Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

20150721. LÃNG PHÍ TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG...LUẬT

ĐIỂM BÁO MẠNG
CON SỐ BỀ THẾ VÀ CĂN BỆNH LÃNG PHÍ
Bài của LƯU MINH SANG/ TVN 20/7/2015
pháp luật, lãng phí, nhờn luật, năng lực cạnh tranh, bia hơi, điện thoại, cây xăng, Viện KSND
Các cơ quan công quyền cần thực sự nhìn nhận những triệu chứng của “căn bệnh” lãng phí pháp luật, để làm thông thoáng con đường xây dựng nhà nước pháp quyền.
Theo thống kê, tại Việt Nam, trong một thập kỷ trở lại đây (2004 – 2014), đã có 289.779 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Trong số đó có 5.206 văn bản từ Trung ương với 62 luật; 498 nghị định; 3.605 thông tư… Chỉ tính riêng luật và pháp lệnh, từ năm 1996 đến nay đã có gần 250 đạo luật và trên dưới 110 pháp lệnh được bấm nút thông qua.
Những con số thống kê ấn tượng trên đã góp phần tạo nên một sự “bề thế” cho hệ thống pháp luật của một quốc gia. Sẽ rất đáng mừng nếu chúng gắn liền với sự ổn định xã hội và vị thế đất nước trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.  
Tuy nhiên, bằng một cái nhìn sơ lược, không khó để nhận thấy những vấn đề còn ngổn ngang trong đời sống kinh tế xã hội thúc giục chúng ta giải quyết. Kinh tế còn đối mặt nhiều thách thức; nạn tham nhũng, tư túi chưa thôi nhức nhối; doanh nghiệp chưa hết khổ vì thủ tục hành chính với giấy giấy phép cha, giấy phép con, cháu; pháp đình vẫn còn nước mắt của án oan sai; người dân lo sợ vì tội phạm hoành hành phức tạp và tinh vi...
Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia lại tụt hạng. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, Việt Nam đứng thứ 68/ 144 nước được xếp hạng (tụt 4 hạng so với giai đoạn 2006-2007). Điều đáng nói, chỉ số môi trường thể chế ở vị trí rất thấp (98/144).
Những tồn tại trên cho thấy tính hiệu quả trong việc quản lý bằng pháp luật của Việt Nam vẫn chưa thực sự đáp ứng đòi hỏi, gây ra những tầng lãng phí.
Để một văn bản pháp quy được ban hành, cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của của hệ thống công lực.
Tầng lãng phí công lực
Trên mặt con số[1], kinh phí xây dựng một văn bản dưới luật dao động từ 30-60 triệu đồng, đối với văn bản luật thì phải chi gấp nhiều lần. Chưa kể trong thực tế triển khai, luôn có những chi phí phát sinh nằm ngoài quy định. Bên cạnh đó, còn phải kể đến chi phí cho hàng loạt hội thảo của của các đơn vị nghiên cứu, tổ chức xã hội, hiệp hội nghề nghiệp.
Hơn nữa, quy trình xây dựng pháp luật đòi hỏi phải trải qua nhiều giai đoạn với sự tham gia của nhiều người, vận động nhiều chất xám, mà đóng vai trò nòng cốt là công chức các bộ, ngành. Mỗi văn bản luật tiêu tốn 1-2 năm hoặc lâu hơn để nghiên cứu, khảo sát, hội thảo, thẩm định… mới hoàn thiện được dự thảo, rồi trình, góp ý, phản biện, thông qua. Chưa kể, mỗi đạo luật sẽ kéo theo hàng loạt những văn bản hướng dẫn thi hành.  
Tuy nhiên, nhiều chính sách dị biệt vẫn ra đời len lỏi vào những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. “Dị biệt” ở chỗ pháp luật được ban hành là để buộc các chủ thể trong xã hội phải làm theo, vậy mà bản thân nó lại tồn tại tình trạng vi hiến và trái luật. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 10 năm (2003-2013), có đến 63.277 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp. Trong 10 tháng đầu năm 2014, con số này đã lên đến hơn 9.000 (chiếm tỷ lệ 22%).  
Năm 2014 cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp), đã tiến hành kiểm tra 3.887 văn bản do bộ ngành, địa phương ban hành và phát hiện ra 634 văn bản ban hành trái căn cứ, thể thức.
Chưa kể những đạo luật, văn bản dưới luật mang hơi hướng “trên trời” với những chính sách không thể thực thi, “chết lâm sàng” ngay khi vừa mới ban hành hoặc còn đang dự thảo. Điển hình như quy định về phạt hành chính đối với hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng; cấm bán bia vỉa hè, nhiệt độ nơi bán bia không được quá 30oC; UBND các cấp có nhiệm vụ bắt giữ chó mèo chạy rông; hay bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm ưu tiên khi thi đại học; bán thịt trong 8 tiếng sau khi giết mổ...
Bên cạnh đó, có những văn bản quy phạm vừa ban hành đã phải sửa đổi, chẳng hạn Điều 60 Luật BHXH gần đây.
Tầng lãng phí dân lực
Tầng lãng phí thứ hai tạo nên bởi khâu thực thi pháp luật.
Việc tồn tại những quy định pháp luật bất cập, lạc hậu, không đảm bảo sự hài hòa các lợi ích, khó khăn trong việc tìm kiếm, hiểu và áp dụng đã làm cho các quy định này không thể đi vào cuộc sống. Pháp luật mà không đi vào cuộc sống thì chỉ là những câu chữ vô hồn nằm yên trên giấy.
Đâu đó vẫn còn không ít những quy định nhập nhằng, nhiêu khê, lắm thủ tục, đề cao nghĩa vụ, xem nhẹ quyền đã dẫn đến lạm phát chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, gây nên hao phí xã hội và tạo sức ì cho sự phát triển của kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2015, chỉ số về gánh nặng tuân thủ quy định pháp luật tại Việt Nam hiện nay đang gây hao phí rất lớn và không cần thiết cho người dân.
Chưa kể, thời gian gần đầy, những biểu hiện phản kháng pháp luật trong xã hội đang bắt đầu manh nha. Sự kiện đình công phản đối chính sách BHXH mới là một thí dụ. Xét trên bình diện rộng, việc này gây nên hao phí xã hội lớn đối với nhiều đối tượng, trực tiếp là chính các doanh nghiệp và những người tham gia đình công.
Tầng lãng phí niềm tin
Mộtbài viết đầu năm nay của VietNamNet về tình trạng bùng nổ quy định “trên trời” trích dẫn ý kiến của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng “người dân hoàn toàn có thể nghi ngờ những văn bản vi phạm pháp luật đó được ban hành để phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích ngành nhằm cản trở đến quyền lợi, lợi ích của người dân”.
Đây là một cảnh báo rất thực tế. Hệ lụy lớn, khó đong đếm hơn của những chính sách “trên trời”, “phòng máy lạnh” chính là làm giảm niềm tin và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, gây ra hiện tượng “nhờn luật”, thậm chí chống đối.
Bên cạnh đó, những lỗ hổng pháp luật cũng sẽ trở thành cơ hội lợi dụng kiếm chác cho nhiều người, trong đó không thiếu những “công bộc của dân”, những chủ doanh nghiệp…  
Người viết cho rằng, đã đến lúc, các cơ quan công lực cần nỗ lực, nghiêm túc thực sự nhìn nhận những triệu chứng của “căn bệnh” lãng phí pháp luật, từ đó thay đổi tư duy quản lý và thận trọng hơn khi ban hành pháp luật. Có như vậy con đường xây dựng nhà nước pháp quyền mới được thông thoáng.
(Giảng viên Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM)
-------
[1] Xem Thông tư liên tịch 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét