Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

20151002. BÀN VỀ SỰ THẬT

ĐIỂM BÁO MANG
CẦN NGƯỜI NÓI THẬT, DÁM NGHĨ , DÁM LÀM
Bài pv ĐÀ TRANG- VÕ VĂN THÀNH/ TT 28/9/2015
Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: V.V.T.
Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: V.V.T.
TT - Tinh thần nhìn thẳng vào sự thật một lần nữa được trung ương nhấn mạnh trong công việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng. 
- Đây không phải lần đầu tiên Đảng chủ trương phải nhìn thẳng vào sự thật. Trong thực tế lâu nay, mọi người đều thấy rằng nói thẳng, nói thật là rất cần thiết, nhưng vào trong cuộc không phải ai cũng muốn nghe.Trả lời Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hoàng (ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương) nói:
Chuẩn bị đại hội thì đề phòng tâm lý thành tích, có thể nhiều người muốn nhấn mạnh kết quả.
Người sắp nghỉ muốn chứng tỏ thời gian qua làm được nhiều việc để về nghỉ cho thanh thản, người phấn đấu lên chức cần thành tích để thể hiện và không dám nói thẳng vì sợ đụng chạm, mất lòng (tất nhiên không phải ai cũng thế).
Đều là những người có quyền, có ảnh hưởng nhiều, cho nên vấn đề rất dễ bị lái theo hướng không nói thẳng, nói thật, nhất là đối với khuyết điểm, yếu kém.
Tôi nghĩ đại hội cũng phải trân trọng, nâng niu những kết quả đã đạt được của nhiệm kỳ qua bởi đó là công sức chung của nhân dân và cán bộ. Nhưng đây không phải là dịp chỉ để báo cáo thành tích, để tranh giành ảnh hưởng, để xuyên tạc lẫn nhau hoặc để “đánh bóng”...
Trong khi đó điều quan trọng nhất là phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy cho đúng bản chất tình hình. Tìm ra được lời giải cho cuộc sống dựa trên cái nền sự thật đó. Đại hội như thế mới là hiệu quả.
“Không nói dối 
người dân được đâu”
“Trong hệ thống của ta có một tật xấu là hay quy chụp nhau. Nếu cứ quy chụp thì làm sao phát triển được tư duy. Sức mạnh của một dân tộc nói cho cùng liên quan hàng đầu, số 1 đến sức mạnh trí tuệ, tinh thần.
Dân tộc nào cũng vậy, có trường tồn không, có bảo vệ được sơn hà hay không là nhờ sức mạnh ấy trước tiên. Không thúc đẩy đổi mới tư duy, không bỏ đi cái bệnh hay quy chụp nhau, không chịu nghe nói thẳng, nghe những ý kiến khác mình thì mọi thứ sẽ cằn cỗi, không vươn nhanh lên được
- Nói thẳng, nói thật là phải khẳng định rõ việc này, việc kia chủ trương sai rồi. Rất hiếm khi như vậy. Người dân, các trí thức và giới nghiên cứu chắc là có nhiều ví dụ.* Ông có thể đưa ra ví dụ nào về việc chưa nói thẳng, nói thật?
Cứ nghiên cứu kỹ từng chủ trương và quyết định cụ thể hay tình hình khiếu kiện, các vụ tham nhũng, các vụ án oan sai... sẽ thấy rõ. Chứng từ giả, hồ sơ giả, bằng giả... đâu có ít.
Tôi xin đơn cử nếu chúng ta cộng hết mức tăng trưởng kinh tế (GDP) các tỉnh thành thì nước ta phải tăng trưởng mười mấy phần trăm, đâu có thấp như lâu nay. Như vậy con số tăng trưởng kia của các địa phương là cách làm không khoa học, không đúng.
Hiện nay nước ta tụt hậu đến mức nào, nợ nần đến mức nào và nguyên nhân vì sao đã nói rõ chưa, hết chưa? Đó mới chỉ là một vài ví dụ.
* Theo ông, cần làm gì để tinh thần nhìn thẳng vào sự thật được phát huy, lan tỏa?
- Trong những năm trước đổi mới, nhiều địa phương có phong trào xây dựng hợp tác xã. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng không chỉ hăng hái làm hợp tác xã nông nghiệp, mà còn có những ý kiến bàn nên chăng hợp tác hóa cả nghề cắt tóc nữa.
Năm 1982, ông Hồ Nghinh lúc đó là bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng được trung ương điều động ra làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương.
Ra Hà Nội một thời gian ông về gặp tôi (thời gian này ông Vũ Ngọc Hoàng là bí thư Thị ủy Tam Kỳ - PV), câu đầu tiên ông hỏi là: “Ở đây đã thôi hết các hợp tác chưa?”.
Tôi hiểu là ông muốn nói về mô hình hợp tác xã kiểu cũ và trả lời: “Làm sao mà thôi được bác, không thể giải quyết như không có nó, phải chuyển đổi dần thôi. Hồi ông làm bí thư Tỉnh ủy thì tỉnh mình được trung ương khen làm hợp tác hóa nhanh, triệt để. Tam Kỳ cứ một ngày thì ra đời một hợp tác xã nông nghiệp. Làm một tháng được 30 hợp tác xã”.
Nghe tôi trả lời xong thì ông Hồ Nghinh bảo với tôi rằng giờ ông về đây phải “nhất bộ nhất bái”. Nghĩa là đi một bước phải lạy một cái để xin lỗi nhân dân trước sai lầm trong lãnh đạo phong trào hợp tác xã trước đây.
Chúng ta biết rằng đồng chí Hồ Nghinh là người mà cả cuộc đời cách mạng luôn gắn bó với chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, làm bí thư Tỉnh ủy nhiều nhiệm kỳ, có nhiều đóng góp rất to lớn.
Việc ông nhìn ra sai lầm và thẳng thắn nói về nó càng làm chúng tôi thêm hiểu và yêu quý tính cách của ông. Từ tấm gương của ông Hồ Nghinh và cũng từ thực tiễn công tác, tôi thấy rằng nếu người lãnh đạo mà nói thẳng, nói thật thì sức lan tỏa sẽ rất tốt.
Vừa qua, trung ương ra nghị quyết mới về văn hóa đã xác định xây dựng tính trung thực cho con người là yêu cầu hàng đầu của văn hóa. Làm lãnh đạo quản lý thì càng phải trung thực, thời đại thông tin không nói dối người dân được đâu, càng nói dối càng mất uy tín.
* Liệu có giới hạn nào về đổi mới tư duy không, thưa ông?
- Công cuộc đổi mới được dẫn đường nhờ đổi mới tư duy. Tư duy sẽ liên tục phát triển và hoàn thiện, không có giới hạn. Tôi nghĩ rằng đổi mới tư duy chỉ có một giới hạn là không được làm suy yếu tính chất nhân văn.
Đó là không xâm phạm đến tự do dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, không gây hại cho cộng đồng và lợi ích quốc gia.
Nhiều người cho rằng cần có công cuộc đổi mới lần hai, đó cũng là một cách diễn đạt, tôi không phản đối. Đổi mới tiếp theo phải lấy dân chủ và tự do làm linh hồn, không đi ngược lại, tất nhiên là phải có lộ trình chặt chẽ, không để rối, không để bị lợi dụng.
Tránh đi vào chuyên quyền, độc đoán
* Trong các đại hội thường có hai việc quan trọng là văn kiện và nhân sự. Ông có thể nói thẳng, nói thật điều gì về công tác nhân sự?
- Những thành tựu, kết quả thì chúng ta đã nhiều lần khẳng định, tôi không nhắc lại. Theo tôi, công tác nhân sự của ta nhiều lúc, nhiều nơi chưa tốt (nếu không muốn nói là hỏng) vì ảnh hưởng cùng lúc bởi các mặt trái của tư tưởng phong kiến, của cơ chế thị trường và của tha hóa quyền lực.
Tìm đệ tử và bà con của mình để đưa lên dù không có đức tài, đó là mặt trái của phong kiến. Còn chạy chọt mua quan bán chức là mặt trái của cơ chế thị trường và tha hóa quyền lực.
Đất nước ta từ xưa đến nay không thiếu nhân tài, nhưng bao giờ và ở đâu mà công tác nhân sự hỏng thì rất khó có chỗ cho nhân tài trong hàng ngũ lãnh đạo và quản lý.
Câu chuyện không chọn được nhân tài, theo tôi, cũng là một biểu hiện của tha hóa quyền lực. Người ta bảo quyền lực lạ lắm, nó làm tha hóa con người nhanh lắm.
Sau một cuộc bỏ phiếu thì hôm sau có thể có người đi cái dáng cũng khác rồi. Họ bắt tay, nói năng khác rồi, sau một đêm là khệnh khạng rồi. Hễ không đủ độ chín về văn hóa là bị vậy.
Tuy “hào kiệt thời nào cũng có” như Nguyễn Trãi từng viết, nhưng ông cũng chỉ ra là: Nhân tài có thể đang ở trong hàng quan nhỏ, ở bìa rừng, ở đồng nội và họ không đem ngọc bán rao... Họ không phải là những kẻ cơ hội, chạy lăng xăng nịnh hót, chạy chọt, mua bán chức tước.
Nhân tài thật sự là những người có tư duy độc lập và có lời nói thẳng, họ không chịu làm tay sai, không chịu làm cảnh.
* Hiện nay, có ý kiến cho rằng đất nước cần có nhà lãnh đạo mạnh mẽ, được tập trung quyền lực và quyết đoán. Ông nghĩ sao?
- Nếu như một người cán bộ không dám làm, không dám chịu trách nhiệm thì không quyết định được gì cả. Anh không đủ bản lĩnh thì dù ngồi ghế nào cũng không phải là lãnh đạo vì anh có quyết định gì đâu.
Chúng ta cần những người có tầm trí tuệ, có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm. Nhưng cần tránh xu hướng đi vào chuyên quyền, độc đoán.
Độc đoán, chuyên quyền sẽ dẫn đến mất dân chủ, mất động lực tiến lên của xã hội, không tốt cho việc phát triển tư duy của dân tộc và xa rời mục tiêu dân chủ của sự nghiệp cách mạng.
4 điều quan trọng khi chọn nhân sự
Các tiêu chuẩn quy hoạch đều có cả rồi. Và hội nghị trung ương vừa qua khi bàn định hướng công tác nhân sự đã có kết luận, Tổng bí thư đã nói rồi. Cá nhân tôi nghĩ có bốn điều quan trọng khi chọn nhân sự:
1 Là có thể tin cậy về chính trị. Đó phải là người kiên định với việc xây dựng nhà nước của dân, xây dựng chế độ dân chủ và độc lập, không bị lệ thuộc chi phối bởi lực lượng nào đó từ bên ngoài.
Phải tuyệt đối kiên định với quan điểm quyền lực là của dân chứ không phải quyền lực của tài phiệt, cũng không phải quyền lực của cá nhân ai, của gia đình nào, của nhóm người nào.
2 Là phải sạch, không dính vô tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực. Ai bị dư luận nặng nề quá thì không chọn, Đảng phải lắng nghe dân để quyết định, phải tìm những cán bộ lãnh đạo mà nhân dân có thể gửi gắm niềm tin, trước nhất là đạo đức, sự liêm khiết, không vì lợi ích cá nhân và gia đình mà xâm hại đến lợi ích của nhân dân, đất nước, để từ đó có thể quy tụ lòng người.
Là phải tâm huyết với đổi mới. Công cuộc đổi mới của chúng ta tuy đã đi được một chặng đường đáng kể nhưng còn nhiều việc cần làm, phải làm lắm. Cần phải tiếp tục đổi mới một cách căn bản, toàn diện, mạnh mẽ và chững chạc.
4 Là mong cho đất nước ta lựa chọn được những người lãnh đạo có nhân cách văn hóa. Theo tôi, nhân cách của người lãnh đạo mà kém thì nó tàn phá văn hóa kinh khủng lắm. Khi văn hóa suy đồi thì dẫn đến đồng loạt nhiều nguy cơ trên tất cả lĩnh vực.
Vậy có thể hiểu “đổi mới phải có nguyên tắc, đổi mới nhưng không đổi màu” như thế nào?
- Trung thành với mục đích mang lại độc lập và sự phát triển cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho người dân chính là không đổi màu; xây dựng một Đảng hết lòng phục vụ nhân dân, không để cho Đảng biến chất và xây dựng một nhà nước thật sự của dân chính là không đổi màu.
Những việc cụ thể chúng ta làm hôm nay dần sẽ được đổi mới, con cháu ta có thể sẽ làm khác cho phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Chúng ta thường nói đây là thời kỳ quá độ, nghĩa là thời kỳ đang có những diễn biến theo hướng mới.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, làm mất dân chủ, mất tự do, hạnh phúc của nhân dân, làm cho nước ta lệ thuộc bên ngoài, để cho Đảng không còn tính chất vì dân, để cho Nhà nước không còn là của nhân dân, đó chính là đổi màu.
ĐÀ TRANG - VÕ VĂN THÀNH thực hiện (datrang@tuoitre.com.vn)
CÓ HAI CẤP ĐỘ SỰ THẬT, ANH HOÀNG Ạ !
Bài của NGUYỄN KHẮC MAI/ BVN 1/10/2015

 

Hôm qua đọc bài trò chuyện với báo Tuổi trẻ của anh Vũ Ngọc Hoàng, nhan đề “Cần người nói thật, dám nghĩ, dám làm” đăng dưới ô Tiến tới Đại hội Đảng XII. Nhìn con số XII, tôi nghiệm ra nó cho một hàm nghĩa khác: X là gạch chéo, tức là phủ định (thôi bỏ đi), hai dấu sổ II có thể đọc là 11; XII là bỏ đi mười một Đại hội. Có nghĩa là Đại hội Mười hai này phải là phủ định mười một đại hội trước, thì mới có ý nghĩa!
Vì thế đọc xong bài của anh Hoàng, tôi muốn thưa với ảnh rằng phải đổi gam. Những lập luận như thế nghe có vẻ đường được, nhưng thật là vô tích sự. Xin dẫn một số câu trong bài:
“[…] điều quan trọng nhất là phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy cho đúng bản chất tình hình. Tìm ra được lời giải cho cuộc sống dựa trên cái nền sự thật đó. Đại hội như thế mới là hiệu quả”.
Làm lãnh đạo quản lý thì càng phải trung thực, thời đại thông tin không nói dối người dân được đâu, càng nói dối càng mất uy tín.”
Sức mạnh của một dân tộc nói cho cùng liên quan hàng đầu, số 1 đến sức mạnh trí tuệ, tinh thần.
Dân tộc nào cũng vậy, có trường tồn không, có bảo vệ được sơn hà hay không là nhờ sức mạnh ấy trước tiên. Không thúc đẩy đổi mới tư duy, không bỏ đi cái bệnh hay quy chụp nhau, không chịu nghe nói thẳng, nghe những ý kiến khác mình thì mọi thứ sẽ cằn cỗi, không vươn nhanh lên được.
Đổi mới tiếp theo phải lấy dân chủ và tự do làm linh hồn, không đi ngược lại, tất nhiên là phải có lộ trình chặt chẽ, không để rối, không để bị lợi dụng.”
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, làm mất dân chủ, mất tự do, hạnh phúc của nhân dân, làm cho nước ta lệ thuộc bên ngoài, để cho Đảng không còn tính chất vì dân, để cho Nhà nước không còn là của nhân dân, đó chính là đổi màu.”
Đọc xong bài với những ghi chú như trên, tôi có mấy nhận xét:
Chữ “sự thật” là để chỉ cái gì đúng như nó, cái là chính nó, không nhầm với cái khác. Nó mới là cái vỏ. Không có sự thật chung chung. Chỉ có những sự thật cụ thể. Ví dụ: Đường lối đối ngoại về quan hệ Việt Trung của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa sai, vừa xấu. Đó là một sự thật. Cho nên vấn đề là chỉ cho rõ sự thật nào. Nói cho rõ sự thật xấu để chừa và sửa. Nói rõ sự thật đúng và tốt để làm. Không đánh tráo khái niệm để lừa dân… đều cần thiết, cấp bách. Ông Mác nói phải biết sám hối. Và sám hối thật tâm thì có cơ cứu rỗi.
Anh Hoàng không phải nói với dân, vì nói với dân những lời như thế là vô nghĩa. Họ đã tư duy ở một tầm cao hơn anh Hoàng đến “ba con sào” (1). Chỉ có thể là anh muốn nói với các đại biểu đại hội Đảng XII, hơn nữa là với những người lãnh đạo của Đảng.
Nhưng nói với những người đảng viên lãnh đạo cũng là vô nghĩa. Bởi ngay những gì Hồ Chí Minh từng nói với Đảng có lọt lỗ tai ai đâu. Như Nông Đức Mạnh Tổng Bí thư hai nhiệm kỳ, lại là người ký quyết định hô hào học tập Hồ Chí Minh đấy. Anh thấy Mạnh có lọt tai những gì Hồ Chí Minh nói không. Hồ Chí Minh từng nói về nói sự thật, về dân chủ, tự do, dám nghĩ dám làm, … tần số còn cao gấp mấy lần của anh. Có ai nghe Hồ và làm theo Hồ đâu.
Hồ Chí Minh từng nói: “Nếu nước được độc lập mà dân khôngđược hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì”. Lại nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Trước khi mất, vào năm 1967 tại Hà Tây còn nói: “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”. Trong Di chúc đã kêu gọi “một cuộc chiến tranh chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, sau vì sợ nói chiến tranh dân hiểu nhầm mà “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm” để đem ra xóa bỏ cái cũ kỹ, hư hỏng thì nguy, liền xóa chữtranh mà thay bằng chữ đấu (xem Di chúc). Những câu chữ của anh Hoàng làm sao sánh với những lời lẽ có cánh bay bổng của cụ Hồ. Thế mà Hồ Chí Minh nói còn chẳng ai nghe!
Tuy nhiên, cũng có thể hiểu được ý tứ của anh Hoàng là, đừng đi vào Đại hội XII bằng dối trá, hãy nói rõ sự thật. Hãy từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, mà chỉ nên là lấy dân chủ tự do làm linh hồn cho đổi mới tiếp tục. Anh còn dự báo: “Những việc cụ thể chúng ta làm hôm nay dần sẽ được đổi mới, con cháu ta có thể sẽ làm khác cho phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ.” Về nhân sự anh có một câu có lý: “Nhân tài thật sự là những người có tư duy độc lập và có lời nói thẳng, họ không chịu làm tay sai, không chịu làm cảnh.
Có thể trong “hoàn cảnh” của anh hiện tại, anh chưa thể nói rõ những nội hàm mà chỉ ám chỉ mà thôi. Thế thì tôi đề nghị với anh Hoàng hãy lấy tư cách nghiên cứu, lắng nghe “lời nói sự thật” mà tổ chức một số cuộc đối thoại, tọa đàm, kể cả với những nhóm mà các anh cho là đối lập, những người khác mình, may ra các anh sẽ nhận rõ sự thật, tìm ra được những người dám nói dám làm.
Sự thật thì đã sờ sờ ra đó, tại sao các anh lại không nhìn thấy. Đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản vừa sai lầm về lý thuyết, vừa thất bại, phá sản trong hiện thực. Mô hình xã hội và kiểu nhà nước xô viết toàn trị, lấy công hữu, sở hữu doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo, một đảng cầm quyền độc tài, hoạt động không theo một khuôn khổ luật pháp nào cả, mà 85 năm nay Đảng Cộng sản du nhập vào Việt Nam, đã làm cho đất nước bị lệ thuộc, chủ quyền bị xâm phạm, lãnh thổ và hải đảo bị Trung Quốc cưỡng chiếm, văn hóa, đạo đức suy đồi, kinh tế ngày càng tụt hậu. Bộ máy chính quyền xưng là dân chủ nhưng hành dân là chính, tham lam, cậy quyền, thế giới gọi là lũ “quan tặc” (kleptocracy), còn Hồ Chí Minh thì gọi thẳng là lũ giặc nước (nội xâm).
Những chủ trương lớn như chống tham nhũng, cải cách hành chính, cải cách kinh tế, xây dựng đảng… làm ỳ ạch ngót gần 50 năm vẫn chưa đâu vào đâu. Hậu quả thấy rõ là đảng viên cầm quyền thay nhau giàu lên trông thấy, mà trí tuệ và đức hạnh thì vẫn cứ lùn. Có một chuyện tức cười là gần đây một cựu ủy viên Bộ Chính trị khoe vừa được cấp thêm 250 m2 đất khu vực vàng, mặc dầu anh ấy đã có nhà cửa đàng hoàng. Trong khi đó cũng ông bạn già của tôi là “con hùm xám đường số 4” (danh hiệu do tướng tá Pháp gọi), 96 tuổi ở một chòi nhỏ trên tầng 4, đi lại khó khăn xin chuyển đổi cả chục năm nay vẫn không được! Và còn biết bao cán bộ, chiến sĩ, công chức cấp thấp khốn khó mọi bề. Ngay giai cấp công nhân, được Đảng tôn lên làm giai cấp lãnh đạo thì lương còn lâu mới đủ sống! Đó mới là những sự thật trần truồng.
Dám nói dám làm thì nội dung là như sau:
Đại hội XII cần tuyên bố từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội đã phá sản và đang là tác nhân phản tiến hóa, phản bội Dân tộc. Nó phải kết thúc vai trò lịch sử không mấy vẻ vang, lợi rất nhỏ, mà hại là chính. Hãy nghe theo Mác, từ bỏ cái gọi là chủ nghĩa Mác Lê, học tập và vận dụng kinh nghiệm của các đảng Xã hội Dân chủ đã thành công trên thế giới, không lấy bất kỳ một chủ nghĩa nào cả, mà là thu nhận tri thức và kinh nghiệm văn minh tiên tiến của nhân loại để cùng với minh triết dựng nước và giữ nước của tổ tiên mà đặt chính sách, hành xử.
Phải xây dựng Nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập đúng nghĩa (đừng đánh tráo khái niệm như hiện nay). Thực hiện kinh tế thị trường đúng đắn, không có “đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa phi lý, tráo trở. Tôn trọng và hình thành xã hội dân sự nhân văn, hình thành chế độ chính trị đa đảng, để nói như Mác “phấn đấu để đoàn kết và hợp tác với các đảng dân tộc, dân chủ” đặng thi đua cùng nhau phụng sự dân tộc, chấn hưng đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Sự thật là chính sách của Đảng đã chia rẽ dân tộc. Nếu dám nói dám làm những điều kể trên thì sẽ có Đoàn tụ Dân tộc, sức mạnh tinh thần, văn hóa, vật chất và cả thế Nước sẽ ngay lập tức được nâng lên gấp bội. Đường lối đối nội, đối ngoại của Nhà nước sẽ đàng hoàng, minh bạch, tiến bộ, chắc chắn sẽ tạo ra nội lực mạnh mẽ của trí tuệ, văn minh của dân tộc để hợp tác và liên kết với các quốc gia dân tộc trên thế giới, hòa đồng vào trào lưu hòa bình, dân chủ, nhân đạo, phát triển bền vững của nhân loại trong thời đại mới.
Liệu ban lãnh đạo của Đảng còn bảo thủ, trì trệ đến lúc nào. Nguyễn Trãi từng nói: “Trí giả quan chư sự ư vị hình”, nghĩa là kẻ có trí xem xét sự vật lúc nó còn chưa rõ hình thù. Huống hồ “sự thật” của nước ta đã rõ, cái gì là tiêu cực, là lỗi thời, là hư hỏng cũ kỹ, là lỗi hệ thống… sờ sờ ra đó. Làm sao mà một dân tộc văn hiến ngàn năm, ban đầu còn sánh vai với các nước trong khu vực, mà dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng thì ngày một tụt hậu xa? Những vấn đề nhà nước pháp quyền dân chủ văn minh, những vấn đề kinh tế thị trường, cả vấn đề đa nguyên đa đảng, xã hội dân sự đâu có phải là xa lạ với dân ta. Những sự thật ấy vốn đã tồn tại ngay trong lòng xã hội Việt Nam. Chỉ vì mê muội theo một chủ nghĩa lỗi thời, vô vọng, bộ phận cầm quyền của Đảng đã nhắm mắt, bịt tai, khóa miệng, mà dư luận xã hội gọi là mù, câm, điếc, vì một thứ lợi ích phe nhóm, nên đã không dám nhìn dám nghe sự thật, dám thật thà cải tổ, từ bỏ con đường tăm tối đưa dân tộc vào ngõ cụt.
Cũng còn một sự thật nữa là một khi bộ phận lãnh đạo đất nước biết dũng cảm từ bỏ cái sai cái xấu, lấy “tự do dân chủ làm linh hồn” cho cải cách, họ vẫn giữ được vai trò và sự tín nhiệm của dân chúng. Đừng sợ tự do dân chủ. Tự do dân chủ sẽ tôn vinh bất cứ ai có tâm có trí có đức vì non sông đất nước vì dân tộc. Đảng đi theo con đường của tự do dân chủ sẽ loại khỏi bản thân mình một bầy sâu, sẽ lựa chọn được người tài trí cho ban lãnh đạo, sẽ củng cố và xây dựng đảng trở thành văn minh đạo đức, sẽ tiếp tục có chỗ đứng trong lòng dân nước.
Tôi tin rằng, nếu biết lấy “tự do dân chủ làm linh hồn”, như anh Hoàng nghĩ, thì minh triết sẽ đến với chúng ta và chúng ta sẽ biết ứng dụng câu nói nổi tiếng của Thomas Jefferson: “Nếu biết hài hòa minh triết với quyền lực, chúng ta sẽ ít dùng quyền lực mà hiệu quả lớn”.
Minh triết của tổ tiên mách bảo:
“Khoan, giản, an, lạc” – phương châm của mọi cải cách do các vị họ Khúc đề ra.
“Vô vi cư điện các / Xứ xứ tức đao binh” – kệ của sư Pháp Thuận dạy vua Lê Đại Hành về thuật trị nước. Vô vi có nghĩa làm theo quy luật, không tùy tiện, không tư riêng, thuận theo đạo người và lòng người…
“Bậc nhân chủ [người lãnh đạo] lấy lòng của thiên hạ làm lòng của mình, lấy ý của thiên hạ làm ý của mình” – lời của Quốc sư Viên Chứng nói với vua Trần Thái Tông.
“Lấy khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” – lời Trần Hưng Đạo.
“Cầu lời nói thẳng để cho cổng thành cùng đường ngôn luận rộng mở” – Nguyễn Thị Bích Châu (Đời Trần) trong Kê minh thập sách.
“Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, và “Làm sao cho trong thôn cùng xóm vắng không còn lời hờn giận oán sầu”, “Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày” – lời Nguyễn Trãi.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” – bia Quốc tử giám.
“Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời, không bằng đem đạo đời thường để cảm hóa lòng người” – Ngô Thì Sĩ.
“Nuôi dạy anh tài để sử dụng năng lực của họ / Bồi dưỡng minh triết để nối tiếp cuộc trị bình” – câu đối ở Quốc Tử Giám Hà nội.
“Á Âu chung lại một lò / Đúc nên nhân cách mới cho là người” – Đông kinh Nghĩa thục, Văn minh tân học sách.
Đại hội XII hãy tiếp nhận lời dạy của Tổ tiên, kết hợp với tri thức và kinh nghiệm văn minh tiến bộ của nhân loại, phác thảo một con đường mới, hanh thông, quang đãng cho Đất Nước, xóa bỏ hư hỏng cũ kỹ để nhanh chóng chấn hưng dân tộc trong thế kỳ XXI này.
Theo sự mách bảo của anh Hoàng, tôi gởi những lời bộc trực, nói “sự thật” tới những đại biểu của Đại hội XII, mong được lắng nghe. Tôi mượn ý của người xưa: Điều hay thì xin ghi lấy để làm, điều dở thì bỏ đi. Chỉ mong Nước được trị, Dân được an, đó là tấm lòng của kẻ già này vậy.
Ô Đồng Lầm Thăng Long. Tháng Tám Quý Tỵ. Viết trước Hội Nghị Trung ương 10.
N. K. M.
(*) Bài thơ Ngôi nhà đá của Huyền Quang:
Nửa gian nhà đá, ở lẫn cùng mây,
Một tấm áo lông, trải hết mùa đông rét buốt.
Sư ở trên giường thiền, kinh ở trên án,
Lò tàn, củi lụi, mặt trời lên đã ba cây sào.
Lò tàn củi lụi, mặt trời lên đã ba con sào, là một hình tượng ngụ ý triết mỹ sâu sắc, ý nói rằng, khi con người thức dậy thì sự vật, sự thật khách quan đã vượt xa mình rồi (ba con sào).
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét