ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: Nguyễn Thị Từ Huy phỏng vấn cựu cán bộ ngoại giao Đặng Xương Hùng (RFA Blog 27 & 29-6-16)- Những “cơn giông” gia tăng trên Biển Đông (TVN 30/6/2016)-Vụ cá chết hàng loạt và lòng tin của nhân dân? (BVN 30/6/2016)-Kính Hòa/ RFA-Nên công khai về hợp tác biển Việt-Trung (BVB 30/6/2016)- Đỗ Viết Đào/ BBC/BS-Phải chăng có "kích động, phá hoại"? (BVB 30/6/2016)-Gia Minh/ RFA-
- Trong nước: Giải pháp chống tệ nạn con ông cháu cha (MTG 26-6-16) - Bộ trưởng Thông tin kiêm ghế tuyên giáo (BBC 29-6-16) - “Tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân…” (ANTG 29-6-16) -- P/v Phạm Thế Duyệt-Việt Nam tìm hiểu kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của Nga (ĐĐK 29-6-16)-Giảm nhân sự 'ký gửi' mới tinh giản được biên chế (TVN 29/6/2016)-Tang lễ cấp cao phi hành đoàn Casa 212 (VNN 30/6/2016)-Trang bị 100 xe đặc chủng cho CA bắt cướp ở Sài Gòn (VNN 30/6/2016)-
- Kinh tế: Đại gia giàu nhất Việt Nam lần lượt dắt nhau làm nông nghiệp (Zing 28-6-16) Tỷ phú làm nông nghiệp: Ồ ạt ra mắt, âm thầm tháo chạy(Zing 29-6-16)- Vinalines mất đến 15.000 USD/ngày cho các tàu thua lỗ (TBKTSG 29-6-16)- Lao động trẻ em mưu sinh giữa Thủ đô: Những độc chiêu của “cái bang” (TP 13-6-16)-
- Giáo dục: Đã đến lúc Bộ Giáo dục cần có nghiên cứu nghiêm túc về dạy thêm, học thêm (GD 28-6-16)- Công bố quốc tế có khó? (TS 28-6-16) - Nhà báo Hữu Thọ (1932 – 2015): Trí thức không vô can (ĐĐK 28-6-16) -GS Nguyễn Đình Tứ - người sáng lập và phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam (ND 26-6-16)- Ký túc xá miễn phí ở Hà Nội “ế ẩm” sĩ tử (VNN 30/6/2016)-Thi THPT quốc gia: Có thể thanh tra đột xuất hiệu trưởng (VNN 30/6/2016)-
- Phản biện: Tham nhũng quyền lực (BVB 26/6/2016)-Nguyễn Vạn Phú/TBKTSG-Dân phải biết ơn Đảng? * (BVN 30/6/2016)-Nguyễn Tiến Trung-Chuyện kể của một cựu nhân viên Bộ ngoại giao VN (Phần 1) (BVN 30/6/2016)-Nguyễn Thị Từ Huy-Việt Nam là tỉnh của Trung Quốc? (BVN 30/6/2016)-Đoàn Hưng Quốc-Chuyện cái xe - cái miệng và … cái thằng (BVB 29/6/2016)-Xuân Dương/GDVN-Vì sao Talawas đóng cửa? (BVB 29/6/2016)-Mặc Lâm-Cha con Nguyễn Văn Chi-Nguyễn Xuân Anh và duyên nợ Trung Quốc (BVB 29/6/2016)-Lê Anh Hùng/ BS/ RFA-
THAM NHŨNG QUYỀN LỰC
NGUYỄN VẠN PHÚ/ TBKTSG/ BVB 26-6-2016
Nói đến tham nhũng phần đông mọi người nghĩ ngay đến tiền - vàng - đô la, những món có thể trao tay nhanh chóng dễ dàng. Chính vì thế mới có người đề nghị từ nay chỉ in tiền có mệnh giá nhỏ, dưới 20.000 đồng như một biện pháp chống tham nhũng!
Tuy nhiên, chính tham nhũng quyền lực mới là một dạng tham nhũng phổ biến nhất, ở nhiều tầng nấc nhất và cũng khó chống nhất.
Trong các vụ việc cha bổ nhiệm con hay nói cho đúng cha tạo điều kiện để con được bổ nhiệm vào những vị trí rồi cũng có quyền lực thì dù cho có đúng quy trình, dù luật pháp chưa lường hết để ngăn chặn thì các vụ việc như thế chính là biểu hiện của sự tham nhũng quyền lực.
Cán bộ nhà nước, ở bất kỳ cương vị nào, cũng được Nhà nước trao cho một số quyền lực để hành xử chức trách Nhà nước giao phó. Bất kỳ ai lạm dụng cái quyền lực đó để tư lợi, sử dụng cái quyền lực đó không cho công việc mà cho chính bản thân mình hay gia đình mình, người đó đang tham nhũng quyền lực.
Và trong thực tế đâu chỉ có chuyện lạm dụng quyền lực một cách trực tiếp, dễ bị phát hiện. Cảnh sát giao thông thổi phạt người vi phạm luật giao thông nhưng bỏ túi vài trăm ngàn chứ không lập biên bản là một dạng tham nhũng quyền lực cò con, dễ bị phát hiện. Phức tạp hơn sẽ có sự đổi chác để quyền lực được ban phát cho một bên nhìn qua thì không hưởng lợi gì nhưng sẽ được đổi lại để từ một nơi khác quyền lực lại ban phát một cách “vô hại”. Hai cái “vô hại” như thế rồi sẽ tự “cân đối” lợi ích cho nhau - từ đó mới đẻ ra nhóm lợi ích!
Chính vì thế con đường cha bổ nhiệm cho con chỉ là một bước trên đại lộ tham nhũng quyền lực gián tiếp; nó có thể đơn giản là số cổ phiếu được chia hay quyền mua cổ phiếu, quyền mua căn hộ, đến phức tạp hơn một chút là dàn xếp học bổng cho con cái đi học ở các trường đắt tiền ở nước ngoài. Từ đó đến có tên trong các danh sách như kiểu hồ sơ Panama đâu có gì là xa.
Tình trạng tham nhũng này ai cũng thấy, ai cũng lên tiếng tỏ rõ quyết tâm muốn dẹp. Giải pháp cũng có nhiều, kể cả chuyện in tiền mệnh giá nhỏ... Nhưng kết quả cụ thể chưa được bao nhiêu trừ một số vụ được phát hiện gần đây.
Con đường đơn giản nhất để chống lại tham nhũng nằm ngay trong khái niệm đưa ra ở đầu bài: quyền lực. Nếu không có quyền lực, người ta không thể tham nhũng và cũng chẳng ai chạy chọt với kẻ không có quyền lực.
Nhưng Nhà nước cũng không thể vận hành nếu không trao quyền cho cán bộ để thay mặt Nhà nước mà hành xử. Vì thế con đường duy nhất là kiểm soát quyền lực - tức là trao quyền lực nhưng quyền lực đó sẽ bị giám sát chặt chẽ từ nhiều phía. Thứ nhất phải loại bỏ hết mọi “ngoại lệ”, tức dùng các biện pháp không có trong hệ thống luật pháp để can thiệp vào sự vận hành của bộ máy công quyền. Hiện nay tính song trùng của bộ máy tạo ra những khe hở mang tính can thiệp như thế và làm vô hiệu hóa các công cụ kiểm soát luật định.
Thứ hai phải hiểu vai trò giám sát của người dân thông qua báo chí không phải là chuyện muốn thì làm, không muốn thì gia giảm. Đó là một cơ chế mà nhân loại đã dày công xây dựng thì phải để nó phát huy tác dụng.
Tính giám sát lẫn nhau của, chẳng hạn, đại biểu Quốc hội chất vấn việc bổ nhiệm sai luật; bên tòa án không màng đến sự can thiệp của ông chủ tịch tỉnh để vẫn xử công minh một ông phó chủ tịch tham ô... phải được tôn trọng. Các chỉ đạo loại như thủ trưởng cơ quan hành chính bảo bên tòa phải xử mạnh tay vào là hỏng cái tính giám sát lẫn nhau đó.
Tinh thần của kiểm soát quyền lực nói cho cùng là sự bắt buộc của một cơ chế, trong đó từ cấp cao nhất tự đặt mình dưới những ràng buộc giúp bản thân mình và bộ máy bên dưới có muốn tham nhũng quyền lực cũng không làm được. Và sự thành công của việc kiểm soát quyền lực phải dựa vào việc xây dựng luật lệ, cơ chế, thể chế để ai nấy dựa vào đó mà hành xử chứ không phải chỉ dựa vào đạo đức của người đứng đầu.
Nguyễn Vạn Phú/(Thời Báo KTSG)
'TIÊU CỰC, THAM NHŨNG TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ SẼ LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI NGUYÊN NHÂN..."
PV PHAN ĐĂNG/ ANTG 29-6-2016
Ông Phạm Thế Duyệt trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng.
Câu chuyện một phó chủ tịch UBND tỉnh gắn biển xanh - biển công vụ vào một chiếc xe Lexus cá nhân đã tạo nên nhiều thông tin không hay trên các diễn đàn báo chí, dư luận những ngày qua. Nhưng có lẽ câu chuyện này chỉ là bề nổi của một vấn đề quan trọng hơn: Bệnh hình thức, xa rời quần chúng của người cán bộ? Và, những lỗ hổng đây đó trong quy trình thiết kế, bổ nhiệm cán bộ trong bộ máy tổ chức của chúng ta?
- Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng: Thắng lợi cũng đầy nước mắt
- Bản lĩnh trong chống tiêu cực, tham nhũng
- Tập trung chống tiêu cực, tham nhũng
Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng đã mang cả hai câu hỏi này tới ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường vụ, thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và phải nói đã được lắng nghe những lý giải hết sức chí lý, tâm huyết, chân thành và thấm thía của ông.
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông, theo quan sát của tôi thì có nhiều quan chức chỉ vừa nghỉ hôm trước, hôm sau đã lên tiếng chỉ trích ngay cả những vấn đề mà khi tại vị chính mình cũng đã không giải quyết, lại có những quan chức khi nghỉ cũng lại bàng quan và thờ ơ, không quan tâm tới các vấn đề thời sự nóng hổi trong xã hội. Còn với ông, thực sự là mỗi khi được nghe ông, bằng kinh nghiệm và hình như là cả trái tim mình đã phân tích, lý giải các vấn đề như thế, cá nhân tôi thấy rất cảm động. Và phía sau sự cảm động, quan trọng hơn là một niềm tin tiếp tục được gìn giữ, một niềm tin không thể mất đi...
- Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi xác định là dù ở bất cứ vị trí, cương vị nào, khi làm công tác ở Tổng Công đoàn, ở Hà Nội, cơ quan Đảng và Mặt trận Tổ quốc; hay bây giờ, khi đã về nghỉ... thì lúc nào cũng thấy có trách nhiệm. Bây giờ tôi đang là Đảng viên của Chi bộ số 5 Thợ Nhuộm (ông Phạm Thế Duyệt ở phố Thợ Nhuộm, Hà Nội - PV). Tám năm nay, tôi chưa bỏ buổi sinh hoạt Đảng nào ở chi bộ mình. Tham gia sinh hoạt để được hiểu biết, lắng nghe nhiều tình hình mới, và có gì thì đóng góp với Đảng....
- Ông có thấy những Đảng viên ở chi bộ mình bàn tán gì về vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang không ạ?
- Chẳng riêng gì vụ việc này mà cả các vụ việc khác trong xã hội cũng luôn được mọi người quan tâm. Mà cũng chẳng riêng gì phải đợi tới họp chi bộ, mỗi buổi sáng tôi đi tập thể dục thể thao ở bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi cũng được nghe người ta bàn tán sôi nổi.
- Có bao giờ ông chú ý đến những lời bàn tán như thế không ạ? Ý chủ đạo của nó là vui, buồn, hay...?
- Tôi thấy ai cũng vui vì cuộc sống bây giờ hơn hẳn trước; nhưng còn nhiều trăn trở, tâm tư. Người ta bất bình với những hiện tượng tham nhũng, sống không minh bạch, giàu có một cách không chính đáng... Người ta hay nghĩ ngợi nhiều, nói nhiều đến vấn đề xuống cấp của đạo đức xã hội. Ở đấy, tôi gặp cả những người suốt đời đi theo Đảng, nhưng bây giờ thì trăn trở với những vụ việc tiêu cực của một số Đảng viên của Đảng.
- Và họ đều nhận ra ông chứ?
- Rất nhiều người cùng tập biết tôi. Có người biết đi đằng sau tôi họ vẫn nói đổng, chửi đổng người này, người khác, nghĩ mà đau lắm.
-Thì họ bảo: "Số cán bộ tiêu cực chúng nó sướng, chúng nó thế này thế nọ thế kia...". Tôi nghe mà thấy buồn. Một là, những người chửi đổng kia, tôi để ý họ đều 60, 70 tuổi rồi. Không biết họ có phải là Đảng viên không, nhưng họ lớn tuổi rồi, vậy mà lại chửi đổng như thế thì không hay. Hai là, thực tế trong Đảng vẫn còn những người sống có nhiều biểu hiện bất minh, gây tai tiếng, khiến người ta bực dọc, phê phán.
Tất nhiên, những người nói đổng, chửi đổng kia không phải lúc nào nói cũng đúng cả, và không phải cái gì họ cũng biết hết, biết đúng, nhưng phải thấy thời buổi thông tin bây giờ khác trước rồi. Sự phát triển của mạng xã hội khiến có nhiều điều bây giờ không thể giấu giếm được.
- Bây giờ thì tôi muốn hỏi cụ thể câu chuyện một vị phó chủ tịch tỉnh lấy biển xanh gắn vào xe riêng, trong câu chuyện cụ thể này, có phải ám ảnh biển xanh - ám ảnh hình thức - ám ảnh sang trọng với người lãnh đạo đã phát triển tới mức cao rồi chăng? Ông đã và đang ngồi xe biển xanh, không biết ông có thể nói cảm giác của mình khi ngồi trong xe biển xanh như thế nào được không ạ?
- Chẳng qua theo chế độ quy định thì mình được ngồi loại xe gắn biển ấy để đi làm việc thôi. Và chỉ thế thôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mình to, mình bé, hãnh diện hão huyền khi ngồi trên các xe gắn biển loại này. Tôi luôn nghĩ, được gánh vác công việc mà Đảng và Nhà nước giao thì càng phải chú ý giữ gìn, không bao giờ dám vênh vang... Có khi đi bộ đi làm nếu cơ quan ở gần nhà (thời kỳ tôi công tác ở Tổng Công đoàn). Tuy nhiên tôi cũng không bao giờ lấy suy nghĩ cũ để rồi cho rằng thời buổi bây giờ cũng phải thế. Vì bây giờ mối quan hệ rộng, cả trong và ngoài nước, cho nên cũng phải giữ tư thế người lãnh đạo. Nghĩa là cũng phải ăn mặc, đi đứng lịch sự, tránh sao đừng lố quá là được.
- Vâng, đừng lố quá...
- Về với quê hương, thăm hỏi bà con nông dân, đâu có nhất thiết phải ăn mặc sang trọng! Đến nhà máy với công nhân, có hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ thật không hay chỉ nghe báo cáo rồi về? Tôi nhớ, năm 1983, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng tôi về mỏ Mạo Khê, đồng chí đã yêu cầu 33 quản đốc các phân xưởng lên cùng họp, báo cáo để đồng chí hiểu được cuộc sống thực của công nhân mỏ, chứ không phải nghe giám đốc báo cáo.
Mỗi khi tôi về vùng than, tôi đều xuống tận hiện trường của mỏ xem anh em sản xuất và khai thác, về với các công ty cao su thì đến tận nơi xem anh em cạo mủ cao su ra sao, đến từng nhà để tìm hiểu đời sống công nhân như thế nào… Làm những việc đó không phải là đóng kịch, mà bắt nguồn từ những tình cảm máu thịt, từ trong lòng mình. Từ đó báo cáo với Trung ương những chuyện cụ thể nhất, ví dụ như trước đây công nhân mỏ khi tan ca ra tắm còn thiếu từng bánh xà phòng, công nhân nữ cao su thiếu vải màn vệ sinh hàng tháng...
- Một khi người lãnh đạo mang tư tưởng gần dân, và thực sự có những hành động gần dân thì biển xanh - biển trắng đúng là không còn quan trọng gì nữa. Nhưng ông có nghĩ rằng, cùng với thời gian, với những đặc điểm của cuộc sống thời mở cửa, số lượng những nhà lãnh đạo gần dân, sát sao với dân có vẻ ít đi phải không ạ?
- Mỗi thời mỗi khác, nên so sánh cũng khó, ví dụ như trước đây ai dám nói đến kinh tế tư nhân, nhưng bây giờ thì kinh tế tư nhân được chấp nhận, coi trọng rồi. Tôi nhớ, năm 1986, khi đi dự Đại hội Liên hiệp Công đoàn thế giới ở Berline, thì người ta phê phán, đả kích các tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia ghê lắm, nhưng bây giờ thì khác rồi. Thời tôi làm Bí thư thành ủy Hà Nội, từ 1988 - 1996, 5 năm đầu vẫn phải đem cặp lồng cơm đi ăn trưa. Bây giờ chẳng nhẽ lại bảo anh em lãnh đạo cũng phải sống thế mới là quần chúng sao? Không thể thế được!
Nhưng vấn đề là bất luận ở thời kỳ nào và hoàn cảnh nào thì người lãnh đạo cũng phải nhìn vào cuộc sống của dân để điều chỉnh cuộc sống của mình. Và bất luận ở thời nào cũng không thể chấp nhận người lãnh đạo lại lợi dụng cơ hội để thu vén cá nhân. Cho nên, đổ lỗi cho đổi mới, đổ lỗi cho hội nhập, cho kinh tế nhiều thành phần để biện minh cho những việc làm sai trái của mình thì không thể chấp nhận được.
- Đảng ta không bao giờ chấp nhận những con người như vậy, phải không ông?
- Đúng vậy, Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân trước đây, bây giờ còn là đội tiền phong của cả nhân dân lao động và dân tộc nữa. Đã là đội tiền phong thì phải nêu gương tốt đẹp, chứ tiền phong mà lại lợi dụng chức, quyền để hà lạm của công, rồi chạy chức, chạy quyền thì không thể được.
Hồi tôi làm Chủ tịch Tổng Công đoàn, khi đó còn bao cấp, vẫn phải nhắc nhở các cấp công đoàn kiểm tra các cửa hàng bán thịt xem có cân điêu, cân sai không; xem việc phân chia sử dụng quỹ phúc lợi trong các xí nghiệp có công khai, đúng đắn không,… Những chuyện như thế giờ không phải làm nhưng lại dựa vào "đổi mới" để làm những việc trái lòng dân thì hoàn toàn không được, phải phê phán.
Bác Hồ mất năm 1969, ngay lúc đó Đảng ta đã nêu khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại”, chứ có phải đến bây giờ chúng ta mới nêu cao khẩu hiệu học tập theo gương Bác.
- Trong câu chuyện cụ thể của đồng chí Trịnh Xuân Thanh, không chỉ gắn biển xanh vào xe riêng, chúng ta thấy trước đây, đồng chí ấy đã từng đảm nhiệm những vị trí khác nhau ở Bộ Công thương, và công luận đã nêu về việc đồng chí ấy chưa hoàn thành tốt các công việc đó, vậy mà sau đó lại được luân chuyển đến ghế phó chủ tịch của một tỉnh. Ông có suy nghĩ gì?
- Tôi rất mong là đồng chí ấy hãy tự giác. Mình là Đảng viên, là cán bộ, phải hết sức trung thực. Đồng chí ấy cần xem ở các vị trí đã qua mình có những khuyết điểm gì? Có ham thăng quan tiến chức không, ở trên có ai thân tình nâng đỡ, gợi ý, giao nhiệm vụ cho mình này, nọ không?... Rồi cả cái xe có giá trị 5-6 tỷ đồng nếu của riêng mình thì nguồn tài chính ở đâu mà có? Đồng chí ấy mà tự giác báo cáo với tổ chức thì rất tốt, không chờ phải cấp nào kiểm tra.
- Chúng ta đều biết là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo 9 cơ quan kiểm tra, kết luận vụ việc này. Cá nhân tôi nghĩ, một vụ việc như thế mà để đồng chí Tổng Bí thư phải chỉ đạo thì có vẻ như hệ thống kiểm tra, thanh tra, giám sát của các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã làm chưa tốt, nếu không muốn nói là chỉ làm hình thức?
- Tôi nhất trí với ý đó. Để Tổng bí thư phải giải quyết, phải chỉ đạo xử lý thì đấy đúng là việc bất đắc dĩ. Vì trước đó, Bộ Công thương, Cấp ủy địa phương, các cơ quan giúp việc Bộ chính trị, Chính phủ đã không làm tốt nên mới phải như vậy.
Thời tôi còn làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khi bầu cử Quốc hội khoá XI (tháng 2-2002), chúng tôi đã từng phân tích và đề nghị loại 3,4 đồng chí mà Trung ương đã giới thiệu ra khỏi danh sách ứng cử và cuối cùng họ đã bị đưa ra khỏi danh sách để bầu cử Quốc hội khóa XI. Bây giờ, cán bộ như thế mà vẫn cho là tốt; nào là khu dân cư nhận xét tốt, cơ quan nhận xét tốt, lại luân chuyển vào diện lãnh đạo tỉnh nhưng khi phát hiện ra thì cái gì cũng thấy có khuyết điểm....
- Cái đó là sự suy luận. Nhưng nếu ta đã đánh giá cán bộ sai, cái gì cũng cho là tốt, đâu cũng đánh giá là tốt, thì người cán bộ đó có thể còn được đề bạt, cất nhắc lên. Mà lên nữa thì hoàn toàn bất lợi cho Đảng.
- Tuy nhiên nếu cán bộ mắc khuyết điểm, không bị phát giác và loại bỏ kịp thời thì lỗi ấy không phải chỉ mình họ?
- Bộ máy tổ chức, kiểm tra của bộ chủ quản, của tỉnh uỷ địa phương, và cả những người trực tiếp ký văn bản để những người như vậy đảm nhiệm chức vụ cũng phải thấy lỗi sai của mình.
- Thưa ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi việc kiểm tra, kết luận vụ việc của đồng chí Trịnh Xuân Thanh như một việc "cần làm ngay". Ông có suy nghĩ gì về việc này?
- Đây là điều rất cần thiết, cần phải làm. Chúng ta nhớ lại "những việc cần làm ngay" của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngày trước. Tôi tin là sẽ có tác động mạnh trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhưng bên cạnh quyết tâm, khát vọng của đồng chí Tổng Bí thư, của Đảng lần này thì chúng ta cần biến quyết tâm thành khát vọng của cả hệ thống chính trị, của mọi Đảng viên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hãy nhớ lời căn dặn đầu tiên của Bác trước lúc đi xa chính là: việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, rồi sau đó Bác mới nói đến thế hệ trẻ, đời sống của người dân, sự nghiệp chống Mỹ, tình hình quốc tế, và cuối cùng là phần về mình ra đi thì nên như thế nào. Cho nên, phải tiến hành xây dựng chỉnh đốn Đảng thành công để lúc nào dân cũng tin ở sự lãnh đạo của Đảng.
- Chúng ta cần “sự chỉ đạo" của đồng chí Tổng Bí thư và quyết tâm, khát vọng thật sự của cả hệ thống chính trị như ông nói vì Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng đã chỉ rõ “có một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên đang suy thoái về phẩm chất đạo đức, chính trị, tư tưởng, lối sống, quan liêu, tham nhũng, xa dân..”.
- Tôi suy nghĩ thêm rằng "bộ phận không nhỏ" này không phải là số ít, mà “số ấy” lại là những người có chức có quyền, gây tham nhũng, tiêu cực, xa dân, thoái hoá, biến chất, chỉ lo thu vén cho mình thì thật nguy hiểm.
Suy nghĩ kỹ có hai điều tôi không thể coi là bình thường, và không thể yên tâm được. Một là, cả nước có cấp ủy nào đã lãnh đạo thành công và chỉ ra được những vụ tham nhũng, tiêu cực từ trong đấu tranh của cấp uỷ chưa? Tôi chưa thấy ở đâu biểu dương được một Đảng bộ chống tiêu cực, tham nhũng tiêu biểu; hay có cá nhân đồng chí bí thư cấp ủy nào đã gương mẫu nhất trong cuộc đấu tranh này.
Hai là, năm 2015 vừa qua, Đại hội thi đua yêu nước, trong khi chúng ta coi tham nhũng, tiêu cực đang là nguy cơ đe doạ Đảng, đe doạ chế độ, là "giặc nội xâm", thế mà Đại hội thi đua yêu nước các cấp từ dưới lên chưa suy tôn được tổ chức, cá nhân nào tiêu biểu để khen thưởng trong lĩnh vực này. Đánh giá như thế thì sao mà yên tâm được..
- Xin hỏi thật ông, thời ông làm lãnh đạo Hà Nội ngày xưa, có ai tới gặp ông để chạy chức chạy quyền, hoặc nhờ vả này nọ gì không?
- Người ta có thể tinh vi này nọ mình không biết, nhưng về cơ bản là rất ít thấy. Tôi nói là ít, chứ không dám nói là không có. Ví dụ như, có lần người này người kia đã được nâng lương không đúng quy trình, tôi đã yêu cầu anh em phải sửa lại. Còn họ đến với tôi để tâng bốc, nhờ vả đề bạt thì không có đâu
- Nhưng trong tư cách lãnh đạo, ông có quyết liệt với những dấu hiệu tiêu cực của các cán bộ quanh mình không?
- Hồi ấy tôi thường vẫn hay đề nghị cụ Phạm Khắc Quảng làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội rằng, trong hội nghị Hội đồng Nhân dân thành phố, chỉ mong cụ đại diện cho mặt trận chỉ ra được ở quận nào, huyện nào của thành phố có những vị lãnh đạo chính quyền sống xa dân, lãnh cảm, thờ ơ, không có trách nhiệm với dân, để dân kêu ca phàn nàn,.... Tôi tự thấy phải có trách nhiệm lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ của Hà Nội, của Trung ương. Tôi đã cố gắng làm như vậy.
- Trở lại với những vấn đề bây giờ, không biết ông có nghe câu vè: "Thứ nhất quan hệ/ Thứ nhì tiền tệ..." ?
- Không, phải thế này: "Thứ nhất tiền tệ/ thứ nhì quan hệ/ thứ ba hậu duệ/ thứ tư trí tuệ". Câu đó dẫu chỉ là một tiếng nói vang lên ở Quốc hội khóa XIII, nhưng rất đáng suy nghĩ đối với những người đang làm công tác cán bộ hiện nay. Những vụ tham ô, tham nhũng ở Vinashin, Vinaline .... đều rất xót xa, vì nó làm thất thoát tiền bạc, của cải của dân. Nhưng tôi nghĩ nếu để xảy ra tham nhũng tiêu cực trong vấn đề sử dụng, cất nhắc cán bộ là cực kỳ nguy hiểm, vì đấy mới chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
- Bây giờ thì ông đã nghỉ hưu, nhưng chắc là ông vẫn gặp những lãnh đạo Đảng, Nhà nước đương thời, vậy có khi nào ông chuyển tải tới những vị lãnh đạo đương nhiệm của chúng ta những điều như ông vừa chia sẻ trên đây không?
- Có chứ. Lúc gặp các đồng chí có trách nhiệm cao trong Bộ Chính trị, tôi đã thẳng thắn phản ánh tình hình với các đồng chí đó. Có lúc tôi nói, những đơn thư nặc danh này nọ thì có thể tạm gác lại; nhưng với những đơn, kiến nghị có ký tên rõ ràng thì các đồng chí cần tìm hiểu và giải quyết đúng sai cho tới nơi tới chốn.
Tôi chỉ ước ao làm sao đội ngũ cán bộ của ta miệng nói học tập và làm theo Bác thì thực tế hãy làm theo Bác. Hãy sống cần, kiệm, liêm chính; chí công vô tư, và lấy dân làm gốc...., tất cả những cái đó chúng ta đừng chỉ thuộc lòng mà phải hành động.
Chúng ta phải làm và cần làm từ trên xuống dưới, từ trong Bộ chính trị Ban Bí thư, đến các cấp ủy Đảng của các tỉnh, thành phố, các Đảng - đoàn, ban cán sự Đảng các Bộ, các tổ chức chính trị xã hội. Nếu chúng ta làm mạnh, biết dựa vào nhân dân để làm, chắc chắn cả 4 triệu Đảng viên và nhân dân cả nước sẽ làm theo, sẽ vô cùng tin yêu, ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng.
- Xin cảm ơn ông!
Phan Đăng (thực hiện)
CHA CON NGUYỄN VĂN CHI-NGUYỄN XUÂN ANH VÀ DUYÊN NỢ TRUNG QUỐC
LÊ ANH HÙNG/ BS/ BVB 29-6-2016
Phố Trung Quốc ở Đà Nẵng
Cụ Lê Hiền Đức là một người tích cực đấu tranh chống tham nhũng và luôn sát cánh cùng bà con dân oan. Cụ là một trong hai người được tổ chức Minh bạch Quốc tế trao Giải thưởng Liêm chính năm 2007. Những việc làm vì dân vì nước của cụ khiến cụ giành được sự kính trọng của rất nhiều người, kể cả giới chức cấp cao trong chính quyền Việt Nam.
Vậy nhưng, trong cuộc trao đổi qua điện thoại với cụ hôm 18/6 vừa qua, sau câu hỏi bất nhã “Bác có liên quan gì về quyền lợi ở Đà Nẵng không?”, viên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tiếp tục tỏ ra rất hỗn với cụ khi phát ra những câu như “Già rồi biết gì mà ý kiến” hay “Bọn phản động lôi kéo cụ à?”.
Thái độ hỗn xược của viên Bí thư Đà Nẵng đối với một người vừa đáng tuổi bà anh ta vừa được xã hội kính trọng khiến dư luận rất bất bình. Điều này trái ngược với câu phát biểu đi vào lòng người của anh ta mới chỉ cách đấy một tháng là: “Phải làm sao để người dân cảm thấy được tôn trọng và phát biểu ý kiến của mình” (!!!).
Lối hành xử thiếu văn hoá của vị “quan phụ mẫu” trẻ tuổi đứng đầu Đà Nẵng khiến không ít người phải lo âu khi dõi theo những gì đã và đang diễn ra tại thành phố biển chiến lược này.
Vấn nạn Trung Quốc ở Đà Nẵng
Vài hôm trước đó, dư luận đã phẫn nộ trước việc một du khách Trung Quốc ngang nhiên đốt tiền Việt Nam trong một quán bar ở Đà Nẵng rồi thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Vụ việc xẩy ra trong bối cảnh đồng nhân tệ ngày càng được sử dụng làm phương tiện thanh toán công khai ở Đà Nẵng, khiến dư luận phải đặt câu hỏi là phải chăng chính quyền Đà Nẵng đã bị Trung Quốc điều khiển?
Đà Nẵng là địa bàn hết sức quan trọng trong chiến lược phòng thủ quốc gia của ViệtNam. Cả Pháp và Mỹ khi đưa quân sang Việt Nam đều chọn đây làm nơi đổ bộ đầu tiên. Đà Nẵng cũng đã lọt vào đôi mắt cú vọ của người Trung Quốc từ lâu, và họ đã và đang tìm đủ mọi cách để thiết lập căn cứ vững chắc tại đây. Việc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hạ cánh xuống Đà Nẵng ngày 15/11/2006 để mở đầu cho chuyến thăm chính thức Việt Nam hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.
Bà Lê Hiền Đức, người phụ nữ kiên trì
chống tham nhũng và bảo vệ công lý
chống tham nhũng và bảo vệ công lý
Đà Nẵng cũng là một trong những tỉnh thành ven biển đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế (đặc biệt là du lịch và ngư nghiệp) và môi trường từ vụ đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Vũng Áng đầu tháng Tư vừa qua. Và giữa lúc cá vẫn tiếp tục chết la liệt dọc theo bờ biển Miền Trung thì hình ảnh Bí thư Nguyễn Xuân Anh cùng một loạt lãnh đạo thành phố tắm biển tại bãi biển Đà Nẵng sáng 1/5 khiến cộng đồng mạng được một phen bàn tán sôi nổi. Giống như hình ảnh tương phản giữa lời nói và việc làm qua vụ tai tiếng với cụ Lê Hiền Đức nêu trên, hầu hết mọi người đều coi hành động của anh ta là mị dân, thậm chí là vô trách nhiệm trước sức khoẻ và tính mạng của người dân, khi nhà chức trách vẫn chưa làm rõ nguyên nhân thảm hoạ. Hiểm hoạ Trung Quốc lớn nhất ở Đà Nẵng hiện nay là Silver Shores Đà Nẵng, một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và sòng bài nằm bên bờ biển và trước mặt sân bay quân sự Nước Mặn, do một công ty ma ở Hồng Kông đội lốt công ty Mỹ đầu tư. Ngoài diện tích dự án rộng tới 30ha, người Trung Quốc thông qua trung gian người Việt còn thâu tóm được hàng trăm lô đất xung quanh khu vực đặc biệt nhạy cảm về an ninh quốc phòng này để kinh doanh đủ thứ dịch vụ. Khách du lịch Trung Quốc kéo sang đây ngày càng nhiều và nườm nượp đổ về khu “Chinatown” mới vốn chỉ chuyên phục vụ người Hoa và không tiếp người Việt này.
Oái oăm thay, cả hai vấn nạn Trung Quốc mà ngài Bí thư trẻ tuổi đang phải đối mặt lại đều liên quan mật thiết đến một người mà thế gian này khó có ai cảm thấy thân thuộc như ông ta: cựu Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi.
Ông Nguyễn Văn Chi đã làm những gì mà để lại món nợ Trung Quốc nặng nề đến vậy cho quý tử của mình?
Che chắn cho trùm tham nhũng Nguyễn Bá Thanh
Sinh thời, cựu Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh là một trùm tham nhũng tại Đà Nẵng. Nhờ sự che chắn hết mình của cái ô khủng Nguyễn Văn Chi nên ông ta mặc sức tung hoành như một chúa tể ở đây. Thậm chí, ông ta còn bất chấp đạo lý đến mức chỉ đạo đưa Thiếu tướng Trần Văn Thanh (nguyên Giám đốc Công an Đà Nẵng) ra toà xét xử ngay cả khi viên tướng đang bị tai biến và có hai bệnh viện xác nhận là không đủ sức khoẻ để tham dự phiên toà vào ngày 20/7/2009. Mặc dù vậy, viên thiếu tướng công an vẫn bị đưa đến toà trên xe cứu thương trong tình trạng hôn mê, thở ô xy và phải truyền dịch, mà lý do là vì ông đã dám chỉ đạo điều tra một vụ tham nhũng liên quan trực tiếp đến ông Nguyễn Bá Thanh.
Cặp bài trùng Nguyễn Văn Chi – Nguyễn Bá Thanh phối hợp với nhau hết sức ăn ý, mà việc Nguyễn Xuân Anh được đưa từ báo Thanh Niên về Đà Nẵng và ngồi lên chiếc ghế Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Tp Đà Nẵng tháng 8/2006, mở đường cho hoạn lộ vô cùng hanh thông của Bí thư Đà Nẵng hiện nay, là một minh chứng điển hình. Chỉ 5 năm sau, Nguyễn Xuân Anh đã trở thành phó chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước dưới trướng ông vua con Nguyễn Bá Thanh.
Và Nguyễn Bá Thanh chính là một trong những thủ phạm đầu têu của hiểm hoạ Trung Quốc mang tên Silver Shores Đà Nẵng. Ông ta đã bất chấp tất cả để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư “made in Trung Nam Hải” này: cho thuê 30ha đất mặt biển ngay trước mặt một sân bay quân sự, với thời hạn lên tới 70 năm, vượt quá 20 năm so với luật định; cho đưa hàng nghìn người từ Trung Quốc sang thực hiện dự án; miễn giảm thuế đến mức tối đa; tác động để các ngân hàng địa phương rót tiền vào dự án…
Nhờ sự “bảo kê” của Nguyễn Bá Thanh mà Silver Shores mặc sức tung hoành ở Đà Nẵng: toàn bộ khâu thiết kế, thi công, giám sát dự án đều do người Trung Quốc đảm trách; người Việt Nam, kể cả báo chí, không được phép bén mảng tới khu vực dự án; các toà nhà toàn được đúc bằng bê tông cốt thép cực kỳ kiên cố, với nhiều tầng hầm dưới mặt đất.
