Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

20151003. PHÂN TÍCH CHẤT LƯỢNG KHOA HỌC ĐẠI HỌC VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHẤT LƯỢNG KHOA HỌC CỦA VÀI ĐẠI HỌC VIỆT NAM
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ tuan's blog 2/10/2015
Trong nghiên cứu khoa học, tốc độ trích dẫn (citation rate) là một chỉ số quan trọng vì nó phản ảnh chung về chất lượng nghiên cứu. Tôi vừa thử so sánh tốc độ trích dẫn những công trình nghiên cứu khoa học của một số đại học Việt Nam trong thời gian qua, và kết quả rất ngạc nhiên ...
Tuần trước, chúng ta đã thấy kết quả của hai tác giả Phạm Hiệp và Huỳnh Hữu Hiền cho thấy năng suất khoa học (tính trên đầu tiến sĩ) của hai đại học Duy Tân và TônĐức Thắng là cao hơn so với các đại học khác. Nhưng số liệu họ dùng chỉ cho 1 năm, và mới xem xét phần lượng, chứ chưa xét đến phần chất. Do đó, trong bài này, chúng ta thử xem xét một khoản thời gian dài hơn và phần chất của nghiên cứu.
Rất khó đánh giá chất lượng của nghiên cứu khoa học, vì chẳng ai đồng ý một cách làm nào cả. Cách tốt nhất là đọc mỗi bài báo và các chuyên gia đánh giá. Nhưng điều này không khả thi cho hàng ngàn bài báo, và chuyên gia đánh giá thì cũng cảm tính và thường có độ tin cậy thấp. Do đó, một cách làm tắt là tính tần số trích dẫn trên mỗi bài báo (thuật ngữ trắc lượng khoa học gọi là "citation rate", hay tốc độ trích dẫn). Nói chung thì tốc độ trích dẫn phản ảnh một phần chất lượng nghiên cứu, hiểu theo nghĩa công trình có chất lượng thường được trích dẫn nhiều sau đó. Chỉ là "thường" thôi, chứ không phải là qui luật, vì có những bài tuy ít trích dẫn như vẫn có chất lượng tốt. Trong thực tế cũng có bài sai được trích dẫn nhiều lần! Các cơ quan quản lí khoa học cấp đại học và quốc gia hay dùng chỉ số này để đánh giá chất lượng (1-2). Ở mức độ cá nhân, các hội đồng xét duyệt đề bạt cũng hay dùng chỉ số này để bổ sung vào đánh giá hồ sơ xin đề bạt các chức danh khoa bảng. Nói chung, tốc độ trích dẫn có thể dùng như là một thước đo về chất lượng cho một quần thể như đại học, quốc gia.
Quay lại câu hỏi chất lượng nghiên cứu của các đại học VN so sánh như thế nào với các đại học trong vùng. Tôi dùng dữ liệu của ISI Web of Science (WoS) từ 2011 đến 2015 (tức gần 5 năm). Tôi chọn 5 năm là vì kinh nghiệm cá nhân cho thấy thời gian 5 năm là đủ để định hình một công trình khoa học sau khi công bố cho phần lớn các lĩnh vực khoa học. Từ dữ liệu WoS tôi trích ra số bài báo, số trích dẫn, và tính tốc độ trích dẫn. Ngoài ra, WoS còn cung cấp chỉ số H, một thước đo về tác động khoa học. 
Kết quả cho thấy một "bức tranh" ngạc nhiên! Tính trung bình, mỗi công trình của TDTU được trích dẫn 5.38 lần trong thời gian 2011-2015, và chỉ số này cao nhất so với các đại học khác của VN. Theo sau TDTU là hai đại học quốc gia (với tốc độ trích dẫn 3.64 lần/bài) và Cần Thơ (3.46). Các đại học hoặc viện có tốc độ trích dẫn từ 2 đến 3 là Đại học Quốc tế, VAST, Bách Khoa Hà Nội, Bách Khoa HCM, và Nha Trang. ĐH Duy Tân tuy có năng suất cao nhưng tốc độ trích dẫn thấp nhất trong các đại học vừa kể.
Chỉ số (tốc độ) trích dẫn những công trình khoa học của của một số đại học Việt Nam trong thời gian 2011-2015.
Điều ngạc nhiên trong kết quả trên là chỉ số trích dẫn của VAST rất thấp. Trong thời gian 2011-2015, VAST công nhiều bài báo khoa học nhất (gần 1600 bài), tức gần gấp 10 lần TDTU, nhưng chỉ số H của VAST chỉ 19, cao hơn chỉ số H của TDTU chỉ 2 điểm! Đại học Cần Thơ công bố chỉ bằng ~1/5 của VAS nhưng chỉ số H của ĐH Cần Thơ là 15 (thấp hơn TDTU 2 điểm). Giữa 2 đại học bách khoa, thì Bách Khoa HN (14) có chỉ số H cao hơn Bách Khoa HCM (9) đến 5 điểm!
Các đại học VN so với các đại học đa ngành trong vùng ra sao? Tôi chỉ chọn vài đại học gần gần về số sinh viên và đa ngành, có thể không tiêu biểu vì không am hiểu hết các đại học. Nhưng biểu đồ dưới đây so sánh chỉ số trích dẫn của vài đại học Việt Nam với các đại học trong vùng. Kết quả phân tích cho thấy các đại học Úc có chỉ số trích dẫn cao nhất so với các đại học Thái Lan, Mã Lai, Hàn Quốc.
Chỉ số (tốc độ) trích dẫn những công trình khoa học của một số đại học Việt Nam và một số đại học trong vùng (Thái Lan, Mã Lai, Hàn Quốc, Úc) trong thời gian 2011-2015.
Tóm lại, các kết quả trên đây cho thấy chất lượng nghiên cứu khoa học của Đại học Tôn Đức Thắng có vẻ cao nhất trong các đại học Việt Nam, và tương đương với các đại học khác trong vùng. Các đại học lớn như ĐHQG (tôi gộp hai đại học) và ĐH Cần Thơ có chỉ số trích dẫn ngang hàng hay cao hơn một vài đại học Mã Lai và Hàn Quốc. Riêng Viện hàn lâm khoa học tự nhân (VAST) và Đại học bách khoa Hà Nội có chỉ số trích dẫn thấp nhất so với các đại học trong vùng.
Nhưng những kết quả trên đây chưa hẳn chính xác, vì chưa xem đến chỉ số trích dẫn của từng ngành khoa học. Do các ngành khoa học có "văn hoá trích dẫn" khác nhau (như ngành sinh học có tỉ lệ trích dẫn cao hơn ngành kĩ thuật chẳng hạn) nên so sánh giữa các trường/viện mà chưa tính đến chuyên ngành là chưa thật sự chính xác. Tuy nhiên, giữa các đại học đa ngành và ĐH Tôn Đức Thắng không có nhiều công bố về sinh học, thì chỉ số trích dẫn và chỉ số H của trường này là một minh chứng cho thấy trường đại học "trẻ" vẫn có thể vươn cao và xa trong nghiên cứu khoa học.
Bài học của phân tích này là các đại học Việt Nam nên tập trung vào nâng cao chất lượng nghiên cứu, đừng chạy theo số lượng. Chạy theo số lượng mà lờ đi chất lượng sẽ chẳng giúp gì cho các đại học và chỉ làm suy giảm uy danh của đất nước trên trường quốc tế.
=====
(1) http://www.chiefscientist.gov.au/wp-content/uploads/OPS6-Paper-for-print.pdf
(2) http://www.harzing.com/download/soutanzmac.pdf
KHAI TỬ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHƯ GIẢI THỂ NGÂN HÀNG
Bài của pv HOÀi  BĂC/ VNN 3//10/2015
Việc sinh viên ra trường cầm trên tay mảnh bằng đại học gần như không giá trị gì đang trở nên nhức nhối. Bộ GD -ĐT đã có ý định khai tử các trường yếu kém. Góc nhìn thẳng mời ông Lê Trường Tùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học FPT để bàn luận về vấn đề này.
 Nhà báo Hoài Bắc:Thưa ông, ‎đào tạo thì có thể xuê xoa nhưng thị trường lao động lại vô cùng sòng phẳng. Ông nghĩ gì trước hiện trạng sinh viên ra trường với mảnh bằng đại học chẳng có giá trị gì?

Ông Lê Trường Tùng: Thực ra, các vấn đề chất lượng các trường đại học, giá trị của bằng tốt nghiệp đại học hay chuyện thất nghiệp của sinh viên luôn là những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Theo báo cáo về thị trường lao động hàng quý của Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội kết hợp với bên Tổng cục thống kê cung cấp định kỳ thì có những con số tạo nên sự lo lắng rất lớn. Ví dụ như số lượng người thất nghiệp có bằng đại học trở lên dường như càng ngày càng tăng.

Nhà báo Hoài Bắc:Thưa ông, việc đào tạo kém chất lượng không những gây lãng phí cực lớn mà còn gây hoang mang về tâm lý, về tương lai. Vậy theo ông nên khai tử các trường đại học yếu kém có phải là việc cấp bách, cần làm ngay hay nên theo lộ trình thế nào?
Tôi nghĩ rằng loại bỏ yếu kém là việc cần làm không chỉ ở trong lĩnh vực giáo dục đào tạo mà ở các lĩnh vực kinh tế xã hội khác. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực có ảnh hưởng đến xã hội khác nhau, có những nguyên tắc cần phải tuân thủ.

Quan trọng nhất hiện nay là giải quyết các yếu kém thế nào? Tôi lấy ví dụ như lĩnh vực tài chính ngân hàng chẳng hạn. Các ngân hàng yếu kém thì nhà nước cũng phải đưa ra một lộ trình để tự ngân hàng tự cải tổ chính mình trước. Nếu không cải tổ được thì sát nhập ngân hàng. Hoặc các biện pháp mạnh khác như nhà nước mua lại ngân hàng với giá 0 đồng.

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng sẽ có những cái điều chỉnh như vậy. Hiện nay ai cũng hi vọng sẽ có những biện pháp cấp bách để nâng cao cơ sở giáo dục đào tạo - trong đó có giáo dục đại học. Tuy nhiên cụ thể lộ trình như thế nào thì chưa rõ ràng.

Nhà báo Hoài Bắc: Nếu việc này được thực hiện thì nên khai tử cả trường công hay chỉ nên làm với trường tư?
Tôi nghĩ các chính sách nên nhất quán giữa trường tư và trường công. Bởi vì về mặt nguyên tắc, đòi hỏi của xã hội về chất lượng phải cao không phân biệt giữa trường tư và trường công.

Về mặt quản lý nhà nước cũng như khía cạnh của người học, khía cảnh sử dụng lao động, việc tồn tại của trường chất lượng kém là không hợp lý và gây ra hệ lụy nhất định.

Những chính sách nếu đưa ra thì phải triển khai đồng bộ, tất cả các trường công và tư đều nằm trong một hành lang chung. Tất nhiên, những trường công do nhà nước đầu tư thì có tác động, giải pháp chịu dự quản lý của cơ quan chủ quản của trường đấy, khác với các trường tư do các nhà đầu tư xây dựng và phát triển thì sẽ chịu tác động, giải pháp khác.

Nhà báo Hoài Bắc:Vậy ông có đề xuất lộ trình gì không?
Hiện nay, các trường yếu kém sẽ hạn chế chỉ tiêu, hoặc đình chỉ tuyển sinh. Nếu đình chỉ tuyển sinh trong thời gian dài nhưng các trường vẫn không khắc phục được nguyên nhân bị đình chỉ tuyển sinh thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Lộ trình này quá dài. Đa phần để đình chỉ hoạt động của một trường thì phải có lý do rất nghiêm trọng. Còn những trường vẫn hoạt động nhàng nhàng thì một năm vẫn tuyển một vài trăm sinh viên, nên vẫn tồn tại vẫn cung cấp đầu ra kém chất lượng cho thị trường lao động.

Và tôi nghĩ, sẽ mạch lạc, rõ ràng, minh bạch với các trường thì nên nhìn theo góc độ đầu tư, nhà nước nên vạch ra một hành lang quy định thế nào là một trường đủ điều kiện hoạt động. Vấn đề này cũng không quá khó. Bây giờ vẫn đang tiến hành giải pháp các trường tự đánh giá chất lượng - tuy nhiên, chất lượng này còn phụ thuộc rất lớn đến mức độ đầu tư vào trường đó như thế nào.

Qua quá trình vận hành trường đại học FPT, chúng tôi nhận rõ một điều như thế này: sẽ không thể xây dựng trường đại học tốt nếu mức độ đầu tư không đủ tầm.

Ở thời điểm năm 2006 - ĐH FPT ra đời khi đó nhà nước yêu cầu tiêu chuẩn là một trường đại học cần phải có số vốn 15 tỷ tương đương với 1 triệu USD ở thời điểm đấy. Con số này có thể là lớn với các cấp trường khác nhưng đối với đại học thì 1 triệu USD là hết sức nhỏ.

Và rồi những năm sau, tiêu chí đó đã được tăng dần lên và hiện nay có vốn 250 tỷ mới được thành lập trường đại học. Tuy nhiên đang có một điều vô lý là 250 tỷ chỉ là yêu cầu đối với những trường chuẩn bị thành lập, không yêu cầu đối với những trường đã tồn tại.

Nếu tôi có quyền, tôi sẽ quy định luôn đây là một trong các chuẩn tối thiểu (thậm chí phải cao hơn) đối với mọi trường đại học.

Và có lộ trình, để trường đại học nào không đủ vốn đầu tư thì 3 năm phải làm mọi cách để tăng vốn đầu tư lên, kể cả các trường công. Các trường này phải huy động vốn, hoặc phải sát nhập vào một trường khác, không thì phải chuyển xuống cấp thấp hơn như CĐ, Trung cấp.... với mức độ đầu tư thấp, phù hợp hơn. Quy định này thực hiện trong 3 năm, các trường không đủ vốn thì phải đầu tư đủ mới được tồn tại.

Như vậy, nền tảng quan trọng là đảm bảo đầu tư đúng mức. Nó còn là nguồn tài chính dự trữ cho trường hợp tuyển sinh khó khăn thì vẫn có vốn để đầu tư phát triển. Còn nếu đầu tư ít, khi hết tiền chỉ trông chờ vào học phí và khi tuyển sinh giảm, nguồn thu học phí giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tài chính của trường. Điều nay dẫn đến nhiều hệ lụy như hiện nay.

Do đó, chỉ cần ký một văn bản, kiểm soát chặt chuyện ấy thì sau 3 năm - bức tranh về giáo dục Việt Nam sẽ có những thay đổi rất lớn.
Xin cảm ơn ông Lê Trường Tùng về những ý kiến thú vị.
VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét