Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

20150216. BÀN VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ

ĐIỂM BÁO MẠNG
VĂN HÓA CHÍNH TRỊ DÂN CHỦ
Bài NGUYỄN HƯNG QUỐC / VOA/TTHN/ BVB 16/2/2015
***
Tại sao sinh hoạt chính trị nước này thì lành mạnh, nước kia thì vô cùng nhếch nhác, hết dối trá này đến dối trá khác, hết hỗn loạn này đến hỗn loạn khác? Tại sao dân chủ ở nơi này thì ổn định, vững chắc, dân chủ ở nơi kia thì chập chờn, bấp bênh, lúc nào cũng bị nguy cơ độc tài nghiến nát?
Trước, người ta nghĩ câu trả lời nằm ở kinh tế; sau, người ta nghĩ ở thể chế; gần đây, hầu hết giới nghiên cứu đều tập trung vào một yếu tố khác: văn hóa. Cách hành xử chính trị của mọi người, từ giới cầm quyền đến dân chúng, không phải chỉ dựa trên sự kiện hay quyền lợi thuần túy mà chủ yếu dựa trên cách diễn dịch các sự kiện liên quan đến đời sống cũng như đến số phận của quốc gia và cũng dựa trên sự ưu tiên giữa các quyền lợi liên quan đến bản thân mình cũng như giai cấp của mình. Cả sự diễn dịch lẫn sự ưu tiên ấy đều gắn liền với văn hóa.
Có thể nói, muốn có một sinh hoạt chính trị đàng hoàng nghiêm túc, điều cần có, trước hết, là một văn hóa chính trị thích hợp. Cũng vậy, muốn có dân chủ, điều cần có đầu tiên chính là văn hóa dân chủ. Không có văn hóa làm nền tảng, những thay đổi, cho dù lớn lao đến mấy, như thay đổi giới lãnh đạo hay thậm chí, thể chế, chỉ có tính cách tạm thời. Và hời hợt. Rồi, cuối cùng đâu cũng lại hoàn đấy. Con quái vật độc tài, một lúc nào đó, sẽ ngoi đầu dậy trở lại, nuốt chửng nền dân chủ còn phôi thai và lại hãm hại những người dân đang ngây thơ ngỡ mình đã hoặc sẽ được giải phóng khỏi mọi kiềm kẹp.
Chính vì vậy, yếu tố văn hóa, cụ thể là văn hóa chính trị càng ngày càng được quan tâm nghiên cứu.
Nhưng văn hóa chính trị là gì?
Thuật ngữ “văn hóa chính trị” (political culture) nếu không được ra đời từ, thì cũng gắn liền với nhà nghiên cứu về chính trị người Mỹ, Gabriel Almond. Trong bài tiểu luận “Comparative Political Systems” xuất bản trên Journal of Politics số 18 năm 1956, Almond phát hiện sau mỗi thể chế đều có một nếp suy nghĩ và niềm tin đặc biệt định hướng cho mọi hoạt động chính trị. Ý tưởng ấy được phát triển sâu rộng hơn trong cuốn The Civic Culture xuất bản lần đầu năm 1963, ở đó, khái niệm văn hóa chính trị lần đầu tiên được sử dụng như một tiêu đề với ý nghĩa là những định hướng chính trị đặc biệt, bao gồm hai yếu tố căn bản: Một, thái độ đối với hệ thống chính trị và các tổ chức liên quan; và Hai, thái độ đối với vai trò của bản thân mình trong hệ thống ấy.
Nói một cách tóm tắt, văn hoá chính trị bao gồm hai khía cạnh chính: tôn trọng luật chơi dân chủ và ý thức rõ về quyền của mình với tư cách một công dân cũng như một con người.
Trước hết, xin nói về luật chơi. Chính trị, hiểu một cách đơn giản, là việc phân bố và thực thi quyền lực (power). Trong một chế độ dân chủ, quyền lực ấy phải do dân chủ uỷ nhiệm qua các cuộc bầu cử; với sự uỷ nhiệm ấy, quyền lực trở thành thẩm quyền (authority), tức một thứ quyền lực chính đáng. Một văn hoá chính trị đúng đắn phải tôn trọng sự uỷ quyền ấy, hay nói cách khác, phải tôn trọng kết quả của các cuộc bầu cử.
Ở nhiều quốc gia độc tài, sau các cuộc bầu cử, những người cầm quyền dùng quyền lực của mình để bác bỏ kết quả của cuộc bầu cử ấy. Đó là trường hợp Miến Điện vào năm 1990, sau cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau 30 năm, với kết quả là Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi được 392 trên tổng số 489 ghế, tức khoảng 80% số ghế trong Quốc Hội; nhưng phe quyền phiệt lúc ấy đang cầm quyền đã từ chối việc chuyển nhượng quyền lực, tiếp tục cầm quyền một cách độc tài cho mãi đến đầu năm 2011 mới đồng ý tổ chức một cuộc bầu cử khác, tương đối tự do.
Trường hợp của Thái Lan trong những năm gần đây thuộc một cực khác: sau khi bầu cử, phe chiến thắng lên cầm quyền, phe thất bại, một mặt thừa nhận kết quả bầu cử, nhưng mặt khác, lại vận động dân chúng đổ xô xuống đường để tìm cách truất phế chính phủ hầu tổ chức lại một cuộc bầu cử khác với hy vọng mình sẽ chiến thắng.
Ở đây, người ta không thể không nhớ các cuộc bầu cử ở các quốc gia dân chủ ở Tây phương: mọi phe phái đều chấp nhận kết quả của các cuộc bầu cử. Ngay sau khi đếm phiếu xong, phe thất bại điện thoại cho những người thắng cử để làm hai việc: Một, thừa nhận mình thất bại và hai, chúc mừng những người thắng cuộc. Người ta không viện bất cứ một lý do gì để phủ nhận kết quả bầu cử. Không ai nói dân ngu hay dân lầm khi bầu cho đối thủ của mình. Luật chơi của dân chủ được xây dựng trên các cuộc bầu cử. Bất chấp kết quả bầu cử ấy thế nào người ta cũng phải chấp nhận. Thua một triệu phiếu: chấp nhận, đã đành. Chỉ thua một phiếu, người ta cũng chấp nhận. Đó chính là văn hoá chính trị hoặc cũng có thể nói, văn hoá dân chủ ở Tây phương.
Khía cạnh thứ hai của văn hoá chính trị là ý thức về quyền (rights). Mọi người, kể cả những người dân bình thường, thấp cổ bé miệng, cũng ý thức rất rõ về các quyền của mình, như quyền sống và mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do ngôn luận và tư tưởng cũng như các quyền tham gia hội đoàn và đảng phái. Những quyền ấy gắn liền với con người chứ không phải do chính quyền ban phát. Chính quyền chỉ thực sự là chính quyền nếu biết tôn trọng những cái quyền bất khả xâm phạm ấy.
Với ý thức về những cái quyền của mình, dân chúng dưới các chế độ dân chủ không thờ ơ với các hoạt động của chính phủ. Họ không vô cảm. Ngược lại, họ biết họ có quyền kiểm tra và đòi hỏi chính phủ phải minh bạch và chịu sự kiểm soát của công luận. Nhiều học giả cho sự vững mạnh của các nền dân chủ ở Tây phương không phải tự nhiên mà có: Nó được xây dựng trên ý thức về quyền của dân chúng. Song song với ý thức ấy là sự tham gia của dân chúng vào các sinh hoạt xã hội dân sự (civil society).
Ở Việt Nam thì khác. Nhà cầm quyền, một mặt, từ chối sự minh bạch và tính chất khả kiểm (accountability), mặt khác, cố sức nuôi dưỡng thứ văn hoá vô cảm trong quần chúng. Có thể nói, chính thứ văn hoá vô cảm ấy là một thứ đối nghịch với văn hoá dân chủ. Người ta dùng thứ văn hoá vô cảm ấy để triệt tiêu văn hoá dân chủ, qua đó, kiềm hãm tiến trình dân chủ hoá trong nước.
Để xây dựng một nền dân chủ thực sự cho Việt Nam, do đó, ngoài những biện pháp tranh đấu để giành lại quyền lực, người ta cần phải nuôi dưỡng ý thức về quyền của dân chúng, phát triển các sinh hoạt thuộc xã hội dân sự và cuối cùng, tạo sức ép để chính quyền phải tôn trọng các luật chơi dân chủ qua việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và tôn trọng kết quả của các cuộc bầu cử ấy.
N.H.Q/(VOA)/TTHN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét