Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

20160331. NỢ CỦA HOÀNG ANH GIA LAI

ĐIỂM BÁO MẠNG
HOÀNG ANH GIA LAI VÀ CÂU CHUYỆN QUẢN TRỊ
TBKTSG/ VNN 29/3/2016
hoàng anh gia lai, bầu đức, đoàn nguyên đức, chủ tịch hội đồng quản trị, ngân hàng họp kín, khoản nợ của HAGL
Khu phức hợp HAGL Myanmar Center tại Yangon, Myanma
Các ngân hàng chủ nợ của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, có mã niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM là HAG tuần trước đã ngồi lại với nhau ở Hà Nội, đồng ý sẽ tái cơ cấu một số khoản nợ cho Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, có mã niêm yết HNG - là công ty con của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.
Sẽ được tái cơ cấu nợ
HAG là công ty niêm yết có nợ trên vốn chủ sở hữu hơn gấp ba lần. Theo báo cáo tài chính hợp nhất cuối quí 4- 2015, HAG nợ khoảng trên 31.000 tỉ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 27.000 tỉ đồng. Nợ của công ty con HNG chiếm hơn 50% tổng nợ của HAG.
Việc chủ trì xử lý nợ của HAG được giao cho ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng là chủ nợ lớn nhất của HAG. Song, hiện các ngân hàng chưa quyết định cụ thể các khoản nợ sẽ được tái cơ cấu thế nào.
Lãi suất với nhiều khoản vay trong các năm trước của HAG là trên 11%/năm. Nay dự kiến HAG sẽ được giãn tiến độ trả nợ (thay vì trả trong năm năm có thể lên tới bảy năm) và lãi suất có thể giảm xuống 6,5-7% (với các khoản nợ đầu tư vào nông nghiệp, lĩnh vực được nhà nước khuyến khích). Nếu vậy thì HAG sẽ giảm được ít nhất cũng gần cả ngàn tỉ đồng chi phí lãi vay một năm.
Vì sao HAG cần được tái cơ cấu nợ? Vì nếu đưa các khoản vay này vào mục nợ có vấn đề trên bảng cân đối của các ngân hàng thì HAG sẽ phải chịu lãi suất phạt, tất nhiên cao hơn lãi suất thường và HAG đã khó sẽ càng khó hơn. Thứ hai, nếu một khoản nợ của công ty ở một ngân hàng bị đưa vào danh mục nợ xấu thì theo quy định, nợ của HAG ở tất cả các ngân hàng đều bị coi là nợ xấu. HAG sẽ không được vay tiếp từ các ngân hàng.
Bản thân các ngân hàng cũng căng thẳng vì chuyện này bởi tổng nợ của HAG ở các ngân hàng theo thống kê chưa đầy đủ lên tới trên 31.000 tỉ đồng. Đó là chưa kể những khoản vay được cho vay với danh nghĩa cho các cá nhân ở HAG vay.
“Các công ty Việt Nam phải sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều, sau một thời gian phát triển, thường trở thành mô hình công ty ông - bà - cháu hay tập đoàn vì hai lý do. Thứ nhất, các công ty con sinh ra để chạy dòng tiền, để dễ hoán đổi các khoản nợ và tài sản. Thứ hai, vấn đề đáng lo, là thường tài sản của các công ty đã được thế chấp tại ngân hàng để vay tiền lần thứ nhất, sau đó công ty được cổ phần hoá, cổ phiếu của công ty lại được mang đi thế chấp để vay tiền tiếp”, theo một chuyên gia ngân hàng.Vấn đề nợ của HAL khó xử lý bởi với quan hệ tín dụng lâu năm của HAG với các ngân hàng, không phải ngân hàng nào cũng “nỡ” bán tài sản HAG đã thế chấp để lấy tiền về trong tình hình HAG khó khăn. Thứ hai, việc giải chấp các tài sản này theo quy định của luật pháp khá rắc rối và đặc biệt, sẽ có sự chồng chéo bởi vì mô hình của HAG hiện đã tương tự mô hình tập đoàn.
Qua các sự việc gần đây như thương lượng gia hạn với chủ nợ trái phiếu, trì hoãn kế hoạch trả cổ tức năm 2014, giá cổ phiếu xuống quá sâu, một vài ngân hàng đã bán giải chấp cố phiếu... cho thấy việc tái cơ cấu nợ ngân hàng của HAG có vẻ như là “nước đến chân mới nhảy”.
Bất động sản: điểm sáng còn lại
Trên thị trường, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, được đánh giá là doanh nhân có nhiệt huyết, có ý chí. Tuy nhiên, khách quan mà nói ông Đức không gặp nhiều may mắn. Hồi ông “làm rừng” và trở nên nổi tiếng, tưởng chừng mọi việc thuận buồm xuôi gió. Có tiền, ông tiếp tục mở rộng sang trồng cao su, đầu tư bất động sản, khoáng sản, rồi tới nông nghiệp... Nhưng kinh doanh không phải con đường rải hoa hồng. Ông Đức động đến cao su thì cao su rớt giá, trong khi các doanh nghiệp đã làm cao su trước đó đều “ổn”. Ông làm khoáng sản thì không có đầu ra. Ông chuyển sang nông nghiệp thì cũng chưa có kết quả rõ rệt.
Điểm sáng duy nhất hiện nay của HAG là mảng đầu tư bất động sản với dự án khu phức hợp văn phòng, mua sắm, khách sạn và căn hộ cao cấp HAGL Myanmar Center có tổng mức đầu tư 440 triệu đô la Mỹ tại Yangon, Myanmar. Hiện dự án này đã cơ bản xong giai đoạn 1, gồm một trung tâm thương mại và hai khối văn phòng cho thuê cao 27 tầng với diện tích sàn xây dựng 192.000 mét vuông. Trả lời TBKTSG ngày 19-3-2016, ông Đức cho biết giá cho thuê bình quân của khu văn phòng và trung tâm mua sắm là 50 đô la Mỹ/mét vuông. Tính đến cuối tháng 2 vừa qua, tỷ lệ lấp đầy của trung tâm thương mại đạt gần 90%, số còn lại đang trong quá trình thỏa thuận cho thuê với khách hàng. Đối với khu nhà văn phòng, hiện 60% diện tích đã được ký hợp đồng và giữ chỗ. Khách sạn tiêu chuẩn 5 sao Melia với tổng số 429 phòng cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện những khâu cuối cùng, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối tháng 6 tới. “Hiện nay dự án đã có tiền về”, ông Đức tỏ ra khá lạc quan về dự án này.
Giai đoạn 2 của dự án tại Yangon gồm năm khối 28 tầng, 1.134 căn hộ và khu văn phòng cho thuê, có tổng vốn đầu tư 230 triệu đô la Mỹ. BIDV đã thỏa thuận nguyên tắc làm đầu mối thu xếp 35% giá trị tổng vốn đầu tư, theo thỏa thuận vừa được HAGL và BIDV ký tại Yangon cuối tuần qua.
Tuy nhiên, HAG từng có ý định bán đứt 50% khu phức hợp này, tức bán phần đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, HAG đang thương thảo để bán cho một nhà phát triển bất động sản lớn. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được HAG xác nhận.
Cần thay đổi cung cách quản trị
Các chủ nợ, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư cho rằng HAG cần ngay lập tức tái cấu trúc để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi và hiệu quả nhất. Đồng thời, cách thức, tổ chức quản trị công ty cần thay đổi.
“HAG cần những người quản lý chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và cập nhật các kỹ năng quản trị hiện đại, chứ không thể tiếp tục là nơi tập trung nhiều thành viên thân thiết và trong quản trị điều hành xen lẫn cảm tính như hiện nay”, lãnh đạo một ngân hàng nói.
“Báo cáo kết quả kinh doanh quí 4-2015 của HAG rất sơ sài và thiếu nhiều thông tin. Điều này làm giảm uy tín của doanh nghiệp. HAG cần những người quản lý chuyên nghiệp, đặc biệt có tầm nhìn về quản lý tài chính, có kỹ năng xử lý truyền thông”, một lãnh đạo ngân hàng khác chia sẻ.
“Cổ phiếu công ty rớt giá còn một phần tư mà chủ tịch hội đồng quản trị không đứng ra phát ngôn giải thích, trấn an nhà đầu tư, trong khi chỉ cần một cầu thủ của đội bóng bị đuổi thì ông ngay lập tức phát biểu trên báo chí”, một nhà đầu tư bức xúc.
Theo ông, điều đó khiến các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức lớn, các quỹ đầu tư chất lượng rời bỏ cổ phiếu của công ty từ vài năm trước. Cái cầu nối giữa hội đồng quản trị của công ty và các cổ đông chưa được chú trọng!
HAGL tạm thời còn cơ hội với các ngân hàng chủ nợ, song các câu hỏi đặt ra vẫn còn bỏ ngỏ, đặc biệt trước thềm đại hội đồng cổ đông. Hội đồng quản trị và ban điều hành sẽ làm gì để giảm nợ vay? Cổ tức của năm tài chính 2014 và 2015 sẽ được giải quyết như thế nào? Các thông tin về dòng tiền có được từ dự án khu phức hợp tại Yangon cần minh bạch và rõ ràng hơn...
Theo TBKTSG

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

20160330. BÀN VỀ "RÁNG LÀM NGƯỜI TỬ TẾ"

ĐIỂM BÁO MẠNG
HIẾN KẾ CHO NGÀI THỦ TƯỚNG LÀM NGƯỜI TỬ TẾ
LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 30-3-2016
Vậy là chỉ còn vài ngày nữa thôi ngài chính thức rời chính trường, rời quyền lực. Phải mất khá lâu đấy để ngài và các cộng sự của ngài có thể quen được với cái sự thật đáo để này, cái khoảng trống mênh mông này trước khi ngài tự khuyên ngài và các cộng sự về vườn của ngài: Ráng làm người tử tế.
Gã có lần nghe nhà văn Trần Công Tấn một người có mối quan hệ với không ít chính khách hàng đầu quốc gia kể rằng, khi còn quyền lực mỗi lần ngài Lê Đức Thọ vào Sài Gòn là kìn kịt quan chức xếp hàng tới chào. Nhưng khi hết quyền thì một lần bác nhà văn tới thăm ngẩn tò te vì sự vắng vẻ đến rợn người.
Gã nghe nhạc sĩ Trần Hoàn kể, ngài Hoàng Tùng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (cái chức của chú Võ Văn Thưởng bây giờ), hàng năm tết lịch biếu ngập nhà, đến mức người nhà phải đem cho và đem ra sân Hàng Đẫy bán cũng không hết. Ấy vậy mà vừa nghỉ, tết ông nhạc sĩ đương chức bộ trưởng bộ Văn hóa Trần Hoàn đến thăm thì ôi thôi thôi chả có tấm lịch biếu nào sất, ông bộ trưởng phải xúi các đơn vị dưới quyền của mình đem tặng lịch để ngài cựu trưởng ban khỏi tủi thân.
***
Còn bây giờ, gã xin dùng tài mọn của mình được hiến kế cho sự nghiệp “Ráng làm người tử tế” của ngài thành hiện thực, như sau:
1. Lập Qũy “Ráng làm người tử tế”.
Với cương vị của ngài sau 20 năm nắm quyền lực chính phủ, ngài thừa biết rất nhiều dòng tiền của nhân dân bị thất thoát đi đâu và vào túi ai. Ngài vận động những ai đó ấy tham gia làm thành viên của Qũy cùng những tùy lương tâm, tùy nhân quả, tùy để đức lại cho cháu con mà gửi lại phần nào Qũy “Ráng làm người tử tế” những tiền bạc, tài sản không phải của mình mà mình đã nhỡ chiếm đoạt.
Gã nghĩ, số tiền này sẽ không nhỏ. Xin ngài hãy dùng số tiền đó làm những việc tử tế như giúp đỡ những người dân oan sai bị tước đoạt quyền sống tử tế, giúp xây trường học tử tế cho trẻ vùng sâu vùng xa, giúp cho những trẻ nghèo bữa cơm có thịt, ngày rét có áo ấm, giầy ấm, v.v.
2. Luôn đứng bên những người dân oan thấp cổ bé họng để dùng ảnh hưởng truyền thông của mình và ảnh hưởng chằng chịt các mối quan hệ với người có quyền của mình để bảo vệ họ.
3. Luôn có mặt và hậu thuẫn cho các hoạt động yêu nước chống ngoại xâm của quần chúng.
4. Tập trung giúp cho con trai của ngài là Nguyễn Thanh Nghị, bí thư tỉnh ủy Kiên Giang lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho thật tốt, đưa đời sống người dân Kiên Giang thật sự tự do, giàu có, hạnh phúc.
***
Thưa ngài còn đương là đương kim thủ tướng, nếu ngài đọc được những dòng này của gã, mong ngài nhận ra được từ trong sâu thẳm của những hiến kế này là sự chân thành chứ không hề mỉa mai.
Gã như bao người dân lành đất nước này mong lắm lắm các ngài ơi đất nước có thêm nhiều người tử tế dù xuất phát họ là ai, ở đâu. Một dân tộc chỉ có thể là dân tộc tử tế nếu có nhiều người dân tử tế và những kẻ không tử tế luôn phải hãi sợ trước những người tử tế chứ không phải ngược lại.
Còn nếu ngài có buồn tình quê hỏi gã là ai, thì gã xin nhắc lại cho ngài một kỷ niệm ngài đã từng gặp gã.
Đó là một ngày biển Rạch Giá động. Gã từ cảng Hòn Chông, Hà Tiên về Rạch Giá, tới gặp ngài khi đó là chủ tịch tỉnh Kiên Giang kiêm trưởng ban phòng chống buôn lậu tỉnh. Ngài đang họp thường vụ tỉnh ủy. Gã đã trình bày sự thật khi chụp được hình bằng chứng tại cảng Hòn Chông những chiếc ô tô buôn lậu từ một chiếc tàu cắm cờ Singapore. Gã đã bị viên thuyền trưởng người Singapore phản ứng đòi lấy lại phim chụp vì bảo rằng gã không được quyền chụp hình tàu của ông ta. Gã trình thẻ nhà báo và nói rằng gã chụp toàn cảnh cảng Hòn Chông mà nước gã chủ quyền, trong đó có chiếc tàu đang neo đậu chứ không chụp riêng chiếc tàu.
Khi nghe gã nói thế, ngài đã nói nguyên văn câu như thế này, gã không thể quên:
- Sự thực trước tình hình khó khăn kinh tế này, tỉnh chúng tôi không buôn lậu thì lấy gì mà sống?
Gã đã lặng người đi trước câu nói ấy của ngài.
Đến bây giờ khi nhắc lại gã vẫn không hết cảm giác rùng mình. Nhưng gã nhận ra ở ngài toát lên một cái gì không uốn éo vòng vo mà rất thẳng. Lúc này vang lên trong gã câu nói của triết gia Hoa Kỳ Emerson: Cho dù hoàn cảnh có lừa lọc thế nào, hãy luôn thành thật với chính mình.
Ở thời điểm ấy ngài đã ghi được điểm với gã - sự thành thật.
Gã nói ở thời điểm ấy chứ không hề nói 20 năm sau khi ngài ở trên đỉnh cao quyền lực, vì 20 năm sau ấy gã không có điều kiện và cơ hội để tiếp xúc với ngài nên không thể biết sự thành thật có còn trong ngài nữa không.
Nhưng cái kỷ niệm ấy của gã trong một ngày biển Rạch Giá động dù sao cũng cho gã một niềm tin rằng lời chia tay trước quyền lực “Ráng làm người tử tế” của ngài là một lời đầy tâm trạng sâu nặng có cay đắng và quan trọng nhất là rất thật.
Chân thật chính là cánh cửa quan trọng nhất mở ra thế giới mới, an lành - thế giới của những con người tử tế.
L.T.V.
Nguồn: https://www.facebook.com/notes/lưu-trọng-văn/hiến-kế-cho-ngài-thủ-tướng-làm-người-tử-tế/1596599370665294
***
Và Bauxite Việt Nam xin mời bạn đọc suy ngẫm thêm một ý kiến từ một góc nhìn khác của nhà báo Trương Duy Nhất:
ÔNG DŨNG VÀ KHÁT VỌNG TỬ TẾ
clip_image002
Hôm nghe câu “ráng làm người tử tế” của ông Dũng trong buổi chia tay Chính phủ, tôi không tin ông lắm. Thiên hạ cũng vậy. Thấy dân tình sục sôi chửi, hơn là chia sẻ, cảm thông.
Nhưng hôm nay. Nghe ông tiếp tục nói về việc bổ nhiệm bác sĩ làm dự án, thì tôi tin ông. Rất có thể, khi đã về vườn rồi thì ông đã biết tự ngẫm, và có… khát vọng tử tế thật!
VOV dẫn nguồn ông nói:
“Không thể lấy thầy giáo, bác sĩ ở các nhà trường, bệnh viện đi làm ban quản lý dự án vì họ đâu có chuyên môn. Bệnh viện mà cứ lấy bác sĩ, cán bộ y tế đi làm ban quản lý dự án là hại anh em. Giáo dục mà trường nào lấy thầy giáo đi làm ban quản lý dự án thì còn khổ anh em nữa”.
Nói thế. Chẳng phải ông đã biết nhìn sự thể từ… chính ông sao? Xuất thân ngành y. Từ một “thằng y tá”, ông ngồi ghế Thủ tướng suốt 9 năm 10 tháng. Kể cả hai nhiệm kỳ Phó Thủ tướng, thì ông có đến gần 20 năm điều hành chính phủ.
Dù chỉ là một “thằng y tá”. Nhưng ông vẫn là Chủ tịch ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục – đào tạo, đồng thời là Chủ tịch hội đồng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Vậy nên. Rất có thể, ông đang biết ngẫm từ mình, và có khát vọng tử tế thật. Tôi tin thế.
Công tác nhân sự. Từ nay. Nên theo lời khuyên của ông, phải sửa theo hướng… tử tế hơn.
Đúng như ông nói. Anh em họ không có chuyên môn. Một “thằng” bác sĩ mà tống nó đi làm ban quản lý dự án thì không chỉ làm khổ anh em, mà còn có nguy cơ tiếp tục biến chúng thành một thế hệ X mới, một lũ X mới tiếp tục ăn tàn phá hoại, tan nát quốc gia.
Bác sĩ còn vậy. Huống chi một thằng y tá.
T.D.N.
HÓA RA KHI ĐƯƠNG CHỨC CÁC VỊ CHẲNG TỬ TẾ GÌ !?
BÙI VĂN BỒNG /BVB 30-3-2016
 “Chợ chiều. Hoàng hôn nhiệm kỳ. Thời gian vét. Cuối chặng. Chân dốc. Đoạn kết…” – đó là những cách dùng từ mà người ta thường ví von khi sắp hạ màn vở “Quan trường” gần suốt cuộc đời họ. "Con chim sắp chết tiếng kêu thương, người sắp chết lời nói phải". Nhưng ở đây, sắp hết ‘lộc quan trường’, không sợ, khỏi dè chừng ý tứ gì nữa,  mới nói ra những ‘lời phải’.
Hết nhiệm kỳ, sắp nghỉ, về làm dân như bao người khác, người ta thường mạnh dạn tung ra nhiều khái niệm mà lâu nay giấu kín. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, vậy coi như cái “nhất thời” sắp kết cục, về với “vạn đại”. Nhưng mới đây, từ bên chính phủ cho đến nghị trường Quốc hội, người ta nhắn nhe, khuyên nhau: “Về nghỉ, hãy làm người tử tế”. Thế hóa ra, khi đương chức người ta đã sống không tử tế? Ít thấy khi đương chức khuyên nhau: “Hãy sống cho tử tế, hãy làm việc cho tử tế”, bởi thực tế ít ai tử tế. Và chắc là họ cũng tự biết nghĩ: “Mình có tử tế đâu mà khuyên anh ta tử tế!”. 
                              >> Con người và sự tử tế   
            Do không tử tế, khi còn nhỏ và tuổi mới lớn học hành đã không tử tế. Cho nên chưa hết cấp 2 hoặc chưa hết tiểu học đã “đi theo cách mạng”, làm mọi việc: liên lạc, nấu bếp, nhặt củi, chăn bò, y tá …Rồi phấn đấu để có thành tích, vào Đoàn, rồi vào Đảng, phải luôn luôn tiến bộ (hoặc tỏ ra tiến bộ). Thành tích luôn luôn tạo ra sức bật, cho nên phải làm nhiệt tình, để có nhiều thành tích phải nỗ lực, phải nhiệt tình. Nhưng chưa đủ, dẫu nhiều thành tích, dẫu hăng hái chưa chắc tiến bộ nhanh, dễ gì làm lãnh đạo. Hiếm lắm. Vậy, phải biết nịnh, biết chiều cán bộ phụ trách trực tiếp, “được lòng chỉ huy, được tất cả”. Họp hành không phát biểu, ‘mười bốn cũng ừ mười tư cũng gật’, dại gì phê bình để mất lòng cấp trên, rồi ban chấp hành, cấp ủy thêm ghét, không được coi là ‘nguồn’, không được cất bước, không được quan tâm, có khi còn bị đì, bị trù úm, ghét bỏ. Những "phần tử" này thường mặc định cho mình cách sống cơ hội, thực dụng, vụ lợi, trí trá, rằng "Dễ mình dễ ta", rằng "Đấu tranh tránh đâu"... Những "phần tử' này lấy đâu ra chính kiến, bản lĩnh, dũng khí? Coi như “im lặng là vàng”, làm việc ất ơ, lơ mơ gặp chăng hay chớ, công việc bê trễ, nhút nhát không dám quyết đoán, sợ sai. Con rùa nhờ có tài rụt cổ thì lại có tật đi chậm!
            Riết rồi nên quen, sự khôn lỏi trong lối sống, cách sống, nếp sống hình thành cái lối “mồm mép đỡ chân tay”. Cái anh làm quần quật, thực sự hăng hái, nhiệt tình, có trách nhiệm, chẳng hay ho gì, mệt. Làm giỏi, làm hay nhưng thường phê phán chỉ huy, góp ý chi bộ thì cứ lính trơn hoài, đâu dễ được  lòng chỉ huy mà mong được cử đi học chính trị, được cất nhắc này, kia. Không cần học, không cần tu luyện nâng cao năng lực, không quan trọng cả phẩm chất đạo đức, cứ biết nịnh nọt, ton hót, ngon ngọt, kể cả chạy chọt, miễn là vào được 'nguồn phát triển' thì kiểu gì cũng 'chơi'!  Sự không tử tế cũng vì thế mà trở thành ‘nghệ thuật tiến thân’. 
          Nịnh hót, quà cáp, chiều ý, thậm chí biết tuyên truyền lấp liếm khuyết điểm cho thủ trưởng, khen thủ trưởng, lại lên nhanh. Ít học, lúc đầu không bằng ‘đồ tép riu’, nhưng do các ‘thủ thuật sống’ như vậy, cứ lên vòn vọt. Xã, lên huyện, lên tỉnh, lên bộ, lên Trung ương, rất thuận đường thăng quan tiến chức ‘bổng lộc thênh thang đường hoạn lộ’. 
             Nhưng cái lối sống cơ hội thực dụng này thường có hai mặt. Trước mặt thủ  trưởng đương quyền thì ca ngợi lên mây, khi thủ trưởng hết quyền thì 'đá phắt', chê bai đủ điều, khỏi vòng cong đuôi, lôi chuyện xấu của thủ trưởng cũ ra tố cáo, làm quà nịnh thủ trưởng mới. Thế có tử tế không? Với đồng chí đồng đội còn không tử tế, thì với dân lấy đâu ra sự đối xử tử tế? Cho nên, phá nát bộ máy, hệ thống nhanh nhất là bọn cơ hội chính trị, lũ 'cá nhân chủ nghĩa', sống chỉ biết thực dụng.
            Tất nhiên, để được vậy phải mồm mép đỡ chân tay, phải biết lợi dụng, che giấu để không lộ cái dốt, cái trình độ chỉ i-tờ, rồi khi cần bằng cấp thì chạy bằng, khi cần ‘bôi trơn’ thì chạy tiền, khi cần nhiều phiếu bầu thì đi vận động, lấy lòng cho khéo, đâu cần nhậu, cần chi phải tự biết cách. Có chức lại phải có tiền, để ‘tiền gọi chức, chức sinh ra tiền’. Tiền nào của ấy, những chức danh, cương vị ký cót dễ sinh lợi cho cá nhân, dễ hốt tiền lại phải lo mà 'chạy tiền', miễn là ngồi đúng ghế, lấy sau bù trước. Có ghế rồi phải biết tận dụng mọi cơ hội 'lấy thu bù chi', còn tích lũy thêm nhiều để có vốn lớn 'tái chạy chọt mở rộng'.
            Đi lên bằng thủ đoạn, biết tận dụng mọi cơ  hội, chớp thời cơ mà tiến tới, khi chức quyền ở vị thế có thể hái ra tiền (bằng chữ ký, bằng các thủ đoạn lừa lọc, tráo trở cũng không quản ngại, mà cần dấn tới, có lợi là bất chấp, làm cho kỳ được, ...), thì trước hết phải biết hài lòng cấp trên, phải tạo ra nhóm lợi ích để che chắn, bảo kê cho nhau. Bệnh thành tích cũng từ đó mà ra, thành tích cũng là thứ vốn rất cần để tiến thân, 'đánh bóng' để lên lương, lên cấp chức. Đó là cái nôi sinh ra mọi báo cáo láo dối trên lừa dưới, mị dân.
           Lòng tham sinh ra tội ác, sinh ra đủ thứ thủ đoạn, sinh ra nhiễu nhương đời sống xã hội, kìm hãm sự phát triển tiến bộ, văn minh của xã hội. Lòng tham không có giới hạn, chức quyền càng lớn lòng tham càng dày. Do lòng tham, việc gì không mang lợi ích cho bản thân, gia đình, phe nhóm của mình thì không làm. Cho nên, có chức, có danh mà bỏ bê nhiệm vụ chức trách, chiêu tập chung quanh những 'đám' đệ tử nịnh nọt, ton hót, gian dối, và cũng tham như mình. Khốn một nỗi là trong đảng số lãnh đạo như vậy không ít, đã thành "Bộ phận lớn - không nhỏ"như Nghị quyết Hội nghị TW 4, khóa 11, đã đánh giá, suy thoái, biến chất, tham nhũng, vi phạm pháp luật và coi thường dân chủ, hống hách, quan liêu, cửa quyền, lấy thủ đoạn làm 'phương pháp sống'.
             "Kỷ luật hết lấy ai mà làm việc"; "không tham nhũng, lấy tiền đâu chạy chức" - Nguyễn Sinh Hùng.
            Cuộc đời của những quan tham thời nay mang danh  “đi theo đảng làm cách mạng", hô khẩu hiệu "Vì dân, vì nước" là thế, gọi là tử tế sao được? Dù sao, từ những suy tư và nỗi lòng, các vị khuyên nhau chân tình vậy cũng đáng khích lệ, đã không tử tế, nay phải sống tử tế (nhé!). "Các đồng chí phải ráng làm người tử tế", phải 'ráng' kia đấy, nhưng khó, già cả rồi, tre già khó uốn, cái tật thường lớn hơn cái tuổi!
BVB

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

20160329. NỖI SỢ VÀ THỦ ĐOẠN CỦA QUAN CHỨC KÉM ĐỨC, KÉM TÀI

ĐIỂM BÁO MẠNG
NỖI SỢ  CỦA LÃNH ĐẠO DỐT, THAM, THIẾU TỰ TIN, KHÔNG BẢN LĨNH
BÙI VĂN BỒNG / BVB 27/3/2016
Tại sao lãnh đạo thường có thói quen‘cứ theo nếp cũ mà làm’, ngại, sợ đổi mới, bởi họ thấy sự ổn định đang có ấy thực sự có lợi cho chính bản thân họ và nhóm lợi ích của họ. Nếu gọi đó là biểu hiện của ‘chủ nghĩa cá nhân’ cũng không sai. Có vẻ như mâu thuẫn, nhưng là thực chất: lãnh đạo không xứng tầm thường rất sợ đổi mới, rất sợ sự phát triển cao của khoa học-công nghệ và sơ cả sự phát triển cao trình độ dân trí. ‘Ngu dân để trị’ cũng là cách thức của nhiều vị vua chúa. Dân chủ thường là khái niệm xa lạ mà những vị lãnh đạo coi đó như sự rung dọa quyền lực của mình.
Chẳng qua lãnh đạo thấy mình còn kém khôn, chỉ số IQ còn quá thấp. Động cơ của họ là phải để cho ‘ngu dân’ thì sự nhận ra yếu kém của lãnh đạo, mặt trái của chế độ mà họ đang trọng trách trị vì ít ai thấy, và mong họ chỉ biết tôn sùng lãnh đạo. Còn nữa, dân trí thấp, hiểu biết chính trị-pháp luật của người dân kém, không nên phổ quát nâng cao trình độ hiểu biết cho dân, sẽ ít có những phản biện, phản bác làm lộ cái sai, cái yếu kém của lãnh đạo…Bởi, họ tự thấy khả năng  nhận thức, khả năng quản lý của họ chỉ đến vậy, cao hơn nữa họ không theo kịp, sợ (do đó) mất uy tín ‘nhà lãnh đạo’! Thế nên, cứ ‘ngựa quen đường cũ’, theo ‘nền nếp cũ’ mà làm, sẽ được an toàn, sẽ giữ được ‘ổn định chính trị’ hiệu quả nhất cho cái ghế trị vì của họ. Hơn nữa, tính ‘bảo thủ công trình’ mang đậm nét cá nhân cũng không kích ứng họ chịu và dám thay đổi. Nhà (người) lãnh đạo tự mình đã vạch ra con đường tiến triển nào đó cho xã hội thường rất tin tưởng và tự hào, nếu thay đổi nó sẽ coi như ‘công trình trí tuệ’ bị phá vỡ. Tâm lý ‘người đặt nền móng’, người nổi tiếng, động cơ mang ‘dấu ấn lịch sử’ thường dẫn tới tư duy bảo thủ, giáo điều. Họ cũng đủ khôn để nhận ra rằng: Sự phát triển cao của khoa học-công nghệ là một trong những nguyên nhân đe dọa vị thế cầm quyền của họ. Nay, nhiều lãnh đạo chủ chốt từ Trung ương đến bộ, ngành, cơ sở trình độ còn quá thấp so với mặt bằng giáo dục đào tạo chung, không thể theo kịp thời đại. Văn hóa nhiều vị chưa hết cấp 2, các văn bằng chỉ là sự ‘ban thưởng’ của chính sách, sự chạy chọt bằng nhiều thủ đoạn nhằm hợp thức hóa hồ sơ, lý lịch,  đủ tiêu chuẩn để có cấp chức, những văn bằng rởm, thực chất trình độ, nhân cách, phong cách, văn hóa giao tiếp, lối sống của họ còn quá kém, chưa xứng tầm ngồi ở ghế chức quyền ấy.
>> Cái sướng được làm lãnh đạo 
>>  Quan chức Việt ngồi nhiều: Ẩn ý của người Mỹ  
   Những lãnh đạo mà tâm và tầm chỉ đến thế lại rất sợ dân chủ. Tiếng nói dân chủ là 'khắc tinh' của họ. Họ ngán ngại, thậm chí thù ghét, thưởng 'để mắt coi chừng' những người có trình độ cao hơn, đạo đức hơn, hiểu biết hơn, nhất là lại biết rõ về họ và có khả năng 'ngồi thay'  vào ghế quyền lực của họ. Những tiếng nói dám phê phán, phản biện thường bị quy chụp là 'động cơ chống đối'; là 'thế lực thù địch'; không khéo, biết đâu lại 'diễn biến hòa bình', âm mưu lật đổ ...
Có những lãnh đạo rất bảo thủ, cực đoan, giáo điều,  “duy ý chí” mà tưởng mình giỏi. Như đã thành truyền khẩu: Ông Nguyễn Hữu Đợi – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu là người khá nổi tiếng không chỉ ở đất Nghệ Tĩnh. Ông nổi tiếng vì nhiều lẽ, nhưng cái lẽ được người ta biết đến nhiều nhất là bởi câu nói“Mo cơm, quả cà, tấm lòng cộng sản tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Chính từ đây mà ông trở nên nổi tiếng với câu khẩu hiệu “thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn” và cũng là cái để những đầu óc giáo điều, hay chưa tường tận gán cho ông cái mác “duy ý chí”. Thế, người ta mới nói:"Dốt nát cộng với nhiệt tình thành phá hoại”!
Lãnh đạo ngu dốt, thiếu tự tin, không bản lĩnh thường sinh ra bảo thủ, giáo điều, và cả tội ác. Do vậy, họ phải trang bị cho mình những ‘phép’ giữ ghế, tập trung chủ yếu ở 4 thủ cách như sau:
            Thứ nhất: Đã kém thì phải tự trang bị cho mình có ‘thế mạnh’. Thế mạnh đó phải được huy động từ người khác, thế lực khác, nước khác, điều kiện khác. Họ nhờ vào nước láng giềng mạnh hơn, lãnh đạo các nước lớn có uy tín hơn. Do lãnh đạo đã sẵn nỗi sợ mất uy tín, cho nên trong nước thì phải có lực lượng thường xuyên răn đe mọi nguy cơ làm lung lay cái ‘ghế vị thế’ của mình, muốn ‘chữ uy’ của mình phải thật to, đậm.  Nghĩa là phải bằng mọi cách làm cho người dân biết sợ, buộc phải sợ. Thủ cách đánh vào quyền lợi kinh tế và quyền chính trị, đánh vào những nhu cầu thiết yếu, để người dân vì quyền lợi (dù rất nhỏ) mà phải tuân thủ, phải phục tùng, miễn được yên thân. ‘Công an trị’, mượn pháp luật trị. Họ cố tình, chủ đích đưa vào pháp luật những điều luật có lợi cho lãnh đạo, có lợi cho cường quyền, nhưng bất lợi cho người dân là bởi thế.
            Thứ hai: Họ chiêu tập quanh mình những cấp dưới có máu hãnh tiến và thực dụng, những kẻ ‘nhiều chất ‘tiểu nhân’, quen sống phục tùng, thích nịnh để vụ lợi, những kẻ chỉ biết tuân phục, chấp hành, một thứ ‘osin chính trị’. Đội ngũ ‘đệ tử ruột’ này cũng không hiếm những kẻ được đào tạo cơ bản, trình độ cao hơn nhiều so với ‘thủ trưởng’, nhưng do sự dựa thế, phục tùng, lấy lòng, nịnh hết cỡ miễn là có lợi cho bản thân, gia đình, họ chỉ ‘cười mỉa’ trong lòng, không dám lộ ra. Lộ ra là coi thường, chê bai lãnh đạo sẽ mất ghế, nghỉ luôn, mất ‘cần câu cơm’.  Một bộ máy tuy cồng kềnh, biên chế thừa mứa, không ít người được đào tạo cơ bản, đã giúp cho lãnh đạo 'tiến lên ...bục' rất oai, những diễn văn, phát biểu do 'bộ máy' soạn thảo khá chu tất (chỉ việc đọc, mà có những vị đọc còn sai, đọc lắp). Vì thế mà nhiều lãnh đạo dốt, xấu, nhưng vẫn ‘sống bằng cái đầu người khác’, diễn văn đọc lên mọi người tưởng như của chính họ, nhưng lại do nhiều cái đầu khác soạn thảo ra, hoàn chỉnh, ‘thủ trưởng’ chỉ việc sẵn đọc. ‘Thần thiêng nhờ bộ hạ/Thần thiêng cốt bộ hạ’ là thế! 'Bộ hạ' nào mà không hết lòng phụng sự, nâng uy tín cho 'thủ trưởng', lại giỏi hơn được dư luận và quần chúng tin phục hơn, thì sẽ có đủ mọi cách để trù úm, dìm ép, chuyển công tác, đào thải, dẹp bỏ, để 'tránh họa'!
            Thứ ba: Dựa vào những kẻ lắm tiền, sẵn tiền, biết kiếm tiền. Nhiều ‘đại gia’ phất nhanh cũng nhờ vậy. Khi họ được lãnh đạo bảo kê thì điều kiện vơ lợi nhanh hơn, phất lên giàu sang phú quý nhanh hơn. Tất nhiên, sau các ‘phi vụ giá trị’ các ‘nhà buôn chính trị’ sẽ không quên hàm ơn lãnh đạo, nhiều khi số tiền ‘bồi dưỡng ông  bà’ rất lớn, cả đời người dù có nỗ lực làm ăn cũng không thể có được. “Không tiền không quyền mất thế”. Đồng tiền ở mọi triều đại đều có sức xuyên, sức khoan nhanh,  mở rộng đường cho chính trị, mua phiếu, chạy ghế, củng cố và nâng cao quyền lực.
            Thứ tư: Lãnh đạo rất né tránh dư luận, nhất là những dự luận bất lợi như: Vạch ra những yếu kém; chê bai đạo đức, năng lực; phê bình, phản bác, minh chứng ra công luận những sai lầm; nhất là những dư luận vạch ra sự tham nhũng, sự câu kết giữa lãnh đạo với đại gia. Sợ dân chủ, sợ dân trí cao, sợ công luận cũng từ những ‘động cơ’ đó mà ra.
            Cụ thể trong thực tế, các lãnh đạo ngu dốt, yếu kém, nhiều tội, xấu xa lại thường thích được tung hộ, khen ngợi, ai biết nịnh đều có thưởng. Nhà báo bẻ cong  ngòi bút, nhà tuyên giáo, thư ký, trợ lý (chịu khó) sun xoe, bợ đỡ, khen nịnh lãnh đạo…cũng do đó mà ngày càng  ‘mọc như nấm’. Các phương tiện truyền thông (báo, đài, sách) phải do lãnh đạo nuôi, chỉ đạo và quản thật chặt, hé ra thông tin nào làm mất mặt, ảnh hưởng uy tín lãnh đạo sẽ bị dẹp bỏ ngay trước khi được quyền ra công khai. Bộ luật hình sự hiện nay có điều 258 vẫn được duy trì, bởi những động cơ và chủ đích nêu trên.
            Lãnh đạo yếu kém về trình độ, thoái hóa, biến chất, tham nhũng,…rất ngán Internet. Nhiều vị lãnh đạo trình độ kém đâu biết mạng mủng là gì, muốn học để biết tác nghiệp cũng khó, lại không đủ khả năng và thời gian để học. Những kênh truyền thông thời công nghệ vi mạch và siêu sóng hiện đại, khó ngăn chặn, không thể quản lý. Không quản lý được thì ngăn chặn, ngăn chặn không được thì tìm cớ bắt, giam, cho ngồi ghế 258, tù! Thật là cực đoan, ác, do lạc hậu, kém hiểu biết và bất chấp, cố 'làm lấy được', mặc cho nỗi oan khốc của người sử dụng mạng Internets. Như thế, không vi hiến, chuyên quyền độc đoán và vi phạm dân chủ thì gọi là gì? Thế mà: "Dân chủ đến thế là cùng" (!?). Họ tưởng dùng quyền lực và mượn pháp luật sẽ trừng trị, ngăn chặn được Internet. Tổng thống Obama đã nói: “Internets là sóng của trời, con người rất khó can thiệp”. Trong nền văn minh nhân loại ngày càng phát triển với siêu tốc, ngăn chặn Internet là quá lạc hậu và không hiểu biết. Truy cập Internet là quyền cơ bản của con người. Tháng 3 năm 2011, trong một tuyên bố chính thức, Liên Hợp Quốc khẳng định truy cập Internet là một trong những quyền cơ bản của con người. Theo đó, việc chặn/cắt mạng, không cho người dân truy cập Internet được coi là hành động vi phạm nhân quyền và đi ngược lại luật pháp quốc tế. Cụ thể, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do phát biểu và bày tỏ ý kiến nhận định việc cắt, chặn Internet mà không có lý do chính đáng vi phạm Điều 19, Khoản 3, Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị. Khép lại báo cáo, Báo cáo viên Đặc biệt kêu gọi “tất cả các quốc gia phải đảm bảo duy trì quyền truy cập Internet tại mọi thời điểm, bao gồm cả những thời điểm diễn ra bất ổn chính trị.”
BVB