.000 đồng. [1] Điều này khiến dư luận phản ứng khá gay gắt.
|
Ảnh minh họa. |
Giá sách giáo khoa tăng cao có yếu tố khách quan
Liên quan đến giá sách giáo khoa tăng, ngày 25/5/2022, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp thông tin để các Đại biểu biết thêm.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, việc so sánh giá sách giáo khoa mới và cũ là không tương đồng, bởi sách của Chương trình mới được thực hiện xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa".
Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Hơn nữa, quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính.
Các bộ sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm nay đã giảm được từ 10-15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên - cho thấy có sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Còn bộ sách của Chương trình cũ, Bộ trưởng ngành giáo dục nêu rõ, đó là sách mà Nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều khâu, từ biên soạn, thẩm định - tức là những phần đã được Nhà nước tổ chức.
Ngày 27/5/2021, trao đổi với báo chí bên hành lang của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV) nói rằng, việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục giải thích, "việc so sánh giá sách mới với sách ở chương trình cũ là khập khiễng, bởi thực hiện xã hội hóa, các nhà xuất bản tự chi tiền ở tất cả các khâu và sách cũng được nâng chất lượng hơn" là đúng.
Về yếu tố khách quan, tôi cho rằng, giá sách giáo khoa tăng cao một phần cũng do lạm phát. Báo Chính phủ ngày 4/1/2022 cho biết, lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020. [2]
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa mới cao hơn sách cũ. Trong đó, sách giáo khoa mới có khổ 19x26,5 cm, lớn hơn 1,23 lần khổ cũ (17x24 cm). Sách cũng thay đổi theo hướng hình ảnh hoá nội dung nên được in với nhiều màu hơn.
Có luồng dư luận cho rằng, cách viện dẫn sách được in khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, hình ảnh đẹp hơn... để tăng giá là chưa thỏa đáng. Theo tìm hiểu của tôi, cấu trúc và nội dung sách giáo khoa thì các nhà xuất bản phải thực hiện theo quy định chung.
Cụ thể, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, sửa đổi, ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa.
Trong đó đã quy định cấu trúc và nội dung sách giáo khoa phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm (khuôn khổ bát chữ, số dòng trong bát chữ, số chữ trong một dòng, quy định về kênh hình trong các trang sách giáo khoa theo Tiêu chuẩn quốc gia về sách (TCVN 8694: 2011).
Ngoài ra có một số ý kiến cho rằng, giá sách giáo khoa mới giá cao nhưng vẫn không thể dùng lại được. Tôi thấy nhận xét này chưa khách quan, đa số cuốn sách không dùng lại được là sách bài tập không phải sách giáo khoa. Ví dụ như sách Ngữ văn 10 Chương trình mới của các nhà xuất bản, Bộ sách giáo khoa Kết nối tri và cuộc sống lớp 1, lớp 2 của chương trình Giáo dục phổ thông mới đều dùng lại được.
Cần có giải pháp căn cơ khi giá sách giáo khoa tăng cao
Nhận định giá sách giáo khoa có thể tăng cao do chủ trương xã hội hóa, vào thời điểm tháng 7/2020, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. [3]
Nhưng quá trình thực hiện việc này được đánh giá là còn trậm trễ.
Bàn về giá sách giáo khoa tăng cao, Báo Thanh Niên ngày 27/5/2022 dẫn lời Phó Giáo sư Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), cho rằng, khi xã hội hóa sách giáo khoa thì đương nhiên có sự cạnh tranh.
Các nhà xuất bản sẽ huy động được đội ngũ viết sách tốt nhất, sách được in ấn đẹp, bắt mắt nhất, thêm vào đó chi phí truyền thông, quảng bá, phát hành… dẫn đến đội giá. [4]
“Do sách giáo khoa là mặt hàng đặc thù thì chúng ta chỉ nên xã hội hóa ở từng khâu. Nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ khâu nào đó để đảm bảo giá sách giáo khoa phù hợp đối với mọi gia đình, chứ không phải xã hội hóa ở tất cả các khâu để ra được một cuốn sách giáo khoa như hiện nay”, ông Long đề xuất, theo Thanh Niên.
Tôi nhận thấy, ý kiến của ông Ngô Trí Long là xác đáng, rất đáng được quan tâm nghiên cứu, vì giá sách giáo khoa tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hơn 15 triệu học sinh và hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước.
Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Bộ Giáo dục đã đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 150.000 đồng/học sinh/tháng để hỗ trợ các em mua sách, vở và các đồ dùng học tập. [5]
Nếu dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP được ban hành thì đây sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp học sinh nghèo có thêm điều kiện học tập khi giá sách giáo khoa tăng cao.
Ngoài ra, đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý), Bộ Giáo dục đã chỉ đạo Nhà xuất bản này nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối, kết hợp kênh phân phối truyền thống với kênh phát hành qua hình thức thương mại trực tuyến online để giảm chi phí phát hành; đẩy mạnh tái cơ cấu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo hướng tinh gọn bộ máy, nhân sự, tiết giảm tối đa các bộ phận trung gian, đặc biệt là bộ phận quản lý để giảm chi phí, hạ giá thành và giá bán sách giáo khoa.
Như những phân tích ở trên, rõ ràng, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thẩm quyền quyết định hoặc áp đặt giá bán của sách giáo khoa. Về vấn đề dư luận băn khoăn về giá sách giáo khoa tăng cao, thiết nghĩ, dựa trên việc xem xét, đánh giá chuyên môn, nếu thấy có bất thường, Bộ Tài chính nên thanh tra để giải đáp rõ những thắc mắc của dư luận.
Tài liệu tham khảo:
[1] //tuoitre.vn/gia-sach-giao-khoa-lop-2-lop-6-moi-cao-nhat-hon-300-000-dong-bo-20210409115337615.htm
[2] //baochinhphu.vn/nam-2022-lam-phap-se-thap-hon-so-voi-muc-cho-phep-nhung-khong-chu-quan-102306577.htm
[3] //tuoitre.vn/nha-nuoc-se-dinh-gia-sach-giao-khoa-de-cham-dut-chuyen-doi-gia-sach-len-troi-20200713230648742.htm?fbclid=IwAR0yE-ejhzHMV65LXIH_434VuuRtX_LZjbh641pMPF09PT5_M6WQBHjhHw4
[4] //thanhnien.vn/gia-sach-giao-khoa-dat-gap-2-3-lan-kien-nghi-nha-nuoc-dinh-gia-toi-da-post1462759.html
[5] //nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/giu-gia-sach-giao-khoa-hop-ly-nhat-co-the-642956/
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Phan Thế Hoài
TỪ KHI NÀO GIỚI CHỨC LÃNH ĐẠO GIÁO DỤC VIỆT NAM TRỞ THÀNH CON BUÔN VÔ LIÊM SỈ ?
LÝ TRỰC DŨNG/ TD 29-5-2022
CẢI CÁCH GIÁO DỤC MADE IN VIETNAM
Không biết trên thế giới còn có nước nào loạn CẢI CÁCH GIÁO DỤC như Việt Nam? Thực chất cái gọi là CẢI CÁCH GIÁO DỤC này là gì? Vì tương lai của triệu triệu con em dân Việt và đất nước Việt Nam hay vì mưu đồ chính trị và lợi ích của phe nhóm nào đó từ các cơ quan quyền lực cao nhất xuống đến Bộ Giáo dục & Đào tạo bằng các quyết định "đột phá" như cải cách thi cử, phong trào chống tiêu cực, chống bệnh thành tích, đổi mới sách giáo khoa…
Còn nhớ cách đây hơn chục năm, Bộ này chủ trương phát triển đại trà các trường Đại học không cần đếm xỉa đến các điều kiện cần thiết phải có, phải đủ cho nó về cơ sở trường lớp và đội ngũ giáo viên… Kết quả là hàng trăm trường đại học mọc lên như nấm, rồi chết nhanh như nấm gặp hạn. Vô số nhà đầu tư khóc dở mếu dở. Tin vỉa hè làm chúng ta phải giật mình: Một chữ ký phê duyệt để thành lập trường cả trăm trường ĐH tư này của các Mr. có chức quyền ở Bộ GD&ĐT có giá chỉ 20.000 USD!? Bộ trưởng Bộ giáo dục thời đó 2006-2010 là ông GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, sau này rất nổi tiếng với phát ngôn để đời khi làm Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh: “Tôi nói giọng Bắc nhưng là người miền Nam, tôi không gạt bà con đâu!”
BIÊN SOẠN VÀ ĐỔI MỚI SÁCH GIÁO KHOA, MÓN HÀNG VÔ CÙNG BÉO BỞ
Theo tôi, ở châu Á có 2 nước mà ở đó bố mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả để con mình được học càng cao càng tốt nhằm đổi đời. Đó là Hàn Quốc và Việt Nam. Dân số Việt Nam 2020 là 97,34 triệu người. Năm 2022 là 98,88 triệu người. Từ 2020 đến nay, mỗi năm có 1,3 đến 1,5 triệu trẻ em được sinh ra. Và các em về lý thuyết đều phải được đến trường đi học. Đây chính là “khách hàng” tiềm năng, béo bở của lũ “con buôn giáo dục” nhân danh "Có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam" và “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW” v.v... Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa biên soạn, thẩm định rồi cả in ấn.
Chúng ta còn nhớ cái Bộ này đã từng “chỉ xin” 34 ngàn tỉ đồng để đổi mới Sách Giáo Khoa? Thế là các Giáo sư & Tiến sĩ có tên tuổi đua nhau soạn, tranh cãi to tiếng, mạt sát nhau để giành quyền được phê duyệt, rồi nhồi nhét đủ thứ vô bổ vào Sách giáo khoa, mà nếu bắt các “Giáo sư & Tiến sĩ” soạn sách Giáo khoa này phải đọc và phải học sách giáo khoa của nhau thì tôi chắc là họ sẽ chửi bới nhau hơn cái chợ. Từ nhiều năm nay Bộ GD&ĐT đã nhẫn tâm biến hàng triệu trẻ em ngay từ lớp 1, lớp 2 nhiều khi đi không vững vì phải vác trên vai cả đống sách giáo khoa to tướng và bị biến thành vẹt khốn khổ đến mụ người, phải ngày đêm học thuộc lòng khối lượng bài vở quá lớn và không được có tư duy độc lập! Bọn họ chức danh Giáo sư, Tiến sĩ đầy mình vì sự nghiệp trồng người mới XHCN? Không, ngắn gọn, họ chỉ vì tiền!
Tôi không hiểu ông GS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và ông GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nghĩ gì khi phát biểu vô cùng phản cảm, trơ trẽn: “Sách giáo khoa đắt gấp 2-3 lần vì 'khổ to', 'giấy đẹp'. Nếu không tăng giá sách mới, Nhà xuất bản sẽ lỗ!”. Chả nhẽ họ không biết hiện có hàng ngàn các cháu nhỏ, đặc biệt ở các vùng xa, miền núi cơm còn không đủ ăn, áo quần không đủ mặc, phải học trong các trường lớp tranh tre dột nát, vở còn thiếu nói gì đến sách giáo khoa. Chả nhẽ người như họ không bao giờ xem chương trình "Cặp lá yêu thương" của VTV 24h phát lúc 18g30 hàng ngày nêu hoàn cảnh rất khổ, rất thương tâm của các cháu nhỏ khắp mọi miền đất nước cần được trợ giúp để khỏi bỏ học. Chả nhẽ họ không biết mức học phí hiện đã tăng gấp 5 lần rồi giờ SGK đắt hơn 2-3 lần. Sự dã man là "bọn họ" cố tình bắt học sinh phải làm bài tập ngay trên SGK để năm sau không thể sử dụng SGK này mà buộc phải mua SGK mới. Tiền lãi từ tăng giá SGK gấp 2-3 vì "to hơn", "giấy đẹp hơn" chạy vào túi ai nhỉ?
Đối với tôi, các “đồng chí” dính vào phi vụ này chỉ là bọn con buôn chữ. Bà Nguyễn Thanh Hải, trưởng ban Dân nguyện Quốc hội phải chua chát: “Mỗi năm phụ huynh bỏ 1.000 tỷ đồng mua SGK rồi bán giấy vụn!”
Sách giáo khoa thời VNCH. Ảnh tư liệu
Các quý vị lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo có biết đến một quyển sách giáo khoa nào của VNCH trước 1975 không? Thế này đã đủ nhân văn chưa? Nhiều bạn tôi từng được mượn SGK này để học.
SÁCH GIÁO KHOA VÀ ÔNG BỘ TRƯỞNG ... THIỆT TÌNH!
TRÂN VĂN/ VOA/ TD 1-6-2022
Ý kiến của của ông Nguyễn Kim Sơn trong vai... Đại biểu Quốc hội, khi thảo luận với các đồng viện về giá sách giáo khoa, đại ý: Sách giáo khoa đắt hơn trước gấp hai, ba lần vì “khổ to, giấy đẹp” (1) đã và đang khuấy động dư luận cả trên hệ thống truyền thông chính thức (2) lẫn mạng xã hội...
Vì sao vẫn đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của nhân dân” tại Quốc hội khóa 15 nhưng ông Sơn lại bị nhân dân chỉ trích kịch liệt, chẳng mấy ai thèm thắc mắc ông Sơn đang đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của họ mà chỉ xoáy vào chuyện ông Đại biểu Quốc hội kiêm Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo đang thay giới kinh doanh sách phân bua?
Có người như Lê Đăng Minh nhận xét: Sao nói giống con buôn sách giáo khoa vậy (3). Có người xếp ông Sơn vào loại đại diện cho... “lợi ích nhóm” (4). Có người rủa rất nặng lời như Dong Nguyen: Tăng giá gấp đôi, gấp ba vì “giấy tốt, khổ to” chỉ là trò ăn cướp kẹo trẻ con thôi, đừng vòng vo thêm nhục. Tưởng thế nào! Cũng phường cắp trộm (5)!
Hoặc tham gia đóng góp cảm xúc với bạn bè qua việc giới thiệu một mẩu đối thoại như Trần Đắc Thắng : Chị bán xoài hả? Xoài này bao nhiêu một ký vậy chị? Đây là xoài cát chu, giá 35.000 đồng/ký. Còn đống xoài to to kia? Đó là xoài Đài Loan, giá 15.000 đồng/ký? Ủa sao xoài Đài Loan to hơn, đẹp hơn mà giá rẻ hơn nhiều vậy chị? Vì nó không ngon, người ta ăn xoài cần ngon chứ đâu cần to, đẹp. Ờ, chị nói đúng. Vậy mà có th… nọ lên tới chức bộ trưởng, sách giáo khoa người ta cần kiến thức mà tụi nó lại in vừa to vừa đẹp để bán giá cao gấp hai, gấp ba lần so với trước. Ôi, anh chấp nhứt chi cái loại ngu dốt nhưng thừa thủ đoạn bóc lột đó. Có cơ hội moi tiền của dân là chúng moi tới cái lai quần luôn (6).
Nhiều người như Do Duy Ngoc đã góp phần lý giải tại sao dân chúng giận dữ: Dân càng lúc càng nghèo vì cái gì cũng tăng giá. COVID làm nhiều gia đình thiếu ăn. Sau COVID kiếm tiền chẳng dễ. Giờ thì học phí tăng gấp ba, sách giáo khoa cũng tăng y như thế. Giá sách cũ đã chạy tiền chết m… rồi, giờ lại tăng ba lần. Lại bày ra lắm đầu sách mà chỉ sử dụng có một lần. Năm sau lại mua. Thế là tiêu mộng cắp sách đến trường. Bộ trưởng bảo giá sách tăng là vì được in khổ to, giấy đẹp. Lại muốn chửi. Xứ giàu người ta in sách đẹp, khổ to nhưng phát không cho học sinh. Xứ ta nghèo, chạy ăn hộc máu lại bày in khổ to, giấy đẹp để thu tiền đầy túi. “Một ngày lạ thói sai nha, Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Các ông lúc nào cũng có lý do để nguỵ biện nhưng thực chất là do đồng tiền cả. Sách mỗi năm mỗi đổi. Học sinh mỗi năm phải mua sách mới với giá năm nay cao hơn năm trước. Các ông có biết có người phải bán máu để mua sách cho con không? Các ông có hay có bà mẹ ngất vì đói để dành tiền mua sách không? Hàng trăm, hàng ngàn tỉ các ông thu về rút từ máu của những người cha, từ cơn đói của các bà mẹ đấy. Tàn nhẫn quá. Ngày trước bảo làm cách mạng để trẻ con được có sách vở, được có tấm áo, được học hành. Giờ với học phí và sách giáo khoa tăng vùn vụt thế này, trẻ con lại phải xuống đường bán vé số, ra vỉa hè mưu sinh phụ giúp gia đình. Còn tâm trí đâu mà học hành, mà mở mang trí tuệ. Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Giờ tuổi trẻ như thế thì mai sau đất nước sẽ thế nào (7)?
Cũng đã có một số người như ông Võ Đức Phúc nhắc lại chuyện năm ngoái, sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng GDĐT, ông Sơn đề xuất chính phủ giao Bộ Tài chính lập báo cáo để chính phủ trình Quốc hội xem xét việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quy định giá, không để các doanh nghiệp tự kê khai giá rồi tự chịu trách nhiệm báo cáo Bộ tài chính như cơ chế hiện hành. Rồi chỉ đạo gửi văn bản đến các nhà xuất bản, yêu cầu tiết kiệm tối đa chi phí trong các khâu biên soạn, in ấn, phát hành, làm sao để giá thành sách giáo khoa giảm để con em các gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận. Ông Phúc khen đó là điều nhân văn và than: Thật đáng tiếc, chẳng hiểu sao lần này tại Quốc hội, Bộ trưởng lại “giải trình” cho các doanh nghiệp là các nhà xuất bản thay vì để Bộ Tài chính làm điều đó, mà không nghĩ đến cảm xúc của nhân dân. Tưởng Bộ trưởng muốn trình bày thì lên phường chứ. Hay Bộ trưởng muốn thể hiện điều gì với các nhà xuất bản? Một chút vụng về thôi cũng đủ làm “mất điểm” trong mắt người dân cả nước. Giải trình mà không khéo thì mấy ai tin (8)?
Bởi không tin vào “thành tâm, thiện ý” của Đại biểu Quốc hội kiêm Bộ trưởng GDĐT nên mới có nhiều người thắc mắc như Trần Xuân Thái: Tại sao mỗi năm hàng chục triệu cha mẹ phải mua lại sách giáo khoa cho con em của họ mà không được xài sách giáo khoa anh chị của chúng để lại? Tại sao sách giáo khoa phải liên tục thay mới, in mới và giá cả thì bản sau cao hơn bản trước? Hay là vì bản án của tên Trương Quốc Cường chỉ bốn năm quá nhẹ, nhẹ đến mức công nhiên thách thức nhân dân, khiến những BOT – sách giáo khoa, Việt Á – sách giáo khoa xem thường đến mức trêu ngươi? Phải chăng, đó là một nền học thuật bị thương mại hóa, một chiến lược sách giáo khoa, sách dùng cho việc dạy và học bị lũng đoạn bởi các nhóm lợi ích COCC (con ông cháu cha) (9)?
Trong vô số ý kiến kiến về biện minh Sách giáo khoa đắt hơn trước gấp hai, ba lần vì “khổ to, giấy đẹp” của Đại biểu Quốc hội kiêm Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Ngô Hữu Kinh Luân tâm sự rằng ông cảm thấy may mắn khi đi học vào thời “không có những ông Thượng thư Bộ GDĐT như bây giờ, nếu có, chắc chắn mình sẽ thất học vì nhà mình nghèo quá, tiền ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền đóng học phí, tiền sách giáo khoa liên tục đổi mới mỗi năm”. Từ thực tế đang làm nhiều người, nhiều giới rên xiết, Luân thắc mắc: Ngành giáo dục có âm mưu hay hai lòng không khi liên tục cải cách, tăng học phí, tăng giá sách giáo khoa trong lúc dân đang khốn khổ trăm đường và nhiều người bị bần cùng hoá?
Và nhắn chung giới lãnh đạo: Lãnh đạo xa dân lâu quá rồi, lãnh đạo đã quen với những công trình trăm tỷ nghìn tỷ bỏ hoang, lãnh đạo đã quen với những vụ án triệu đô trăm triệu đô, lãnh đạo bóc gỡ những phi vụ sai phạm tiền tỷ hệt như chuyện bông đùa. Lãnh đạo đâu biết được rằng, phận dân khổ lắm. Có người cả đời không có nổi chỗ che thân, mất không có áo quan chôn, chôn rồi không có chỗ nhang khói. Mới đây thôi ở Phú Yên, không có tiền ma chay cho chị, dân đành chôn ngay trong nhà. Mới đây thôi, dân phải bó người thân tử vong tại bệnh viện bằng chiếu rồi cột trên xe máy chở về nhà để mai táng ở Sơn La vì nghèo. Lãnh đạo ơi, xưa còn có các đội nhận lệnh vua đi ghi chép dân sống sao về báo lại với Thiên tử, quan sát cách quan chăn dân sao về tấu lại với Thiên tử... Vậy mà nay, có biết bao cơ quan thanh tra, giám sát, có biết bao người được nhà nước trả lương từ cấp ấp mà lẽ nào lãnh đạo không biết dân sống ra sao, hay sao? Lãnh đạo ơi, lẽ nào lãnh đạo đã quên giáo dục là quốc sách của quốc gia, giáo dục là rường cột của tổ quốc, giáo dục là nền tảng của dân tộc hay sao? Lãnh đạo ơi, nếu lãnh đạo hiểu thì lẽ nào cứ để các quan nhân ngành giáo dục mặc sức bào mòn sức dân, chia nhau máu thịt của dân mãi như vậy sao (10)?