Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

20150731. PHONG THỦY VÀ BÀN THỜ TỔ TIÊN

ĐIỂM BÁO MẠNG
TÁN GIA BẠI SẢN VÌ BÀN THỜ SAI VỊ TRÍ ??
Theo Leo St (Khám phá)/ BĐS 30/7/2015
Nếu như hướng của bàn thờ ngược với hướng của nhà sẽ khiến cho gia đình không hòa thuận, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến việc tuyệt tử tuyệt tôn.
Bàn thờ là nơi thờ cúng tổ tiên, thần linh, thường được đặt ở chùa chiên, đền điện, công ty và trong nhà ở. Cho dù là trong việc thờ cúng hàng ngày hay những dịp cúng tế lớn, bàn thờ luôn là nơi linh thiêng, không được tùy tiện xâm phạm.
Trong văn hóa truyền thống, kích cỡ, chất liệu và vị trí đặt bàn thờ đều cần phải suy xét cẩn thận. Nếu như vị trí đặt bàn thờ không đúng chỗ sẽ mạo phạm thần linh, nhẹ thì mắc bệnh hoặc tổn hao tài của, nặng thì phá sản, hoặc gia đình đổ vỡ. Do vậy, khi chọn vị trí đặt bàn thờ, có một số kiêng kỵ mà chúng ta nhất định phải tuân theo.
Vậy thì, phong thủy bàn thờ cần phải chú ý những điều gì? Chúng ta sẽ cùng xem số lỗi hay mắc khi đặt bàn thờ và cách hóa giải.
1. Bài vị trên bàn thờ không được sát tường
Trong phong thủy bàn thờ, vị trí đặt tượng Thần Phật phải sát tường mới tốt, nhưng bài vị tổ tiên lại ngược lại. Không nên đặt bài vị sát tường, nếu không nếu nhìn từ góc độ phong thủy, sẽ ảnh hưởng đến tiền đồ, thậm chí và vận mệnh cả đời của con cháu.
Cách hóa giải: Giữa bài vị của tổ tiên và tường nên để một khoảng trống nhỏ.
bàn thờ, vị trí, phong thủy, gia đình, hóa giải
Bài vị đặt sát tường sẽ ảnh hưởng đến tiền đồ, thậm chí và vận mệnh cả đời của con cháu.
2. Bên trái bàn thờ không được bừa bộn
Phía bên tay trái của bàn thờ luôn luôn phải giữ gìn sạch sẽ, đồ đạc gọn gàng. Nếu như bên trái có thùng rác hoặc các vật ô uế thì sẽ gây ảnh hưởng đến vận thế, sức khỏe và sự nghiệp của gia đình. Đặc biệt con trai và đàn ông trong gia đình sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Cách hóa giải: Bên trái bàn thờ giữ gìn sạch sẽ, gọn gàng, nên quét dọn thường xuyên.
bàn thờ, vị trí, phong thủy, gia đình, hóa giải
Nếu như bên trái có thùng rác hoặc các vật không sạch sẽ sẽ ảnh hưởng đến vận thế và sự nghiệp của gia đình, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Bên phải bàn thờ không được đặt đồ điện
Bên phải bàn thờ không nên đặt đồ điện, bởi vì như vậy sẽ phạm vào sát khí của Bạch Hổ,dễ xảy ra chuyện không may.
Cách hóa giải:
- Đặt đồ điện lớn sang chỗ khác.
- Bên phải bàn thờ đặt một đôi tì hưu hoặc long quy, có thể hóa giải sát khí, cải thiện môi trường phong thủy.
bàn thờ, vị trí, phong thủy, gia đình, hóa giải
Bên phải bàn thờ đặt đồ điện dễ xảy ra chuyện không may.
4. Phía dưới bàn thờ không được để đồ
Phía dưới bàn thờ nên giữ sạch sẽ, không nên chất đống đồ đạc ở dưới. Đặc biệt chú ý không đươc để đồ điện hoặc bể cá cảnh sẽ có hiện tượng tinh thần sa sút hoặc tài sản bị hao hụt. Nếu như có đặt đồ phía dưới thì chỉ nên đặt một chiếc la bàn.
Cách hóa giải: giữ gìn sạch sẽ, không đặt đồ đạc.
bàn thờ, vị trí, phong thủy, gia đình, hóa giải
Nếu như đặt bể cá cảnh sẽ có hiện tượng tinh thần sa sút hoặc tài sản bị hao hụt.
5. Bàn thờ không được gần bếp và phòng vệ sinh
Phía sau bàn thờ nếu như là bếp, sẽ tạo ra hỏa sát rất nặng, vận thế của gia đình sẽ không ổn định hoặc giảm sút, ảnh hưởng đến phong thủy khác của gia đình.
bàn thờ, vị trí, phong thủy, gia đình, hóa giải
Phía sau bàn thờ nếu như là bếp, sẽ tạo ra hỏa sát rất nặng..
Còn nếu bàn thờ sát phòng vệ sinh là tội không tôn trong thần linh và tổ tiên, sẽ dễ gây ra các vấn đề về sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
bàn thờ, vị trí, phong thủy, gia đình, hóa giải
Còn nếu bàn thờ sát phòng vệ sinh là tội không tôn trong thần linh và tổ tiên, sẽ dễ gây ra các vấn đề về sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Cách hóa giải:
- Nên đặt lại vị trí của bàn thờ, nếu như không có cách nào đặt ở vị trí khác, nên cách ra một khoảng không gian giữa bàn thờ và bếp hoặc phòng vệ sinh.
- Trên tường phía sau bàn thờ, nên đặt một số linh vật phong thủy để hóa giải. Linh vật thích hợp nhất là sáu xâu tiền Lục Đế, nên nhớ nhất định phải là 6 xâu, và tiền phải là tiền Lục Đế.
6. Hướng của bàn thờ không được ngược lại với hướng của nhà
Nếu như hướng của bàn thờ ngược với hướng của nhà sẽ khiến cho gia đình không hòa thuận, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến việc không có con nối dõi.
Cách hóa giải:
Chỉ còn cách đặt lại vị trí của bàn thờ, chẳng còn cách nào khác cả.
bàn thờ, vị trí, phong thủy, gia đình, hóa giải
7. Bàn thờ không được xung với cửa
Hai bên của bàn thờ không nên xung với cửa hoặc đường cái, cho dù là cửa phòng, cửa chính, cửa nhà vệ sinh hay cửa nhà bếp đều không được. Trong đó cửa nhà vệ sinh và cửa bếp là nghiêm trọng nhất, sẽ ảnh hưởng đến vận thế và sức khỏe của cả gia đình, dễ bị tiểu nhân hãm hại.
Cách hóa giải:
Đặt một tấm bình phong để che chắn ở giữa cửa và bàn thờ.
bàn thờ, vị trí, phong thủy, gia đình, hóa giải
Hai bên của bàn thờ không nên xung với cửa hoặc đường cái.
8. Bàn thờ không được đặt dưới xà ngang
bàn thờ, vị trí, phong thủy, gia đình, hóa giải
Nếu xà ngang trên trần nhà ở ngay trên bàn thờ, sẽ sản sinh ra sát khí áp lực, khiến cho các thành viên trong gia đình đau đầu, thần kinh suy nhược.
Nếu xà ngang trên trần nhà ở ngay trên bàn thờ, sẽ sản sinh ra sát khí áp lực, khiến cho các thành viên trong gia đình đau đầu, thần kinh suy nhược, nặng thì khiến vận thế trong gia đình bị ảnh hưởng.
Cách hóa giải: Đặt bàn thờ ở vị trí khác hoặc dùng cách nào đó để bỏ xà ngang.
Theo Leo St (Khám phá)

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

20150730. NỢ CÔNG VÀ XE SANG PHẢN CẢM

ĐIỂM  BÁO MẠNG
LEXUS VÀ NỢ CÔNG
Bài của NGUYỄN VĂN TUẤN/ BVN 29/7/2015
Đọc báo sáng nay thấy ngài PQT đến dự hội nghị bằng chiếc Mercedes đen bóng loáng, và trước đó là chiếc Lexus 4-Wheel màu đen đón ngài tận cửa máy bay, làm tôi nhớ đến một “tâm tư” về một nghịch lí ở Việt Nam: các quan chức (và đại gia) đua nhau chơi xe mắc tiền, trong khi đất nước vẫn còn nghèo và nợ nần rất cao.
Một đồng nghiệp người Úc làm chung với tôi mới đi du lịch Việt Nam về, và chị ấy cứ ngạc nhiên về những chiếc xe rất đắt tiền ở Việt Nam. Chị ấy đi đâu cũng nói rằng Việt Nam có rất nhiều xe loại luxury (xa xỉ) dù đường sá còn chật hẹp và xe gắn máy chạy đầy đường. Nhiều khi tôi cũng bực mình, định nói ra một câu biện minh, nhưng chính tôi cũng không có gì thuyết phục để biện minh! Tôi đoán rằng chị ấy muốn nói rằng có một sự bất xứng giữa những cái xa xỉ và những cảnh nghèo khổ của người dân, và đó là một trong những vấn nạn của các nước đang trong giai đoạn “tư bản hoang dã” như Việt Nam hiện nay.
Nhưng chị ấy không biết rằng các quan chức cao cấp Việt Nam cũng có xu hướng dùng những xe hơi loại xa xỉ, rất đắt tiền. Chúng ta còn nhớ trước đây, một vị Chủ tịch UBND Hà Nội đi chiếc Lexus LS-430 rất sang trọng (1). Báo chí làm rùm beng rằng chiếc xe đó trị giá 3000 con trâu! Hay như mới đây thôi, chúng ta thấy một chiếc xe hiệu Lexus loại “Four Wheels” (tôi đoán thuộc dòng LX-570) mang biển hiệu quân đội ra tận cửa máy bay để đón sếp Phùng Quang Thanh (2). Đó là loại xe mà ở các nước giàu có phương Tây xếp vào loại xa xỉ. Ở Úc, một chiếc loại LX-570 giá dao động từ 100,000 đến 150,000 AUD. Về đến Việt Nam, chiếc này giá cũng phải từ 4 tỉ đến 6 tỉ đồng. Một người lao động trung bình làm cả đời cũng không có tiền mua được chiếc xe đó. Dĩ nhiên, đó chỉ là vài trường hợp tiêu biểu, trong thực tế còn có nhiều trường hợp khác mà chúng ta không được biết đến.
Không biết ở nước khác thì sao, chứ ở Úc này có dạo những chiếc xe “Four Wheels” cao ngồng như chiếc Lexus LX-570 đó được xem là “phản xã hội” – anti-social, vì nó chiếm đường và hay gây tai nạn; khi gây tai nạn nguy cơ chết người cũng tăng theo. Ở Việt Nam, nơi đường sá chật hẹp, mà những chiếc xe cao ngồng đó xuất hiện thì rất ư là đúng với nghĩa phản xã hội.
Đối với các đại gia họ có tiền nhờ kinh doanh giỏi, và họ chơi xe xịn là điều chẳng có gì ngạc nhiên. Nhưng đối với quan chức ăn lương Nhà nước (nhưng thực chất là từ tiền thuế do dân đóng góp) mà chơi xe xa xỉ thì quả là có vấn đề về đạo đức xã hội. Nó giống như mình đang ăn uống trong một nhà hàng sang trọng, mà ngay phía ngoài là những người đói khát đang ăn xin để sống qua ngày. Khách ẩm thực có đạo đức chắc chắn sẽ cảm thấy không ngon miệng. Tương tự, đi trên một chiếc xe xa xỉ bên cạnh đa số người nghèo đi xe gắn máy thì ngay cả người đi cũng thấy không vui, chẳng có gì đáng tự hào.
Thử đặt những chiếc xe xa xỉ đó trong bối cảnh nợ nần chồng chất của đất nước xem sao. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (tức World Bank) công bố rằng Việt Nam hiện có nợ công lên đến 110 tỉ USD. Con số này cao hơn khá nhiều so với con số của Bộ Tài chính công bố trước đó, và làm cho nhiều người ngạc nhiên. 110 tỉ USD tức là gần bằng 60% tổng GDP quốc gia, tức ở mức nguy cơ bị vỡ nợ. Tính trung bình, mỗi người Việt Nam, từ mới sinh ra đến người sắp về với đất, gánh trên vai số nợ 1200 USD. Trong một đất nước nợ nần như thế (và người dân hết thế hệ này sang thế hệ khác phải nai lưng ra đóng thuế trả nợ) mà các quan chức lại chơi xe xa xỉ thì phải nói là họ có vấn đề về đạo đức.
Trong một đất nước còn nghèo (hay rất nghèo?), một đất nước mà lãnh đạo phải đi “ăn xin” nước ngoài triền miên, và Việt kiều từ nước ngoài chi viện hàng chục tỉ USD mỗi năm, mà các bác ấy đi trên những chiếc xe trị giá hàng nửa triệu USD thì phải nói là rất ư phản cảm.
 N. V. T.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

20150729. TÂM SỰ ĐẢNG VIÊN

ĐIỂM BÁO MẠNG
ÔNG TỔ TRƯỞNG DÂN PHỐ
NGÔ THẾ BÍNH
(Ảnh minh họa lấy từ internet)
Tôi và Ông cùng sinh hoạt trong một chi bộ của đường phố. Có thể gọi chi bộ chúng tôi là chi bộ hưu vì đảng viên toàn là những người nghỉ hưu. Nghề nghiệp trước hưu đủ loại: cán bộ của các cơ quan TƯ và Hà Nội, sĩ quan quân đội và công an (cao nhất tới đại tá), nhà giáo, bác sĩ… Vì là dân nghỉ hưu nên tuổi trung bình cũng trên 60.  Ông năm nay cũng cỡ 75 . Tôi sinh hoạt chi bộ chung với Ông được 6 năm thì xin nghỉ sinh hoạt vì tuổi già sức yếu, nhưng  Ông thì không, hơn nữa Ông còn có chân trong Chi ủy. Mỗi lần gặp Ông tôi đều “chào Sếp”, còn Ông đáp lại: “chào cán bộ”, như ngầm ý bảo chúng ta đều là dân hưu cả thôi, mặc dù Ông vẫn gọi tôi là Thầy. Có một lần gặp Ông trên đường tôi cũng chào như vậy thì Ông bá vai và rót vào tai tôi: “Sếp đếch gì! Chẳng qua là thằng mõ của tay Bí thư.  Thu 4 quỹ (chữ thập đỏ, người cao tuổi, khuyến học…), thu thuế sử dụng đất, bán công trái, thu phí giao thông,  nhắc dân vệ sinh cắm cờ ngày lễ, dàn hòa cãi nhau, trực bảo vệ v.v…đến tay lão này sất”.
   Nhân nói về các khoản thu của tổ dân phố,  cần phải  nói các khoản thu là  rất cần thiết và cũng  chẳng nhiều đến mức quá sức chịu đựng của một người như tôi, nhưng có những khoản thu hay chính xác hơn là “huy động” rất vô lý. Đó là huy động mua công trái. Công trái được định nghĩa là tờ giấy chứng nhận khoản tiền, lãi suất, thời hạn vay  của chính phủ đối với công dân. Nguyên tắc của phát hành công trái là có vay có trả và tự nguyện. Thế nhưng ở Việt Nam nguyên tắc tự nguyện cho vay của công dân khó thực hiện vì dân không tin đồng tiền sẽ được chính phủ sử dụng hiệu quả, hơn nữa có thể tiếp tay cho tham nhũng. Tổ trưởng dân phố do đó có nhiệm vụ khá quan trọng là vận động dân mua công trái. Vận  động thì phải chứng minh được sự cần thiết và hiệu quả mong đợi nhưng điều đó là quá khó đối với Tổ trưởng dân phố như Ông. Ông đành phải dùng cái lý rất khó nuốt trôi đối với tôi, và có thể nhiều người, rằng mua công trái là “yêu nước”, là “chấp hành đường lối chính sách của Đảng”. Có lẽ vì quá tin tôi, nên ông bộc bạch tấm lòng: “thủ tướng là gã bất tài nhưng hay tinh tướng. Cầm tiền thuế của dân để chi tiêu nhưng để cho tham nhũng đục khoét, nay lại vay dân, ai dám tin để cho vay? Không có những người như Thầy và những thằng mõ chúng tôi thì hỏi lão có trụ được không?”
    Nhà Ông ở sát ngay nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ nên Ông cũng kiêm luôn cả việc cai quản nhà này như một ông Từ trong đền. Ông cũng giữ vai trò bảo đảm trật tự  mỗi khi Phường tổ chức phát lương hưu tại đây. Thông thường việc phát lương là trực tiếp theo lịch được công bố từ kỳ phát lương trước. Với khoảng 100 người lĩnh trong một buổi sáng, thì công việc lĩnh lương  cũng rất mất thời gian. Đến ngày phát lương mà ai có việc bận thì phải nhờ người có giấy ủy quyền được phường chứng nhận. Đến vợ chồng (cùng hưu) lĩnh hộ nhau cũng phải có giấy ủy quyền để đề phòng người này “chiếm dụng” lương của người kia làm “quỹ đen”.  Ông Tổ trưởng bào: cần quái gì! Thầy cứ đưa sổ lương cho tôi, xong việc tôi mang đến tận nhà và Thầy “chi phần trăm” cho tôi. Quả nhiên Ông đã làm đúng như vậy, còn câu “chi phần trăm” chỉ là nói đùa, có phần nhạo báng cái xã hội đã sản sinh ra câu nói đó. (Có lẽ nẩy sinh từ khi đi vào cơ chế thị trường định hướng XHCN!)-  Ông đưa tôi cục tiền gói ghém cẩn thận và  bảo: “đếm lại cho kỹ đi”.  Cùng với lời cám ơn tôi nói: “Ông  thật là con người vì nước vì dân”. Ra về ông không quên nhắc: khi nào Thầy có việc lên lớp hay đi hội thảo đây đó cứ việc giao sổ lương cho tôi.
  Vì nghĩ rằng ông chỉ là típ người say mê công việc của tổ, không biết làm việc gì khác ngay cả không biết quan tâm đến chăm sóc sức khỏe bản thân, có lần tôi hỏi: “ông có hay đo huyết áp không?”. Ông nói: “Chẳng cần đo tôi cũng biết rằng ổn. Sáng nào tôi cũng luyện tập thể thao bằng đạp xe một vòng quanh Hồ Tây” và để minh chứng cho điều đó Ông chỉ một vết sẹo ở cổ tay. Tôi lắc đầu không hiểu. Ông kể: “mới hôm trước tôi đang dắt xe trên công viên thì bỗng có 2 cô người Tây to lớn đi xe đạp lao vào tôi làm tôi ngã và nhận vết thương này. Các cô sợ xanh mắt sorry rối rít, sau đó rút ngay 200 đô dúi vào tay tôi. Tôi xua tay từ chối vì lòng tự trọng. Điều gì xảy ra tiếp theo Thầy biết không? Cả 2 cô lần lượt ôm chầm lấy lão già này và hôn vào má tới tấp”.  Tôi trêu: “Ông đã có một nghĩa cử làm vinh danh nhân cách Việt, nhưng xét cho cùng thì ông là người lãi to, bà lão nhà ông khi còn sống chắc gì đã cho ông hưởng cảm giác mạnh như vậy!”
   Nghề cũ trước khi hưu của Ông là một trung tá công an.Trong chi bộ hưu chúng tôi cũng không thiếu các tá quân đội và công an. Ngay từ ngày đầu chuyển sinh hoạt Đảng từ trường đại học về, tôi không thể không nhận thấy họ là những người được đào luyện trong chiến đấu, thử thách bằng xương máu chứ không phải trên giảng đường đại học như tôi. Họ là những con chiên trung thành nhất của lý tưởng cao đẹp mà thế hệ “đầu 6, đầu 7” chúng tôi được chăn dắt. Mỗi tháng cứ đúng ngày mùng 3, 3 giờ chiều họp chi bộ khoảng 1 tiếng. Nội dung thường là nghe bí thư báo cáo tình hình tháng qua và nhiệm vụ tháng tới của Phường trong đó là Tổ dân phố do chi bộ lãnh đạo. Trọng tâm là tình hình trật tự trị an trong khu vực, tình hình thu thuế, phí, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mọi người nghe là chính, rất it thời gian cho chất vấn thảo luận và cũng chẳng có đề tài gì có tính chính trị thời sự "vĩ mô",  mặc dù trên thực tế rất sôi bỏng. Trong những buổi họp đón xuân mới họ cũng ngâm thơ và hát hò sôi nổi nhưng họ chỉ hát (chỉ biết hát) những bài như: “vì nhân dân quên mình”, “chiếc gậy trường sơn”, “ tiếng chầy trên sóc Bom Bo”, “5 anh em trên một chiếc xe tăng”, "kachiusa"…Tóm lại là mọi chuyện nằm trong quy định "Những điều cấm đảng viên không được làm". Tuy nhiên không phải họ là những người không có “tâm tư” về những gì đang xảy ra trong xã hội mà ít nhiều họ biết qua báo, đài và đặc biệt là internet về sự suy thoái uy tín của Đảng trong đối nội, đối ngoại. Có lần trên đường từ trường về nhà tôi chứng kiến cảnh biểu tình khiếu nại của thương binh về quyết định cấm lưu thông xe 3 bánh của chính quyền Hà Nội. Một dãy xe 3 bánh với logo "thương binh" đỗ dài gần 1 km từ Cầu Giấy tới địa điểm tiếp dân. Nhiều anh mắc võng ngủ trên xe có lẽ từ tối qua  tới lúc này là 12 giờ trưa. Tôi thuật chuyện này cho Ông tổ trưởng ngoài lề cuộc họp chi bộ. Cứ nghĩ rằng Ông sẽ cho tôi lời giải thích, thì thấy Ông có vẻ  buồn bã và thốt ra  “Không biết sau này ai là người trả lương (hưu) cho chúng ta ?”.  Tôi chợt nghĩ đến câu “Đảng còn thì ta còn” của NLI công an, mà có lần một blogger nào đó đã nhận định. Là người có biết đôi chút về lý lẽ, tôi lại phải giải thích: Đảng ta đã lãnh đạo xóa bỏ giai cấp bóc lột nhưng không bao giờ có thể xóa bỏ các nhóm lợi ích (NLI) khác nhau trong xã hội. Vì vậy mọi quyết sách của nhà nước phải xuất phát từ chuẩn mực chung, công bằng, có lý có tình. Đừng để những NLI xấu giật dây thao túng. Việc biểu tình của NLI thương binh tôi cho là bình thường và cần xem xét. Ông đừng quá lo xa: lương hưu là thuộc quỹ bảo hiểm xã hội, nó là số tiền Ông đã gửi trước vào đó từ thu nhập của những năm Ông công tác,chưa nói thu nhập đó có nguồn gốc từ xương máu của Ông. Chẳng có ai có quyền cướp sổ hưu của Ông. dù chính thể thay đổi. Như ở Nga, dưới chính thể Putin người ta vẫn bảo lưu lương hưu cho tất cả các thành phần xã hội bao gồm cả sĩ quan quân đội, công an thời Xô Viết đó thôi!
BÀN VỀ NHỮNG ĐIỀU CẤM ĐẢNG VIÊN
Bài NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 29/7/2015
Trong những Điều lệ Đảng trước đây không thấy qui định những điều đảng viên không được làm. Sau Đại hội X, khi công nhận đảng viên có quyền làm kinh tế tư nhân thì phát sinh vấn đề  cấm đảng viên bóc lột. Sau đó, vào tháng 12 năm 2007 Bộ Chính trị ra QĐ 115, cấm đảng viên làm một số việc. Đại hội XI thông qua điều lệ mới, trong điều 2 về nhiệm vụ đảng viên , ngoài các việc như chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không ngừng nâng cao trình độ và đạo đức, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí v.v…(như các điều lệ trước ), thì còn thêm : “chấp hành quy định của BCH TƯ về những điều đảng viên không được làm”. Thế rồi tháng 11 năm 2011, BCH TƯ ra Quy định  47 QĐ/TƯ nêu 19 điều đảng viên không được làm, thay thế QĐ 115 của BCT.
QĐ 47 đã gây ra một làn sóng lo lắng, sợ sệt trong một số các tổ chức đảng ở cơ sở. Tôi đã chứng kiến cảnh các đảng viên hỏi nhau, liệu việc làm như thế này, như thế kia có vi phạm 19 điều cấm hay không. Người ta còn dùng 19 điều cấm để dọa nhau, ngăn cản nhau làm một số việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng hoặc giúp đỡ người khác . Tôi đã bỏ công tìm hiểu và ngạc nhiên thấy một văn bản  vi phạm nhiều lỗi lôgic. Trước đây tôi chậc lưỡi cho qua, nhưng sau khi nghe lời kêu gọi phản biện của TBT Nguyễn Phú Trọng nên mạnh dạn nêu vài ý kiến để trao đổi với những ai quan tâm và hy vọng ý kiến đến được những người có trách nhiệm để có thể đem ra thảo luận tại Đại hội XII sắp tới.
1- Về lệnh cấm nói chung
Một tổ chức bình thường nên bao gồm các thành viên hiểu rõ những việc mà họ nên và không nên làm, được phép và không được phép làm. Để được như vậy thì cần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh và những người đứng đầu gương mẫu trong thực hiện. Khi phải đề ra nhiều điều cấm đoán chứng tỏ tổ chức đang suy yếu và tiềm ẩn sự rối loạn. Ngay cả việc thưởng và phạt, chỉ vừa phải thôi và  công bằng thì mới có tác dụng tốt, còn nếu nhiều quá sẽ trở nên nhàm chán và phản tác dụng. Tuy vậy khi mà trong tổ chức có những lúc xuất hiện các thói hư tật xấu  thì phải làm thế nào? Lúc này người lãnh đạo sáng suốt sẽ kịp thời phát hiện, tìm nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân gốc để kịp thời khắc phục, và trước hết họ nêu gương trong việc thực hiện. Với những người đứng đầu kém tài và đặc biệt là những kẻ thiển cận, độc đoán, họ chỉ thấy được hiện tượng khi đã trở thành phổ biến, chỉ thấy được nguyên nhân gần, trực tiếp, chỉ nghĩ ra được những biện pháp trừng phạt và ngăn cấm, nhưng như thế chỉ xử lý được một số hiện tượng ở ngọn, dẹp được chỗ này sẽ mọc ra chỗ khác tinh vi hơn, thâm độc hơn, không ngăn cản và xóa bỏ được tật xấu  từ gốc.
Xin kể chuyện cũ viết lại. Ngày xưa ở nước Tấn, Cảnh Công là ông vua kém tài, dùng một số quan nịnh hót và tham nhũng, dân bị áp bức, bóc lột, lại gặp năm mất mùa, sinh ra nhiều trộm cắp. Vua tin dùng Khước Ung là người có tài bắt trộm, mỗi ngày bắt được vài chục tên. Triều đình quả quyết rằng chẳng mấy chốc sẽ dẹp tan hết nạn trộm cắp. Bọn trộm đã liên kết lại, giết chết Khước Ung và hoành hành mạnh hơn. Chỉ đến khi được Dương Thạch Chức hiến kế, phân tích tình hình, vua tỉnh ngộ ra, dùng được Sĩ Hội là người giỏi và thanh liêm đứng đầu triều đình, loại bỏ các quan lại chuyên quyền độc đoán,  giảm bớt sưu thuế, mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống của toàn dân, đề cao đức tính liêm sĩ trong quan lại và nhân dân thì nạn trộm cắp tự nhiên giảm rồi mất hẳn.
Có một hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam. Tại hầu khắp trụ sở công và tư, kể cả khách sạn đều có nội quy, ghi rõ mọi người  phải làm việc này việc nọ, không được làm việc ấy việc kia. Tôi thấy phần lớn chỉ là hình thức  và nó chỉ thích hợp cho trình độ dân trí quá thấp. Ở các nước văn minh, tiên tiến rất ít thấy các nội quy kiểu ấy.
Thông thường, ở một tổ chức mà có quá nhiều điều cấm, nhiều hình phạt  thì bên ngoài thấy là  nghiêm túc, là kỷ cương, nhưng bên trong chứa nhiều bất ổn, nhiều rối loạn.  Nguyên nhân gần, trực tiếp của những điều bất ổn và rối loạn là sự  thoái hóa, biến chất của các thành viên, sự kém hiệu quả của luật pháp, còn nguyên nhân gốc, nguyên nhân sâu xa phải tìm ở nền văn hóa và sự lãnh đạo  hoặc cai trị  từ cấp cao nhất.
2- Phân tích lệnh cấm về mặt lôgic
Lệnh “cấm…” hoặc “không được làm…” thường có giá trị và ý nghĩa như nhau. Đôi khi để nhấn mạnh người ta ghép thành “cấm không được làm…”. Trong một lệnh như vậy thường có từ 2 đến 4 yếu tố sau : đối tượng , việc bị cấm, không gian , thời gian, ngoài ra có thể thêm một vài yếu tố phụ khác. Thí dụ : Cấm xe tải chạy trong thành phố từ 6 đến 10 giờ sáng. Trong  lệnh trên không cấm xe ô tô con hoặc xe khách vào bất kỳ lúc nào, không cấm xe tải chạy trong thành phố từ 10 giờ sáng ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau , và từ 6 đến 10 giờ  không cấm xe tải đỗ trong thành phố, không cấm xe tải chạy ngoài thành phố.
Trong xã hội Việt Nam, Đảng CS chia mọi người  thành đảng viên  và quần chúng ngoài đảng . Tập hợp đảng viên nằm trong tập hợp lớn hơn là công  dân. Như vậy một điều nào đó đã cấm công dân thì đương nhiên là đảng viên cũng bị cấm, trừ khi viết rõ là cấm công dân ngoài đảng. Trong điều lệ Đảng đã ghi : đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước. Như vậy một điều mà pháp luật đã cấm công dân thì Đảng không cần ra thêm quy định cấm đảng viên nữa.  Theo lôgic thì một việc  mà cấm đảng viên  thì người ngoài đảng có quyền làm, dù cho  là dân thường hay quan chức cao cấp. Việc Đảng quy định cấm đảng viên  vi phạm những điều đã có trong luật pháp hoặc những điều phổ thông về đạo đức và đạo lý làm người chỉ làm rối loạn và mâu thuẩn trong nhận thức. Điều lệ đã quy định đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Khi lãnh đạo Đảng thấy, ngoài pháp luật Nhà nước, đạo đức và đạo lý làm người, chỉ thị nghị quyết của Đảng đã có, mà cần cấm đảng viên làm một việc gì đó do tình hình đột xuất gây ra thì chỉ nên ban hành thành một chỉ thị mới, ngắn gọn. Việc đưa vào Điều lệ  và ban hành một danh sách dài 19 điều cấm, mà mỗi điều lại gồm nhiều nội dung, báo hiệu bên trong đang chứa nhiều bất ổn, đến lúc Đảng phải chấn chỉnh lại nhiều thứ từ gốc rễ, nghĩa là từ tổ chức và luận thuyết chứ không phải chỉ ra những lệnh cấm mà giải quyết được vấn đề.
Có lập luận cho rằng phải kể ra những điều cụ thể bị cấm thì đảng viên mới biết để chấp hành. Đó là một kiểu lập luận ngụy biện, phiến diện, coi thường trình độ đảng viên. Có một điều cần nhận thức đúng là : “quy định càng cụ thể thì càng thiếu”. Thí dụ  với quy định “cấm xả rác nơi công cộng”, muốn cụ thể hóa rác là những thứ gì ( vỏ hoa quả, lá gói bánh, túi ni lông….), càng kể càng thấy thiếu, nơi công cộng là nơi nào ( phòng đợi ở bệnh viện, nhà ga, sân trường, đường phố…), càng kể càng thiếu, kể sao cho hết.
Một vài thí dụ trong 19 điều đảng viên không được làm: Điều 9 “Làm trái quy định trong những việc: quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án; thực hiện chính sách an sinh xã hội, cứu trợ, cứu nạn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các quy định trong hoạt động tố tụng”.
Tưởng rằng quy định như thế là cụ thể, nhưng theo lôgic thì những việc không thuộc điều 9 kể trên  đảng viên có thể làm trái, như là kiểm lâm, bảo vệ môi trường, tài chính của tư nhân v.v…
ĐIều 19- “Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới; mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi”. Quy định như vậy tưởng là hết sức chặt chẽ nhưng nếu tổ chức ăn mừng khỏi ốm, ăn mừng tránh được tai nạn ( của bất kỳ người nào trong gia đình) nhằm trục lợi thì rõ ràng không vi phạm điều cấm vừa kể.
3- Bình luận thêm một vài điều
Ngoài 2 điều 9 và 19 vừa kể, xin bình luận thêm vài điều không chặt chẽ về lôgic. Trong các điều 8, 11 và 16 có quy định là “cấm việc để cho bố, mẹ, vợ ( chồng ), con, anh chị em ruột thực hiện một số điều như làm dự án, kinh doanh, lợi dụng chức vụ, đi du lịch tham quan… trái quy định. Theo lôgic thì không cấm việc để cho những người khác ngoài các người đã kể (không cấm việc để cho chú bác cô cậu, anh chị em họ, bạn bè, người quen…) làm trái quy định. Thí dụ có đảng viên cao cấp để cho ông cậu lợi dụng chức vụ của minh nhằm trục lợi, không thể kết luận đảng viên đó vi phạm điều 11, vì ông cậu không thuộc những người đã được liệt kê trong điều đó. Như vậy để xem xét hoặc xử phạt việc để cho ông cậu lợi dụng trục lợi  phải vận dụng điều luật khác. Mà đã có điều luật khác bao quát hơn thì còn cần soạn  thêm  điều cấm 11 làm gì.
Xét điều 7: Cấm “đảng viên  tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội (theo quy định phải do tổ chức Đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức Đảng có thẩm quyền cho phép”. Điều cấm này là một sự hạn chế dân chủ trong Đảng, đúng là chỉ có đảng viên bị cấm còn dân thường thì không. Theo mục 2, điều 3 của điều lệ Đảng  thì đảng viên có quyền ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng. Đó là quyền đương nhiên, không cần thêm điều kiện “được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép”. Hay là BCH TƯ cho rằng người được đề cử vào Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội cần tiêu chuẩn cao hơn người vào cơ quan lãnh đạo của Đảng. Hay là BCH TƯ sợ rằng những thành viên của Mặt trận và tổ chức chính trị-xã hội không đủ trình độ, không đủ sáng suốt để lựa chọn người đảng viên để bầu mà phải “được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép” mới bảo đảm chất lượng.
Còn một số điều khác mới đọc qua thì thấy bình thường, hợp lý, khi phân tích kỹ mới phát hiện ra sự thiếu chặt chẽ về lôgic, tuy vậy bài viết đã hơi dài, xin tạm dừng ở đây.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

ĐỪNG QUAY LƯNG LẠI VỚI ĐÒI HỎI CẢI CÁCH THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ
Bài của PGS ĐÀO CÔNG TIẾN/ BVN 1/8/2015

(Góp ý với Đại hội XII từ chi bộ khu phố 3, P5, Q3 TP.HCM)
Là một trong 61 đảng viên ký vào “Thư ngỏ” ngày 29 tháng 7 năm 2014 gởi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (Thư ngỏ “61”) , tôi đã nhận được nhiều ý kiến và hỏi vì sao ký, nhất là từ khi tôi bị xử lý – giáng cấp từ đảng viên loại 3 xuống đảng viên loại 4 và không được nhận huy hiệu 55 tuổi đảng (06/02/1960 – 06/02/2015) lẽ ra tôi đã được nhận từ đầu năm 2015.
Tôi đã ký vào “Thư ngỏ 61” và kiên định không rút tên khi tổ chức đảng đặt vấn đề vì những ý kiến được đề cập trong “Thư ngỏ” phù hợp với những góp ý từ cái tâm và ít nhiều từ sự hiểu biết việc dân việc nước, mà tôi quan tâm suốt 30 – 40 năm qua.
1. Đừng quay lưng lại với đòi hỏi cải cách thể chế chính trị, đang là đòi hỏi nóng bỏng của đất nước.
Thể chế chính trị mà Đảng Cộng sản đã chọn và áp đặt lên đường lối phát triển của Việt Nam là CNXH dựa trên học thuyết Mác – Lênin, một thời tồn tại ở Liên Xô – CNXH theo mô hình Xô Viết và ở Trung Quốc – có lúc được gọi là CNXH đặc sắc Trung Quốc. Đổi mới thể chế chính trị mà Đại hội Đảng lần này phải trực diện không thể chỉ là “cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy” như Tổng Bí thư đã nói trong chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện Đại hội.
Thể chế chính trị đó đã phá sản ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Ấu, mà người trong cuộc ở đấy cho rằng vì nguyên nhân tự thân của nó.
Một số nước khác vốn đã nhân danh là quốc gia XHCN, trong đó có Việt Nam, mặc dù phải đổi mới kinh tế để tồn tại và phát triển, nhưng đổi mới không toàn diện, không triệt để, vì vẫn cứ bám vào ý thức hệ XHCN và chế độ độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản bằng siêu quyền lực.
Học thuyết Mác – Lênin và CNXH về lý thuyết thì mù mờ và đã thực sự bị phá sản trong đời sống hiện thực. Mù mờ đến mức ngay cả người sùng bái CNXH nhất cũng phải nói: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam chưa” [[1]]. Thế mà phải cứ lắp ghép XHCN với kinh tế thị trường để có ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’, và cứ phải thúc đẩy nhau đi tìm cái thể chế đó mà có tìm được đâu, bởi: “Làm gì có cái thứ đó mà tìm[[2]] và mù mờ đến mức “đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến” [[3]].
Mù mờ, cùng với quá lúng túng và bế tắc, bởi có nguyên nhân tự thân từ thể chế và cách tiếp cận không qua lăng kính của cuộc sống.
Nguyên nhân tự thân của những lúng túng và bế tắc gắn liền với quá nhiều khiếm khuyết trong nội hàm của mô thức tổ chức xã hội XHCN mà các nhà sáng lập ra CNXH đã chọn:
(a) Tổ chức xã hội theo thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp, coi đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội, coi chuyên chính vô sản là nguyên tắc và trên thực tế đã không tránh khỏi tình trạng lấy vô sản chuyên chính dân tộc đánh vào khối đại đoàn kết dân tộc. Kích động hận thù, bạo lực và tội ác cũng sinh ra từ đây với đặc trưng này.
(b) Mô thức tổ chức nền kinh tế bị chi phối gần như tuyệt đối bởi công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu là nền tảng, kinh tế Nhà nước chủ đạo, thực hành kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp và tự túc tự cấp. Mô thức tổ chức nền kinh tế với đặc trưng này rất xa lạ với kinh tế thị trường và cũng chưa bao giờ đuổi kịp, hay vượt kinh tế thị trường trên phương diện sản xuất và tái sản xuất trong đời sống hiện thực.
(c)Tập quyền đến mức quyền lực thành siêu quyền lực cho độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản vừa làm cho Đảng bị tha hóa vừa làm cho các tổ chức chính trị, kinh tế xã hội khác mất quyền trở thành hữu danh vô thực. Không có quyền cũng dẫn đến thiếu trách nhiệm, dẫn đến tình trạng xã hội không có người chủ đích thực, quay lưng lại với tệ nạn vô trách nhiệm và vô cảm.
Ngoài nguyên nhân tự thân như đã nêu ở trên, còn có nguyên nhân từ cách tiếp cận không qua lăng kính của cuộc sống, để nhận biết học thuyết Mác – Lênin và CNXH có cái gì trước đúng nay vẫn đúng, cái gì trước đúng nay không còn phù hợp vì bối cảnh xã hội đã có quá nhiều thay đổi và cái gì cả trước và nay đều không đúng, để có sự lựa chọn vận dụng.
Mô thức tổ chức xã hội XHCN với những đặc trưng như đã trình bày ở trên đã phá sản ở Liên Xô, ở các nước XHCN Đông Âu.
Chọn học thuyết Mác – Lê nin và CNXH, Việt Nam đã phải trả giá quá đắt bởi những sai lầm, khuyết điểm, nhất là sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng trong việc chọn con đường và giải pháp cải tạo XHCN và xây dựng CNXH từ 1954 ở miền Bắc và từ 1975 trên phạm vi cả nước, có thể đơn cử như:
(a) Sai lầm trong Cải cách ruộng đất.
(b) Triệt phá kinh tế tư bản tư nhân ở miền Bắc sau 1954 và sau 1975 ở miền Nam.
(c) Xóa bỏ kinh tế cá thể của hàng chục triệu hộ nông dân, thợ thủ công và tiểu thương.
(d) Kỳ thị kinh tế tư nhân và cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân mãi tới những năm gần đây mới được tháo gỡ.
(e) Thái quá trong phân định và phân biệt đối xử giữa các thành phần giai cấp trong xã hội, nên đã nêu khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” trong Xô Viết Nghệ Tĩnh, đàn áp trí thức, nhân sĩ yêu nước trong phong trào Nhân văn Giai phẩm và trong vụ án Xét lại hiện đại.
(f) Chọn đổi mới kinh tế với cái cốt lõi là phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhằm sửa chữa những sai lầm về đường lối kinh tế dựa trên học thuyết Mác – Lê nin và CNXH theo mô hình Xô Viết và mô hình “đặc sắc Trung Quốc”, nhưng đổi mới không toàn diện, không triệt để cũng bởi những rào cản từ ý thức hệ sợ “đổi mới được kinh tế nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất tổng thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người”.
(g) Chậm nhận biết sự tất yếu mang tính quy luật của phát triển bền vững, nên kinh tế càng tăng trưởng thì tình trạng lâm nguy đối với văn hóa và môi trường càng lớn, càng gay gắt. Chạy theo tăng trưởng nhất là trên diện rộng và số lượng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô và cái giá phải trả từ đó là chất lượng tăng trưởng không cao, chất lượng cuộc sống của người dân chậm được cải thiện, tụt hậu so với các nước trong khu vực ngày càng lớn.
Sai lầm trong việc chọn đường lối cùng với bộ máy cầm quyền yếu kém, hư hỏng tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích bất chính và tham nhũng lộng hành, đưa nước ta vào khủng hoảng, tụt hậu về kinh tế, lâm nguy văn hóa và bị xói mòn lòng tin với chế độ, với Đảng. Toàn Đảng với gần bốn triệu đảng viên, phải chịu trách nhiệm về những sai lầm như đã nêu ở trên và phải sửa sai – từ bỏ đường lối xây dựng CNXH dựa trên chủ nghĩa Mác – Lênin, chuyển sang đường lối dân tộc, dân chủ theo tinh thần của nền cộng hòa dân chủ với sự tôn vinh dân chủ và pháp quyền. Sứ mệnh và tầm nhìn trên của toàn Đảng toàn dân đòi hỏi Đại hội XII (cả đại hội các cấp tiến đến Đại hội XII) không được quay lưng lại với yêu cầu cải cách thể chế chính trị.
2. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, có cả ngàn năm phải đối đầu với mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc nhằm phục vụ lợi quyền của Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong khoảng 40 năm gần đây (từ sau 1975), các thế lực bành trướng bá quyền Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa (năm 1974); đánh chiếm Gạc Ma (năm 1988), đứng sau lưng “Khơ me đỏ” đánh Việt Nam ở biên giới Tây Nam (1976-1978 đưa 60 vạn quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc (1979), hạ đặt giàn khoan HD981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, và một chuỗi hành động rất đáng quan ngại là việc “xây dựng các đảo nhân tạo” đang được ráo riết thực hiện ở Trường Sa, Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Sự ngang ngược và ngạo mạn hết sức nguy hiểm đó, phải được coi là những hành vi xâm lược, phải được đối phó bằng chống xâm lược với ý chí và quyết tâm chính trị cao của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, của Nhà nước và của đảng cầm quyền.
Thế nhưng, tại nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế, nhất là tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 Khóa 11 và tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa13 không những không ra được nghị quyết chỉ trích xâm lược và kiên quyết chống xâm lược, mà còn có không ít những phát ngôn làm lòng Trung Quốc nhưng đau lòng dân vì những mơ hồ mất cảnh giác từ nhận thức “cùng ý thức hệ XHCN” và những lời ngon ngọt “bốn tốt”, “16 chữ vàng”. Mơ hồ mất cảnh giác đã, đang và sẽ đánh mất chủ quyền và không làm tròn trách nhiệm với các quốc gia, với cộng đồng dân tộc trong khu vực và trong liên kết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền sử dụng tài nguyên trên không, trên biển theo luật quốc tế.
3. Chuẩn bị cho Đại hội XII là việc phải làm và cấp ủy các cấp của khóa XI có trách nhiệm trong việc chuẩn bị này. Nhưng chuẩn bị chứ không phải là áp đặt, càng không thể là lấn quyền của Đại hội.
Qua hệ thống thông tin đại chúng và tiếp cận bước đầu với các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII, thì việc cải cách thể chế chính trị - cả chế độ và đảng, không những chưa được quan tâm, mà còn buộc phải theo tinh thần Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013, vốn cố bám giữ đường lối XHCN theo chủ nghĩa Mác – Lê nin và độc quyền lãnh đạo của Đảng bằng siêu quyền lực – đang là vấn đề nóng bỏng mà Đại hội XII không thể quay lưng lại được.
Về nhân sự cho cơ quan lãnh đạo các cấp trong nhiệm kỳ Đại hội XII theo quyết định ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, vẫn không có dân chủ thực chất và trên thực tế không tránh được sự sắp đặt của cấp ủy khóa trước cho nhân sự của khóa sau và cũng không tránh được sự chi phối của một số ít người có quyền. Quy chế mới còn hạn chế hơn nữa quyền ứng cử, đề cử, quyền bảo lưu ý kiên bị thiểu số và quyền được báo cáo với cấp trên cho đến đại hội đại biểu toàn quốc của đảng viên, trong đó có những quy định không phù hợp với điều lệ Đảng hiện hành [[4]].
Tháng 4 năm 2015
Đ.C.T.
Đảng viên chi bộ khu phố 3, P5, Q3, TP.HCM

Chú thích:
[[1]] TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” - Báo Tuổi trẻ online 23/10/2013 (http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20131023/du-thao-chua-vang-vong-nhu-loi-hieu-trieu/576098.html)
[[2]]Nhiều người hỏi Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mãi cái mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có mà tìm.” - Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 03/05/2014 (http://www.thesaigontimes.vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loi-giai.html)
[[3]] Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được.” - Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 22/11/2014 (http://www.thesaigontimes.vn/124350/Thu-truong-Bo-KHDT-Chung-ta-di-ma-khong-biet-di-dau.html)
[[4]] Mấy điều không phù hợp với Điều lệ Đảng trong Quy chế bầu cử trong đảng theo Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 09/06/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI:
- Theo Quy chế, cấp Ủy viên và Ủy viên thường vụ, Ủy viên Bộ chính trị và Ban Bí thư không được ứng cử và đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử. Quy định này không phù hợp với quy định “Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp trên cho đến Đại hội Đại biểu toàn quốc” tại Khoản 5, Điều 9 của Điều lệ Đảng hiện hành.
- Quy chế bầu cử khống chế số dư tối đa không quá 30% số lượng cần bầu là lấn quyền của Đại hội vì Điều lệ hiện hành nêu rõ ở Khoản 2, Điều 9: “Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc, cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là Đại hội Đại biểu hoặc Đại hội Đảng viên” và ở Khoản 3, Điều 12 quy định: “Danh sách bầu cử do Đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua”.
- Quy chế bầu cử trong đảng coi “danh sách do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử là danh sách đề cử chính thức với đại hội”, thậm chí “có thể lấy danh sách đó làm danh sách bầu cử”. Như vậy có sự phân biệt đối xử giữa những người trong danh sách của cấp ủy và những người tự ứng cử và được đề cử tại đại hội. Nguyên tắc dân chủ, bình đẳng trong bầu cử bị vi phạm bởi sự phân biệt đối xử đó.
Tác giả gửi BVN
Ký vào “Thư ngỏ 61” tôi còn kỳ vọng là ký vào những góp ý với Đại hội XII của đảng (cả Đại hội các cấp tiến đến Đại hội XII), mong muốn Đại hội đừng quay lưng lại với đòi hỏi cải cách thể chế chính trị để thoát ra khỏi sự ràng buộc vô lý của ý thức hệ XHCN theo chủ thuyết Mác – Lênin và sự lệ thuộc vào những thế lực bành trướng, bá quyền Trung Quốc.