Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

20160628. NHỮNG CHUYỆN CƯỜI RA NƯỚC MẮT TRONG ĐÀO TẠO TRÊN ĐẠI HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐÀO TẠO TRÊN ĐẠI HỌC: NHỮNG CHUYỆN CƯỜI RA NƯỚC MẮT
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 5-6-2016
Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục
Kính gửi ông Bộ trưởng,
Tôi là Nguyễn Đình Cống, Giáo sư của Trường Đại học Xây dựng, đã nghỉ hưu. Tôi viết thư này nhân dịp ông vừa nhận chức Bộ trưởng không lâu và báo chí gần đây đưa tin về đào tạo quá nhiều Tiến sĩ kém chất lượng. Tôi tham gia khá nhiều công việc trong đào tạo trên đại học, biết không ít chuyện vui buồn, xin kể vài chuyện để cung cấp thông tin, trao đổi về nhận định và góp vài ý kiến nhằm chấn hưng nền giáo dục.
I - Một số chuyện vui buồn
Chuyện vui và thành tích có nhiều, tôi không phủ nhận, hơn nữa ông biết nhiều và biết rõ hơn tôi, nên tôi xin không kể ra. Chỉ xin kể vài chuyện buồn mà tôi biết rõ còn ông chưa biết.
Chuyện 1 - GS TSKH Nguyễn T đã hướng dẫn vài chục NCS làm luận án Tiến sĩ, đã bảo vệ. Trong một lần làm phản biện cho một luận án bảo vệ ở cấp cơ sở, sau khi nghe các ủy viên hội đồng góp nhiều ý kiến về thiếu sót và nhầm lẫn, GS T phát biểu một câu làm tôi và nhiều người lạnh sống lưng: “Luận án tiến sĩ chứ có phải cái gì quan trọng đâu mà các anh đòi hỏi chính xác và chặt chẽ đến vậy”.
Chuyện 2 - Ở một HĐ bảo vệ luận án TS nọ thuộc chuyên ngành mà tôi biết rõ. Trong lúc các phản biện (công khai và kín) khen hết lời thì Chủ tịch HĐ vạch ra chỗ sai, yêu cầu NCS trả lời. Không những NCS mà cả thầy hướng dẫn đã công nhận chỗ sai đó. Tôi theo dõi, nghĩ rằng với sai sót như vậy thì may lắm luận án được đánh giá trung bình, còn không thì phải dừng bảo vệ để NCS về sửa chữa chỗ sai. Không ngờ phần đông các ủy viên cho điểm 9 và 9,5, luận án đạt mức giỏi.
Chuyện 3 - Trong một lần tôi ngồi chơi vui vẻ với 2 GS và một thầy giáo trẻ. Anh bạn trẻ nói: “Em xin lỗi trước, nhưng phải nói Giáo sư các anh là một lũ tội phạm của dân tộc”. Tôi đã công nhận câu nói đó là đúng vì chính những GS thực thụ đào tạo ra các tiến sĩ dỏm bậc 1, đến lượt TS dỏm đó trở thành GS dỏm, đào tạo tiếp TS dỏm bậc 2, Thạc sĩ dỏm, Cử nhân dỏm, và cứ thế mà nối tiếp, đến lúc phần lớn trí thức trên toàn quốc là đồ dỏm. Thế không phải tội phạm của dân tộc là gì.
Chuyện 4 - Một lần ở nhà khách của Trung tâm đào tao thường xuyên tỉnh Q B, thầy giáo P khi nghe giới thiệu tôi là GSTS đã phát biểu: “Cứ mỗi lần được nghe giới thiệu ai là Giáo sư Tiến sĩ tôi cứ nghĩ không biết mình đang gặp một người nên trọng hay nên khinh”.
Chuyện 5 - Giáo sư N, bạn tôi, được mời làm Chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án Tiến sĩ của NCS tên T, ông đã từ chối vì theo ông thì luận án không có gì mới, chưa đạt yêu cầu. Người ta đã mời GS khác làm Chủ tịch, cũng luận án ấy thôi, được HĐ đánh giá xuất sắc.