Những vấn đề liên quan đến người Trung Quốc tại Đà Nẵng bắt đầu nở rộ kể từ khi “tiểu quốc” Silver Shores của Đại Hán ra đời ở đây vào năm 2006. Và thảm trạng đó có “dấu ấn” rất rõ nét của ông trùm Nguyễn Văn Chi.
Viết lại báo cáo thẩm tra lý lịch cho một người Hán trá hình
Năm 2001, do có nhiều đơn thư khiếu nại và tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thẩm tra việc khai man lý lịch của ông Hoàng Trung Hải. Ban Tổ chức Trung ương giao cho Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương (BVCTNB) tiến hành thẩm tra và lãnh đạo Ban BVCTNB quyết định thành lập đoàn thẩm tra do ông Nguyễn Bình Giang, Phó ban Thường trực, làm trưởng đoàn.
Sau khi làm việc với Thành uỷ và Công an Hải Phòng, Tỉnh uỷ và Công an Thái Bình, Tổng Cục Chính trị QĐNDVN và một số cơ quan chức năng, Đoàn Thẩm tra của Ban BVCTNB đi đến kết luận: Ông Hoàng Trung Hải là người Hoa vì bố ông ta tên là Sì Sói, sinh ra và lớn lên ở Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc.
Tuy nhiên sau đó, một số lãnh đạo chóp bu đã ép Ban BVCTNB viết lại báo cáo, với nội dung hoàn toàn không đúng bản chất vụ việc. Ông Nguyễn Bình Giang đã khảng khái từ chối yêu cầu đó. Và người đứng ra viết bản báo cáo mới về kết quả thẩm tra lý lịch ông Hoàng Trung Hải chính là ông Nguyễn Văn Chi, bấy giờ là Trưởng ban BVCTNB.
Nhờ thành tích “đổi trắng thay đen” đó, tại Hội nghị Trung ương 7 khoá IX tháng 1/2003, ông Nguyễn Văn Chi được bầu bổ sung vào Ban Bí thư và tiếp quản chiếc ghế Trưởng ban Kiểm tra Trung ương đầy quyền uy.
Và nhờ bản báo cáo do ông Nguyễn Văn Chi chấp bút, ông Hoàng Trung Hải từ chỗ bị nhiều người khiếu nại, tố cáo bỗng chốc trở thành “đảng viên trong sạch” và hoạn lộ của ông ta cứ thế thênh thang. Ông ta trở thành Bộ trưởng Công nghiệp từ tháng 8/2002 ÷ 7/2007, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế từ 8/2007 ÷ 4/2016, lọt vào ban lãnh đạo tối cao Đảng CSVN tại Đại hội XII trước khi trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội từ tháng 2/2016 đến nay.
“Di sản” của ông Hoàng Trung Hải sau 14 năm nắm giữ những chức vụ trọng yếu nhất trong chính phủ cũng sặc sụa mùi Tàu như bản lý lịch của ông ta, mà một trong số đó chính là hiểm hoạ quân sự – kinh tế – môi trường mang tên Formosa Hà Tĩnh, thủ phạm của đại thảm hoạ môi trường mà quý tử của ông Nguyễn Văn Chi cũng như nhân dân Đà Nẵng đang phải vật lộn đối phó.
Dĩ nhiên, Silver Shores Đà Nẵng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngài Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế. Báo Công an Đà Nẵng ngày 14/1/2010 đưa tin: “Nhân chuyến làm việc tại TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến thăm và kiểm tra tình hình triển khai Dự án Khu Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt 5 sao Silver Shores Hoàng Đạt với vốn đầu tư 86 triệu USD, đang được xây dựng tại bãi biển Bắc Mỹ An thuộc địa bàn P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn…”
Vài lời với ông Nguyễn Xuân Anh
Thưa ông Nguyễn Xuân Anh, các dân oan Cồn Dầu, một “di sản” khác mà ông Nguyễn Bá Thanh để lại cho ông, có thể không có mối “liên quan” rõ rệt nào với cụ Lê Hiền Đức, nhưng việc thân phụ ông xử lý vấn đề Hoàng Trung Hải cũng như việc ông giải quyết các vấn nạn Trung Quốc hiện nay ở Đà Nẵng lại liên quan vô cùng thiết thân đến mọi người dân Việt Nam.
Nếu ở Việt Nam có ai đó phản động theo nghĩa “phản dân, hại nước” như ông muốn nói với cụ Lê Hiền Đức thì ngài cựu Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi chính là một trong số đó. Hơn thế, cha ông không phải phản động một cách khó hình dung, mà đích thị là một trong những kẻ “rước voi về dày mả tổ”. Ông ta đã trở thành một tội đồ của nhân dân, của lịch sử, và không thể làm gì để thay đổi điều đó được nữa. Gánh nặng đó giờ đây được đặt lên vai ông. Ông hoặc là phải trả món nợ cho cha ông một cách sòng phẳng, hoặc là sẽ bị nó nhấn chìm.
Trong trường hợp ông có ý chối bỏ cả trách nhiệm chính trị lẫn nghĩa vụ đạo đức đó thì xin hãy nhớ lấy câu châm ngôn vận rất đúng vào mối duyên nợ giữa cha con ông với Trung Quốc là: “Ngày xưa quả báo thì chầy / Ngày nay quả báo một giây nhãn tiền!”
Lê Anh Hùng /Blog VOA/BS