Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

20231001. TIỀN ĐẦU TƯ CHO ĐỔI MỚI SÁCH GIÁO KHOA?

  ĐIỂM BÁO MẠNG


210 NGHÌN TỈ ĐỒNG, LỚN HAY KHÔNG LỚN?

THÁI HẠO/FB/TD 25-9-2023


"Hơn 210 nghìn tỉ đồng đổi mới trương trình sách giáo khoa", chắc có nhiều người sẽ giật mình, thậm chí còn xót xa, giận giữ.
Nhưng khoan, tám năm, 210 nghìn tỉ đồng, tức mỗi năm hơn 26 ngàn tỉ đồng. Nó lớn đến mức nào?
Trước khi trả lời câu hỏi trên thì bây giờ hãy trở lại với chuyện học thêm trong nhà trường và học thêm với giáo viên của nhà trường. Tiền học thêm hiện nay của mỗi em trong một nền giáo dục 22 triệu học sinh (thành phố có thể vài triệu đồng/em/tháng, nông thôn vài trăn nghìn/em/tháng); tôi ước tính với mức có thể là ở mức thấp so với thực tế: trung bình cả nước 300k/em/tháng nhân với 22 triệu học sinh nhân 12 tháng, bằng hơn 79 nghìn tỉ đồng/năm. 79 nghìn tỉ đồng học thêm/năm! Nghĩa là gấp hơn 3 lần tiền đổi mới giáo dục, cũng có nghĩa là trong 8 năm đổi mới giáo dục thì đồng thời học sinh đã phải bỏ ra 632 nghìn tỉ đồng! Đấy là chưa tính tiền lạm thu mỗi năm.
Riêng tiền học thêm, nếu trung bình cả nước là 300k/em/tháng thì chỉ cần 3 năm, học sinh đã phải bỏ ra số tiền vượt qua con số 210 nghìn tỉ đồng!
Tiền ngân sách (210 nghìn tỉ đồng) hay tiền phụ huynh bỏ ra hàng tháng cho con học thêm thì cũng đều là tiền... chúng mình cả. Nói cách khác, nếu người dân bỏ ra một đồng cho đổi mới giáo dục thì đồng thời họ phải bỏ ra ba đồng cho học thêm.
Tôi muốn đặt một câu hỏi rằng, tại sao đã bỏ ra 26 nghìn tỉ đồng mỗi năm để đổi mới giáo dục mà học sinh lại phải chi một khoản gấp hơn 3 lần như thế nữa để đi học thêm? Lưu ý, đây là học thêm để phục vụ, hay ít nhất cũng là dính liền với chính cái chương trình đổi mới kia, và do chính các nhà trường cùng giáo viên trong hệ thống đang thực hiện chương trình đổi mới tiến hành.
Bộ Giáo dục và các bên liên quan có thấy sự vô lý này không? Đổi mới là để khi học cái chương trình đổi mới ấy, học sinh được “phát triển toàn diện” như đúng mục tiêu mà nó đã đề ra. Nhưng hỡi ôi, “chưa đủ, chưa đạt, chưa được”, các em phải bỏ ra 3 lần tiền như thế nữa để đi học thêm mới mong “phát triển toàn diện được”.
Có thể nói rằng Chương trình giáo dục đã hỏng hay đổi mới đã thất bại không? Tôi không, hay ít nhất là chưa nghĩ thế.
Vậy vấn đề ở đâu? Ở quản lý. Quản lý nhà nước về giáo dục đang rất có vấn đề. Vì thế mà Chương trình đang bị ăn bớt và bóp méo nghiêm trọng.
Nhà nước và Bộ Giáo dục nói riêng xây dựng một chương trình mới, gọi là “đề án đổi mới căn bản toàn diện” với một mục tiêu lớn lao tương ứng với số tiền phải chi ra, nhưng như quan sát của tôi, dù chương trình đã có nhiều điểm tiến bộ nhưng khâu quản lý giáo dục lại dường như bị thả nổi.
Chúng ta không thể cấy một hạt giống mới vào mảnh đất cũ đang đầy cỏ dại, gai góc và sâu trùng mà chưa dọn dẹp và làm đất cho đến nơi đến chốn. Đơn cử, cái “mảnh đất cũ” ấy đang hùng hục dạy thêm và biến tướng dạy thêm bằng trăm phương nghìn kế với đủ thứ tên gọi như phụ đạo, bồi bưỡng, tăng cường, kỹ năng sống, trải nghiệm, stem, steam, v.v.; giờ mang một chương trình mới cấy vào, thế là họ liền xé nó ra luôn, chèn cả tiết dạy thêm vào giữa buổi học để cốt sao bắt đủ 100% học sinh phải học thêm cho họ. Không phải chỉ có thế, họ còn mang cả tiết chính khóa lên buổi học thêm chiều, xếp lẫn vào những giờ dạy thêm để nếu em nào không đi học thêm thì hoặc phải buộc đến trường học một tiết rồi về hoặc phải học nguyên buổi. Tất nhiên, rất hiếm học sinh chọn cách thứ nhất vì rất mất công, đi về cũng hết một buổi mà không học thêm thì phiền toái đủ đường, thế là “ý trường chẳng phải lòng dân”, nhưng vẫn phải đi học.
Còn nhiều trò lắm, kể ra thì dài. Nhưng tóm lại, chương trình “đổi mới căn bản toàn diện” 210 nghìn tỉ đồng kia đang có nguy cơ bị phá nát vì bị lợi dụng để dần biến thành một vế phụ cho dạy thêm đang lên, soán ngôi để trở thành dạy chính.
Dưới áp lực của phụ huynh và dư luận, lác đác đã có một số địa phương ra văn bản “chấn chỉnh” nhưng có vẻ cũng chỉ đủ gãi ngứa mà kết quả thì không có gì đảm bảo cả.
Tôi lấy làm ngạc nhiêm, vì mãi không thể hiểu được tại sao một tình trạng bê bết đang có nguy cơ làm phá sản Đề án đổi mới một cách nghiêm trọng đến thế mà Chính phủ, Bộ Giáo dục và các ban ngành hữu quan lại không có một hành động nào rõ ràng, mạnh mẽ, quyết liệt để dẹp nó đi.
GS Bùi Mạnh Hùng, điều phối viên chính Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018 khẳng định trên báo Thanh Niên ngày 23/9 rằng: “Mục tiêu của việc thiết kế học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chắc chắn không phải tạo điều kiện để nhà trường hợp đồng với các đơn vị liên kết đưa các môn học, hoạt động giáo dục ngoài chương trình vào, buộc HS và PH phải đăng ký học thêm trong giờ học chính khóa”.
Vậy nó dùng để làm gì? Thầy Hùng cho biết: “Tăng thời gian học ở trường chính là nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ, để các em có thêm thời gian tham gia các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện thể chất, phát triển năng khiếu về nghệ thuật; được vui chơi, giải trí,… trong không gian, môi trường an toàn”. Xin nhớ cho, chính vì lý do này mà trong chương trình 2018 mới có những môn học và hoạt động giáo dục trước kia là tự chọn thì nay đã thành bắt buộc như ngoại ngữ, tin học, hoạt động trải nghiệm... Bây giờ, mặc dù chính thức có rồi nhưng các nhà trường vẫn nhiệt tình dạy thêm, là vì sao?!
Nay, các nhà trường mà đứng đầu là hiệu trưởng, bên trên họ là Phòng, là Sở lại dùng thời gian vốn là của Chương trình chính khóa để dùng vào việc dạy thêm kiếm tiền bằng đủ mọi cách. Vậy phải coi đây là hành động tham ô và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng (ở đây là phá hoại Đề án đổi mới).
Đến mức khủng khiếp như thế mà vẫn chưa đủ để Chính phủ và Bộ Giáo dục có một hành động quyết liệt với các hoạt động có tính phạm pháp này ư?
Có không ít lần tôi đã nghĩ “cùn” rằng, đằng nào dân cũng mất tiền, nếu vì lý do khó khăn về ngân sách cho trang bị cơ sở vật chất và xây dựng đội ngũ giáo viên nhằm thực hiện chương trình đổi mới 2018, chẳng thà cứ thẳng thắn, minh bạch mà thu tiền người học trong ít năm và có sự quản lý, đầu tư hiệu quả, còn hơn là để tiền dân thất thoát một cách ghê gớm như hiện nay vào những chuyện lạm thu và học thêm có tính phá hoại như đang diễn ra. Mỗi ngày trôi qua, tiền của học sinh cứ chảy vào tay những cá nhân, những công ty và trung tâm liên kết bên ngoài một cách oan uổng mà trường nghèo vẫn cứ nghèo, học sinh lại vẫn è cổ ra đi học thêm vô ích để cống nạp. Tất nhiên, cái ý nghĩ trên kia chỉ là một cách dằn dỗi vì quá thất vọng và cả kỳ vọng.
Nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng với số tiền 210 nghìn tỉ đồng kia, nhưng phải so sánh với học thêm để thấy nó là nhỏ! Nhưng vấn đề không chỉ là tiền, mà nghiêm trọng hơn, từ tiền (dạy thêm) nó có thể phá hỏng chương trình giáo dục quốc dân, tức cũng là phá luôn 210 nghìn tỉ kia. Cho nên cái cần quan tâm không phải chỉ là tiền, càng không phải chỉ là tiền ngân sách (21 nghìn tỉ). Vấn đề hệ trọng hơn gấp ngàn lần, và không thể thờ ơ được nữa.
Với tôi, bỏ ra 210 nghìn tỉ trong 8 năm để đổi mới giáo dục mà học sinh không phải đi học thêm (tức học lại chính cái chương trình ấy!) và các em được hạnh phúc, phụ huynh an tâm và đủ yên tâm để “giao con cho nhà trường” thì con số ấy quá xứng đáng. Nhưng bởi khâu quản lý nhà nước quá tệ, để cho các nhà trường và giáo viên ăn bớt thời gian, cắt xén chương trình, bóp méo nội dung, từ đó mà dẫn đến Chương trình mới không những đã chưa thực hiện được nhiệm vụ phải có của nó mà còn có nguy cơ bị đánh bại.
Chốt lại, điều quan trọng mà tôi muốn nói ở đây là, Chương trình mới không tệ, nếu triển khai tốt, song song với việc dẹp loạn nạn dạy thêm tràn lan bát nháo hiện nay thì cái giá 210 nghìn tỉ đồng là không hề đắt đỏ!

ĐÚNG LÀ VÃI VỚI CON SỐ THỐNG KÊ!

TÔ VĂN TRƯỜNG/VV/BVN 29-9-2023

Tôi đã có số bài viết phân tích về các phương pháp thống kê của Việt Nam còn nhiều vấn đề phải suy ngẫm, điều chỉnh cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nói về sự “méo mó” đáng sợ liên quan đến con số thống kê khi người ta giật tít trên báo và dựa vào con số công bố của cơ quan nhà nước. Bạn đọc rất ngạc nhiên khi báo Dân Trí có tít: “Hơn 210 nghìn tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa”, tác giả Huyên Nguyễn, thứ Bảy 23/09/2023 [*].
Để đối chiếu, so sánh, tôi đã đọc toàn bộ nội dung Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày 18 tháng 9 năm 2023. Dưới góc nhìn của cử tri, tôi thấy có số vấn đề cần làm rõ như sau:
Nghị quyết giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thống kê: Trong 8 năm, từ 2015 đến 2022, Nhà nước đã chi 213.449,72 tỷ đồng cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Số liệu thống kê ấy không đúng. Nói đúng sự thật thì đây là số tiền từ ngân sách nhà nước đã chi cho giáo dục phổ thông trong 8 năm. Trong số đó có 81.770 tỷ chi thường xuyên (tức là chi lương cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và chi tiêu hành chính cho cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục phổ thông); 131.679,58 tỷ chi cho đầu tư (chủ yếu là xây dựng cơ sở vật chất).
Dù có đổi mới chương trình, sách giáo khoa hay không thì Nhà nước vẫn phải chi các khoản trên. Sự thật là từ 2015 đến tháng 9 năm 2020, các trường phổ thông trong toàn quốc chưa thực hiện chương trình, sách giá khoa mới. Từ tháng 9/2020, bắt đầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở lớp 1; sau đó, mỗi năm thêm 1-2 lớp thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Như vậy nghĩa là cho đến tháng 9 năm 2022, vẫn còn các lớp 3, 4, 5, 7, 8, 9, 11, 12 chưa thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Quốc hội thống kê như vậy là thiếu minh bạch, công tâm.
Thực ra, trong suốt từng ấy năm, Bộ Giáo dục chỉ phải chi khoảng 144 tỷ đồng để xây dựng, thẩm định, tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ sách giáo khoa Cánh Diều và một số sách giáo khoa lẻ bộ, như sách giáo khoa Tiếng Anh biên soạn, xuất bản, phát hành hoàn toàn bằng vốn của tư nhân; Nhà nước chỉ mất tiền chi cho các hội đồng thẩm định. Chỉ có hai bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, xuất bản, phát hành bằng nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước, tức là bằng ngân sách nhà nước.
Cử tri chỉ đề nghị số liệu trong các văn bản của cơ quan nhà nước, nhất là trong báo cáo giám sát của Quốc hội, phải cụ thể, chính xác, sát thực tế. Có như vậy mới đánh giá đúng tình hình và có giải pháp đúng. Báo chí cũng nên tránh giật tít câu view, khiến dư luận hiểu lầm.
T.V.T.
[*] Ngoài Dân Trí, còn có tờ Đời sống và Pháp luật cũng giật tít: “Hơn 210.000 tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Còn nhiều bất cập”. (Văn Việt)
Nguồn: Văn Việt

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

20230930. BÀN VỀ QUẢN LÝ 'CHUNG CƯ MINI'

 ĐIỂM BÁO MẠNG


CHÁY CHUNG CƯ MINI: PHẢI LÀM RÕ 'AI CHỐNG LƯNG' CHO CÔNG TRÌNH SAI PHÉP TỒN TẠI

THÀNH AN/ GD 21-9-2023

Vụ cháy chung cư mini trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào đêm 12/9 vừa qua đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại về người và của, trong đó làm chết 56 người và bị thương 37 người.

Chung cư mini này vốn được Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân cấp giấy phép cho xây dựng nhà ở riêng lẻ với 6 tầng, nhưng thực tế xây lên 9 tầng. [1]

Chủ chung cư mini này là bị can Nghiêm Quang Minh (44 tuổi) - người đang bị Công an thành phố Hà Nội tạm giam để điều tra trong vụ án “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” theo Điều 313 Bộ luật Hình sự (liên quan đến vụ cháy kinh hoàng tại phố Khương Hạ), được biết, cũng là chủ của nhiều công trình vi phạm tương tự.

Cụ thể, đến thời điểm này, cơ quan chức năng phát hiện bị can Nghiêm Quang Minh đã xây dựng ít nhất 8 tòa chung cư mini tại nhiều quận của Hà Nội. Tất cả các tòa nhà này đều có đặc điểm nằm sâu trong ngõ nhỏ, xây cao tầng, phân làm nhiều phòng riêng để bán và cho thuê, không đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy. [2]

Đằng sau công trình vượt tầng ‘có thế lực chống lưng’ - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói như vậy về thực trạng xây dựng sai phép chung cư mini ở Hà Nội bên lề Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức sáng 18/9.

Cụ thể, trao đổi bên lề, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng Thủ đô không chỉ có mỗi tòa chung cư mini bị cháy ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, Thanh Xuân) xây sai phép, mà còn rất nhiều công trình khác.

Theo ông, hiện có thực tế là xử phạt để công trình sai phép tồn tại. Từ thực tế trên, sẽ nảy sinh việc nhiều chủ đầu tư bất chấp việc xây sai phép, “mong cho được phạt” để hợp thức hóa vi phạm. Do lợi nhuận từ phần công trình vi phạm là rất lớn. Vì thế chủ đầu tư sẽ dùng để chạy chọt, hối lộ, sau đó vẫn lãi nên cứ tiếp tục vi phạm.

Ông Nghị cũng cho rằng: “Đằng sau mỗi công trình đấy là có chống lưng...”. [3]

Quản lý trong vấn đề quy hoạch, xây dựng đang có vấn đề, buông lỏng

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) bày tỏ: “Chưa bao giờ có một vụ hỏa hoạn có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như vậy, hậu quả gây thương vong đến mấy chục người. Đối với vụ việc này, là trách nhiệm rất lớn của các cơ quan hữu quan cả trong thời điểm hiện tại và cả trong thời gian trước.

Vừa rồi, Thành ủy cũng đã tổ chức tưởng niệm, quyên góp ủng hộ, hỗ trợ nạn nhân vụ cháy, tuy nhiên, đó chỉ là khắc phục hậu quả, còn nguyên nhân sâu xa vẫn chưa được xử lý”.

Ông Ngô Văn Sửu phân tích: “Thảm họa xảy ra ngay giữa Thủ đô gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, rất tai tiếng. Vì sao có thảm họa xảy ra như thế?

Thực chất của tòa chung cư mini này chỉ là một công trình nhà ở, xây vượt tầng để phân chia và bán lại các căn hộ nhỏ cho những gia đình có nhu cầu sử dụng. Đã xây dựng sai phép mà tồn tại được lâu như vậy, là vì sao?

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Mộc Trà. ảnh 1

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Mộc Trà.

Như ông Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã khẳng định, đằng sau những công trình xây dựng sai phép như căn chung cư mini vừa xảy ra sự cố kia, đều có thế lực “chống lưng” nào đó, tuy không nêu được rõ cụ thể cán bộ nào, nhưng tôi cũng rất đồng tình.

Rõ ràng, đó là một hiện tượng mà trong xây dựng cơ bản của đất nước suốt nhiều năm qua, đặc biệt là trước đây thường xuyên xảy ra: xây dựng sai phép hoặc không phép.

Điều đó cho thấy câu chuyện quản lý nhà nước trong vấn đề quy hoạch, xây dựng của chúng ta trong hiện đang có vấn đề, đã có sự buông lỏng quản lý, không giám sát chặt chẽ, hoặc khi giám sát có phát hiện ra sai phạm nhưng lại không quyết liệt xử lý”.

Theo ông Sửu, các chung cư mini trong các ngõ ngách nhỏ ở Hà Nội như trong vụ cháy vừa qua không phải là trường hợp cá biệt.

Ông lý giải: “Tuy nhiên, ở ta lâu nay đã xảy ra tình trạng “phạt xong cho tồn tại”, như một cách hợp thức hóa các sai phạm. Như vậy, chủ đầu tư sẵn sàng xây dựng sai phép, rồi nộp phạt và vẫn giữ được công trình đó, trong khi lợi nhuận từ phần sai phép lại quá lớn so với số nộp phạt.

Thêm nữa, tôi cũng cho rằng, những người xây được như thế cũng phải có “chỗ dựa”, có thế lực “chống lưng”, mới làm được quy mô lớn thế và tồn tại lâu như thế. Còn nếu chỉ là dân thường, ai xây dựng sai phép một chút, đã có người đến kiểm tra và xử phạt, thậm chí bắt tháo dỡ ngay lập tức...”.

“Chính vì vậy, bây giờ, cơ quan nhà nước phải làm rõ trách nhiệm của từng cán bộ đương nhiệm thời kỳ cấp phép, kiểm tra, giám sát công trình được xây dựng, làm rõ và xử lý trách nhiệm đến cùng.

Mặc dù có thể tại thời điểm hiện, những cán bộ thời đó đã là quá khứ, nhưng nhất định phải lục lại, làm nghiêm minh, không thể bỏ qua với lý do đã nghỉ hưu và phải công bố rõ ràng về trách nhiệm của từng người.

Thứ hai, việc kiểm tra giám sát về công tác phòng cháy, chữa cháy cũng phải xem lại, trong quá trình rà soát, kiểm tra, nếu làm thật chặt chẽ, nghiêm túc, không thể nói không biết đến những ngôi nhà không đảm bảo theo quy định như vậy” - ông Sửu cho hay.

“Qua vụ này, phải kiến nghị nhà nước kiểm điểm một cách sâu sắc, xử lý nghiêm minh, chấn chỉnh lại những tiêu cực trong xây dựng cơ bản.

Nhân đây, phải có cuộc tổng kiểm tra, giám sát, quy hoạch lại một cách thiết thực với cuộc sống của người dân, đồng thời xử ý nghiêm các vi phạm.

Đặc biệt, phải loại bỏ ngay quan điểm “phạt xong cho tồn tại”, đã sai phải sửa, không phép hoặc sai phép phải tháo dỡ ngay. Phải làm một cách triệt để, đã không có phép thì phải dẹp đi, có phép nhưng không đúng thì phải sửa lại cho đúng, không chịu sửa thì chấm dứt, nhường chỗ cho người khác. Không để có chuyện nể nang, can thiệp thì hỏng cả hình ảnh một khu phố, một thành phố.

Không thể để chuyện dân tình sai một tí, lực lượng chức năng xuống tận nơi xử lý triệt để, trong khi có nhiều công trình sừng sững, chình ình nhưng lại để “phạt xong cho tồn tại”. Điều đó thể hiện sự yếu kém, sai sót trong quản lý nhà nước” - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) chia sẻ quan điểm.

Cần tốt ráo xử lý trách nhiệm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Về chuyện các công trình xây sai phép như chung cư mini trong vụ cháy vừa qua, mặc dù chưa khẳng định có thế lực “chống lưng” - như nhận định của nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị hay không, nhưng trước hết, theo tôi cần làm đúng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Trần Sỹ Thanh là đề nghị cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng về chung cư trên địa bàn thành phố và sai đâu xử đấy.

Theo đó, rà soát về tổng số lượng các chung cư, về vị trí thuộc các quận huyện nào, số lượng tại mỗi quận huyện và hiện trạng. Thứ hai, làm rõ, bao nhiêu loại hình chung cư đã được xây dựng có bao nhiêu cái có phép, bao nhiêu cái không phép, và có phép thì do ai ký phê duyệt. Thứ ba, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với chuyện để cho chung cư mà đặc biệt là loại hình chung cư mini “nở rộ” như vậy.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC. ảnh 2

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Thứ tư, phải công khai xử lý. Khi kiểm tra rõ, sẽ thấy ngay câu chuyện có “chống lưng” hay không. Việc xử lý này phải thực sự công khai minh bạch, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng...”.

“Cuối cùng, đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Để không tái diễn một sự cố đau lòng, tôi đề nghị trong các cuộc họp giao ban hằng tháng của Thành ủy, cần yêu cầu các quận, huyện, thị xã báo cáo về chuyện này, xem đã kiểm tra, đánh giá được bao nhiêu. Riêng đối với chuyện này, đề nghị Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có lộ trình xử lý rõ ràng, yêu cầu trong 3 tháng phải báo cáo, không để kéo dài.

Cần phải quyết tâm, dứt điểm đến cùng để không bao giờ xảy ra một hiện tượng đau lòng như vụ việc vừa rồi. Đây là vấn đề kỷ cương của thành phố, đây là vấn đề thẩm mỹ cảnh quan của thành phố, đây là vấn đề môi trường của thành phố... cho nên dứt khoát phải xử lý

Đặc biệt, lần này, đề nghị công khai danh tính tất cả những người có liên quan, công bố cả phương thức xử lý, mức độ xử lý...trong cuộc họp giao ban nào cũng yêu cầu báo cáo tiến độ, kết quả” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/chung-cu-mini-bi-chay-56-nguoi-chet-cap-phep-6-tang-chu-dau-tu-xay-9-tang-2189295.html

[2] https://laodong.vn/xa-hoi/bi-can-nghiem-quang-minh-bi-phat-hien-la-chu-cua-hang-loat-chung-cu-mini-vuot-tang-1243146.ldo

[3] https://tuoitre.vn/nguyen-bi-thu-ha-noi-pham-quang-nghi-noi-chung-cu-mini-vuot-tang-co-the-luc-chong-lung-2023091814205003.htm

Thành An
'NGÕ NHỎ, PHỐ NHỎ, NHÀ TÔI Ở ĐÓ'-DƯỜNG NHƯ MỖI CHÚNG TA ĐỀU CÓ LỖI
ĐINH ĐỨC SINH/TVN 24-9-2023

Tôi sinh ra, lớn lên từ phố cổ Hà Nội. Đi kháng chiến chống Mỹ, đi học, đi làm tôi trở về sống tại phố cổ, không rời đi đâu cả. “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở” đó với biết bao ký ức, kỷ niệm vui buồn vô giá, không dễ gì bỏ đi, nhập cư nơi khác.

Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó từ nhiều thập kỷ trước là một tổ hợp hài hòa giữa cư dân/nhà/ngõ/phố, trong đó mọi hợp phần đều nhỏ như nhau nên không xảy ra những xung đột gì đáng kể. Phố nhỏ nhưng vẫn thông thoáng. Ngõ nhỏ nhưng vẫn đủ rộng để vận hành các đám tang, đám cưới từ nhà ra ngõ, ra phố.

Đám cháy ở quận Thanh Xuân vẫn còn làm rúng động dư luận với những câu hỏi tại sao, tại đâu, tại ai... đầy day dứt và tiếc nuối.

Nhà cấp 4 tại các ngõ, phố này hầu như đã biến mất chỉ trong vòng một, hai thập kỷ vừa qua. Thay vào đó là những nhà ở kiên cố với 6 tầng trở xuống cho mỗi gia đình. Nếu chỉ dừng lại ở kết quả này thì việc đô thị hóa đối với phân khúc “ngõ nhỏ, phố nhỏ” còn tạm được coi là một thành tựu đáng ghi nhận.

Nhưng sự thật đã đi quá đà khi ngày càng nhiều người lao vào kinh doanh chung cư mini. Để có 200-400m2 mặt bằng xây chung cư mini,  họ mua luôn hơn chục nhà cấp 4 trong ngõ hẹp, sau đó đập bỏ các nhà cấp 4 rồi xây trên đó chung cư mini với 6 tầng hoặc ”cao cao mãi”.


Ban công một căn hộ ở chung cư mini được rào kín, cửa sổ chủ đầu tư cũng đã cho lắp chấn song kiên cố. Điều này để đảm bảo an toàn cho các gia đình có trẻ nhỏ, tuy nhiên lại gây nguy hiểm nếu không may xảy ra hỏa hoạn. 

Sau khi hoàn thành công trình, họ bán luôn theo giá thị trường tất cả các căn hộ trong chung cư mini với lợi nhuận thu được nhiều gấp bội so với số vốn đã bỏ ra, và để lại một phố đã nhỏ càng nhỏ hơn, một ngõ đã nhỏ càng nhỏ hơn, đến nỗi xe cứu hỏa không thể tiếp cận để dậplửa, cứu người khi hỏa hoạn xẩy ra như trường hợp chung cư mini ở Thanh Xuân.

Khối nhà nhiều căn hộ này được gọi là “chung cư mini” để phân biệt với loại chung cư do các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được cấp phép xây dựng theo qui hoạch, kế hoạch, chính sách của Nhà nước về loại kinh doanh này. Loại hình chung cư mini có sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với những gia đình có nhà ở trong các ngõ nhỏ, phố nhỏ.

Đó là sự thật về quá trình biến “nhà nhỏ trong ngõ nhỏ” thành nhà to hơn trong ngõ nhỏ hơn tại thành phố Hà Nội và nhiều thành phố khác trong quá trình Đô thị hóa mấy thập kỷ vừa qua.

Nghịch cảnh này xảy ra ở diện rộng, kéo dài, ai cũng thấy nhưng đều bỏ qua hoặc chấp nhận.

Chung cư mini, tắc đường kinh niên, ô nhiễm khói bụi và nước… có phải là kết quả tất yếu của đô thị hóa nhanh chóng với đầy tương phản của Hà Nội?

Càng tự hào bao nhiêu về những thành tựu đã được tạo ra từ các vị trí “mặt tiền” của Thủ đô trong những thập kỷ qua thì cũng ngậm ngùi bấy nhiêu trước sự xuống cấp tại khu vực “mặt hậu” của thành phố này.

Đường cao tốc đi qua Hà nội, đường vành đai 1, rồi 2, rồi 3, và đang 4 đi quanh Hà Nội; Đại lộ đi xuyên các phố phường với các cao ốc, khách sạn, nhà hàng, công viên, cây xanh, hồ nước xanh, hiện đại. Nhưng ngay sau Ga Hà Nội vẫn là hồ nước mang tên Văn Chương mà nước hồ xanh đen đặc quánh và khu dân cư với ngõ nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn được nữa.

Tại quận Hoàn Kiếm, các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Chiếu... với mặt tiền là những căn hộ được hiện đại hóa thành các nhà hàng sang trọng, hiện đại thì ngay sau các nhà hàng này là hàng loạt các ngõ nhỏ với bề rộng chỉ 1-2m kèm theo chồng đống các nhà hộp diêm.

Tại các quận vốn là ngoại thành Hà Nội xưa thì tình trạng làng trong phố đã không chỉ làm xuống cấp các giá thị được tôn vinh đối với làng cổ ngoại thành, mà còn làm nhem nhuốc hình ảnh trong mơ của đô thị hóa Hà Nội thời hiện đại. Sự thật này đang hiện diện tại các làng xưa của quận Ba Đình, quận Hai Bà, quận Đống Đa, và ngay cả các quận mới như Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông...

Nhiều năm qua, Hà Nội đã có qui hoạch, kế hoạch “dãn dân phố cổ”, nhưng không có qui hoạch, kế hoạch “dãn nhà phố cổ”. Sự khập khiễng này đã tự nó làm phá sản những kỳ vọng về dãn dân phố cổ.

“Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” nếu được đồng bộ hóa trong một qui hoạch, kế hoạch di rời thì tại sao không làm, mà chỉ nhăm nhăm làm di rời dân, nếu không thất bại mới là ngạc nhiên.

Xưa kia, tiền nhân đã thành công khi đưa làng nghề vào đô thị để tạo ra 36 phố hàng nổi tiếng, thì tại sao hậu thế lại không tiếp tục tạo ra những phố hàng hiện đại mới bằng cách di chuyển các phố hàng cũ sang các phố hàng mới tại không gian mới của một đô thị mới.

Quận Hoàn Kiếm đang có một cơ hội nghìn năm có một để thực hiện việc này khi Nhà nước có chủ trương sáp nhập quận Hoàn Kiếm. Sau sự sáp nhập này, tại không gian được mở rộng sẽ xuất hiện “36 phố hàng hiện đại” theo một qui hoạch, kế hoạch đồng bộ có tên “dãn dân/ nhà/ ngõ/phố cổ”.

Song song với việc đồng bộ này là việc thực hiện hiện đại hóa mặt hậu của khu phố cổ quận Hoàn Kiếm. Đô thị hóa thủ đô Hà Nội với sự đồng bộ hóa cả mặt tiền và mặt hậu của tất cả các quận trong sự phù hợp với những đặc điểm của từng quận, đó vừa là nhiệm vụ, vừa là quyền hạn và trách nhiệm của quản lý nhà nước các cấp từ trung ương đến thành phố, quận, phường. Về phương diện này, thì “mỗi chúng ta dường như đều có lỗi” quả là không oan một tý nào.

Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó, tôi không đi đâu hết bởi nhiều điều. Trước tiên là “tiền đâu” để mua được một căn hộ cao cấp bạc tỷ, trong khi tôi chỉ có đủ tiền để mua một căn hộ xã hội, nhưng xếp hàng mãi vẫn chưa đến lượt.

Phát triển thì nhanh, dân cư thì đông nhưng chỉ một hai năm trước đây, Nhà nước mới đưa ra kế hoạch xây dựng 1 triệu căn hộ xã hội, và tới nay còn chưa được khởi công suôn sẻ.

Trên thực tế, một số khu nhà xã hội cũng đã được xây dựng tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội nhưng được dùng để khuyến khích tái định cư, giải phóng mặt bằng đối với các khu đất kim cương trong nội thành.

Dù được hưởng chính sách ưu đãi, nhưng tôi cũng không chuyển cư đến đó, bởi con tôi sẽ học ở đâu, mẹ tôi sẽ khám chữa bệnh ở đâu, vợ tôi sẽ đi chợ ở đâu?

Gần đây, không còn lựa chọn nào khác tối ưu hơn, tôi và nhiều hộ khác đã bán nhà và đất của mình cho một doanh nhân để họ xây dựng một chung cư mi ni hiện đại, và đặt mua luôn một căn hộ trong đó ngay từ đầu.

Và giờ thì tôi và nhiều người khác cứ ám ảnh khôn nguôi về cháy nổ sau tai họa vừa xẩy ra.

Giá như mọi người, trong đó có tôi, đều không có lỗi với Hà Nội. Ôi, những ký ức đẹp đẽ, nên thơ của thời “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” chắc đã chìm vào xa xôi.

Đinh Đức Sinh

PHẢI TÌM RA ĐƯỢC NHỮNG 'CÁI TÊN' ĐỨNG ĐẰNG SAU CÁC CÔNG TRÌNH SAI PHÉP

THÀNH AN/GD 25-9-2023

GDVN- Sau vụ cháy CCMN với thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, các địa phương đã khởi động rà soát các công trình xây dựng tương tự, cần xử lý nghiêm, tránh “nhờn luật”.

Vụ cháy chung cư mini trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào đêm 12/9 vừa qua đã gây rúng động dư luận khi trở thành thảm họa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và của.

Chung cư mini này vốn là một công trình xây dựng sai phép, vượt tầng và không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Không riêng căn chung cư mini này xây dựng sai phép, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay còn có nhiều công trình tương tự.

Đằng sau công trình vượt tầng ‘có thế lực chống lưng’ - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói như vậy về thực trạng xây dựng sai phép chung cư mini ở Hà Nội bên lề Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức sáng 18/9.

Phải tìm ra những “cái tên” đứng đằng sau các công trình sai phép

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ: “Tôi rất đồng tình với ý kiến của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị về việc đằng sau các công trình sai phép có thế lực chống lưng.

Không chỉ vậy, rất nhiều cán bộ, lãnh đạo cũng đã từng chỉ ra rằng, sở dĩ, nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước không được thực hiện đến nơi, đến chốn, do có lực lượng chống lưng như vậy.

Riêng vấn đề đối với các công trình xây dựng, tôi thấy xảy ra rất rõ, tình trạng “phạt cho tồn tại” là chuyện không phải chỉ xuất hiện ở Hà Nội, mà hầu hết các công trình tư nhân đều như vậy, trong đó, thể hiện rõ nét nhất có thể kể đến tình hình các công trình của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản...”.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Cao Đình Thưởng - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng: “Các quy định pháp luật đã cơ bản đầy đủ, chế tài cũng đủ mạnh, nhưng việc thực hiện còn nhiều yếu kém. Chẳng hạn, sau khi cấp phép, có vi phạm lại không nghiêm khắc xử lý. Hiện tượng “phạt cho tồn tại” là hiện tượng khá phổ biến, mà như vậy thì phạt không có ý nghĩa gì.

Có khi, chỉ cần vài tích tắc, chủ đầu tư nhẩm tính, thấy rằng nộp phạt có lợi hơn “cắt ngọn” công trình, nên sẵn sàng nộp phạt.

Như nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị vừa rồi có phát biểu “chắc chắn có chống lưng”, trong đó chắc hẳn có "chống lưng",... “làm ngơ” để công trình tồn tại”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội bày tỏ: “Thảm họa vừa qua là một nỗi đau, cũng là bài học cay đắng cho chúng ta trong việc quản lý các khu chung cư, nhất là chung cư mini, đặc biệt là trật tự xây dựng không có đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An. ảnh 1

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Xây dựng vượt tầng, ở trong một ngõ hẹp, các phương tiện cứu hỏa không thể tiếp cận, không có đầy đủ các phương tiện chữa cháy. Đó chính là các khuyết điểm rất lớn của các khu chung cư hiện nay.

Mặt khác, cũng đã có rất nhiều công trình tư nhân của các “đại gia” công trình xây dựng như ông Lê Thanh Thản, cũng như một số tập đoàn có vi phạm mà chịu thiệt hại lớn nhất chính là người dân”.

“Tôi đề nghị chính quyền địa phương các cấp phải vào cuộc, bởi vì địa phương nào cũng có cơ quan quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng, chính những cơ quan đó cần đề cao tinh thần trách nhiệm hơn hết.

Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải làm thật nghiêm vấn đề này. Nếu không làm nghiêm mà chỉ “phạt cho tồn tại” như lâu nay vẫn làm, chúng ta "vô tình" khuyến khích, tạo điều kiện cho những kẻ vi phạm pháp luật làm liều, lúc đó sai phạm lại chồng sai phạm.

Một vấn đề nữa, theo tôi, cũng cần làm rõ thế lực chống lưng là ai. Khi họ xây trái phép, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở đâu?" - ông Lê Như Tiến đề cập.

Công khai, minh bạch để không còn chuyện đi “đường thẳng” vất vả hơn “đường vòng”

Ông Nguyễn Túc đặt ra câu hỏi “Tại sao lại có tình trạng đó?” và lý giải: “Là vì “lợi ích đôi bên”, những người cho tồn tại một công trình sai phép chính là những người đã dính dáng đến ít nhiều.

Tôi rất đồng tình với việc thông qua cuộc tổng rà soát, sẽ tìm ra những “cái tên” đứng đằng sau các công trình sai phép đang tồn tại trên địa bàn thành phố, những ai có liên quan đều phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, phải làm rõ những lợi ích mà mỗi cá nhân được hưởng khi trở thành thế lực chống lưng cho các công trình, tất cả đều phải được công khai, minh bạch”.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thơm. ảnh 2

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thơm.

Ông cũng chia sẻ thêm: “Trên thực tế, trong khi rất nhiều dự án trên cùng một địa bàn, nhưng đôi khi người “đi đường thẳng” lại không được duyệt, còn “đi đường vòng” lại được, có lẽ do xuất hiện hai từ “sân sau” mới có chuyện “đi đường thẳng” lại vất vả hơn “đi đường vòng”.

Tôi từng chứng kiến, chuyện một gia đình xây một chiếc nhà 4 tầng tại khu dân cư đã khó khăn đủ đường, bị sách nhiễu, vòi vĩnh, chỉ cho xây 2 tầng, nhưng các nhà hàng xóm xung quanh xây đến 6-7 tầng lại không vấn đề gì...

Từ một câu chuyện rất nhỏ để thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn vất vả và dai dẳng; bởi nó đã thấm vào máu của một bộ phận cán bộ, thậm chí tiêu cực đã vào một bộ phận không nhỏ cán bộ. Tư duy phải có phong bì thì việc mới trơn tru rất ngu hiểm”.

“Chính vì vậy, theo tôi, phải có quy định rất cụ thể, công khai, minh bạch trong mọi trường hợp và cần có sự giám sát chặt chẽ.

Ví dụ, đối với một công trình vượt tầng, khi đã phát hiện ra, phải đưa ra tập thể cùng xem xét, bàn bạc, không phải chỉ có một cá nhân đã được hưởng lợi, chỉ cần ký duyệt là xong. Bây giờ, Mặt trận Tổ quốc cũng có chức năng giám sát, tại sao không lấy ý kiến, sau này, có sai phạm cũng sẽ phải chịu trách nhiệm” - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.

Sai đến đâu, xử đến đó, kể cả sai phạm trong quá khứ

Theo ông Cao Đình Thưởng, vụ hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vừa qua tại chung cư mini hiện đang khiến rất nhiều người dân cảm thấy hoang mang, để lại hệ lụy khôn lường, chưa kể có thể tạo ra những “cơn sốt ảo” về nhu cầu mua mặt nạ chống độc, thang dây tăng, dẫn đến đẩy giá lên cao... trong khi đó chỉ là giải pháp mang tính tình thế, không căn cơ.

“Căn cơ nhất là phải giải quyết được những công trình vi phạm, sai phép tương tự” - ông nhấn mạnh.

Ông Cao Đình Thưởng - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Nhật Minh. ảnh 3

Ông Cao Đình Thưởng - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Nhật Minh.

Bên cạnh đó, ông Cao Đình Thưởng cũng chỉ ra: “Sau vụ việc đau lòng trên, Hà Nội hiện đang tiến hành tổng kiểm tra các công trình, đồng thời, các địa phương cũng khởi động kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy,... tuy là “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng muộn còn hơn không.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, rà soát này có thể sẽ rộ lên một thời gian, nhưng vấn đề là kiểm tra xong xử lý thế nào, có xử lý đến nơi, đến chốn hay không, hay sẽ quay về câu chuyện “đánh trống bỏ dùi” thì đâu lại về đó, giống như “bắt cóc bỏ đĩa”..., không giải quyết được vấn đề, mà còn khiến các nhà thầu, nhà đầu tư “nhờn luật”... vì không đủ răn đe”.

Chính vì vậy, ông Thưởng cho rằng: “Giải pháp căn cơ nhất chính là các cấp, các ngành phải xử lý thật nghiêm, sai đến đâu xử lý đến đó, kể cả vi phạm trong quá khứ. Giống như Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện các biện pháp kỷ luật cán bộ, bây giờ phải làm quyết liệt vấn đề này”.

Thành An
'CHUNG CƯ MINI' CHỈ ĐƯỢC CHO THUÊ, KHÔNG BÁN
NGUYỄN VĂN ĐỈNH/TVN 30-9-2023

Sau vụ cháy “chung cư mini”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo: “Dứt khoát không hợp thức hoá chung cư mini trong Luật Nhà ở”, đồng thời giao Ủy ban Pháp luật rà soát dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) để không hợp thức hóa loại hình nhà ở này.

Không cấp sổ từng căn hộ, chỉ được cho thuê

Trên cơ sở chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại bản dự thảo mới nhất gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, quy định về “nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân” (thường gọi là “chung cư mini”) đã được điều chỉnh theo hướng thu hẹp phạm vi kinh doanh.

Điều 57 dự thảo luật đã quy định rõ: nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân không được bán, cho thuê mua căn hộ; đồng thời bỏ quy định cho phép lựa chọn cấp Giấy chứng nhận riêng cho từng căn.

Như vậy, đã có sự thay đổi về căn bản so với phiên bản dự thảo luật Nhà ở lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cuối tháng 8/2023. Bản dự thảo đó cho phép bán, cho thuê, cho thuê mua từng căn hộ “chung cư mini” khi đáp ứng một số điều kiện kỹ thuật; đồng thời còn cho phép cấp “sổ hồng” cho từng căn hộ.


Một toà nhà cho thuê phòng trọ có kết cấu 6 tầng, 1 tầng lửng, 1 tầng tum tại phố Trần Cung, Hà Nội.

Còn theo bản dự thảo mới nhất, hộ gia đình, cá nhân đầu tư nhà ở riêng lẻ dạng “chung cư mini” chỉ được cấp Giấy chứng nhận chung cho cả công trình (không được tách thành các “sổ con”) và cũng chỉ được cho thuê căn hộ, không được chuyển quyền sở hữu.

Không chỉ hạn chế quyền kinh doanh; bản dự thảo luật mới nhất còn đặt ra rất nhiều yêu cầu với “chung cư mini” về PCCC; về quản lý, vận hành; đường giao thông thuận lợi cho xe cứu hỏa và việc thanh tra, kiểm tra của các tỉnh.

Khóa lỗ hổng pháp lý

Phương án sửa đổi theo bản dự thảo mới nhất là cần thiết để khóa lỗ hổng pháp lý liên quan “chung cư mini”, đồng thời khắc phục tình trạng “xung đột pháp luật” điều chỉnh loại hình nhà ở này.

Về lỗ hổng pháp lý, như tôi đã nêu trong bài viết “Khi chung cư mini ‘núp bóng’ nhà ở riêng lẻ”, đã có sự nhập nhằng, không minh định rõ bản chất pháp lý của “chung cư mini”: Đây là “nhà ở riêng lẻ” hay “nhà chung cư”?

Luật Nhà ở năm 2014 quy định hai loại hình nhà ở: “Nhà ở riêng lẻ” và “Nhà chung cư”. Theo nguyên tắc loại trừ, do không phải “nhà chung cư” nên bản chất các tòa “nhà chung cư” tồn tại dưới khung pháp lý là nhà ở riêng lẻ. Điều đó dẫn đến chủ đầu tư “chung cư mini” được miễn thủ tục lập dự án đầu tư theo Điều 52 Luật Xây dựng; cũng không cần được cơ quan nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (bao gồm thiết kế cơ sở) - thủ tục tiền kiểm; không phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chuyên môn - thủ tục hậu kiểm, trước khi đưa công trình vào vận hành.

Thủ tục pháp lý đầu tư “chung cư mini” hiện nay rất nhanh gọn (chỉ cần xin giấy phép xây dựng do UBND cấp huyện cấp, thường chỉ mất khoảng 2-3 tháng). Đã vậy, chủ đầu tư còn được xin cấp “sổ hồng” cho từng căn hộ và được bán đứt ngay sau đó. Điều đó dẫn đến “chung cư mini” trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư mà báo chí đã phản ánh trường hợp chủ sở hữu tòa “chung cư mini” bị cháy ở Khương Hạ cũng đầu tư rất nhiều tòa nhà tương tự trên địa bàn Hà Nội để bán.

Khi thảo luận về sự điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở, một số ý kiến cho rằng việc không cho bán, chỉ được cho thuê căn hộ “chung cư mini” sẽ không giải quyết được vấn đề nổi cộm là rủi ro về cháy nổ, mật độ cư dân quá đông hay an toàn công trình. Một ý kiến khác nhận xét, chủ đầu tư có thể “lách thành hợp đồng cho thuê dài hạn 40-50 năm mà về bản chất là bán đứt.


Bên trong một căn hộ chung cư mini

Tuy nhiên, mục đích sâu xa nhất của một chính sách là để định hướng, điều tiết hành vi của con người. Mặc dù việc chỉ được cho thuê “chung cư mini” chưa giải quyết được rủi ro về cháy nổ, mất an toàn trong ngắn hạn nhưng nếu chỉ được cho thuê thì “chung cư mini” sẽ không còn hấp dẫn được các nhà đầu tư (bỏ tiền cục, nhặt tiền lẻ). Tương tự, các hợp đồng cho thuê dài hạn cũng không hấp dẫn được khách hàng (do nhiều rủi ro hơn hợp đồng mua bán).

Sự điều chỉnh khung pháp lý cho “chung cư mini” sẽ khiến phân khúc này không còn hấp dẫn với cả người bán lẫn người mua; về lâu dài, hình thức này sẽ được kìm hãm phát triển, người dân được định hướng chọn các sản phẩm nhà ở trong dự án đầu tư nhằm đảm bảo an toàn về pháp lý cũng như về tính mạng, sức khỏe.

Tránh thất thu ngân sách

Một vấn đề kinh tế - pháp lý chưa được bàn đến liên quan “chung cư mini” là: Việc cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư “chung cư mini” để bán sẽ khiến thất thu ngân sách so với phát triển nhà ở theo dự án.

Chẳng hạn, nếu một cá nhân là nhà đầu tư “chung cư mini” chuyên nghiệp nhưng thực hiện dưới danh nghĩa cá nhân, người này đi “mua gom” các thửa đất để triển khai 5 tòa “chung cư mini”, mỗi tòa có diện tích xây dựng 200m2, cao 6 tầng, với 25 căn hộ. Khi bán 125 căn hộ thì cá nhân này chỉ phải nộp thuế thu nhập, không phải nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách nhà nước.

Ngược lại, nếu một doanh nghiệp BĐS thực hiện công việc trên: đi “mua gom” các mảnh đất để có thửa đất 1.000m2 và thực hiện thủ tục đầu tư dự án phát triển nhà chung cư theo các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Sản phẩm đầu ra là một tòa chung cư cao 12 tầng, cũng với 125 căn hộ nhưng khi được giao đất/cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp BĐS phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định.

Việc đầu tư nhà ở theo dự án, quản lý theo quy hoạch chi tiết còn giúp tạo ra những khu nhà cao tầng bề thế, hiện đại, được quản lý, vận hành bài bản; chỉ tiêu quy hoạch của tòa nhà được quản lý chặt chẽ, tuân thủ Quy chuẩn về quy hoạch, thường mật độ xây dựng chỉ trên dưới 40%. Diện tích đất còn lại được dành để đầu tư công trình dịch vụ, tiện ích, hạ tầng, sân chơi, cây xanh cảnh quan, hồ nước, bãi đỗ xe... đáp ứng đời sống cư dân.

Ngược lại nếu cho phép xây dựng các tòa “chung cư mini” tự phát, thường có mật độ xây dựng lên đến 70% - 80% sẽ không còn đất cho các tiện ích, hạ tầng, lối thoát nạn, gây mất mỹ quan đô thị.

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 đã định hướng phát triển nhà ở theo dự án, hiện đại, đảm bảo kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng...

Việc cho phép xây dựng “chung cư mini” tràn lan sẽ kéo dài tình trạng xây dựng tự phát theo “vết dầu loang”, trong khi lợi nhuận chảy vào túi chủ đầu tư mà không được điều tiết vào ngân sách để phân bổ “chênh lệch địa tô” theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng về đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

ThS Nguyễn Văn Đỉnh