Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

20201103. QUANH DỰ THẢO QUY ĐỊNH BẢO VỆ NGƯỜI SÁNG TẠO

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CÁN BỘ 'XÉ RÀO': KHÔNG BẢO VỆ ĐƯỢC CÁI MỚI, TRẢ GIÁ LỚN NHẤT LÀ NIỀM TIN !
LÊ HUY NGỌ/ DT 31-10-2020


Ông Lê Huy Ngọ nguyên BT Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

KIỂM ĐIỂM HÀNG THÁNG, BÁO CÁO TIẾN ĐỘ...SỬA SAI
 Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng dự thảo quy định về “khuyến khích, bảo vệ cán bộ, Đảng viên có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Từng làm công tác tổ chức Đảng, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tôi đã được tham dự, góp ý về việc chuẩn bị, xây dựng dự thảo quy định từ Ban Tổ chức Trung ương, cảm giác đầu tiên của tôi là mừng vì dù xây dựng chính sách như vậy là chậm so với yêu cầu của thực tế nhưng hết sức đúng và cần thiết. Đọc bản dự thảo, tôi thấy vấn đề này là một khâu đột phá của đột phá. Hướng đột phá này mở cánh cửa cho cả đội ngũ cán bộ, Đảng viên và người dân sáng tạo.

Tôi đánh giá rất cao, giá như quy định này được xây dựng, ban hành sớm hơn, hẳn là đã giải tỏa được rất nhiều sự kiềm chế với những đổi mới, sáng tạo từ trước tới nay. Cơ chế này cũng sẽ giúp thúc đẩy, giải phóng sức sáng tạo và chủ động của cán bộ, là động lực của nhiều động lực khác, sẽ đem lại những sáng tạo có giá trị.

Không có đổi mới, sáng tạo nào mà không gặp khó khăn, không có sự dấn thân nào mà không gặp trở lực. Được biết, ông đã từng trải qua tình huống sửa sai “khoán hộ” hơn nửa thế kỷ trước. Hẳn là ông hiểu rõ những áp lực, rủi ro với người “đổi mới và sáng tạo”?

- Những năm 1960-1968 ở Vĩnh Phúc khi đó, anh Kim Ngọc làm Bí thư Tỉnh ủy có chủ trương về quản lý và sử dụng có hiệu quả lao động nông nghiệp trong thời chiến. Và dẫn đến “khoán hộ” thực sự là phát kiến, sáng tạo sớm nhất của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, mang lại ảnh hưởng rất lớn vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng cho công cuộc đổi mới, cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cho việc phục hồi đất nước sau chiến tranh. Và tiến hành công cuộc đổi mới không chỉ là thay đổi về kinh tế, phương thức “khoán” khi đó là sự thay đổi cả về nhận thức xã hội cũng như phương thức lãnh đạo của Đảng.

Tôi đã chứng kiến những bước thăng trầm của khoán hộ ở Vĩnh Phúc, sửa sai rồi cải tiến khoán hộ ở Vĩnh Phú. Áp lực lớn lắm, áp lực từ cấp trên, từ chế độ làm ăn tập thể, phân phối theo công điểm. Là người đứng đầu, người quyết định và phải chịu trách nhiệm trước Đảng bộ về việc này, anh Kim Ngọc phải có gan lắm mới làm được. Đây thực sự là thử thách rất lớn, phải vượt qua được, phải dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với thách thức và dám cam kết với nông dân.

Khi “khoán hộ” bị “chấn chỉnh”, những anh em cán bộ sâu sát với thực tiễn, với người nông dân thì đều thực sự băn khoăn và tiếc nuối. Nhưng trên đã quyết, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo phải họp kiểm điểm trong Tỉnh uỷ, rồi trong Thường vụ. Tôi được phân công phụ trách 2 huyện thực hiện khoán hộ “nặng” nhất là Kim Anh và Đa Phúc, hàng tháng đều phải họp kiểm điểm tiến độ… sửa sai.

CÁN BỘ 'KHOÁN HỘ ' BỊ CẤP TRÊN KỲ THỊ, CẤP TRÊN COI THƯỜNG

Và sức mạnh nào, cơ chế nào giúp bảo vệ để cứu khoán hộ khi đó?

- Trên chỉ thị xuống nhưng ở dưới, người nông dân thì vẫn bấm nhau làm “khoán chui”, khoán sản xuất hoa màu, vì đây là loại cây ngắn ngày, nhạy cảm, phải chăm sóc kịp thời, không thể chờ kẻng để đi tháo nước, chống úng hay chờ kẻng để tưới nước cứu hạn được. “Cò cưa” mãi gần 3 năm, trên thì cứ thúc xuống phải giải quyết xong khoán hộ nhưng ở dưới thì người dân vẫn nhận làm khoán hộ mà lại báo cáo là nhận khoán của hợp tác xã. Lòng dân chính là cái cần hiểu rõ và nắm bắt như thế đấy.

Chuyện dằng dai đến khi đồng chí Võ Chí Công về tận nơi, yêu cầu tôi đưa đi cơ sở, yêu cầu mời người dân và đội trưởng sản xuất đến báo cáo chứ không cho mời chủ nhiệm hợp tác xã. Sau khi về, đồng chí Võ Chí Công nói với tôi: “Ngọ ơi, nay về nhìn tận mắt, theo tớ thì cái gì lợi cho dân, dân ủng hộ thì nên nắm bắt, phản ánh thật khách quan và định hướng chỉ đạo, còn cái gì người dân chán nản, làm đối phó và thu hoạch kém thì nên xem lại”.

Ai là người trong cuộc mới thấy sự việc khi đó căng thẳng đến mức nào, chúng tôi đã chờ đợi, mong mỏi thế nào. Sau đó đồng chí Võ Chí Công giúp chúng tôi cùng gặp, báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Và tiếp đó đồng chí đã trực tiếp về thăm và làm việc với huyện Vĩnh Tường và Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Sau đó, Trung ương họp bàn để có Chỉ thị 100 cho mở rộng thí điểm khoán năm 1981 rồi vẫn phải đến 1988 mới có Nghị quyết 10 của Trung ương về khoán sản phẩm. Sau Nghị quyết 10, mọi thứ như vỡ oà, mọi việc đều được… khoán tất.

Nói khoán hộ ở Vĩnh Phú may mắn có “bệ đỡ Võ Chí Công” là thế đó.

Như ông nói thì rõ ràng cái mới, sự sáng tạo luôn bị kìm hãm vì những tư duy cũ, cách làm cũ. Cuộc đấu tranh này càng kéo dài, cái mới không thể thắng thế thì sự trả giá của những người “xé rào” cũng như chi phí cơ hội chung phải trả càng lớn?

- Không chỉ là thiệt hại về kinh tế đâu, cũng không chỉ là thiệt thòi đáng tiếc cho người cán bộ, có 2 hậu quả khác, theo tôi là rất xót xa, đó là niềm tin của người dân vào chủ nghĩa xã hội bị tổn hại nặng nề. Qua cuộc đấu tranh của khoán hộ có thể nhận thấy, nhiều cán bộ chỉ làm theo nghị quyết thôi, không dám chịu trách nhiệm trước cuộc sống của dân.

Cán bộ Vĩnh Phú khi đó đi họp trên Bộ, trên Trung ương thì bị gọi là “dân khoán hộ”, không được phát biểu ý kiến, không được bày tỏ quan điểm, dù không bị kỷ luật (chỉ phải kiểm điểm- PV). Đi họp cứ lủi thủi, sự nghiệp thì… “ngồi im tại chỗ”. Ở địa phương thì người dân cũng coi thường vì cho rằng cán bộ không dám bảo vệ dân. Lòng tin đối với Đảng giảm sút, lòng tin đối với cán bộ giảm sút. Theo tôi đó là cái giá lớn nhất phải trả.

Rất vui là khi được giải phóng rồi, người dân mình lại bao dung, cởi mở, hoan hỉ vỗ tay chào đón.

BẢO VỆ CÁN BỘ CẦN HƯỚNG ĐẾN CÁCH  NHÌN NHÂN VĂN

Từ trải nghiệm cá nhân như vậy, theo ông, trong những tình huống cam go như vậy, người “xé rào” cần sự hỗ trợ, bảo vệ thế nào?

- Tôi thấy cần nhất là sự lắng nghe và thực sự tôn trọng. Chủ trương hay sáng kiến gì, xét cho cùng cũng đều xuất phát từ nhân dân, từ thực tế cuộc sống người dân. Người cán bộ biết lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân, dám phản ánh, thực hiện nguyện vọng ấy phải dám nhìn thẳng vào sự thật, có trình độ tổng kết thực tiễn để tự giác ngộ mình.

Và sau nữa, việc đánh giá, phải luôn luôn xem xét kỹ lưỡng động cơ của cán bộ, Đảng viên thế nào khi làm việc “xé rào” như vậy, xem việc làm đó đem lại quyền lợi cho ai, người dân có đồng tình không.

Tôi cho rằng, bây giờ vấn đề đổi mới không chỉ là khuyến khích hay bảo vệ người đổi mới, sáng tạo, đột phá mà phải coi việc này là thể hiện trách nhiệm, là năng lực của người cán bộ, lãnh đạo. Đổi mới và tinh thần ủng hộ đổi mới phải là tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ. Tôi đã nêu ý kiến này tại cuộc hội thảo góp ý xây dựng đề án tại Ban Tổ chức Trung ương.

- Tôi vẫn nghĩ, đổi mới, sáng tạo, chính nó thể hiện năng lực của con người. Đổi mới, sáng tạo ngoài vì lợi ích chung, vì đóng góp cho phát triển còn là nhu cầu tự thân, là niềm đam mê của chính mỗi con người sáng tạo nữa chứ. Vậy nên, hướng khuyến khích thì cần có cả khuyến khích về vật chất, về tinh thần và về danh dự cho người đổi mới, sáng tạo nữa. Vậy nên cần thấy, động lực của người đổi mới, sáng tạo trước hết là vì công việc, vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, của Đảng ta, thứ nữa là vì tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo và vì chính niềm đam mê thăng hoa trong mỗi con người nữa. Lý giải làm sao được động lực khi làm khoán hộ, chỉ vì nhìn thấy đồng ruộng tốt tươi, lúa trĩu bông, hoa màu bội thu mà đi làm từ 5 giờ sáng tới 8-9 giờ tối, đó không đơn thuần là vật chất, mà còn là nguồn năng lượng say mê trong cuộc sống.

Đề án bảo vệ cán bộ “xé rào” đang được xây dựng cũng nêu vấn đề, trong đổi mới, sáng tạo, ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh, không dễ phân biệt. Ông kiến giải gì về vấn đề này để xây dựng được quy định bảo vệ cán bộ khả thi, hiệu quả?

- Đổi mới và sáng tạo, như tôi nói, ngoài mục tiêu vì đất nước, vì tập thể vì người dân, còn là vì khát vọng của mỗi người. Đừng nhìn việc này chỉ về khía cạnh lợi ích đơn thuần. Trong mỗi con người ta đều có mong muốn bản thân làm việc hiệu quả, khi làm được thế thì “sướng”, thoả mãn lắm chứ. Cho nên người lãnh đạo, quản lý phải phải hiểu được động cơ, khát vọng đó, đừng nghĩ mỗi nỗ lực đổi mới, sáng tạo là để “kiếm chác”. Vậy nên cơ chế khuyến khích phải thấu đáo hơn.

Trong dự thảo quy định có đặt vấn đề, khi thực hiện việc đổi mới, sáng tạo, nếu rủi ro gây thiệt hại mà hiệu quả mang lại lớn hơn hoặc thiệt hại không nghiêm trọng lắm, hoặc thiệt hại nghiêm trọng nhưng người thực hiện đã có báo cáo minh bạch trước đó… thì được bảo vệ, được miễn truy cứu trách nhiệm… tôi thấy hợp lý thôi. Nhưng theo tôi, xét về động cơ làm việc của người đó, vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, vì nhân dân và cũng phải nói thẳng thắn là vì chính nhu cầu phát triển bản thân, vì sự khẳng định mình cũng là chính đáng chứ. Vậy nên khi đánh giá vấn đề này, không nên quá nặng về hướng xem xét kỷ luật, đền tiền, xử lý ra sao mà cần hướng đến cách hỗ trợ kịp thời, coi trọng mong muốn chính đáng, coi trọng giá trị nhân văn của con người.

- Xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét