ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: WHO cảnh báo đường dẫn tới thảm họa, Canada hủy thử vắc-xin Trung Quốc (VNN 1/9/2020)-Ông Trump lội ngược dòng ngoạn mục, hy vọng tái đắc cử tăng cao (VNN 31/5/2020)-Ai có thể kế nhiệm Abe Shinzo làm Thủ tướng Nhật? (VNN 31/8/2020)-Mỹ, Nhật nhất trí kìm giữ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông (BVN 31/8/2020)-Tình báo Hoa Kỳ và câu chuyện phản quốc (TD 30/8/2020)-Việt Nam - Ấn Độ xích lại gần hơn để đối phó với Trung Quốc? (BBC 30-8-20)-Nhật kêu gọi công dân Việt Nam không ‘giúp sức’ cho tội phạm (VOA 30-8-20)-Đằng sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Palau (VNN 30/8/2020)-Việt Nam sẽ điểm mặt những công ty Trung Quốc tham gia “cải tạo Biển Đông”? (BVN 30/8/2020)-Biên giới Việt - Trung: Thời điểm ký kết bất lợi hay không và hệ lụy? (BVN 30/8/2020)-BBC-Giáo sư Trần Ngọc Vương: Tôi sốc khi đọc được cẩm nang thủ đoạn chính trị của Trung Quốc (BVN 30/8/2020)-Mỹ điều tàu khu trục đến Biển Đông, Trung Quốc cảnh báo 'tai nạn quân sự' (VNN 29/8/2020)-Quan hệ hữu nghị Việt - Trung mang lại những ý nghĩa của thời đại mới (VNN 28-8-20)-Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe (KTSG 28/8/2020)-Huawei: Con tốt trong cuộc chơi quyền lực Mỹ - Trung (VNN 28/8/2020)- Báo TQ: Việt Nam sẽ gánh chịu ‘hậu quả ý thức hệ’ nếu tăng cường ‘giao thiệp’ với Mỹ (VOA 28-8-20)-Giáo sư Trần Ngọc Vương: Tôi sốc khi đọc được cẩm nang thủ đoạn chính trị của Trung Quốc (PN 28-8-20)-
- Trong nước: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước luôn xác định "dân là gốc" (GD 1/9/2020)-Đảng lãnh đạo Cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi (GD 31/8/2020)-Đại án giao thông: Ông Đinh La Thăng thêm tội ‘chủ mưu’ (BBC 31-8-20)-Ông Đinh La Thăng bị xác định chủ mưu trong sai phạm ở Cao tốc Trung Lương (RFA 31-8-20)-Đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường (DT 31-8-20)-Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ký nhiều văn bản liên quan vụ Út 'trọc' (TT 31-8-20)-Đại biểu Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp nên xin thôi nhiệm vụ (TP 31-8-20)-Ông Nguyễn Đức Chung liên quan vụ Nhật Cường thế nào? (PLTP 31-8-20)-Nhìn lại 10 dự án hạ tầng, giao thông của Hà Nội dưới thời ông Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch (DV 31-8-20)-Tăng cường kiểm tra giám sát, không để cán bộ “dính chàm” (LĐ 31-8-20)-Cán bộ khai gian bằng cấp, lý lịch, quốc tịch: Truy trách nhiệm người 'gác cổng' (TP 31-8-20)-Thông tin sức khoẻ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư là "tối mật" (LĐ 31-8-20)-bài này cũng nên 'tối mật'!- Một vị Bộ trưởng khác người (VNN 31-8-20)-BT Nguyễn Đình Lộc-Kỷ niệm 50 năm về dự Quốc khánh lần thứ 25: Trong vòng tay Đất Mẹ (ĐĐK 31-8-20)-Nguyễn Ngọc Trân-“Dự đoán nhân sự” – luận điệu chống phá, gây nhiễu trước thềm Đại hội XIII của Đảng (CAND 30-8-20)-dự đoán bầu cử tổng thống Mỹ thì được?-Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, không chỉ người Hà Nội thất vọng (VTC 30-8-20)-vì sao?-Diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9 (GD 29/8/2020)-VN: Dư luận bức xúc việc các tỉnh chi tiền tỉ mua cặp da đại hội Đảng (BBC 27-8-20)-Hàng loạt cán bộ ở Trà Vinh 'dính' vụ thất thoát ngân sách gần 24 tỷ (VNN 26/8/2020)-Vì sao ông Nguyễn Thanh Nghị cùng nhiều lãnh đạo Kiên Giang bị kiểm điểm? (VTC 26-8-20)-Con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị kỷ luật: khả năng đụng đến đồng chí X? (RFA 26-8-20)-Vượt biên bằng đường ... Đảng (Blog RFA 26-8-20)
- Kinh tế: Tiêu chí thành lập chi cục, phòng (GD 1/9/2020)-Bảo đảm minh bạch, chất lượng 3 dự án giao thông (GD 1/9/2020)-Đối tượng, điều kiện mua hàng miễn thuế (GD 1/9/2020)-Quy chế hoạt động của Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài (GD 1/9/2020)-Sửa cầu Thăng Long không thể cứ ngồi chờ chuyên gia nước ngoài (VNN 1/9/2020)-Trung Quốc thiếu hụt, Việt Nam tăng tốc chờ thu chục ngàn tỷ (VNN 1/9/2020)-Thiếu đói đe dọa mạng sống người dân hơn cả dịch Covid-19 (KTSG 31/8/2020)-Việt Nam xuất siêu gần 12 tỉ đô la trong 8 tháng (KTSG 31/8/2020)-Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài: chuyện không phải cứ muốn thì làm (KTSG 31/8/2020)-75% số doanh nghiệp hoạt động nhưng không cân đối được thu chi (KTSG 31/8/2020)-Trở lại với mảng bánh kẹo, Kido đặt mục tiêu bán 4 triệu bánh Kingdom (KTSG 31/8/2020)-Đà Nẵng gặp khó trong ‘giải ngân’ tiền hỗ trợ người khó khăn do Covid-19 (KTSG 31/8/2020)-Nền kinh tế gig – 'phao cứu sinh' thời Covid-19 ở Trung Quốc (KTSG 31/8/2020)-Dù bị giảm trợ cấp, đầu tư năng lượng tái tạo ở châu Á vẫn tăng trưởng (KTSG 31/8/2020)-VASEP: Hầu hết sản phẩm thủy sản đều qua quy trình chế biến (KTSG 31/8/2020)- vđ Thuế!-Từ 1-9, hành khách được trả vé tàu qua mạng (KTSG 31/8/2020)-Quy hoạch Khu Hòa Bình - Đà Lạt: Không lẽ chỉ là “thằng Bờm đổi cái quạt mo”? (NĐT 31-8-20)-Hàng tỷ USD từ Hàn Quốc đổ dồn vào Việt Nam (VNN 31-8-20)-“Ma trận” sổ đỏ, giấy tờ giả (LĐ 31-8-20)
- Giáo dục: Không trả học phí dù chưa học, phụ huynh tố Trường liên cấp Ngôi sao Hà Nội (GD 1/9/2020)-Mừng vì con đỗ cao, nhưng lo lấy tiền đâu ra cho con ăn học (GD 1/9/2020)-Chi tiết lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 tại Hà Nội (GD 1/9/2020)-Con chưa đi học, phụ huynh đã phải vay mượn tiền nộp cho nhà trường (GD 1/9/2020)-Nếu không có điểm học bạ, tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông năm nay là bao nhiêu? (GD 1/9/2020)-Giáo viên Sài Gòn không được trực tiếp thu, chi các khoản tiền đầu năm học (GD 1/9/2020)-Giáo viên Sài Gòn không được trực tiếp thu, chi các khoản tiền đầu năm học (GD 1/9/2020)-Xây dựng kế hoạch 100% đơn vị trường học thanh toán không dùng tiền mặt (GD 1/9/2020)-Ước mơ về cây cầu để đường đến trường của cô trò Tà Tổng bớt gian nan (GD 1/9/2020)-Ban hành ngay các hướng dẫn an toàn trong bệnh viện, trong trường học (GD 1/9/2020)-NXP-Ngày tựu trường tại ngôi trường đông học sinh nhất ở Sài Gòn (GD 1/9/2020)-4.500 hs !-Từ xuất phát điểm 6 không, Đại học Tôn Đức Thắng đã bứt phá ngoạn mục (GD 1/9/2020)-Bí quyết giành học bổng toàn phần dành cho học sinh các nước Asean (GD 1/9/2020)-Hà Nội thí điểm song bằng có dấu hiệu lách luật theo chỉ đạo của ông Chung? (GD 31/8/2020)-
- Phản biện: Bạn vàng hiếm có (BVN 1/9/2020)-Vũ Kim Hạnh-Tại sao dân chủ hoá không phải lúc nào cũng thành công? (BVN 1/9/2020)-Minh Tâm-Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đang ngồi trên lửa! (TD 1/9/2020)-Nguyễn Hoài Nam-Sâu, Bướm và “Ngài” (GD 31/8/2020)-Xuân Dương-Nguyễn Đức Chung và ‘họa anh hùng’ (Blog VOA 31-8-20)-Trân Văn-Cao thượng và Đê tiện (BVN 31/8/2020)-Chu Mộng Long-Chuyện tặng quà đại biểu (VHNA 30-8-20)-Nguyễn Duy Xuân-Phải xóa sổ nước Tần trên đất Lâm Đồng (TD 30/8/2020)-Nguyễn Ngọc Chu-Chuyến xe ông Hải (TD 30/8/2020)-Trung Bảo-Thiếu tôn trọng Dân và thiếu trách nhiệm với Dân (TD 30/8/2020)-Lưu Trọng Văn-Bế tắc! (TD 30/8/2020)-Mạc Văn Trang-Quan thì phải khác với dân! (TD 30/8/2020)-Song Chi-Chiêu hiền đãi sĩ (TD 30/8/2020)-Nguyễn Thùy Dương-Làm Chủ tịch TP. Hà Nội có khó không? (TD 29/8/2020)-Hiệu Minh-Ai bao che cho ông Nguyễn Đức Chung? (TD 29/8/2020)-Trương Châu Hữu Danh-Góc khuất của Đại biểu quốc hội “lưu manh” Phạm Phú Quốc (TD 28/8/2020)-Thu Hà-Kiệt tác mang tên Phạm Phú Quốc (TD 28/8/2020)-Tạ Duy Anh-Thứ gây hại đáng sợ nhất (TD 27/8/2020)-Bùi Văn Thuận-Gia phả Phạm Phú Quốc (TD 27/8/2020)-Bạch Hoàn-Tâm linh – Thức tỉnh và Kiếp Nhân sinh (BVN 27/8/2020)-Chu Hảo-Cảm nhận và suy lý về Karl Marx (BVN 27/8/2020)-Nguyễn Đình Cống-Đừng lập lờ đánh lận con đen! (BVN 27/8/2020)-Mạc Văn Trang-Scandal ‘kiểu Phạm Phú Quốc' (Blog VOA 27-8-20)-Trân Văn-
- Thư giãn: Loài côn trùng chỉ sống vài tiếng, đặc sản trứ danh trên sông Hồng (VNN 31/8/2020)-Vì sao Miền Tây là thủ phủ gái đẹp bậc nhất Việt Nam? (DV 31-8-20)-
Có anh bạn bảo: Mấy nước Bắc Âu là mô hình XHCN đúng nghĩa Marxist, nên xin đăng lại bài này để trao đổi.
Tạp chí Lý luận Chính trị, 25 Tháng 3 năm 2019, có bài “Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Bắc Âu hiện nay và những gợi mở, tham chiếu cho Việt Nam”.
Tiêu đề bài báo trên “đánh lận con đen” giữa “Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa” và “Xã hội dân chủ Bắc Âu”. Sự lập lờ đó có thể khiến nhiều người hiểu lầm, Việt Nam đang đi theo mô hình Bắc Âu?
Sự thật là Việt Nam chả có gì giống mấy nước Bắc Âu cả! Xin nói rõ mấy điều cụ thể:
1. Việt Nam là nước XHCN, do độc đảng cộng sản toàn trị, độc quyền lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, áp đặt ý thức hệ cho toàn xã hội…
Trong khi đó các nước Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mach, Na Uy, Phần Lan, Iceland) đều là những nước đa nguyên chính trị, đa đảng cạnh tranh nhau để dân tự do bầu cử, được thắng cử đa số thì cầm quyền (mỗi nước đều có 9 – 10 đảng chính trị và thường không có đảng nào chiếm quá bán số ghế trong quốc hội);
2. Không có nước Bắc Âu nào xưng danh là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” như Việt Nam, không lật đổ và phủ định sạch trơn truyền thống của các thể chế cũ như Việt Nam.
Các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy đều là “Vương quốc”, có Nhà Vua, Quốc huy đều có Vương miện trên đầu; Nước Iceland và Phần Lan là nước Cộng hòa (không có XHCN gì cả). Đặc biệt Phần Lan, sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917, từ một Công quốc của Nga hoàng, đã thức thời tách ra thành một nước độc lập. May mắn, ông Lenin ký, thế là thoát nạn cộng sản. Nhờ đó Phần Lan không có Mac – Lê, độc đảng mà có đến 9 đảng chính trị cạnh tranh cầm quyền, theo tự do bầu cử của nhân dân. Năm 1939 -1940 Stalin gây chiến với Phần Lan. Phần Lan có 5 triệu dân, dám chiến đấu với Liên Xô “vĩ đại”, quyết bảo vệ nền độc lập của mình, dù có bị mất một rẻo đất biên cương… Nhờ cứ phát triển bình thường, không “quyết tâm, quyết liệt thi đua tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN”, không “vĩ đại”, “muôn năm” như Liên xô, nên GDP bình quân đầu người của Phần Lan nay là 43.545 USD/người, còn Nga là 10.743 USD/người (2017).
3. Tất cả các nước Bắc Âu đều theo thể chế Đại nghị, Tam quyền phân lập, Hiến pháp là tối cao, bầu cử dân chủ, công khai minh bạch, xã hội dân sự, tự do lập hội, lập đoàn, tự do báo chí…
Việt Nam ngược lại: Quốc hội 98% thành viên của một đảng cộng sản; Quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều trong tay một đảng CS. Cương lĩnh của đảng trên cả Hiến pháp; Bầu cử Quốc hội, chính quyền các cấp và lãnh đạo các Hội, Đoàn xã hội đều do “Đảng cử dân bầu”, phải là người của đảng CS… Như vậy làm gì còn xã hội dân sự, tự do, dân chủ?
4. Về kinh tế các nước Bắc Âu bảo vệ quyền tư hữu về ruộng đất, tư liệu sản xuất, tài sản cá nhân; kinh tế tư nhân tự do phát triển bình đẳng theo cơ chế thị trường tự do, không vi phạm pháp luật là được (không có định hướng XHCN)… Hệ thống luật pháp của các nước Bắc Âu được xây dựng khá hoàn chỉnh từ những năm 1880 – 1890 và vẫn tiếp tục duy trì đến ngày nay, chứ đâu cứ thay đổi xoành xoạch như Việt Nam.
Việt Nam thì ruộng đất là sở hữu “toàn dân”, do nhà nước quản lý (thực chất là để chính quyền các cấp tùy tiện cưỡng chế, thu hồi đất của dân); Coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, được ưu tiên mọi mặt, kinh tế tư nhân bị chèn ép đủ bề, gần đây đảng đã “sáng suốt”, có phát hiện “mới”: Kinh tế tư nhân cũng là một động lực phát triển quan trọng và “cởi trói”, “cho phép”, “tạo điều kiện” cho nó phát triển (!);
5. Phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu rất cao: Giáo dục miễn phí từ mầm non đến đại học; Y tế theo bảo hiểm, Nhà nước trả chi phí chữa bệnh cho người dân nhóm yếu thế; Người già yếu, thất nghiệp được trợ cấp để đủ sống khá đầy đủ. Khoảng cách giàu – nghèo, bất bình đẳng xã hội ngày càng thu hẹp… Được như vậy vì chính quyền liêm chính, ít tham nhũng, lãng phí, sản xuất phát triển lành mạnh, nguồn thu ngân sách dồi dào, đảm bảo chi cho phúc lợi xã hội ngày càng tốt hơn…
Việt Nam tuy khoe khoang GDP tăng trưởng 6-7%, xuất khẩu tăng mạnh v.v. nhưng GDP vào túi ai, nên dân vẫn nghèo, ngân sách thâm hụt? Y tế, giáo dục thì “thu đúng, thu đủ” mới đảm bảo chất lượng! Có nước văn minh nào trên thế giới này ngành Y tế và Giáo dục đểu như Việt Nam không? Vậy mà cứ nói phét lấy được: “Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau”; “Không để em học sinh nào tụt lại phía sau”(!?)… Lấy gì thực hiện những lời hứa ấy, khi ngân sách thu không đủ chi, quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ bị vỡ?!
6. Nền giáo dục, môi trường văn hóa- xã hội của các nước Bắc Âu đều hướng vào phát triển con người tự do, nhân bản, tôn trọng tự do sáng tạo, sự khác biệt của mỗi cá nhân trong mối quan hệ hài hòa với đời sống xã hội và thiên nhiên… Cho nên các nước Bắc Âu đều có chỉ số HDI, ( gọi là chỉ số Hạnh phúc)… ở tốp đầu thế giới. Các công dân của họ được giáo dục là công dân toàn cầu, nên thường biết 2-3 ngoại ngữ, đến đâu họ cũng có thể thân thiện với dân bản địa và lan tỏa những điều tốt đẹp…
Trong khi đó, môi trường tự nhiên cũng như môi trường văn hóa – xã hội của Việt Nam đã và đang suy thoái nghiêm trọng, gây nhiều ảnh hưởng xấu cho giáo dục, cho phát triển con người. Thực trạng xã hội và con người Việt Nam hiện nay ra sao, người Việt Nam ra nước ngoài gây ảnh hưởng thế nào, mọi người đều thấy rồi.
Nhưng có lẽ khác biệt lớn nhất là những người lãnh đạo ở các nước Bắc Âu, dù ở đảng phái nào, họ phải là những người trí thức, có học thật, họ trưởng thành từ các hoạt động phục vụ xã hội, cạnh tranh với nhau quyết liệt để nhân dân theo dõi, đánh giá và tự do, dân chủ lựa chọn những người xứng đáng trong số họ bầu vào bộ máy chính quyền phục vụ nhân dân, đất nước.
Còn những người gọi là lãnh đạo ở các cấp của Việt Nam đều do một đảng CS độc quyền chọn lựa trong số 4 triệu đảng viên của họ, mà tiêu chuẩn số một là (phải tỏ ra) tuyệt đối trung thành, phục tùng lãnh đạo cấp trên; phải suy nghĩ, phát ngôn theo đúng quan điểm Mac – Lê, tư tưởng HCM (còn làm thì biến báo). Những người đó chỉ cốt sao bảo vệ được sự tồn tại của cái đảng CSVN là trên hết, trước hết, vì đó là nhóm lợi ích lớn của họ, trong đó bao gồm nhiều nhóm lợi ích nhỏ và lợi ích cá nhân của mỗi quan chức. Vì thế, dù ai là người yêu nước, có tâm, có tài đến đâu trong gần trăm triệu người Việt Nam, mà bảo: “Phải đổi mới thế chế, đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự”… thì bị quy kết là “thành phần bất hảo”, “suy thoái”, “phản động”!… Vậy lấy đâu ra người lãnh đạo như các nước Bắc Âu mà đòi so với người ta?
TÓM LẠI, Việt Nam chẳng có gì giống các nước Bắc Âu nhất là về thể chế chính trị. Đem so sánh với các nước ấy thật là bi hài!
Nếu thấy rằng, mô hình phát triển của các nước Bắc Âu tốt, đẹp, Việt Nam phải thay đổi thể chế, theo con đường/mô hình các nước ấy, thì mới đúng. Còn mập mờ bảo rằng: “các nước Bắc Âu là mô hình XHCN mà Việt Nam XHCN đang hướng tới” là đại lừa bịp, lập lờ đánh lận con đen, thấy người sang bắt quàng làm họ!
M.V.T.
Nguồn: FB Mạc Văn Trang
BÀI LIÊN QUAN:
MÔ HÌNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DÂN CHỦ BẮC ÂU HIỆN NAY VÀ NHỮNG GỢI MỞ, THAM CHIẾU CHO VIỆT NAM
???/LLCT 25-3-2019
(LLCT) - Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở các nước Bắc Âu chứa đựng những giá trị tiến bộ về dân chủ, nhân quyền, những giá trị phúc lợi phục vụ người dân. Những thành tựu của mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Bắc Âu có những gợi mở giá trị cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành hội nhập quốc tế, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa sâu rộng.
1. Những thành tựu tiêu biểu của mô hình Bắc Âu
a) Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, bình đẳng hơn
Ở các nước Bắc Âu, người dân có khả năng tham gia vào chính trị ngày càng tích cực hơn. Nhân dân được biết tương đối đầy đủ nhà nước, chính phủ đang và sẽ làm gì. Những sáng kiến chính trị của người dân được lắng nghe tôn trọng và có cơ chế hiện thực để trình bày, thẩm định và nếu khả thi thì sẽ được pháp luật có cơ chế để hiện thực hóa. Quyền của người dân được tham gia vào các hoạt động kinh tế và thụ hưởng thành quả của nền kinh tế thị trường xã hội, được nhà nước và xã hội bảo đảm ở mức tương đối tốt, thông qua phân phối theo lao động và phúc lợi xã hội.
Các nước Bắc Âu có một nền kinh tế thị trường khá lành mạnh, năng động và được điều tiết vì những lợi ích xã hội, đã được xây dựng khá vững chắc và có khả năng “đề kháng” với những bất trắc của kinh tế toàn cầu. Công bằng xã hội và bình đẳng xã hội cũng đã có những thành tích đáng kể. So với các nước theo mô hình kinh tế thị trường tự do và những nước đang xây dựng nền kinh tế thị trường gặp phải hiện tượng phân hóa giàu nghèo tiêu cực diễn ra với quy mô lớn, tốc độ nhanh và sâu sắc thì mô hình Bắc Âu có sự phân hóa giàu nghèo thấp hơn nhiều.
Nhà nước phúc lợi xã hội với chính sách bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội là công cụ điều tiết quan trọng nhất để đạt tới bình đẳng xã hội. Nhà nước chịu trách nhiệm chính cho toàn bộ phúc lợi của các công dân. Trách nhiệm nhà nước ở đây mang tính toàn diện, khá chu đáo cho tất cả, đều do một “mạng lưới an sinh xã hội” bảo đảm. Mô hình này đã khá thành công cả về tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội theo hướng dân chủ, công bằng, văn minh. Các nước này trong nhiều năm qua, về mọi tiêu chí tích cực luôn nằm ở tốp dẫn đầu của thế giới. Đây là những quốc gia có độ ổn định cao về chính trị, có khả năng cạnh tranh về kinh tế, phúc lợi xã hội cao (giáo dục, y tế, an sinh...) và đạt được chỉ số hạnh phúc rất cao(1). Mô hình nhà nước phúc lợi Bắc Âu đề cao tính hiệu quả (efficiency), hiệu lực (effectiveness), công bằng xã hội (social equality), bền vững (sustainability). Phát triển xã hội, phát triển con người là mục đích cao nhất trong quá trình phát triển. Các nước Bắc Âu cho rằng, muốn có nguồn lực để thực hiện phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống con người, thì cần phải có nhiều của cải vật chất, và muốn vậy, thì cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là tốt nhất trong nền kinh tế dựa trên thị trường cởi mở, hiệu quả.
b) Quản lý phát triển hiện đại, hạn chế được nhiều khuyết tật của kinh tế thị trường
Chính phủ năng động, khắc phục nhanh tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế và đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, Bắc Âu là một trong những khu vực hội nhập nhất và là nền kinh tế lớn thứ 11 của thế giới với tổng giá trị GDP là 1.416 tỷ đô la Mỹ(2).
Kinh tế thị trường xã hội của các nước Bắc Âu là một trong những mô hình phát triển được xem là khá phù hợp hiện nay. Tính chất xã hội, giá trị xã hội, hiệu quả tích cực với phát triển xã hội là yêu cầu pháp lý và đạo đức của loại hình thị trường này. Như một quan niệm “mô hình đó là một công thức hòa giải giữa nguyên lý tự do trên thị trường và nguyên lý cân bằng xã hội trong một khung trật tự được nhà nước kiến tạo và bảo vệ”(3). Nền kinh tế thị trường xã hội là một nền kinh tế thị trường kết hợp tự do cá nhân, năng lực hoạt động kinh tế với điều tiết của nhà nước vì tiến bộ và công bằng xã hội.
Tư tưởng chủ đạo của mô hình này là: tự do thị trường, tự do kinh doanh, không có sự khống chế của độc quyền, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, bảo vệ hệ thống kinh tế tư bản, nêu cao tính độc lập kinh tế và “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp, thừa nhận vai trò quan trọng của nhà nước trong quản lý phát triển để đảm bảo phối hợp tự do kinh tế với các quy tắc của một xã hội công bằng, bình đẳng. Trên thực tế, trong mô hình Bắc Âu, nhà nước là “người cầm lái” - định ra thể chế kinh tế thị trường, và là cơ quan thu thuế và tái phân phối phúc lợi xã hội có được, chức năng kinh doanh của nhà nước gần như nhường lại cho thị trường. Nguyên tắc phân phối là vừa phát huy đầy đủ tính tích cực xã hội về mọi mặt và nâng cao năng suất lao động, lại vừa không để xuất hiện chênh lệch phân phối quá lớn. Nhà nước phúc lợi thông qua luật pháp và chính sách điều chỉnh để doanh nghiệp tư nhân cũng có trách nhiệm xã hội. Chính phủ thực hiện phân phối các của cải đó một cách hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động và dùng thuế lũy tiến khá mạnh tay(4) để điều tiết những người có thu nhập cao. Nguồn lực của các nhà nước của mô hình này cũng theo đó, luôn chủ động và dồi dào.
Các tiêu chuẩn cơ bản của nền kinh tế thị trường xã hội Bắc Âu gồm: Thứ nhất, đảm bảo quyền tự do cá nhân nhưng là “chủ nghĩa cá nhân nằm ngang” - hàm ý mọi cá nhân đều có cơ hội phát triển như nhau trong sự điều chỉnh của nhà nước chứ không phải là “chủ nghĩa cá nhân thẳng đứng” của kinh tế thị trường tự do. Thứ hai, nhà nước bảo đảm công bằng xã hội thông qua các chính sách kinh tế và xã hội như luật kinh doanh, thuế thu nhập lũy tiến và phân phối lại... Thứ ba, chính sách kinh doanh theo chu kỳ - nhà nước có chính sách khắc phục hậu quả của khủng hoảng chu kỳ, điều chỉnh mất cân đối, vốn là những hiện tượng thường diễn của thị trường toàn cầu. Thứ tư, chính sách tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển xã hội công bằng và tiến bộ. Thứ năm, chính sách để kiến tạo một cơ cấu kinh tế hiện đại - được coi là tiêu chuẩn đặc trưng, hạt nhân trong chính sách tăng trưởng nhằm giải quyết vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đào tạo nhân lực theo yêu cầu cách mạng công nghiệp hiện đại. Thứ sáu, bảo đảm tính phù hợp với thị trường, hạn chế sự cạnh tranh quá mức (hình thành các tổ chức độc quyền) và cũng hạn chế sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào hoạt động của thị trường...
Mô hình Bắc Âu theo đuổi các mục tiêu: bảo đảm và nâng cao tự do về vật chất cho mọi công dân bằng cách bảo đảm cơ hội kinh doanh và hỗ trợ cho các cá nhân tham gia bằng một hệ thống bảo hiểm xã hội. Đây là nền kinh tế thị trường kích thích mạnh mẽ sáng kiến cá nhân và lợi ích toàn xã hội, đồng thời phòng tránh được các khuyết tật lớn của thị trường, chống lạm phát, giảm thất nghiệp và những bất trắc khác qua hệ thống bảo hiểm đa diện, đa dạng. Các quyết định kinh tế và chính trị của nhà nước được hoạch định trên cơ sở quan tâm đến những nhu cầu cá nhân và hài hòa nó với lợi ích cộng đồng. Thực hiện công bằng xã hội cả trong khởi nghiệp và phân phối đã giúp cho ổn định bên trong của xã hội. Nó góp phần khắc phục được những khuyết tật cố hữu của kinh tế thị trường như cạnh tranh khiến cho phân tầng, phân cực xã hội sâu sắc, theo đuổi lợi nhuận cá nhân đôi khi hy sinh lợi ích xã hội...
Các chính phủ Bắc Âu đã chứng minh được phẩm chất quản lý minh bạch bên cạnh khả năng điều hành nền kinh tế với trình độ “trị quốc tốt nhất thế giới”. Nắm giữ trong tay một nguồn lực khổng lồ của xã hội (nhà nước Thụy điển quản lý hơn 60% tài sản của xã hội, nhà nước của các nước Bắc Âu khác thấp hơn một chút nhưng về tỷ lệ vẫn luôn cao hơn khi so với Mỹ - 25%, Anh, 31%) lại có quyền năng của “bàn tay hữu hình”, nhưng Bắc Âu cũng luôn đạt thứ hạng cao trong các xếp hạng về chính phủ minh bạch, lòng tin của xã hội và có mức tín nhiệm với các thể chế chính trị hiện hành. Những khảo sát của Tổ chức minh bạch quốc tế trong thời gian gần đây đều đánh giá cao các nước Bắc Âu về thành tích trong các chỉ số về minh bạch, hạn chế tham nhũng và hạn chế lạm quyền(5).
c) Xây dựng đồng thuận và lòng tin xã hội để phát triển kinh tế - xã hội
Niềm tin xã hội hay lòng tin xã hội (social trust) là sự tin tưởng vào độ trung thực, tử tế của người khác. Nó là tiền đề cho quan hệ giữa người với người, là điều kiện cơ bản để duy trì đời sống cộng đồng. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng lòng tin xã hội tạo nên một trong những nguồn lực quan trọng nhất cho đất nước, cấu thành “vốn xã hội” (social capital). Lòng tin giữa các công dân với nhau đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, độ ổn định, hiệu quả và dân chủ của chính phủ, hội nhập xã hội, mức độ hài lòng và hạnh phúc, sự lạc quan, sức khỏe... Nó tỷ lệ thuận với phồn vinh và an sinh(6).
Có một nhận định khá đúng rằng: “Độ tin cậy cao là một giá trị vàng đã được khẳng định, nằm trong hệ giá trị Bắc Âu. Ở Bắc Âu, sáu đặc tính phổ biến dễ dàng được tìm thấy là: trung thực, công bằng, hiệu quả, tận tâm, tin tưởng vào chính phủ, bình đẳng giới và văn hóa đồng nhất(7). Vai trò to lớn và tác động tích cực, đa diện của niềm tin xã hội đối với quá trình phát triển của mô hình Bắc Âu đã được nhiều công trình mô tả và khẳng định(8).
Niềm tin xã hội của công dân với các chính phủ Bắc Âu giúp cho xã hội vừa năng động trong kinh tế thị trường lại vừa cân bằng, hài hòa trong nhà nước phúc lợi, nơi mà các điều khoản xã hội trong kinh doanh có vẻ tiết chế khá mạnh những hưng cảm tìm kiếm lợi nhuận. Nhà doanh nghiệp vẫn mải miết với cuộc tìm kiếm để tăng thu nhập và họ vẫn luôn tin tưởng rằng thuế lũy tiến từ nhà nước là công bằng và cao hơn nữa là công lý; rằng những đóng góp vào thuế của mình sẽ quay trở lại với các khoản chi phúc lợi xã hội; rằng đó là những quy định đúng mực và có ích cho cả xã hội. Đó là niềm tin xã hội, tuy khá hiếm hoi trong kinh tế thị trường tự do nhưng lại khá phổ biến trong kinh tế thị trường xã hội của Bắc Âu. Rõ ràng, đạt được công bằng trên thực tế và lòng tin của xã hội vào nhà nước có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Những người dân chủ xã hội cầm quyền của Bắc Âu đã xây dựng được mô hình nhà nước liêm chính, thân thiện và trong sạch trước sự giám sát chặt chẽ của pháp luật. Một nhà nước thượng tôn pháp luật, pháp luật chi phối các quan hệ cơ bản trong xã hội trở thành nguyên tắc chính trị quan trọng ở các nước Bắc Âu. Những quy định chặt chẽ của nhà nước đối với các quyền, lợi ích và trách nhiệm của công chức, viên chức, sự tự giác rèn luyện tác phong bình dị, vì dân, đạo đức công vụ và uy quyền của công luận... có thể là những nhân tố hỗ trợ đắc lực cho nhà nước liêm chính này. Có một nhận xét đáng lưu ý: “Điều làm cho nhiều người ngạc nhiên là tại sao các nước Bắc Âu có thể trở nên thịnh vượng và tăng trưởng tốt với các khuyến khích kinh tế được xem là yếu đi cùng với thuế suất rất cao, một hệ thống an sinh xã hội hào phóng và chế độ phân phối bình quân. Để có được điều này, sự khác biệt nằm ở mức độ tin tưởng cao, và không dễ tìm được ở nơi nào khác, tạo nên một mô hình Bắc Âu độc đáo và ngoại lệ...”(9).
Các nước Bắc Âu đã coi lòng tin xã hội là một thứ vốn trong kinh doanh, là chất keo gắn kết cả xã hội vào một khối mà nhân lõi của nó là nền chính trị của dân, do dân, vì dân.
2. Những gợi mở để phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội hiện nay
a) Mô hình Bắc Âu gợi một tham chiếu về phương thức phát triển tiệm tiến trong thời kỳ quá độ lên CNXH
Vẫn có không ít vấn đề lý luận đặt ra hiện nay đối với CNXH dân chủ. Biện pháp bị coi là “cải lương CNTB” đã gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng đó là sự tự điều chỉnh của CNTB, hoặc là cách để kéo dài CNTB, lại có ý kiến lại cho rằng đó là cách để vượt qua CNTB hoặc là một kiểu để phủ định CNTB... Mô hình này cũng có nhiều vấn đề trên thực tế, như: Nhà nước phúc lợi xã hội cùng hệ thống thuế, đặc biệt là thuế thu nhập lũy tiến, có lúc gây tình trạng “đóng băng sản xuất” và nảy sinh sự ỷ lại, lạm dụng.
Nhưng cũng cần thấy rằng, các Đảng dân chủ xã hội cánh tả trong vị thế cầm quyền, đã hiện thực hóa một số tiêu chí của CNXH, đã bảo vệ và mang lại cho nhân dân nhiều quyền lợi và qua đó làm giảm bớt những khuyết tật, hạn chế của CNTB. Mô hình Bắc Âu và một số nơi khác đã gián tiếp xác định rằng, cần phải vượt qua CNTB.
Ngày nay quan niệm mang tính chất giáo điều rằng: “đó là những biện pháp cải lương xã hội tư bản, là để duy trì CNTB...” đang tỏ ra thiếu thuyết phục. Ở những nước này, chế độ TBCN vẫn là một thực tại hiện hữu, nhưng không thể phủ nhận những nhân tố, tiền đề cho CNXH, thậm chí có cả những mảnh ghép của xã hội tương lai đang định hình. Ở những nước này, các đảng dân chủ - xã hội đang là đảng cầm quyền lâu dài dù trong cơ chế đa nguyên. Xen lẫn với tính chất tư sản khó tránh, người ta cũng nhận thấy những ảnh hưởng ở mức độ khá sâu rộng, nhiều tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Ở những nước này, không quá khó để thấy những cách tiếp cận, những quan niệm khác biệt với các mô hình CNXH kiểu cũ, nhưng cũng không thể phủ nhận được những thành quả của các đảng dân chủ xã hội làm được cho phát triển xã hội trong tiến bộ, dân chủ, công bằng và văn minh. Ở những nước này, kinh tế thị trường xã hội với những nguyên tắc khá đầy đủ của kinh tế thị trường nói chung, vẫn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ bàn tay hữu hình của nhà nước phúc lợi, nhà nước kiến tạo và gợi ý rất nhiều về quản lý kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay... Những khái niệm tích cực về nền kinh tế thị trường hiện đại mà hiện nay trên thế giới khá phổ biến như “trách nhiệm xã hội doanh nghiệp”; “chính phủ kiến tạo”, “đồng thuận xã hội”... đều là những đúc kết lý luận từ thực tế của mô hình Bắc Âu. Mô hình này, như ý kiến của một nhà nghiên cứu: “xuất hiện trong lòng chủ nghĩa tư bản, hiện nay chưa trực tiếp đe dọa sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản, nhưng trong tương lai lâu dài sẽ phủ định chủ nghĩa tư bản theo cách thức do lịch sử lựa chọn”(10).
Nên nhìn nhận đó cũng là một trong những biện pháp mà thực tiễn đòi hỏi trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Trong thời kỳ quá độ, tư duy hợp lý là cần phải chấp nhận những hiện tượng “vừa là A, lại vừa là phi A”, những “trung giới”, những biện pháp quá độ, những trạng thái “đan xen giữa các nhân tố XHCN và các nhân tố TBCN”,... Và, theo tư tưởng của Lê nin, đó cũng chính là quá trình mà “mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ...”(11) trên con đường đi lên CNXH.
b) Những gợi ý cho quản lý phát triển trong xây dựng CNXH
Đối với CNXH cải cách, đổi mới, mô hình Bắc Âu cung cấp nhiều kinh nghiệm đáng tham chiếu về vai trò và phương thức quản lý của nhà nước với kinh tế thị trường, dân chủ hóa đời sống xã hội thông qua nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Mô hình nhà nước kiến tạo, nhà nước phúc lợi của Bắc Âu cũng nêu những thực tế để tham chiếu cho xây dựng nhà nước kiến tạo ở Việt Nam.
Đáng lưu ý là kinh nghiệm quản lý nền kinh tế thị trường, có lẽ đây là vấn đề khó khăn nhất của các nước XHCN đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chính thực tế Bắc Âu đã cho thấy, có thể vừa làm năng động, tăng hiệu quả của hoạt động kinh tế thông qua kinh tế thị trường, vừa xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, đồng thuận thông qua nhà nước phúc lợi và gần đây là nhà nước kiến tạo.
Những thành công của các nước Bắc Âu qua mô hình thị trường xã hội cũng cổ vũ các nước XHCN đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đời sống của nhân dân được nhà nước chăm lo thông qua hệ thống phúc lợi đa dạng và rộng khắp. An sinh xã hội đã được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa vai trò tích cực của nhà nước và thị trường đã bị kiềm chế những mặt tiêu cực. Hai “bàn tay”, hữu hình và vô hình đã có thể cùng tương tác để xây dựng CNXH thông qua vai trò to lớn của một đảng cầm quyền lâu dài và thực sự vì dân.
Thời kỳ quá độ được các nhà kinh điển nhấn mạnh tính chất trung gian giữa hai hình thái kinh tế xã hội cũ và mới, tính đan xen, tính chất không thuần nhất. Bởi vậy, cần có tư duy phù hợp về những biện pháp quá độ, những trạng thái quá độ của kinh tế và chính trị trên thế giới hiện nay. CNXH dân chủ có nhiều quan niệm và cách làm khác biệt, song cần tư duy khách quan, đổi mới và cởi mở trên tinh thần “cầu đồng, tồn dị” (hướng tới cái giống nhau, chấp nhận cái khác nhau) mới có thể tìm tòi được những gợi mở, tham chiếu để phát triển tư duy lý luận.
Phân định tính chất TBCN hay XHCN của một mô hình xét đến cùng, bao giờ cũng là hạnh phúc đạt được của nhân dân, của đa số trên thực tế. Ở những nước Bắc Âu, chế độ TBCN vẫn là một thực thể hiện tồn nhưng nó cũng đang tự phủ định bằng cách tích lũy những nhân tố, tiền đề XHCN trong lòng nó thông qua các tiến hóa xã hội hướng tới nâng cao mức sống của nhân dân.
Đây là một hướng tìm tòi của nhân loại để hướng tới CNXH, là một cách để phủ định CNTB. Nên coi nó như là một phương thức tiệm tiến để phát triển của thực tiễn. Những nhận định mang tính tả khuynh, phân liệt của giai đoạn trước đây về CNXH dân chủ tuy đã bị phê phán, vẫn cần đề phòng sự rơi rớt ảnh hưởng của nó trong tư duy về CNXH hiện thực hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Năm 2016 và 2017, Phần Lan, Thụy điển, Nauy, Đan Mạch được coi là những quốc gia phát triển thành công, bền vững nhất thế giới.
(2) Tọa đàm tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 16-3-2018, với đại sứ các nước Bắc Âu, nhân ngày Bắc Âu “16 Tháng Ba” (1952 - 2018).
(3) Ludwig Erhard và Alfred Müller-Armack: Kinh tế thị trường xã hội. Tuyên ngôn’72 (Soziale Marktwirtschaft. Manifest’72). ISBN 35-4803-647-3.
(4) Ở Thụy Điển, người có thu nhập từ 81.000 USD/ năm, nhà nước nước đánh thuế 56,6%.
(5) The Economist, Các nước Bắc Âu có lẽ trị quốc tốt nhất thế giới, 2-2-2013, bản dịch của Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra, 2013.
(6) Phạm Vũ Lửa Hạ: Lòng tin xã hội - những giá trị Phần Lan, từ sách “Lửa trời, đuôi cáo - 100 câu truyện Phần Lan”.
(7) Federal Reserve Bank of Philadelphia: (2014) The Nordic model: successes, challenges & the future, http://www.norwegianamerican.com.
(8) Xem: Hồ thị Nhâm, Lòng tin xã hội nhìn từ Bắc Âu, Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018
(9) Torben M. Andersen, Bengt Holmstrom... The Nordic model. Embracing globalization and sharing risks, Printed in Yliopistopaino, Helsinki, 2007. ISBN 978-951-628-468-5.
(10) GS Nguyễn Đức Bình (chủ biên): Những đặc điểm lớn của thế giới đương đại, Nxb Chính trị quốc gia, 2007, tr. 69.
(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.30, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.160.
Tài liệu tham khảo:
1. Thomas Mayer: Tương lai của nền dân chủ xã hội, Nxb Lý luận chính trị, 2007.
2. (GS.Wolfgang Merkel, PGS Christoph Egle, Alexander Petring, Cristian Henker): Các đảng dân chủ xã hội châu Âu - cải cách và thách thức, Nxb Chính trị hành chính, Hà Nội, 2011.
3. Tống Đức Thảo, Bùi Việt Hương (đồng chủ biên): Trào lưu xã hội dân chủ ở một số nước phương Tây hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
4. TS Nguyễn Văn Sáu & TS Cao Đức Thái: Đảng Dân chủ xã hội Đức, lịch sử, lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006.
5. Tiêu Phong (Sách dịch): Hai chủ nghĩa - một trăm năm, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
6. Ngô Thế Phúc (Chủ nhiệm): Chủ nghĩa xã hội dân chủ lịch sử hiện trạng và ảnh hưởng, Đề tài cấp Bộ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, 2010.
7. PGS, TS Nguyễn An Ninh: Về CNXH dân chủ châu Âu, Chuyên đề cho Giáo trình đào tạo Cao học - NCS Chủ nghĩa xã hội khoa học,Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2013.