Chuyện 6 - Tôi được mời làm phản biện kín cho một luận án Tiến sĩ. Tuy các tên liên quan đã được cắt bỏ, nhưng là dân trong ngành, qua các thí nghiệm đã làm và các bài báo đã đăng, không những tôi mà nhiều bạn khác biết rõ ai đã là tác giả luận án ấy và người nào hướng dẫn. Tôi nhận xét là phương pháp nghiên cứu và kết quả chưa đủ độ tin cậy, đề nghị bổ sung, có nghĩa là luân án chưa hoàn chỉnh. Thế nhưng ngay sau đó luận án vẫn được bảo vệ với đánh giá xuất sắc.
Chuyện 7 - Tôi thường được đi dạy môn Phương pháp luận NCKH cho một số lớp cao học ngành kỹ thuật xây dựng ở các địa phương. Các lớp này có một số môn phải dùng toán nhiều. Tôi hỏi các học viên: Với các môn toán nhiều và khó như vậy các cậu có hiểu hết không. Đa số trả lời không hiểu gì hết. Tôi nẩy ra ý nghĩ kiểm tra trình độ toán của các Kỹ sư, học viên cao học xem sao. Tôi ra các bài toán từ trình độ tiểu học đến đại học, trong đó có bài cộng trừ phân số, tính diện tích hình thang, tính cạnh tam giác vuông dùng định lý Pythagore... Gần hai phần ba số học viên không làm được những bài toán cấp tiểu học và trung học cơ sở như vậy. Tôi nói, các cậu quên hết toán sơ cấp, thế mà khi thi đầu vào cao học phải thi toán cao cấp, làm sao mà học được, thi được. Câu trả lời: thi được chủ yếu bằng gian lận. Tôi hỏi, quy chế và coi thi nghiêm lắm kia mà, làm sao gian lận được. Trả lời: nghiêm chỉ là hình thức bịp bợm bên ngoài mà thôi.
Tạm kể 7 chuyện. Còn hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn chuyện dở khóc dở cười về đào tạo trên đại học, chắc Bộ trưởng cũng đã nghe nhiều.
II - Một số nhận định
Đã có nhiều người nói và viết về sự xuống cấp của nền giáo dục, về chất lượng quá thấp của nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ. Họ có bằng thật nhưng kiến thức dỏm. Đó là nói về đào tạo trên đại học. Còn dưới nữa thì ngay cả các học sinh phổ thông cũng đã có những phát biểu làm nhiều người lạnh sống lưng. Không biết trước đây Bộ trưởng đã được nghe chưa.
Nếu căn cứ vào quy chế, quy trình đào tạo thì mọi khâu đều rất chặt chẽ, rất nghiêm chỉnh, khó tìm ra sơ hở, nhưng cứ nhìn vào thực tế mới biết các lỗ thủng lớn đến mức nào. Trong một thư gửi Bộ trưởng trước đây về đào tạo tại chức tôi có nhận định: “Thầy trò lừa dối lẫn nhau và cùng với đơn vị đào tạo lừa dối xã hội, càng lừa dối được nhiều, thành tích càng lớn”. Cả thầy, trò, đơn vị đào tạo và cơ quan quản lý đều thi nhau lừa dối, sống được, tồn tại được là nhờ lừa dối. Một số nhà khoa học thời gian đầu không nỡ lừa dối và bị thiệt thòi, họ bảo nhau: “Cả xã hội này sống được nhờ lừa dối, cấp trên càng lừa dối nhiều hơn, vậy chúng ta dại gì mà giữ trung thực để chịu thiệt, thôi thì gặp thời thế thế thời phải thế, lụt thì lút cả làng, cấp trên đang muốn có nhiều người có bằng Tiến sĩ, chúng ta được giao quyền, có nhẹ tay một chút sẽ có lợi cho nhiều bên, thời buổi bây giờ làm được người trung thực là khó”.
Chính vì để làm người trí thức trung thực là quá khó trong một xã hội chịu sự toàn trị với đầy dẫy tham nhũng, mua quan bán tước và xuống cấp đạo đức nên trong thư gửi Quốc hội tôi có nêu ý kiến là: “Cuộc cải cách giáo dục chưa thể thực hiện một cách toàn diện, nếu cứ cố mà làm vội, tiêu tốn nhiều tiền của và công sức thì có khả năng thay những sai lầm này bằng các sai lầm khác mà thôi. Để chấn hưng nền giáo dục, trước mắt chỉ nên chọn làm một vài việc cấp thiết”.
Về những vấn đề của nền Giáo dục tôi đã có thư gửi các Bộ trưởng trước đây, có 3 thư gửi Quốc hội trình bày một số ý kiến và nhận định, một số đề nghị, nhưng tất cả đều không được hồi âm. Viết thư này tôi cũng đã dự kiến rồi nó sẽ rơi tiếp vào im lặng. Thôi thế cũng được, Bộ trưởng không có thời gian đọc thì nhờ thư ký tóm tắt và báo cáo lại. Tôi viết là thấy cần phải viết, lương tâm bảo nên viết.
Trước hết xin Bộ trưởng chớ quá tin vào các quy trình, quy chế. Việc tổ chức thực hiện quan trọng hơn. Quyết định chủ yếu vẫn là con người với 2 phẩm chất cơ bản: Trình độ và trách nhiệm. Trong những người tham gia vào quá trình đào tạo thì những người ở trong các hội đồng đánh giá có vai trò then chốt. Tôi đã tham gia nhiều hội đồng và tạm phân ra 3 loại : 1 - Hội đồng nghiêm chỉnhgồm các ủy viên có đủ trình độ và trách nhiệm cao, sẽ đánh giá tương đối đúng thực chất của luận án theo tiêu chí khoa học, không bị một áp lực nào khác cả. 2 - Hội đồng gà mờ gồm một số ủy viên thiếu một hoặc cả hai phẩm chất cần thiết, đánh giá luận án chủ yếu theo cảm tính, bị chi phối bởi các quan hệ ngoài khoa học. 3 - Hội đồng đểu gồm phần lớn các ủy viên chỉ đánh giá luận án theo quan hệ xã hội, chạy theo thành tích dỏm. Hiện chưa có đánh giá nào về tỷ lệ phần trăm các loại HĐ bảo vệ đồ án ở đại học, bảo vệ luận văn Thạc sĩ và bảo vệ luận án Tiến sĩ của các ngành và các cơ sở đào tạo khác nhau.
III - Một vài đề đạt
Trong gần 60 năm làm việc trong ngành giáo dục và trong vài chục năm suy nghĩ vể các biện pháp chấn hưng nền giáo dục tôi cũng đã đúc rút ra được 7 phương sách quan trọng.
Trong những thư gửi Bộ trưởng và Quốc hội kể trên, tôi đã trình bày, phân tích và đề nghị nhiều vấn đề của nền giáo dục, trong đó có một vài phần thuộc các phương sách. Tôi đoán là Bộ trưởng chưa biết đến các thư đó. Nếu Bộ trưởng muốn xem chỉ cần bảo thư ký gọi điện thoại hoặc gửi Email cho tôi, yêu cầu cung cấp, tôi sẽ xin tuân lệnh ngay lập tức.
Tôi chưa biết được việc Bộ trưởng có muốn nghe toàn bộ 7 phương sách hay không nên không dám trình bày tất cả mà chỉ xin nêu 1 ý kiến thuộc sách số 4: Xiết chặt sự đánh giá.
Về đào tạo sau đại học, tôi đề nghị Bộ trưởng hết sức quan tâm vì tác dụng lan tỏa rộng lớn, vì tầm quan trọng của nó. Hơn nữa so với phổ thông và đại học thì việc đào tạo trên đại học có quy mô hẹp hơn nhiều và đang gây lắm bức xúc.
Chỉ khi có HĐ nghiêm chỉnh, không có HĐ đểu hoặc gà mờ tồn tại thì tự khắc NCS, người hướng dẫn, cơ sở đào tạo cũng tự khắc phải lo đáp ứng yêu cầu cao của HĐ đặt ra, không thể làm qua loa, không thể lừa dối. Lúc đó người không có khả năng không dám làm NCS, người không đủ trình độ không dám nhận hướng dẫn, các cơ sở đào tạo không dám lừa dối và làm liều.
Nhưng làm sao để có được các HĐ nghiêm chỉnh và bằng cách nào kiểm tra, kiểm soát công việc của các HĐ? Nhà nước dùng HĐ để đánh giá công việc của người này người nọ, nhưng sẽ dùng ai, dùng cái gì để đánh giá công việc của HĐ. Tòa án cũng có HĐ, đó là HĐ xét xử. HĐ bảo vệ luận án và HĐ xét xử của tòa án có mục đích khác nhau nhưng phương pháp làm việc gần giống nhau. Tòa án có HĐ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tối cao. Còn các HĐ bảo vệ luận án thì sao. Phải chăng các Giáo sư, các ủy viên HĐ sẽ trở thành tội phạm khi dùng quyền lực của mình để chứng nhận cho ai đó được cấp văn bằng không tương xứng với trình độ, dù xuất phát từ lý do gì. Ngoài ra có cách gì kiểm tra, đánh giá những văn bằng đã được cấp để nếu phát hiện gian dối thì thu lại, việc này gần giống như xét lại và đền bù cho các án oan sai.
Thư không thể viết dài. Trước khi kết thúc tôi xin cầu mong Bộ trưởng giữ được sức khỏe, có nhiều đóng góp xứng đáng để chấn hưng nền giáo dục. Nếu Bộ trưởng muốn biết toàn bộ các kế sách tôi đã nghĩ ra, chỉ cần bảo thư ký thông báo, tôi sẽ xin trình bày.
Vì không tìm được đìa chỉ Email của Bộ trưởng nên tôi đã gửi thư này đến các địa chỉ của Bộ Giáo dục, nhờ chuyển : Toasoan@giaoduc.net.vn;Bogddt@moet.edu.vn.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
XUI DẠI NGHIÊN CỨU SINH
NGÔ THẾ BÍNH/ ngothebinh’s blog 28-6-2016
  Tôi đã đọc 7 chuyện ‘cười ra nước mắt”  của GS Nguyễn Đình Cống trong bài ‘Đào tạo trên đại học: những chuyện cười ra nước mắt’ đăng trên BVN 5-6-2016 dưới hình thức Bức thư ngỏ gửi BT Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khi ông mới nhận chức, thay BT Phạm Vũ Luận mãn nhiệm. Tôi cũng muốn góp thêm 2 ‘chuyện cười ra nước mắt’ với đầu đề nêu trên và có một số  bàn luận.
 Chuyện xảy ra không phải ở phiên bảo vệ luận án tiến sĩ mà ở hội thảo luận án tại cơ sở. Cần nói rõ: đây là một sáng kiến hay của cơ sở chúng tôi đã thực hiện nhiều năm nay, nhằm giúp NCS chuẩn bị bảo vệ luận án cấp cơ sở. Tất nhiên đây không phải là trình tự bắt buộc của Quy chế đào tạo TS, nhưng giúp cho người hướng dẫn và NCS thấy rõ những điều đạt và chưa đạt của luận án kể cả chỉnh lại đề tài nếu cần. Và cũng tất nhiên NCS phải chịu tất cả chi phí như: ‘mời’ các nhà khoa học cùng chuyên môn “quản lý kinh tế” đến từ các trường, các viện và doanh nghiệp; in báo cáo; phục vụ ‘cơm nước’v.v… Nhìn chung hội thảo là tốt với tinh thần tự do bộc bạch quan điểm để giúp NCS và người HD đãi lọc những ý kiến xác đáng, hoàn chỉnh luận án trước khi bảo vệ cấp cơ sở. Nhưng tiếc rằng cũng có nhà khoa học cỡ GS hẳn hoi vẫn cho những ý kiến được gọi là ‘xui dại NCS’:
  Chuyện 1: Một NCS được phát hiện đề tài có nhiều sự trùng lặp với rất nhiều luận án, công trình đã công bố. Đây là chuyện thường xảy ra nhưng cũng không quá khó phát hiện trong thời đại internet. Trong lúc chủ tọa (thường là chủ nhiệm khoa) lo lắng đề nghị các nhà khoa học tìm đề tài khác nhưng bảo lưu tối đa kết quả nghiên cứu của NCS vì hạn cận kề thì GS P. đề xuất chọn đề tài khác na ná nhưng rất mập mờ về chữ nghĩa và khuyên : “nên như thế, ai muốn hiểu thế nào cũng được!’ Thế nghĩa là GS P. đã xui NCS làm điều dối trá ngay từ đề tài, để cố gắng giữ lại những gì đã có, trên thực tế cũng còn nhiều bất ổn.
 Chuyện 2:  Cũng NCS trên trong luận án có sử dụng phương pháp phân tích tương quan để đánh giá tác động của những nhân tố ảnh hưởng đến một hiện tượng kinh tế thuộc vấn đề nghiên cứu, nhưng hoàn toàn chủ quan khi giả thiết và đo lường những nhân tố ảnh hưởng, giống như trò bói toán. Tất cả những NCS đã học qua môn Kinh tế lượng đều quá hiểu chuyện này. GS T. đã đề xuất: “nên tạo ra số liệu khảo sát ‘điêu điêu’ cũng được, để …kịp thời gian, chứ làm nghiêm chỉnh không làm nổi đâu!”. Thế là GS T. cũng lại xui NCS dối trá trong phương pháp nghiên cứu.
  Tuy là 2 chuyện nhưng có chung một tính chất là các nhà khoa học xui dại nghiên cứu sinh dối trá trong nghiên cứu, một điều phản khoa học không thể chấp nhận và chống lại yêu cầu về đạo đức của người làm khoa học mà chúng ta cần nêu cao (mặc dù trên hình thức thì có vẻ đứng trên lợi ích của NCS). Nhưng câu hỏi đặt ra trong 2 câu chuyện vừa kể: Tại sao NCS rất quan tâm và ‘dám chịu chi’ cho các cuộc hội thảo mặc dù có chuyện xui dại mình rất dễ nhận ra như trên ?
  Ngoài lý do chính thống đã nêu, còn những lý do rất tế nhị: Những vị được mời rất có thể đóng vai ủy viên hội đồng trong tương lai, thậm chí là phản biện kín (biết đâu đấy). Nếu ‘quan hệ’ tốt với lãnh đạo cơ sở đào tạo thì chính những vị xui dại NCS sẽ được chỉ định mời phản biện (kín hoặc hở) và mọi việc sẽ OK!  Còn người lãnh đạo cơ sở đào tạo chẳng chịu trách nhiệm gì, chẳng mất gì mà luôn luôn được ‘ca ngợi’ là người năng động, có khả năng thu hút liên kết các nhà khoa học vào công tác đào tạo TS , tạo ra ‘Sân chơi’vui vẻ cho các nhà khoa học! Nếu nhà khoa học nào tỏ ý chê trách rất có thể bị loại khỏi cuộc chơi!
   Đúng như GS Cống nhận định: “Nếu căn cứ vào quy chế, quy trình đào tạo thì mọi khâu đều rất chặt chẽ, rất nghiêm chỉnh, khó tìm ra sơ hở, nhưng cứ nhìn vào thực tế mới biết các lỗ thủng lớn đến mức nào” . Và nghĩ kỹ, tôi phải đồng tình với đề nghị GS Cống rằng: Cần phải loại bỏ những Hội Đồng Gà Mờ theo nghĩa không đủ tố chất về đạo đức và kiến thức chuyên môn.
N.T.B

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét