ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: 3 sĩ quan Trung Quốc bàn chiến lược "giết gà dọa khỉ" ở Đông Nam Á (GD 11/7/2017)-Nhật Bản xem xét cho vay vốn làm cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn (KTSG 12/7/2017)-Giải mã điểm yếu của ông Trump về Triều Tiên (VNN 12/7/2017)-Trang sử theo thực đơn – Khmer Đỏ và mạch sống Trung Quốc (BVN 12/7/2017)- Thực dụng hay thực tiễn có tên Donal Trump (BVN 12/7/2017)-Bùi Quang Vơm-
- Trong nước: Quân đội làm kinh tế rất khó có cạnh tranh lành mạnh (GD 12/7/2017)-Kinh tế quốc phòng và quốc phòng làm kinh tế (DV 11-7-17)-Hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành (GD 12/7/2017)-Phóng viên không được tường thuật các phiên họp của Thường vụ Quốc hội (GD 12/7/2017)-Thanh Hóa chi gần 55 tỷ đồng để tinh giản biên chế 466 người (GD 12/7/2017)-Đổ ra biển chất thải điện than: Đừng hi sinh môi trường (ĐV 11-7-17) - GS Nguyễn Ngọc Trân-Công khai minh bạch tài sản để "khỏe mạnh" hơn (TT 10-7-17)-Hàng loạt cán bộ xã Đồng Tâm hầu tòa do tư lợi đất đai (LĐ 11-7-17)-
- Kinh tế: Sắp xếp, phân loại, xử lý vốn tại các doanh nghiệp của SCIC (GD 12/7/2017)-Thành phố Hồ Chí Minh chậm nhất trong cổ phần hóa doanh nghiệp (GD 12/7/2017)-578 doanh nghiệp sau CPH chưa đăng ký niêm yết (KTSG 12/7/2017)-Còn tâm lý e ngại, đùn đẩy cổ phần hóa DNNN (KTSG 11/7/2017)-Bảy nhà đầu tư “đổ” vào các dự án đường sắt tỉ đô ở Hà Nội (KTSG 12/7/2017)-Vốn đầu tư rót vào KCN, KKT tăng mạnh (KTSG 12/7/2017)-Tạo dòng tiền tươi trong khởi nghiệp (KTSG 12/7/2017)-Mua 100% vốn trong công ty Việt Nam, hai cách hiểu khác nhau (TBKTSG 11-7-17)-'Kéo' du khách đến Việt Nam làm đẹp (TN 11-7-17)-
- Giáo dục: Hôm nay, Bộ Giáo dục công bố điểm "sàn" đại học 2017 (GD 12/7/2017)-Không nên quá mừng, hay quá lo lắng với hiện tượng gọi là “mưa" điểm 10 (GD 12/7/2017)-Những trường có tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp cao nhất của Đà Nẵng (GD 12/7/2017)-Hà Nội chú trọng tuyên truyền pháp luật chống bạo lực học đường (GD 12/7/2017)-
- Phản biện: VỀ ĐỒNG TÂM, TÂM SỰ VỚI CỤ KÌNH! (BVB 11/7/2017)-VỀ ĐỒNG TÂM, TÂM SỰ VỚI CỤ KÌNH! (BVN 12/7/2017)- Nguyễn Đăng Quang- Cải cách thể chế quan trọng hàng đầu (BVB 10/7/2017)-Nguyễn Sỹ Dũng- Quân đội là khu vực sạch nhất? (BVN 12/7/2017)-Bùi Quang Vơm-Lãi được bao nhiêu? (BVN 12/7/2017)-Vũ Minh Trí- Bàn cờ thế Đồng Tâm (BVN 12/7/2017)-Nguyễn Anh Tuấn-Đất quốc phòng, ranh giới nào? (BVN 12/7/2017)-Đặng Hùng Võ-QUỐC PHÒNG GẮN VỚI KINH TẾ LÀ Ý NIỆM RẤT HÀM HỒ DỄ BỊ LỢI DỤNG (BVN 11/7/2017)-Tô Văn Trường- Đạo đức là sự bất lực đưa ra hành động (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi 6) (BVN 12/7/2017)-Tương Lai-
- Thư giãn: Những cụ già… trẻ trung tuổi 100 ở Bình Chánh (PLTP 11-7-17)- Nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn thành khu đô thị cao cấp (Zing 10-7-17)-Chùm ảnh siêu thực hiếm có về thủ đô Triều Tiên
VỀ ĐỒNG TÂM, TÂM SỰ VỚI CỤ KÌNH
NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVB/ BVN 12-7-2017
Nhận lời mời của cụ Lê Đình Kình và gia đình, tôi cùng nhà văn Nguyên Bình, nhà báo Nguyễn Đình Ấm, doanh nhân CCB Phan Trọng Khang và nhà giáo Nguyễn Tiến Dân là 5 trong trong số hàng triệu người quan tâm và theo dõi sự kiện Đồng Tâm sau biến cố hôm 15/4/2017, cuối tuần qua đã rủ nhau về thôn Hoành, xã Đồng Tâm thăm sức khỏe và trò chuyện với cụ Lê Đình Kình và đại gia đình cùng nhiều bà con người dân ở đây.
Phải có người đỡ, cụ mới ngồi dậy được để tiếp chúng tôi. Từ sau hôm được xuất viện về nhà đến nay đã gần 3 tháng, cụ vẫn chưa thể tự ngồi dậy được. Cụ phải gánh chịu vết thương quá nặng, khó tránh khỏi thương tích suốt đời, vì xương đùi trái cụ bị gẫy thành 4 đoạn, xương hông bị vỡ, được Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật, phải nẹp một thanh kim loại dài 27 cm dọc suốt đoạn xương đùi bị dập nát, với tổng cộng 11 đinh vít cố định, cộng thêm 2 đinh vít nữa để cố định chỗ xương hông bị vỡ! Cụ cố gắng tiếp chúng tôi trong tình trạng cơ thể đau mệt nhưng trí lực tỉnh táo và tinh thần minh mẫn!
Được biết, ngay sau khi xuất viện về nhà, cụ đã lên tiếng tố cáo 4 sỹ quan LLVT (có họ tên, cấp bậc, chức vụ cụ thể) sáng hôm 15/4/2017 khi được cụ dẫn ra thực địa giáp ranh sân bay Miếu Môn để chỉ ranh giới đất tranh chấp, bất thần họ vây quanh rồi xông vào đạp và đá cụ gẫy xương, quẳng cụ lên xe “như quẳng một con vật”, sau đó còn dùng còng số 8 khóa quặt 2 tay rồi nhét giẻ vào mồm cụ, và cứ thế xe chạy 50 km đưa cụ về nơi tạm giữ để lấy lời cung! Sau gần 3 ngày rưỡi bất tỉnh và đau đớn, họ mới đưa cụ vào bệnh viện để cấp cứu! Cụ cho biết mục đích chính của họ là “nhằm thủ tiêu để bịt đầu mối, không cho cụ lên tiếng phanh phui sự thật trong vụ cướp đất ở cánh Đồng Sênh”!
Tôi hỏi cụ: “Thế từ sau hôm bác xuất viện về nhà đến nay, có ai trong số họ đến thăm bác không?”. Cụ buồn rầu đáp: “Nhiệm vụ thứ nhất được giao, họ đã hoàn thành, nhưng mới được một nửa! Tôi không rõ họ có được giao tiếp nhiệm vụ đến thăm tôi hay không, nhưng có lẽ họ không được giao đâu, cho dù lương tâm họ có muốn chăng nữa!”. Cụ cho biết, cụ lên tiếng để công luận thấy rõ căn nguyên và bản chất sự việc, chứ cụ không tư thù cá nhân ai, cũng như đòi truy tố 4 kẻ thủ ác kia! Cụ hy vọng việc này sẽ do cơ quan pháp luật của thành phố thực hiện theo đúng nội dung mà Chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cam kết với dân Đồng Tâm hôm 22/4/2017!
Về nguồn gốc, lai lịch 59 ha đất nông nghiệp ở cánh Đồng Sênh và nội dung dự thảo kết luận của Thanh tra HN hôm 7/7/2017, cụ Kình nói: “Cho dù có bị chặt đầu, tôi vẫn khẳng định đây là đất nông nghiệp. Người dân thôn Hoành xã Đồng Tâm đã canh tác trên mảnh này trong gần 70 năm qua, từ thời Pháp thuộc! Nhưng Dự thảo kết luận của Thanh tra Hà Nội hôm 7/7/2017 lại nói trên cánh Đồng Sênh (Đồng Tâm) không có đất nông nghiệp, mà 59 ha này là đất quốc phòng! Đây quả là một kết luận vô lý và phi lý, đổi trắng thay đen, phủ nhận thực tế lịch sử và không dựa trên cơ sở pháp lý! 59 ha đất này chưa hề có quyết định thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng của bất kỳ cấp có thẩm quyền nào! Người dân thôn Hoành đã và sẽ luôn đồng thuận, quyết tiếp tục đấu tranh giữ đất. Nếu kết luận chính thức không thay đổi, dân Đồng Tâm sẽ kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc, các bên cùng nhau đo đạc để có kết luận khách quan, đúng theo thực tế lịch sử!”.
Mặc dù đang trong thời gian dưỡng thương, cụ Kình vẫn khẳng khái nói, cho dù có bị chặt đầu ngay tức thì, cụ vẫn khẳng định đấy là đất nông nghiệp của địa phương, chứ không phải là đất quốc phòng như Dự thảo của Thanh tra Hà Nội kết luận hôm qua. Không ai có thể phủ nhận được thực tế và lịch sử!
Cụ Kình là công dân cao tuổi với 82 tuổi đời, đồng thời là một đảng viên lão thành với 55 năm tuổi đảng, được hầu như tuyệt đại đa số người dân Đồng Tâm yêu quý, kính trọng và tín nhiệm! Cụ đã từng có 3 nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy xã, 1 nhiệm kỳ làm Chủ tịch và 4 nhiệm kỳ làm Phó Chủ tịch xã, và 4 năm là Huyện ủy viên Huyện ủy Mỹ Đức! Tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm trong lòng cụ luôn sục sôi, và được người dân xã Đồng Tâm đồng tình ủng hộ! ĐCSVN cần hãnh diện khi trong đội ngũ của mình có một đảng viên như vậy. Đây là một điều may mắn và, nói một cách mộc mạc dân dã, là ĐCSVN có phúc mới có được những đảng viên như vậy! Ấy thế mà, không rõ vì căn nguyên và động cơ gì, Đảng bộ huyện Mỹ Đức cùng HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Mỹ Đức lại căm ghét cụ, ra sức chống cụ, huy động toàn hệ thống chính trị của huyện “vào cuộc” để xuyên tạc, nói xấu, chống lại cụ và những cán bộ đảng viên đi đầu trong việc chống tiêu cực, tham nhũng tại địa phương! Họ vu cáo cụ và những người này là: “Gây phức tạp tình hình ANTT, cản trở hoạt động của chính quyền, kích động quần chúng nhân dân, tụ tập đông người, gây rối TTCC tại trụ sở các cơ quan Trung ương và Hà Nội, v.v và v.v.”!
Liên tục trong suốt 2 tháng rưỡi: Tháng 2, Tháng 3 và nửa đầu Tháng 4/2017, chính quyền huyện Mỹ Đức đã phát hành tờ rơi đến tận từng hộ gia đình ở xã Đồng Tâm để “tố cáo bộ mặt thật đối tượng Lê Đình Kình và đồng bọn”, thậm chí tờ rơi này còn được đọc 3 lần/ngày trên Đài truyền thanh của Huyện! Riêng Đài truyền thanh của xã Đồng Tâm thì cứ mỗi 2 tiếng lại nhai đi nhai lại nội dung tờ rơi xuyên tạc này! Đến nỗi người dân Đồng Tâm rất bực bội, cùng rủ nhau kéo đến trụ sở Ủy ban xã yêu cầu họ không được phát thanh tuyên truyền lung tung, phải theo đúng giờ giấc quy định. Chính quyền làm như vậy chẳng khác gì chính quyền là kẻ tuyên truyền bậy bạ, gây rối TTCC! Sau đó Ủy ban xã buộc phải xin lỗi và quay lại các bản tin như thường lệ!
Suốt trên 3 tiếng trò chuyện, tâm sự, kể cả trong bữa cơm thân mật mà gia đình khoản đãi, cụ Kình luôn thể hiện là một người mẫn tiệp, rất điềm đạm dù trong lòng cụ vô cùng bức xúc. Tuy ở tuổi 82 và cơ thể cụ đang phải gánh chịu một vết thương rất nặng, nhưng tinh thần cụ không hề suy sụp, vẫn vững vàng và tin tưởng vào chính nghĩa, vào người dân! Cụ chỉ buồn là những kẻ thủ ác cố tình gây thương tích suốt đời cho cụ và còn có ý định thủ tiêu cụ, không phải là kẻ thù giai cấp xa lạ ở đâu, mà chính lại là đồng đội, đồng chí của cụ, cùng đứng trong hàng ngũ ĐCSVN với cụ, mà tuổi đời của họ chỉ đáng tuổi con cháu cụ thôi! Cụ nói riêng với tôi, đây chính là nỗi đau lớn nhất, khó có thể nguôi ngoai trong lòng cụ cũng như không thể phai mờ trong ký ức của các con, cháu và chắt cụ sau này!
Cụ Lê Đình Kình quả là một con người quý hiếm. Tuy đã cao tuổi song cụ rất minh mẫn, có trí nhớ tuyệt vời! Cụ trình bày sự việc rất súc tích, mạch lạc và dễ hiểu. Không cần nhìn sách hay đọc tài liệu, cụ trích dẫn số liệu, tư liệu, ngày tháng, nội dung văn bản thật chính xác! Tôi không chỉ cảm nhận được cụ là người mẫn tiệp, thông tuệ, tư duy sắc sảo và trí tuệ trong sáng, mà tôi còn thấy cụ là người có tấm lòng vị tha, luôn vì công bằng và chính nghĩa, và trên hết cụ là người khẳng khái, luôn tôn thờ sự thật và tranh đấu cho công lý! Dọc đường về, nhà văn Nguyên Bình ước ao: “Mong sao trong số 200 ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN khóa XII hiện nay có được vài ba người như cụ Lê Đình Kình thì nhân dân và đất nước Việt Nam ta được nhờ!”. Tôi mạn phép lấy câu nói trên của nhà văn Nguyên Bình làm lời kết cho bài viết này của tôi. Xin chân thành cảm ơn cụ Lê Đình Kình và đại gia đình đã mở lòng giành cho anh em chúng tôi một sự đón tiếp thân tình, cởi mở và tin cậy!
Hà Nội, ngày 11/7/2017
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN
HÀNG LOẠT CÁN BỘ ĐỒNG TÂM HẦU TÒA DO TƯ LỢI ĐẤT ĐAI
pv CAO NGUYÊN/ LĐ 11-7-2017
VKS Nhân dân huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố 14 cựu lãnh đạo xã Đồng Tâm, cựu cán bộ huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Cáo trạng truy tố đối với vụ án đất đai ở xã Đồng Tâm chỉ ra hàng loạt sai phạm của các cựu lãnh đạo này.
Các cựu lãnh đạo xã Đồng Tâm và cựu cán bộ huyện Mỹ Đức bị truy tố gồm: Nguyễn Văn Sơn (SN 1958, ở Mỹ Đức, Hà Nội) - cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm; Lê Đình Thuần (SN 1956) - cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm; Nguyễn Xuân Trường (SN 1959) - cựu cán bộ địa chính xã Đồng Tâm; Nguyễn Tiến Triển (SN 1954) - cựu Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm; Nguyễn Văn Bột (SN 1955) - cựu Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm; Nguyễn Văn Đức (SN 1965) - cựu Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm; Bùi Văn Dũng (SN 1958) - cựu Trưởng ban tài chính xã Đồng Tâm; Bùi Văn Hồng (SN 1958) - cựu xã đội trưởng xã Đồng Tâm; Nguyễn Văn Minh (SN 1960) - cựu Trưởng Công an xã Đồng Tâm; Nguyễn Văn Khang (SN 1965) - cựu kế toán ngân sách xã Đồng Tâm.
Ngoài các cán bộ xã còn có Phạm Hữu Sách (SN 1965) – cựu Trưởng Phòng TNMT huyện Mỹ Đức; Đinh Văn Dũng (SN 1959) – cựu Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức; Bạch Văn Đông (SN 1974) - cựu Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức; Trần Trung Tấn (SN 1975) – cựu cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức.
Theo cáo buộc, năm 1996, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định cấp đất giãn dân số 868.
Căn cứ kế hoạch sử dụng đất đã được Đảng ủy, HĐND xã Đồng Tâm duyệt thực hiện, UBND xã Đồng Tâm lập tờ trình xin thu hồi hơn 5.400m2 để giao cho 49 hộ dân làm nhà ở.
Sau khi có quyết định của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), UBND xã Đồng Tâm lúc đó do Nguyễn Văn Bột làm Chủ tịch xã và Nguyễn Xuân Trường cán bộ địa chính xã đã trực tiếp thực hiện việc giao đất cho 39/49 hộ với tổng diện tích gần 4.100 m2.
Khoảng 1.300 m2 đất còn lại, UBND xã Đồng Tâm không giao cho 10 hộ dân như tờ trình đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt.
Năm 2002, Nguyễn Văn Bột chuyển công tác, Nguyễn Văn Sơn được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, lúc này, Trường báo cáo về hơn 1.300 m2 chưa được giao theo quyết định 868.
Do chuẩn bị có việc đo đạc lại đất thổ cư, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Tiến Triển – Bí thư Đảng ủy xã và Nguyễn Xuân Trường hội ý đồng thời thống nhất chuyển hơn 1.300m2 đất cho 10 cán bộ chủ chốt của xã. Mỗi suất đất có mức thu phí 100.000 đồng/m2.
Trong các cán bộ chủ chốt của xã được giao đất gồm có: Nguyễn Tiến Triển – Bí thư Đảng ủy xã, Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND xã, Lê Đình Tuyến – Phó Bí thư Đảng ủy xã…
Một số cán bộ lấy tên của người thân trong gia đình để đứng tên người được giao đất. Năm 2008, do có việc đo đạc lại bản đồ diện tích đất toàn xã Đồng Tâm, để hợp thức hóa việc chia chác số đất trên, Nguyễn Văn Sơn được đề nghị làm Biên bản hội nghị Đảng ủy, HĐND, UBND xã thống nhất việc chia đất cho 10 cán bộ.
Ngoài các hành vi trên, cựu cán bộ xã còn sai phạm trong việc cấp bán đất trái thẩm quyền cho 9 hộ dân với diện tích hơn 1.600 m2; hợp thức hóa đất lấn chiếm cho hai hộ dân với tổng diện tích hơn 550m2; hợp thức hóa trái quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12 hộ với diện tích hơn 1.800m2.
Cựu cán bộ xã Đồng Tâm bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, một số cựu cán bộ quản lý về đất đai của huyện Mỹ Đức cũng bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện vụ án đang được Tòa án huyện Mỹ Đức định ngày xét xử.
BÀN CỜ THẾ ĐỒNG TÂM
NGUYỄN ANH TUẤN /BVN 12-7-2017
[Không rõ mọi người thế nào chứ đọc các bài báo thuật lại nội dung dự thảo kết luận thanh tra của chính quyền HN về đất Đồng Tâm tôi thấy rối rắm khó hiểu quá. Phần diễn giải dưới đây của cụ Kình đối với tôi dễ hiểu và mạch lạc hơn nhiều. Nếu có thời gian mời bạn xem toàn bộ clip, hoặc không thì đọc phần tóm tắt bên dưới].
---
PHẦN 1: LẬP LUẬN PHÍA ĐỒNG TÂM
PHẦN 1: LẬP LUẬN PHÍA ĐỒNG TÂM
Toàn bộ sự việc Đồng Tâm liên quan tới hai khu đất riêng rẽ, nằm kề nhau, tạm gọi là Khu A (47,36 ha) và Khu B (59 ha).
Khu A là đất dự án sân bay Miếu Môn mà dân Đồng Tâm giao cho Chính phủ từ năm 1980. Dự án sân bay treo tới nay đã 37 năm, nên để tránh lãng phí, Quân đội đã giao kèo với Đồng Tâm cho phép dân canh tác và nộp tô lợi cho Quân đội suốt hàng chục năm qua.
Thật kỳ khôi khi Quân đội ngồi không hưởng tô lợi trên đất vốn của dân làng trước đây, song để có đất canh tác thì dân Đồng Tâm vẫn chấp nhận, nên mọi chuyện vẫn suôn sẻ bao năm nay, mãi tới khi Viettel gần đây rục rịch có dự án triển khai tại khu vực này.
Khi đó nếu Quân đội chỉ thu hồi lại Khu A này giao cho Viettel thì dù có buồn vì phải mất đất canh tác, dân Đồng Tâm vẫn chịu, vì họ chấp nhận rằng khu đất này, dù gốc gác vốn là của làng đi chăng nữa, cũng đã được giao cho Chính phủ 37 năm trước. Họ hiểu họ chỉ đang mượn đất. Có mượn thì có trả, lẽ thường tình là thế.
Nhưng không, Quân đội và Viettel muốn hơn thế. Họ nhắm cả Khu B bên cạnh, địa thế đẹp hơn với vị trí 2 mặt tiền (phía Nam và phía Tây giáp tỉnh lộ DT429, nối tới đường Hồ Chí Minh). Đây chính là đất đồng Sênh trong cách gọi của dân Đồng Tâm.
Tranh cãi bắt đầu từ đây. Dân Đồng Tâm cho rằng 100% Khu B là đất nông nghiệp của xã, Viettel muốn lấy phải bồi thường theo quy định (ít nhất cũng vài trăm tỷ). Phía Quân đội và Viettel dĩ nhiên không muốn thế, nhưng thái độ lại phức tạp, bất nhất. Khi thì họ kết hợp với chính quyền Hà Nội định bồi thường bố trí tái định cư chỉ cho vài chục hộ dân (gồm cả sĩ quan của họ mới mua đất ở khu này) - tức là gián tiếp thừa nhận đây không phải là đất quốc phòng. Khi thì lại cho quân về rào đất, cắm biển đất quân sự trên toàn bộ khu đất trước khi tiến hành thu hồi.
Để chứng minh quan điểm của mình, cụ Kình - đại diện dân làng Đồng Tâm, đưa ra các lập luận:
Một, và quan trọng nhất: Nếu là đất quốc phòng thì sao Viettel và chính quyền Hà Nội lại bồi thường bố trí tái định cư cho các hộ dân ở đây? Chưa phạt họ chiếm dụng đất quốc phòng đã là may cho họ rồi, sao lại còn ưu đãi đền bù hàng tỷ đồng cho mỗi hộ dân và lập dự án bố trí tái định cư cho họ nữa?
Hai, khi rục rịch có chuyện thu hồi đất, dân làng Đồng Tâm khiếu nại cơ quan chủ quản dự án sân bay Miếu Môn là Quân chủng Phòng không-Không quân thì được Quân chủng đề nghị liên hệ với các cấp chính quyền Hà Nội. Thế nghĩa là đất dân sự, chứ nếu là đất quốc phòng thì sao Quân chủng đẩy trách nhiệm sang cho chính quyền Hà Nội được?
Ba, nếu là đất quốc phòng thì sao chính quyền xã Đồng Tâm bao lâu nay vẫn thu thuế đất nhà ở cho các hộ dân được xã cấp tạm đất?
Bốn, chính quyền Hà Nội xác định tổng diện tích đất quốc phòng ở đây là 236,9 ha, song Lữ 28 - đơn vị trực tiếp quản lý đất dự án sân bay Miếu Môn - lại thừa nhận chỉ đang nắm 208 ha, bằng đúng diện tích Chính phủ thu hồi làm sân bay 37 năm trước. Sao lại có chuyện chênh lệch tới 28,9 ha?
---
PHẦN 2: PHẢN BÁC TỪ PHÍA CHÍNH QUYỀN
PHẦN 2: PHẢN BÁC TỪ PHÍA CHÍNH QUYỀN
Cả bốn lập luận này đều không dễ phản bác. Tuy nhiên, sau sự kiện bắt giữ cán bộ vô tiền khoáng hậu ở xã Đồng Tâm, chính quyền Hà Nội không còn lựa chọn nào khác phải chứng minh dân làng Đồng Tâm sai. Mà phải là sai hoàn toàn, thì các động thái đàn áp sau đó mới dễ được biện minh.
Chính quyền Hà Nội đã làm thế nào?
Bốn ngày trước khi công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai Đồng Tâm, ngày 3/7, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị HĐND thành phố thu hồi dự án bố trí tái định cư cho các hộ dân trong Khu B (đất Đồng Sênh), với lý do thật lạ thường là “dân ở đó đã có đất, không cần tái định cư nữa” [1]. Nghĩa là, để đối đáp lại lập luận thứ nhất của cụ Kình, chính quyền Hà Nội đã phải chấp nhận hi sinh phần nào lợi ích của vài chục hộ dân (hoặc là dân địa phương có liên đới với chính quyền xã, hoặc là các sĩ quan quân đội vừa mua đất đón đầu đền bù tái định cư).
Động thái này mở đường đến việc công bố dự thảo kết luận thanh tra ngày 7/7, trong đó chính quyền Hà Nội kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Đó là, chẳng có Khu A, Khu B nào cả, mà tất cả là đất quốc phòng hết. Chính quyền cơ sở đã sai khi buông lỏng quản lý, để mặc các hộ dân lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng (phản bác lập luận thứ ba của cụ Kình). Bên cạnh đó, sở dĩ cho sự chênh lệch diện tích lên tới 28,9 ha là vì “bị ảnh hưởng của thi công” và đây là đất thực hiện “giai đoạn 2 sân bay Miếu Môn” (phản bác lập luận thứ tư của cụ Kình). Diện tích này chưa được “các đơn vị quốc phòng báo cáo Bộ Quốc phòng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ” cũng là một thiếu sót (phản hồi lại lập luận thứ hai của cụ Kình) [2].
Khá khen cho chính quyền Hà Nội chỉ bằng một động thái thu hồi dự án và một bản dự thảo kết luận thanh tra đã phản bác đồng loạt 4 lập luận quan trọng của cụ Kình - người đang dẫn dắt dân Đồng Tâm đấu tranh giữ đất.
---
PHẦN 3: KẼ HỞ VÀ LỜI GIẢI
PHẦN 3: KẼ HỞ VÀ LỜI GIẢI
Không khó để thấy chính quyền Hà Nội chẳng qua chỉ đang tận dụng thế mạnh tuyệt đối của nó so với phía dân làng ở chỗ nắm giữ và tạo ra văn bản, cả cũ lẫn mới, và thông qua đó có thể kể một câu chuyện khác cho những gì đã xảy ra - một thứ sự thật thay thế (alternative fact).
Tuy nhiên, kịch bản một khi đã ngụy tạo ắt hẳn có kẽ hở. Trong câu chuyện mới được kể của chính quyền Hà Nội, kẽ hở có thể nằm ở những điểm sau:
Một là, tháng 5/2016, UBND TP Hà Nội có văn bản 2590 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố, UBND huyện Mỹ Đức và Tập đoàn Viễn thông Viettel trong đó ghi rõ “kinh phí thực hiện bồi thường hỗ trợ và tái định cư do Tập đoàn Viettel chi trả” [3]. Nếu chính quyền Hà Nội khăng khăng đây là đất quốc phòng và dân lấn chiếm xây dựng công trình thì sao chính quyền Hà Nội lại yêu cầu Viettel bỏ tiền ra bồi thường hỗ trợ và tái định cư?
Hai là, chênh lệch tới 28,9 ha với lý do “bị ảnh hưởng của thi công” là gì? Sao dự thảo kết luận thanh tra gần 2 tháng trời lại có một câu văn tối nghĩa đến như vậy? Đất nở ra vì ảnh hưởng của việc thi công công trình? Câu văn ngô nghê bất thường này cho thấy chính quyền Hà Nội dường như đang túng thiếu một lý do chính đáng trong khi thời gian thanh tra có hạn.
Ba là, từ khi nào và trong văn bản nào có cái gọi là “giai đoạn 2 sân bay Miếu Môn”? Một dự án treo 37 năm chưa có nhát xẻng làm giai đoạn 1, và mãi mãi sẽ không thực hiện, nay lại thu hồi đất cho giai đoạn 2?
Nếu chính quyền Hà Nội tự tin với những lập luận họ đưa ra trong dự thảo kết luận thanh tra, tôi đề xuất thế này: Tổ chức một cuộc đối chất được điều phối bởi các luật sư và có truyền hình trực tiếp trên báo và mạng xã hội (Facebook, Youtube), trong đó từng điểm lập luận của mỗi bên được đưa ra mổ xẻ, tranh luận trước sự theo dõi của công luận. Các văn bản (trong đó quan trọng bậc nhất là tài liệu liên quan đến cái gọi là giai đoạn 2 sân bay Miếu Môn) phải được công khai, và được các luật sư mời giám định độc lập xác định tuổi văn bản, tránh tình trạng dự án năm 1980 và các văn bản về nó lại được tạo lập năm 2017.
---
PS: Clip cụ Kình diễn giải vấn đề tranh chấp đất đai Đồng Tâm được quay ngay sau khi chính quyền Hà Nội ra lệnh khởi tố vụ án bắt giữ người trái phép ở đây (Nguồn clip: FB Đồng Tâm - Mỹ Đức - Hà Nội). Sở dĩ cụ Kình phải ngồi xe lăn để trình bày vì vào ngày 15/4 cụ đã bị các sĩ quan quân đội, công an đạp gãy chân khi lừa cụ ra đồng đo mốc giới để bắt giữ. Trong clip cụ có thuật lại diễn biến của vụ hành hung, bắt cóc đó. Xem thêm ở đây: https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/1766806500000902
N.A.T.
QUỐC PHÒNG GẮN VỚI KINH TẾ LÀ Ý NIỆM RẤT HÀM HỒ VÀ DỄ BỊ LỢI DỤNG
TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 11-7-2017
Ở ta dường như thiếu hẳn sự minh triết trong các lý luận, học thuyết nên người ta vẫn hay dùng những khái niệm mù mờ kiểu như “làm chủ tập thể”, “định hướng XHCN”, “kinh tế quốc doanh làm chủ đạo”, “quả đấm thép” … và trong trường hợp này là “kinh tế gắn với quốc phòng”. Khái niệm càng thiếu rõ ràng, thiếu minh bạch thì càng tạo cơ hội cho sự lạm dụng của người có quyền (muốn tùy tiện giải thích thế nào cũng được) và các nhóm lợi ích có cái ô che chắn cho các ý đồ trục lợi.
Ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm phát biểu “Quân đội sẽ không làm kinh tế” chứng tỏ hoạt động kinh tế của lực lượng quốc phòng có những vấn đề bất cập cần xem xét một cách nghiêm túc. Có vị tướng lĩnh khác, và ngay cả nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phản bác ngược lại: “Việc này rõ như ban ngày rồi, việc gì phải bàn. Đảng ta đưa ra quan điểm là quốc phòng gắn với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Điều này đã được đưa vào Văn kiện của Đảng và điều 68 của Hiến pháp năm 2013. Cương lĩnh nêu rõ, kết hợp quốc phòng an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn", v.v.
Các ý kiến trái chiều nêu trên chủ yếu tranh luận dựa trên những ý tưởng có tính đường lối chủ trương của Đảng mà chưa có cơ sở luận chứng kinh tế thuyết phục trả lời câu hỏi: Nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ Tổ quốc đã rất nặng nề, vậy còn làm kinh tế liệu có cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp thuần túy trong nền kinh tế thị trường dù là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa? Ở hầu hết các quốc gia, quân đội không có nhiệm vụ làm kinh tế, kể cả ở Trung Quốc, quân đội đã từng làm kinh tế nhưng đã phải bãi bỏ vì hại nhiều hơn lợi, gây ra tham nhũng khó ngăn chặn làm mất sức chiến đấu và nhiều hệ lụy khác khó lường trước, nếu có chiến tranh.
Dưới góc độ lý luận và thực tiễn thì văn kiện hay nghị quyết của Đảng là sản phẩm chủ quan cho nên có thể đúng ở thời kỳ này (thời chiến mọi lực lượng dồn hết cho chiến trường nên không có cạnh tranh) nhưng vẫn phải xem xét điều chỉnh lại, nếu yêu cầu thực tế của cuộc sống đã đổi khác (điều kiện hòa bình đòi hỏi sản xuất và làm kinh tế phải chuyên nghiệp có thị trường cạnh tranh).
Về mặt thuật ngữ, nói kinh tế gắn với quốc phòng, quốc phòng gắn với kinh tế là ý niệm rất hàm hồ, dễ bị lợi dụng gây bất bình đẳng và khó kiểm toán, giám sát.
“Kinh tế gắn với quốc phòng” là trong phạm vi một quốc gia, và nước nào mà chả thế, chứ không phải là nguyên lý dành riêng cho quân đội. Quân đội được ngân sách nuôi và chức năng cơ bản là “nâng cao sức mạnh chiến đấu và bảo vệ tổ quốc”. Việc kinh doanh kiếm lợi nhuận là việc của các thành phần kinh tế và chịu sự điều chỉnh của luật pháp và cạnh tranh bình đẳng trong một nền kinh tế thị trường. Các ưu đãi của nhà nước đối với khu vực kinh tế quốc doanh thời nay đã không tạo ra bình đẳng giữa các lực lượng kinh tế. Việc quân đội tham gia kinh doanh (cũng với rất nhiều đặc ân và “bí mật”…) càng làm cho môi trường kinh doanh méo mó thêm. Thực chất là có một hoặc nhiều nhóm lợi ích trong quân đội đang trục lợi từ nền kinh tế dưới một cái vỏ bọc là khái niệm mù mờ “kinh tế gắn với quốc phòng”.
Quân đội có thể phát triển một số ngành phục vụ chiến đấu như công nghiệp quốc phòng, hậu cần,… để phục vụ quân đội – mà vì nhiều lý do các thành phần kinh tế khác không cung cấp được. Quân đội được phân bổ ngân sách để đầu tư làm những việc này phục vụ cho nhu cầu “sẵn sàng chiến đấu” nhưng không phải là để kinh doanh kiếm lời.
Tôi mới đọc bài báo trên VN express, rất nhiều kinh doanh của quân đội chẳng liên quan gì đến quốc phòng:
Nhận thức chung
Trước hết, phải khẳng định chức năng nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng vũ trang, nước nào cũng thế thôi, là bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền lãnh thổ đất nước. Ông cha ta ngày xưa nói “ngụ binh ư nông" thì nên hiểu ý người xưa là quân đội gắn bó với nhân dân, khi đó chủ yếu là nông dân. Cũng có ý nữa là nền kinh tế chủ yếu tự cấp, tự túc thì việc bảo đảm hậu cần tại chỗ là rất quan trọng.
Khái niệm " làm kinh tế” chỉ có trong nền kinh tế thị trường. Bởi vậy sẽ sai lầm khi viện dẫn câu của người xưa "ngụ binh ư nông " để biện minh cho quan điểm "quân đội phải làm kinh tế”.
Tất nhiên, cũng như các nước, lực lượng vũ trang có thể và cần phải tham gia vào hai lĩnh vực. Một là nghiên cứu sản xuất các phương tiện trang thiết bị quốc phòng hoặc những vật phẩm đặc thù cho quân đội. Hai là thực hiện những công trình mà dân sự không làm được hoặc không được làm như các công trình phòng thủ quốc gia, công trình cần giữ bí mật, các công trình ở biên giới, hải đảo, v.v.
Người bạn là sỹ quan quân đội có nhận xét rất chí lý: “Quân đội phải tập trung cao độ cho việc tinh nhuệ, thiện chiến chứ không thể chỉ mới tập thôi máy bay đã rơi, rơi đàng đông, cứu đàng tây... Nghe ông tướng Chiêm tuyên bố quân đội thôi làm kinh tế, nhiều người đã thấy nhẹ lòng. Hoá ra, các tướng khác nói khác. Cả cái ông giáo sư chính trị không biết gì cũng cứ nói đại. Chẳng có thế lực thù địch nào cả trong chuyện này. Chỉ là lòng mong muốn có quân đội chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, trung với nước, hiếu với dân. Nếu có thế lực nào thù địch thì đó là thế lực muốn quân đội yếu đi bằng cách cho đi làm sân golf, làm xây dựng, buôn bán trốn thuế, phân chia giàu nghèo, tầng lớp trong quân đội”.
Từ đó, có thể thấy nên đặt vấn đề là khai thác thế mạnh của lực lượng vũ trang tham gia phát triển kinh tế đất nước, chứ không nên đặt vấn đề bắt buộc lực lượng vũ trang phải tham gia hoạt động kinh tế, kẻo lợi bất cập hại, làm suy giảm sức chiến đấu và uy tín của lực lượng vũ trang.
Quốc phòng gắn với kinh tế không đồng nghĩa với quân đội làm kinh tế
Một thực tế rõ ràng là quân đội đang lạm dụng quân dụng để làm kinh tế trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ và hình thành các tầng lớp, các nhóm, phe phái trong quân đội. Quân đội làm kinh tế chỉ có lợi cho một số tối thiểu. Còn đa số cán bộ, chiến sỹ không có lợi lộc gì từ việc này và vì thế mà họ cũng không ủng hộ. Trong khi đó, sức chiến đấu của quân đội có những điểm quan trọng cần xem lại.
Xã hội có tiêu cực gì, quân đội có hết. Những tai nạn máy bay hiện đại rơi, cứu hộ rất kém là dấu hiệu báo động về khả năng chiến đấu của quân đội.
Đảng và Nhà nước đang đau đầu “chống tham nhũng” vì cái gốc là thể chế Nhà nước ta được thiết kế trên cơ sở “đặc thù”, duy ý chí, không khoa học - phổ quát thì càng “chống” càng bí. Nay một lực lượng quân đội làm kinh tế có tính “đặc thù của đặc thù” thì ai tài gì mà khống chế được “Con ngựa hoang Tư bản” khoác màu “Chiến mã”. Trường hợp đất sân golf Tân Sơn Nhất, sân bay Miếu Môn là điển hình của đặc thù đó! Còn bao bất cập khác quanh vấn đề phân chia lợi ích, nó sẽ “bào mòn” niềm tin của dân đối với quân đội vốn là thế trội của Quân đội nhân dân Việt Nam ta xưa nay, bào mòn sức chiến đấu nội tại trong quân đội nói chung mà Tập Cân Bình đã thấy và chờ đủ “lực” mới ra “thế võ” như mới làm năm rồi là cấm quân đội làm kinh tế. Nhưng ở ta mới chỉ là bản nhạc dạo đầu, Bí thư Quân ủy TW (Nguyễn Phú Trọng) đang cầm chiếc gậy chỉ huy chống tham nhũng, xem ra còn rất nhiều khó khăn trở ngại trong thể chế hiện nay.
Quân đội làm kinh tế ở một số nước như thế nào?
Chữ làm kinh tế, có thể hiểu là làm thương mại, sản xuất kiếm tiền cho quân đội và nuôi kinh tế. Có thể nó thành công như ở Nga trong lĩnh vực quân sự nhưng không đóng góp được gì cho công nghệ dân dụng và nền kinh tế.
Trung Quốc từ năm ngoái (2016) mới quyết định chính thức chấm dứt hoạt động thương mại của quân đội trong vòng 3 năm, bởi vì nó có sẵn nguồn vốn, sử dụng đất đai quốc phòng không bị tính thuế, nguy hại hơn nó là nguyên nhân gây tham nhũng, suy thoái đạo đức lãnh đạo quân đội:
Ngay cả ở Mỹ cũng thế, NASA tham gia chương trình khám phá không gian do nhà nước bỏ tiền, chứ không tạo ra lãi. Tất nhiên các khám phá của nó, có lợi cho doanh nghiệp sau này.
Ở Mỹ, để phát triển kinh tế của đất nước, cho dù là công nghệ võ khí cũng phải thông qua hợp đồng với công ty tư nhân và được kiểm soát chặt chẽ về an ninh từ thuê người, liên lạc với nước ngoài, cho đến bán vũ khí và công nghệ.
Ở Mỹ không có công ty quốc doanh sản xuất võ khí nên có thể nói là khác hẳn Việt Nam và Trung Quốc. Họ có cái gọi là military contractors, là các công ty tư nhân có hợp đồng với quân đội để nghiên cứu và sản xuất võ khí. Các công ty quan trọng là: Lockeed-Martin, Eads, Northrop Grumman, BAE Systems, United Technology, Raytheon, General Dynamics, L-3 Communications, Technology. Các công ty này làm máy bay, điện tử, đầu máy, vũ khí, hỏa tiễn, xe tăng, tàu chiến, kỹ nghệ không gian. Mọi hợp đồng của các công ty này với nước ngoài đều phải được Chính phủ và Quốc hội thông qua.
Mọi công nhân làm việc ở các công ty này phải được security clearance tức là được các cơ quan an ninh của Mỹ như FBI (cảnh sát liên bang) điều tra và đóng dấu là không có liên quan gì nguy hại đến an ninh quốc gia.
Mọi công dân ở các công ty này khi tới một nước nào nằm trong danh sách có tiềm năng nguy hại đến an ninh quốc gia đều phải xin phép, và khi trở về đều phải được FBI phỏng vấn về các việc làm.
Cái gọi là military contractors, vì là các công ty làm võ khí cho quân đội nên họ có ảnh hưởng quan trọng đến chính sách ngoại giao của Mỹ. Chính vì thế sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã phải nói là cần cảnh giác với cái gọi là Military Industrial Complex đã hình thành ở Mỹ. Ông ấy sợ rằng chính sách của Mỹ sẽ bị mấy tay đầu nậu này “xỏ mũi” (We must guard against the acquisition of unwarranted influence, whether sought or unsought, by the military–industrial complex). Nhưng chuyện đó không xảy ra vì các cơ chế về luật pháp ở Mỹ kiểm soát rất chặt chẽ.
Quân đội ta từ nhân dân mà ra luôn được dân bao bọc, quý trọng nhưng nhiều sự vụ làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của quân đội như sân golf, nhà hàng ở Tân Sơn Nhất, tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, v.v.
Về vụ Đồng Tâm, ông Nguyễn Đức Chung Chủ tịch TP. Hà Nội khẳng định phải thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm trọng là rất chuẩn xác nhưng xin hỏi khi công bố bản dự thảo kết luận thanh tra đất đai ở Đồng Tâm (không bàn về nét mặt, giọng nói nghiêm khắc, khác hẳn hôm xuống xã Đồng Tâm đối thoại với dân), đây có phải là việc làm trái luật không? vì dự thảo kết luận thanh tra là tài liệu nằm trong danh mục bí mật nhà nước. Chính quyền Hà Nội và cơ quan thanh tra, đừng quên rằng:
Theo Luật Đất đai năm 2003:
Khái niệm về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh đã được quy định ngày càng chặt chẽ hơn trên nguyên tắc:
(1) Mục đích quốc phòng, an ninh phải được xác định “thuần túy” gắn với nhiệm vụ bảo vệ đất nước;
(2) Mọi diện tích đất do các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang sử dụng vào mục đích làm kinh tế hoặc quốc phòng, an ninh kết hợp làm kinh tế đều không được coi là đất quốc phòng, an ninh.
(3) Ngay cả trường hợp đất bỏ hoang hàng mấy chục năm, dân đã vào sản xuất ổn định, thì còn gọi là đất quốc phòng nữa không?
Lời kết
Quốc phòng gắn với kinh tế, kinh tế với quốc phòng là một quan niệm là chính sách và chủ trương phù hợp với hoàn cảnh thời chiến, còn trong nền kinh tế thị trường có cạnh tranh không thể có lãi mà còn làm giảm sút khả năng chiến đấu của quân đội. Nhưng trong mọi trường hợp nó hoàn toàn không tương đương với "quân đội làm kinh tế", hoặc "ngụ binh ư nông".
Trong giai đoạn hiện nay, quân đội nên làm các hoạt động kinh tế công ích và nghiên cứu các lĩnh vực phục vụ trực tiếp quốc phòng và gián tiếp phục vụ dân sinh. Nhưng cần cấm hẳn các doanh nghiệp Quốc phòng đầu tư vào các hoạt động thương mại như khách sạn, ngân hàng, địa ốc..., và kể cả sản xuất điện thoại.
Để bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng trong cơ chế thị trường định hướng XHCN các đơn vị làm kinh tế của quân đội cũng phải được cổ phần hóa và thực hiện mọi chính sách nghĩa vụ theo luật doanh nghiệp.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN
ĐẤT QUỐC PHÒNG, RANH GIỚI NÀO?
GS TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ/ BVN 12-7-2017
TTCT- Những ngày qua, vấn đề sử dụng đất quốc phòng thu hút sự quan tâm của người dân. TTCT giới thiệu bài viết của GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, nhằm cung cấp thêm thông tin liên quan vấn đề này.
Đường Võ Nguyên Giáp (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) trước đây có nhiều đơn vị quân đội đóng quân. Sau thời gian chính quyền Đà Nẵng thuyết phục, năm 2005 quân đội đã đồng ý di dời các đơn vị để có đất cho TP phát triển - Hữu Khá
Câu hỏi lớn nhất được đặt ra đối với khung pháp luật về quản lý và sử dụng đất quốc phòng là: mục đích gì được gọi là mục đích quốc phòng?
Tất nhiên câu trả lời không hề đơn giản, vì mục đích quốc phòng khá đa dạng và phức tạp. Ví dụ một đơn vị quốc phòng sử dụng đất để xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí thì có đúng mục đích quốc phòng hay không?
Hay một đơn vị quốc phòng sử dụng đất nông nghiệp ở vùng cao, vùng xa, vùng sâu, nơi vắng dân cư vừa để bảo vệ đất nước vừa được thụ hưởng nông sản thì có gọi là cho mục đích quốc phòng hay không?
Vậy nên sử dụng đất vào mục đích quốc phòng hay kinh tế vẫn không thể có một ranh giới thực sự rõ ràng. Luật đất đai (LĐĐ) đã có thay đổi đáng kể trong góc nhìn về cách quản lý và sử dụng đất quốc phòng, nhưng đều chưa đạt được những tiêu chí hợp lý.
Khung pháp luật về quản lý và sử dụng đất quốc phòng
Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng chưa được quy định cụ thể trong LĐĐ đầu tiên năm 1987.
Tiếp theo trong LĐĐ 1993, khoản 1 điều 65 quy định cụ thể về sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh bao gồm đất để đóng quân; đất làm căn cứ quân sự; đất xây dựng các công trình quân sự, an ninh; đất làm sân bay, ga, cảng quân sự; đất làm kho tàng cho các lực lượng vũ trang; đất làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí; đất xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang và đất sử dụng làm các công trình công nghiệp, khoa học, kỹ thuật phục vụ quốc phòng, quốc phòng kết hợp làm kinh tế.
Tuy nhiên, mục đích cuối cùng có nội dung “phục vụ quốc phòng kết hợp làm kinh tế” lại không được thống nhất nhìn nhận.
Khoản 1 điều 89 của LĐĐ 2003 đưa ra quy định về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh với hai điều chỉnh so với LĐĐ 1993:
(1) bổ sung mục đích sử dụng đất làm nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân và đất làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý;
(2) bỏ cụm từ “quốc phòng kết hợp làm kinh tế” trong mục đích sử dụng “đất làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh”.
Như vậy, LĐĐ 2003 đã có góc nhìn “khắt khe” hơn với đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh. LĐĐ 2013 vẫn giữ nguyên quy định về đất quốc phòng, an ninh như LĐĐ 2003 và được quy định tại điều 61 và điều 148.
Điều 61 quy định về phạm vi áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, trong đó không áp dụng cho trường hợp đất để sử dụng vào mục đích “quốc phòng kết hợp làm kinh tế”.
Như vậy, có thể thấy khái niệm về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh đã được quy định ngày càng chặt chẽ hơn trên nguyên tắc:
(1) mục đích quốc phòng, an ninh phải được xác định “thuần túy” gắn với nhiệm vụ bảo vệ đất nước; (2) mọi diện tích đất do các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang sử dụng vào mục đích làm kinh tế hoặc quốc phòng, an ninh kết hợp làm kinh tế đều không được coi là đất quốc phòng, an ninh.
Nói cách khác, đất đai do các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang sử dụng đều không thuộc phạm vi đất quốc phòng, an ninh, được coi là đất sản xuất nông nghiệp hoặc đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Để có con đường Phạm Văn Đồng (Q. Sơn Trà) thông ra biển rộng và đẹp như hôm nay, nhiều đơn vị quân đội đã di dời đi nơi khác để Đà Nẵng có quỹ đất làm đường, chỉnh trang đô thị - Hữu Khá
Câu chuyện sử dụng đất quốc phòng
Đất quốc phòng được hình thành tự nhiên như một câu chuyện lịch sử. Năm 1954 khi giải phóng miền Bắc và năm 1975 khi giải phóng miền Nam, quân đội nhân dân ta đã tiếp quản và sử dụng tất cả đất đai do quân đội thực dân và quân đội chế độ cũ chiếm đóng.
Từ đó biến động tăng giảm không nhiều. Đến năm 2000, tổng diện tích đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của cả nước là 191.680 ha (không có số liệu tách riêng đất quốc phòng và đất an ninh), trong đó đất an ninh do các đơn vị thuộc Bộ Công an sử dụng chỉ chiếm khoảng 10%, chủ yếu là đất sử dụng vào mục đích quốc phòng.
Theo LĐĐ 2003, đất quốc phòng và đất an ninh được tách riêng thành hai loại riêng biệt. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng có biến động qua các năm (xem biểu đồ).
Trong tổng diện tích đất quốc phòng như bảng trên, diện tích đất quốc phòng tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc duyên hải miền Trung từ Đà Nẵng tới Bình Thuận, chiếm tới khoảng 50% tổng diện tích đất quốc phòng.
Xét về mặt biến động, diện tích đất quốc phòng được tăng thêm trên 70.000 ha trong giai đoạn 2000 - 2005, tiếp tục tăng khoảng 36.000 ha trong giai đoạn 2005 - 2010 và giảm khoảng 43.000 ha trong giai đoạn 2010 - 2015.
Diện tích đất quốc phòng tăng nhiều trong giai đoạn 2000 - 2010 vì các lý do chủ yếu bao gồm: (1) bổ sung các diện tích đất trước đây do quân đội sử dụng thực tế nhưng chưa đưa vào thống kê đất quốc phòng; (2) Nhà nước giao thêm đất quốc phòng để sử dụng làm sân bay, cảng biển, trường bắn vũ khí hiện đại và nhiều nhu cầu sử dụng khác vào mục đích quốc phòng...
Bên cạnh diện tích đất quốc phòng tăng mạnh, cũng có một số diện tích đất quốc phòng giảm do Bộ Quốc phòng giao lại cho chính quyền địa phương để sử dụng vào mục đích dân sự, cụ thể bao gồm:
(1) đất quốc phòng đã giao cho gia đình quân nhân để xây dựng nhà ở, đã thành khu dân cư phù hợp quy hoạch, nay chuyển giao cho địa phương quản lý;
(2) đất quốc phòng nhưng phù hợp với mục đích phát triển kinh tế, bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử... được giao lại cho các địa phương sử dụng;
(3) được cho phép chuyển nhượng cho các nhà đầu tư dân sự để bổ sung ngân sách cho các đơn vị thuộc lực lượng quân đội.
Trong giai đoạn 2010 - 2015 đất quốc phòng giảm khá mạnh, trong đó lý do chủ yếu là Chính phủ quyết định chuyển một phần diện tích thuộc một số hải đảo khác về loại đất sử dụng cho mục đích dân sự.
Ngoài ra, việc rà soát hiện trạng sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch sử dụng đất quốc phòng cũng đẩy mạnh quá trình giao lại đất sử dụng hợp lý hơn cho mục đích phát triển kinh tế cho các địa phương cấp tỉnh quản lý và bố trí sử dụng, hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư dân sự để thực hiện các dự án đầu tư.
Suốt thời gian qua, lãnh đạo các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc thuyết phục các cơ quan quốc phòng cấp trung ương và cấp tỉnh về ba chuyện có liên quan tới đất quốc phòng.
Một là quy hoạch lại các khu dân cư do các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tạo lập nhằm giải quyết nhà ở cho gia đình quân nhân để giao về cho địa phương quản lý như đất ở.
Hai là chuyển giao đất có lợi thế về phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, lịch sử đang là đất quốc phòng về cho các địa phương quản lý và bố trí sử dụng.
Tại Hà Nội, sau một thời gian dài triển khai, Bộ Quốc phòng đã bàn giao lại một nửa thành cổ Hà Nội cho UBND TP để bảo tồn di tích lịch sử, nhưng vẫn giữ lại một nửa để sử dụng vào mục đích quốc phòng, lấy ranh giới là đường Nguyễn Tri Phương.
Ngoài ra, đất quốc phòng thuộc khu vực sân bay Bạch Mai cũ, sân bay Gia Lâm cũ cũng đã chuyển giao một phần nhất định để phát triển hạ tầng giao thông, làm công viên...
Tại các tỉnh, thành thuộc vùng duyên hải miền Trung, các sở tài nguyên và môi trường (TN-MT) đều có nhiệm vụ trọng yếu là thay mặt UBND cấp tỉnh thảo luận, thuyết phục cơ quan quân sự cấp tỉnh giao lại nhiều bãi biển đẹp để phát triển du lịch.
Có thể lấy ví dụ điển hình là bãi biển Mỹ Khê hay bán đảo Sơn Trà tại Đà Nẵng đã được bên quân sự bàn giao lại cho địa phương phát triển du lịch.
Trong nhiều lần trao đổi riêng, anh Nguyễn Điểu, nguyên giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, đã cho biết nhiệm vụ thuyết phục bên quốc phòng giao lại đất quốc phòng có lợi thế phát triển kinh tế là rất khó nhưng Đà Nẵng đã thành công, tạo lợi thế lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Đà Nẵng trở thành TP hiện đại, TP đáng sống.
Ba là việc các đơn vị quốc phòng xin chuyển nhượng lại đất đang sử dụng (chủ yếu “đất vàng”) cho các nhà đầu tư dân sự để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế.
Có thể lấy ví dụ điển hình trường hợp này là Nhà máy Ba Son của quân đội đã được chuyển nhượng cho VinGroup để phát triển nhà ở và khu đô thị mới. Những vụ chuyển nhượng tương tự với các nhà khách, khách sạn, nơi vui chơi giải trí do quân đội quản lý cũng diễn ra ở nhiều địa phương.
Một phần Hoàng thành Thăng Long đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND TP Hà Nội để bảo tồn di tích lịch sử - Nguyễn Khánh
Bàn thêm về chính sách quân đội làm kinh tế
Quân đội làm kinh tế hay không làm kinh tế không chỉ là chính sách lớn, mà còn là triết lý quốc phòng lớn, cách thức vận dụng còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Ở VN hay ở nhiều nước châu Á khác, triết lý quân đội phát triển sản xuất trong thời bình để tự lo hậu cần cho thời chiến đã được áp dụng suốt chiều dài lịch sử nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát triết lý này thành một triết lý lớn hơn: mỗi người dân là một người lính bảo vệ đất nước, mỗi người lính cũng là một người dân trong sản xuất. Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng dựa trên triết lý này.
Từ đây, cơ chế doanh nghiệp quốc phòng tham gia hoạt động kinh tế sinh lợi được hình thành và phát triển.
Khảo cứu kinh nghiệm nước ngoài cũng có thể cho thấy một số chính sách khác nhau được áp dụng. Nhà nước Trung Hoa trong thời gian vài chục năm qua cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cách nhìn về chính sách quân đội có làm kinh tế hay không.
Dưới thời Tổng bí thư Giang Trạch Dân, số lượng các đơn vị vũ trang làm kinh tế đã được thu hẹp. Tháng 3-2016, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã có thông báo dừng toàn bộ các hoạt động dịch vụ sinh lời của các đơn vị quân đội và cảnh sát vũ trang.
Ở đây, chúng ta cần lưu ý thuật ngữ “dịch vụ sinh lời” được sử dụng để thay thế thuật ngữ “làm kinh tế”. Cốt lõi của vấn đề chính là cơ chế “sinh lời”, là nguyên nhân làm sao nhãng nhiệm vụ chính của quân đội là bảo vệ đất nước.
Những chính sách như vậy từng bước đã đưa Trung Hoa từ một nước có nền quốc phòng không mạnh trở thành đất nước có lực lượng quân sự hiện đại trên thế giới.
Tại các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh, Pháp... kinh tế quốc phòng là một lĩnh vực phát triển rất mạnh, sinh lợi cao nhưng không do lực lượng vũ trang thực hiện, mà do kinh tế tư nhân thực hiện như các ngành kinh tế khác.
Ví dụ như ở Pháp, doanh nghiệp tư nhân EADS bảo đảm sản xuất mọi loại vũ khí, máy bay quân sự, tên lửa sử dụng vào mục đích quốc phòng. Hay ở Mỹ, Tập đoàn tư nhân Lockheed Martin cũng chế tạo những vũ khí hàng không, vũ trụ cho mục đích quốc phòng.
Quân đội không làm kinh tế, mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ luyện tập để trở thành những đội quân tinh nhuệ, sức chiến đấu cao.
Tại VN, kinh tế quốc phòng là lĩnh vực khu vực dân sự không được thực hiện, mà phải do lực lượng vũ trang thực hiện. Nếu không cho quân đội làm kinh tế quốc phòng thì sẽ không phát triển được công nghệ và kinh tế quốc phòng.
Vấn đề được đặt ra là quân đội làm kinh tế theo cơ chế nào và hạn chế trong phạm vi nào thì phù hợp. Hơn nữa, cần tìm lộ trình hợp lý để thực hiện, tạo nên hướng đi mạch lạc trong nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội ta và sử dụng đất quốc phòng đúng mục đích, hiệu quả cao.
Việc thứ nhất có thể làm là quân đội không tham gia các hoạt động dịch vụ kinh doanh “sinh lời” trong phạm vi khối kinh tế dân sự đang làm. Các doanh nghiệp quân đội sẽ được cổ phần hóa để trở thành các doanh nghiệp dân sự thông thường và đất quốc phòng đang sử dụng cũng được trả về cho địa phương quản lý.
Việc tiếp theo là các doanh nghiệp quốc phòng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế quốc phòng theo một cơ chế đặc thù, không lấy tiêu chí “sinh lời” riêng làm trọng tâm.
Quy định về chuyển đất quốc phòng sang sử dụng vào mục đích kinh tế
Đất quốc phòng thuộc loại đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, không được tham gia thị trường bất động sản. Việc chuyển đất quốc phòng sang sử dụng vào mục đích khác phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Theo quy định tại điểm đ và e, khoản 1 điều 57 và điều 59 LĐĐ 2013, việc chuyển đất quốc phòng sang sử dụng vào mục đích kinh tế phải được phép của UBND cấp tỉnh.
Theo điều 173 LĐĐ 2013, các tổ chức sử dụng đất quốc phòng không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất đang sử dụng cho người khác.
Việc chuyển quyền sử dụng đất phải được thông qua cơ chế Nhà nước thu hồi đất quốc phòng và giao đất cho người khác sử dụng, phù hợp với quy định có thu tiền hoặc không thu tiền sử dụng đất.
Nguồn: http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-de-su-kien/20170707/dat-quoc-phong-ranh-gioi-nao/1343881.html
QUÂN ĐỘI LÀ KHU VỰC SẠCH NHẤT
BÙI QUANG VƠM/ BVN 12-7-2017
Trả lời phỏng vấn VTV ngày 10/07/2017, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: “Đúng là có một số khu đất được sử dụng không đúng mục đích, thì thời gian vừa qua quân đội đã kiểm tra và xử lý rất nghiêm, thời gian tới cũng sẽ xử lý mạnh mẽ, triệt để… Mục tiêu là không để cho những sai phạm xảy ra ở một nơi sạch nhất, đó là quân đội”.
Ở đây phải hiểu đúng điều vị Thứ trưởng muốn nói, một là ở cái nước này, đang không còn có chỗ nào sạch? Tất cả đều bẩn, chỉ còn quân đội, nơi cũng không sạch nhưng ít bẩn nhất. Đó có vẻ là một sự thật không?
Nhìn những hình ảnh mà người ta ghi lại được như những bức ảnh chụp đại tá Phùng Quang Hải với người đẹp, thấy rõ sự hợm hĩnh phè phỡn của những tên biển thủ tài sản quốc gia, lại ngang nhiên khoe của, khoe sự giàu sang của mình. Nhìn những hình ảnh này, người ta không thể tin rằng quân đội còn sạch, ít nhất thì cái tổng công ty 319 nhiều năm là công ty riêng của cha con ông Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh không thể là một nơi sạch và nhất là những người này không thể làm giàu vì lợi ích quốc phòng.
Nếu ngay cả chỗ mà ông Vịnh cho là sạch nhất, thực ra là ít bẩn nhất, cũng làm cho người ta kinh tởm, thì cái đất nước này, cái đất nước đã trở thành chỗ nào cũng bẩn sau 80 năm cầm quyền và sau 35 năm “sáng suốt đổi mới” của đảng cộng sản thì cái đảng này có đáng được đem ra cho lịch sử xử tội?
*
Về chuyện quân đội xây dựng khu kinh doanh trong lãnh thổ sân bay Tân Sơn Nhất, ông Vịnh nói: “Đây là dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng luật”, nên ông đòi “Khi ta làm dự án thì đúng luật thì khi thu hồi dự án cũng phải đúng luật”!
Phải hiểu ông định nói gì?
Ông nói việc xây dựng của Quân đội không sai, vì được cấp có thẩm quyền phê chuẩn và cấp phép. Thế tại sao bây giờ xuất hiện tranh cãi về việc phải ngừng xây dựng và trả lại đất cho sân bay? Cuối cùng Quốc hội đồng ý với quyết định của Thủ tướng ngưng xây dựng tại sân golf. Thế nghĩa là việc cấp phép của Thủ tướng trước đây là sai?
Nếu Thủ tướng Dũng ký duyệt quy hoạch cho phép Quân đội làm sân golf trong khu vực cận sân bay, là Thủ tướng không tính được nhu cầu phát triển chỉ trong khoảng thời gian 10 năm? Ai dám bỏ một khoản tiền khổng lồ chỉ để kinh doanh trong 10 năm? Ai đã lập ra dự án, các luận chứng kinh tế kỹ thuật nào đã tư vấn để Thủ tướng Dũng ký quyết định phê duyệt?
Như vậy có thể thấy, nếu phát sinh vấn đề chỉ sau vài năm thực hiện dự án, thì lỗi ở tầm nhìn của Thủ tướng và chính phủ? Có thể chỉ do trình độ “có hạn” hoặc lỗi ở các căn cứ kinh tế kỹ thuật, nghĩa là lỗi ở các cơ quan tham mưu. Trình độ của các cơ quan này yếu kém hay có lý do khác? Người ta vẫn biết các dự án được duyệt bằng rất nhiều tiền ứng trước của chủ đầu tư. Và dưới quyền ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có rất nhiều dự án gây thiệt hại cho đất nước nhưng được cấp phép “đúng luật” và đúng “quy trình”, nghĩa là có rất nhiều chủ đầu tư đã phải ứng trước rất nhiều tiền cho phê duyệt.
Nhưng ngay cả khi phía sau việc “đúng luật” này là thủ đoạn có mục đích tham nhũng của quân đội thì cái lỗi vẫn thuộc về người cấp phép, tức là người cấp cái quyền thực hành theo “đúng luật” cho quân đội. Ý ông Vịnh muốn nhắc đến trách nhiệm trực tiếp của ông Nguyễn Tấn Dũng?
Bây giờ, “khi thu hồi cũng phải đúng luật”, nghĩa là gì vậy?
Ông Vịnh muốn hạch vấn lại chính phủ? Chính phủ sai thì Chính phủ phải sửa sai? Luật ở chính phủ, nên cấp đúng luật mà thu hồi lại cũng sẽ đúng luật? Thế nghĩa là luật đểu?! Một tay chính phủ ra luật rồi hành luật. Luật là chữ ký của người có quyền. Cứ có chữ ký của Thủ tướng thì là đúng luật, bất kể vị Thủ tướng ấy có thể hoặc ngu dốt hoặc tham nhũng hoặc vừa tham nhũng vừa ngu dốt. Và bất cứ ai, bất cứ chỗ nào cũng phải tuân thủ luật pháp, dù chỉ toàn là luật “đểu”. Và đặc biệt khi cần, chẳng hạn như vụ Đồng Tâm, Nhà nước mượn danh “thượng tôn pháp luật” để dùng luật “đểu” trừng trị những người dân đen.
Ông Vịnh muốn nói rằng ở cái Nhà nước này, hai cái quyết định ngược nhau đều là “đúng luật”cả?!
Nhưng mà thu hồi như thế nào để là “đúng luật”?
Ông Vịnh nói là khi thu hồi phải: “Tính đến quyền lợi Nhà nước, quyền lợi của địa phương, lợi ích của quân đội và cả lợi ích chính đáng của doanh nghiệp”.
Ông ghép Nhà nước và địa phương vào, nhưng thực chất chỉ để nhấn mạnh “lợi ích quân đội và lợi ích ‘chính đáng’ của doanh nghiệp”. Vậy lợi ích của Quân đội là gì, và thế nào là lợi ích chính đáng của doanh nghiệp?
157 ha đất sân golf, 1.570.000 m2 đất với giá thị trường 10 triệu đ/m2 sẽ là một khoản vốn bằng 15.700 tỷ đồng, bằng 785 triệu USD, tiền này không phải của Quân đội, không phải là tiền vốn của doanh nghiệp. Bộ máy và lao động của doanh nghiệp là sĩ quan và lính nghĩa vụ, được ngân sách trả lương, thiết bị máy móc được ngân sách chi trả, v.v. nhưng khi đưa các tài sản quốc gia này vào kinh doanh thì đồng tiền sinh lời ra là tiền mà ông Vịnh cho là doanh nghiệp được quyền “chia chác” chính đáng?
“Chia” ở đây là chia cho cấp trên và chia cho nhau. Có hàng nghìn khoản chi không có sổ sách. Có hàng trăm khoản chia nhau chỉ để giấu lợi nhuận. Nhưng nếu có “chia” quá tay, thì lập tức thành “lỗ” và ngân sách phải bù, vì “ an ninh quốc phòng”.
Báo Quân đội ngày 6/07 đã tổ chức một cưộc toạ đàm chỉ ba ngày sau ý kiến của Thủ tướng về việc ngưng làm kinh tế của Quân đội. Toạ đàm viện dẫn lời của cựu bộ trưởng Phạm Văn Trà, cựu phó thủ tướng Vũ Khoan, Trung tướng Trần Đơn... bảo vệ quan điểm Quân đội tham gia làm kinh tế. Người ta có cảm giác Quân đội đang dàn binh chống lại chính phủ, chống lại cá nhân ông Nguyễn Xuân Phúc và những tướng tá vào hùa với Thủ tướng.
Thượng tướng Tham mưu trưởng Phan Văn Giang từ đầu không hề xuất hiện. Thượng tướng Lương Cường Chủ nhiệm Tổng cục chính trị cũng im tiếng. Thiếu tướng Phạm Xuân Huấn - Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân chủ trì cuộc toạ đàm, nhưng chắc sáng kiến không phải của ông này và cũng không do ông tự ý.
Nhưng những ý kiến gần nhất cho thấy mâu thuẫn đó có vẻ được dỡ bỏ. Không ai bác bỏ ý nghĩa có tính nguyên tắc về việc Quân đội tự đảm nhận các lĩnh vực kinh tế quốc phòng, nhưng cũng không ai chấp nhận Quân đội tham gia kinh doanh như một thành phần của nền kinh tế.
Chỉ bởi vì quân đội làm kinh tế nhằm mục đích tăng cường khả năng đảm bảo quốc phòng, không nhằm vào mục tiêu lợi nhuận. Như vậy, mọi hình thức kinh doanh không hướng tới mục tiêu quốc phòng đều phải dẹp bỏ bằng cách thoái vốn hoàn toàn. Các loại Giám đốc - Đại tá không được đào tạo quân sự và không đủ kiến thức sẽ không được phép mang quân hàm, bị buộc phải giải ngũ.
Gọi là cải thiện và nâng cao mức sống của binh lính và sĩ quan, nhưng chỉ với những đơn vị làm kinh tế, những đơn vị khác vẫn chỉ chờ đồng lương đói khát từ ngân sách, nhìn những đơn vị làm kinh tế với con mắt thèm khát, ganh ghét hằn học, và tìm mọi cách để cũng làm kinh tế.
Quân đội có 21 tập đoàn và tổng công ty làm kinh tế, nghĩa là có 21 đơn vị bao gồm 27 vị tướng tá phụ trách và vài trăm sĩ quan thuộc cấp, ngoài tiền lương như các đơn vị chuyên quân sự còn được hưởng các khoản thu nhập khác nhiều khi gấp hàng trăm lần tiền lương. Vì vậy có hiện tượng, tướng làm kinh tế giàu gấp nhiều so với các tướng làm quân sự. Những thu nhập bên ngoài thang bậc chính thống là nguồn gốc kích thích thèm khát hưởng thụ, một mặt tha hoá đạo đức sĩ quan, một mặt gây ganh ghét và chia rẽ trong lòng các tổ chức quân đội, làm mất sức chiến đấu, mất khả năng sẵn sàng và huỷ hoại đức hy sinh quên mình cần có của quân đội.
Tướng Vịnh nói thêm: “Quân đội chúng ta trước đây lúc nhiều nhất có 305 doanh nghiệp, vừa qua rút xuống còn 88. Trong đề án Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ, tới đây chỉ còn 17 doanh nghiệp”. Trong xu thế chung đến 2025 sẽ chỉ còn khoảng 110 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thì con số 17 doanh nghiệp quân đội cũng là hợp lý.
Nhưng việc dẹp được những tướng tá đại gia giàu có không hề dễ. Chẳng thế mà, thực chất ông Phùng Quang Thanh mất chức bộ trưởng quốc phòng từ tháng 6 năm 2015, nhưng mãi tới 24/11/2016, Bộ Quốc phòng mới ép được Phùng Quang Hải bàn giao chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị 319 cho người khác.
Để dẹp được 70 cái ổ tham nhũng còn lại vừa có tiền vừa có vũ khí, sẵn sàng thuê cả đàn côn đồ thí mạng, hoàn toàn không phải là chuyện dễ.
Đấy là chuyện của nơi sạch nhất của cả nước.
10/07/2017
B.Q.V.
THỦ TƯỚNG NÊN ĐỨNG RA PHÂN XỬ VỤ TRANH CHẤP Ở ĐỒNG TÂM
PHẠM VIẾT ĐÀO/BVN 14-7-2017
Vụ thanh tra đất ở Đồng Tâm đã công bố dự thảo kết luận thanh tra. Theo luật Thanh tra thì kết luận chính thức sẽ được công bố ngay sau đó vài tuần…
Theo người viết bài này, với chiều hướng kết luận của thanh tra đất như bản dự thảo vừa qua thì khó lòng đạt được sự đồng thuận giữa dân Đồng Tâm với chính quyền Hà Nội và Bộ Quốc phòng…
Mục tiêu của bất kỳ cuộc thanh tra nào cũng đều tìm các giải pháp thực tế, khách quan, công tâm, thấu lý đạt tình, “rút củi đáy nồi” để đạt được sự đồng thuận, để an dân… Mục tiêu của thanh tra không phải đẩy dân vào chân tường, biến dân thành đối thủ, đối địch; nhất là do xuất phát từ sự tranh chấp đất đai.
Cha ông từng đúc kết: “Hôn nhân, điền thổ vạn cổ chi thù”… Những tranh chấp đất đai nếu không được giải quyết khôn ngoan, thấu đáo, công tâm, tỉnh táo sẽ là mầm họa gây nên sự bất bình giữa dân chúng, chính quyền. Vì lý do đó, blogger Phạm Viết Đào đề nghị đích thân Thủ tướng nên vào cuộc vì mấy cơ sở pháp lý sau đây:
1/ Đất Đồng Tâm là đất do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thu hồi bằng Quyết định 113/TTg ngày 14/4/1980 để phục vụ mục đích xây dựng 1 sân bay quốc phòng; số đất quyết định thu hồi của dân Đồng Tâm và một số xã ở Chương Mỹ là 206 ha.
Sau khi làm xong thủ tục thu hồi đất, Bộ Quốc phòng chắc vì lý do khách quan nào đó nên đã không xây dựng sân bay, sau đó đã cắm mốc giới để đó coi là đất quốc phòng, coi như dự án thu đất xây sân bay quân sự phá sản.
Sau khi làm xong thủ tục thu hồi đất, Bộ Quốc phòng chắc vì lý do khách quan nào đó nên đã không xây dựng sân bay, sau đó đã cắm mốc giới để đó coi là đất quốc phòng, coi như dự án thu đất xây sân bay quân sự phá sản.
Số đất này được quy tụ gần bốn chục năm trời, trong khi đó sau năm 1980, chính phủ đã ban hành liên tiếp 2 nghị định đó là Nghị định số 09/CP ngày 12 tháng 02 năm 1996 về chế độ quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; Nghị định số 69/2000/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2000 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/CP ngày 12 tháng 02 năm 1996 về chế độ quản lý sử dụng đất quốc phòng, an ninh…
Cả 2 Nghị định này đều quy định Thủ tướng là người có quyền hạn thu hồi đất và cấp đất cho các dự án an ninh quốc phòng; Bộ Quốc phòng khi tiếp nhận đất quốc phòng phải sử dụng đúng mục đích, nếu không sử dụng hết thì phải báo cáo trả lại cho Thủ tướng.
Không rõ từ năm 1980 đến năm 2003 là giai đoạn đất quốc phòng được điều chỉnh bởi các quy định của 2 nghị định trên đã được Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng như thế nào và UBND thành phố Hà Nội quản lý ra sao? Có dấu hiệu đất bỏ hoang hóa, giao cho Lữ đoàn 28 quản lý sử dụng sai mục đích? Theo dự thảo kết luận là từ năm 1981-1989.
Không rõ từ năm 1980 đến năm 2003 là giai đoạn đất quốc phòng được điều chỉnh bởi các quy định của 2 nghị định trên đã được Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng như thế nào và UBND thành phố Hà Nội quản lý ra sao? Có dấu hiệu đất bỏ hoang hóa, giao cho Lữ đoàn 28 quản lý sử dụng sai mục đích? Theo dự thảo kết luận là từ năm 1981-1989.
2/ Điều 50 của Luật Đất đai 2013 quy định: Báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
“1. Trách nhiệm báo cáo hàng năm về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh đến Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm…”.
Như vậy, Luật Đất đai 2013 vẫn tiếp tục quy định Chính phủ và Quốc hội mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc quy hoach, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng.
Điều 59 của Luật Đất đai 2013 không giao quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyền hạn quy hoạch và sử dụng đất quốc phòng…
Điều 59 của Luật Đất đai 2013 không giao quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyền hạn quy hoạch và sử dụng đất quốc phòng…
Mọi diễn biến thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, thay đổi các chủ thể sử dụng đất quốc phòng phải được báo cáo cho Chính phủ và Quốc hội phê duyệt…
Sở dĩ xảy ra những lộn xộn vừa qua ở Đồng Tâm là do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Bộ Quốc phòng dự định cắt một phần đất của dự án sân bay Miếu Môn để giao cho Viettel, một doanh nghiệp kinh doanh truyền thông của Bộ Quốc phòng.
Nếu đúng như thông tin này thì đây là quyết định sử dụng đất sai mục đích của Bộ Quốc phòng, quyết định giao đất của CT UBNDTP Hà Nội vượt trái thẩm quyền vì: nếu Bộ Quốc phòng và UBND TP Hà Nội muốn chuyển đổi mục đích sử dụng, thay chủ thể nắm quyền sử dụng đất ở Miếu Môn thì phải báo cáo Thủ tướng, phê duyệt lại quy hoạch của khu đất của dự án xây sân bay Miếu Môn.
3/ Tại Đồng Tâm xảy ra việc tranh chấp đất đai: Quân đội và chính quyền thành phố cho rằng dân Đồng Tâm lấn chiếm đất quốc phòng; còn dân Đồng Tâm lại cho rằng: dân Đồng Tâm chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định Quyết định 113/TTg ngày 14/4/1980; chính quân đội lấn chiếm đất của dân.
Ông Bùi Văn Kỉnh, 62 tuổi phát biểu tại buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra 7/7 vừa qua: “Người dân chúng tôi bảo lưu quan điểm rằng: kết luận thanh tra nói không có đất đồng Sênh là không đúng, đây là đất cha ông chúng tôi để lại. Nhân dân chúng tôi đã gọi là đất cẩu Đồn, từ thời thực dân Pháp đóng quân. Trong quá trình đo đạc mới nhất là không chính xác. Dự thảo thanh tra có nói đơn người dân Đồng Tâm không chính xác về diện tích đất, nhưng chúng tôi khẳng định chân lý, duy nhất chỉ có quyết định 113/TTg thu hồi 47,36 ha đất Đồng Tâm, chúng tôi luôn tuân thủ không xâm chiếm. Đề nghị Quốc phòng phải tuân thủ, phải có cuộc đo đạc lại nghiêm túc khu đất cẩu Đồn và đất Đồng Sênh”. Ông Kỉnh đề nghị các cấp có thẩm quyền đo đạc tỉ mỉ cùng với sự chứng kiến của người dân cả khu đất cẩu Đồn và đất Đồng Sênh, trừ đi 47,36 ha đất sẽ ra bao nhiêu diện tích đất của người dân đang sử dụng. Nếu nói đất của nông trường chè Lương Mỹ nằm trên đất Đồng Tâm phải cung cấp được văn bản, số liệu chứng minh…” (Thanh Niên)
Đứng về lôgich hình thức, mặc dù người viết chưa từng đến Đồng Tâm, qua số liệu do đoàn thanh tra công bố thì rõ ràng quân đội đã lấn chiếm đất của dân chứ kết luận lấn chiếm đất quốc phòng là sai.
Quyết định 113 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ giao 206 ha, thế nhưng ông Nguyễn An Huy, Phó chánh thanh tra Hà Nội công bố sáng 7 tháng 7 cho biết: “Theo quyết định 113 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ, và tỉnh Hà Sơn Bình năm 1981, Hà Nội năm 2014, kết quả đo đạc kiểm tra mốc giới sân bay Miếu Môn ngày 21.6 thì từ năm 1981 đến nay, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn được giới hạn bởi các mốc giới bê tông cốt thép được cắm trên thực địa còn nguyên, là đất quốc phòng, do các đơn vị quốc phòng quản lý và sử dụng, có diện tích 236,9 ha, tăng 28,9 ha so với diện tích trong quyết định 113…”.
Sự việc rõ như ban ngày như vậy: Chính phủ chỉ ra quyết định thu hồi 206 ha, khu đất bây giờ do cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đo đạc lên tới 236,9 ha ? Đất đâu có khả năng đẻ ra đất?
Vậy thì quân đội không lấn của dân Đồng Tâm thì lấn của ai mà diện tích lên tới 236,9 ha? Nếu nói là lấn của Trung Quốc thì phải lên Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, ra Biển Đông… Ở Đồng Tâm số đất dôi ra chỉ có thể do đơn vị này đã lấn đất của dân…
Ông Bùi Văn Kỉnh đại diện cho dân cũng đã phát biểu một cách đúng mực, hiền hòa, nào có đòi hỏi kích động gì? Số liệu do Bộ Quốc phòng và Đoàn thanh tra nêu trong kết luận thanh tra chức có phải do dân Đồng Tâm tự đo đạc rồi hô lên rằng: Quân đội đã lấn của dân Đồng Tâm 28,9 ha đâu?
Ngay việc cầm nhầm, lấn quá 28,9 ha này đoàn thanh tra cũng đã kết luận là sai và yêu cầu Bộ Quốc phòng cho kiểm điểm do không báo cáo Thủ tướng điều chỉnh lại quyết định giao đất… mặc dù đã “cầm quá” 28,9 ha… gần 40 năm? Đây là một dạng “phạt cho tồn tại” của ngành thanh tra xây dựng…
Một trong 10 lời thề của quân nhân đó là “không lấy của dân”? Thế mà?
Nếu lấy mà để phục vụ cho xây dựng sân bay Miếu Môn, phục vụ mục đích quốc phòng thì dân Đồng Tâm cũng yên lòng; đằng này thu hồi đất xong, cắm mốc quay lại bỏ hoang đó, có thời còn phát canh thu tô, cho dân thuê canh tác nộp tô 100.000 đ/sào (theo thông tin báo chí đưa). Mãi tới 2012 mới thôi không phát canh thu tô nữa. Nghe mà ngậm ngùi cám cảnh cho dân Đồng Tâm.
Nếu lấy mà để phục vụ cho xây dựng sân bay Miếu Môn, phục vụ mục đích quốc phòng thì dân Đồng Tâm cũng yên lòng; đằng này thu hồi đất xong, cắm mốc quay lại bỏ hoang đó, có thời còn phát canh thu tô, cho dân thuê canh tác nộp tô 100.000 đ/sào (theo thông tin báo chí đưa). Mãi tới 2012 mới thôi không phát canh thu tô nữa. Nghe mà ngậm ngùi cám cảnh cho dân Đồng Tâm.
Kết luận của đoàn thanh tra nêu: số đất dôi ra 28,9 ha không không phải của dân Đồng Tâm mà của nông trường Lương Mỹ. Nếu như vậy thì vẫn là của dân ta chứ không phải của Trung Quốc, không phải của Mỹ???
Ông Bùi Văn Kình cho rằng “Đây là đất cha ông chúng tôi để lại. Nhân dân chúng tôi đã gọi là đất cẩu Đồn, từ thời thực dân Pháp đóng quân”; ”Nếu nói đất của nông trường chè Lương Mỹ nằm trên đất Đồng Tâm phải cung cấp được văn bản, số liệu chứng minh…”.
Theo người viết bài này, chính lãnh đạo Lữ đoàn 28 là những người biết phải trái, liêm sỉ nên khi kê khai để xin cấp sổ đó, họ chỉ dám kê khai đề nghị 208 ha đất. Họ không xưng xưng nhận vơ, nhận xằng cái phần lấn sang đất của dân và yêu cầu nhà nước công nhận. Thế mà Thanh tra Hà Nội nhân danh cơ quan chuyên môn chỉ tuân thủ pháp luật, lại không nhận ra đâu là phải trái, liêm sỉ, đúng sai quay sang quy chụp cho dân Đồng Tâm lấn chiếm đất quốc phòng? Lại cho hành động biết phải trái liêm sĩ của một số cán bộ ở Lữ đoàn 28 là sai?
4/ Phát biểu tại buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra khi trả lời câu hỏi đất quốc phòng là đất gì, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết ở cương vị và cấp của ông cũng chỉ biết đất quốc phòng là đất quốc phòng.
Ông Nguyễn Đức Chung có thể trả lời như vậy nhưng Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội không thể không biết mục đích sử dụng lâu dài của 238,9 ha đất thuộc diện bờ xôi ruộng mật ở Mỹ Đức, Chương Mỹ?
Với trách nhiệm là cấp ra quyết định cấp đất cho dự án quốc phòng, Thủ tướng cần vào cuộc với các hình thức sau:
- Yêu cầu Bộ Quốc phòng báo cáo quy hoạch sử dụng lô đất này vào mục đích phòng thủ, quốc phòng là mục đích gì?
Trước đây đã dự kiến định xây sân bay quân sự nhưng không khả thi nên thôi; Vậy thì bây giờ muốn quy hoạch lại Thủ tướng phải được biết và phải chịu trách nhiệm về quy hoạch và sử dụng đất ở Miếu Môn sao cho hợp lý, kinh tế và khoa học.
Nếu Bộ Quốc phòng không thuyết phục được chính phủ, không có dự án thật sự vì mục đích quốc phòng mà chỉ vì mục đích kinh doanh thì cái “nhãn mác” đất quốc phòng đã bị nhóm lợi ích nào đó lợi dụng… Do đó Thủ tướng nên thu hồi lại 236,9 ha này trả lại cho dân để hạn chế bớt các nhóm lợi ích ở Bộ Quốc phòng cứ thấy đất là mờ mắt, vác súng ống, ôm tiền lao vào thì chí nguy…
Với những bàn tay sắt như Giang Trạch Dân, Vương Kỳ Sơn, Tập Cận Bình mà còn gờm mấy ông tướng làm kinh tế của Trung Quốc nên đã phải hủy để ngăn chặn bớt nạn kiêu binh coi trời bằng vung, bất cố liêm sỉ…
Năm 2011, chính Bộ Quốc phòng đã từng có công văn đề nghị Chính phủ xây dựng sân golf tại khu đất định xây sân bay Miếu Môn:
“Bộ Xây dựng vừa gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ đề nghị làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng 176 ha đất quốc phòng thuộc Trường bắn Miếu Môn (Hà Nội) để xây dựng sân golf.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ ngành về việc Bộ Quốc phòng kiến nghị xây sân golf tại Trường bắn Miếu Môn.
Theo Bộ Xây dựng, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 cũng như quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó không có quy hoạch xây mới sân golf tại khu vực Miếu Môn…”
(Đất trường bắn được đề xuất chuyển thành sân golf http://vnexpress.net/…/dat-truong-ban-duoc-de-xuat-chuyen-t… -Thứ sáu, 11/11/2011 | 15:31 GMT+7)
Hy vọng Thủ tướng và Chính phủ tỉnh táo trong vụ đất Đồng Tâm, Chính phủ cần yêu cầu chính quyền Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Thanh tra Chính phủ có báo cáo, làm sáng tỏ các vấn đề liên quan tới đất đai ở Đồng Tâm trước khi Thanh tra Hà nội công bố kết luận chính thức…
Vụ Đồng Tâm tầm có mức nghiêm trọng và các hệ lụy xã hội lớn hơn nhiều vụ “Quán Xin chào” và nhiều vụ đích thân Thủ tướng đã vào cuộc… Nếu Thủ tướng không vào cuộc để “rút củi đáy nồi”, phân xử cái vụ tranh chấp ở Đồng Tâm do chính các đơn vị nhân danh lợi ích quốc phòng gây ra, biến thương trường thành chiến trường.
Vụ này nếu không giải quyết ổn thỏa, đúng pháp luật sẽ làm chính phủ mang tiếng không liêm chính, không kiến tạo, bị các nhóm lợi ích lôi kéo, phù phép…
Vụ này nếu không giải quyết ổn thỏa, đúng pháp luật sẽ làm chính phủ mang tiếng không liêm chính, không kiến tạo, bị các nhóm lợi ích lôi kéo, phù phép…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét