Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

20171231. 10 SỰ KIỆN KINH TẾ NỔI BẬT CỦA VIỆT NAM NĂM 2017

ĐIỂM BÁO MẠNG
10 SỰ KIỆN KINH TẾ NỔI BẬT CỦA VIỆT NAM NĂM 2017

VŨ PHƯƠNG/ GDVN 30-12-2017




(GDVN) - Năm 2017 đánh dấu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, ổn định. Nhiều chỉ số số kinh tế quan trọng đều tăng trưởng mạnh, lập kỷ lục.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu 10 sự kiện, vấn đề kinh tế nổi bật năm 2017: 
1. Việt Nam tổ chức thành công rực rỡ APEC 2017.
Hội nghị Cấp cao APEC, sự kiện quan trọng nhất trong tuần lễ cấp cao APEC, đã thành công tốt đẹp, với việc lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên nhất trí thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung.
Việt Nam đã thể hiện được quyết tâm cao trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng, toàn diện vào cộng đồng quốc tế, chứng tỏ bản thân là một thành viên tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm của APEC cũng như trên thế giới.
Những kết quả đạt được trong kỳ APEC 2017 không chỉ thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, mà còn cho thấy APEC vẫn tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, nơi khởi xướng và thúc đẩy hợp tác, kết nối cũng như hội tụ trí tuệ của khu vực và thế giới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chụp ảnh chung với Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và Phu nhân. Ảnh: apec2017.vn
2. Khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô thương hiệu Việt
Ngày 2/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát lệnh khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (TP Hải Phòng) do Tập đoàn Vingroup triển khai thực hiện.
Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô của Tập đoàn Vingroup được thực hiện theo tiêu chuẩn châu Âu và Hoa Kỳ, hứa hẹn mở ra tương lai mới cho ngành công nghiệp cơ giới tại Việt Nam.
Ngoài ra, dự án cũng mở ra cơ hội cho người tiêu dùng Việt sở hữu xe ô tô với giá cả hợp lý, thân thiện với môi trường mang thương hiệu Việt. Đồng thời, đưa Việt Nam vào danh sách các nhà sản xuất ô tô trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là một trong những sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 72 năm Quốc khánh.
Trong xu thế hội nhập quốc tế của đất nước, khi thu nhập bình quân của người dân tăng lên, nhu cầu sử dụng ô tô sẽ phổ biến. Theo xu hướng thế giới, những nước có trên 50 triệu dân thường có thương hiệu ô tô quốc gia.
Với tinh thần đó, Thủ tướng biểu dương dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đi theo sản xuất ô tô là hàng trăm nhà máy, xí nghiệp phụ trợ.
Dự án có thể giải quyết 20.000 lao động và trong tương lai không xa dự kiến sẽ đóng góp cho ngân sách Thành phố Hải Phòng bằng tổng mức thu nội địa hiện nay của thành phố.

Một mẫu xe của VINFAST được giới thiệu và lấy ý kiến tham khảo từ người tiêu dùng. Ảnh: Vinfast. 
3. Ban hành Nghị quyết xác định vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường.
Theo đó, Nghị quyết số 10 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 98 của Chính phủ đã thể hiện một quyết tâm chính trị mới của Đảng và Nhà nước nhằm tạo đà cho kinh tế tư nhân thật sự phát triển lành mạnh, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.
Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng.
Chính phủ yêu cầu tiếp tục, rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: THP. 
4. Thị trường Chứng khoán lập kỷ lục cao nhất trong 10 năm
Điểm nổi bật nhất Thị trường Chứng khoán Việt Nam 2017 chính là kỷ lục cao nhất 10 năm qua của chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 970 điểm (kết thúc phiên giao dịch 4/12/2017). Chỉ còn thấp hơn mức kỷ lục lịch sử 1.179 điểm thiết lập hồi năm 2007.
Năm qua cũng ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đã đưa cổ phiếu lên sàn khiến Thị trường Chứng khoán Việt Nam trở thành tâm điểm trên thị trường tài chính quốc tế.
Vốn hóa HOSE lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Nếu tính cả 2 sàn HNX và UPCOM thì quy mô vốn Thị trường Chứng khoán Việt Nam đã lên tới khoảng 135 tỷ Đô la Mỹ (tương đương 74,6% GDP), vượt chỉ tiêu đặt ra cho 2020...

Năm 2017, thị heo rớt giá thảm hại khiến nhiều người chăn nuôi, doanh nghiệp điêu đứng. Ảnh: Tuổi trẻ. 
5. Khủng hoảng thịt lợn người chăn nuôi thiệt hại nặng
Năm 2017, nhiều doanh nghiệp, người chăn nuôi lợn chìm trong khủng hoảng do cung vượt cầu, giá heo giảm mạnh và kéo dài trong nhiều ngày. Nguyên nhân được cho rằng thiếu định hướng, người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn, trong khi xuất sang Trung Quốc bị hạn chế.
Theo đó, từ đầu năm, khắp cả nước, giá thịt lợn đồng loạt giảm kỷ lục, nhiều người so sánh giá thịt lợn rẻ hơn khoai, lợn con thì cho không ai nuôi. Người chăn nuôi lợn điêu đứng, đối diện với nợ nần, nhiều doanh nghiệp trắng tay. Giá lợn xuất chuồng chạm đáy ở mức kỷ lục mà không ai nghĩ đến chỉ từ 15.000-17.000 đồng/kg. Cả xã hội lại phải lao vào “giải cứu” thịt lợn.
6.  Khaisilk bị vạch mặt “khăn ta lẫn khăn tàu”
Sự kiện Khaisilk làm ăn gian dối bị vạch mặt xuất phát từ một khách hàng đặt mua 60 chiếc khăn lụa tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã “tố” khăn lụa của thương hiệu này có hai mác “made in Việt Nam” và “Made in China” trên cùng 1 sản phẩm.
Doanh nhân Hoàng Khải (ông chủ của Khaisilk) lên tiếng thừa nhận đã cắt mác lụa Trung Quốc để hô biến thành “Khaisilk Made in Vietnam” trong nhiều năm qua. Còn kết quả kiểm tra giám định cho thấy khăn lụa của Khaisilk không có thành phần lụa.
Bộ Công Thương cho biết, căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
7.  Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát thấp, tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ, ngoại hối tăng cao kỷ lục
Năm 2017 tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Cả nền kinh tế chuyển biến tích cực trên cả góc độ tổng cung và tổng cầu, toàn diện ở cả 3 khu vực, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ-du lịch, với dẫn dắt quan trọng của công nghiệp chế biến chế tạo. Động lực tăng trưởng đồng đều ở cả đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2017 tỉnh hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng tốt. Việc ổn định tỷ giá đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế.
Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục lên đến 51,5 tỷ Đô la Mỹ (kể cả số tiền thu được từ bán vốn tại Sabeco). Năm nay là năm thứ 2 Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm kiểm soát chuỗi lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế sát với chỉ tiêu của Quốc hội.
Quy mô nền kinh tế năm 2017 đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.
Cùng với sự tăng trưởng ngoạn mục trên, lạm phát năm nay tăng thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12 chỉ tăng 0,21% so với tháng trước. CPI bình quân năm tăng 3,53% so với bình quân 2016.
Tính đến ngày 20/12/2017, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đạt mức kỷ lục là 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm ngoái.

Kim ngạch kuất khẩu năm 2017 đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua trên 213 tỷ Đô la Mỹ. Ảnh: NTNN. 
8. Xuất khẩu tăng mức kỷ lục
Năm 2017 ghi nhận một kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa cả 2 chiều xuất nhập khẩu ước tính đạt gần 425 tỷ Đô la Mỹ. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 ước tính đạt 213,77 tỷ Đô la Mỹ (tăng 21,1% so với năm ngoái), đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.
Đặc biệt xuất khẩu thủy sản và rau, củ, quả đạt mức ấn tượng trên 41%. Xuất khẩu nông sản cũng tăng kỷ lục. Ước tính hết tháng 11/2017, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 33,14 tỷ Đô la Mỹ, tăng tới 13,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,97 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành rau củ quả của Việt Nam đã xuất khẩu vượt lúa gạo, vượt cả dầu khí, đạt 3,5 tỷ Đô la Mỹ.
9. Vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng mức kỷ lục
Năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới tại Việt Nam tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta là 35,88 tỉ Đô la Mỹ (tăng 44,4% so với năm 2016).
Số vốn này đã tăng gần gấp đôi so với 4 năm trước (năm 2014 đạt 20 tỷ Đô la Mỹ). Không những đạt kỷ lục về vốn thu hút, số vốn FDI cũng cao nhất từ trước tới nay với con số 17,5 tỷ Đô la Mỹ.
Theo đó, hàng loạt dự án ngành sản xuất phân phối điện, công nghiệp chế biến chế tạo hút dòng vốn FDI tỷ Đô la Mỹ về Việt Nam như dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) vốn đầu tư 2,79 tỷ Đô la Mỹ; dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Khánh Hòa) vốn đầu tư 2,58 tỷ Đô la Mỹ…
Quốc hội đã bấm nút trao cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá, phát triển. Ảnh: Quốc hội
10. Trao cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh
Với 93,69% ĐB đồng ý, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện 4 nhóm cơ chế đặc thù để tạo động lực bứt phá.
Quyết định của Quốc hội “cởi trói” cho thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố mang tên Bác phát huy được mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mà còn là cơ hội lớn để Thành phố Hồ Chí Minh tiến về phía trước, với một tốc độ phát triển nhanh, bền vững và mạnh mẽ hơn.
Vũ Phương
VŨ NHÔM TIẾT LỘ BÍ MẬT QUỐC GIA ĐẠI SỰ GÌ MÀ PHẢI TRUY NÃ ?  
Red VN/ BVB 29-12-2017


Phan Văn Anh Vũ biệt danh Vũ nhôm được biết đến với hàng loạt sai phạm như thao túng chính quyền Đà Nẵng, dựa vào mối quan hệ thân hữu mà y có được nhiều nhà công sản không qua đấu giá và hàng loạt dự án, nhằm mua đi bán lại để kiếm chênh lệch. Vũ hoàn toàn không có những dự án bất động sản, đi cướp đất của nông dân nghèo, khiến họ phải đi khiếu kiện như Quyết còi FLC. Thế nhưng khi sai phạm của vị đại gia này bị phanh phui, thì y bị truy nã với tội danh cố ý làm lộ bí mật nhà nước, không liên quan gì với những gì y đã làm và được báo chí phanh phui. Như vậy, xin hỏi một danh nhân bình thường thì nắm được bí mật gì của nhà nước? Liệu đây có phải là đòn trả thù của những kẻ bị Vũ làm “bẽ mặt” chăng?

Khi cơ quan An ninh điều tra-Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với Vũ “nhôm” với tội danh cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 263 BLHS. Khiến nhiều người bất ngờ, vì trước đó hàng loạt tờ báo tập trung nói về những dự án bất động sản và nhà công sản mà Vũ có dính líu.
Phát lệnh truy nã Vũ nhôm vì tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Tờ Dân trí ra ngày 22/12/2017 có bài: “Điểm mặt những dự án, nhà công sản đang bị điều tra ở Đà Nẵng”. Sau đó hàng loạt tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên…đồng loạt viết bài phanh phui sai phạm.
Theo đó, 9 dự án và 31 nhà, đất của Vũ “nhôm” đều nằm ở những vị trí đắc địa của Đà Nẵng. Và chúng được chuyển nhượng trải qua một thời gian dài gần 20 năm, và qua 5 đời chủ tịch TP Đà Nẵng. Trong đó, nhà 11 Phạm Hồng Thái được bán vào năm 2001 khi ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch. Còn lại 30/31 căn nhà trong số trên được chuyển nhượng từ năm 2004 đến nay. Những dự án trên đều bị kết tội là “Mua bán, chuyển nhượng không qua đấu giá”.
Không chỉ thế báo chí còn kết tội Vũ “nhôm” tự tung tự tác, lộng hành và khuynh đảo cả lãnh đạo Tp. Đà Nẵng. Khi thực hiện việc thao túng thị trường BĐS Đà Nẵng, những ai dám động đến y đều bị trả đũa bằng những thủ đoạn hèn hạ nhất. Điều đẩy đưa Vũ đến tình cảnh hôm nay có lẽ là, khi không được lãnh đạo UBND TP phê duyệt dự án tại khu đất Cục Hải Quan TP. Đà Nẵng số 252 Bạch Đằng. Vũ “nhôm” đã chỉ mặt và hăm dọa Chủ tịch UBND TP sẽ bứng luôn ghế.
Ngay sau đó, dư luận bất ngờ với bảng kê khai tài sản của ông Thơ được trườn lên khắp các mặt báo. Tài sản nhiều vô số nào là đất ở thành phố, đất nuôi tôm, trồng rừng, đất ven biển khu sinh thái rồi đầu tư vào 5 công ty “sân sau” hàng trăm tỷ đồng.
Điển hình là công ty thép Dana Ý, gây sự cố môi trường ô nhiễm, người dân xung quanh phản đối đòi di dời nhà máy đi chỗ khác, thì ngay lập tức Chủ tịch Thơ cho giải toả ngay người dân.
Chưa hết, hàng loạt sai phạm từ các công ty này cũng được báo chí mổ xẻ. Điển hình là công ty thép Dana Ý (ông Huỳnh Đức Thơ có cổ phần lên tới 500 tỷ đồng), gây sự cố môi trường ô nhiễm, người dân xung quanh phản đối đòi di dời nhà máy đi chỗ khác, thì ngay lập tức Chủ tịch Thơ cho giải toả ngay người dân. Cũng liên quan đến vụ thi công trái phép 40 móng biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp tại bán đảo Sơn Trà, bởi khi xây dựng dự án nơi đây sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống của các loài động vật quý hiếm và làm lộ bí mật quốc phòng (ở nơi đây chúng ta thể đếm từng chiếc tàu ở Vùng 3 Hải quân). Thế nhưng ông Thơ lại “giơ cao đánh khẽ” không hề xử lý mà còn khuyến khích “Bây giờ sai thì đình chỉ, xử phạt theo đúng quy định. Đồng thời xem xét để chủ đầu tư bổ sung đầy đủ giấy tờ, cho phép chủ đầu tư tiếp tục thi công”. Bởi dự án này do em vợ của ông làm chủ đầu tư.
Có lẽ Vũ đã hành xử quá lố khi vuốt phải râu hùm, việc làm của Vũ khiến y không còn đường thoái lui.
Theo nguồn tin đáng tin cậy, ông Thơ thuê hẳn một nhà báo bên tờ Tạp Chí Giao Thông Vận Tải có tên là Dương Hằng Nga viết bài tấn công nhôm. Những bài viết này, đơn thuần soi vào những cái gọi là sai phạm kinh tế. Điều khiến dư luận càng tin rằng đây là đòn trả thù, khi mà Tạp Chí Giao Thông chuyên viết về mảng giao thông, kể cả những tiêu cực tờ báo này đề cập từ trước đến nay đều xoay quanh nội dung liên quan đến ngành Giao Thông Vận Tải. Nhưng nay BBT lại cho đăng tải những bài báo của Nga, đi ngược lại với tôn chỉ.

Vũ Nhôm và nhà báo Dương Hằng Nga - Thân mật thế nhỉ?
Thế là nhôm đã bị “sờ gáy” liệu những bài viết chỉ là cái cớ để bắt nhôm? Bởi những bài báo của Nga phanh phui về sai phạm kinh tế thì làm gì có sức mạnh khiến nhôm phải thanh bại danh liệt, nếu không có bàn tay ma thuật của ông Thơ? Nhiều đại gai như Trịnh Văn Quyết, Lê Thanh Thản, Nguyễn Thị Nga…cũng bị báo chí lề trái, lề phải vạch trần sai phạm, thế nhưng đến nay họ vẫn bình an đấy thôi.
Bàn về cái tội mua bán bất động sản không qua đấu giá của nhôm đây là tội về lĩnh vực kinh tế, người cần phải xử lý là trước tiên là các cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là các đời chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chứ người mua là Vũ “nhôm” thì làm sao có tội? Tội của ý là lộng quyền khi có mối quan hệ thân hữu với một số lãnh đạo TP, thao túng cả thị trường bất động sản Đà Nẵng. Như vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi, một danh nhân như Vũ “nhôm”, chỉ kinh doanh bất động sản, thì làm sao lại biết được bí mật nhà nước mà làm lộ?
Chưa hết ngoài ông Thơ, ngày tân Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng liên tục gây sức ép để bắt nhôm. Tại buổi gặp mặt các cán bộ quân đội cấp tướng nghỉ hưu trên địa bàn nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập QĐND VN, diễn ra vào ngày 20/12/2017, ông Nghĩa đã tiết lộ một thông tin rất quan trọng, “Quân đội vừa xử lý, bắt Út ‘trọc’ rồi. Công an hiện cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi về Vũ “nhôm”…. Lời nói của ông Nghĩa ám chỉ điều gì? Phải chăng ông Nghĩa đang cùng hội cùng thuyền với ông Thơ?
Tình cảnh của Vũ nhôm hôm nay có phải là do bàn tay ông Thơ đạo diễn, hay còn thế lực nào đứng sau? Chuyện đại gia làm ăn kiếm lời từ chênh lệch giá là lẽ đương nhiên, nên khi bắt nhôm vì mục đích trả thù riêng thì người ta quy cho y cái tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”? Và bí mật ở đây là “khối tài sản khổng lồ của Chủ tịch TP.Đà Nẵng” chăng? Thiết nghĩ tài sản của quan chức phải công bố với dân, sao gọi là bí mật nhà nước.
(Red VN)
NHỮNG BẤT THƯỜNG VÀ KHÁC LẠ TRONG CHUYÊN ÁN VŨ NHÔM ?
NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVN 30-12-2017
Ngay sau khi ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và khai trừ khỏi Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN (đầu tháng 10/2017), người dân và công luận toàn quốc mới giật mình nhận thấy tình trạng mâu thuẫn, đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo chóp bu thành phố Đà Nẵng là rất nghiêm trọng và đang bước vào đỉnh điểm! Lúc này, lại phát lộ thêm thông tin: Một doanh nhân có tên Phan Văn Anh Vũ, sinh năm 1975 (biệt danh “Vũ nhôm”), chủ của nhiều Công ty BĐS và Xây dựng, là “sân sau” của Thành ủy Đà Nẵng từ một thập kỷ rưỡi qua (từ thời ông Nguyễn Bá Thanh), đã khuynh đảo không chỉ thị trường địa ốc mà còn thao túng cả hệ thống chính trị của thành phố đáng sống này! 
Dư luận còn đồn thổi “Vũ nhôm” là một sỹ quan an ninh có cấp hàm Thượng tá, thậm chí có nguồn còn chỉ rõ “Vũ nhôm” chính là người của Tổng cục V (Tổng cục Tình báo – BCA) với bí số AV.75! Không rõ sự việc này hư thực ra sao, độ tin cậy ở mức độ nào, nhưng những thông tin như vậy sẽ không có lợi, làm cho người dân bán tín bán nghi vào thể chế chính trị nhà nước ta!
Sau khi ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tiết lộ một nửa sự thật về chuyện trên, công luận lại càng thêm ngỡ ngàng! Tại buổi gặp mặt các sỹ quan quân đội cấp tướng nghỉ hưu nhân 73 năm ngày thành lập QĐNDVN chiều hôm 20/12/2017, Bí thư Thành ủy Đà Năng khẳng định Bộ Công an đang vào cuộc vụ lùm xùm này và tiết lộ “Vũ nhôm” là một Thượng tá Công an! Ông Nghĩa nói, xin trích nguyên văn: “Ở Đà Nẵng có “Vũ nhôm”. Ngoài Bắc có “Út trọc”. Cũng Thượng tá cả! Với quan điểm người của ai, đơn vị đó phải làm, phải xử lý. Quân đội vừa rồi đã xử lý, bắt “Út trọc” rồi. Công an hiện nay cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi đó”! Như vậy, ông Nghĩa vô tình hay hữu ý đã khẳng định “Út trọc” là Thượng tá Quân đội, và “Vũ nhôm” là Thượng tá Công an!
Trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc pháp lý “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, người viết bài này không khẳng định “Vũ nhôm” là ai, có phạm tội hay không, nếu có thì phạm vào tội danh gì? Đây là công việc của các cơ quan tư pháp thực thi tố tụng (Điều tra, Kiểm sát và Tòa án). Chỉ sau khi CQĐT ra bản kết luận điều tra, Viện Kiểm sát ra cáo trạng kết tội, và cuối cùng là Tòa án đưa ra xét xử và nghị án bằng một phán quyết có hiệu lực pháp lý của một phiên tòa xét xử công khai hợp pháp, lúc đó mới có thể khẳng định “Vũ nhôm” là ai, có tội hay không, nếu có thì phạm vào tội danh gì?
Vụ án “Vũ nhôm” này có vẻ là một mắt xích quan trọng trong chiến dịch “Đốt Lò” mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã phát động, nhưng việc “đánh án” của CQĐT trong chuyên án này quả là có nhiều chuyện khá bất thường và khác lạ! Thông thường, khâu kết thúc các chuyên án quan trọng, CQĐT tiến hành và thực hiện đồng bộ cùng một lúc các bước sau: Thực hiện lệnh bắt tạm giam, công bố quyết định khởi tố bị can, ngay sau đó dẫn giải bị can về nơi làm việc và nhà riêng để thực hiện lệnh khám xét, thu giữ chứng cứ và tịch thu tang vật!
Nhưng trong chuyên án “Vũ nhôm”, các bước trên có vẻ như được tiến hành theo một quy trình ngược lại! Tối 21/12/2017, Cơ quan An ninh Điều tra-BCA phối hợp với Công an Tp. Đà Nẵng tiến hành khám xét nhà riêng “Vũ nhôm” tại 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng. Cuộc khám xét này diễn ra trên 3 tiếng đồng hồ, sau đấy CQĐT không cung cấp thông tin, chỉ xác định “Vũ nhôm” không có mặt tại nơi cư trú! Sáng hôm sau, 22/12/2017, CQĐT mới công bố quyết định khởi tố bị can, đồng thời phát lệnh truy nã toàn quốc đối với “Vũ nhôm”! Như vậy bị can đã kịp thời chạy trốn! Không chỉ “Vũ nhôm” mà cả vợ con y cũng cao chạy xa bay! Được biết, trong quyết định khởi tố bị can, “Vũ nhôm” bị CQĐT khởi tố về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 Bộ Luật Hình sự”. Điều này không khỏi làm công luận thắc mắc, vì sao doanh nhân, một đại gia BĐS lại bị khởi tố về tội danh này? Ngay cả ông Huỳnh Đức Thơ, người không xa lạ gì với bị can, hiện vẫn đang còn là Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, cũng bức xúc và thắc mắc, ông ta cho là “Vũ nhôm” phạm nhiều tội, nhưng không hiểu sao Cơ quan An ninh Điều tra chỉ khởi tố tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”?!
Do vậy, vụ án này sẽ trở nên phức tạp, chắc chắn sẽ còn phát lộ nhiều tình tiết mới. Không một ai, kể cả CQĐT lúc này lại có thể dự đoán và khẳng định vụ án sẽ diễn tiến ra sao và sẽ có kết cục như thế nào! Có lẽ chỉ sau khi tóm được “Vũ nhôm” thì mới có thể giải đáp được bí mật nhà nước bị mua-bán, cung cấp, chiếm đoạt hay cố tình làm lộ ra sao; và từ nguồn nào mà bị can lại sở hữu được những tài liệu bí mật nhà nước? Người viết bài này cho rằng hệ lụy của vụ án này sẽ không dừng lại ở đây, sẽ còn phát lộ nhiều tình tiết mới, và nó sẽ dẫn tới vụ việc mới, và có thể cả con người mới nữa!
Nếu những ai xem hình ảnh ghi lại thời điểm khám xét nhà riêng ông Phan Văn Anh Vũ chiều tối 21/12/2017 (tất nhiên chỉ là hình ảnh bên ngoài trước cửa ngôi nhà này), đều có cảm giác cơ quan chức năng hình như cố ý để người dân biết là đang có cuộc khám xét bên trong ngôi nhà số 82 Trần Quốc Toản, vì ngay từ chiều đã có 2,3 xe biển xanh 80 đỗ chềnh ềnh ngay trước mặt tiền ngôi nhà này! Ngoài ra có khá đông các phóng viên và nhà báo hình như đã biết trước nên họ có mặt khá đông để tác nghiệp, đưa tin việc khám xét đang diễn ra bên trong ngôi nhà số 82 là tư dinh của bị can có biệt danh là “Vũ nhôm” nổi tiếng kia!
Chắc chắn vụ án “Vũ nhôm” sẽ phát sinh nhiều diễn biến và tình tiết mới, giật gân hơn. Không loại trừ vụ án này sẽ “đẻ” thêm các vụ án mới cùng các bị can mới! Đây là điều ít người mong muốn, song nhiều khả năng sẽ xảy ra! Người viết bài này vừa nhận được một tin liên quan khá giật gân, nhưng chưa kịp kiểm chứng nên không dám tiết lộ! Người viết rất hy vọng những bất thường và khác lạ trong vụ án “Vũ nhôm” như đã nói ở trên sẽ sớm được làm sáng tỏ để khép lại một năm đầy biến động trong cuộc chiến chống giặc nội xâm của nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước. Xin cầu chúc cuộc chiến này chóng thành công!
      Hà Nội, ngày 29/12/2017.
NĐQ (Tác giả gửi BVB)

PHẢI TÌM RA NGƯỜI 'CHỐNG LƯNG' CHO ÔNG PHAN ANH VŨ

DU THIÊN/ GDVN 30-12-2017
Ông Phan Văn Anh Vũ (biệt danh Vũ “nhôm”) được biết đến là "ông trùm" bất động sản ở Đà Nẵng.
Hiện Bộ Công an đang điều tra, làm rõ những vi phạm của ông Vũ trong việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản.
Cơ quan này cũng vừa ra quyết định truy nã đối với ông Vũ về hành vi "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".
Vậy, ai giúp sức, "chống lưng" cho ông Phan Văn Anh Vũ trước những vi phạm nói trên? 


Bộ Công an khám xét nhà Vũ nhôm tại số 82 Trần Quốc Toản (Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: An Nguyên /giaoduc.net.vn 
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 25/11, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I (Ủy ban kiểm tra Trung ương) cho rằng cần làm sáng tỏ người "chống lưng" cho ông Vũ trong việc thao túng nhiều bất động sản tại những vị trí đắc địa ở thành phố Đà Nẵng, thu lợi lớn.

“Nhiều năm liền, những vi phạm của ông Vũ "nhôm" vẫn tồn tại cho đến nay, thì nó phải cần một thế lực rất mạnh “chống lưng”.
Người ta hay gọi là nhóm lợi ích, tác động vào việc điều hành và quản lý nhà nước.
Đó là những dấu hiệu cho thấy sự cấu kết giữa doanh nghiệp và một số cán bộ lãnh đạo để làm lợi không trong sáng.
Và nếu không có "chống lưng" thì làm sao trong một thời gian ngắn ông Vũ có thể thâu tóm được nhiều dự án bất động sản có dấu hiệu mập mờ như vậy?”, ông Sửu đặt nghi vấn.
"Doanh nghiệp và người có quyền lực kết hợp với nhau, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận các dự án của nhà nước đồng thời có thể tác động đến quá trình ban hành chính sách, quyết định.
Những quyết định dựa trên mối quan hệ thân hữu, không có sự cạnh tranh, không công khai, minh bạch trong làm ăn kinh tế đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn không chân chính có đất sống, thao túng nên kinh tế, thị trường.
Trong khi đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ thì chịu nhiều thiệt thòi", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phát biểu trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 9/1/2017...
Ông Sửu đồng tình quan điểm cho rằng, những vi phạm của ông Vũ “nhôm” có liên quan và trách nhiệm của lãnh đạo Đà Nẵng thời kỳ trước cũng như đương nhiệm.
“Không thể nói chính quyền không biết những việc ông Vũ “nhôm” đã làm.
Có thể họ đã "lờ" đi những vi phạm của ông Vũ vì bị chi phối bởi lợi ích kinh tế. 
Tôi nghĩ trong những vi phạm về kinh tế của ông Vũ có khi còn liên quan tới cả lãnh đạo cấp cao chứ chả phải riêng Đà Nẵng đâu”, ông Sửu nhận định.
Từ những phân tích trên, ông Sửu đưa ra cảnh báo hiện tượng nhóm lợi ích (sự cấu kết của một số cán bộ có chức quyền và doanh nghiệp) thao túng nền kinh tế.
“Nếu doanh nghiệp có tham vọng về kinh tế, thì họ sẽ tìm cách thao túng, lôi kéo, thậm chí chỉ huy một số cán bộ có quyền, tham gia vào những thương vụ làm ăn mập mờ
Họ dùng cách biếu xén, quà cáp, làm một số cán bộ bị cám dỗ về mặt vật chất, để rồi “há miệng mắc quai".
Còn nếu là lãnh đạo liêm chính, thì người ta sẽ không nhận quà biếu của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm những chuyện mập mờ như thế”, ông Sửu nêu quan điểm.
Ông Ngô Văn Sửu cũng cho rằng, bắt được ông Vũ "nhôm" là mắt xích rất quan trọng trong việc tìm ra người “chống lưng” cho những vi phạm của đối tượng đang bị truy nã.
"Ông Vũ khó có thể thoát nếu không có sự “giúp sức” của người khác. 
Hay nói cách khác, nếu không có tin báo thì làm sao ông ta có thể bỏ trốn nhanh như vậy được? Việc này cần phải làm rõ", ông Sửu đặt nghi vấn.
Từ những phân tích trên, ông Sửu đánh giá: “Vụ việc liên quan tới ông Phan Văn Anh Vũ là vụ án lớn, có yếu tố kinh tế xen lẫn chính trị, xã hội”.
DU THIÊN


LÀM SAO CHỐNG THAM NHŨNG TRONG CƠ CHẾ ĐẺ RA THAM NHŨNG ?
BÙI TÍN/ VOA/ BVB 29-12-2017
Nhớ lại lời khuyên chân thành của ông Lý Quang Diệu, rằng muốn chống tham nhũng 
trước hết phải có luật nghiêm, công bằng, bình đẳng.
Cuối 2017, đầu 2018, công cuộc chống tham nhũng lại nổi lên, sôi nổi, ly kỳ. Đinh La thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ nhôm, Phan Đình Đức, Út Trọc Đinh Ngọc Hệ… kẻ sa lưới, người bỏ trốn, đầy kịch tính.
Sau một thời gian lình xình, như đánh trống bỏ dùi, gần như nguội lạnh, Tổng chỉ huy chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng lại lên gân, vung tay bảo kiếm, đề ra hành động « cho tất cả củi khô lẫn củi tươi vào lò đã nóng cho thiêu cháy hết », với phương châm "tích cực, khẩn trương, triệt để, theo đúng pháp luật ".
Hơn 20 vụ đại án tham nhũng được nêu lên, hơn 30 nhân vật cao cấp bị khởi tố, tạm giam chờ ngày ra trước vành móng ngựa. Án tử hình được tuyên bố và dự kiến, án tù 20 năm, 10 năm đã được kết luận và dự trù cho không ít trường hợp.
Có nhà bình luận trong ngoài nước so sánh phen này ông Tổng Trọng cùng trưởng Ban Kiểm Tra Trần Quốc Vượng sẽ ra tay, như cặp Tập Cận Bình – Vương Kỳ Sơn đã trừng trị hơn 1 triệu tội phạm, trong đó có hàng trăm cán bộ cấp cao, tướng lĩnh, ủy viên Ban chấp hành TƯ, Ủy viên Bộ Chính trị và cả Ủy viên thường vụ bộ Chính trị xưa nay bất khả xâm phạm.
Thế nhưng ở trong đảng Cộng Sản và ngoài xã hội, có một luồng dư luận ngày càng lan rộng, ăn sâu khi tổng kết 2 năm chỉnh đốn đảng do ông Trọng khởi xướng, rằng « đảng càng chỉnh đốn lại càng đổ đốn, tha hóa hơn, tham nhũng ngày càng phổ biến rộng hơn, nặng nề hơn, phức tạp hơn ».
Đó là vì cái cơ chế hiện nay không những hoàn toàn bất lực chống giặc nội xâm rất ngoan cố này, mà trái lại chính cái cơ chế độc đảng, không phân chia 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau, không có tự do ngôn luận của công dân và báo chí tư nhân thì chống tham nhũng chỉ là hình thức vô hiệu, như phủi bụi, càng chống càng sinh sôi nảy nở thêm.
Chính cái cơ chế độc đoán, đạo đức giả đã tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển, không tạo nên sức răn đe đủ mức, dưới nhìn lên trên, noi gương trên, cho rằng không tham nhũng là dại, tham gia phe nhóm để ăn chia, bảo vệ che chở cho nhau, làm cho tham nhũng như bệnh dịch không có thuốc chữa, lan tràn tàn phá ngân sách, tàn phá lối sống buông thả, ăn chơi, hưởng lạc, đua nhau có « bồ nhí », có biệt thự, biệt phủ hàng vài tỷ đồng.
Nhớ lại lời khuyên chân thành của ông Lý Quang Diệu, rằng muốn chống tham nhũng trước hết phải có luật nghiêm, công bằng, bình đẳng, một Nhà nước pháp quyền, nền tư pháp độc lập, hệ thống tòa án công khai minh bạch, lại cần một dư luận xã hội mọi người coi khinh, chê trách, coi bọn tham nhũng là kẻ cướp bóc tài sản xã hội, đáng khinh, đáng nghiêm trị, để cho mọi công dân, nhất là cán bộ viên chức phải sợ bị trị tội, vào tù, phải biết sợ bị nhục, bị xã hội lên án coi khinh, để không dám, không nỡ tham lam 1 đồng bạc của công, của người khác.
Chính cái cơ chế không giống ai, 1 đảng ôm đồm cả 3 mảng quyền lực, vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa làm luật, vừa lãnh đạo, vừa quản lý lại vừa xử án mà ông Trọng một mực kiên trì giữ vững, một cơ chế lạc thời đại, mang tính mác-xít giáo điều mù quáng, bảo thủ cực đoan, không có sức răn đe, khuyên giải ngăn chặn, cảnh báo những kẻ có lòng tham vô độ.
Đây là một điều phi lý, phi pháp thành cố tật, kéo dài thành một nếp cai trị lạc hậu, hủ lậu, bị cả thế giới tiến bộ chê trách mà vẫn trơ trơ cho là lẽ phải, chân lý, mẫu mực! Một tư lệnh chống tham nhũng được suy tôn là rất kiên quyết, triệt để, nghiêm minh, nói là làm, sẽ làm đến cùng… nhưng thật ra lại kiên định duy trì một cơ chế hủ bại đẻ ra tham nhũng, khuyến khích tham nhũng lan tràn ở mọi cấp, càng ở cấp trên càng nghiêm trọng, làm thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng, khi xét xử không thu hồi nổi vài phần trăm .
Dù cho có tử hình Trịnh Xuân Thanh, có tuyên án 20 năm tù Đinh La Thăng, có xử tội cả hơn 40 kẻ liên quan các vụ án này mà không thay đổi cơ chế như đông đảo cán bộ, đảng viên và toàn dân đòi hỏi thì rồi sẽ có hàng chục, hàng trăm ngàn Thăng và Thanh mới xuất hiện, tài sản đất nước sẽ còn bị thất thoát như trong thùng không đáy.
Và cuối cùng, trước thế giới và trước toàn xã hội, ngài Tư lệnh chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng hiện nguyên hình là kẻ tòng phạm nguy hiểm nhất, khi kiên trì một mô hình cai trị cực kỳ lỗi thời, một mô hình đang thai nghén và đẻ ra lúc nhức vô vàn con sâu tham nhũng mới.
Đây chính là một điều trái khoáy, một trò cười ra nước mắt, một bi kịch xã hội đau đớn nhất, kéo dài mãi mà người dân Việt hết chịu nổi.
Cả Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ, các đại biểu Quốc hội, các nhà lý luận của Học viện Chính trị vừa họp tổng kết cuối năm có dám mở mắt nhận ra bi kịch quốc gia và đại bi kịch của đảng Cộng Sản này hay không?
Bùi Tín/(Blog VOA)

CUỘC CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG CỦA VIỆT NAM SẼ ĐI TỚI 'GIÁM SÁT TỪ XA'?
 
ANH VĂN/ VNTB/ BVN 31-12-2017

Việt Nam đang học tập theo Trung Quốc trong cuộc chiến củng cố quyền lực Đảng, từ việc tiến hành chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” cho đến nhấn mạnh xây dựng một quốc gia “tinh gọn, hiện đại”.
Do đó, có thể nhìn thấy tương lai Việt Nam qua Trung Quốc hiện tại.
Một trong những vấn đề mà cả hai nước đang gặp phải là cuộc chiến chống tham nhũng, và làm sao để hạn chế thấp nhất sự tẩu tán tài sản cũng như nhân thân ra nước ngoài.
Mới đây nhất, Trung Quốc đã tìm ra phương hướng mới khi tiến hành xây dựng một dự án luật mang tên Luật giám sát.
Luật giám sát có gì đặc biệt?
Luật giám sát gồm 10 chương, trong đó tại Điều 2 (Chương I) ghi nhận, Luật này là nhằm “củng cố sự lãnh đạo của ĐCSTQ trong việc giám sát, xây dựng một hệ thống giám sát mang đặc điểm TQ; một hệ thống chống tham nhũng tập trung, thống nhất, có thẩm quyền và hiệu quả; tăng cường sự kiểm soát của Đảng và Nhà nước.
Tại Điều 4 (Chương I), giám sát nhà nước thực hiện dựa trên Hiến pháp và Pháp luật; duy trì một lập trường cứng rắn để không ai dám tham nhũng.
Về cơ cấu thì tại Chương II quy định, thành lập Ủy ban giám sát - và đây sẽ là cơ quan cao giám sát cao nhất của hệ thống chính trị Trung Quốc, và được thành lập ở các tỉnh, thành phố, khu tự trị. Ủy ban này sẽ do Quốc hội Trung Quốc ban hành và giám sát hoạt động. Cơ cấu nhân sự được bổ nhiệm và bãi nhiệm bởi Ủy ban thường vụ Quốc hội TQ.

clip_image002
Một quan tham Trung Quốc bị dẫn giải từ Canada về nước trong chiến dịch "săn cáo" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành
Và như vậy, dự luật này sẽ tăng cường hơn nữa quyền lực của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI). Từ dự luật này sẽ nảy sinh ra một Ủy ban mới gọi là Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC), bắt đầu làm việc từ tháng 3/2018. Tổ chức này sẽ là cơ sở đấu tranh trực tiếp đối với các đối tượng bao gồm quan chức, chủ các doanh nghiệp nhà nước,… Ủy ban giám sát này sẽ được lãnh đạo trực tiếp bởi TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời phối kết hợp với CCDI trong tiến hành các hoạt động giám sát, truy tố, kỷ luật đối tượng bị tình nghi.
Trước đó, vào tháng 11/2017, Tân Hoa Xã trong một bài xã luận 10.000 từ, đã giải thích Ủy ban này như sau: đây là tổ chức mang màu sắc Trung Quốc, là cơ quan chống tham nhũng như CCDI, nhưng thay vì là một cơ quan hành chính/tư pháp nhà nước thực hiện quyền giám sát như CCDI, thì NSC là cơ quan chính trị.
Tiếp theo, phạm vi giám sát tại Chương III quy định: tất cả các quan chức thuộc cơ quan Đảng hay các doanh nghiệp nhà nước, trong các đơn vị khoa học-giáo dục-y tế; trong các khu tự trị; các nhân viên công lực đều là đối tượng chịu sự giám sát.
Nhiệm vụ giám sát, tại Điều 17 (Chương IV) cho hay, các cơ quan giám sát có quyền tiến hành các cuộc điều tra về hành vi bất hợp pháp tại văn phòng Chính phủ; nghi ngờ tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền lực, lợi ích cá nhân.
Về mặt phạm vi giám sát, tại Điều 24 (Chương V) ghi nhận, cơ quan giám sát có thể xem xét và giữ một người ở tại một địa điểm bí mật bất kỳ nếu rơi vào trường hợp: quy mô sự vụ lớn và phức tạp; đối tượng có thể chạy trốn hoặc tự sát; có thể thông đồng hay tiêu hủy, che dấu bằng chứng; cản trở điều tra; nghi ngờ nhận hối lộ hoặc lợi dụng chức vụ.
Như vậy, dự luật này cho phép chính quyền tạm giam bất kỳ đối tượng tình nguy tham nhũng nào ở một địa điểm bí mật trong vòng 6 tháng, đồng nghĩa trong thời gian đó họ sẽ không được tiếp cận với giới luật sư hay người thân.
Điều 25 (Chương V) cũng cho thấy, trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thể đóng băng tài sản của những người có liên quan, trong đó có sổ tiết kiệm, kiều hối, trái phiếu, cổ phiếu…
Sự ra đời của dự thảo và cơ quan giám sát mới này đặt trọng tâm là chống tham nhũng cho bằng được, do đó, nó được nhiều học giả Trung Quốc nhận định là vi hiến, đặc biệt khi về mặt cơ cấu nhà nước, đã đặt cơ quan Giám sát lên trên Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, và thậm chí trên cả Hội đồng nhà nước Trung Quốc. ĐCSTQ ngay sau đó đã tìm cách “sửa sai” bằng cách sửa đổi Hiến pháp – được cho là tiến hành vào tháng 1/2018.
Trong tuyên bố của mình gần đây, CCDI đã khẳng định rằng, “chiến dịch [chống tham nhũng] phải được đảm bảo một cách chặt chẽ bởi đảng và tham nhũng sẽ phải dừng lại”. Đồng thời, tổ chức này sẽ có trách nhiệm giám sát đảng viên, thực hiện kỷ luật, giữ người vi phạm phải chịu trách nhiệm.
Việt Nam sẽ học tập theo?
Vào tháng 5/2017, trong một cuộc họp, bà Lê Thị Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý. Theo đó, 1.000 cán bộ cấp cao trong diện kiểm tra, giám sát tài sản.
Nhưng đây chỉ mới là thủ tục kiểm soát tài sản và giới hạn trong đội ngũ cán bộ cấp cao, về phạm vi - quy mô và cách thức chỉ là một phần nhỏ nằm trong tiến trình giám sát đối tượng, nguồn tài sản bị nghi là tham nhũng như Trung Quốc đã và sẽ tiến hành trong thời gian tới.
Hiện tại, đơn vị nổi bật trong phòng chống tham nhũng Việt Nam là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TW có quyền hạn tương đương với CCDI, nhưng cũng giống như CCDI, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TW thực tế chưa có thực quyền diện rộng và khả năng quản lý, tiến hành các hoạt động bắt giam đối tượng tình nghi tham nhũng, tham ô như NSC.

clip_image004
Ra một Luật giám sát và cho thành lập một cơ quan giám sát đối tượng, tài sản tình nghi tham nhũng như Trung Quốc sẽ là bước đi kế tiếp của ĐCSVN?
Do đó, trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng đang tiến hành hiện nay sẽ nhanh chóng đi xuống nếu như không có bước đi tiếp theo. Đặc biệt, quan điểm “kiên quyết đấu tranh loại khỏi bộ máy những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn” trong bài phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ sáng ngày 28/12 sẽ sớm chìm vào dĩ vãng nếu như không có một khung pháp lý và một tổ chức tương ứng ra đời trong tương lai.
Giả sử như ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục “học tập theo Trung Quốc” trong mô hình và cách thức chống tham nhũng thì ĐCSVN có thể tiến hành dự thảo một Luật giám sát (bên cạnh Luật Phòng chống tham nhũng đã có), và cho ra đời một tổ chức tương tự để thực thi Luật giám sát, hoặc có thể biến chuyển Ban Nội chính thành một NSC Việt Nam, bởi căn cứ theo quan điểm Quyết định thành lập (QĐ 17-QQD/TW/1991) thì Ban này sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở các ngành: kiểm sát, toà án, tư pháp, thanh tra, hải quan, trọng tài kinh tế nhà nước, Hội luật gia,… Có nghĩa phạm vi giám sát và nhiệm vụ giám sát sát gần NSC nhất, và quan điểm thành lập cũng gần gũi với Điều 4 – Luật giám sát của Trung Quốc nhất về mặt vai trò.
Như vấn đề đặt ra là bao giờ?
Trước hết, một tổ chức tương tự như NSC ra đời, thì đồng nghĩa phải có một dự luật tương ứng để hỗ trợ, trong khi đó, Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018 mà Quốc Hội Việt Nam thông qua vào ngày 8/6/2017 không có dự luật nào (từ trình Quốc hội thông qua, cho ý kiến) mang tính “giám sát” như vậy. Trong khi đó, về mô-típ, thì Việt Nam dù học tập Trung Quốc, nhưng độ trễ ở mức từ 5 -10 năm, cụ thể - ngay như chiến dịch “đả hổ-diệt ruồi-săn cáo” - khi Trung Quốc bắt đầu khi ĐH Đảng toàn quốc nước này kết thúc vào năm 2012, thì Việt Nam phải chờ đến tận năm 2016 mới bắt đầu nhen nhóm và 2017 mới thực sự bắt đầu.
Do vậy, phải đến kỳ ĐH Đảng kế tiếp thì Hà Nội mới thực sự bắt nhịp giám sát tham nhũng giống như Bắc Kinh.
A.V.

 

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

20171230. EVN TẠO ÁP LỰC GIẢ ĐÒI TĂNG GIÁ ĐIỆN ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
EVN HẠCH TOÁN SAI, TẠO ÁP LỰC GIẢ ĐÒI TĂNG GIÁ ĐIỆN ?
LÊ THANH, NGỌC AN/ TTO/ BVN 29-12-2017
TTO - Việc cố tình hạch toán sai, theo các chuyên gia, không chỉ để né thuế mà phải chăng còn là cách EVN tạo áp lực để tăng giá điện lên 6,08%?
Chi phí sản xuất kinh doanh là yếu tố quan trọng để tăng giá điện
clip_image002
Lắp côngtơ điện tại Q. Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH
Theo các chuyên gia, nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hạch toán đúng quy định các khoản chi phí trên thì chắc chắn lợi nhuận của tập đoàn này sẽ tăng.
Khi đó ngành điện sẽ không còn điệp khúc lỗ để "đòi" tăng giá điện, hoặc nếu tăng thì cũng thấp hơn mức 6,08% vừa được thông qua.
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng với kết luận thanh tra trên thì không chỉ EVN mà cơ quan kiểm toán cũng đã thực hiện sai quy định.
Ngay cả tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 cũng "chưa làm tròn vai" khi những khoản chi phí tài chính lên tới hàng nghìn tỷ đồng chưa được hạch toán vào giá thành nhưng không được phát hiện.
"Đây là lỗ hổng, thiếu sót lớn, cho thấy tính minh bạch của EVN chưa rõ, chưa làm đúng quy định. Việc công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh xấu đi là không trung thực. Cần quy trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan là do chủ quan hay khách quan. Nếu kết quả kinh doanh tốt thì việc tăng giá điện vừa qua cũng ít chịu áp lực hơn, giảm đi gánh nặng cho người dân", ông Long nói.
Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, việc không thực hiện đúng quy định trong hạch toán chi phí theo chỉ đạo cho thấy EVN đã cố tình hạch toán không chính xác để giảm nghĩa vụ nộp thuế nhà nước, đồng thời tạo ra áp lực giả cho việc tăng giá điện, như vậy là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quản lý tài chính.
Theo vị chuyên gia này, vấn đề công khai minh bạch trong hoạt động thu chi của EVN luôn được nói đến từ lâu, bởi chi phí giá điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất chung của nền kinh tế.
Do đó, bên cạnh việc EVN phải sớm khắc phục, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước thì vấn đề công khai, minh bạch các khoản thu chi và các hoạt động liên quan giá thành điện một lần nữa cần phải được thực hiện nghiêm túc, công khai rõ ràng hơn chứ không phải chỉ "mang tính hình thức" như vừa qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc hạch toán trước thời điểm được phê duyệt thì sau đó EVN phải tiến hành bù trừ, nộp đúng đủ số thuế phải đóng cho Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề tỷ giá, theo ông Ngãi cho rằng có thể EVN và thanh tra Bộ Tài chính có cách hạch toán khác nhau, nên hai bên cần đối chiếu rõ ràng và có công bố cụ thể cho dư luận.
"Cần đề nghị EVN làm cho rõ và có giải trình cụ thể khoản lỗ hay lãi với tỷ giá biến đổi, công bố rộng rãi cho chuẩn. Quan trọng là cần sự minh bạch", ông Ngãi đề nghị.
Tại cuộc họp báo ngày 1-12-2017, Bộ Công thương cho biết chi phí sản xuất kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng để điều chỉnh tăng giá điện 6,08%.
Trong đó, năm 2016 tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 266.104 tỷ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.665,29 đồng/kWh, doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510 tỷ đồng.
Như vậy hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng.
Tuy nhiên, EVN cho biết nhờ các hoạt động kinh doanh khác nên năm 2016 EVN lãi 2.658 tỷ đồng.
Trong số đó, đáng chú ý khoản chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 là trên 9.500 tỷ đồng.
L.T. – N.A.

'Ông lớn' EVN cố tình hạch toán sai ngàn tỉ để né thuế?

LÊ THANH - NGỌC AN
TTO - Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định truy thu 1.935 tỉ đồng do phát hiện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) hạch toán sai một số khoản chi phí.

clip_image003
Theo thanh tra Bộ Tài chính, EVN hạch toán cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012-2015) không đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Trong ảnh: khu vực đặt đường ống dẫn khí từ Phú Mỹ qua Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Việc công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh xấu đi là không trung thực. Nếu kết quả kinh doanh tốt thì việc tăng giá điện vừa qua cũng ít chịu áp lực hơn, giảm đi gánh nặng cho người dân
PGS.TS Ngô Trí Long
Hạch toán sai hơn 1.341 tỉ đồng
Theo ông Trần Văn Vượng, Chánh thanh tra Bộ Tài chính, quyết định được Bộ Tài chính đưa ra trên cơ sở thanh tra tài chính EVN và phát hiện tập đoàn này có những khoản hạch toán chi phí không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận của năm 2015-2016 giảm.
Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012-2015). Việc hạch toán này được Bộ Tài chính xác định là "không đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng".
Theo giải thích của một lãnh đạo Bộ Tài chính: giai đoạn 2012-2015, cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM mới chỉ là tạm tính. Khoản chênh lệch cước phí (tức chi phí tăng thêm) theo quy định sẽ được tính từ năm 2016-2017.
Thực tế tháng 6-2016, trong công văn trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cũng đề xuất cho EVN được phân bổ 85,26 triệu USD trong hai năm 2016-2017.
Đây là khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM được bộ này chấp thuận trong lộ trình thanh toán, đưa vào giá điện.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý phân bổ khoản chi phí chưa thanh toán khoản chênh lệch cước phí như nêu trên.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và EVN thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM mà EVN phải trả cho PVN là 1.938 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là khoản chênh lệch này lại được EVN hạch toán trước thời gian Bộ Công thương có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép phân bổ. Cụ thể, năm 2015 EVN hoạch toán hơn 1.341 tỉ đồng và năm 2016 là hơn 596 tỉ đồng.
"Dù hạch toán tới 70% khoản chênh lệch cước phí này từ năm 2015 nhưng EVN vẫn báo cáo Bộ Công thương xin Chính phủ được phân bổ vào năm 2016 và 2017. Điều đó cho thấy doanh nghiệp đã nói một đằng làm một nẻo. Sai về nguyên tắc tài chính" - một lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Tài chính, chính vì hạch toán sai nên đã giúp EVN giảm lợi nhuận năm 2015 là 1.341 tỉ đồng. Do đó, để khắc phục sai sót này, EVN phải kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 là 88,2 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế phải kê khai và nộp bổ sung là 877,4 tỉ đồng.

clip_image004
Tổng số tiền mà Bộ Tài chính quyết định truy thu từ EVN - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Lờ đi 4.847 tỉ đồng lãi chênh lệch tỉ giá?
Cùng với việc hạch toán sai hơn 1.341 tỉ đồng như nêu trên, Bộ Tài chính cũng phát hiện EVN "quên" hạch toán hơn 4.847 tỉ đồng doanh thu hoạt động tài chính năm 2016.
Đây là khoản lãi chênh lệch tỉ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ của năm 2016.
Theo quy định, lãi chênh lệch tỉ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỉ giá. Nếu có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này.
Trên cơ sở thanh tra, Bộ Tài chính phát hiện sai sót này của EVN và yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 số tiền 969,5 tỉ đồng. Phần tiền còn lại 3.878 tỉ đồng, EVN không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức.
Điều đáng nói là tại buổi họp báo công bố về chi phí giá thành điện năm 2016 và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương và EVN chủ trì vào ngày 1-12 vừa qua, không hề có thông tin về khoản lãi tỉ giá này.
Thay vào đó là bức tranh khá "xám xịt" về khoản chênh lệch tỉ giá còn treo lại chưa được phân bổ tới trên 9.500 tỉ đồng, mặc dù kết quả kinh doanh chung năm 2016 ghi nhận lãi trên 2.658 tỉ đồng.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, khoản chênh lệch tỉ giá này được Chính phủ cho phép phân bổ từ nay đến năm 2020 tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh, nhằm giảm áp lực tăng giá điện.
Theo Bộ Công thương, tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp như báo cáo chi phí, giá thành được kiểm toán độc lập, báo cáo tài chính, hợp đồng mua bán điện…
Tuy nhiên, việc kiểm tra này lại không bao gồm nội dung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành của EVN đối với các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản, các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp, cơ cấu sản lượng phát điện…
Tiếp tục rà soát báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 của EVN cho thấy khoản chênh lệch tỉ giá còn treo lại đến thời điểm 31-12-2015 là trên 9.806 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tập đoàn này khẳng định đã giảm lỗ do tự xử lý được 3.500 tỉ đồng, nên EVN cho biết số tiền treo lại sẽ phải được hạch toán dần trong 5 năm, đưa vào giá điện.
Tại sao trong năm 2016, EVN có lãi tỉ giá trên 4.847 tỉ đồng, mà tổng số lỗ tỉ giá được treo lại của cả năm này do EVN công bố, vẫn lên trên 9.500 tỉ đồng?
Tại buổi họp báo ngày 1-12-2017, báo Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi với đại diện EVN đề nghị giải trình rõ khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2016 xuất phát từ những yếu tố nào (bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá), cũng như giải thích về khoản lỗ chênh lệch tỉ giá tăng mạnh, song không được tập đoàn này thông tin cụ thể.
Khai khống một phần cước phí?
Trong quá trình thanh tra tài chính tại EVN, Bộ Tài chính phát hiện thêm vấn đề liên quan đến PVN (chủ đầu tư vận hành đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM).
Theo đó, thanh tra Bộ Tài chính đang đặt nghi vấn, cước phí vận chuyển trạm Nhơn Trạch - Hiệp Phước (một phần trong hệ thống đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM) mấy năm gần đây không có nhà máy điện nào hoạt động.
Trong khi đó, chi phí vận chuyển khí đoạn Nhơn Trạch - Hiệp Phước vẫn được tính vào cước phí vận chuyển khí của dự án.
Nếu đúng như vậy thì theo Bộ Tài chính là có dấu hiệu tính khống chi phí, khiến giá thành sản xuất điện bị "méo mó".
Theo xác nhận của một lãnh đạo Bộ Công thương: hệ thống đường ống dẫn khí trên có đoạn đường ống từ Nhơn Trạch đến Hiệp Phước, nhưng hiện nhà máy điện khí dừng hoạt động nên không cung cấp khí.
Tuy nhiên, liên quan đến việc có hay không chuyện khai khống chi phí vào giá vận chuyển, lãnh đạo bộ này cho biết cần phải xem xét lại hồ sơ và các thông tin liên quan.

clip_image005
Trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Hà Nội - Ảnh: N.KHÁNH
L.T. – N.A.

EVN nói gì về khoản hạch toán sai 1.900 tỉ?

NGỌC AN
TTO - EVN cho rằng việc hạch toán các khoản chi phí liên quan đến cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ trước thời điểm quy định là “sự nỗ lực lớn trong tiết kiệm chi phí".
clip_image007
EVN cho biết việc hạch toán chi phí trước thời điểm được phê duyệt là "sự nỗ lực lớn" - Ảnh: EVN
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa gửi đến báo Tuổi Trẻ văn bản do ông Đinh Quang Tri - phó tổng giám đốc - ký, phản hồi về quyết định của Bộ Tài chính truy thu tập đoàn này trên 1.900 tỷ đồng.
Có 2 khoản tiền được cho là EVN đã hạch toán sai quy định.
Cụ thể, khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM giai đoạn 2012-2015 là khoảng 1.900 tỷ đồng, theo quy định EVN sẽ hạch toán vào năm 2016-2017, nhưng tập đoàn này lại phân bổ vào năm 2015 tới 70% số tiền.
Bộ Tài chính xác định việc này là "không đúng chỉ đạo của phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng". Việc hạch toán như vậy đã giúp EVN giảm lợi nhuận năm 2015, giảm số thuế phải đóng, nên Bộ Tài chính yêu cầu truy thu trên 965 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình, EVN xác nhận trong năm 2015 đã tiết kiệm chi phí và cân đối, phân bổ được 1.341 tỷ đồng vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 và cho rằng đây là "sự nỗ lực lớn".
Lý giải việc phân bổ trước thời điểm được phê duyệt, EVN nói do khoản chi phí đã được phân bổ này đã không được đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện được áp dụng từ ngày 1-12-2017, nên EVN không có nguồn để bù đắp nếu chi phí này được đưa vào giá thành năm 2017.
Do vậy, EVN cho biết sẽ chuyển phân bổ chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2017 để hoàn thành các nghĩa vụ.
Thứ hai là khoản lãi tỷ giá 4.847 tỷ đồng được Bộ Tài chính xác định là EVN chưa đưa vào hạch toán trong báo cáo tài chính năm 2016, tập đoàn này cho biết khoản này chủ yếu phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1.
Đây là dự án của Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) được hạch toán phụ thuộc vào công ty này, nên theo quy định khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng phải được chuyển giao về EVNGENCO1.
Tuy nhiên, EVN cho biết dự án này sử dụng vốn vay của JICA (Nhật Bản) và đối tác cho vay vốn yêu cầu EVN phải tiếp tục là chủ đầu tư, sau khi dự án hoàn thành xây dựng mới chuyển giao cho EVNGENCO1.
Hiện tại, dự án đã hoàn thành việc xây dựng và đi vào vận hành, nên EVN đang thực hiện các thủ tục bàn giao dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về EVNGENCO 1 tại thời điểm ngày 31-12-2017.
Đồng thời, tập đoàn này cho biết sẽ bàn giao số dư khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 để EVNGENCO 1 hạch toán.
EVN cũng nêu trong quy định liên quan đến chế độ kế toán của EVN do Thủ tướng quy định, cho phép khoản chênh lệch tỷ giá trong quá trình đầu tư của các công trình điện nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được phản ánh lũy kế và phân bổ dần vào doanh thu tài chính hoặc chi phí tài chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đi vào hoạt động.
Do đó, EVN cho biết đang tiếp tục giải trình với Bộ Tài chính để xử lý, giải quyết, cũng đã báo cáo Thủ tướng, và khẳng định sẽ thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
N.A.

EVN lên tiếng việc 'né thuế', giấu lãi tỷ giá gần 5.000 tỷ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng khoản lãi tỷ giá gần 5.000 tỷ đồng phải do GENCO 1 hạch toán vì đây là lãi phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1...

clip_image009
EVN lên tiếng việc Thanh tra Bộ Tài chính cáo buộc né thuế, giấu lãi tỷ giá.
Bộ Tài chính mới đây đã có kết luận thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện tập đoàn có những khoản hạch toán không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận năm 2015 -2016 giảm.
Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỷ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Tp.HCM (giai đoạn 2012-2015) dù thực tế chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Tp.HCM mà EVN phải trả cho Tập đoàn Dầu khí là 1.938 tỷ đồng
Do hạch toán sai này đã dẫn đến giảm lợi nhuận. Để khắc phục sai sót này, EVN phải kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 là 88,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phải kê khai và nộp bổ sung là 877,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, EVN còn không hạch toán 4.847 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính năm 2016. Theo quy định, lãi chênh lệch tỷ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỷ giá. Nếu có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này.
Về kết luận này của Thanh tra Bộ Tài chính, EVN cho biết, khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Tp. HCM giai đoạn 2012-2015 là khoảng 1900 tỷ đồng thực chất là khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí.
Căn cứ công văn số 12577/BCT-TCNL ngày 8/12/2015 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Tp. HCM và công văn số 872/VPCP-KTTH ngày 04/02/2016 của Văn phòng Chính Phủ cho phép EVN được phân bổ khoản chi phí phí này và giao Bộ Công Thương đề xuất thời gian thực hiện phù hợp (ngắn hơn 5 năm). Trong năm 2015, EVN đã tiết kiệm chi phí và cân đối, phân bổ được 1.341 tỷ đồng vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015.
Việc phân bổ khoản chi phí này vào năm 2015, 2016 thay cho năm 2016, 2017 là sự nỗ lực của EVN trong việc tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện. Thực tế, khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí đã không được đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện, do vậy giá bán lẻ điện áp dụng từ 1/12/2017 theo Quyết định số 4495 ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương không bao gồm khoản chi phí này.
"Thực tế, do khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí đã không đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện nên EVN không có nguồn để bù đắp nếu chi phí này xuất toán khỏi giá thành năm 2015 và chuyển phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2017", tập đoàn cho hay.
Tập đoàn khẳng định, về tổng thể, việc phân bổ khoản chi phí này hạch toán vào năm 2015, 2016 thay cho hạch toán năm 2016, 2017 là sự nỗ lực của EVN trong việc tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện.
Về khoản chênh lệch tỷ giá 4847 tỷ đồng, EVN cho biết, khoản chênh lệch lãi tỷ giá này chủ yếu phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Đây là dự án của Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO 1).
Theo quyết định 3023 của Bộ Công Thương ban hành về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1, trong đó có dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là một trong số các dự án nguồn điện là các đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ GENCO1.
Tuy nhiên, dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1 lại sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nên EVN gửi thư thỏa thuận với JICA nhưng theo yêu cầu từ phía JICA, EVN phải tiếp tục là chủ đầu tư, sau khi dự án hoàn thành xây dựng mới chuyển giao cho GENCO 1.
Sau khi EVN báo cáo, Bộ Công Thương đã có công văn thống nhất việc EVN tiếp tục làm chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1. Sau khi nhà máy phát điện thương mại sẽ thực hiện chuyển giao chủ đầu tư dự án cho GENCO 1.
Việc chuyển giao Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về Tổng Công ty Phát điện 1 được Thủ tướng chấp thuận khi phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020.
Như vậy, dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là dự án thuộc GENCO 1 và do đó khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1 phải chuyển giao cho GENCO 1 hạch toán theo quy định.
"Hiện tại, EVN đang thực hiện các thủ tục bàn giao dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về GENCO 1 tại thời điểm ngày 31/12/2017. Tập đoàn sẽ bàn giao số dư khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 để GENCO 1 hạch toán", EVN cho hay.
Mặt khác, theo quy định tại Thông tư 200 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp, Điều 23, Nghị định 82/2014/NĐ-CP và Điều 23, Nghị định 10/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính của EVN và Điểm 1 của công văn số 12227/BTC-CĐKT của Bộ Tài chính về việc trả lời chế độ kế toán của EVN cho phép khoản chênh lệch tỷ giá trong quá trình đầu tư của các công trình điện nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được phản ánh lũy kế và phân bổ dần vào doanh thu tài chính hoặc chi phí tài chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đi vào hoạt động.
Tập đoàn cho biết đang tiếp tục giải trình Bộ Tài chính để xử lý, giải quyết vấn đề này. Đồng thời EVN cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.
Trước đó, ngày 1/12, Bộ Công Thương quyết định tăng giá bán điện lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương ứng tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh)
Bộ Công Thương cho biết, năm 2016, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 159,79 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,57%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015 (7,94%).
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỷ đồng, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.665,29 đ/kWh.
Doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016 là 3.251,66 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658,20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 gồm chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 lên tới trên 9.500 tỷ đồng. Đó là các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.352,25 tỷ đồng; Tổng công ty phát điện 1 là 2.782,52 tỷ đồng; Tổng công ty phát điện 3 là 3.374,22 tỷ đồng...
B.D.
Nguồn: http://vneconomy.vn/evn-len-tieng-viec-ne-thue-giau-lai-ty-gia-gan-5000-ty-2017122816222252.htm



EVN TRỐN THUẾ GẦN 5000 TỶ ĐỒNG: CHÍNH PHỦ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM !

THIỀN LÂM/ Cali today/ bvn 1-1-2018

clip_image002
Ảnh: Dân Việt
Việt Nam – Calitoday News – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – một doanh nghiệp nhà nước mà từ lâu đã được dư luận đặt cho biệt danh “Cậu ấm hư hỏng” – vừa bị phát hiện trốn thuế gần 5.000 tỷ đồng – theo một kết luận thanh tra mới đây của Bộ Tài chính.
Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện tập đoàn có những khoản hạch toán không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận năm 2015 -2016 giảm.
Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Tp.HCM (giai đoạn 2012-2015) dù thực tế chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Tp.HCM mà EVN phải trả cho Tập đoàn Dầu khí là 1.938 tỉ đồng.
Ngoài ra, EVN còn không hạch toán 4.847 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính năm 2016. Theo quy định, lãi chênh lệch tỉ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỉ giá. Nếu có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này…
Vào năm 2011, EVN còn bị Thanh tra chính phủ phát hiện đã hạch toán cả các công trình hồ bơi và sân tennis vào giá thành điện và bắt người tiêu dùng phải lãnh đủ. Tuy nhiên dưới thời Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng – cơ quan chủ quản của EVN – vụ việc này đã nhanh chóng bị chìm xuồng.
Trước đó, vào những năm 2007-2009, EVN đã trở thành tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Cho đến năm 2017, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN giải quyết xong.
Sau một thời gian dài bưng bít thông tin, cũng vào quý 1 năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã lần đầu tiên phải thừa nhận thế cùng quẫn của EVN: Nếu không tăng và thậm chí không tăng mạnh giá điện, EVN sẽ phá sản!
Nếu không tăng giá “bù lỗ vào dân,” phá sản là chắc chắn.
Vậy là vào ngày 1 tháng Mười Hai, 2017, chế độ “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” đã bất chấp tiếng kêu oán thán của nhân dân và khuyến nghị của giới trí thức khi tung ra một cú “móc túi” khiến xây xẩm mặt mày người nghèo và doanh nghiệp: giá điện tăng vọt 6,08% thành 1.720,65 đồng/1kw, chưa kể thuế VAT.
“Giá điện bị ‘đánh úp’: Người dân kêu trời!” – một ít tờ báo nhà nước lại rền rĩ, trong lúc hai tầng lớp thu nhập trung bình và người nghèo Việt Nam đang oằn mình nặng gánh lo toan về chuyện mưu sinh, vừa phải tiện tặn vừa khốn khó hơn cả những năm trước.
Từ thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dưới “triều đại Nguyễn Tấn Dũng,” Bộ Công Thương và EVN đã trở thành “sát thủ” với những cú tăng giá “bù lỗ vào dân” và “giết sống” người nghèo trong nạn xả lũ cực kỳ vô trách nhiệm của các hồ thủy điện.
Giờ đây, những quan chức và cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt liên quan vụ EVN dối trá và trốn thuế gần 5.000 tỷ đồng?
Không chỉ là “bạch tuộc EVN”, mà còn là Bộ Công Thương – cơ quan chủ quản của tập đoàn này, với bộ trưởng hiện thời là Trần Tuấn Anh.
Và cả giới quan chức lãnh đạo chính phủ…

Vào cuối tháng Sáu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã ký phê duyệt đề án tái cấu trúc EVN, nhưng đã không có bất cứ một cải cách nào để xóa bỏ vai trò độc quyền tàn hại dân sinh của tập đoàn mà báo chí quốc tế đặt cho biệt hiệu “cậu ấm hư hỏng” này.
Ngay sau đề án tái cơ cấu EVN được Thủ tướng Phúc ký phê duyệt, nỗi lo sợ thường trực của nhân dân đã biến thành sự thật khi cũng chính thủ tướng này lại ký tiếp quyết định số 24/2017 cho phép EVN được tự quyết tăng giá điện hai lần mỗi năm với mức từ 3% đến dưới 5%, Bộ Công Thương được quyết tăng giá điện từ 5% đến 10%.
Lẽ đương nhiên, nhóm lợi ích điện lực chỉ cần có thế!
Một tháng rưỡi trước đêm tăng giá điện, có một cuộc họp của Ban Chỉ Đạo Điều Hành Giá của chính phủ. Trong cuộc họp này, khác hẳn với thái độ đầy nét dân túy vào đầu năm 2017 khi hứa hẹn trên mặt báo rằng về khả năng không tăng giá điện trong năm 2017, người được vài tờ báo nhà nước ca ngợi là “cậu thiếu niên nhà nghèo hiếu học và học rất giỏi” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – đã đổi giọng.
Trong cuộc họp trên, ông Vương Đình Huệ đã yêu cầu “Bộ Công Thương khẩn cấp hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể”.
Nhưng điều kỳ lạ là Bộ Công Thương đã “khẩn cấp” đến mức ngay tại thời điểm có yêu cầu trên của ông Vương Đình Huệ, bộ này đã hoàn thành phương án tăng giá điện với “kịch bản thấp nhất có thể” là giá điện sẽ tăng 6,08%.
Câu chuyện Bộ Công Thương đã hoàn thành phương án tăng giá điện với “kịch bản thấp nhất có thể” là giá điện sẽ tăng 6,08% – trùng với chỉ đạo của ông Vương Đình Huệ – để một tháng rưỡi sau đó đã bất ngờ công bố tăng giá điện đúng tỷ lệ 6,08%, cho thấy đây là một kịch bản đã được giới lãnh đạo ngành công thương, EVN và chóp bu chính phủ tính sẵn để đưa xã hội và người tiêu dùng vào thế đã rồi.
Hơn 6% là một tỷ lệ tăng cao và hoàn toàn có thể kích thích lạm phát tăng vọt, trong bối cảnh kinh tế ngập ngụa suy thoái và đời sống người dân ngày càng khốn khó, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam ngày càng tăng cao.
T.L.