Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

20170918. VNEN KHÔNG ĐỒNG NHẤT VỚI ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

ĐIỂM BÁO MẠNG
XIN ĐỪNG VỘI ĐÁNH ĐỒNG VNEN VỚI ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

NGUYỄN NGUYÊN/ GDVN 18-9-2017

Có một điều mà chúng tôi không thể nào lí giải nổi trong mấy năm qua là, tại sao trong rất nhiều nền giáo dục tiên tiến của thế giới Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không chọn, mà quyết định chọn mô hình trường học mới của Colombia (viết tắt là EN).
Hơn nữa, mô hình trường học mới, nước bạn chỉ áp dụng cho những lớp ghép ở những vùng khó khăn. 
Thế nhưng, khi “nhập khẩu” EN vào Việt Nam trở thành mô hình trường học mới Việt Nam (viết tắt là VNEN) thì được triển khai ồ ạt trên toàn quốc, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn chỉ sau 1 năm khi có dự án.
Tại sao Colombia thành công khi áp dụng mô hình trường học mới?
Cá nhân người viết khi tìm hiểu báo cáo trên và các tài liệu liên quan thì nhận thấy rằng, có 3 nguyên nhân giúp mô hình Trường học mới thành công ở một số địa phương tại Colombia và được UNESCO, Ngân hàng Thế giới đánh giá cao.
Thứ nhất, trường học mới Colombia được thiết kế có mục tiêu, đối tượng và bối cảnh chính trị - xã hội - kinh tế - giáo dục rõ ràng.
Đó là các học sinh nghèo phải học lớp ghép ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn tại Colombia vốn chìm trong tình trạng xung đột vũ trang và tội phạm có tổ chức.
Trẻ em nghèo Colombia vừa là mục tiêu, vừa là đối tượng của các nhóm vũ trang cũng như các nhóm tội phạm tại quốc gia này.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, đến tháng 7/2017, xung đột vũ trang và tội phạm có tổ chức đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 260.000 người, khiến 60.000 người mất tích và 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, mà còn biến trẻ em nước này thành nạn nhân bị bóc lột sức lao động từ khi còn rất nhỏ. [1]
Radio 1040 AM ngày 12/6/2016 dẫn nguồn tin AFP cho biết, tính đến thời điểm đó Colombia vẫn còn 1 triệu 18 ngàn trẻ em bị bóc lột sức lao động. [2]
Các em có nhiều độ tuổi khác nhau, vừa học vừa có thể phải nghỉ bất cứ lúc nào để phụ giúp cha mẹ, xong việc thì quay lại lớp học tiếp mà không ảnh hưởng gì.
Sĩ số học sinh một lớp thấp, giáo viên được tự chủ chọn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn các em tự học và bảo nhau học. 
Thứ hai, nội dung học và mục tiêu giáo dục của Trường học mới Colombia rất đơn giản.
Trường học mới ở Colombia chỉ nhằm giúp các em học sinh khó khăn không có điều kiện đến trường công lập tiếp cận với các tri thức và kỹ năng đơn giản, phục vụ cuộc sống thường ngày. 
Sau này các em trưởng thành, có thể làm công nhân thu hái cà phê.
Đó là lý do tại sao, ngay tại Colombia - quê hương của Trường học mới, không phải địa phương nào cũng áp dụng nó. 
Ngay phần đầu của bản công bố tác động của VNEN mà một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới kết hợp với “nhóm chuyên gia” của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, chúng ta có thể “mường tượng” thấy điều này, bởi báo cáo viết về EN còn rất chung chung, mơ hồ. 
Phần Lý do áp dụng mô hình trường học mới (Escuela Nueva) tại Việt Nam viết:
“Thay vì cải tiến mô hình giáo dục sẵn có tại thành thị của các nước công nghiệp, mô hình Escuela Nueva được xây dựng dựa trên những thế mạnh của hoàn cảnh, và điều kiện tại nông thôn. 
Vào thời điểm bấy giờ, khi giáo dục hòa nhập còn chưa phổ biến thì mô hình này đã mang tính hòa nhập rất cao đơn giản bằng những hoạt động như mời các phụ huynh làm nghề nông tới dự giờ học để giúp liên hệ giáo dục với sinh kế.” (trang 25, Báo cáo)
Thứ ba, mô hình này được doanh nghiệp đỡ đầu, tức có sẵn "đầu ra" cho trẻ em nghèo. 
Hiệp hội Những người trồng cà phê Colombia (FNC) đỡ đầu cho chương trình Trường học mới.
Mô hình sản xuất cà phê đã được đưa vào chương trình giảng dạy của Trường học mới, kể cả trong môn tiếng Anh, khoa học xã hội cũng như môn toán. 
Những kiến thức các em học được sẽ được áp dụng trực tiếp trên các trang trại cà phê.
Ngày 12/6/2016 Bộ Lao động Colombia và Hiệp hội Những người trồng cà phê Colombia (FNC) - đơn vị đỡ đầu cho mô hình Ngôi trường mới - đã công bố một thỏa thuận hợp tác ngăn chặn bóc lột lao động trẻ em, bảo vệ các quyền của trẻ vị thành niên trong ngành nông nghiệp trồng cà phê. [2]
Cũng chính FNC được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn làm đơn vị chuyển giao mô hình trường học mới và nhập khẩu nó về Việt Nam. [3]
Như vậy có thể thấy, Ngân hàng Thế giới hay UNESCO đánh giá cao Trường học mới ở Colombia là đúng.
Bởi ở Colombia, mô hình này nó rất nhân văn, được thiết kế phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội - chính trị - giáo dục của quốc gia này, áp dụng đúng đối tượng, mục tiêu.
Trường học mới Colombia mang lại những thay đổi tích cực cho cả trẻ em, gia đình và cộng đồng địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa, giải quyết cả bài toán giáo dục lẫn kinh tế - xã hội cho những vùng nghèo khó và xung đột.
Nhưng sang Việt Nam thành VNEN, mô hình trường học mới thất bại, theo cá nhân người viết là bởi mấy lý do:
- Một là sai về tư duy: áp dụng sai đối tượng, hoàn cảnh và mục đích giáo dục. Đây là nguyên nhân căn bản nhất.
- Hai là sai về cách làm, nhân danh “vận dụng sáng tạo cho phù hợp điều kiện hoàn cảnh" để thay đổi mô hình khi vừa nhập khẩu về Việt Nam.
Trong khi đáng lẽ ra, các nhà dự án cần thực hiện thí điểm đúng mô hình EN của Colombia chuyển giao trong phạm vi hẹp, rút kinh nghiệm, điều chỉnh và nhân rộng nếu nó phù hợp.
VNEN đã không còn là EN khi vào Việt Nam.
(Các nhà quản lý và chuyên gia dự án chỉ nhập khẩu phần vỏ EN mà họ gọi là “tinh thần trường học mới”, “phương pháp” giáo dục mới, giữ nguyên nội dung sách giáo khoa 2000 vốn rất nặng nề cho trẻ em tự học và bảo nhau học…)
- Ba là triển khai ồ ạt, áp đặt bằng cách sử dụng bộ máy quản lý ngành dọc chứ không dựa trên sự bàn bạc thống nhất 3 bên: Dự án GPE-VNEN với phụ huynh học sinh và giáo viên, dẫn đến mất kiểm soát. 
Xin đừng vội đánh đồng VNEN với đổi mới giáo dục 
Khi báo đánh cáo tác động của dự án VNEN do một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới soạn thảo được công bố, trả lời Báo Tuổi trẻ, bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới bình luận: 
“Theo tôi, nếu lấy lý do lớp đông, cơ sở vật chất thiếu thốn hay năng lực giáo viên hạn chế để trì hoãn đổi mới giáo dục là có tội với trẻ em chúng ta.” [4]. 
Còn nguyên Chuyên gia trưởng Dự án VNEN Đặng Tự Ân có bài viết đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thày Ân kết luận: 
“Thực tế, tư tưởng VNEN và phương thức dạy học VNEN ít nhiều đã thấm trong Nghị quyết 29 của Trung ương. 
Đồng thời, có thể hiểu làm VNEN là triển khai một giải pháp theo định hướng của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, hay nói khác đi đây là một phép thử về nhận thức, về cách làm đổi mới giáo dục. 
Theo tôi, VNEN chỉ cung cấp một mô hình cụ thể, chúng ta đã tiếp thu mô hình ấy theo tinh thần tiếp tục vận dụng phù hợp, sáng tạo với thực tiễn Việt Nam và đã rút ra được bài học (cả thành công và chưa thành công) trong quá trình triển khai VNEN. 
Ngành Giáo dục cần chủ động bắt tay ngay vào việc này, không nên để lãng phí những gì đã đạt được, do công sức của bao người, để rồi đến lúc nào đó lại phải làm lại từ đầu. 
Hoặc là chúng ta sẽ làm thay đổi thế hệ trẻ Việt Nam, để hội nhập vào sự phát triển của thế giới, theo Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội; 
Hoặc là trì hoãn hay làm chậm các bước đi đổi mới sẽ có lỗi lớn với thế hệ trẻ và rộng hơn là đất nước Việt Nam, sự lựa chọn phụ thuộc vào thái độ và hành động của mỗi chúng ta [5]. 
Cứ nghe khẩu khí của hai vị chuyên gia này thì tất cả những ai phản biện tư duy và cách làm của các chuyên gia và nhà quản lý Dự án VNEN đều là chống đổi mới giáo dục. 
Thậm chí thày Ân còn mang cả Nghị quyết 29TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Nghị quyết 88 của Quốc hội ra để che chắn một cách khiên cưỡng, áp đặt cho VNEN trước những phản biện xã hội.
Phải chăng là các thầy đang quy chụp cho những ai dám chỉ ra những bất cập của VNEN, nói đúng hơn là những sai lầm trong tư duy và cách làm của các nhà dự án?
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét