Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

20211012. VỤ 15 CON CHÓ BỊ TIÊU HỦY ĐỂ CHỐNG DỊCH

 ĐIỂM BÁO MẠNG


GIẾT 15 CON CHÓ CỦA NGƯỜI THỢ HỒ CHẠY VỀ QUÊ:TÀN NHẪN QUÁ !

ĐỖ DUY NGỌC/ TD 10-10-2021


Đọc báo thấy tin chính quyền tỉnh Cà Mau tiêu huỷ 15 con chó của một người dân làm thợ hồ từ Long An chạy xe máy về Cà Mau vì thất nghiệp, hết tiền nên đành về quê. Trên xe gắn máy của anh, ngoài một số đồ đạc ít ỏi còn có chở thêm đàn chó nhỏ.

Báo nhà nước đăng thế này: “22h ngày 8-10, vợ chồng ông Phạm Minh Hùng (49 tuổi, làm thợ hồ ở tỉnh Long An) về quê của vợ chồng người em (em dâu của vợ ông Hùng ở ấp Kinh Đứng A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) để tránh dịch, tất cả có 5 người, trong đó có 1 cháu nhỏ.

Khi về Cà Mau, 2 gia đình mang theo 15 con chó (4 chó lớn và 11 chó con). Về đến chốt kiểm soát dịch COVID-19 Quản Lộ Phụng Hiệp thì vợ chồng ông Hùng cho 2 con chó con. Sau đó vợ chồng ông được đưa về huyện Trần Văn Thời cách ly tập trung tại Trường THPT Khánh Hưng.

Theo Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời, lúc 1h ngày 9-10, khi test nhanh sàng lọc thì vợ chồng ông Hùng dương tính với COVID-19. Đến chiều cùng ngày, kết quả xét nghiệm của CDC Cà Mau cũng xác định vợ chồng ông Hùng dương tính. Sau đó vợ chồng ông được đưa đi cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Thiên Chúa – chủ tịch UBND xã Khánh Hưng – cho biết, sau khi vợ chồng ông Hùng được đưa đi cách ly điều trị, những người làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương có vận động vợ chồng ông Hùng cho tiêu hủy 13 con chó. Về lý do, quy trình, cách thức tiêu hủy 13 con chó, ông Chúa cho biết đang yêu cầu báo cáo lại.”

Một báo khác thì lại cho rằng: “Động cơ của anh em là phục vụ cho công tác phòng, chống dịch nhưng làm hơi gấp. Qua xét nghiệm, những con chó này dương tính với một loại virus. Tôi đang trên đường đi xuống xã để nắm lại và xử lý vụ việc này. Theo báo cáo, số chó đã bị tiêu hủy hết”.

Anh Hùng, chủ đàn chó cho biết: “Mấy con lớn ăn nhiều, còn chó nhỏ ăn ít. Vợ chồng tôi nuôi chúng, thương chúng như con vậy. Khi vợ chồng tôi cách ly ở xã Khánh Hưng, mấy con chó nằm ngủ trước cửa phòng”.

Trước đó, hình ảnh đôi vợ chồng chở những chú chó trên xe máy chất lỉnh kỉnh đồ đạc để về quê tránh dịch được chia sẻ nhiều trên mạng. Theo clip, hình ảnh được chia sẻ, 15 chú chó ngồi ngoan ngoãn suốt chuyến đi.

Một người thợ hồ thất nghiệp đã bốn tháng nay, chắc chắn cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, có thể là phải xin cơm từng bữa. Thế nhưng anh vẫn giữ đàn chó, chia sẻ những miếng cơm hiếm hoi cho chúng. Điều này chứng tỏ anh rất thương yêu chúng, cũng như anh nói, vợ chồng anh thương chúng như con. Thương thế nên trên đường xa về quê, anh cũng cố gắng mang theo chúng dù đường xa và đồ đạc lỉnh kỉnh.

Thế mà khi về đến nơi, vợ chồng anh bị cách ly và đàn chó bị đem đi tiêu huỷ. Đau lòng quá! Nhẫn tâm quá! Dù là chó, chúng cũng là những sinh mệnh. Đó là chưa kể loài chó là động vật có nghĩa, trung thành và gần gũi với con người. Người ta thường nói: “Con chẳng chê cha khó, chó chẳng chê chủ nghèo”. Đàn chó ở với anh Hùng là người chủ nghèo đang bế tắc trong sinh kế. Nhưng chủ và chó gắn bó thương yêu nhau như người trong một nhà.

Cùng nhau suốt đoạn đường đi. Thế mà nỡ lòng nào giết chúng? Tàn nhẫn quá! Ác nhân quá! Rất nhiều người nuôi chó và yêu thương nó vô cùng. Thất lạc nó người ta khóc, người ta cuống cuồng đi tìm cho bằng được. Nuôi con chó đến già, chó chết đi nhà buồn như có tang. Người và chó luôn khăng khít, yêu thương. Và cũng từ đó, dư luận lên án bọn bắt chó, buôn chó, làm thịt và ăn thịt chó. Các anh là quan, dù là quan bé cũng là quan, sao lại tự đánh đồng mình với lũ bắt chó và giết chó?

Báo cũng đăng: Chính quyền Cà Mau lên tiếng vụ tiêu hủy 15 con chó theo chủ về quê: “Chủ chó tự bắt bỏ vô bao, đồng ý tiêu hủy trên tinh thần tự nguyện”. Tôi đọc và tôi không tin, không thể nào người chủ chó có thể can đảm và nhẫn tâm tự bắt chó vô bao, tự nguyện đem thiêu huỷ. Không bao giờ có hành động như thế đối với một người xem chó như con mình. Nói thế là nói láo, là dựng chuyện. Quý quan tỉnh lẻ nếu thèm thịt chó thì vào quán mà ăn, sao lại có hành vi tàn ác thế.

Lại nhớ chuyện Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Cái cảnh đành bán con Vàng đi với dòng nước mắt của Lão Hạc cho ta thấy tình cảm giữa người và chó nó sâu lắm, nó đậm lắm. Làm gì có chuyện thản nhiên tự nguyện bỏ đàn chó vào bao đem tiêu huỷ. Các quan chắc đe doạ, hét hò, doạ nạt dữ lắm khiến anh Hùng phải đồng ý lệnh quan với nỗi đau xé lòng.

Hỡi ôi! Đến những con chó con, đến cả đàn chó của người nghèo cũng không tha thì gọi đám sai nha ấy là gì nhỉ? Chị Dậu của nhà văn Ngô Tất Tố bán ổ chó để kiếm tiền đóng thuế cho chồng, đọc đã rơi nước mắt. Giờ giết cả đàn chó, có còn nước mắt để khóc nữa chăng? Tưởng cái thời khốn nạn đó đã qua đi rồi, ai ngờ giờ nó còn tàn nhẫn hơn, khốn kiếp hơn. Viện cớ chó nhiễm virus, xin hỏi đó là con virus tên gì, nguy hiểm thế nào mà phải vội vàng đem đi giết? Bằng chứng đâu, xét nghiệm đâu? Toàn là cái cớ không thể chứng minh. Một cái cớ để thịt mấy con chó tội nghiệp.

Không những con người bị giam hãm, đói khát trong thời dịch bệnh, mà đến con chó cũng không tha. Biết nói gì đây? Phật, Chúa, Thần linh cũng đành quay mặt đi để khỏi phải trả lời.

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/lam-ro-vu-tieu-huy-15-chu-cho-cua-cap-vo-chong-ve-ca-mau-tranh-dich-781735.html

https://tuoitre.vn/ca-mau-yeu-cau-bao-cao-vu-tieu-huy-13-con-cho-cua-nguoi-ve-que-20211010120115377.htm


VÔ SẢN THỜI COVID

LÂM BÌNH DUY NHIÊN/ TD 10-10-2021


Câu chuyện của anh Phạm Văn Hùng cùng vợ và 15 con chó “tháo chạy” từ Long An về quê Cà Mau, đã mang lại sự cảm động nơi nhiều người.

Nhưng điều khiến chúng ta căm phẫn chính là đàn chó của vợ chồng anh đã bị cơ quan chức năng “thủ tiêu” vì lý do chúng bị “dương tính bởi một loại virus nào đó“!

Ai tin vào khả năng và kiến thức của các nhân viên y tế cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh này?

Từ giết thú đến sát hại con người, con đường tội lỗi chẳng bao xa…

Dẫu sự thật ra sao thì đó cũng là một hành động tàn nhẫn của một chính quyền tàn bạo, từ mọi cấp độ, trong cách hành xử và đối phó với nguy hiểm.

Người dân nghèo khó vì cách phòng chống dịch của chính quyền nên tìm đường bỏ về quê. Gia tài họ vỏn vẹn gói trọn trong những gói đồ hay những con vật thân thương. Tất cả cũng chẳng còn gì sau muôn vàn khó khăn, vất vả!

Giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt nhưng không hề đưa ra một giải pháp nhân văn nào để trợ giúp người dân, nhất là giới lao động nghèo và các hãng xưởng. Bỏ mặt họ trong túng quẫn, đói khổ và căng thẳng về tâm lý chỉ nhằm chống dịch sao cho “hiệu quả” để lấy tiếng với cộng đồng quốc tế. Rất nhiều điều phi lý và nực cười trong những quyết định và chỉ thị phòng chống dịch của nhà nước. Chính quyền dường như không muốn nhìn thấy những bài học của thế giới sau hơn một năm bị Covid hoành hành!

Khi người dân chưa được tiêm vắc-xin một cách kịp thời và chỉ nhận được đôi bao mì gói, ít chai nước tương, nước mắm hay vài ký gạo để “đồng lòng chống dịch” thì những kẻ giàu có, quyền thế vẫn được ưu tiên chăm lo và tiếp tục sống trong nhung lụa. Đó chính là tột đỉnh của sự bất công!

Tựu trung chỉ có dân nghèo đã phải trả giá quá đắt cho cách chống dịch cực đoan, bảo thủ và tàn nhẫn của chế độ.

Giai cấp lao động, vô sản đã góp phần xương máu để giúp người cộng sản nắm quyền. Họ vẫn là con cờ của chế độ trong sự tuyên truyền giáo điều về “sứ mệnh và vai trò lịch sử” của họ trong “công cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản”.

Thực tế thì họ đã bị bỏ mặc vào lãng quên bởi kẻ cầm quyền. “Sống chết mặc bay”, giới cầm quyền tha hồ làm giàu trên mồ hôi và nước mắt của người nghèo! “Cuộc cách mạng vô sản” đã tạo nên một giai cấp tư sản khác, tàn nhẫn hơn, bóc lột hơn, đó chính là “giai cấp tư sản – mafia đỏ”. Những nhóm lợi ích, quan chức và thân đảng, tha hồ làm giàu một cách bất chính. Chính họ đã gây nên sự bất công giữa các tầng lớp trong xã hội. Thao túng quyền lực, kinh tế và tài chính nhằm làm giàu cho cá nhân, gia đình, tập đoàn và cho đảng mới chính là “sứ mệnh lịch sử” của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam.

Một cuộc cách mạng đẫm máu và dối trá mà nạn nhân chỉ là người nghèo, thấp cổ bé họng.

Vô sản muôn đời vẫn “vô sản”! Khốn nạn thay!

Covid 19 đã phơi bày, một lần nữa, bản chất thật, thú tính của chính quyền.

Lâm Bình Duy Nhiên

CHỐNG DỊCH HAY HIẾU SÁT ?

MAI BÁ KIẾM/ TD 11-10-2021


Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch huyện Trần Văn Thời xác nhận đang đề nghị dưới cơ sở làm văn bản báo cáo vụ “tiêu hủy đàn chó (15 con) của vợ chồng anh Phạm Văn Hùng chở từ TP.HCM về đây”.

Ông Công bào chữa “Động cơ của anh em là phục vụ cho công tác phòng, chống dịch nhưng làm hơi gấp. Qua xét nghiệm, những con chó này dương tính với một loại virus. Theo báo cáo, số chó đã bị tiêu hủy hết”.

Mấy hôm trước, có một Facebooker minh họa clip anh chị Hùng chở 15 con bằng câu: “Ở VN chỉ có chó là không bị bỏ lại phía sau!”. Tôi thán phục hàm ý của câu này, ai ngờ 15 con về tới nhà an toàn lại bị xử trảm vô cớ “dương tính với một loại virus”.

Nhớ lại chuyện hủy diệt gia cầm bị nhiễm H5N1 và heo bị nhiễm virus “heo tai xanh” đến giờ tôi vẫn còn rùng mình. Bộ NN&PTNT chống dịch cực đoan như Bộ Y tế hiện nay: Nếu có một gia cầm dương tính với H5N1 là chấm compa tại trại đó quay bán kính 1,5km để tiêu hủy hết các trại gà (chưa nhiễm) nằm trong vòng tròn đó!

Tôi chứng kiến thú y thuê cơ giới đào hố, ném hàng ngàn con gà xuống hố đổ xăng thiêu sống, tiếng gà kêu và chủ trại khóc dậy trời xanh!

Tôi chứng kiến cảnh thiêu sống “heo tai xanh” tại huyện Tân Phú, Đồng Nai (bắt các xe chở heo bị nhiễm từ Lâm Đồng về), heo chạy lên miệng hố như “ngọn đuốc sống”. Tôi không dám nhìn và năn nỉ đội trưởng thú y chích điện cho nó chết rồi hãy đốt!

Tôi đăng bài mô tả, tiến sĩ Nguyễn Văn Tìm (tiến sĩ dịch tễ học thú y ở Liên Xô, phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM về hưu) điện tôi đến nhà ông ở đường Xóm Chiếu, yêu cầu tôi nêu lập luận của ông và khẳng định với Bộ “chống dịch bằng cách hủy diệt gia cầm là sai”!

Chưa hết, ba Sở NN&PTNT của TP.HCM, Đà Nẵng và Huế còn học Mao Trạch Đông hủy diệt chim hoang dã và bồ câu nuôi:

Tại TP.HCM: Bồ câu nuôi thịt để kinh doanh thì tự hủy; với bồ câu vô chủ sử dụng 3 biện pháp: rải thức ăn để dẫn dụ và dùng lưới phủ chụp; dùng ná hoặc súng chuyên dụng để bắn (do công an hoặc bảo vệ cơ quan); dùng hóa chất (Dipterx) tẩm trong thức ăn để dẫn dụ.

Tại Đà Nẵng: Với chiến dịch “Tìm và diệt”, sau một tuần ra quân, Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch cúm gia cầm Đà Nẵng đã bắn hạ hơn 3.000 chim cảnh các loại, trong đó có 350 chim bồ câu. Đà Nẵng là địa phương duy nhất thành lập đội bắn hạ chim trời.

Huế: Lập “đội đặc nhiệm” bắn hạ bồ câu hoang. Đội đặc nhiệm gồm Công an TP, sẽ kết hợp với Y tế, Thú y, chỉ 2 ngày sau khi thành lập đã bắn hạ được hơn 200 con bay lảng vảng trên trời, đậu trong các chùa…

Báo chí Mậu Dịch ca ngợi bắn chim, khiến Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) phải gửi thư cho Chính phủ và Bộ NN&PTNT ngày 6/12/2005:

“Nhận thức rõ rằng quyết định này không phải từ trung ương, chúng tôi muốn bày tỏ sự lo ngại của chúng tôi về cách làm này. Nhiều tổ chức và nhà tài trợ quốc tế cũng bày tỏ sự lo ngại này với chúng tôi”.

“Mặc dù chim hoang dã có thể có vai trò nào đó trong việc phát tán virus chủng Al (cúm gia cầm), song việc giết chim bồ câu và các loài chim hoang dã khác không được xem là một biện pháp kiểm soát HPAl hợp lý. Mọi người đều biết nguồn khởi phát dịch bệnh hiện nay là từ virus ở trong các đàn gia cầm, đặc biệt là ở các loài thủy cầm.

Các biện pháp thích hợp đã được đề xuất áp dụng để ngăn chặn dịch là tiêm vaccine cho gia cầm, giám sát cẩn thận các đàn gia cầm sau khi tiêm vaccine, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm và có biện pháp đền bù hợp lý khi tiêu hủy gia cầm. Việc thực thi đầy đủ các biện pháp này giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh”.

Cuối thư, ngài Marcelino V. Dalmacio đề nghị: “Thay mặt FAO, tôi đề nghị Quý Bộ yêu cầu chính quyền các địa phương dừng ngay hành động thái quá nêu trên. Nhân đây, tôi muốn khẳng định một lần nữa cam kết mạnh mẽ của chúng tôi để hỗ trợ Việt Nam trong việc đẩy lùi HPAl”.

VN chống địch trên gia cầm, gia súc hay trên người đều không học hỏi cách làm của các nước, lại sáng chế ra cách giết chim, giết chó, giết cho sướng bàn tay hiếu sát!

Mai Bá Kiếm

'CHÚNG MÀY MAN RỢ QUÁ!'

ĐỖ DUY NGỌC/ TD 10-10-2021

Tôi vừa nhận được cuộc điện thoại của một anh bạn Pháp. Anh năm nay cũng đã 76 tuổi, anh gọi cho tôi từ Montpellier, thành phố lớn thứ 8 của nước Pháp. Anh chỉ yêu cầu tôi trả lời một câu hỏi thôi, đó là có thật chính quyền Việt Nam ở Cà Mau vừa giết 13 con chó, trong đó có 7 con chó con không? Tôi bảo, đúng thế, báo đã đăng. Anh ta khóc lớn trong điện thoại và cứ nhắc đi nhắc lại từ Terrible! Terrible! tức là khủng khiếp.

Anh không tin chuyện đó là thật nên hỏi tôi để xác nhận. Tôi không nhớ là anh có nuôi chó không và anh có phải là người yêu thú vật không? Nhưng tôi hiểu, đối với người phương Tây, giết những con thú nuôi, đặc biệt là chó là một điều khủng khiếp, rất khủng khiếp. Anh chấm dứt câu chuyện bằng một câu: Tao không thể tin được. Chúng mày man rợ quá!

Đúng, chính tôi cũng không thể tin người ta có thể làm được chuyện này. Đập vào đầu cho vỡ óc, toé máu ra ư? Hay đem nhấn nước cho ngộp thở mà chết? Cách nào cũng tàn nhẫn cả. Mà chúng có tội gì đâu? Chúng cũng là những sinh mệnh mà. Chúng lại là con thú gần gũi với con người, bạn của con người, gắn bó và trung thành bậc nhất. Sao lại viện cớ dịch bệnh mà giết chúng?

Nếu giả sử chúng có virus dính vào thân thể, chỉ cần tắm với xà phòng hay khử khuẩn là xong. Mà chắc gì đã có việc đó. 13 con dính virus hết sao? Một cách xử lý quá cực đoan nếu không nói là ngu ngốc và tàn ác. Đàn chó đã theo chủ trên một đoạn đường dài, chia sẻ từng hạt cơm, miếng bánh với chủ. Chúng là người bạn, là những đứa con của vợ chồng người chủ nghèo đang về quê kiếm cơm trong những ngày khốn khó. Người ta đã nhân danh chống dịch để giết chết chúng.

Vợ chồng người chủ chắc hẳn sẽ rất đau buồn như những đứa con của mình bị người ta giết. Nỗi buồn này sẽ là vết thương khó lành trong tâm trí họ. Những ngày gian khó vừa qua, họ đã chia sẻ cho đàn chó những gì có được. Trên đường về, nhiều người muốn mua mà họ không nỡ bán dù họ đang rất cần tiền. Họ không nỡ bán con. Trời mưa, họ khoác cho chúng những tấm áo mưa và cùng chúng đi trong mưa. Người và vật sẻ chia những vất vả của cuộc hành trình.

Họ đã về đến nhà nhưng đàn chó không còn. Chúng đã chết tức tưởi. Giờ thì người ta nhận sai, người ta nhận lỗi nhưng đàn chó có sống lại được đâu? Đám sai nha không tim đó rồi cũng vẫn an thân, vẫn ngồi ghế cũ, chẳng có cái án nào dành cho chúng cả. Chúng cũng chẳng có chút cắn rứt nào. Nhưng chúng đang bị nguyền rủa của dư luận, của cộng đồng.

Cứ hình dung những chú chó con mũm mĩm kia bị đánh toác đầu, bị nhấn vào hồ nước, con chó lớn bị đánh què chân, vỡ óc thì quá hãi hùng. Tôi không biết anh bạn Tây già của tôi sẽ nghĩ gì về người Việt của chúng ta, nhưng chắc chắn trong lòng anh sẽ nghĩ sao chúng mày ác quá! Đến con chó nhỏ cũng không tha.

TRỤC TRẶC XẢY RA TRONG THỰC THI CHÍNH SÁCH...

LÊ QUANG/ TD 11-10-2021

Trục trặc xảy ra trong thực thi chính sách vì một lí do đơn giản là chính sách không (chưa) được thiết kế để nhắm tới đối tượng cụ thể. Về nguyên lý thì ta nên nhìn nhận thẳng thắn như thế chứ không nên mang các yếu tố tình cảm hay tình thương vào.

Ví dụ như một xã hội không có tiêu chuẩn cho chó mèo, thì ta không thể kì vọng rằng một ai đó sẽ hành động với chó mèo theo cái cách mà chúng ta nghĩ là nó nên là. Hiển nhiên, có thể có sự phê phán về đạo đức nhưng nó thường có tác dụng tối thiểu.

Chính sách là công cụ để người ta có guidance – phương pháp xử lý tình huống. Bởi vì con người có cách nhìn nhận rất khác nhau giữa cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân và tập thể cho nên hành xử cũng khác nhau nếu thiếu đi tiêu chuẩn ứng xử.

Do đó, nếu ta muốn người ta đối xử tử tế với động vật (và cả con người nữa chẳng hạn) thì điều chúng ta nên làm là thúc đẩy các chính sách được thiết kế cho đối tượng ấy.

Ví dụ như ở Đức, chính sách cho chó mèo là cụ thể. Chó (vật nuôi) phải được trải qua huấn luyện bắt buộc để được ra đường, biết đi theo tín hiệu giao thông, biết nghe lệnh của người, biết lên tàu lên xe thì phải nằm gọn vào một góc và phải đeo rọ mõm. Trong thời gian dịch bệnh, chó là đối tượng được chính sách Đức ưu tiên, biểu hiện ra ở chỗ là nhà ai có chó thì được phép dắt chó đi dạo vào tất cả mọi ngày (trong khi người ra ngoài phải có giấy trình bày lí do).

Nếu không có chính sách được thiết kế riêng cho đối tượng cụ thể thì ta khó có thể ngăn cản bất kì ai thực hiện bất kì điều gì – mà họ cho rằng như thế là đúng. Một xã hội được xây dựng bằng tiêu chuẩn chứ không phải từ khả năng rung động về “cảm xúc” – thứ được coi là không đồng đều giữa mọi cá nhân.

Người nghèo cần có chính sách được thiết kế riêng, người giàu cần chính sách thiết kế riêng, trẻ em cần chính sách cho trẻ em, người già cần chính sách cho người già, cây cối có chính sách của cây cối, chó mèo có chính sách của chó mèo. Nó không phức tạp đến mức mà đứng trước một vấn đề có kẻ khóc người cười. Đó là cách mà xã hội tiến lên, đáng tiếc là xã hội phát triển bằng “hành động” chứ rất hiếm khi chỉ bằng sự “cảm động”.

Một xã hội chỉ biết “oà khóc” hay “ém lệ” khi đau đớn mà không có khả năng thúc đẩy chính sách triệt để thì chỉ ngang với một lớp mẫu giáo (bé) mà thôi.

Lê Quang

LỜI XIN LỖI MUỘN MẰN GỬI TỚI MỘT CON CHÓ !

TẠ DUY ANH/ TD 11-10-2021

Chuyện này tôi vẫn giấu kín suốt nhiều năm nay, liên quan đến một con chó. Tôi luôn nhủ lòng mình sẽ có lúc phải kể lại.

Khi đó tôi đang tại ngũ tại thị xã Lao Cai bị bỏ trống, làm ở bộ phận tham mưu tiểu đoàn. Vì thế mà chúng tôi có thời gian để tăng gia cải thiện thêm. Chả biết có phải thấy chúng tôi rảnh rỗi mà một hôm anh Nguyễn Ngọc Mùi-thượng uý, phụ trách công tác đoàn và ở cùng với chúng tôi-đi chơi Sapa về, đem theo một con chó đen nhánh, vẫn chưa mở mắt. Chẳng rõ anh nhặt được nó trong hoàn cảnh nào. Qua lời anh thì tôi đoán có lẽ anh ngẫu hứng lấy của ai đó, phần nhiều là của một phụ nữ mà anh tán tỉnh, chắc do đùa cợt rồi không nỡ ném đi nên mang về và đẩy “cái của tội nợ” đó cho tôi.

Tôi miễn cưỡng nhận nhưng trong lòng rất oán trách anh Mùi. Không nuôi thì tội nghiệp nó, mà nuôi thì chắc gì nó đã sống. Nó vẫn chưa mở mắt và chỉ to hơn cổ chân một chút. Hằng ngày tôi cho nó ăn cơm, loại cơm nấu từ tấm Ấn Độ (nghe nói thế?) nên rất dính. Mặc dù hai mắt nhắm tịt nhưng miệng nó hau háu vục vào bát cơm. Có lẽ do nó bị bỏ đói. Nhìn con vật bé xíu ăn một cách khổ sở, lòng tôi dần dịu lại. Lần nào cơm cũng dính chặt hai hàm nó vào nhau. Mỗi lần như vậy tôi phải lấy thìa cậy giúp nó khiến nó kêu úng oắng. Tôi càng được thể giận anh Mùi. Anh làm khổ tôi mà cứ coi như không, thấy thế còn nhe răng cười.

Nhưng rồi con chó cũng lớn dần. Chả may cho nó sớm bị ghẻ, dân gian gọi là “lường”. Lông nó trụi dần, trông rất bẩn mắt. Ngày nào nó cũng dùng chân sau gãi bụng sồn sột, quay tròn như sắp phát cuồng và phô ra cái thân hình ghẻ lở, xấu xí rất khó nhìn. Tôi cảm thấy có mối ác cảm cay nghiệt với nó. Mỗi lần nó xuất hiện, tôi lại nổi cáu vô cớ.

Một lần tôi mang nó ra, chịt cổ, rồi dùng cả phao dầu thắp sáng dội thẳng lên người nó. Trong hành động của tôi có lẫn cả sự ác độc, kiểu cho mày chết đi! Con vật kêu như phải bỏng. Nó quay chong chóng, ngã lộn nhào mấy vòng vì xót. Rồi nó cứ lăn lộn trên nền đất, kêu gào thảm thiết, nước mắt chảy ra. Nó nhìn tôi sợ hãi và oán trách, như vì tôi mà nó phải chết non. Đang bù đầu vì sổ sách, chứng kiến cảnh ấy, tự dưng tôi không thể chịu đựng nổi. Tôi co chân đá nó một phát, y như đá trái bóng khiến nó bay ra phía ruộng rau. “Thôi thì mày biến đi cho khuất mắt tao, mày chết luôn tao càng thoát nợ, trông mày tởm quá thể”. Tôi bực mình quay vào, không thèm nhìn xem con chó quằn quại ra sao. Nó chỉ là một con chó, việc quái gì mình phải khổ với nó.

Không thấy động tĩnh gì, tôi nghĩ con chó đã chết hoặc bỏ đi. Thế nào cũng tốt. Nó sẽ không thể ám mình được nữa. Nào ngờ, chiều tối hôm ấy, khi đi rừng về, tôi thấy nó lại đã ở trong phòng làm việc của tôi. Nó nằm im, người cuộn lại, lông vẫn bết vì dầu, toàn thân run lên từng chặp. Nó run vì xót, vì đói và còn vì sợ tôi. Nó không dám nhìn tôi, chỉ khẽ rên ư ử, có lẽ đang ra sức van xin tôi từ tâm cho nó được sống và tá túc qua ngày. Tôi bỗng thấy động lòng, lót cho nó một cái áo rách. Vài hôm sau thì nó bắt đầu ăn uống bình thường. Và điều kỳ diệu là lông nó có dấu hiệu mọc lại. Nghĩa là phao dầu đã có tác dụng diệt hết đám cái ghẻ trên người nó. Mấy tuần sau thì nó thành con chó có bộ lông óng mượt, đốm mũi và đốm trán nên trông như chó bốn mắt. Tôi gọi nó là con Jên, tên một nữ nhân vật hoàng tộc đài các nhưng hết thời trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Cây đèn sắt của Bun-ga-ri mà tôi vừa đọc.

Jên lớn dần, ngày ngày chỉ quanh quẩn bên tôi. Ngoài tôi ra, không ai gọi được nó, không ai có thể mời nó ăn bất cứ món gì. Ban đêm nó nằm ngay dưới chân giường của tôi, không bao giờ ngủ. Ban ngày khi tôi làm sổ sách thì nó ngủ khì, rồi khi dậy thì ra hiên ngồi canh và hóng hớt chuyện của lính. Hôm nào thấy tôi sắp xếp tài liệu, thay quần áo, thì nó ra ngoài cửa đứng chờ sẵn ở trên thềm. Nó ưỡn ngực nhìn theo từng bước tôi đi theo triền dốc xuống đường. Nếu tôi rẽ phải, nghĩa là ra trung đoàn, nó bèn quay vào.

Ra trung đoàn thì chỉ có đi làm việc, nó biết như vậy và không bao giờ quấy quả. Nhưng hễ tôi rẽ trái, lập tức nó phóng theo. Rẽ trái thì hoặc xuống đơn vị, tức là đi chơi, hoặc vào rừng đi săn. Cả hai việc, với nó, đều có quyền bám theo ông chủ. Chưa lần nào tôi đủ cứng rắn để bắt nó quay về. Trên đường đi nó cứ chạy luýnh quýnh, thỉnh thoảng lại nhìn tôi thích thú và lòng đầy biết ơn. Nhưng ngay cả khi ở đơn vị chỉ huy mời tôi ăn cỗ bàn, thịt cá ê hề thì nó cũng nằm ngay dưới chân, không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì, không ai cho nó ăn nổi dù một miếng nhỏ, nếu tôi chưa phát tín hiệu đồng ý.

Những lúc trời tối đen, hai bên lối mòn chỉ có cây cối rậm rạp mà có nó luôn chạy phía trước để dẫn đường quả là rất yên lòng. Có lẽ vì quá khôn mà con Jên cứ còi cọc không lớn. Nuôi mãi nó cũng chỉ chừng 5-6 cân. Cả trung đoàn biết tiếng con Jên, nhất là những hành động khôn ngoan của nó.

Vậy mà một hôm tiểu đoàn trưởng tên là Đ. B. B, vừa sáng ra đã sang phòng tôi. Ông hỏi thăm con Jên và khi tôi khoe nó khôn như người thì ông ta cười ầm lên, đầy vẻ chế nhạo. Mãi rồi ông ta cũng nói ra mục đích chính của việc sang gặp tôi. Ông bảo trưa nay trung đoàn trưởng xuống thăm, dẫn theo cả khách trên sư đoàn hay quân đoàn gì đó. Ông chưa biết lấy gì để tiếp đãi các thủ trưởng. Cả đơn vị chỉ còn mỗi một con trâu. Không thể chỉ vì bữa cơm tiếp khách mà thịt cả con trâu. Mà các thủ trưởng thì lại chỉ khoái món “mộc tồn”. Vì thế ông muốn “vay” tôi con Jên để làm cỗ. Ông sẽ cân nó lên và sau này trả tôi số thịt lợn bằng đúng số cân hơi của con chó.

Vừa nghe thế tôi đã giãy nảy, bảo rằng con chó khôn lắm, không thể thịt được, sau này nó chết thì tôi sẽ an táng. Ông B. nghe vậy thì chửi tục: “Mẹ chú mày, con chó là cái đ*o gì mà chú cứ làm to chuyện. Nó khôn đến đâu thì cũng là loài ăn cứt!”. Nói xong ông đứng dậy ra về, coi như không bàn cãi gì thêm nữa.

Tôi cảm thấy lòng dạ rối bời. Ông Đ. B. B vẫn rất tốt với tôi, coi tôi như anh em. Bản thân ông ấy không phải là người tham ăn. Ông ấy chỉ vì bí mà ép người khác thôi. Đúng là nhìn quanh thì chỉ còn con Jên của tôi có thể lên mâm. Thịt gà thì không thành cỗ, như lời ông B. nói. Tôi bèn bảo Phí Thắng, nhân viên chính trị mà tôi coi như chú em hay là đem con Jên trốn tạm đi đâu đó, chờ bình yên sẽ trở về.

Phí Thắng có vẻ ngần ngại. Cậu ta thật thà bảo: “Nếu làm vậy thì chỉ có bác là dám thôi, còn bọn em thì không. Bọn em không có cái uy như bác”. Tuy nói vậy nhưng thực lòng Thắng không muốn tôi làm căng, sẽ ảnh hưởng đến cả cậu ta. Bởi vì nếu không cho lão tiểu đoàn trưởng toại nguyện, chẳng may vì thế mà lão bẽ mặt với cấp trên, có thể lão sẽ dùng quyền chỉ huy cắt bỏ những “đặc quyền đặc lợi” mà chúng tôi vẫn mặc nhiên được hưởng, sau đó gây khó khăn những chuyện khác, phần lớn là không thể lường được. Nghĩ thế nên tôi bảo Thắng là tôi sẽ xuống đại đội, ở nhà cậu ta tùy ý định đoạt. Khi quyết định làm như vậy, tức là tôi đã quay lưng phản bội con Jên, giao nó cho tử thần. Tôi hèn hạ bán rẻ mạng sống của nó để đổi lấy sự yên thân nhưng lại làm như mình vô can.

Lần đầu tiên con Jên không chạy theo tôi.

Trưa hôm ấy, khi áng chừng mọi việc đã xong xuôi, tôi thất thểu từ đơn vị về nhà. Không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ tiểu đoàn có khách. Tôi khấp khởi mừng định đi tìm con Jên nhưng không thấy nó đâu. Tôi hỏi Phí Thắng thì cậu ta bảo: “Chiều khách mới xuống, nhưng lúc bác ra khỏi nhà thì con Jên cũng bỏ đi, xuống nằm ở dưới nhà ăn tiểu đoàn. Em gọi thế nào nó cũng không về. Mang cơm xuống nó cũng không ăn. Chả biết bác có dỗ được nó không?”

Nghe Thắng nói vậy tôi lao bổ xuống nhà ăn. Con Jên nằm áp má xuống đất, thấy tôi cũng không ngẩng lên. Tôi vuốt tay lên lưng nó thì thấy từ khóe mắt nó bò ra hai dòng nước. Tôi bèn bế nó lên nhưng nó cứ một mực giãy ra, toài người xuống. Đích thân tôi mang cơm nó cũng không ăn. Tôi bèn trở về phòng nghỉ trưa, lòng đầy bất an. Khi tỉnh dậy thì đã thấy mấy cậu liên lạc đang rôm rả bảo nhau giã riềng, lấy mẻ, lấy lá mơ. Cậu liên lạc tên là Thịnh, người công giáo quê Nam Định, thì thầm bảo tôi: “Con chó của bác lạ thật. Nó biết mình chết nên kệ cho bọn em bắt, không hề giãy dụa, mặt cứ buồn rười rượi.”

Tôi cảm thấy xấu hổ và đau đớn. Tôi đã không bảo vệ được người bạn trung thành của mình. Tôi đã viện ra đủ thứ lý do, trong đó có lý do nó chỉ là con chó, để bán đứng nó. Trong trường hợp ngược lại, chắc chắn con chó sẽ chấp nhận bị trả thù, bị đày ải, bị nguyền rủa thậm chí chịu chết… chứ nhất định không bán đứng tôi, không nộp tôi cho thần chết như tôi đã làm thế với nó một cách hèn hạ và độc ác. “Mình thật không bằng một con chó”-Ý nghĩ này cứ bám theo tôi suốt ngần ấy năm, như một bản án không lời nhưng hình phạt thì luôn hiện hữu.

Năm 2000, vừa tròn 13 năm kể từ khi giải ngũ, tôi mới có dịp trở lại thị xã Lào Cai. Sau khi làm xong việc, tôi đã định về ngay. Nhưng cả đêm tôi cứ thấy trong lòng không yên. Tôi quyết định ở lại thêm một ngày để chiều hôm sau lặng lẽ mò trở lại cái nơi con Jên bị giết. Trước đó tôi mất hàng giờ đứng trên sân thượng nhà khách tỉnh uỷ để xác định vị trí trước kia là khu bếp tiểu đoàn, nơi con Jên nằm ngẫm nghĩ về con người, trước khi bị giết.

Tôi bèn đi bộ hơn 4km tới nơi bạn tốt của tôi ngã xuống, đúng hơn là bị tôi bán đứng. Tại đó tôi cứ tha thẩn như người mất hồn. Bỗng trong một chớp mắt, khi ngước lên cái nơi con Jên vẫn đứng ngóng mỗi khi tôi đi đâu đó hơn chục năm về trước, thì tôi bỗng thấy nó, đứng ưỡn ngực, đầu vươn cao bốn mắt nhìn về phía tôi, miệng nhoẻn cười như muốn nói: “Tôi vẫn ở đây đợi ông chủ”.

Tôi cúi đầu như người mặc niệm, lòng thầm nói: “Tao xin lỗi mày! Sau này tao xin đổi kiếp cho mày để được báo đáp tình sâu nghĩa nặng của mày. Hãy tha thứ cho thằng người hèn hạ này”.

Trong đời mình, chưa bao giờ tôi phải xin lỗi ai khẩn thiết và đau đớn như vậy.

_____

(Đoạn hồi kí này tôi từng đưa vào cuốn DƯỚI BÀN TAY VÔ HÌNH, nhưng sau đó cảm thấy lời xin lỗi chưa đủ nặng, tôi bèn bỏ ra để phát triển nó thành một truyện vừa (chưa xuất bản). Tôi đăng lên thay nén hương thắp cho 15 con chó bị thiêu).

Tạ Duy Anh

KIẾP CHÓ-PHẬN NGƯỜI

CÙ MAI CÔNG/ TD 11-10-2021

Ở một bệnh viện điều trị Covid ở TP.HCM hồi tháng 7-2021, có một người chủ đi khám bệnh, mang theo một con chó. Hẳn đây là con chó cưng nên anh ta mới mang đi như vậy. Test Covid dương tính, anh ta bị mang đi cách ly luôn.

Con chó vẫn ngồi đó chờ chủ ngày này qua ngày khác ở phòng chờ. Các y, bác sĩ nơi đây ngày ngày chăm lo ăn uống cho chú chó đó. Không xua đuổi, không tiêu hủy dù chủ nó là F0.

Trong mấy trăm ngàn bà con mình đổ về quê hiện nay, hàng ngàn chú chó chú mèo đã được chủ mang về theo, chăm sóc kỹ trên đường, che mưa chắn gió như người thân, dù nhiều chủ chó cũng nghèo xác xơ.

Như một “lão Hạc” tên Lê Văn Chiến, 75 tuổi, quê Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đạp xe từ huyện Nhà Bè (TPHCM) về quê hôm 7-10. “Cậu Vàng” được ông bỏ trong giỏ, buộc bên hông xe mang về quê chứ không bán. Đi đường, đói, ông và chó cùng ăn; khát, ông và chó cùng uống. Bà con thương ông, thương cả chú chó theo chủ đường xa, gởi quà bánh, tiền bạc.

“Lão Hạc” và “cậu Vàng” ấy quả may mắn. Như hàng ngàn chó mèo cưng khác may mắn “đi đến nơi, về đến chốn” cùng chủ; chịu đựng nắng mưa, đói rét cùng chủ.

“Con không chê cha mẹ khó – Chó không chê chủ nghèo” – ông bà bảo vậy. Nên 15 con chó: bốn con chó lớn, 11 con chó con cùng một con mèo đã co ro theo hai vợ chồng ông Hùng, thợ hồ, người chủ nghèo của mình từ Long An về Cà Mau. Gia đình chủ và mấy gia đình chó mèo chung một xe máy cũ rích, hành lý bệ rạc đi 400km. Mưa, chủ có áo mưa thì mỗi chú chó cũng có áo mưa.

Bà con thấy thương, hỏi mua chó. Hai vợ chồng “lão Hạc” nghèo thời nay cũng không bán. Có người nằn nì quá thì cho hai con chó con chứ không bán. Tất cả như một gia đình.

Đại gia đình chủ lẫn chó đã về đến chốn: Cà Mau. Nhưng họ không may, thậm chí đau đớn đến tột cùng khi tất cả những “đứa con” chó thân yêu của mình bị giết sạch, với từ dùng nhẹ nhàng “tiêu hủy”. Lý do: vợ chồng ông Hùng dương tính.

Chiều 10-10, Huyện ủy, UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) tổ chức họp báo thông tin về việc tiêu hủy những con chó, mèo của người mắc Covid-19 được ghi nhận tại xã Khánh Hưng.

Theo đó, “trước áp lực về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và người dân, Ban điều hành khu cách ly tiếp tục yêu cầu gia đình người nuôi chó, mèo tìm cách quản lý để đảm bảo vệ sinh, nếu không sẽ tiêu hủy. Lúc này, gia đình người nhận nuôi không có ý kiến gì.

Ngày 9-10, người dân xung quanh và những người làm nhiệm vụ trong khu cách ly tiếp tục phản ánh đến UBND xã và Ban điều hành về việc lo sợ chó chạy rong trong khu vực làm ảnh hưởng đến người dân. Ban điều hành đã lập biên bản tiêu hủy chó, con mèo trước sự chứng kiến của người dân và những người trong khu cách ly”.

Tức buổi tiêu hủy, “thi hành án” diễn ra công khai trước mắt mọi người.

Những chú chó con vốn gặp ai là lăng xăng bám chân người đó trong số bị “tuyên án tử” đó. Bằng cách nào: đập đầu, nhấn nước hay chích điện, lãnh đạo huyện không nói rõ.

Cả một niềm yêu thương của một đôi vợ chồng nghèo mà người ta coi như một tờ giấy vụn, tiêu hủy là xong. Hết sức nhẫn tâm và có phần tàn bạo. Với kiếp chó, với phận người.

Việc cơ quan chức năng ở tỉnh Cà Mau tiêu hủy đàn chó khi người chủ của chúng chẳng may dương tính COVID-19 khiến nhiều người xót thương, đồng thời đặt nhiều câu hỏi về dịch tễ và pháp lý.

Cựu tổng thư ký báo Thanh Niên, anh Hoàng Hải Vân cho rằng: “Chẳng có bằng chứng khoa học hay thực tế nào cho thấy chó mèo lây cái thứ “đại dịch” này cho người cả” và bảo: “Đối với đông đảo người dân, chó không phải là “gia súc”. Chó là bạn của con người. Yêu thương những con vật đồng nghĩa với yêu thương tất cả đồng bào đồng loại mình. Còn tàn bạo đối với những con vật vô tội đang là bạn với con người, “lực lượng chức năng” kia không thể tin không thể nhờ cậy được, vì cái ác đối với những con chó vô tội dẫn đến cái ác đối với con người không hề có khoảng cách”.

Cựu nhà báo báo Phụ Nữ TP.HCM, chị Bạch Mai thảng thốt: “15 chú chó dễ thương, không chê chủ nghèo khó, đã cùng chủ vượt qua chặng đường rất dài để về quê. Và, cuối cùng người ta trấn nước chúng, đập đầu chúng cho chết! Ai đủ ác đức để làm chuyện cướp đi mạng sống của những sinh linh tội nghiệp đó? Sao lại có thể? Đầu óc con người không thể nghĩ ra cách nào để 15 chú chó được sống hay sao, trời?”.

Nhà báo, thượng tá Nguyễn Hồng Lam, báo An Ninh Thế Giới bật thơ trong ứ nghẹn:

HÀ CHÍNH MÃNH Ư HỔ

Chó đã chết. Lòng người hóa thạch

Thì yêu thương thành nạn nhân rồi

Chó may mắn được làm phận chó

Không mang theo oán hận con người…

Một đời chó dài năm trăm cây số

Một đời cha nhịn miệng cứu bầy con

Dài bất tận, mà ngắn hơn vô cảm

Quy định vô tâm ám sát linh hồn!

Thôi chó chết, đừng hờn chi số phận

Đất cùng trời không ác với ai đâu

Chó vắn số bởi lòng người, văn bản

Quy định không tim, chữ nghĩa bạc đầu…

Nhà báo Nguyễn Trường Uy – Tuổi Trẻ: Nỗi sợ hãi, thiếu kiến thức với dịch bệnh và cả sợ trách nhiệm đã khiến họ ra tay tàn ác với bầy chó vừa trở về quê ở Cà Mau. Quá đau lòng!

Và không chỉ nhà báo, dư luận đang choáng váng, xót xa chuyện này vì đây là chuyện người chứ không dừng lại ở chó. Kiếp chó và phận người bên nhau, suốt hành trình vượt 400km từ Long An về Cà Mau của vợ chồng ông Hùng. Bỗng chỉ một chốc, cả đàn chó không còn; còn lại nỗi đau có khi cả đời của chủ chó đang trên giường bệnh.

Lãnh đạo huyện Trần Văn Thời cho biết: “Sẽ hỗ trợ chủ đàn chó, mèo bị tiêu hủy”.

Tôi không hiểu người ta hỗ trợ gì? Tiền bạc, túi an sinh hay một đàn chó mới? Tiền bạc nào, đàn chó mới nào thay thế được nỗi đau dài, tình nghĩa cũ?

Người ta lạnh lùng coi con vật cưng như một thứ vật chất đơn thuần như vậy đó.

______

Một số hình ảnh:

Ông Hùng và đàn chó của mình trong cơn mưa trên đường về Cà Mau – Ảnh tư liệu

Ông Hùng và đàn chó của mình trong nắng ráo trên đường về Cà Mau – Ảnh tư liệu

Chó mẹ, chó bố, chó con trong hành trình cuối cùng của đời chúng – Ảnh tư liệu

Ông Lê Văn Chiến (75 tuổi, quê huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đạp về quê với chú chó của mình. Ở Sài Gòn, giãn cách hết tiền, ông bán sạch hai chỉ vàng dành dụm để ăn chứ không bán chó – Ảnh: Dân Trí
 
Trên đường về quê, ông Lê Văn Chiến và chú chó cưng ăn cùng ăn, uống cùng uống – Ảnh: Dân Trí

CHÓ CHẾT, NHƯNG KHÔNG HẾT CHUYỆN
NGUYỄN KHẮC MAI/ TD 11-10-2021

Tôi nhớ, thời thuộc Pháp, người ta gọi báo chí lá cải là những tờ chuyên đăng tin chó chết, hoặc bị xe cán chết, hoặc bị xe thùng của phú lít (police) bắt.

Lần này tin chó chết thì khác. Chó chết nhưng không hết chuyện. Không phải chỉ dư luận trong nước quan tâm, xúc động, mà cả ở nước ngoài. Ông Đỗ Duy Ngọc đưa tin, một người bạn pháp gọi điện hỏi, tin ấy đúng sai. Ông bảo đúng đấy, báo chí trong nước đã đưa tin. Người bạn ấy khóc và than thở: Terrible, khủng khiếp, terrible.

Tôi nghĩ vụ này có cái giá của nó. Không thể tha thứ cho bất cứ một mệnh lệnh nào, dù ở cấp nào, và cũng không thể tha thứ cho những kẻ đã hành xử vừa tàn ác vừa bất nhân, vừa vô pháp như vậy.

Tôi không muốn bình luận thêm vì dư luận chính trực đã lên tiếng phân tích. Chỉ xin nhấn cái tính chất này trong một bộ phận không nhỏ của những sai nha mới của chế độ. Một lần nữa chúng bộc lộ cái khuyển cách của chúng. Chúng đã giống hệt như mô tả của Nguyễn Du khi nói về lũ sai nha có (trái tim chó), là lũ khuyển ưng khuyển phệ. Và ta không thể không nhớ tới tác phẩm “Trái Tim Chó” của Liên xô.

Tôi nghĩ, người Việt mình trong công quyền xưa dẫu có khuyển ưng, khuyển phệ, nhưng không đến nỗi quá quắc như vậy. Cái chính là bọn cấp trên thường coi nhẹ những lỗi lầm, khi cấp dưới phạm phải. Không phải họ chỉ bao che cho nhau, mà một thói xấu coi thường đạo đức, coi thường pháp luật đã trở thành một bản tính của chế độ. Sự vươn lên, học hỏi để có nhân văn đặng đối xử với dân không được khuyến khích, mà chỉ khuyến khích tàn nhẫn, ác độc với người dân thường đã thành nếp trong cái chính quyền hiện nay của Việt Nam.

Thành thử nếu Cà Mau có một Chính quyền thật sự của Dân, do Dân, vì Dân và còn đọc được mấy chữ thiêng liêng trong nghị quyết của Đảng, trong Hiến Pháp, là Văn minh, Dân chủ, Công bằng… Thì hãy làm cho ra ngô ra khoai, trách nhiệm và sai trái của ai ở đâu phải làm cho rõ, sai đến đâu phải xử phạt. Không được để cái cách suy nghĩ như của một tay Ủy viên Trung ương nào đó nói, dân có lỗi thì dân phải chịu trách nhiệm trước còn pháp luật, còn chúng ta (đảng và chính quyền) có lỗi thì phải nhận lỗi với dân.

Chuyện này không nên coi là chuyện vặt, rồi cứ để lâu cứt trâu hóa bùn, như bao chuỵện sai trái trước đây. Nếu lần này lại chỉ làm qua quýt thì hóa ra Cộng sản Việt còn kém xa cách hành xử của Tào Tháo mấy ngàn năm trước. Ông Trọng, ông Chính, ông Huệ, ông Phúc không nên cho đây là chuyện vặt. Tôi nghĩ nếu mong chính quyền được lâu dài thì đừng coi thường những việc nhỏ.

Nhân bị Covid giam chân ở nhà, tôi tìm đọc lại sách xưa, nhằm luận cổ suy kim, định hầu chuyện với từng vị của tứ trụ triều đình. Trong Đạo Đức kinh có chương 26, tên Trọng Đức. Mở đầu là câu: “Trọng vi khinh căn”. Nghĩa là điều (việc) trọng yếu là cội nguồn của điều, việc nhỏ. Chữ khinh này không nên hiểu là điều khinh thường. Vì thế không được coi thường việc nhỏ. Tuy nhỏ nhưng nó có cái gốc ở việc lớn. Như các ông hay nói là đại cục. Nếu việc này bị bỏ qua, thì chính là đã coi khinh cái hội nghị Trung ương 4 vừa qua là chẳng ra gì.

Chương ấy còn nói: “Khinh tắc thất căn”, nghĩa là coi thường là bỏ mất cái gốc, cái lớn. Hãy bảo tuyên giáo và chỗ cô Mai chỉ đạo làm cho có trách nhiệm. Không chỉ vài câu xin lỗi mà xong. Phải làm cho tất cả các cấp, nhất là cấp cơ sở, qua việc này mà tự mình chấn chỉnh.

Chuyện này thật chó má. Nhưng chớ khinh thường con chó. Nhớ lúc sinh thời, anh Việt Phương từng trò chuyện với tôi về nhân tính và khuyển tính. Anh Việt Phương bảo, người mình hay mắng kẻ khác là đồ chó đẻ. Mình cho rằng phải mắng là đồ người đẻ. Bởi khuyển tính có nhiều khi lại cao hơn nhân tính của nhiều người. Anh dẫn chứng cho tôi từ chuyện trong dân gian, cổ tích cả những chuyện có thật mà anh từng chứng kiến, như chuyện Tạ Duy Anh vừa kể trên mạng. Đúng là khuyển tính rất đáng trọng.

Xin đừng coi thường chuyện chó má và lũ chó má.

KHÔNG HẲN LÀ CHUYỆN ĐÀN CHÓ ! ĐÓ LÀ CHUYỆN ĐÀN NGƯỜI...

LÊ ĐỨC DỰC/ TD 12-10-2021

Cũng không định viết nữa, nhưng lại ồn ào những lập luận sao vạn người chết không khóc mà khóc bầy cún bị giết ở Cà Mau? Nên viết.

Vì sao cộng đồng quan tâm đến bầy cún?

Những ngày qua, giữa cái cảnh lê thê tê tái của hàng đoàn lê dân bỏ phố về quê.

Đường xa, mưa gió, xe cũ, hành trang nhếch nhác, tai nạn rập rình, trẻ con, cụ già, nhiều chị bụng mang dạ chửa đẻ rơi bên đường, ngỡ tận cùng khổ ải rồi… Khổ ải thế mà lại còn nghe xôn xao đâu đó chuyện thu xe, biên bản phạt phiếc khi về quê khiến người ta thấy xót thương nỗi điêu linh của đồng bào mình quá.

Giữa bức tranh ảm đạm buồn thương ấy, hình ảnh đàn chó về quê trên chiếc xe máy lao đi phấp phới như một vệt sáng yêu thương ấm áp rọi vào bức tranh di tản xám màu u ám kia.

Và ai ai cũng ôm ấp, vồ vập hình ảnh mấy con cún dễ thương đó.

Họ yêu cún. Có.

Họ yêu hình ảnh ấy. Có.

Họ yêu hai vợ chồng nghèo mà giàu niềm trắc ẩn. Có.

Nhưng bày tỏ tình cảm với câu chuyện bầy cún không chỉ là chuyện yêu chó. Trong thẳm sâu, nó cho thấy những phận người đang về ấy thiếu vắng quan tâm và yêu thương.

Cảm phục ông bà chủ và đàn chó đó là cũng một cách nhắc nhở và ước ao và tỏ bày thái độ. Đàn chó không chỉ là đàn chó.

Câu chuyện về hành trình của bầy cún là nơi để ngươi ta gửi chút yêu thương, gửi thêm thông điệp và hy vọng thức dậy niềm trắc ẩn trong những người lẽ ra phải lo cho lê dân của họ!

Bởi thế khi đàn chó chết tức tưởi thì không phải người ta căm hận bà trưởng trạm xá máy móc đâu. Người ta căm hận bởi chút yêu thương họ bám níu vào đã bị giết chết. Thông điệp họ muốn gửi gắm bị giết chết.

Và đau hơn cả là chút hy vọng thức tỉnh niềm trắc ẩn cho ai kia được ký thác vào câu chuyện đàn chó cũng bị giết chết!

Đừng hỏi vì sao khóc chó mà không khóc người.

Không phải chuyện của đàn chó đâu. Đó là chuyện của đàn người nhờ đàn chó gánh vác.

Lê Đức Dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét