Trong Thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp Khai giảng năm học 2023 - 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “... tạo những điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu”.

Quan điểm trên đây cho thấy, Chủ tịch nước tiếp tục nhấn mạnh ngành giáo dục cần phải đổi mới căn bản, toàn diện từ nội dung, chương trình đến phương pháp dạy - học nhằm phát huy năng lực sáng tạo, tố chất, sở trường của mỗi học sinh chứ không phải duy trì một nền giáo dục thụ động, áp đặt.

Quan điểm của Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh năng lực, sở trường nào của học sinh cũng đều phải được tôn trọng, đáng quý, đều có cơ hội để phát triển.

Đoạn tuyệt khoác áo “đồng phục” tư duy

Để biến quan điểm trên đây của Chủ tịch nước trở thành hiện thực, trước hết nền giáo dục, trực tiếp là những người làm công tác chỉ đạo, quản lý giáo dục và các thầy cô giáo phải đoạn tuyệt với quan điểm khoác áo “đồng phục” tư duy cho người học tồn tại từ lâu nay.

Phải thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, nền giáo dục nước nhà mặc dù đã qua nhiều lần cải cách nhưng chưa thoát khỏi tình trạng dạy - học lạc hậu. Đó là nhồi nhét kiết thức, áp đặt tư duy; chưa chú trọng khơi dậy, phát huy tính sáng tạo của người học; chưa quan tâm đúng nội dung, chương trình học ngoại khóa để học sinh được trải nghiệm thực tế, tích lũy kỹ năng sống.

Khi được khuyến khích tranh luận, phản biện trong quá trình dạy - học, học sinh sẽ chủ động tìm tòi, khám phá tích lũy, trang bị tri thức khoa học

Tóm lại, phương pháp dạy - học vẫn là tình trạng người dạy chỉ đóng vai trò truyền thụ, nhồi nhét kiến thức một chiều; còn người học luôn trong tâm thế thụ động chỉ biết nghe và chép. Vì vậy, tư duy của học trò chỉ là tư duy tái hiện, theo lối mòn. Còn năng lực tranh luận, phản biện của trò còn rất xa lạ. Thậm chí nếu trò tranh luận, phản biện lại kiến thức thầy đã dạy sẽ bị đánh giá thiếu khiêm tốn; nặng hơn thì bị đánh giá tư tưởng, đạo đức, nhân cách của trò có vấn đề.   

Bởi vậy, cần phải đoạn tuyệt với phương pháp dạy - học lỗi thời tồn tại suốt mấy chục năm qua và quyết liệt áp dụng phương pháp dạy - học tiên tiến. Đó là người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà quan trọng hơn phải là người đóng vai trò khơi dậy tiềm năng trí tuệ, tiềm năng sáng tạo của người học; trang bị cho người học phương pháp tư duy logic, tư duy hệ thống; bản lĩnh và năng lực tranh luận, phản biện khoa học; tôn trọng nhận thức, tư duy cá biệt (đây là phương pháp dạy - học phổ biến ở tất cả các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến).

Chỉ trên cơ sở phương pháp dạy - học tiên tiến đó mới có thể “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình” của học sinh. Và cũng chỉ có như vậy, học sinh/sinh viên Việt Nam khi rời ghế nhà trường mới “tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu.”

Trang bị năng lực tranh luận, phản biện khoa học

Từ hoạt động thực tiễn, đã phát lộ một chân lý rất quan trọng. Đó là tranh luận, phản biện khoa học vừa là cơ sở vừa là nền tảng cho sự phát triển. Và ở đâu đề cao tranh luận, đề cao phản biện khoa học thì ở đó mới tìm ra sự thật khách quan, mới tìm ra chân lý.

Cho nên muốn học sinh “phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu” như trong Thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp Khai giảng năm học mới, nền giáo dục nước nhà cần phải chú trọng trang bị cho học sinh phương pháp, năng lực phản biện. Chỉ có như vậy mới có những học sinh “trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình”.

Khi được khuyến khích tranh luận, phản biện trong quá trình dạy - học, học sinh sẽ chủ động tìm tòi, khám phá tích lũy, trang bị tri thức khoa học; trên cơ sở vận dụng sáng tạo tri thức và phương pháp tư duy logic giúp họ xem xét, đánh giá các sự việc, các tình huống một cách biện chứng. Thông qua tự phản biện của bản thân và phản biện với những người khác đưa ra những nhận định, kết luận theo quan điểm cá nhân.

Để trang bị năng lực, phương pháp phản biện khoa học cho học sinh, trước hết phương pháp giáo dục, dạy học cần theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Hướng tới hoạt động hóa, tích cực hóa trong hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy.

Để dạy học theo phương pháp tích cực, người thầy cũng cần phải nỗ lực vươn lên để có kiến thức, tầm tư duy và năng lực phản biện đáp ứng được với phương pháp dạy học này. Kiến thức, tư duy của thầy không thể lệ thuộc vào sách vở giáo điều mà phải là tri thức độc lập, mới mẻ. Thực hiện được yêu cầu này, vai trò của người thầy không chỉ phát huy trong việc giúp học sinh làm chủ quá trình học tập tích cực, chủ động mà còn là một hình ảnh mô phạm về năng lực tranh luận, phản biện.

Khi được trang bị tư duy logic và năng lực phản biện, học sinh sẽ trở nên chủ động trong việc đặt ra câu hỏi, tự tìm các thông tin liên quan để giải đáp vấn đề bản thân vướng mắc, chứ không ngồi chờ lời giải đáp, đáp án ở người khác.

Từ đó, học sinh sẽ vượt qua tâm lý rụt rè, e ngại, tự ti và sẽ mạnh dạn, tự tin trình bày, bảo vệ quan điểm của mình. Đây vừa là những tố chất vừa là năng lực rất quan trọng của học sinh, sinh viên bước vào đường đời lập thân, lập nghiệp. Nếu thiếu điều này, công dân khó có thể giúp ích cho cộng đồng, cho đất nước.

Hãy bắt đầu từ các nhà quản lý giáo dục

Cải cách, đổi mới giáo dục theo hướng lấy học sinh làm trung tâm; phát huy vai trò tích cực chủ động, sáng tạo của người học... đã được nêu trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước trong mấy chục năm qua; và được nhiều đời Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh trong các thông tư, chỉ thị và trong các lần đăng đàn trước Quốc hội.

Tuy nhiên, trong các thông tư, chỉ thị của ngành giáo dục các cấp chủ yếu đặt sứ mệnh cải cách, đổi mới giáo dục lên những đôi vai nhỏ bé của thầy và trò. Chính vì vậy, công cuộc cải cách, đổi mới nền giáo dục nước nhà vẫn trong tình trạng ì ạch. Và luôn là vấn đề nóng trong các kỳ họp Quốc hội.

Vì vậy, phải phân định sứ mệnh và trách nhiệm cải cách, đổi mới giáo dục không chỉ là của thầy và trò mà trước hết và trên hết là thuộc về các cơ quan và những người đứng đầu các cơ quan chỉ đạo, quản lý giáo dục.

Bởi, muốn quan điểm, mục tiêu trở thành hiện thực, trước hết các cơ quan và những người đứng đầu các cơ quan này phải cụ thể hoa quan điểm của Đảng về đối mới, cải cách giáo dục bằng những giải pháp đồng bộ, khả thi chứ không phải là những chỉ thị chung chung.

Vì vậy, muốn công cuộc cải cách, đổi mới nền giáo dục nước nhà thành công thì trước hết và trên hết phải có chuyển động từ các cơ quan và những người đứng đầu các cơ quan chỉ đạo, quản lý giáo dục.   

Nguyễn Huy Viện

SUY NGHĨ VỀ VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC ĐÀO TẠO  TRONG NỀN KINH TẾ TRI THỨC  

NGÔ THẾ BÍNH/ ngothebinh’s blog 15-06-2001


       Bất cứ nền kinh tế nào cũng là tổng thể những hoạt động của con người để tạo ra của cải vật chất và tinh thần phục vụ cho lợi ích của chính con người.Các hoạt động ấy luôn luôn là hoạt động sáng tạo,vì con người phải nhận thức được các quy luật của thế giới tự nhiên và xã hội để lợi dụng chúng vào sản xuất mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về số lương và đa dạng về chủng loại.Sự nhận thức và lợi dụng các quy luật qua các thế hệ không những không bị mất đi mà còn phát triển tốt hơn chính là ở chỗ loài người đã biết lưu lại,truyền bá các tri thức của mình bằng các công nghệ thông tin khác nhau,trước hết là tiếng nói và chữ viết.Như vậy,không phải bây giờ mà từ xa xưa tri thức đã biểu hiện như một nguồn lực tất yếu tham vào quá trình sản xuất của mọi nền kinh tế. Tuy nhiên, để làm rõ đặc điểm của từng nền kinh tế, phục vụ cho những mục đích nghiên cứu khác nhau đã có nhiều cách phân loại nền kinh tế. Mỗi cách phân loại thường phải căn cứ vào một tiêu thức nhất định. Chẳng hạn, nếu căn cứ vào hình thái kinh tế -xã hội được chia ra:nền kinh tế cộng sản nguyên thủy, nền kinh tế phong kiến, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa. Nếu căn cứ vào cách thức tổ chức nền kinh tế của nhà nước lại được chia ra: nền kinh tế tự cung tự cấp, nền kinh tế thị trường tự do, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung,nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước(nền kinh tế hỗn hợp).Nếu căn cứ vào vai trò chủ đạo của lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế lại được chia ra : nền kinh tế nông nghiệp, nền kinh tế công nghiệp, nền kinh tế công nghiệp-dịch vụ v.v…Vậy nền kinh tế tri thức nằm trong cách phân loại nào? Tiêu thức phân loại là gì?

        Như trên đã trình bày, không nên hiểu một cách giản đơn:nền kinh tế tri thức là nền kinh tế có sử dụng nguồn lực tri thức,vì chẳng có nền kinh tế nào đối lập với nó. Thực tế các nền kinh tế chỉ khác nhau ở mức độ sử dụng nguồn lực tri thức và chúng ta tạm chia thành 2 loại: nền kinh tế tri thức chưa phát triển và nền kinh tế tri thức phát triển. Nền kinh tế mà chúng ta bàn ở đây cần được hiểu là nền kinh tế tri thức phát triển .Tiêu thức dùng phân loại thành 2 nền kinh tế: nền kinh tế tri thức chưa phát triển và nền kinh tế tri thức phát triển chính là ở mức độ đóng góp của lao động trí óc vào việc tạo ra sản phẩm trong nước (GDP)  của một quốc gia . Mức độ đó hiện nay cũng chưa được nghiên cứu xác định, nhưng theo tôi có thể nêu một số đặc điểm định tính của nền kinh tế tri thức phát triển như sau:

       1-Lực lựơng lao động –yếu tố chủ thể để tạo ra GDP –phải được đào tạo công phu về lý thuyết và kỹ năng thực hành , đáp ứng với yêu cầu của kỹ thuật và công nghệ sản xuất tiên tiến. Nói cách khác lực lượng lao động phải được tri thức hóa ở mức độ cao, và mỗi đơn vị sản phẩm nói chung phải được kết tinh một hàm lượng cao lao động trí óc xã hội .

       2-Sản phẩm trực tiếp của lao động trí óc (tức tri thức) biểu hiện bằng các tác phẩm của mọi lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật.v.v…phải trở thành hàng hóa, để được trao đổi trên thị trường như các hàng hóa thông thường khác, đồng thời qua trao đổi hàng hóa tri thức thực hiện được giá trị.

       3-Không còn khoảng cách đáng kể về mặt thời gian giữa sự ra đời của tri thức lý thuyết và tri thức ứng dụng trong sản xuất. Nói cách khác lao động trí óc biểu hiện thành lực lượng lao động trực tiếp, điều đã được Các Mác dự kiến từ thế kỷ trước. Đó cũng chính là điều kiện để đo lường giá trị của tri thức (đặc biệt là giá trị của tri thức lý thuyết) trong nền kinh tế tri thức.

      4- Công nghệ thông tin với tính cách là công nghệ của quá trình tích lũy,xử lý và truyền tải tri thức khổng lồ, phức tạp tinh vi… của nhân loại được sử dụng phổ biến và càng ngày càng hoàn thiện. Công nghệ đó được kết tinh bởi hàm lượng lớn lao động trí  óc vả đến lượt mình nó là nguồn lực vô cùng mạnh mẽ để  nâng cao số lượng và chất lương lao động trí óc. Đó cũng chính là một trong những công cụ cho phép rút ngắn thời gian giữa nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng.

      5-Có vả thực thi tốt luật bản quyền tác giả của các sản phẩm lao động trí óc, để các sản phẩm này đươc lưu thông trên thị trường bằng mua-bán tuân theo quy luật giá trị, khuyến khích  người lao động trí óc giỏi.

      6-Có sự hội nhập chủ động, tích cực với nền kinh tế tri thức toàn cầu để vừa phát huy bản sắc tri thức dân tộc vừa kế thừa được tri thức tiên tiến của nhân loại.                                

      Những đặc điểm trên đây, theo tôi đối với nước ta chưa hội đủ! Kết quả nghiên cứu về chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên Hợp Quốc năm 1999 cho thấy: HDI của Việt Nam mới đạt 0,664 tức là ở mức trung bình và đứng ở thứ 104 trong số 174 nước được xếp hạng trên thế giới (HDI cao nhất là bằng 1).Mặc dù HDI là chỉ số bình quân cộng của 3 loại chỉ số: GDP bình quân đầu người, tuổi thọ và học vấn, song giữa chúng cũng có quan hệ lẫn nhau. Chúng ta không suy nghĩ sai lầm rằng: những đặc điểm của nền kinh tế tri thức phát triển là có sẵn ở một quốc gia này hay một quốc gia khác. Bất cứ quốc gia nào có nền kinh tế tri thức phát triển cũng phải có quá trình tạo dựng bởi chính con người của quốc gia đó. Từ đặc điểm của nền kinh tế tri thức phát triển đã nêu trên cho thấy: công tác đào tạo lực lượng lao động có vị trí then chốt . vì xét cho cùng trong mọi nền kinh tế lực lượng lao động chứ không phải yếu tố nào khác trả lời vấn đề “sản xuất  cái gì?”, “sản xuất cho ai?”“sản xuất như thế nào?”.Hơn nữa công tác đào tạo không phải tiến hành một lần, một thời gian nhất định để kết thúc mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục, có hệ thống để tạo ra một lực lượng lao động bao gồm nhiều thế hệ nối tiếp. Lực lượng lao động đó phải có một cơ cấu hợp lý về ngành nghề, cấp đào tạo theo từng giai đoạn phát triển kinh tế của quốc gia. Trí thức hóa lực lượng lao động không đồng nghĩa với cách đào tạo nhồi nhét kiến thức, không cần xét đến đối tượng, mục tiêu sử dụng, bỏ qua những nguyên lý giáo dục. Đối với đât nước có tỷ lệ lực lượng lao động cao trong dân số như nước ta, trí thức hóa lực lương lao động đồng nghĩa với nhiệm vụ xây dựng một hệ thống giáo dục đào tạo các cấp, các ngành nghề có quy mô lớn. Điều đó đòi hỏi phải đa dạng hóa hình thức đào tạo, bao gồm đào tạo chính qui, đào tạo tại chức, đào tạo mở, đào tạo công lập, đào tạo tư thục v.v…Cùng với quá trình đa dạng hóa đào tạo phải giải quyết hàng loạt vấn đề có liên quan như: tài chính, giáo viên, trường sở, chế độ thi cử và công nhận bằng cấp v.v…

        Tóm lại, xây dựng nền kinh tế phát triển là sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, song ngành giáo dục và đào tạo đóng vai trò là người xung kích trên mặt trận quan trọng nhất #

                                                                         Thái Nguyên , tháng 6 năm 2001