Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

20150228. BÀN VỀ LỖ CỦA PETROLIMEX

ĐIỂM BÁO MẠNG
"CÁI LỖ CỦA PETROLIMEX" NẰM Ở ĐÂU ?
Bài của QUÁCH HOÀNG/ GDVN/  BVB  28/2/2013
Đại diện Petrolimex đưa ra ba nguyên nhân khách quan để lý giải cho việc lỗ 1.145 tỷ đồng. Tuy nhiên, xung quanh con số lỗ "khủng" này vẫn còn nhiều tranh cãi.
Người được ủy quyền công bố thông tin Petrolimex Lưu Văn Tuyển chính thức công bố Báo cáo số 0180/PLX-TCKT gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; trong đó nêu rõ: Báo cáo hợp nhất toàn Tập đoàn trong Quý IV/2014 lỗ 1.145 tỷ đồng.
3 nguyên nhân khách quan?
Lý giải điều này, ngày 26/2, ông Nguyễn Xuân Chài - Trưởng phòng Kinh doanh Tập đoàn Petrolimex đã đưa ra 3 lý do về con số lỗ hơn 1.145 tỉ đồng. Đại diện tập đoàn khẳng định con số lỗ trên do tác động đồng thời của 3 nguyên nhân khách quan.
Thứ nhất, Quý IV/2014 giá xăng dầu thế giới giảm liên tục với biên độ lớn. Sự biến động này nằm ngoài các dự báo của Chính phủ cũng như các chuyên gia kinh tế.
Thứ hai, công thức tính giá cơ sở để xác định giá bán tại Việt Nam chỉ được tính bình quân của 15 ngày cuối của chu kỳ tồn kho bắt buộc 30 ngày.
Thứ ba, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và việc trích lập dự phòng đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh liên kết theo các quy định hiện hành.
"1.145 tỷ đồng là số lỗ của riêng Quý IV/2014. Do vậy, khi hợp nhất số liệu cả năm 2014 vì thế mà hiệu quả sản xuất - kinh doanh của năm 2014 cũng bị giảm đi tương ứng" - ông Nguyễn Xuân Chài phân trần.
Petrolimex cũng thông tin thêm, việc tồn kho 30 ngày là để bảo đảm an ninh năng lượng theo quy định - tất cả các doanh nghiệp đầu mối (19 doanh nghiệp được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu hiện nay) bắt buộc phải thực hiện.
Thêm vào đó, để xăng dầu tại Việt Nam tiệm cận với diễn biến giá xăng dầu của thị trường thế giới, Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 xác lập công thức tính theo bình quân của 15 ngày cuối của chu kỳ tồn kho 30 ngày; chính vì vậy, khi xăng dầu thế giới giảm sâu như quý IV/2014 vừa qua chênh lệch lớn giữa giá cơ sở và giá bán dẫn tới doanh nghiệp bị lỗ.
***
***
Ví dụ cụ thể cho thấy: Nếu lấy giá cơ sở theo bình quân 30 ngày để xác định giá bán theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP thì doanh nghiệp có lãi định mức 300 đồng/lít (không bị lỗ). Tuy nhiên, khi lấy giá cơ sở theo bình quân 15 ngày cuối của chu kỳ tồn kho 30 ngày quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP để xác định giá bán tối đa thì thiếu 750 đồng/lít.
Trước đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã công bố bị lỗ cả ngàn tỉ đồng trong quí 4/2014 do giá xăng dầu liên tục giảm mạnh. Kết quả này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận cả năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất quí 4/2014 (chưa soát xét) của Petrolimex công bố mới đây cho thấy, riêng trong quí báo cáo, đơn vị này chịu lỗ hơn 1.145 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm 2013 lãi gần 360 tỉ đồng.
Giải trình về kết quả này, Tổng giám đốc Trần Văn Thịnh trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết Petrolimex với trục chính là kinh doanh xăng dầu nên kết quả hợp nhất bị ảnh hưởng bởi việc giá xăng dầu giảm liên tục với biên độ lớn trong quí 4-2014. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP là dự trữ lưu thông 30 ngày trong khi giá cơ sở được tính theo giá bình quân 15 ngày. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc lợi nhuận quí 4/2014 biến động lỗ với con số kể trên.
Riêng công ty mẹ, báo cáo tài chính quí 4/2014 (chưa soát xét) công bố số lỗ hơn 782 tỉ đồng, tăng rất nhiều so với con số lỗ 93,5 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2014.
Kết quả này đã kéo lợi nhuận cả năm của Petrolimex xuống còn hơn 4,8 tỉ đồng, giảm rất mạnh so với năm 2013. Năm 2013, đơn vị này báo lãi 1.578,9 tỉ đồng.
***
Ảnh minh họa
*** 
Riêng công ty mẹ, lợi nhuận cả năm 2014 đạt hơn 67 tỉ đồng, chỉ bằng gần 1/10 so với con số 710 tỉ đồng của năm 2013.
Kết quả cụ thể này không bất ngờ bởi trước đó, lãnh đạo Petrolimex trong các dịp như tổng kết ngành Công Thương... cũng từng thông báo tương tự. Theo đó, quí 4/2014 đơn vị này lỗ nặng vì giá xăng dầu liên tục giảm, làm triệt tiêu toàn bộ thành quả có được của 3 quí trước đó.
Bất hợp lý, đáng quan ngại?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên tờ Đất Việt cũng bày tỏ quan điểm, việc kinh doanh xăng dầu của Petrolimex không thể bằng các năm trước là điều hoàn toàn có thể hiểu được bởi giá xăng dầu thế giới giảm chắc chắn ảnh hưởng rất nặng nề tới tập đoàn này, những doanh nghiệp không kinh doanh sành sỏi sẽ khó lòng chịu nổi.
"Tuy nhiên, đo lường ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới làm Petrolimex thua lỗ đến mức nào thì phải có các thông số, kết quả phân tích sâu vào báo cáo tài chính của họ", bà Phạm Chi Lan nói.
Theo bà, điều đáng tiếc là các chuyên gia kinh tế như bà không được tiếp cận các thông tin đó để có thể phân tích điều Petrolimex đưa ra xác đáng đến đâu.
"Chắc chắn là hiệu quả kinh doanh của Petrolimex sẽ thấp đi nhưng có đến mức thua lỗ hay không, bao nhiêu phần trăm lỗ của tập đoàn do giá xăng dầu thế giới giảm hay do biên độ 30 ngày dự trữ và 15 ngày điều chỉnh giá một lần... thì cần phải phân tích kỹ các thông số mới biết được", bà Lan nhấn mạnh.
Có một điều khiến chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn là, Nghị định 83 quy định thời gian như vậy và Petrolimex được quyền điều chỉnh tăng giá theo biên độ nhất định tại sao trước đây họ không kêu? Giờ đến khi giá thế giới giảm, ảnh hưởng đến tập đoàn thì họ mới kêu?
"Đó là điều không hợp lý! Những chính sách nào có lợi cho Petrolimex thì họ không nói gì, nhưng đến lúc nào đó có một chút có thể gây thiệt hại cho tập đoàn thì họ kêu rằng cơ chế đó là không hợp lý", bà Phạm Chi Lan nhận xét.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc Petrolimex, doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất báo lỗ là một điều đáng quan ngại.
"Petrolimex với vị thế thống lĩnh thị trường còn bị lỗ thế, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp xăng dầu khác hoạt động theo điều kiện tương tự của Petrolimex có bị lỗ hay không, mức độ lỗ có tương đương với quy mô thị trường của họ hay không".
Điều gây ngạc nhiên, theo ông Lê Đăng Doanh, đó là Petrolimex được chủ động điều chỉnh giá ở một biên độ nhất định mà giờ tập đoàn này kêu lỗ. Do đó, cần hỏi lại lý do Petrolimex lỗ và nên có kiểm toán độc lập xem xét việc báo lỗ của Petrolimex.
Đặt giả thiết phải chăng Petrolimex báo lỗ lớn để được "mở van" Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang rất "khủng", TS Lê Đăng Doanh nói đó là điều đương nhiên, hệ quả dễ hiểu. Còn chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể.
Quách Hoàng/GDVN

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

20150227. SUY NGHĨ XOAY QUANH BỨC ẢNH PHÒNG KHÁCH CỦA NGUYÊN TBT NÔNG ĐỨC MẠNH

ĐIỂM BÁO MẠNG
"HỌC TẬP, LÀM THEO..." NHƯ THẾ À ?
Bài của BÙI VĂN BỒNG trên BVB 26/2/2015
***
Tôi còn nhớ, đầu năm 2007, Tổng cục chính trị QĐNDVN tổ chức cho các sĩ quan trung-cao cấp quán triệt Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 7/11/2006 về tiếp tục tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chỉ thị này do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lúc đó, ký tên, ban hành.
Trong Chỉ thị nêu rõ: Trong hơn 3 năm qua, thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 27-3-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX, toàn Đảng, toàn dân ta đã tổ chức đợt học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ thị đánh giá là: "Đợt học tập đã thu được nhiều kết quả tốt". Trước yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khoá IX đã quyết định triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đúc rút kinh nghiệm để tiến hành cuộc vận động lớn trong toàn Đảng về vấn đề này sau Đại hội X của Đảng. Đây là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ thị nêu rõ mục đích: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
Nội dung cuộc vận động: Tổ chức nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức trong các tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", "Di chúc" và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minhtập trung vào các phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí…
            Nói là thế, Nghị quyết, chỉ thị là thế, nhưng thử nhìn lại từ 2007 đến nay, đã 8 năm rồi, “Cuộc vận động…” ấy đã vận động được ai? Hiệu quả thế nào? Mang lại cái gì? Công tác chỉnh đốn đảng tiến triển được bao nhiêu? Lấy lại được bao nhiều phần trăm-phần nghìn lòng tin của nhân dân đối với đảng, hay là bị mất trắng, mất hết? Mất không còn gì để mà nói! Tiền chi cho in ấn, phát hành tài liệu, các đợt học tập, các đợt khen thưởng, thời gian cán bộ đảng viên bỏ ra để “đi học tập”... khá tốn kém, cũng phải ăn vào công quỹ-tiền thuế của dân, đem lại gì?
Nguyên TBT Nông Đức Mạnh đi đến đâu cũng kêu gọi, hô khẩu hiệu “Học tập và làm theo…”. Ngay trong Chỉ thị nêu trên, ông cũng đưa ra những câu chữ về “Đạo đức cách mạng …” rất kêu: “đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội,…”; Và còn nữa: “học tập và làm theo tư tưởng đạo đức trong các tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", "Di chúc" và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tập trung vào các phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí…”.
Thế nhưng, thực tế trong “nói và làm” lại sinh ra diễn biến khác, lãnh đạo ta ‘tự diễn biến’, không có “thế lực thù địch” nào xúi giục, cũng không có “Diễn biến hòa bình” nào từ Phương Tây thọc qua.
            Khi tôi đang viết bài này, đọc thấy bài “Học tập đạo đức theo gương Hồ Chí Minh như thế để làm gì?”, ký tên ‘Dân choa’ đăng trên blog Kỳ Duyên, TTHNhttp://www.tintuchangngayonline.com/2015/02/dan-choa-hoc-tap-ao-uc-theo-guong-ho.html.
            Vậy, thay vì viết tiếp ‘ý tưởng bài viết’ của mình, tôi xin đăng lại bài viết để ‘nối mạch’ cho Chỉ thị mà nguyên TBT NĐM đã ký ban hành, bắt toàn đảng phải học tập từ hơn 8 năm trước:
Kỳ DuyênĐây là bài viết của bạn DC trên FB. Đoc thấy hợp lý, vì ý kiến phản biện của DC thẳng thắn, có trách nhiệm XH. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ. Chủ blog xin được biên tập một số từ ngữ cho phù hợp văn phong và tinh thần của Blog Kim Dung.
Đã thấy tấm ảnh của Ngọc Thắng đăng ở báo Tiền Phong từ hôm mồng Hai Tết. Nhìn, suy ngẫm , muốn xóa cái ảnh này luôn và quên hẳn luôn. Thế nhưng tấm ảnh cứ đeo đẳng, ám ảnh suốt cả mấy ngày Tết. Tuy tờ báo đã rút tấm ảnh. Thế nhưng nó cứ hiện lên mồn một trong tâm trí của người lỡ đọc tin.
Mới mấy ngày trước đó thôi, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đến thắp hương cho chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trọng có nhắc nhở và căn dặn các chiến sĩ, cán bộ, đảng viên hãy noi gương đạo đức của vị chủ tịch đầu tiên. Ông nhắc lại lời dạy của cụ Hồ Chí Minh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân và hãy là luôn nghĩ mình là người công bộc của nhân dân.
Trong ngày kỉ niệm 85 ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Tổng bí thư cũng nhắc đến sự hi sinh mất mát của 160 ngàn đảng viên trải qua 02 cuộc kháng chiến. Với cái giá đấy đất nước và đảng mới có vị thế như ngày nay. Ông cũng mong muốn tất cả các đảng viên sống trong sạch, liêm khiết, chống tệ nạn tham nhũng và xứng đáng với vinh quang của quá khứ..
Nhưng tấm ảnh chụp cảnh ông bí thư đoàn Nguyễn Đắc Vinh đến chúc tết đầu năm nhà ông Nông Đức Mạnh nói lên rất nhiều điều kỳ lạ. Không rõ ông Mạnh răn dạy thế hệ kế cận như thế nào? Nhưng nếu răn dạy mà nhìn cái cảnh vương giả ở phòng khách chắc chắn ai cũng choáng váng, khó tĩnh tâm mà lĩnh hội được ý ông cựu Tổng bí thư nói cái gì.
Người ta vẫn biết các nguyên thủ quốc gia hay cựu quan chức cao cấp thường có đời sống cao, ổn định sau khi nghỉ hưu. Việc đó rất bình thường, ai cũng hiểu và thông cảm. Cả một đời làm việc, phấn đấu và cống hiến thì nếu có hơn người dân, hoặc hơn cán bộ cũng chẳng cần phải đàm tiếu gì.
Nhưng bởi vì các bậc đại nhân này khi tại chức, tại quyền thường đi giảng đạo đức. Khuyên cán bộ nhân dân sống liêm khiết thanh bạch như Cụ Hồ vì thế người đời vẫn tưởng tượng, các vị này khi về hưu vẫn có cuộc sống an nhàn, thanh bạch như nhiều người khác. Nay nhìn tấm ảnh kia thì rất shock. Mới chỉ phòng khách thôi mà như một bậc Hoàng đế thời xưa. Vậy thì những lời chỉ dạy này nọ thì có nghĩa lý gì?
Có nhiều người cho rằng, không nên luận đàm nhiều về phong cách sống của các bậc nguyên thủ sau khi đã nghỉ hưu. Họ cũng là con người lao động. Sau khi hết ràng buộc nghĩa vụ với đời, họ trở về với cuộc sống cá nhân. Họ muốn làm gì là quyền cá nhân của họ, miễn là không vi phạm pháp luật , vì thế không nên soi mói hay đàm tiếu nhiều (!).
Cái lý xem ra cũng không sai. Ai cũng có quyền tự do như thế. Khi trở về đời thường họ là công dân. Nhưng ngoài những khía cạnh pháp luật còn có khía cạnh đạo đức nữa. Họ phải tôn trọng đạo đức xã hội, không nên gây hình ảnh phản cảm như phát ngôn ấn tượng hoặc có những hành vi thiếu văn minh. Điều này con người phải biết tự trọng để tự điều chỉnh hành vi, lối sống của mình.
Các cán bộ cao cấp nghỉ hưu có nhiều việc để làm theo thú vui của mình. Như ông Nguyễn Công Tạn thích chăn nuôi. Ông mở trang trại nuôi vịt trời và đeo đuổi việc làm của mình cho đến khi qua đời. Ông Nguyễn Minh Triết hàng ngày có thú vui đưa đón con cháu đi học. Ông Vũ Khoan, Vũ Mão hay ông Trương Đình Tuyển dùng kinh nghiệm kiến thức của mình đi nói chuyện, giảng bài khi thấy sức khỏe cho phép. Các ông được thế hệ sau đưa đón, đãi đằng. Không ai thắc mắc cả.
Nhưng cũng không nhất thiết phải lao vào làm kinh tế tới tấp như ông Trần Xuân Giá để rơi vào lao lý. Người ta cũng không khen ông Phan Diễn, lớn tuổi vẫn còn „ bì bõm lội ruộng“ cùng bà con nông dân. Lại càng chê ông Trần Văn Truyền chăm chỉ bốc đất làm ruộng cho đến nỗi „ thối cả móng tay“…
Mỗi vị tự mình phải biết làm gì cho phù hợp với sức khỏe của mình. Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và hưởng thụ cuộc đời còn lại của mình.
Có điều, nhìn tấm hình đồ dát vàng rực rỡ, lại còn hai cái ghế chạm trổ hình đầu rồng tượng trưng cho quyền lực uy nghi, cũng rực một màu vàng chói lọi. Nếu những đồ vật kia không thật, chỉ là sơn son thếp vàng giả mà người Hà Nội ngày xưa thường gọi là đồ „ Mỹ Ký“ thì dễ bị coi là trưởng giả học làm sang. Nhưng chủ nhân của nó lại là một nhân vật đặc biệt thì chắc chắn nó không thể đồ giả được. Vì thế thì tiền của đâu mà lắm thế khi mang cái tiếng „ một đời đằng đẵng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân“?
Câu hỏi nối tiếp câu hỏi mà rất khó lý giải.
Dù sao thì đó cũng là một tấm ảnh đầy phản cảm gây bực bội cho người xem.
 Dân Choa (Blog Kỳ Duyên)
***
LÂU ĐÀI CỦA ÔNG NÔNG ĐỨC MẠNH VÀ CHÍNH SÁCH NHÂN SỰ CỦA ĐẢNG
Bài của HUỲNH NGỌC CHÊNH trên Blog HNC 25/2/2015
***
Con gà khoe tiếng gáy; Con thú lo chăm chút bộ lông (ngay cả khi đồng loại của nó đang gào thét vì đau đớn); Trọc phú khoe của cải và nhà cao cửa rộng; Nhà văn hóa tự hào về tác phẩm của mình; Nhà lãnh đạo chính trị chăm chút sự nghiệp và những công trình để lại cho dân cho nước.
Ông cựu TBT Nông Đức Mạnh lại chăm chút cái lâu đài hào nhoáng của mình. Ông bỏ công chăm chút đến từng chi tiết trên ghế ngồi, từng hoa văn trên mặt đá cẩm thạch lót nền và lót tường...nghĩa là ông chăm chút độ hào nhoáng của lâu đài ông đến từng cm, mặc cho chung quanh, dân chúng của ông đang lầm than rách nát vì đói nghèo, vì bất công xã hội. Trẻ con vùng cao thiếu trường để học, thiếu áo quần giữ ấm, thiếu cầu để vượt sông, thiếu thịt để ăn. Bà con dân oan lang thang giữa thủ đô ngay trong đêm 30 tết, không nơi trú ngụ. Đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng... Khi sự hào nhoáng đến kệch cỡm của lâu đài ông lộ ra thì không những tầm văn hóa và tầm nhận thức của ông lộ ra, bộ mặt đạo đức giả cũng rơi xuống mà cả cái chính sách nhân sự của đảng CSVN cũng phơi trần ra mặt trái của nó. Ông là người cộng sản được tổ chức đánh giá tốt nhất trong gần 4 triệu đảng viên, nên ông mới được sàng lọc và chọn ra là người số một, người đứng đầu đảng và cũng là người lãnh đạo tuyệt đối đất nước. Người cộng sản tốt nhất là người "vừa hồng vừa chuyên" tốt nhất trong số 4 triệu người vừa hồng vừa chuyên, có đạo đức cao vời vợi không ai sánh bằng, có trí tuệ và nhận thức không ai theo kịp...và có như vậy thì mới được đưa lên làm tổng bí thư. Ở cương vị TBT, ngoài việc lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đất nước, ông còn là người số một đưa ra quyết định chọn lựa ai là nhân tài để kế vị ông, kế vị những chức danh cao nhất cho bộ máy nhà nước theo chính sách xây dựng nhân sự của đảng ông. Ông là người quyết định cao nhất ai sẽ là TBT, ai sẽ là chủ tịch nước, ai sẽ là thủ tướng, ai sẽ là bộ trưởng...trong các nhiệm kỳ sau ông. Tại hội nghị 10 vừa rồi, ông Tô Huy Rứa đã tuyên bố nhiệm vụ chọn lựa đội ngũ nhân sự kế thừa là rất gay go nhưng bô chính trị và trung ương đảng đã hoàn thành tốt đẹp khi chọn ra được 22 người được cho là xuất sắc nhất để quy hoạch vào bộ chính trị và ban bí thư kế thừa, rồi trong số đó sẽ chọn ra người tài đức số một để đưa lên làm TBT. Hội nghị trung ương đảng trước đây trên 10 năm cũng đã làm như vậy để chọn ra ông để đưa lên. Ông dĩ nhiên được đánh giá là tài đức nhất vào khi đó. Thế nhưng, sau khi vãn tuồng, ông nhanh chóng bộc lộ ra là một con người như thế nào thì ai nhìn vào cũng biết là như thế nào. Vậy thì làm sao tin được những nhân sự kế thừa ông do ông lựa ra, tin được những nhân sự tiếp theo, tin vào 22 nhân sự mà hội nghị 10 vừa quy hoạch? Làm sao tin được chính sách nhân sự theo kiểu người trước nhường ngôi lại cho người sau một cách chủ quan duy ý chí không thông qua sự bầu bán dân chủ thật sự của toàn dân? HNC

***
KHI CHIẾC MẶT NẠ BỊ RƠI XUỐNG
Bài của KAMI /RFA  Blog 25/2/2015
(Ảnh minh họa - nguồn internet)
***
Trong ngày đầu năm mới, những hình ảnh về tư dinh của cựu TBT Đảng CSVN Nông Đức Mạnh, với bộ bàn ghế tiếp khách dát vàng, với các họa tiết trạm trổ đầu rồng thể hiện sự xa hoa, từ báo Tiền phong đã gây xôn xao dư luận và cộng đồng mạng. Nhiều người hết sức bất ngờ, thậm chí "sốc" trước đời sống xa hoa, vương giả của một nhân vật vốn là cựu TBT Đảng CSVN, người đứng đầu một tổ chức chính trị tự nhận là đại diện cho giai cấp vô sản và quần chúng lao động ở Việt Nam.
Ở Việt Nam đa phần người dân không mấy thiện cảm đối với lãnh đạo nhà nước. Dẫu rằng chưa có kết quả của một cuộc thăm dò dư luận để khẳng định điều đó, nhưng có lẽ nhận xét trên cũng khá chính xác. Đặc biệt là đối với những vị lãnh đạo không có năng lực, không có khả năng tạo được những dấu ấn trong dân chúng thì dân chúng không ưa, thậm chí còn ghét. Dưới con mắt của công chúng, thì cựu TBT Đảng CSVN Nông Đức Mạnh là một trong những người như vậy và việc dư luận xôn xao, thậm chí là phẫn nộ cũng không nằm ngoài lý do đó. Tuy vậy, việc ông cựu Tổng BT Nông Đức Mạnh cũng như nhiều các quan chức cao cấp khác, mồm thì luôn rao giảng đạo đức cộng sản, nhưng trên thực tế thì cuộc sống thật của họ cho thấy họ hành xử trái ngược hoàn toàn những gì họ nói. Điều đó khiến cho nhiều người vốn từng có thiện cảm với Đảng CSVN, thì bây giờ họ có cảm giác rằng họ đã bị Đảng CSVN phản bội lại họ. Hay nói cách khác là khi mặt nạ của Đảng CSVN rơi xuống thì mọi người đã thấy hết được bộ mặt thật mà lâu nay họ tìm mọi cách để che giấu.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên?
Có không ít người thấy rằng, chuyện các quan chức giàu có cũng là lẽ thường, theo họ bởi vì chỉ cần nhìn vào mục đích phấn đấu của tất cả mọi người, cả xưa và nay, thì cái mộng làm quan chẳng qua cũng để tìm kiếm quyền lực cho mình và kèm theo cái quyền lực ấy là sự giàu sang, nhàn hạ cho bản thân và gia đình. Thử hỏi làm quan không giàu có thì có ai muốn làm quan để làm gì? Theo họ, mỗi người có mỗi lý do khác nhau khiến cái mộng làm quan của cá nhân mình bất thành, âu cũng do bởi số phận. Chuyện ông TBT Nông Đức Mạnh giàu có xa hoa cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Phía sau bộ bàn ghế thiếp vàng mà chủ nhân ngồi là bức tượng Hồ Chí Minh cũng màu vàng nổi trên nền trống đồng Ngọc lũ mới là điều đáng bàn. Những người này cho rằng, nếu như ta tin rằng điều tạp chí Asia Time đã khẳng định và cũng là điều dư luận lâu nay vẫn cho rằng ông Nông Đức Mạnh là sản phẩm của mối tình giữa ông Hồ Chí Minh và bà Nông Thị Trưng trong những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước ở Pắc Bó - Cao bằng là đúng. Thì việc TBT Nông Đức Mạnh tự cho mình quyền được ngồi trên một cái ngai vàng, để đóng vai làm một ông Vua nối nghiệp Tiên đế Hồ Chí Minh cha của ông cũng là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Cộng với điều mà lâu nay, người ta vẫn bảo Cộng sản là một sản phẩm sự biến hóa của chế độ phong kiến, thì đây cũng là một sự việc theo họ là hết sức bình thường, chẳng có gì mà phải ầm ĩ cả.
Không chỉ thế, những người này họ còn thấy rằng, đa phần sự phẫn nộ của dư luận đối với sự vương giả của TBT Nông Đức Mạnh là do sự ghen ăn tức ở, khi những người này cho rằng TBT Nông Đức Mạnh có khối tài sản lớn và cuộc sống xa hoa đó là do tham nhũng. Nhưng nếu hỏi bằng chứng đâu thì chắc chắn họ sẽ không trả lời được. Đừng quên rằng, TBT Nông Đức Mạnh có bà vợ mới kém ông 26 tuổi, đó là bà Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm, vốn là một nữ doanh nhân - đại gia. Nếu vậy, tại sao TBT Nông Đức Mạnh không được hưởng vai trò của là đức ông chồng của một Đại gia và như vậy dư luận phẫn nộ thì có phải đã quá bất công đối với ông TBT Nông Đức Mạnh hay không?
Đã bộc lộ rõ bản chất
Tuy nhiên đa phần dân chúng thì cho rằng, việc ông Nông Đức Mạnh người từng làm Chủ tịch Quốc hội hai nhiệm kỳ (1992-2001), và cũng từng đảm trách vị trí Tổng BT Đảng CSVN hai nhiệm kỳ (2001-2011) thì không nên có cuộc sống vương giả và xa hoa như vậy. Vì theo họ, hiện nay ở Việt Nam những người ở vị trí lãnh đạo cao cấp như TBT Nông Đức Mạnh luôn luôn tự cho mình có cái quyền được rao giảng, dạy bảo, uốn nắn đạo đức cho toàn dân. Họ luôn răn dạy người ta cần phải “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, lối sống thanh cao, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh” hay “Chống tham nhũng, chống xa hoa lãng phí, đua đòi theo lối sống phong kiến, thực dân còn rơi rớt lại” v.v... Đặc biệt, cái dấu ấn lớn nhất của TBT Nông Đức Mạnh để lại cho nhiều người, có lẽ là phát biểu năm 2010 với các em học sinh một trường trung học ở Hà Nội, khi ông đến dự lễ khai giảng năm học mới và rao giảng về đạo đức  rằng "Các cháu phải học làm người… Làm người có khó không các cháu?". Thì bây giờ người ta lại nghi ngờ về khả năng làm người "tử tế" của ông cựu Tổng BT.
Chuyện của TBT Nông Đức Mạnh đã khiến dư luận xôn xao, thậm chí là phẫn nộ, cũng bởi vì người ta thấy ông cựu Tổng BT cũng đã hiện nguyên hình và cũng không khác mấy những người lãnh đạo cộng sản khác trước và sau ông. Đó là chuyện các ông chuyên nói một đằng và làm một nẻo. Trước đây, các ông hô hào người ta cần phải “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, hay“Chống tham nhũng, chống xa hoa lãng phí, đua đòi theo lối sống phong kiến, thực dân còn rơi rớt lại”, thì bây giờ những hình ảnh trên mạng về cuộc sống thực của ông Tổng BT khiến cho người dân không phẫn nộ mới là chuyện lạ.
Cái cơ bản và đáng nói nhất, là sự bài trí trong phòng khách tại tư gia của ông cựu Tổng BT Nông Đức Mạnh, với bộ bàn ghế tiếp khách chạm trổ long phượng dát vàng và tường phòng khách thấp tè được ốp đá hoa cương thứ thường thấy trong các lăng mộ hay nhà quàn... Những cái đó đã không chỉ cho thấy tâm lý tham quyền cố vị vẫn còn đeo đẳng trong ông, mà còn thể hiện sự lố bịch, quê mùa thậm chí là kệnh cỡm. Điều đó cho thấy trình độ văn hóa và thẩm mỹ của đồng chí cựu Tổng BT là quá thấp kém. Cái đó nó cũng hoàn toàn tương xứng, với một người từng đứng đầu Đảng CSVN vốn là một ông làm nghề gánh củi như báo chí nhà nước trước đây vẫn ca ngợi.
Khẳng định một sự thật...
Nếu như trung tuần tháng 12.2014, dư luận cũng xôn xao trước các bí mật về sự giàu có, xa hoa của một số quan chức lãnh đạo, mà trang Chân dung Quyền lực (CDQL) công bố, các thông tin ấy khiến cho nhiều người bất ngờ và sửng sốt về sự giàu có không thể ngờ của các quan chức lãnh đạo. Đa số cho rằng, những khối tài sản khổng lồ của những người luôn tự xưng là đầy tớ, là công bộc của nhân dân ấy chắc chắn không thể có được từ sự lương thiện hay tài năng của họ. Mà chắc chắn có được từ những thu nhập không chính đáng, thậm chí là bất minh.
Song những hình ảnh về các dinh thự, với nội thất được bài trí xa hoa thực ra chỉ là bề nổi của những khối tài sản của những kẻ đầy tớ của mình, mà nhân dân được thấy nhờ thông tin trên mạng internet. Còn những khối tài sản chìm, là vàng bạc, châu báu, là những tài khoản ngoại tệ nằm trong các ngân hàng ngoại quốc ở Thụy sĩ thì đến giờ chưa ai có thể khẳng định được. Nhưng từ những cái bề nổi mà chúng ta nhìn thấy, thì mới biết rằng các quan chức cao cấp thời nay họ rất giàu và quan trọng hơn là bây giờ họ cảm thấy sự giàu có của họ không cần phải dấu diếm. Dẫu rằng, sự giàu có đó đã đi ngược lại hoàn toàn những khẩu hiệu, những tôn chỉ của Đảng CSVN mà họ đã từng tuyên truyền, những cái mà một thời đã từng đã cuốn hút và lôi cuốn biết bao những người dân lao động đã tin tưởng và đi theo những điều họ nói.
Bây giờ, chỉ bằng một vài hình ảnh trên Báo Tiền phong ngày mùng Một Tết đã làm cho không ít người bừng tỉnh. Nếu như trước đây ít lâu, các thông tin, hình ảnh hay tài liệu về sự giàu có, xa hoa của các lãnh đạo cao cấp từ trang CDQL, được coi là bằng chứng khó có thể kiểm chứng được, mới chỉ làm cho họ hoài nghi và chưa hẳn tin. Thì bây giờ, với bằng chứng cụ thể từ báo Tiền phong - Cơ quan Trung ương của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thì khó có ai có thể bác bỏ được một sự thật. Đó là: các quan chức cao cấp trong bộ máy Đảng, Nhà nước bây giờ đã quá thoái hóa, biến chất, họ vô cùng giàu có và xa hoa, điều mà chúng ta khó có thể tưởng tượng nổi.
... và hệ lụy không nhỏ 
Tình trạng các lãnh đạo trong bộ máy Đảng và Nhà nước bây giờ đã không hề ngần ngại phô trương sự giàu có của mình, đã là chuyện hết sức phổ biến. Sự vương giả của TBT Nông Đức Mạnh cũng không phải là sự cá biệt. Thậm chí hiện nay các quan chức lãnh đạo cao cấp họ dám bộc lộ thẳng cánh, thậm chí khoa trương những khối tài sản khổng lồ của mình có được do tham nhũng, điều được coi là hành động thách thức dư luận và hầu như không ngán bất kỳ ai. Điều đó cho thấy, đối với các lãnh đạo Việt Nam hiện nay họ tỏ ra không hề sợ bất kỳ một nguy cơ nào, kể cả những nguy cơ dẫn tới sự bất ổn của chế độ. Được biết nhiều người trong số họ vẫn nghĩ rằng, chế độ hiện tại sẽ đứng vững như bàn thạch một vài trăm năm nữa, phải chăng đó là lý do khiến họ không hề ngần ngại phơi bày sự xa hoa (!?). Nhưng trên thực tế, sự thật không phải như điều họ nghĩ, mà các thông tin bằng hình ảnh hay tài liệu của trang CDQL trước đây về các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Hải coi trai Đại tướng Phùng Quang Thanh v.v.., và nay là những tấm hình về nội thất phòng khách của gia đình cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gần đây đã gây không ít những điều bất lợi cho Đảng CSVN trong vấn đề niềm tin của dân chúng. Đó cũng chính là lý do, vì sao báo Tiền phong đã phải vội và gỡ những tấm hình đó xuống và thay bằng những hình ảnh khác đỡ chướng tai, gai mắt hơn.
Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, người lao động nghèo kiếm không đủ ăn còn chiếm số đông. Vậy mà những người tự nhận mình là đầy tớ của nhân dân, lại có một cuộc sống vương giả, xa hoa và kệch cỡm. Điều đó trái ngược hoàn toàn những gì họ nói và đã tạo nên cú sốc đối với không ít người trước đây còn tin yêu và tin tưởng vào chế độ hiện nay. Họ không biết rằng dù do vô tình hay hữu ý, song các thông tin về những khối tài sản không lồ và cuộc sống đế vương của các quan chức cao cấp do truyền thông mang lại đã và đang ngày một dần xói mòn lòng tin và sự tin tưởng của dân chúng đối với chế độ. Hơn nữa, nếu như có những chỉ dấu cho thấy họ đang cố tình thách thức dư luận xã hội, thách thức người dân thì đó là điều không thể chấp nhận được. Về lâu dài, những cái đó sẽ tích tụ sự phẫn nộ của dân chúng và có thể dẫn tới một trận cuồng phong để quét sạch mọi thứ. Những hình ảnh về cuộc sống vương giả và xa hoa của các quan chức lãnh đạo ngày hôm nay chính là những tiếng chim báo bão cho tương lai.
Kết
Chiếc mặt nạ của các quan chức lãnh đạo cao cấp đang dần bị lột trần, đồng thời bộ mặt thật của họ cũng đang dần bị lộ diện, điều đó đã giúp cho mọi người thấy rõ hơn bản chất của những ông vua cộng sản ngày nay. Đảng CSVN, một đảng tự cho mình là một đảng làm cách mạng để xóa bỏ giai cấp và để xây dựng một xã hội công bằng hơn, thì đến nay đã hoàn toàn biến chất. Bây giờ họ chỉ còn là một phường tham quyền cố vị, lọc lừa, và các lãnh đạo đảng thì chuyên nói một đằng làm một nẻo để thu vén và làm giàu cho gia đình và bản thân bằng mọi cách.
Cổ nhân dạy rằng: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" tức là nên trách mình trước, rồi hãy trách người sau. Thật ra, sự vương giả hay xa hoa của cựu TBT Nông Đức Mạnh nói riêng hay các quan chức lãnh đạo nói chung cũng vậy, tất cả chẳng có gì để đáng ngạc nhiên cả. Mà cái đáng ngạc nhiên hơn cả là vì sao chúng ta sao mãi cứ lặng im để những kẻ như thế dẫn dắt mình trong suốt mấy chục năm qua? Và kể cả bây giờ, khi chiếc mặt nạ của họ đã bị rơi xuống.
Hai câu thơ của cụ Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu viết cách đây gần một thế kỷ, đến hôm nay vẫn có giá trị như một câu trả lời cho thắc mắc đó. Đó là "Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/ Cho nên chúng nó mới làm quan"./.
Ngày 25 tháng 02 năm 2015
© Kami

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

20150226. VÌ SAO TPP BỊ CẢN TRỞ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
TPP: CƠ HỘI THOÁT KHỎI QUỸ ĐẠO TRUNG QUỐC
Bài pv của MẶC LÂM /RFA 25/2/2015
Các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên TPP và các quốc gia thành viên tương lai tại một hội nghị thượng đỉnh TPP trong năm 2010.
Việt Nam đang nỗ lực trên bàn đàm phán gia nhập TPP nhưng vẫn chưa giải quyết nổi trở ngại nhân quyền mà phía Hoa kỳ đòi hỏi tuy rất ủng hộ Hà Nội. Trở ngại này do đâu và cách giải quyết nó phải thế nào để cơ hội gia nhập TPP không bị bỏ lỡ? Mặc Lâm phỏng vấn GS Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã Hội Việt Nam để biết thêm quan điểm của một trí thức có quan tâm rất nhiều tới hiện tình đất nước.
Mặc Lâm : Thưa Giáo sư, Việt Nam đang được lãnh đạo bởi một hệ thống chính trị được xem là toàn trị và thiếu hẳn tự do dân chủ nhân quyền. Từ thể chế Xã hội chủ nghĩa đã bị sụp đổ tại nơi sinh ra nó là Liên xô nhưng cho tới nay thể chế ấy vẫn không có bất cứ một thay đổi nào khả dĩ làm cho dân chúng hy vọng một tương lai khá hơn cho đất nước cũng như cho người dân. Theo ông quá trình thay đổi này còn phải bao lâu nữa và điều kiện cần có là gì?
GS Tương Lai: Bất cứ một quá trình lịch sử nào cũng phải đi theo những bước đường khúc khuỷu của nó. Để một hệ thống Liên xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì người ta phải đi nhiều bước. Không ai nghĩ là từ ông Gorbachyov là một bước đột phá để nó phá vỡ cái bức tường đó đi.
Cái bức tường do chính chúng ta xây nên bằng sự tự nguyện của chúng ta và rồi chúng ta lại bị giam cầm vào trong bức tường đó. Bây giờ đây phải có một bước phá vỡ cái bức tường đó đi. Một lổ thủng, một đổi thay trên bức tường đó nhằm để thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc cái đã. Thoát ra khỏi sự khống chế của nó rồi sau đó từng bước Việt Nam sẽ còn phải trả giá rất nhiều trên con đường đi tới dân chủ. Đó là cái xu thế không thể cản được.
Cái bức tường do chính chúng ta xây nên bằng sự tự nguyện của chúng ta và rồi chúng ta lại bị giam cầm vào trong bức tường đó. Bây giờ đây phải có một bước phá vỡ cái bức tường đó đi. Một lổ thủng, một đổi thay trên bức tường đó nhằm để thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc
GS Tương Lai
...Cái bức tường do chính chúng ta xây nên bằng sự tự nguyện của chúng ta và rồi chúng ta lại bị giam cầm vào trong bức tường đó. Bây giờ đây phải có một bước phá vỡ cái bức tường đó đi. Một lổ thủng, một đổi thay trên bức tường đó nhằm để thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc
Mặc Lâm : Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay, biến cố chính trị ở nước này có thể ảnh hưởng dây chuyền tới nước khác, Theo Giáo sư thì tác động của bên ngoài vào lúc này liệu có thêm sức mạnh cho lực lượng muốn thay đổi thể chế bên trong hay không?
GS Tương Lai:Kinh nghiệm cho thấy ở những nước xã hội chủ nghĩa không một thế lực bên ngoài nào tác động vào mà có thể gây cho nó sụp đổ đâu. Nó chỉ bằng chính những người cộng sản, chính những người trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đó đứng dậy và đập vỡ nó mà thôi.
Kinh nghiệm Liên xô, kinh nghiệm các nước Đông Âu đều như thế và bây giờ ở Cu Ba cũng đang như thế.
Chúng tôi nghĩ hiện nay quá trình tiến tới cải cách thể chế dân chủ phải là quá trình vận động trong nội tại của cái thể chế này. Cho đến hiện nay không có một lực lượng chính trị nào đủ để thay thế đảng cộng sản, mặc dù đảng cộng sản hiện nay nó đang tha hóa một cách kinh khủng và nó mất niềm tin trong dân rồi. Điều này không phải tôi nói mà chính những người trong lãnh đạo đảng nói ra, nghị quyết trung ương nói ra. Vậy thì bây giờ phải là cuộc vận động bên trong nó, bên trong đảng, bên trong những người cầm quyền để tìm xu hướng nào nó có khả năng mở ra một con đường tồn tại và đây chính trong thời điểm lịch sử này là thời cơ.
Mặc Lâm : Việt Nam hiện đang nỗ lực trong đàm phán TPP nhưng có rất nhiều rào cản tự thân cần phải vượt qua nếu muốn đối tác chính là Hoa Kỳ thông qua. Theo giáo sư TPP có giúp gì trong việc chuyển đổi cơ chế mà Việt Nam tuy hô hào nhưng rất rụt rè thực hiện hay không?
GS Tương Lai:Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Obama và chính phủ Hoa kỳ đã tạo những điều kiện để Việt Nam gia nhập TPP. Trong cái luật chơi mới ấy, trên cái hạ tầng kinh tế ấy thì lúc bấy giờ những vấn đề đổi thay chính trị tương thích với cơ sở hạ tầng đó nó mới diễn ra. Muốn hay không muốn để thoát khỏi bóng đen Trung Quốc, thoát khỏi cái quỹ đạo Trung Quốc vì gia nhập TPP sẽ là bước đi hết sức quan trọng.
Rõ ràng đây là một thời cơ lịch sử và bỏ lỡ thời cơ bây giờ cũng là bỏ lỡ đáng tiếc nhất của một chính sách, hay đối với một nhà cầm quyền, một thể chế chính trị. Sự bỏ lỡ thời cơ sẽ là sự bỏ lỡ bị lịch sử nguyền rủa
GS Tương Lai
Chính vì vậy mà Trung Quốc tìm mọi cách để hạn chế Việt Nam gia nhập TPP giống như trước đây lực lượng bảo thủ giáo điều với sự hỗ trợ của Trung Quốc đã tìm mọi cách ngăn cản Việt Nam ký Hiệp ước Thương mại Việt Mỹ, rồi tiếp đó là vào WTO. Hiệp định Thương mại Việt Mỹ đến phút cuối cùng đã bị phá vỡ. WTO cũng thế, để Trung Quốc vào trước cho tới khi Trung Quốc trở thành thành viên WTO rồi, do Việt Nam chậm chân, thì đối tác khó khăn nhất trong các đối tác phải thương lượng lại chính là ông bạn vàng Trung Quốc chứ không phải ai khác. Đó là một sự thật bỉ ổi và đã rõ ràng phơi giữa ban ngày. Đến bây giờ đối với TPP nó cũng như thế thôi.
Mặc Lâm : Nhân quyền được Hoa Kỳ đem vào bàn đàm phán TPP như một yếu tố không thể thiếu nhưng Việt Nam trong thời gian gần đây lại vi phạm trong rất nhiều vụ bắt giữ những blogger, sách nhiễu những người bất đồng chính kiến. Việc bắt giữ và sách nhiễu như vậy đang cho thấy điều gì thưa ông?
GS Tương Lai:Rõ ràng nhân quyền là một trong những đòi hỏi mà về phía Mỹ đã từng nêu lên với Việt Nam và điều đó theo tôi là hoàn toàn hợp lý vì ông Obama cũng phải theo tiêu chuẩn ấy. Đồng thời ông ấy cũng phải tranh thủ dư luận của công chúng Mỹ và đặc biệt là tìm sự ủng hộ của Thượng viện và Hạ viện Hoa kỳ.
TPP luôn luôn đặt ra nhân quyền như một trong những điều kiện để Việt Nam tham gia TPP để đòi hỏi Việt Nam thay đổi thái độ. Tôi cho không phải chỉ là vấn đề nhân quyền mà nó còn gắn liền với nhiều quyền khác. Tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình…đó là một loạt những điều mà Việt Nam phải làm khi gia nhập TPP cho nên việc bắt bớ sẽ cản trở dư luận Mỹ, đặc biệt là cản trở sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.
Về mặt logic mà nói những lực lượng nào không muốn cho Việt Nam gia nhập TPP đương nhiên họ phải tạo nên về mặt điều kiện, để phía Mỹ thấy rằng, đấy, Việt Nam chưa tuân thủ những điều này cho nên việc gia nhập TPP sẽ bị hạn chế.
Những người muốn cản Việt Nam vào TPP nhất định phải tranh thủ làm những việc này. Tôi không có đủ thông tin để quy kết rằng ai làm cái việc bắt bớ A..B…C….và đây có phải là bàn tay của Trung Quốc hay không vì tôi không có thông tin, không có bằng cớ, nhưng về mặt logic cái người không muốn Việt Nam gia nhập TPP trước hết là Trung Quốc. Vậy thì nếu có cơ hội những gì làm được để cản trờ Việt Nam gia nhập TPP thì người ta ngại ngùng gì mà không làm?
Mặc Lâm : Nếu lần này Việt Nam thất bại trong việc vào TPP thì đây sẽ là một kinh nghiệm đáng nhớ của Việt Nam theo ông thì kinh nghiệm này sẽ  được trả giá như thế nào?
GS Tương Lai:Rõ ràng đây là một thời cơ lịch sử và bỏ lỡ thời cơ bây giờ cũng là bỏ lỡ đáng tiếc nhất của một chính sách, hay đối với một nhà cầm quyền, một thể chế chính trị. Sự bỏ lỡ thời cơ sẽ là sự bỏ lỡ bị lịch sử nguyền rủa. Anh sẽ đi vào lịch sử như những tội đồ nếu anh bỏ một thời cơ khiến đất nước có thể bức lên, thoát khỏi cái vòng xiềng xích áp đặt của một lực lượng muốn kìm hãm đất nước này trong vòng tay của ngoại bang. Cụ thể hơn là trong vòng tay của 16 chữ và bốn tốt mà anh Trung Quốc đặt ra.
Làm mọi cách để cho Việt Nam vào TPP, trong đó có vấn đề thực thi nhân quyền là một việc cần phải làm không thể nào khác được.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn Giáo sư.