Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

20160611. LƯƠNG ĐẢNG, ĐOÀN CHIẾM BAO NHIÊU % GDP ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
CẦN 'KHOÁN 10' ĐỂ GIẢM GÁNH NẶNG 11 TRIỆU NGƯỜI ĂN LƯƠNG NHÀ NƯỚC
Lê Thọ Bình pv PHẠM CHI LAN/ Viettimes 9-6-2016
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan


VietTimes -- “Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy. Đã đến lúc cần có một “khoán 10” trong việc giảm số người ăn lương nhà nước mới có nguồn để đầu tư phát triển đất nước”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.


Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy như vậy!
Bà Phạm Chi Lan nói: “Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.
Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.
Như vậy, chúng ta thấy 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức này.
Hàng năm trung bình chi thường xuyên của Việt Nam ở mức 68-69% tổng chi ngân sách, có lúc lên đến 72% tổng chi ngân sách. Năm nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt chi thường xuyên có ít hơn đôi chút, nhưng vẫn ở con số 65%. Khoảng 30% dùng để trả nợ. Đầu tư cho phát triển năm nay chỉ vào khoảng 17%.
Đội ngũ công chức, viên chức của chúng ta đông như vậy, nhưng theo nhiều người thì chất lượng lại không cao. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào? 
- Khi còn ở cương vị Phó thủ tướng Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”. Tôi bổ sung thêm là 30% nữa là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Khi còn là Bộ trưởng Bộ TT&TT ông Lê Doãn Hợp còn thêm: “30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ”.
Vấn đề cải cách hành chính, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ NSNN đã nhiều lần được nói tới. Tuy nhiên qua 4 lần cải cách, số CBCC không những không giảm mà còn phình to hơn. Chẳng lẽ chúng ta bó tay?
- Tôi hỏi nhiều người là liệu có thể giảm biên chế được không, họ đều nói là không thể giảm được.
Chỉ có một cách thôi. Đó là bỏ hẳn biên chế đi. Chuyển sang chế độ hợp đồng lao động. Đây không phải là vấn đề gì mới mẻ. Trong vòng 20 năm trở lại đây các chuyên gia đã nói nhiều rồi. Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển. Cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở luật công chức mới. Thay vào “biên chế suốt đời” phải xác định vị trí, việc làm trên cơ sở đó đặt chuẩn cho người làm việc ở vị trí ấy.
Trong chế độ công chức hiện đại, công chức khi vào một vị trí nào đó, họ phù hợp với vị trí ấy về trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn của họ. Chúng ta phải hướng tới một nền công vụ hiện đại như vậy. Nhiều nước người ta đã làm như vậy rồi. Ví dụ như từ những năm 2000, New Zealand đã thực hiện rồi. Họ chỉ có hợp đồng công chức chứ không có biên chế suốt đời. Thậm chí, từ cấp Thứ trưởng trở xuống cũng chỉ hợp đồng thôi.
Một nền hành chính công vụ hiện đại, chuyên nghiệp phải bảo đảm được sự năng động, thay đổi, không phải “anh” vào công chức rồi thì cứ ung dung “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” cũng chả ai làm gì được.
Nếu thực hiện được như bà nói thì quỹ lương sẽ được phân bổ như thế nào, theo bà?
- Thực hiện chế độ khoán quỹ lương gắn với giao nhiệm vụ. Ví dụ: Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Vụ trưởng, Cục trưởng cần bao nhiêu người thì ký hợp đồng bấy nhiêu, ai giỏi trả lương cao họ sẽ làm, không giỏi thì tự bỏ, hoàn thành nhiệm vụ mới trả lương, không thì không trả, như vậy chỉ có cán bộ giỏi, không có cán bộ yếu kém. Và như vậy thì cán bộ giỏi mới không bỏ cơ quan ra làm cho các Công ty tư nhân hay Công ty nước ngoài.
Thủ trưởng cơ quan toàn quyền quyết định việc lương cao hay lương thấp. Nếu nhiệm vụ giao không hoàn thành thì xuất toán. Như thế thì con ông cháu cha, hay ê kíp này nọ cũng không quan trọng nữa, miễn là cạnh tranh lành mạnh, thi nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hội đoàn phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kinh phí
Thưa bà, ai cũng biết các tổ chức chính trị, tổ chức đoàn thể, hội, hiệp hội cũng đang là “gánh nặng” cho NSNN, nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận “gánh nặng” đó như thế nào. Bà có thể cho biết khái quát được không?
- Theo Dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 được Bộ Tài chính công khai trên website của bộ này thì, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới 1.503,740 tỉ đồng, gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (92,435 tỉ đồng); Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng); Trung ương Hội LHPN Việt Nam (158,685 tỉ đồng); Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng); Hội CCB Việt Nam (80,830 tỉ đồng); Tổng LĐLĐ Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đây mới là phần thông tin chi cho các hội, đoàn thể được công khai. Còn rất nhiều hội đặc thù, ở cả Trung ương và địa phương cũng được ngân sách tài trợ một phần, nhưng chưa được công khai trong dữ liệu của Bộ Tài chính, từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đến Hội Đông y, Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Người mù và rất nhiều hội đoàn khác.
Một trong những nghiên cứu hiếm hoi về ngân sách cho các hội, đoàn thể của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ngân sách (ước tính) chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho toàn bộ khối này, tức là lớn hơn dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ NN&PTNT (khoảng 11.000 tỉ đồng), một bộ được coi là siêu bộ, gần gấp đôi ngân sách của Bộ Giáo dục và Bộ Y tế, chỉ thua Bộ LĐTB&XH, và Bộ Tài Chính.
Nghiên cứu này cũng ước tính, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP. Hầu hết các hệ thống hội đoàn, trong đó đặc biệt là các tổ chức chính trị- xã hội, được tổ chức theo mô hình hành chính, có biên chế, nhà cửa, trụ sở, xe cộ, với hệ thống tổ chức và mô hình hoạt động hầu như không thay đổi từ thời bao cấp đến nay.
Tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới 1.503,740 tỉ đồng 
Để giảm gánh nặng cho NSNN, đồng thời cũng “trả lại” vai trò thực chất của các tổ chức đoàn thể, hội, hiệp hội như thời kỳ ban đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương là “Hội đoàn thể thành lập trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động”. Theo bà, phải chăng đã đến lúc phải nghiêm túc thực hiện chủ trương này?
-Từ nhiều năm nay các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã đặt ra những yêu cầu xác đáng về chuyển các hội đoàn thành những tổ chức tự nguyện, phục vụ nhu cầu của các nhóm cộng đồng. Hội đoàn phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động, bằng cách gây quỹ từ cộng đồng, tìm tài trợ, hội phí. Nhà nước có thể tài trợ một phần kinh phí hoạt động, nhưng là tài trợ dựa trên các tiêu chí rõ ràng và minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh và xét đến hiệu quả hoạt động của từng hội đoàn cụ thể.
Ở nhiều quốc gia khác các tổ chức chính trị có thể phải khai thuế và nộp nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách, hoặc phải dựa vào nguồn thu được cung cấp từ khu vực xã hội dân sự.
Đã đến lúc chúng ta phải quyết tâm thực hiện cho được vấn đề này, nhất là trong bối cảnh nợ công đang ngày càng gia tăng, nguồn thu lại eo hẹp, hết sức khó khăn, chi thường xuyên lại ngày một gia tăng.
Nếu thực hiện điều này thì sẽ có hàng triệu cán bộ của các khối đoàn thể, hội, hiệp hội mất việc làm. Liệu đây có là “áp lực chính trị” đối với xã hội không, thưa bà?
Cán bộ khối đoàn thể cũng giống như những CBCC ở các tổ chức nhà nước khác thôi. Tại sao CBCC thì giảm biên chế được mà cán bộ của khối đoàn thể thì không? Nếu họ thực sự là vì Đảng, vì dân, vì đất nước thì họ phải biết hy sinh quyền lợi của mình như những công dân khác. Còn đương nhiên, khi chuyển sang chế độ tự chủ như vậy phải có lộ trình để các tổ chức này thích nghi dần với việc không còn được bấu víu vào “bầu sữa” NSNN nữa. Để thực hiện được vấn đề này phải có một quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng.
Ở thời điểm cực kỳ khó khăn về lương thực thì ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (thường gọi là khoán 10) đã làm nên bước đột phá trong nông nghiệp nước nhà, từ chỗ thiếu ăn Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn. Có thể nói hiện nay chúng ta cũng đang ở thực trạng của những năm 80 về thu, chi NSNN. Liệu chúng ta có cần một “Khoán 10” trong giảm bộ máy hưởng lương từ NSNN?
- Ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nhận được quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước.
Bộ Chính trị, Trung ương đã đánh giá một cách toàn diện và thực chất vấn đề về đội ngũ CBCC, viên chức của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần đẩy mạnh, đẩy nhanh hơn nữa cuộc cải cách này. Nợ công tăng cao, nguồn thu đang gặp rất nhiều khó khăn, đầu tư thì thất thoát lớn… Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để Đảng và Nhà nước ta tiến hành cải cách một cách triệt để công cuộc CCHC và giảm số người hưởng lương từ NSNN và có nguồn từ NSNN. Và rất có thể, cần một “Khoán 10” như đã nói.
Xin cám ơn bà!

VEPR: NGÂN SÁCH CHI 14.000  TỶ ĐỒNG MỖI NĂM 'NUÔI' CÁC TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ
THANH THANH LAN/VnEx 10-6-2016
vepr-ngan-sach-chi-14000-ty-dong-moi-nam-nuoi-cac-to-chuc-doan-the
Tổng chi phí xã hội cho các tổ chức quần chúng công ước tính khoảng 1,7% GDP, trong đó riêng ngân sách Nhà nước phải bỏ khoảng 14.000 tỷ - gấp đôi dự toán cho Bộ Giáo dục, Y tế và gấp 5 cho Khoa học Công nghệ. Ảnh Lê Hoàng.
Báo cáo ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công được nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy các đơn vị này được phân bổ lượng ngân sách lớn, hưởng nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả hoạt động vẫn còn bỏ ngỏ. Theo đó, VEPR đã nghiên cứu, hệ thống hóa toàn cảnh sử dụng ngân sách của 6 tổ chức quần chúng công gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và Công đoàn.
Như vậy, nếu so với dự toán chi tiêu năm 2016, số tiền ngân sách "nuôi" các tổ chức này thậm chí còn nhiều hơn hẳn con số 11.366 tỷ đồng cho Bộ Nông nghiệp và gấp đôi số chi dự tính cho Bộ Y tế, Bộ Giáo dục. Thậm chí, nếu so với các ngành như Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Khoa học Công nghệ, số tiền này còn lớn gấp 5 lần.Các tổ chức trên được nhà nước bao cấp hoặc hỗ trợ bằng ngân sách, và hưởng nhiều đặc quyền từ vị trí của mình trong xã hội. Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, toàn bộ chi phí xã hội cho các tổ chức này tương đương 1-1,7% GDP của cả nước. Cụ thể, chi phí kinh tế của xã hội cho hệ thống các tổ chức quần chúng công hằng năm dao động từ 45.600 tỷ đến 68.100 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách Nhà nước ước khoảng 14.023 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo đánh giá của VEPR, cơ chế phân bổ ngân sách cho hệ thống này vẫn chưa cụ thể, đặc biệt là ở hệ thống hội đặc thù. "Việc quyết định hội nào được nhận hỗ trợ từ nhà nước chưa có nguyên tắc rõ ràng, chưa có tiêu chí thống nhất, dễ dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch, công bằng trong việc phân bổ ngân sách", các chuyên gia của VEPR nói.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế càng lớn, chi cho các tổ chức quần chúng công càng nhiều. Điều này có thể xuất phát từ thực tế rằng khoản chi này phụ thuộc vào mức thu, phân bổ ngân sách từ trung ương của địa phương đó. Quan sát cho thấy Hà Nội và TP. HCM là vùng có số lượng chi cho các tổ chức quần chúng công lớn nhất.
Không chỉ vậy, VEPR cũng nhìn nhận, các tổ chức này đang rơi vào một quá trình Nhà nước hóa, hành chính hóa khá mạnh, thể hiện ở bộ máy biên chế cồng kềnh, thiếu linh hoạt, chồng chéo trong hoạt động. Thêm vào đó, mô hình tổ chức hoạt động còn chưa thích ứng với sự phát triển của xã hội, 
Do đó, nhóm nghiên cứu của VEPR đề xuất, cần xây dựng một Luật riêng về các tổ chức quần chúng công, hoặc một phần quan trọng trong Luật về hội nói chung. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần các tổ chức này công khai, minh bạch chi tiêu trong báo cáo tài chính trước ban giám sát và công chúng. "Cần phải có cơ chế giám sát, chất vấn hoạt động tài chính. Mặt trận tổ quốc Việt Nam, với tư cách là liên minh chính trị của các tổ chức trên, nên đảm trách nhiệm vụ này", các tác giả của báo cáo đề xuất.
Thanh Thanh Lan   

LẠI CHUYỆN TIÊU TIỀN NGÂN SÁCH

 * QUỐC PHONG/ TVN / BVB 26-6-2016
"Nhiều đoàn thể đã bộc lộ sự yếu kém, mờ nhạt" trong khi hoạt động của họ lại rất cồng kềnh... Thực tế này khiến nhiều người không khỏi có cảm giác những tổ chức ấy chỉ biết tiêu tiền ngân sách không phải không có lý.
Thông tin về dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 được công khai trên website của bộ Bộ Tài chính luôn thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt phần thông tin liên quan đến phân bổ ngân sách cho các đơn vị.
Cũng liên quan đến bài toán chi tiêu, mới đây Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã hoàn thành một nghiên cứu công phu. Nghiên cứu này cho biết, ngân sách quốc gia (ước tính) hàng năm phải chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho toàn bộ khối hội, đoàn thể.
Theo đó, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức bao gồm tất tần tật từ đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn hàng năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP.
Những con số này khiến tôi nhớ lại hồi năm 1999 khi có dịp sang Australia. Mục đích của chuyến đi là để tìm hiểu các đảng, hội bên đó hoạt động thế cách nào khi mà ngân sách không được chính phủ chu cấp.
Chúng tôi đã đến thăm trường đại học RMIT (The Royal Melbourne Institute of Technology). Ở cộng đồng này, tôi đã được tận mắt tiếp cận một hoạt động đoàn thể của cộng đồng sinh viên trường này với bao điều thú vị.
Chúng tôi đã ghé thăm một lớp học vào giờ ra chơi. Bất chợt, một cô gái trẻ xinh xắn bước lên bục giảng. Sau khi có lời xin lỗi các bạn còn chưa kịp ra chơi đã nói như một diễn giả sành điệu. Bạn ấy đang tranh thủ giờ nghỉ để vận động tranh cử chức Chủ tịch Hội Sinh viên nhà trường khoá tới. Quan sát, tôi thấy có người bỏ ra ngoài, nhưng nhiều người khác nán lại.
Tôi kể với với lãnh đạo nhà trường câu chuyện đó và được biết bạn đó là một ứng viên cho chức Chủ tịch Hội sinh viên trường, một hội đoàn hoạt động tự nguyện. Nếu tranh cử trong giờ hành chính thì rất khó vì sẽ đụng chạm tới thời gian biểu của mỗi người, chắc gì sinh viên đã mặn mà tham dự. Do vậy, từng ứng viên sẽ phải năng động tự tìm ra thời gian và cách thuyết phục người khác ủng hộ, bỏ phiếu cho mình. Người được chọn sẽ là người có khả năng thuyết phục cao nhất.
Tôi cũng được biết, những tổ chức như thế này, hoàn toàn không được cấp ngân sách hoạt động. Họ tồn tại bằng nguồn thu hội phí và nhiều cách tổ chức kiếm tiền khác nếu có dịp.
Câu chuyện này cũng khiến tôi chợt nhớ về một số hội đoàn của giới trẻ hiện nay ở ta. Sẽ không ngoa nếu ai đó nhận xét rằng, những tổ chức này chưa gọn nhẹ, còn cồng kềnh quá nặng về các hoạt động hình thức theo kiểu "cờ đèn kèn trống" không còn phù hợp với cuộc sống đổi mới ngày hôm nay.
Câu chuyện này cũng khiến tôi nhớ về một số hội đoàn của người lao động, của thiếu nhi, của phụ nữ, của người tiêu dung và cả hội đoàn của những người nông dân…..
Rõ ràng, với những gì chúng ta đã nhiều lần cùng nhau công khai mổ xẻ trên các diễn đàn chính thống thì đa phần các tổ chức này vẫn chưa làm được nhiều cho các hội viên của họ. Nhiều nơi chủ yếu hoạt động theo phong trào, chưa chủ động, chưa sáng tạo, chưa lấy lợi ích của hội viên làm trung tâm trong các hoạt động của tổ chức mình.
Bởi thế, tiến sĩ Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội mới phải cảm thán thốt lên rằng, "Vai trò của các đoàn thể chúng ta đã bộc lộ sự yếu kém, mờ nhạt" trong khi hoạt động của họ lại rất cồng kềnh... (theo VietNamnet)
Thực tế này khiến nhiều người không khỏi có cảm giác những tổ chức ấy chỉ biết tiêu tiền ngân sách không phải không có lý.
Chẳng phải đáng suy nghĩ lắm sao.
Q.P/TVN
---------
* Tin liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét