Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

20201122. NỖI OAN CỦA MẠNG XÃ HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG 

NỖI OAN CỦA MẠNG XÃ HỘI
KHÁNH LINH/ VHNA 18-11-2020


Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội phiên tháng 10/2019, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã có những phát biểu rất gay gắt về mạng xã hội. Đại ý ông nói hiện nay mạng xã hội tác động ghê gớm đến cuộc sống. Có lẽ không có nước nào như Việt nam, mở máy ra là thấy cư dân mạng chửi tràn lan như hát hay, chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai. Ông Hữu còn cho rằng cơ quan nhà nước nhiều lúc bất lực, không ngăn chặn nổi thông tin xấu độc đầy rẫy trên mạng.

Sau ý kiến của ông Thuận Hữu, nhiều cư dân mạng lên tiếng với nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau, người đồng tình, người thì chỉ trích dữ dội.

Vụ việc này gợi lên rất nhiều suy nghĩ.

Tôi thấy cách diễn đạt của ông Thuận Hữu có phần trần trụi quá và cũng có thể trong khuôn khổ tương tác của một cuộc họp nên ông Hữu không thể kiến giải đến tận ngọn tận nguồn.Người cảm thông chia sẻ thì chậc lưỡi bỏ qua. Người muốn tranh luận thì cũng có điều này điều nọ để dị nghị và bắt bẻ.

Ai cũng biết mạng xã hội bây giờ không còn là cuộc sống ảo mà là một thực thể xã hội tồn tại khách quan. Đời sống thực có gì thì xã hội mạng cũng có cái đó. Có chính trị qua mạng, ngoại giao qua mạng, kinh tế trên mạng, thương mại trên mạng, văn hóa trên mạng và thế giới đã có đến hơn 5 tỷ công dân mạng. Thậm chí đời sống mạng còn thật hơn, còn đa dạng hơn, phức tạp hơn cả cuộc sống thường ngày.

Ở Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà mạng xã hội đã bùng nổ cực kỳ ấn tượng, chỉ mới hơn 2 thập kỷ có đến 70 triệu lượt người tham gia. Mạng xã hội đã len sâu, tỏa rộng và ngự trị vững chắc trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, đến nỗi bây giờ làm việc cũng bằng mạng, đi chơi cũng nhờ mạng, ăn ngủ chung với mạng, chuyện to chuyện nhỏ đều có mạng đồng hành.

Không chỉ ở Việt Nam, cả thế giới ngày nay cũng đang quay cuồng theo mạng. Thống kê của tổ chức Digital Policy Council cho thấy trong số lãnh đạo các quốc gia cứ 5 người thì có 4  người đang sử dụng mạng xã hội. Nhiều lãnh đạo nổi tiếng như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Cựu Tổng thống B. Obama, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Slovenia Borut Pahor, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Singapo Lý Hiển Long, các quan chức Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia khác đều có tài khoản và thường xuyên cập nhật Facebook, Twitter và nhiều trang mạng xã hội khác.

Không nghi ngờ gì nữa, mạng xã hội đang là công cụ phục vụ rất hiệu quả cho cuộc sống của con người. Đăng ký không hề khó, đăng nhập sử dụng lại càng dễ, từ trẻ em đến người già loại bát thập cửu thập đều rất tiện dùng. Lợi ích của mạng xã hội là vô cùng kỳ diệu, chỉ dăm ba cái vuốt vuốt trên thiết bị thì cả thế giới đã nằm trong lòng bàn tay, tương tác xuyên không gian, xuyên thời gian trong hầu khắp các lĩnh vực, khai mở thêm nhiều khuynh hướng phát triển tiến bộ của đời sống con người. Một dẫn chứng sinh động là trong đại dịch Covid 19, mạng xã hội đã đóng vai trò nền tảng cơ bản, giúp loài người phải nhìn nhận lại và cải tổ hàng loạt những vấn đề quan trọng của đời sống.

Mạng xã hội văn minh, phổ biến đến vậy nhưng ở tachính quyềncòndè dặt, cha mẹ thì kiểm tra, ngăn cản...Dữ dội hơn, có người đã thẳng thừng quy kết mạng xã hội là cái gốc dẫn tới cuộc sống bị rối loạn, tư tưởng bị suy thoái, đạo đức bị sa sút, thuần phong mỹ tục bị xói mòn và kêu gọi tẩy chay, cấm đoán.

Giữa năm 2018, khi vụ việc Formosa ở Hà Tĩnh thải độc ra môi trường biển bị bung ra, một số đối tượng quá khích đã sử dụng mạng xã hội làm công cụ kích động và gây rối dư luận. Lúc đó có ý kiến nhận định rằng mạng xã hội có thể ăn mòn nhân cách con người, gây những hệ lụy khôn lường ngoài đời thực.

Nhiều chuyện khác cũng có kết thúc tương tự.

Cả thế giới dùng mạng chứ mạng không là của riêng Việt Nam. Mạng là công cụ chuyển tải, tự nó không tạo nên nội dung, không tạo nên quan điểm, chính kiến. Những chuyện đó là do người dùng quyết định và người dùng mạng có thể để lại hiệu ứng tích cực và cũng có thể là hiệu ứng không tích cực, thậm chí là độc hại.

Một đặc tính của mạng xã hội là cửa mở vô cùng lớn và biên độ rung lắc rất mạnh. Công dân mạng đủ các thành phần, tâm lý, nhận thức, quan điểm, ứng xử văn hóa rất khác nhau. Vì thế thông tin trên mạng cực kỳ đa dạng, phức tạp, có đúng có sai, có hay có dở, có thiện chí và có mưu đồ. Đã chấp nhận làm công dân mạng thì phải chuẩn bị một sức chịu tải thật lớn để có bản lĩnh tiếp nhận và tương tác, chưa có được điều này thì khoan vội “lội”vào thế giới mạng.

Nhiều quốc gia đã trăn trở và ban hành các giải pháp để quản lý và khai thác mạng xã hội. Tuy thế, không một chính quyền nào, không một cá nhân nào, không một thiết bị nào có thể ngăn chặn và loại bỏ triệt để được những thông tin bất lợi cho cuộc sống xã hội. Bây giờ trình độ dân trí đã cao dần, có thể tiếp sau nhiều trải nghiệm và va đập, đến một lúc cư dân mạng sẽ hiểu đầy đủ hơn hai mặt phải trái, họ sẽ biết cách tự điều chỉnh thái độ ứng xử đúng đắn với mạng xã hội. Mặt khác, con người sáng tạo nên thiết bị mạng cho nên sớm hay muộn con người cũng sẽ đủ sức điều chỉnh công nghệ để buộc mạng xã hội phải tương thích với cuộc sống của mình.

Quay lưng với mạng xã hội là đi ngược lại với trí tuệ của nhân loại. Vì thế, lựa chọn duy nhất là chủ động chung sống, tỉnh táo khôn ngoan sử dụng mạng thật hữu ích thay vì đổ vấy và hàm oan cho mạng xã hội.

VIỆT NAM CHƯA THỂ ĐÓNG CỬA FACEBOOK

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ TD 20-11-2020


Vô được “sân chơi” RCEP, VN liền lên tiếng hăm dọa đóng cửa Facebook. Dân VN cấp tốc phải học tiếng Tàu. Tiếng Anh là “xưa rồi Diễm”. VN có thể sớm sử dụng các mạng xã hội theo mô hình TQ để thay thế.

Vấn đề là kế hoạch “Made in China 2025” của TQ đang đi vào thực tế, sớm hơn 5 năm theo dự tính, mặc dầu chỉ giới hạn trong “nội bộ” châu Á của người châu Á.

Nếu ta ví RCEP như cái chợ, thì TQ có đủ thứ mặt hàng, thượng vàng hạ cám, áp đảo tất cả các quốc gia. Tầm VN chỉ có thể so sánh với “cám” của TQ. Úc sống khỏe (nhưng không bền) nhờ bán quặng mỏ. Hàng hóa “tinh xảo” và “kỹ thuật cao” của TQ sẽ cạnh tranh với hàng hóa của Nhật và Nam Hàn. Chưa biết ai thắng ai, nhưng TQ ở thế thượng phong vì giá rẻ.

Vì vậy mâu thuẩn giữa Mỹ và TQ càng tăng. TQ lợi dụng “khoảng trống quyền lực” trong thời kỳ chuyển tiếp hậu bầu cử ở Mỹ để đi nước cờ chiến lược RCEP.

Tin báo chí cho biết là tổng thống vịt què Donald Trump muốn đánh Iran. Việc này không (hay chưa) xảy ra là do cấp dưới can ngăn. Ta không loại trừ khả năng vài ngày tới Mỹ sẽ đánh Iran, mục đích kiểm soát nguồn năng lượng của TQ. Điều này có thể sẽ được quyết định tại Hà Nội và Manilla, sau cuộc thăm viếng của O’Brien, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ. Một mũi tên bắn hai con chim. Mục tiêu củng cố uy tín của Trump trong nội địa nước Mỹ cũng như khẳng định tư thế đàn anh của Mỹ đối với các nước châu Âu. Thứ hai là kềm hãm TQ.

Mỹ và châu Âu sẽ không bao giờ muốn kế hoạch “Made in China 2025” thành công. Vì nếu kế hoạch này thành công, vị trí độc tôn về khoa học kỹ thuật của Mỹ và châu Âu sẽ bị TQ chiếm đoạt. Cái gương 5G của Huawei cho ta thấy như vậy.

Nhưng TQ có thể trả đũa bằng cách đánh chiếm Đài Loan và giải quyết những vấn đề tranh chấp chủ quyền bằng vũ lực. Giả thuyết này tôi đã đề cập từ vài tháng trước.

Nếu chiến tranh không xảy ra, cái lợi của VN là có thể “mua đi bán lại”, làm trung gian giữa RCEP và EVFTA. Thí dụ VN nhập nguyên liệu từ TQ, chế biến lại rồi xuất cho các nước châu Âu. VN cũng có thể nhập “nguyên con” hàng TQ rồi đóng nhãn “made in VN” để bán qua Mỹ và các nước khác.

Tức là VN cũng không thể “nghỉ chơi” với Mỹ và châu Âu, kiểu đóng cửa Facebook. VN muốn “tồn tại và phát triển” thì vẫn phải “chơi” với Mỹ và Tây phương, tức phải chấp nhận Facebook cũng như các mạng internet của Mỹ. Nếu VN dứt khoát hướng về phương bắc, khấu đầu thần phục Bắc kinh, thì trong “bàn nhậu” RCEP, VN sẽ chỉ là kẻ bồi bàn, chầu rìa, không cạnh tranh được với ai hết cả.

Vì vậy đe dọa cấm cửa Facebook là quá sớm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét