Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

20170930. TƯỚNG GIÁP, TÀI NĂNG VÀ SỐ PHẬN

ĐIỂM BÁO MẠNG
TƯỚNG GIÁP, TÀI NĂNG VÀ SỐ PHẬN


clip_image001
Tướng Giáp trong một lần tiếp cựu Bộ Trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Robert McNamara.

VOA – Bộ phim tài liệu The Vietnam War của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick vừa được trình chiếu rộng rãi từ trung tuần tháng Chín. Có nhiều tin tức nói rằng Hà Nội không hài lòng với nội dung phim. Một trong các lý do là vì nhắc đến vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn, lấn át ông Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp mất ngày 4 tháng 10, 2013, ở tuổi 103. Sau đây là bài viết của nhà báo Bùi Tín, người từng có nhiều dịp gần gũi với tướng Giáp, nhân dịp công chiếu The Vietnam War.
***
Tướng Giáp đã đi vào huyền thoại trong lịch sử Việt Nam, trong lịch sử chiến tranh của thế giới. Đã có những bản tiểu sử chính thức của ông.
Cũng có những tin tức thêu dệt về ông, ví dụ có những bài báo, cuốn sách trong nước viết rằng ông từng được Hội đồng Hoàng gia Anh Quốc tuyên dương là một trong 10 thiên tài quân sự thế giới, được đúc tượng đặt trong bảo tàng quân sự Anh quốc. Tôi đã sang London, tìm hiểu, đây chỉ là tin vịt không có thật, nhưng bộ máy tuyên truyền của CHXHCN Việt Nam không hề cải chính.
Vậy tướng Giáp là con người ra sao trong cái cơ chế chính trị Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo theo chế độ toàn trị?
Tôi có nhiều dịp tiếp cận ông, đôi lúc còn cùng ông tâm sự, do tin cậy quý mến nhau, vì cùng trưởng thành qua nền văn hóa học đường Pháp, tôn trọng quyền tư duy độc lập, theo luận lý. Hơn nữa ông sống kín đáo, ít tâm sự cùng ai, sống nội tâm rất mạnh, giàu suy nghĩ, không rượu chè, không thuốc lá, không bia bọt, giải trí hầu như duy nhất là đọc sách, suy ngẫm và chơi nhạc nhẹ piano, mà ông ưa nhất là bài «Sông Đa-núyp xanh» - Le Danube bleu.
Tôi nhiều lần được đi các chuyến xuất ngoại của ông, làm thư ký báo chí, giúp ông trả lời phỏng vấn của các nhà báo Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, Ba Lan, Đức, Hung… Chuyến đi lý thú nhất là vào năm 1977 ông cầm đầu phái đoàn quân sự đi cám ơn các nước sau khi chiến tranh kết thúc, trao huân chương cho nhiều chuyên gia quân sự từng giúp Việt Nam. Đoàn được mời nghỉ ở Sochi bên bờ Hắc Hải, trong dinh thự nghỉ hè sang trọng của Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô. Tại đây, bên bờ biển, tôi có dịp hỏi chuyện ông, gợi ý dò hỏi nhiều chuyện ít ai biết, do bản tính tò mò của nhà báo. Sau đó có vài ngày thăm Berlin, tôi nhớ nhất là cuộc hội ngộ mật của 3 ông tướng 3 châu: Fidel Castro của Cuba, Đại tướng Hoffman của CHDC Đức và tướng Giáp, sau khi Fidel rất cao hứng vừa đi thanh tra 20 ngàn quân tình nguyện Cuba ở các nước châu Phi như Angola, Congo, Mozambique… Ngày 1/5/1977, đoàn trở về Moscow, tướng Giáp là khách danh dự duy nhất đứng bên ông Brezhnev trên lễ đài cuộc duyệt binh hoành tráng.
Một kỷ niệm khó quên là hồi năm 1978 tôi có dịp nghe ông nói chuyện về những kinh nghiệm quân sự tại Học viện Quân sự cao cấp do tướng Hoàng Minh Thảo làm Hiệu trưởng. Nghe nói chuyện có các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hữu An rất gần ông Giáp. Ông từng nghiên cứu về Napoleon, Kutuzov, Zhukov, Frounzé, đọc Binh gia yếu lượcVạn Kiếp tông bí truyền. Ông say sưa nói về «ngụ binh ư nông», dân binh, dân quân, về chủ trương «Đại đội độc lập, Tiểu đoàn tập trung» thời đầu đến Đại đoàn Công – pháo trước chiến dịch Điện Biên, thành lập các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 trước 30/4/1975. Ông giảng về nguyên lý «đánh chắc thắng», về yếu tố nghi binh, bất ngờ - Pháp không bao giờ nghĩ đối phương có thể mang đủ lương thực từ đồng bằng lên vùng núi xa Điện Biên, cũng không bao giờ nghĩ đối phương có thể kéo pháo nặng lên sườn núi cao hiểm trở quanh Điện Biên; đánh Buôn Ma Thuật mở đầu chiến dịch cũng bất ngờ… Binh thư của ông là tổng hợp nhiều kinh nghiệm thực tế được đúc kết. Ông có năng khiếu của giáo sư sử học, lại có tư duy luận lý của một Cử nhân Luật. Đúng là một trí thức toàn diện cầm quân, hiểu quy luật.
Ông Giáp có nhiều nỗi buồn dai dẳng. Tôi cố tìm hiểu vấn đề này.
Trước hết ông không được ông Trường Chinh đánh giá cao. Mà ông Đặng Xuân Khu – Trường Chinh – lại là Tổng bí thư. Ông Trường Chinh có xu thế thân Trung Quốc, sùng bái Trung Quốc. Cái bí danh ông chọn đã cho thấy điều đó, chỉ có Trung Cộng có cuộc vạn lý Trường chinh. Hai cuốn sách kinh điển của ông là «Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi» và «Nền dân chủ mới» đều là bản dịch 2 cuốn «Trì cửu chiến» và «Tân dân chủ chủ nghĩa» của ông Mao.
Ông Trường Chinh hồ hởi đón các đoàn chuyên gia Tàu của bác Mao gửi sang, một mực nghe theo họ trong Cải cách ruộng đất – tàn sát gần 170.000 trung nông yêu nước có học bị chụp mũ là địa chủ ác bá chui vào đảng. Trong lúc đó ông Giáp một mực chống lại ý kiến của La Quý Ba, Trần Canh và cả của Mao Trạch Đông là dùng chiến thuật biển người để tấn công ở Điện Biên Phủ, theo phương châm tác chiến «tốc chiến - tốc quyết» - đánh nhanh - giải quyết nhanh.
Ông Giáp đã suy nghĩ rất kỹ và quyết định thay hẳn phương châm trên thành «đánh chắc, tiến chắc», rút pháo ra, chuẩn bị kỹ, kéo pháo lên các sườn núi cao chĩa thẳng xuống vị trí địch (không bắn cầu vồng), đánh dũi, đánh lấn dần từng bước, từng trận nhỏ đến lớn, đánh chắc tiến chắc, mà ít tổn thất. Không thay đổi phương châm tác chiến thì có nguy cơ thất bại nặng nề cho cả cuộc kháng chiến chống Pháp. Sự thay đổi phương châm có ý nghĩa quyết định.
Số phận tướng Giáp thật sự lâm nguy khi ngay sau đó vấp phải cặp Lê Duẩn - Lê Đức Thọ có ý định hạ bệ ông để giành quyền lãnh đạo trên cao nhất khi ông Hồ sức bắt đầu suy yếu. Sau khi phát hiện sai lầm kinh khủng trong Cải cảch ruộng đất, ông Trường Chinh chịu trách nhiệm chính mất chức tổng bí thư, ai sẽ là người thay? Thoạt đầu ông Hồ nghĩ đến ông Giáp, uy tín đang lên sau đại thắng Điện Biên. Ông Hồ chọn ông Giáp để thay mặt đảng nói chuyện với nhân dân đông đảo ở sân vận động Hàng Đẫy nhận sai lầm và hứa hẹn sửa sai, ổn định tình hình. Nhưng Lê Đức Thọ lại có ý đồ khác. Thọ rất thân thiết với Duẩn cùng ở lại miền Nam sau Hiệp định Geneva 1954, do có chung ý định phải ưu tiên đấu tranh bằng bạo lực để thống nhất đất nước, nên quyết gạt ông Giáp ra khỏi quyền lực tối cao. Lê Đức Thọ cùng Lê Duẩn tranh thủ Phạm Hùng, Lê Đức Anh, Võ Chí Công thực hiện âm mưu này, bằng cách phịa ra «vụ án xét lại chống đảng, làm tay sai cho nước ngoài», vu cáo tướng Giáp có mưu đồ đảo chính, lần lượt bắt giam hơn 30 cán bộ cao cấp, từ tướng Đặng Kim Giang, tướng Nguyễn Vịnh, Đại tá Đỗ Đức Kiên, Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Đại tá Lê Minh Nghĩa, Viện trưởng Triết học Hoàng Minh Chính, Vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh, Bộ trưởng Lê Liêm… Cậy thế là Trưởng ban Tổ chức TƯ đảng, Lê Đức Thọ dự định khai trừ tướng Giáp ra khỏi Bộ Chính trị nhưng ông Phạm Văn Đồng không đồng tình, đặc biệt là ông Hồ lên tiếng bảo vệ ông Giáp khi ông Hồ nói rõ trong cuộc họp của Bộ Chính trị khi ông Thọ tố cáo ông Giáp nhiều lần tiếp riêng Đại sứ Liên Xô Serbatov, rằng «đó là các cuộc gặp xã giao, chú Văn (Giáp) đều báo cáo với bác».
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ trong cuộc chỉnh huấn chính trị, chấn chỉnh tổ chức do các chuyên gia Trung Quốc điều khiển, phía Trung Quốc đã đưa ra danh sách cho 2 ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ yêu cầu loại bỏ các cấp chỉ huy không có nguồn gốc công nông, nhất là bần cố nông, loại bỏ hết các sỹ quan gốc gác tiểu tư sản, cầu an hưởng lạc, bảo mạng, không thuần, trong đó có ông Giáp, nhưng ông Hồ đã kiên quyết tự mình xé bỏ, một thái độ rất sáng suốt.
Thế rồi nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Anh… ngày càng thắng thế, hạ thấp vai trò của ông Hồ - vin cớ rằng Bác cao tuổi, bắt đầu lầm lẫn rồi, ốm đau cần nghỉ ngơi; hạ thấp vai trò chỉ huy quân sự của tướng Giáp, vin cớ là ông Giáp chưa hề vào miền Nam, nâng cao vai trò bao biện của Lê Đức Thọ, vừa cầm đầu cuộc đàm phán ở Paris, vừa trực tiếp vào chiến trường miền Nam để giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong một số lần tâm sự với tôi, tướng Giáp không bao giờ tỏ ra cay cú bực tức vì cá nhân mình bị đối xử bất công, nhưng ông luôn tỏ ra đau buồn khi nói đến sinh mạng binh sỹ bị hy sinh quá nhiều trong và sau cuộc tiến công Mậu Thân.
Theo báo cáo mật do Cục tác chiến báo cáo riêng cho tướng Giáp, trong năm 1968 sau các đợt tiến công tháng 1, tháng 5 rồi tháng 9, quân miền Bắc hy sinh ở miền Nam lên đến 170.000, cộng với 32.000 quân địa phương miền Nam và 30.000 cán bộ đảng viên của đảng bộ miền Nam. Những con số này tướng Giáp dặn tôi giữ kín vì chắc là chưa đầy đủ, nay tôi xin hé ra, vì là con số đã quá nửa thế kỷ để độc giả tham khảo. Theo ông Giáp, sau đợt 1 thất bại, chỉ có bề nổi là một nhóm vào được trong tòa Sứ quán Mỹ, không nên đánh thêm đợt 2, tháng 5 và đợt 3 tháng 8-1968, càng đánh càng thua to, lộ hết cơ sở.
Tôi cảm thấy rất rõ là tướng Giáp tỏ ra không mặn mà mà còn phản đối cuộc tấn công Mậu Thân, ông cho là mạo hiểm, không chắc thắng, khi ở miền Nam chưa có những quả đấm mạnh cỡ Sư đoàn, cỡ Quân đoàn như về sau này. Qua cuộc mạo hiểm liều lĩnh vô trách nhiệm này, bao nhiêu vốn liếng quân sự ky cóp từ năm 1963 đến năm 1968 bị thủ tiêu gần hết, 17.000 quân nhân trai tráng miền Bắc bị chết oan «sinh Bắc tử Nam», phải 3, 4 năm sau mới tạm hồi phục, mà không hề có nổi dậy, không có tổng khởi nghĩa như mong muốn và kêu gọi.
Ông kể khi Mậu Thân nổ ra ông đang ở Hungary để mổ sỏi mật và ông Hồ thì sang Bắc Kinh dưỡng bệnh. Họ đã cố tình cách ly 2 vị để không có một trở ngại nào cho kế hoạch ngông cuồng vô trách nhiệm của họ.
Sau 30/4/1975, vị trí ông Giáp ngày càng lu mờ. Kể từ sau Mật ước Thành Đô (tháng 9/1990), 5 đời Tổng bí thư đều ngả hẳn về phía Trung Cộng, từ Nguyễn Văn Linh, qua Đỗ Mười rồi Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh cho đến Nguyễn Phú Trọng, cái thế của ông Giáp bị mất dần cho đến bị triệt tiêu hẳn.
Đầu năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Giáp cố làm một cuộc phản công cuối đời khi ông đã hơn 90 tuổi. Đó là một loạt kiến nghị tâm huyết gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ Đảng về «Vụ án siêu nghiêm trọng ở Tổng Cục 2», về «Không nên khai thác mỏ bauxit ở Tây Nguyên», nhưng không có một hồi âm nào, dù cho các lá thư tâm huyết của ông được hơn 30 tướng lĩnh đồng tình. Họ coi ông không còn tồn tại. Vì ông nói lên khá rõ là Vụ Tổng cục 2, vụ Bauxit đều có bàn tay lông lá của bành trướng Trung Cộng.
Điều những người quý mến đúng giá trị của tướng Giáp được an ủi nhiều là khi ông mất ở tuổi đại thọ cực hiếm 103, đông đảo người dân tiễn đưa, lưu luyến xót thương, vào tận gần Đèo Ngang để tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, vượt qua tất cả các cuộc tiễn đưa ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh… Một sự công bằng đáng quý.
Bài báo này cũng là bó hương tôi thắp để tưởng nhớ một vị tướng tài ba, có tâm, có tầm nhưng không gặp thời thế, để vừa là anh hùng, vừa là nạn nhân bi thảm của một chế độ thiếu tình yêu thương, thiếu tôn trọng trí thức, lại thiếu vắng luật pháp và sự công bằng.
B.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét