Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

20171230. EVN TẠO ÁP LỰC GIẢ ĐÒI TĂNG GIÁ ĐIỆN ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
EVN HẠCH TOÁN SAI, TẠO ÁP LỰC GIẢ ĐÒI TĂNG GIÁ ĐIỆN ?
LÊ THANH, NGỌC AN/ TTO/ BVN 29-12-2017
TTO - Việc cố tình hạch toán sai, theo các chuyên gia, không chỉ để né thuế mà phải chăng còn là cách EVN tạo áp lực để tăng giá điện lên 6,08%?
Chi phí sản xuất kinh doanh là yếu tố quan trọng để tăng giá điện
clip_image002
Lắp côngtơ điện tại Q. Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH
Theo các chuyên gia, nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hạch toán đúng quy định các khoản chi phí trên thì chắc chắn lợi nhuận của tập đoàn này sẽ tăng.
Khi đó ngành điện sẽ không còn điệp khúc lỗ để "đòi" tăng giá điện, hoặc nếu tăng thì cũng thấp hơn mức 6,08% vừa được thông qua.
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng với kết luận thanh tra trên thì không chỉ EVN mà cơ quan kiểm toán cũng đã thực hiện sai quy định.
Ngay cả tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 cũng "chưa làm tròn vai" khi những khoản chi phí tài chính lên tới hàng nghìn tỷ đồng chưa được hạch toán vào giá thành nhưng không được phát hiện.
"Đây là lỗ hổng, thiếu sót lớn, cho thấy tính minh bạch của EVN chưa rõ, chưa làm đúng quy định. Việc công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh xấu đi là không trung thực. Cần quy trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan là do chủ quan hay khách quan. Nếu kết quả kinh doanh tốt thì việc tăng giá điện vừa qua cũng ít chịu áp lực hơn, giảm đi gánh nặng cho người dân", ông Long nói.
Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, việc không thực hiện đúng quy định trong hạch toán chi phí theo chỉ đạo cho thấy EVN đã cố tình hạch toán không chính xác để giảm nghĩa vụ nộp thuế nhà nước, đồng thời tạo ra áp lực giả cho việc tăng giá điện, như vậy là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản lý tài chính.
Theo vị chuyên gia này, vấn đề công khai minh bạch trong hoạt động thu chi của EVN luôn được nói đến từ lâu, bởi chi phí giá điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất chung của nền kinh tế.
Do đó, bên cạnh việc EVN phải sớm khắc phục, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước thì vấn đề công khai, minh bạch các khoản thu chi và các hoạt động liên quan giá thành điện một lần nữa cần phải được thực hiện nghiêm túc, công khai rõ ràng hơn chứ không phải chỉ "mang tính hình thức" như vừa qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc hạch toán trước thời điểm được phê duyệt thì sau đó EVN phải tiến hành bù trừ, nộp đúng đủ số thuế phải đóng cho Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề tỷ giá, theo ông Ngãi cho rằng có thể EVN và thanh tra Bộ Tài chính có cách hạch toán khác nhau, nên hai bên cần đối chiếu rõ ràng và có công bố cụ thể cho dư luận.
"Cần đề nghị EVN làm cho rõ và có giải trình cụ thể khoản lỗ hay lãi với tỷ giá biến đổi, công bố rộng rãi cho chuẩn. Quan trọng là cần sự minh bạch", ông Ngãi đề nghị.
Tại cuộc họp báo ngày 1-12-2017, Bộ Công thương cho biết chi phí sản xuất kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng để điều chỉnh tăng giá điện 6,08%.
Trong đó, năm 2016 tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 266.104 tỷ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.665,29 đồng/kWh, doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510 tỷ đồng.
Như vậy hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng.
Tuy nhiên, EVN cho biết nhờ các hoạt động kinh doanh khác nên năm 2016 EVN lãi 2.658 tỷ đồng.
Trong số đó, đáng chú ý khoản chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 là trên 9.500 tỷ đồng.
L.T. – N.A.

'Ông lớn' EVN cố tình hạch toán sai ngàn tỉ để né thuế?

LÊ THANH - NGỌC AN
TTO - Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định truy thu 1.935 tỉ đồng do phát hiện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) hạch toán sai một số khoản chi phí.

clip_image003
Theo thanh tra Bộ Tài chính, EVN hạch toán cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012-2015) không đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Trong ảnh: khu vực đặt đường ống dẫn khí từ Phú Mỹ qua Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Việc công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh xấu đi là không trung thực. Nếu kết quả kinh doanh tốt thì việc tăng giá điện vừa qua cũng ít chịu áp lực hơn, giảm đi gánh nặng cho người dân
PGS.TS Ngô Trí Long
Hạch toán sai hơn 1.341 tỉ đồng
Theo ông Trần Văn Vượng, Chánh thanh tra Bộ Tài chính, quyết định được Bộ Tài chính đưa ra trên cơ sở thanh tra tài chính EVN và phát hiện tập đoàn này có những khoản hạch toán chi phí không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận của năm 2015-2016 giảm.
Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012-2015). Việc hạch toán này được Bộ Tài chính xác định là "không đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng".
Theo giải thích của một lãnh đạo Bộ Tài chính: giai đoạn 2012-2015, cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM mới chỉ là tạm tính. Khoản chênh lệch cước phí (tức chi phí tăng thêm) theo quy định sẽ được tính từ năm 2016-2017.
Thực tế tháng 6-2016, trong công văn trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cũng đề xuất cho EVN được phân bổ 85,26 triệu USD trong hai năm 2016-2017.
Đây là khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM được bộ này chấp thuận trong lộ trình thanh toán, đưa vào giá điện.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý phân bổ khoản chi phí chưa thanh toán khoản chênh lệch cước phí như nêu trên.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và EVN thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM mà EVN phải trả cho PVN là 1.938 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là khoản chênh lệch này lại được EVN hạch toán trước thời gian Bộ Công thương có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép phân bổ. Cụ thể, năm 2015 EVN hoạch toán hơn 1.341 tỉ đồng và năm 2016 là hơn 596 tỉ đồng.
"Dù hạch toán tới 70% khoản chênh lệch cước phí này từ năm 2015 nhưng EVN vẫn báo cáo Bộ Công thương xin Chính phủ được phân bổ vào năm 2016 và 2017. Điều đó cho thấy doanh nghiệp đã nói một đằng làm một nẻo. Sai về nguyên tắc tài chính" - một lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Tài chính, chính vì hạch toán sai nên đã giúp EVN giảm lợi nhuận năm 2015 là 1.341 tỉ đồng. Do đó, để khắc phục sai sót này, EVN phải kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 là 88,2 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế phải kê khai và nộp bổ sung là 877,4 tỉ đồng.

clip_image004
Tổng số tiền mà Bộ Tài chính quyết định truy thu từ EVN - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Lờ đi 4.847 tỉ đồng lãi chênh lệch tỉ giá?
Cùng với việc hạch toán sai hơn 1.341 tỉ đồng như nêu trên, Bộ Tài chính cũng phát hiện EVN "quên" hạch toán hơn 4.847 tỉ đồng doanh thu hoạt động tài chính năm 2016.
Đây là khoản lãi chênh lệch tỉ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ của năm 2016.
Theo quy định, lãi chênh lệch tỉ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỉ giá. Nếu có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này.
Trên cơ sở thanh tra, Bộ Tài chính phát hiện sai sót này của EVN và yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 số tiền 969,5 tỉ đồng. Phần tiền còn lại 3.878 tỉ đồng, EVN không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức.
Điều đáng nói là tại buổi họp báo công bố về chi phí giá thành điện năm 2016 và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương và EVN chủ trì vào ngày 1-12 vừa qua, không hề có thông tin về khoản lãi tỉ giá này.
Thay vào đó là bức tranh khá "xám xịt" về khoản chênh lệch tỉ giá còn treo lại chưa được phân bổ tới trên 9.500 tỉ đồng, mặc dù kết quả kinh doanh chung năm 2016 ghi nhận lãi trên 2.658 tỉ đồng.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, khoản chênh lệch tỉ giá này được Chính phủ cho phép phân bổ từ nay đến năm 2020 tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh, nhằm giảm áp lực tăng giá điện.
Theo Bộ Công thương, tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp như báo cáo chi phí, giá thành được kiểm toán độc lập, báo cáo tài chính, hợp đồng mua bán điện…
Tuy nhiên, việc kiểm tra này lại không bao gồm nội dung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành của EVN đối với các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản, các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp, cơ cấu sản lượng phát điện…
Tiếp tục rà soát báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 của EVN cho thấy khoản chênh lệch tỉ giá còn treo lại đến thời điểm 31-12-2015 là trên 9.806 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tập đoàn này khẳng định đã giảm lỗ do tự xử lý được 3.500 tỉ đồng, nên EVN cho biết số tiền treo lại sẽ phải được hạch toán dần trong 5 năm, đưa vào giá điện.
Tại sao trong năm 2016, EVN có lãi tỉ giá trên 4.847 tỉ đồng, mà tổng số lỗ tỉ giá được treo lại của cả năm này do EVN công bố, vẫn lên trên 9.500 tỉ đồng?
Tại buổi họp báo ngày 1-12-2017, báo Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi với đại diện EVN đề nghị giải trình rõ khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2016 xuất phát từ những yếu tố nào (bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá), cũng như giải thích về khoản lỗ chênh lệch tỉ giá tăng mạnh, song không được tập đoàn này thông tin cụ thể.
Khai khống một phần cước phí?
Trong quá trình thanh tra tài chính tại EVN, Bộ Tài chính phát hiện thêm vấn đề liên quan đến PVN (chủ đầu tư vận hành đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM).
Theo đó, thanh tra Bộ Tài chính đang đặt nghi vấn, cước phí vận chuyển trạm Nhơn Trạch - Hiệp Phước (một phần trong hệ thống đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM) mấy năm gần đây không có nhà máy điện nào hoạt động.
Trong khi đó, chi phí vận chuyển khí đoạn Nhơn Trạch - Hiệp Phước vẫn được tính vào cước phí vận chuyển khí của dự án.
Nếu đúng như vậy thì theo Bộ Tài chính là có dấu hiệu tính khống chi phí, khiến giá thành sản xuất điện bị "méo mó".
Theo xác nhận của một lãnh đạo Bộ Công thương: hệ thống đường ống dẫn khí trên có đoạn đường ống từ Nhơn Trạch đến Hiệp Phước, nhưng hiện nhà máy điện khí dừng hoạt động nên không cung cấp khí.
Tuy nhiên, liên quan đến việc có hay không chuyện khai khống chi phí vào giá vận chuyển, lãnh đạo bộ này cho biết cần phải xem xét lại hồ sơ và các thông tin liên quan.

clip_image005
Trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Hà Nội - Ảnh: N.KHÁNH
L.T. – N.A.

EVN nói gì về khoản hạch toán sai 1.900 tỉ?

NGỌC AN
TTO - EVN cho rằng việc hạch toán các khoản chi phí liên quan đến cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ trước thời điểm quy định là “sự nỗ lực lớn trong tiết kiệm chi phí".
clip_image007
EVN cho biết việc hạch toán chi phí trước thời điểm được phê duyệt là "sự nỗ lực lớn" - Ảnh: EVN
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa gửi đến báo Tuổi Trẻ văn bản do ông Đinh Quang Tri - phó tổng giám đốc - ký, phản hồi về quyết định của Bộ Tài chính truy thu tập đoàn này trên 1.900 tỷ đồng.
Có 2 khoản tiền được cho là EVN đã hạch toán sai quy định.
Cụ thể, khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM giai đoạn 2012-2015 là khoảng 1.900 tỷ đồng, theo quy định EVN sẽ hạch toán vào năm 2016-2017, nhưng tập đoàn này lại phân bổ vào năm 2015 tới 70% số tiền.
Bộ Tài chính xác định việc này là "không đúng chỉ đạo của phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng". Việc hạch toán như vậy đã giúp EVN giảm lợi nhuận năm 2015, giảm số thuế phải đóng, nên Bộ Tài chính yêu cầu truy thu trên 965 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình, EVN xác nhận trong năm 2015 đã tiết kiệm chi phí và cân đối, phân bổ được 1.341 tỷ đồng vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 và cho rằng đây là "sự nỗ lực lớn".
Lý giải việc phân bổ trước thời điểm được phê duyệt, EVN nói do khoản chi phí đã được phân bổ này đã không được đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện được áp dụng từ ngày 1-12-2017, nên EVN không có nguồn để bù đắp nếu chi phí này được đưa vào giá thành năm 2017.
Do vậy, EVN cho biết sẽ chuyển phân bổ chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2017 để hoàn thành các nghĩa vụ.
Thứ hai là khoản lãi tỷ giá 4.847 tỷ đồng được Bộ Tài chính xác định là EVN chưa đưa vào hạch toán trong báo cáo tài chính năm 2016, tập đoàn này cho biết khoản này chủ yếu phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1.
Đây là dự án của Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) được hạch toán phụ thuộc vào công ty này, nên theo quy định khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng phải được chuyển giao về EVNGENCO1.
Tuy nhiên, EVN cho biết dự án này sử dụng vốn vay của JICA (Nhật Bản) và đối tác cho vay vốn yêu cầu EVN phải tiếp tục là chủ đầu tư, sau khi dự án hoàn thành xây dựng mới chuyển giao cho EVNGENCO1.
Hiện tại, dự án đã hoàn thành việc xây dựng và đi vào vận hành, nên EVN đang thực hiện các thủ tục bàn giao dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về EVNGENCO 1 tại thời điểm ngày 31-12-2017.
Đồng thời, tập đoàn này cho biết sẽ bàn giao số dư khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 để EVNGENCO 1 hạch toán.
EVN cũng nêu trong quy định liên quan đến chế độ kế toán của EVN do Thủ tướng quy định, cho phép khoản chênh lệch tỷ giá trong quá trình đầu tư của các công trình điện nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được phản ánh lũy kế và phân bổ dần vào doanh thu tài chính hoặc chi phí tài chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đi vào hoạt động.
Do đó, EVN cho biết đang tiếp tục giải trình với Bộ Tài chính để xử lý, giải quyết, cũng đã báo cáo Thủ tướng, và khẳng định sẽ thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
N.A.

EVN lên tiếng việc 'né thuế', giấu lãi tỷ giá gần 5.000 tỷ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng khoản lãi tỷ giá gần 5.000 tỷ đồng phải do GENCO 1 hạch toán vì đây là lãi phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1...

clip_image009
EVN lên tiếng việc Thanh tra Bộ Tài chính cáo buộc né thuế, giấu lãi tỷ giá.
Bộ Tài chính mới đây đã có kết luận thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện tập đoàn có những khoản hạch toán không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận năm 2015 -2016 giảm.
Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỷ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Tp.HCM (giai đoạn 2012-2015) dù thực tế chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Tp.HCM mà EVN phải trả cho Tập đoàn Dầu khí là 1.938 tỷ đồng
Do hạch toán sai này đã dẫn đến giảm lợi nhuận. Để khắc phục sai sót này, EVN phải kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 là 88,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phải kê khai và nộp bổ sung là 877,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, EVN còn không hạch toán 4.847 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính năm 2016. Theo quy định, lãi chênh lệch tỷ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỷ giá. Nếu có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này.
Về kết luận này của Thanh tra Bộ Tài chính, EVN cho biết, khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Tp. HCM giai đoạn 2012-2015 là khoảng 1900 tỷ đồng thực chất là khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí.
Căn cứ công văn số 12577/BCT-TCNL ngày 8/12/2015 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Tp. HCM và công văn số 872/VPCP-KTTH ngày 04/02/2016 của Văn phòng Chính Phủ cho phép EVN được phân bổ khoản chi phí phí này và giao Bộ Công Thương đề xuất thời gian thực hiện phù hợp (ngắn hơn 5 năm). Trong năm 2015, EVN đã tiết kiệm chi phí và cân đối, phân bổ được 1.341 tỷ đồng vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015.
Việc phân bổ khoản chi phí này vào năm 2015, 2016 thay cho năm 2016, 2017 là sự nỗ lực của EVN trong việc tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện. Thực tế, khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí đã không được đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện, do vậy giá bán lẻ điện áp dụng từ 1/12/2017 theo Quyết định số 4495 ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương không bao gồm khoản chi phí này.
"Thực tế, do khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí đã không đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện nên EVN không có nguồn để bù đắp nếu chi phí này xuất toán khỏi giá thành năm 2015 và chuyển phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2017", tập đoàn cho hay.
Tập đoàn khẳng định, về tổng thể, việc phân bổ khoản chi phí này hạch toán vào năm 2015, 2016 thay cho hạch toán năm 2016, 2017 là sự nỗ lực của EVN trong việc tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện.
Về khoản chênh lệch tỷ giá 4847 tỷ đồng, EVN cho biết, khoản chênh lệch lãi tỷ giá này chủ yếu phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Đây là dự án của Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO 1).
Theo quyết định 3023 của Bộ Công Thương ban hành về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1, trong đó có dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là một trong số các dự án nguồn điện là các đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ GENCO1.
Tuy nhiên, dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1 lại sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nên EVN gửi thư thỏa thuận với JICA nhưng theo yêu cầu từ phía JICA, EVN phải tiếp tục là chủ đầu tư, sau khi dự án hoàn thành xây dựng mới chuyển giao cho GENCO 1.
Sau khi EVN báo cáo, Bộ Công Thương đã có công văn thống nhất việc EVN tiếp tục làm chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1. Sau khi nhà máy phát điện thương mại sẽ thực hiện chuyển giao chủ đầu tư dự án cho GENCO 1.
Việc chuyển giao Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về Tổng Công ty Phát điện 1 được Thủ tướng chấp thuận khi phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020.
Như vậy, dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là dự án thuộc GENCO 1 và do đó khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1 phải chuyển giao cho GENCO 1 hạch toán theo quy định.
"Hiện tại, EVN đang thực hiện các thủ tục bàn giao dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về GENCO 1 tại thời điểm ngày 31/12/2017. Tập đoàn sẽ bàn giao số dư khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 để GENCO 1 hạch toán", EVN cho hay.
Mặt khác, theo quy định tại Thông tư 200 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp, Điều 23, Nghị định 82/2014/NĐ-CP và Điều 23, Nghị định 10/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính của EVN và Điểm 1 của công văn số 12227/BTC-CĐKT của Bộ Tài chính về việc trả lời chế độ kế toán của EVN cho phép khoản chênh lệch tỷ giá trong quá trình đầu tư của các công trình điện nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được phản ánh lũy kế và phân bổ dần vào doanh thu tài chính hoặc chi phí tài chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đi vào hoạt động.
Tập đoàn cho biết đang tiếp tục giải trình Bộ Tài chính để xử lý, giải quyết vấn đề này. Đồng thời EVN cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.
Trước đó, ngày 1/12, Bộ Công Thương quyết định tăng giá bán điện lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương ứng tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh)
Bộ Công Thương cho biết, năm 2016, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 159,79 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,57%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015 (7,94%).
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỷ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.665,29 đ/kWh.
Doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016 là 3.251,66 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658,20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 gồm chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 lên tới trên 9.500 tỷ đồng. Đó là các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.352,25 tỷ đồng; Tổng công ty phát điện 1 là 2.782,52 tỷ đồng; Tổng công ty phát điện 3 là 3.374,22 tỷ đồng...
B.D.
Nguồn: http://vneconomy.vn/evn-len-tieng-viec-ne-thue-giau-lai-ty-gia-gan-5000-ty-2017122816222252.htm



EVN TRỐN THUẾ GẦN 5000 TỶ ĐỒNG: CHÍNH PHỦ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM !

THIỀN LÂM/ Cali today/ bvn 1-1-2018

clip_image002
Ảnh: Dân Việt
Việt Nam – Calitoday News – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – một doanh nghiệp nhà nước mà từ lâu đã được dư luận đặt cho biệt danh “Cậu ấm hư hỏng” – vừa bị phát hiện trốn thuế gần 5.000 tỷ đồng – theo một kết luận thanh tra mới đây của Bộ Tài chính.
Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện tập đoàn có những khoản hạch toán không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận năm 2015 -2016 giảm.
Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Tp.HCM (giai đoạn 2012-2015) dù thực tế chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Tp.HCM mà EVN phải trả cho Tập đoàn Dầu khí là 1.938 tỉ đồng.
Ngoài ra, EVN còn không hạch toán 4.847 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính năm 2016. Theo quy định, lãi chênh lệch tỉ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỉ giá. Nếu có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này…
Vào năm 2011, EVN còn bị Thanh tra chính phủ phát hiện đã hạch toán cả các công trình hồ bơi và sân tennis vào giá thành điện và bắt người tiêu dùng phải lãnh đủ. Tuy nhiên dưới thời Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng – cơ quan chủ quản của EVN – vụ việc này đã nhanh chóng bị chìm xuồng.
Trước đó, vào những năm 2007-2009, EVN đã trở thành tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Cho đến năm 2017, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN giải quyết xong.
Sau một thời gian dài bưng bít thông tin, cũng vào quý 1 năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã lần đầu tiên phải thừa nhận thế cùng quẫn của EVN: Nếu không tăng và thậm chí không tăng mạnh giá điện, EVN sẽ phá sản!
Nếu không tăng giá “bù lỗ vào dân,” phá sản là chắc chắn.
Vậy là vào ngày 1 tháng Mười Hai, 2017, chế độ “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” đã bất chấp tiếng kêu oán thán của nhân dân và khuyến nghị của giới trí thức khi tung ra một cú “móc túi” khiến xây xẩm mặt mày người nghèo và doanh nghiệp: giá điện tăng vọt 6,08% thành 1.720,65 đồng/1kw, chưa kể thuế VAT.
“Giá điện bị ‘đánh úp’: Người dân kêu trời!” – một ít tờ báo nhà nước lại rền rĩ, trong lúc hai tầng lớp thu nhập trung bình và người nghèo Việt Nam đang oằn mình nặng gánh lo toan về chuyện mưu sinh, vừa phải tiện tặn vừa khốn khó hơn cả những năm trước.
Từ thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dưới “triều đại Nguyễn Tấn Dũng,” Bộ Công Thương và EVN đã trở thành “sát thủ” với những cú tăng giá “bù lỗ vào dân” và “giết sống” người nghèo trong nạn xả lũ cực kỳ vô trách nhiệm của các hồ thủy điện.
Giờ đây, những quan chức và cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt liên quan vụ EVN dối trá và trốn thuế gần 5.000 tỷ đồng?
Không chỉ là “bạch tuộc EVN”, mà còn là Bộ Công Thương – cơ quan chủ quản của tập đoàn này, với bộ trưởng hiện thời là Trần Tuấn Anh.
Và cả giới quan chức lãnh đạo chính phủ…

Vào cuối tháng Sáu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã ký phê duyệt đề án tái cấu trúc EVN, nhưng đã không có bất cứ một cải cách nào để xóa bỏ vai trò độc quyền tàn hại dân sinh của tập đoàn mà báo chí quốc tế đặt cho biệt hiệu “cậu ấm hư hỏng” này.
Ngay sau đề án tái cơ cấu EVN được Thủ tướng Phúc ký phê duyệt, nỗi lo sợ thường trực của nhân dân đã biến thành sự thật khi cũng chính thủ tướng này lại ký tiếp quyết định số 24/2017 cho phép EVN được tự quyết tăng giá điện hai lần mỗi năm với mức từ 3% đến dưới 5%, Bộ Công Thương được quyết tăng giá điện từ 5% đến 10%.
Lẽ đương nhiên, nhóm lợi ích điện lực chỉ cần có thế!
Một tháng rưỡi trước đêm tăng giá điện, có một cuộc họp của Ban Chỉ Đạo Điều Hành Giá của chính phủ. Trong cuộc họp này, khác hẳn với thái độ đầy nét dân túy vào đầu năm 2017 khi hứa hẹn trên mặt báo rằng về khả năng không tăng giá điện trong năm 2017, người được vài tờ báo nhà nước ca ngợi là “cậu thiếu niên nhà nghèo hiếu học và học rất giỏi” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – đã đổi giọng.
Trong cuộc họp trên, ông Vương Đình Huệ đã yêu cầu “Bộ Công Thương khẩn cấp hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể”.
Nhưng điều kỳ lạ là Bộ Công Thương đã “khẩn cấp” đến mức ngay tại thời điểm có yêu cầu trên của ông Vương Đình Huệ, bộ này đã hoàn thành phương án tăng giá điện với “kịch bản thấp nhất có thể” là giá điện sẽ tăng 6,08%.
Câu chuyện Bộ Công Thương đã hoàn thành phương án tăng giá điện với “kịch bản thấp nhất có thể” là giá điện sẽ tăng 6,08% – trùng với chỉ đạo của ông Vương Đình Huệ – để một tháng rưỡi sau đó đã bất ngờ công bố tăng giá điện đúng tỷ lệ 6,08%, cho thấy đây là một kịch bản đã được giới lãnh đạo ngành công thương, EVN và chóp bu chính phủ tính sẵn để đưa xã hội và người tiêu dùng vào thế đã rồi.
Hơn 6% là một tỷ lệ tăng cao và hoàn toàn có thể kích thích lạm phát tăng vọt, trong bối cảnh kinh tế ngập ngụa suy thoái và đời sống người dân ngày càng khốn khó, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam ngày càng tăng cao.
T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét