Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

20230929. BÀN VỀ 2 PHẠM TRÙ 'LÝ THUYẾT' VÀ 'THỰC TIỄN'

    ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI VỀ 2 PHẠM TRÙ “ LÝ THUYẾT” VÀ “THỰC TIỄN”

NGÔ THẾ BÍNH/ ngothebinh’s blog 1-10-2014



Trong luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ hay các công trình nghiên cứu khoa học nói chung thường tác giả phải chứng minh cho đề tài đặt ra và cách giải quyết của tác giả là có giá trị cả về lý thuyết và thực tiễn. Vậy thế nào là “lý thuyết” và “thực tiễn” ?
Cả 2 cụm từ này đều có nguồn gốc Hán –Việt, và có nhiều định nghĩa trong từ điển [1] [2] [3]. Tuy nhiên, theo tôi cần có định nghĩa chính xác như sau:
Lý thuyết (理說)- đó là kết quả khái quát hiểu biết của loài người về hiện tương sự vật trong tự nhiên và xã hội nào đó bằng nêu ra khái niệm, giải thích, chứng minh, dự báo quy luật vận động tương đối phổ biến… của chúng. Thuật ngữ tương đương của “Lý thuyết” là “Lý luận” (理论)
Thực tiễn (实 践) - đó là quá trình thực hành, vận dụng lý thuyết của những lĩnh vực khoa học nhất định, nhằm gải quyết những nhiệm vụ cụ thể của con người trong đời sống và lao động sản xuất…Trong sử dụng, không nên lẫn lộn ‘thực tế’(实际) với “thực tiễn”, mặc dù đều có chung từ “thực” (có thực chứ không phải tưởng tượng ra). Ví dụ: đề xuất của tác giả A là sát thực tế chứ không viết hoặc nói là sát thực tiễn.(ý ở đây là đề xuất không phải viển vông, thuần túy lý thuyết mà có căn cứ vào điều kiện cụ thể áp dụng). Chữ “tiễn” trong “thực tiễn” có bộ thủ là chữ “túc” chỉ nghĩa hành động đi, chữ “thuyết” trong “lý thuyết” có bộ thủ là chữ “ngôn” chỉ nghĩa lời nói, nên sẽ đúng khi viết: ông B lý thuyết không đi đôi với thực tiễn hay lời nói không đi đôi với việc làm .
Lý thuyết và thực tiễn là 2 phạm trù cơ bản nhất của triết học, có quan hệ mật thiết với nhau. Lý thuyết là là “kim chỉ hướng” cho hành động (thực tiễn) đạt được kết quả mong muốn, hạn chế rủi ro. Thực tiễn là thước đo kiểm chứng lý thuyết, bổ sung hoàn thiện lý thuyết, phục vụ đắc lực hơn cho hoạt động thực tiễn. Những điều nêu trên cũng đã được trình bày nhiều trong giáo trình triết học, và cũng được các nhắc nhở nhiều bởi các nhà nghiên cứu khoa học tiền bối. Trong bài này người viết chỉ muốn trao đổi với các nghiên cứu sinh, học viên cao học một vài nhận thức xoay quanh chủ đề Lý thuyết và Thực tiễn như sau:
1) Lý thuyết thường tồn tại ở đâu? Lý thuyết thường tồn tại trong những giáo trình, công trình nghiên cứu được công bố, lưu giữ, truyền tải trên các phương tiện như sách, báo, máy tính, mạng internet v.v… Tùy theo đặc điểm của hiện tượng sự vật dùng làm đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu người ta đã phân chia lý thuyết thành những lĩnh vực khoa học khác nhau. Sự phân chia khái quát nhất là chia thành lý thuyết của khoa học tự nhiên và lý thuyết của khoa học xã hội. Trong tham khảo tài liệu cần phân biệt lý thuyết gốc và lý thuyết thứ phát. Lý thuyết gốc là lý thuyết nêu trong tác phẩm của chính tác giả đề xuất, lý thuyết thứ phát là lý thuyết sao chép lại từ lý thuyết gốc của tác giả khác. Trên thực tế có những tác giả vì những lý do khác nhau không chú thích rõ lý thuyết gốc, người nghiên cứu cần thận trọng, kiểm tra tính chân thực, chính xác trước khi sử dụng.
2) Giá trị của một lý thuyết là gì ? Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia [1]- “Một lý thuyết tốt là một lý thuyết có thể giải thích được nhiều hiện tượng, có thể tiên đoán được các hiện tượng mới và được thực nghiệm kiểm chứng.” “Có hai bước để đánh giá một lý thuyết. Thứ nhất, xem xét tính hợp lí của của các giả định. Thứ 2, kiểm chứng các dự đoán của lý thuyết bằng cách so sánh chúng với thực tế. Nếu lý thuyết không thể kiểm chứng thì ta không thể bác bỏ hay chấp nhận chúng và đó không thể là lý thuyết tốt.”
Như vậy kết quả thực nghiệm kiểm chứng là thước đo giá trị của một lý thuyết. Về điểm này cần thấy có khoảng cách ngày càng xa giữa 2 loại lý thuyết khoa học tự nhiên và lý thuyết khoa học xã hội. Trong khi khoa học tự nhiên ngày nay đã có những công cụ đo lường, thí nghiệm hết sức chính xác tinh vi thì khoa học xã hội hầu như không thể có thí nghiệm, nhiều dự báo, luận thuyết chưa được kiểm chứng.Ví dụ: Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN do ĐCSVN đề xuất cũng chưa hình thành rõ ràng ngay cả về khái niệm…[ 1],
3) Phân biệt lý thuyết và thực tiễn ? Tuy đã có định nghĩa như trên nhưng không ít nghiên cứu sinh vẫn có sự lẫn lộn giữa lý thuyết và thực tiễn. Ví dụ điển hình nhất là coi các văn bản pháp quy của Nhà Nước (luật, nghị định, thông tư…) giống như tài liệu lý thuyết (cơ sở lý thuyết). Văn bản pháp quy về nội dung chỉ là kết quả vận dụng lý thuyết nào đó, đưa ra các yêu cầu các đối tượng chấp hành mà không cần chứng minh, lý giải thậm chí cũng không liên quan đến lý thuyết nào. Nói khác đi, văn bản pháp quy là thực tiễn điều hành của nhà nước chứ không phải lý thuyết. Do văn bản pháp quy là thực tiễn nên nó có thể tuân theo hoặc không tuân theo lý thuyết đã được kiểm chứng, được áp dụng phổ biến, thậm chí đưa vào giáo trình lý thuyết luật hoc. Xin nêu ra 2 ví dụ:
- Trong Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính Phủ “về lập và phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội” [4] đã đề ra 5 nguyên tắc trong đó có nguyên tắc: “phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”- Như trên đã phân tích nguyên tắc này không mang tính lý thuyết tốt.
- “Quyền được giữ im lặng” của người nghi can khi bị bắt trước điều tra viên là quyền được ghi trong luật tố tụng hình sự của rất nhiều quốc gia trên thế giới là kết quả tổng kết kinh nghiệm chống xử tội oan sai và trở thành lý thuyết của ngành luật, thế nhưng trong luật tố tụng hình sự của VN vẫn chưa được đưa vào và vẫn còn tranh cãi tại kỳ họp 31 của UBTVQH. Hậu quả thế nào công luận cũng đã rõ [5]
Tài liệu tham khảo
1) - http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_thuy%E1%BA%BFt (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
2) - Free Vietnamese Dictionary Project (Hồ Ngọc Đức)
3) - Từ điển từ Hán-Việt (Lại Cao Nguyên chủ biên)- NXB Khoa học Xã hội- 2005
4) - http://www.moj.gov.vn/pages/vbpq.aspx (cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật)
5) - “Con đường làng” tư pháp và cỗ xe kinh tế ì ạch (QC 4/10/2014)- Kỳ Duyên (bản gốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét