Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

20200524. BÀN VỀ CẢI CÁCH TƯ PHÁP

ĐIỂM BÁO MẠNG
CẢI CÁCH TƯ PHÁP: PHẢI BẮT ĐẦU TỪ THẨM PHÁN
NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 21-5-2020
I. Sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách Tư pháp
Một quốc gia muốn văn minh thì phải có một nền Tư pháp văn minh tương thích. Trong một nền Tư pháp bệnh tật thì không bao giờ một quốc gia có thể phát triển thành một “đế chế văn minh”. Nền Tư pháp là “cái lồng nhốt quốc gia”. Quốc gia muốn lớn mạnh thì “chiếc lồng Tư pháp” phải lớn nhanh hơn sự bành trướng của quốc gia. Hoàn thiện Tư pháp là tiến trình song hành không tách rời đảm bảo cho sự tiến bộ mỗi quốc gia. Việt Nam muốn bay lên thì nền Tư pháp Việt Nam phải bay lên cùng lúc.
Bởi thế, Nhà nước CHXHCN Việt Nam luôn quan tâm đến nền Tư pháp. Trong các Văn kiện Đại hội Đảng (IX- XII) đều đề cập đến Cải cách Tư pháp (CCTP). Đặc biệt, ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đến năm 2020.
Tuy vậy, CCTP tiến hành rất chậm và chưa hiệu quả. Cụ thể, trong Văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ: “Việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách Tư pháp còn chậm; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan, sai, bỏ lọt tội phạm” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 110).
Trên thực tế, án oan sai mỗi ngày chẳng những không bớt đi, mà còn dài thêm dằng dặc với mức độ sai phạm lớn hơn. Vụ án Hồ Duy Hải đang gây chấn động xã hội, và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cho CCTP.
Không ai bảo vệ cho Hồ Duy Hải nếu Hồ Duy Hải thực sự phạm tội. Vấn đề cốt lõi là phải chứng minh vững chắc Hồ Duy Hải phạm tội. Những chứng lý mà Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra chưa đủ cơ sở pháp lý để buộc tội Hồ Duy Hải. Bởi thế, để đảm bảo không oan sai cần thiết phải điều tra lại vụ án Hồ Duy Hải. Công luận kiên trì đòi hủy án tử hình Hồ Duy Hải để điều tra lại, cũng một phần là vì các vụ án oan kinh rợn gần đây đều do bị ép cung mà nhận tội. Xin nêu tóm tắt 3 vụ án oan điển hình gần đây - đều về tội giết người.
Một là vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội giết người, bị kết án tù chung thân, và bị công an Bắc Giang bắt giam ngày 29/3/2003. Ông Nguyễn Than Chấn kêu oan nhưng TAND tối cao bác đơn kêu oan của ông Chấn mà y án sơ thẩm. Mặc dù ông Chấn liên tục kêu oan ở cả 2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm, nhưng tòa dựa vào biên bản nhận tội của ông Chấn tại cơ quan điều tra để tuyên án. Hơn 10 năm sau, kẻ phạm tội là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú vào ngày 25/10/2013. Ngày 06/11/2013 ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị ngồi tù oan 3699 ngày.
Hai là vụ án Huỳnh Văn Nén. Ông Huỳnh Văn Nén bị công an Bình Thuận bắt giam tháng 5/1995 vì bị kết tội giết người trong 2 vụ án. Ông Huỳnh Văn Nén bị tuyên án chung thân trong phiên sơ thẩm ngày 21/8/2000. Ông Huỳnh Văn Nén liên tục kêu oan. Tháng 10/2014 TANDTC hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Ngày 28-11-2015, Công an tỉnh Bình Thuận đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén. Ông Huỳnh Văn Nén bị ngồi tù oan 17 năm 5 tháng.
Ba là vụ án Hàn Đức Long. Ông Hàn Đức Long bị công an Bắc Giang bắt 19/10/2005 vì bị quy tội giết người. Ông Hàn Đức Long 4 lần bị Tòa án cấp sơ thẩm (2 lần) và cấp phúc thẩm (2 lần) tuyên án tử hình, mặc dù ông Long liên tục kêu oan. Tiếp xúc với Luật sư , ông Long khai đã bị dùng cực hình ép cung. Năm 2014, TANDTC tuyên hủy cả bản án hình sự sơ thẩm lẫn phúc thẩm lần hai để điều tra lại. Ngày 20/12/2016 VKSND Bắc Giang đã đình chỉ vụ án và trả tự do cho ông Hàn Đức Long. Ông Hàn Đức Long bị ngồi tù oan 11 năm 2 tháng.
II. Nguồn gốc của án oan
Điều đáng sợ là án oan không đơn lẻ, mà liên tục diễn ra khắp mọi nơi. Không chỉ về số lượng, mà về mức độ phạm tội, đều ở khung hình phạt khủng khiếp là chung thân và tử hình. Điều này đòi hỏi sự cần thiết phải chỉ ra nguyên nhân gây án oan để chữa trị. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến án oan. Dưới đây xin đề cập đến 7 nhóm nguyên nhân chính.
1. Ép cung – Nhóm nguyên nhân số 1 của án oan
Nguồn gốc số 1 của án oan là ép cung. Bị ép cung trong tình trạng bị đánh đập tàn nhẫn làm cho bất cứ ai cũng phải nhận tội. Không chỉ nhận tội, mà còn phải diễn tập hiện trường giả làm hiện trường thật để lấy bằng chứng buộc tội. Buộc tội tù chung thân. Buộc tội tử hình. Cần thiết phải trích dẫn trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn làm thí dụ để thấy mức độ tàn bạo của ép cung.
“Ngày 20/9 tôi lên huyện, công an lấy dấu chân dấu tay của tôi rất nhiều lần, rồi hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần. Tối họ cho về, ngày hôm sau lại lên, gặp cán bộ Nguyễn Hữu Tân, lại dấu chân dấu tay, rồi đánh tôi rất đau. Tôi kêu: Tôi có giết người đâu mà các anh bắt tôi nhận? Cán bộ Tân bảo: Cho mày uống thuốc lú cho mày cãi khỏe, mày không biết rồi mày khắc phải nhận. Từ đó các cán bộ Nguyễn Văn Dũng, Ngô Đình Dung, Đào Văn Biên, Nguyễn Trung Thành, Tuyến, Trần Nhật Luật thay nhau túc trực suốt 4 - 5 ngày đêm liền bức cung tôi".
"Trong phòng đi cung có một chiếc giường nhỏ nhưng tôi không hề được nằm một phút nào. Họ đá, họ đấm, họ dùng dép đánh vào hai bên tai tôi. Đầu óc tôi như nổ tung ra. Họ không cho tôi về, không cho tôi ngủ, dọa nạt bắt buộc ép tôi thế này ép tôi thế nọ. Như cán bộ Ngô Đình Dung bắt tôi phải chỉ giấu dao ở đâu? Dưới giếng à? Hay dưới ao? Tôi bảo tôi có giết người đâu mà giấu dao. Ông Luật bắt tôi vẽ dao, tôi bảo tôi biết dao nào mà vẽ? Ông Luật bảo tao cho mày một búa vào đầu mày chết bây giờ! Cán bộ Nguyễn Hữu Tân trên tay lúc nào cũng lăm lăm con dao trên tay hăm dọa tôi, ép buộc tôi phải nhận…”.
Cuối cùng, đến ngày 29/9. Suốt đời tôi không quên được giây phút đó. Nước mắt đầm đìa, tôi nghĩ đến những ngày tháng làm ăn lương thiện, đến mẹ, đến vợ, đến những đứa con thơ ở nhà. Tôi biết mình làm thế này là ký án tử hình cho chính mình, là có thể không bao giờ còn được gặp vợ con nữa. Nhưng tôi không còn cách nào khác! Tôi mệt quá, đau quá, sợ quá! Cứ hành hạ mãi thế này thì chết mất... chỉ mong sao kết thúc càng sớm càng tốt những giây phút kinh hoàng này. Thế là tôi nhận đã giết người, để dao trong tủ.
Người ta liền bắt tôi viết đơn tự thú. Lá đơn đó, chính cán bộ Ngô Đình Dung đọc cho tôi từng câu, từng chữ một. Rồi người ta bắt tôi đọc to cái đơn đó lên, ghi âm lại. Ngay chiều hôm đó, người ta cho tôi lên trại Kế. Có ngày chuyển 4-5 phòng giam.
Có lần người ta quẳng tôi vào cùng buồng giam với 4-5 “đầu gấu”, thằng nào cũng to béo, xăm trổ đầy mình. Có thằng tên là Hồng Hiển bắt tôi "phục vụ" nó. Và suốt cả tháng sau, họ bắt tôi diễn. Họ làm mẫu cho tôi diễn. Diễn đi diễn lại. Đâm như thế nào. Bế cô Hoan đập xuống đất thế nào. Đến ngày 30/10, tại trại Kế, họ dựng lại hiện trường, bắt tôi diễn lại từ đầu tới cuối, chụp ảnh, ghi hình...

2. Tham nhũng – Nhóm nguyên nhân số 2 của án oan
Nếu ép cung, buộc nhận tội khi không có tội - là nguồn gốc số 1 gây nên án oan, thì tham nhũng là nhóm nguyên nhân số 2 gây ra án oan. Vì tham tiền bạc, tham quyền lực mà làm sai lệch hồ sơ, lập chứng cứ giả, chấp nhận sự dối trá, và tuyên án ngược với sự thật.
Có vụ án nào mà không phải “chạy”? Bên nào cũng phải cũng phải “chạy”. Có rất nhiều vụ án mà kết quả xử án phụ thuộc vào bên nào “chạy mạnh hơn”. “Chạy” quyền, “chạy” tiền, “chạy” tất cả những nhân tố có thể “chạy”. Những ai đã từng tham gia các vụ kiện thì mới thấy mức đọ khủng khiếp của tham nhũng trong xử án.
3. Trình độ điều tra viên yếu kém – Nhóm nguyên nhân số 3
Điều tra viên là người lập hồ sơ vụ án. Điều tra viên yếu kém gây sai sót trong lập hồ sơ vụ án thì sẽ dẫn đến oan sai trong xét xử án. Vụ án Hồ Duy Hải là một minh chứng sống động gần đây nhất. Không bảo vệ hiện trường; đốt bỏ các tang chứng gây án như dao và thớt, rồi mua ở chợ đem về thay thế; bỏ qua chứng cớ về dấu vân tay; không xét nghiệm máu để xác định thời gian gây án… Tất cả là do sự yếu kém của điều tra viên mà làm cho vụ án trở nên phức tạp hơn nhiều.
Ở vụ án Hồ Duy Hải, với xác suất rất lớn là điều tra viên đã sai lầm trong xác định thời gian gây án. Điều tra viên đã không xét nghiệm máu để làm cơ sơ xác định thời gian gây án. Nếu xác định sai thời gian gây án là bỏ lọt tội phạm mà bắt nhầm người. Chính điều tra viên phải thừa nhận trình độ yếu kém dẫn đến sai sót tại phiên Giám đốc thẩm của TANDTC hôm 06-08/5/2020. Trình độ yếu kém của điều tra viên là nhóm nguyên nhân thứ 3 gây nên án oan sai.
4. Trình độ yếu kém của Thẩm phán – Nhóm nguyên nhân số 4
Một nhóm nguyên nhân gây nên oan sai trong xử án xuất phát từ trình độ yếu kém của Thẩm phán. Đây là nhóm nguyên nhân số 4 của án oan sai.
Bỏ qua sự cố tình, thì Thẩm phán giỏi sẽ phát hiện ra hồ sơ sai do yếu kém của điều tra viên, sẽ nhìn thấy sự ép cung, sẽ nhìn thấy sự cố ý làm sai lệch án. Quan trọng hơn, Thẩm phán giỏi sẽ nhìn ra những sự thật sau tầng tầng lớp lớp ngụy trang của hung thủ mà Thẩm phán thường không thể nhìn ra. Thẩm phán giỏi còn xử lý được những tình huống chưa bao giờ xảy ra trong thực tiễn, làm giàu có thêm lý luận và kinh nghiệm xử án. Trong thực tiễn, luôn xuất hiện những vụ án mới ly kỳ phức tạp chưa từng có trước đó, mà nhiều khi chỉ tài năng của Thẩm phán mới trở thành chiếc chìa khóa mở được cánh cửa công lý.
Tiếc thay, thực tiễn trong nhiều năm vừa qua đã chỉ ra thảm trạng yếu kém của Thẩm phán. Thảm trạng này đã dẫn đến trùng điệp những án oan sai.
Cựu Chánh án TANDTC (khóa 2002-2007) Nguyễn Văn Hiện đã tiết lộ một sự thật kinh hoàng khi đăng đàn giải trình trước Quốc hội, rằng phải “vơ vét” bổ nhiệm các Thẩm phán chưa đạt yêu cầu. Trả lời của ông Nguyễn Văn Hiện đã làm rất nhiều ĐB QH bức xúc. “ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) chỉ trích việc “vơ vét” những người không đủ tiêu chuẩn vào đội ngũ Thẩm phán như vậy sẽ dẫn đến xét xử lọt tội phạm và oan sai”. “ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh, có nhiều Thẩm phán “cố tình đạp lên pháp luật mà đi”. Bà Xinh hỏi: do năng lực Thẩm phán kém hay do “chạy án”? (https://tuoitre.vn/vo-vet-de-co-du-tham-phan-174877.htm).
Sự yếu kém của Thẩm phán được chính đương kim Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình lo lắng: “ngành Tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy…” (https://www.tienphong.vn/…/nganh-toa-an-se-moi-giao-vien-de…).
Đến thời điểm hiện tại, sự yếu kém của Thẩm phán không chỉ nằm trong các Thẩm phán được “vơ vét” mà ngay chính tại các Thẩm phán đầy mình học vị ở TANDTC. Minh chứng cụ thể là quyết định của 17 Thẩm phán Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong phiên Giám đốc thẩm hôm 06-08/5/2020 về vụ án Hồ Duy Hải - đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ của các chuyên gia trong ngành Tư pháp. Không ai có thể hiểu được, một hội đồng cả những 17 Thẩm phán ở chính tại TANDTC lại có những sai phạm sơ đẳng về pháp luật - thể hiện một trình độ chuyên môn non yếu đến sợ hãi. Đến mức GS.TS Luật học Thái Vĩnh Thắng (nguyên Chủ nhiệm khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội) phải thốt lên “ Nếu không hủy bản án giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, uy tín của nền Tư pháp Việt Nam sẽ sụp đổ”. GS Thái Vĩnh Thắng đã nêu ra 5 sai phạm:
1/. Vi phạm nguyên tắc hồi tỵ, theo đó Chánh án Nguyễn Hòa Bình không thể tham gia xét xử phiên tòa này vì ông đã từng tham gia vụ án này với tư cách Viện trưởng VKSND tối cao ký quyết định không kháng nghị bản án phúc thẩm. 2/. Vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, khi không có nhân chứng hoặc vật chứng chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội thì phải coi như Hồ Duy Hải vô tội. 3/. Kết luận sai về sự vi phạm luật tố tụng của cơ quan điều tra mà lại không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án. 4/. Vi phạm nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo và không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa. 5/. Không tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo nguyên tắc độc lập của Thẩm phán. (http://pldvietnam.org.vn/…/neu-khong-huy-ban-an-giam-doc-t…/).
Trình độ yếu kém của HĐTP TANDTC đã đưa họ đến một sai lầm mang tính nguyên tắc trong xử Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Đó là không hiểu trọn vẹn chức năng của xử Giám đốc thẩm. Chính điều này đã đưa đến kết luận hồ đồ trong biểu quyết số 2 “Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không”? - với kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.
Giám đốc thẩm, điều cốt lõi không phải “ngồi để xử lại” y hệt như sơ thẩm và phúc thẩm, rồi kết luận “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”. Chức năng quan trọng số 1 của Giám đốc thẩm là lấy hai bộ luật là Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và Bộ luật hình sự (BLHS) làm “hai kính soi yêu” để phát hiện ra án sơ thẩm và án phúc thẩm có hoàn toàn tuân thủ 2 bộ luật này hay không? Có vi phạm gì không? Có bỏ sót gì không? Có mâu thuẫn gì không?... Khi án sơ thẩm và phúc thẩm tuân thủ tuyệt đối BLTTHS và áp dụng đúng BLHS trong xét xử, thì tự động kết quả xử án sẽ phù hợp. Kết quả xử án là sản phẩm của 2 bộ luật này. Giống như trong sản xuất, nếu là sản phẩm đi qua các công đoạn, không vi phạm điều gì, thì sẽ không phải là phế phẩm. Chức năng chính của Giám đốc thẩm là lấy 2 bộ luật để soi xét rồi tuyên bố không hủy, hay hủy để điều tra lại, xử lại – chứ không phải tuyên “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.
Nay HĐTP TANDTC ngồi trong phòng lạnh ở Hà Nội, không có bị cáo, không có nhân chứng, không khảo sát thực địa…, chỉ dựa trên hồ sơ có nhiều sai sót của các điều tra viên yếu kém lập nên mà tuyên bố “xanh rờn” “Đúng người, đúng tội, đúng mức án” thì thật là liều lĩnh. Bây giờ mới phát hiện ra không có nghi can Nguyễn Văn Nghị mà lại có nghi can Nguyễn Hữu Nghị thì HĐTP TANDTC lấy gì để biện minh? Tiếp đến sẽ bộc lộ nhiều mâu thuẫn khác nữa thì HĐTP TANDTC có khăng khăng khẳng định “Đúng người, đúng tội, đúng mức án” nữa không?
Xử Giám đốc thẩm là lấy tổng thể để soi xét cụ thể. Nhưng HĐTP TANDTC lại lặp lại chức năng của tòa sơ thẩm và phúc thẩm là “từ xét cụ thể đi đến kết luận tổng thể”. Đó là sai phạm mang tính nguyên tắc của HĐTP TANDTC. Vì là sai phạm mang tính nguyên tắc, nên HĐTP TANDTC không bao giờ đối phó được những tình huống mới xuất hiện như công an Long An trả lời ' không có nghi can Nguyễn Văn Nghị'.
Về biểu quyết số 3 của HĐTP TANDTC khẳng định “Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSNDTC không đúng pháp luật” đã bị phản đối dữ dội với các phản bác thuyết phục. Không nhắc lại ở đây, mà chỉ muốn lưu ý đến sai lầm sơ đẳng mà người không học luật cũng không thể mắc phải. Đó là nếu quyết định kháng nghị của VKSNDTC không đúng pháp luật thì HĐTP TANDTC phải bác ngay từ đầu mà không xem xét, hoặc chỉ xem xét tính hợp pháp của kháng nghị. Chỉ cần tư duy logic thông thường cũng thấy được thế “việt vị” của HĐTP TANDTC ở biểu quyết số 3.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC qua phiên Giám đốc thẩm Hồ Duy Hải còn bộc lộ ra nhiều điểm yếu về chuyên môn nữa mà không thể liệt kê hết ra ở đây. Điều sợ hãi đến cực độ cần phải nói - là ở Hội đồng Thẩm phán Tòa án cao nhất nước mà có chuyên môn yếu như vậy, thì làm sao tìm đến được công lý trong các vụ án phức tạp? Và án oan vì thế mà cứ mãi nối tiếp nhau xuất hiện không dứt nếu không có biện pháp ngăn ngừa.
5. Thể thức bổ nhiệm Chánh án Tòa án và Viện trưởng Viện kiểm sát chưa hợp lý – là Nhóm nguyên nhân số 5
Ở nước ta, các vị trí Chánh án Tòa án và Viện trưởng Viện kiểm sát phải nằm trong cấp ủy tương ứng – từ quận huyện cho tới tỉnh thành và trung ương. Điều này dẫn đến sự coi nhẹ chuyên môn.
Cụ thể, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC phải là ủy viên trung ương. Cho nên chỉ chọn Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC trong số các ủy viên trung ương. Hệ quả là các Thẩm phán giỏi nhất đã không được bổ nhiệm làm Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC. Điều này cũng đã xảy ra ở cấp tỉnh thành và quận huyện.
Tư pháp là ngành khoa học phức tạp và hệ trọng, vì liên quan đến số phận con người và là nhân tố tham gia quyết định sự phát triển của toàn quốc gia. Vì thế cần những người giỏi dẫn đường. Trong ngành Tư pháp, yếu tố chuyên môn là quyết định áp đảo. Bởi vậy, trong CCTP cần phải cải cách cả phương thức bổ nhiệm các Chánh án và các Viện trưởng Viện kiểm sát ở mọi cấp độ. Cần phải tìm ra lời giải hợp lý cho vấn đề này.
6. Nâng cao tính độc lập của Tòa án
Tòa án, Viện kiểm sát, Luật sư - là bộ 3 thành tố bảo vệ công lý trong ngành Tư pháp. Tuy nhiên, Tòa án và Viện kiểm sát lại có chung một gốc rễ lãnh đạo là cấp ủy - nên cuối cùng hai thành tố này không phải lúc nào cũng độc lập hoàn toàn. Làm thế nào để cả 3 thành tố - tòa án, Viện kiểm sát, Luật sư – đều độc lập hoàn toàn thì khách quan trong xử án mới được đảm bảo. Đây là câu hỏi không dễ có được lời giải tốt cho CCTP. Trong khuôn khổ bài viết này, chưa đề xuất giải pháp cho vấn đề này ở đây.
7. Những khiếm khuyết khác
Dẫn đến án oan còn do những khiếm khuyết khác nữa của ngành Tư pháp. Trong số những điều cần hoàn thiện - có việc hoàn thiện pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng Tư pháp. Trong số các vấn đề cần cải cách - có việc cải cách tổ chức các cơ quan Tư pháp và các thiết chế bổ trợ Tư pháp… Còn những vấn khác nữa mà chỉ các chuyên gia trong ngành Tư pháp mới đưa ra được lời giải - chẳng hạn là sự cần thiết phải có Tòa án Hiến pháp.
III. Cấp bách số 1 của cải cách Tư pháp là vấn đề Thẩm phán
Cải cách Tư pháp là một tiến trình gian truân. Nhưng dù gian truân bao nhiêu thì cũng phải cải cách Tư pháp để không trói buộc bước phát triển của đất nước. Phải cải cách Tư pháp để người dân được rộng không gian phát huy năng lực mà đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Còn nữa, phải cải cách Tư pháp để giảm thiểu sự oan trái làm tiêu tán sức mạnh và lòng tin của nhân dân.
Trong nhiều mặt của cải cách Tư pháp, có vấn đề cốt lõi nổi cộm đã nêu ở trên phải cấp thiết xử lý. Rằng các Thẩm phán chịu trách nhiệm áp đảo trong các án oan sai. Đó là vì chuyên môn của Thẩm phán yếu kém. Đó là do Thẩm phán không chống cự được sự cám dỗ của tiền bạc. Đó là bởi Thẩm phán lùi bước trước quyền lực. Không phải vơ đũa cả nắm, nhưng rất nhiều Thẩm phán mắc các lỗi vừa nêu ra. Đó cũng là một phần hậu quả của chiến dịch “vơ vét” Thẩm phán.
Nếu các Thẩm phán giỏi về chuyên môn, tiền bạc không mua chuộc được, lại không sợ hãi quyền lực – thì đã không có nhiều án oan sai như trong thời gian vừa qua. Cho nên, Thẩm phán là “pháo đài” đầu tiên phải “công phá” trong cải cách Tư pháp ở Việt Nam.
Biết rằng, phải cải cách cơ chế là chìa khóa. Biết rằng, nạn tham nhũng đã thành ung thư trong xã hội và đang tạo ra lớp lớp những đợt “sóng thần” dội vào ngành Tư pháp. Nhưng trí tuệ và tâm sáng của các quan tòa phải như hải đăng giữa muôn trùng bão tố. Thì ngõ hầu mới giảm bớt được án oan sai.
Thẩm phán phải là bậc trí nhân. Thẩm phán phải là kẻ sĩ. Thời nào có được Thẩm phán như vậy thì quốc gia tất cường thịnh.
Nguồn: blvn.net
ÔNG NGUYỄN HOÀ BÌNH KHÔNG PHẢI LÀ THẨM PHÁN?
VŨ HỮU SỰ/ BVN 23-5-2020
Hình ảnh Hội đồng Thẩm phán trên website của Tòa án ND TC
Thẩm phán là một nghề đặc biệt. Đó là những người cầm cán cân công lý, có thẩm quyền xét xử các vụ án và quyết định hình phạt mà hình phạt cao nhất là tước đoạt mạng sống đối với những người vi phạm pháp luật, bị VKSND truy tố và bị kết luận là có tội sau quá trình xét xử. Vì vậy, theo quy định tại khoản 1 điều 67 luật tổ chức TAND, thì Thẩm phán phải là những người “trung thành với tổ quốc và hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực”. Có rất nhiều tiêu chuẩn mà một cử nhân luật phải đáp ứng để được trở thành Thẩm phán. Nhưng điều quan trọng nhất, theo quy định tại khoản 1 điều 65 luật tổ chức TAND, là “phải được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử”. Không được Chủ tịch nước bổ nhiệm, không thể trở thành Thẩm phán và không được phép xét xử các vụ án, bất kể là vụ án thuộc loại nào, ở cấp toà nào.
Theo Wikipedia tiếng Việt, thì ông Nguyễn Hòa Bình sinh ngày 24/5/1958, ông vào ngành công an từ năm 1980 và khởi nghiệp ở văn phòng công an huyện Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng). Từ đó, ông lần lượt làm việc ở công an tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, ở Bộ Công an, trưởng thành và thăng tiến dần lên chức Thiếu tướng Công an. Rồi từ Thiếu tướng Công an, ông được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi. Từ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi, ngày 26/7/2011 ông được Quốc hội khóa XIII bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ngày 13/4/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định bổ nhiệm ông vào chức danh Kiểm sát viên VKSNDTC.
Ngày 8/4/2016, ông Nguyễn Hòa Bình được Quốc hội khóa XIII bầu làm Chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2011-2016. Ngày 27/7/2016, ông Nguyễn Hòa Bình được Quốc hội khóa XIV tiếp tục bầu làm Chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2016- 2021. Trước ngày 8/4/2016, ông Nguyễn Hòa Bình chưa từng công tác một ngày nào trong ngành tòa án.
Wikipedia là một kênh thông tin có độ tin cậy rất cao. Mọi thông tin về các chính khách đều được cập nhật đầy đủ, tỷ mỷ, chi tiết. Năm 2016, Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang. Sau khi ông Trần Đại Quang mất (21/9/2018 ) thì bà Đặng Thị Ngọc Thịnh làm quyền Chủ tịch nước một thời gian ngắn rồi ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm vị trí này. Nhưng mục từ Nguyễn Hòa Bình trên Wikipedia không có một dòng nào ghi về việc ông Trần Đại Quang, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh hay ông Nguyễn Phú Trọng ký bổ nhiệm ông Nguyễn Hòa Bình vào chức danh Thẩm phán TANDTC.
Theo quy định tại khoản 3 điều 67 luật tổ chức TAND, thì ông Nguyễn Hòa Bình không đủ tiêu chuẩn để trở thành Thẩm phán, vì ông không được đào tạo nghiệp vụ xét xử. Phải chăng chính vì “vướng” khoản 3 điều luật trên, mà Chủ tịch nước đã không ký quyết định bổ nhiệm chức danh Thẩm phán TANDTC cho ông? Nếu đúng như vậy thì ông Nguyễn Hòa Bình chưa bao giờ là Thẩm phán, dù ông là Chánh án TANDTC?
Nên nhớ chức danh Chánh án và chức danh Thẩm phán khác nhau, có nhiệm vụ khác nhau. Chánh án TANDTC và Chánh án TAND các cấp là người được quốc hội và HĐND các cấp bầu, làm nhiệm vụ quản lý về mặt nhà nước và điều hành hoạt động của các tòa án. Còn Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử, là những người “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Không một ai, dù giữ chức vụ gì, ở cương vị nào, được phép can thiệp vào các phiên tòa khi Thẩm phán đang xét xử.
Nếu đúng là ông Nguyễn Hòa Bình chưa được Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Thẩm phán, thì dù là một phiên tòa ở cấp huyện, ông cũng không có thẩm quyền xét xử. Và việc ông làm chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 5 vừa qua là việc ngồi xổm lên luật tổ chức TAND. Điều lạ lùng nữa là đến một việc đơn giản như thế, mà 16 vị trong HĐTP của TANDTC, toàn là tiến sỹ, thạc sỹ luật, cũng không hiểu? hay là hiểu mà vẫn cúi đầu trước một chủ tọa không có thẩm quyền, không đủ tư cách xét xử? một phiên tòa mà chủ tọa là người không phải là Thẩm phán, thì có phải là một phiên tòa hợp pháp không? bản án của nó có phải là một bản án hợp pháp không? hỏi, tức là đã trả lời.

V.H.S.

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

20200523. GIẢI PHÁP CHỐNG LŨNG ĐOẠN CỦA NHÀ THẦU TQ

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÀN TAY MA QUỶ VÀ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ XÃ HỘI
TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 22-5-2020
https://basamnguyenhuuvinh.files.wordpress.com/2020/05/image-37.png?w=1024
Vấn nạn thắng thầu – tham nhũng và “đi đêm” để tăng lợi nhuận của nhà thầu thì nước nào cũng có, nhưng ở Việt Nam nó tiếp diễn ngang nhiên bất chấp mọi chỉ trích của công luận, đặc biệt khu vực công là nơi mà nó thể hiện rõ nét nhất. Để ngăn chặn vấn nạn này thì chỉ có hai con đường (1) Hoàn thiện môi trường luật pháp và (2) Ngăn chặn nạn tham nhũng, hối lộ.
Có nhiều mô hình của các nước tiên tiến mà ta có thể tham khảo, nhưng triển khai áp dụng là không thể, hình như khó vượt qua thứ mà mang tính bao trùm lên tất cả là vấn đề thể chế chính trị, xã hội và người có quyền trong thể chế.
Mưu đồ của Trung Quốc là khống chế toàn diện Việt Nam về chính trị - tư tưởng, về kinh tế, văn hóa - xã hội, về quan hệ đối ngoại, cô lập, lấn chiếm gây sức ép từ phía biển và trên đất liền… để cưỡng chế VN phải thuận theo chiến lược của họ, thực chất là biến VN thành chư hầu, phụ thuộc, không bao giờ ngóc đầu lên được. Đây là điều không thể mơ hồ.

Trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện được phần lớn những bước đi trong một chiến lược toàn diện nhằm mục tiêu của họ. Việt Nam đối phó bị động, nói chung là không thành công mà nguyên nhân cơ bản là nhiều người có trách nhiệm vẫn mơ hồ, không đánh giá đầy đủ nguy cơ Trung Quốc, có tâm lý “sợ” họ làm căng, không dựa vào dân. Chính sự mơ hồ đó, cộng với sự kém cỏi về kinh tế và lòng tham không được ngăn chặn của nhiều chủ đầu tư đã gây ra những “lỗi” trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, rất dễ bị đội ngũ chiến tranh tâm lý của chính Trung Quốc khai thác cũng như những “thế lực khác” lợi dụng.
Trung Quốc biết rất rõ Việt Nam chỉ muốn được yên  thân, tự mình chọn đường đi giữ vững nền độc lập và lợi ích chính đáng của mình, không cam tâm làm công cụ cho ai chống Trung Quốc. Nhưng lòng tham vô đáy và cuồng vọng sô vanh nước lớn khiến họ không cho VN đi con đường đó. Việt Nam càng nhún nhường thì họ càng lấn tới. Đó chính là bàn tay ma quỷ của Trung Quốc, là điều người Việt từ nhà cầm quyền đến dân thường phải nhận thức và có hành động thống nhất.
Trong phạm vi bài viết này, tôi đi sâu phân tích về sự lũng đọan của Trung Quốc trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư ở Việt Nam.

Hiện nay có hàng trăm nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện các dự án ở Việt Nam, hầu hết đều bê trễ thời gian thi công, và đội vốn, chất lượng kém, ô nhiễm môi trường để lại các hậu quả rất nặng nề không chỉ trên phương diện kinh tế! Nếu rà soát có hệ thống và khách quan có thể trả lời câu hỏi đó là sự “thông đồng” có hệ thống hay chỉ là sự “ngẫu nhiên đáng ngờ” của từng dự án riêng lẻ, nên làm rõ bản chất của từng vụ tham nhũng này.
Giá mời thầu của các công ty thuộc các nền công nghiệp tiên tiến thường cao khi khởi đầu, một rào cản quan trọng cho một nước nghèo. Hơn nữa, luật pháp các nước tiên tiến (Châu Âu, Mỹ, Nhật) phạt rất nặng các hành vi hối lộ, tham nhũng không cho phép nhà thầu các nước này thực hiện các thủ đoạn gian lận và mua chuộc giám sát, quản lý vốn. Thực ra, giá thầu với Trung Quốc đội lên cao hơn các nguồn khác, và Trung Quốc biết những người đã “há miệng mắc quai” rồi, tiếp tục mắc thêm nợ nữa, kèm theo là những ràng buộc khó gỡ đối với họ.
Nhìn lại lịch sử, chỉ nói riêng ngành xi măng trong thập niên 1990, nước ta đã từng phải trả giá cho phong trào phát triển xi măng lò đứng, công nghệ lạc hậu của Trung Quốc sau thời gian ngắn hoạt động đã bị khai tử, làm lãng phí rất lớn tiền của và gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Bài học đắt gía nói trên vẫn chưa học thuộc, lại “mắc bẫy” ngay vào một sai lầm mới, đó là phong trào làm xi măng lò quay và cũng với thiết bị và công nghệ lạc hậu của Trung Quốc v.v…

Mánh khóe nhà thầu Trung Quốc: Bỏ giá dự thầu kiểu láu cá.

Hạng mục nào nhắm làm không được thì nhà thầu bỏ giá thấp hẳn, hạng mục ngon xơi thì giá tăng vọt, nhưng tổng giá bỏ thầu vẫn thấp nhất. Phải công nhận là quy định chấm thầu của ta còn lỏng lẻo. Mặc dù các dự án quốc tế có thuê tư vấn nhưng khi tư vấn có cơ sở để bác nhà thầu Trung Quốc nhưng chủ đầu tư do tay đã nhúng chàm vẫn có “cách lách” để chấm cho đạt! Khi đàm phán hợp đồng, nhà thầu Trung Quốc nhìn nhận đã bỏ giá quá thấp cho hạng mục đó, nên họ hứa sẽ chuyển chi phí từ các hạng mục khác để đắp qua hạng mục bỏ giá thấp. Cuối cùng “vỡ trận”, khi được nhắc nhở về lời hứa “đắp qua”, nhà thầu Trung Quốc bảo không có chi phí đế đắp qua, tìm đủ lý do biện minh rồi bỏ luôn hạng mục đó. Trong khi họ ăn lời ở các hạng mục ngon xơi đã bỏ giá cao. Nếu phải tổ chức đấu thầu lại, tốn rất nhiều thời gian và chi phí điều hành, rồi cũng phải trả chi phí cao để thi công như dự toán ban đầu.

Sử dụng công nghệ kém cỏi và vật tư thiết bị chất lượng thấp

Trong một dự án, Tư vấn khuyến cáo với điều kiện đặt ra, thì cần thiết bị như thế nào. Nhưng hồ sơ mời thầu thiếu chặt chẽ, không ràng buộc cụ thể những điều kiện bắt buộc phải thi hành. Cho nên nhà thầu có quyền không nghe khuyến cáo của Tư vấn, dùng thiết bị và công nghệ kém cỏi nhằm giảm chi phí (trước tiên là giảm giá dự thầu). Hậu quả là thiết bị hỏng hóc, tiến độ chậm, nhưng họ viện dẫn đủ lý do để bào chữa, hạng mục đã lắp đặt xong có nên tháo dỡ! Lại phải tổ chức đấu thầu lại cho hạng mục đó rất tốn kém.
Lỗi chính là tại chủ đầu tư nêu đầu bài “hở” và kiểm tra, giám sát kém
Trước hết, các chủ đầu tư đã không làm kiểu đấu thầu “2 phong bì”, phong bì kỹ thuật và phong bì giá, riêng rẽ. Cần phải lựa chọn các nhà thầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ cao. Đây cũng có thể là khâu chủ đầu tư sơ hở từ đầu. Chẳng hạn, đã nêu yêu cầu kỹ thuật công nghệ không rõ ví dụ nêu “thiết bị từ các hãng G7”, nhưng sau này họ lại lắp đặt các thiết bị G7 được sản xuất tại nước khác, chất lượng kém hơn hẳn, như kiểu xe nhập khẩu và xe lắp ráp chất lượng khác nhau.
Thành ra, dù nhà thầu kém, kể cả một số nhà thầu Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn “qua mặt” được các nhà cung cấp thiết bị chính hãng! Đến khi xét thầu theo giá thì nhà thầu Trung Quốc có lợi thế do biết cách bỏ thầu chắc thắng.
Nguyên nhân chính để xảy ra và tồn tại tình trạng Trung Quốc luôn thắng thầu là nhà thầu biết cách thực hiện các công đoạn, hạng mục sai với thiết kế và hợp đồng, nhưng có thể mua chuộc giám sát để tìm ra các lỗi phát sinh ngụy tạo để tăng vốn từ chủ đầu tư. Nói cách khác là nhà thầu Trung Quốc biết và được sử dụng điều kiện tồn tại tham nhũng và sử dụng vốn vô trách nhiệm từ chủ đầu tư Việt Nam. Do đó, giải pháp để ngăn chặn nhà thầu Trung Quốc là phải sửa lỗi từ bên trong tức các chủ đầu tư Việt Nam – đương nhiên không phải đơn thuần chỉ trên phương diện kinh tế.

Giải pháp

1.Cần phải có luật lệ rõ ràng là nếu một công ty nước ngoài nào đã vi phạm đấu thầu trong một dự án thì công ty đó sẽ bị loại hoàn toàn trong các cuộc đấu thầu khác khắp trong nước bất kể ngành gì. Ngoài ra, quốc gia của công ty đó phải chịu một điểm xấu trong lịch trình đấu thầu của tất cả các dự án khác. Điều này, nếu chúng ta nêu rõ ràng và minh bạch thì không ai có thể kêu ca gì cả.
Cũng cần phải có các luật lệ rõ rằng về quỹ tiền thế chân (Bonds). Thứ nhất quỹ này phải do một cơ quan độc lập đứng ngoài dự án giữ để tránh tiền bị thất thoát.  Thứ hai, cần phải có các loại tiền thế chân khác nhau. Chẳng hạn, hầu như tất cả các công việc xây dựng công ở Mỹ đều được thực hiện bởi các công ty tư nhân. Công việc này thường được trao cho nhà thầu đáp ứng thấp nhất thông qua hệ thống giá thầu niêm phong cạnh tranh. Trái phiếu chắc (Surety Bonds) đóng một vai trò quan trọng cho hệ thống hoạt động. Ở Mỹ, có 3 loại trái phiếu chắc:
– Trái phiếu đấu thầu (Bid Bond) có mục đích để loại bỏ các nhà thầu yếu kém (phù phiếm) ra khỏi quá trình đấu thầu bằng cách đảm bảo rằng nhà thầu thành công sẽ tham gia vào hợp đồng và sẽ làm đúng theo tiêu chuẩn và nộp trái phiếu thanh toán (Payment Bond). Nếu người thầu trả giá thấp nhất không thực hiện được các cam kết này, chủ sở hữu sẽ được bảo vệ tối đa bằng số tiền của trái phiếu đấu thầu, thường trị giá của trái phiếu đấu thầu (Bid Bond) là sự khác biệt giữa giá thầu thấp và giá thầu đáp ứng cao kế tiếp. 
– Trái phiếu hiệu suất (Performance Bond) đảm bảo nhà thầu sẽ thực hiện hợp đồng theo các điều khoản và điều kiện đã đặt ra, theo giá thỏa thuận và trong thời gian đã được hoạch định.
– Trái phiếu thanh toán (Payment Bond) nhằm bảo vệ những người lao động, nhà cung cấp vật liệu và nhà thầu phụ nếu xảy ra việc nhà thầu không thanh toán tiền nong. Vì các khoản thế chấp không thể được đặt ra cho tài sản công cộng (chẳng hạn mình không thể đem con đường sẽ xây ra làm thế chân), trái phiếu thanh toán là cách bảo vệ duy nhất mà những người này được thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ mà họ cung cấp cho dự án.
Chúng ta có thể viện nhiều lý do để các công ty nước ngoài phải đóng cả 3 loại tiền thế chân này trong khi các công ty trong nước đóng ít hơn để giúp các công ty nội địa.
2. Hồ sơ mời thầu cần chặt chẽ về kỹ thuật, quy trình, nêu rõ mục tiêu phải đạt, tiêu chí, loại thiết bị/công nghệ tầm G7 (cho phép tương đương).  Cần tính toán dòng tiền đầu tư, cộng vận hành bảo dưỡng trong lâu dài. Cần so sánh: giá đầu tư có thể cao ban đầu nhưng về lâu về dài tổng chi phí sẽ thấp, so với giá đầu tư thấp nhưng sau đó có nhiều “hidden cost” (chi phí che dấu) nếu tính đúng, tính đủ thì tổng giá thành rất cao nhưng không được thể hiện trên giấy tờ.
3. Vấn đề hợp đồng phải có từng giai đoạn và trong từng giai đoạn phải có sản phẩm (output) có thể kiểm tra về số lượng và chất lượng. Nhà thầu phải mua hoặc đóng bảo hiểm để sửa chữa các sai phạm. Nếu không làm đúng thì phải dừng ngay và bên thầu phải sửa chữa hoặc bị loại trừ. Trong trường hợp bên VN không có khả năng kiểm tra thì thuê kiểm tra nước ngoài (tức là tư vấn). Ở nước ngoài, nếu có chuyện băn khoăn 50/50 về quy định, quy trình, cơ sở khoa học… giữa việc chấp nhận và bác bỏ vấn đề gây quan ngại thì chủ đầu tư nghe theo khuyến cáo của Tư vấn, vì Tư vấn có tính độc lập nhưng vẫn muốn bảo vệ chủ đầu tư.
4. Những người có trách nhiệm được nhà nước giao phó trong quản lý vốn, giám sát,… không chỉ cần có cái tâm và cái tầm mà phải được nghiêm trị khi vi phạm hối lộ, tham nhũng.
5. Giải pháp để nhà thầu Trung Quốc bảo đảm hay tăng chất lượng và giảm chi phí công trình là phải sửa lỗi từ bên trong tức các chủ đầu tư Việt Nam. Sự tiếp tục thắng thầu của các nhà thầu Trung Quốc ngày càng tăng hình như là thứ mà mang tính bao trùm lên tất cả là vấn đề lỗi thể chế chính trị xã hội chưa có dấu hiệu đổi mới, chưa nhìn nhận thấu đáo bàn tay ma quỷ can thiệp và lũng đoạn của Trung Quốc vào nội bộ nước ta như thế nào?

Lời kết

Chính giới và giới trí thức ở Mỹ, Úc, New Zealand và nhiều quốc gia khác lên tiếng gay gắt vạch trần sự lũng đoạn nghiêm trọng của Trung Quốc từ hàng thập kỷ nay vào nội bộ nước họ dưới mọi hình thức của quyền lực mềm và ăn cắp “know how”, quyền sở hữu trí tuệ gây ra nhiều hệ lụy khác rất nghiêm trọng.
Chúng ta không từ chối đầu tư và hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại Việt Nam nhưng không chấp nhận những nhà đầu tư không chỉ thiếu năng lực, trình độ mà điều quan trọng là muốn gây hạị cho VN, thậm chí điều này đậm nét hơn là “kiếm chác“! Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dùng vốn vay và nhà thầu Trung Quốc, liên tục đội vốn, hoãn ngày khánh thành, nay vẫn trơ gan như một tượng đài “tiền mất, tật mang” giữa Thủ đô.
Ở Việt Nam, chuyện cũ chưa xong lại thêm mối lo mới về việc Việt Nam cho phép làm thí điểm khu kinh tế Vần Đồn có yếu tố Trung Quốc làm người dân càng nặng trĩu khôn nguôi, nỗi âu lo về bàn tay ma quỷ của Tầu đã thò vào mọi lĩnh vực của mảnh đất hình chữ S thân thương này. Giữa lúc này, Trung Quốc lại đang leo thang trên Biển Đông bằng hành động kiểm soát khai thác tài nguyên biển, và lời lẽ hăm dọa chiến tranh trực tiếp uy hiếp nước ta.
Phải cải cách thể chế chính trị và xã hội, dựa trên bài học rất thành công của chống dịch covid 19 để lấy lại lòng tin của nhân dân, dựa vào sức mạnh của cả dân tộc và sức mạnh của thời đại để bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát triển bền vững của đất nước.
Xin có mấy câu thơ để thay cho lời kết của bài viết này:
Ông Lớn“ muốn cả thiên hà
  Lòng tham vô đáy, nghịch tà vô biên
  Ngàn năm chuyện ấy còn nguyên
  Có chơi thì nhớ đừng quên điều này:
  Rõ ràng, minh bạch, thẳng ngay
  Đừng vì tham để đến ngày lại lo
Bàn tay “ma quỷ” lắm trò
Gạc Ma còn đấy, nhớ cho, không thừa.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

Tôi e rằng vấn đề không chỉ là tham nhũng, mà còn nhiều lý do chính trị nguy hiểm khác nữa chưa lường hết được. Thực tế "Vân Đồn" chứng minh không thể chối cãi: Nếu không có cải cách thể chế chính trị, thì chống tham nhũng chỉ là câu chuyện một nửa để nuôi dưỡng cái nửa còn lại và kẻ thù giấu mặt của đất nước.

Nguyễn Trung

***
Bàn tay ma quỷ mà cụ TS Tô Văn Trường viết trong bài chẳng qua chỉ là chuyện nhà thầu TQ dựa vào thể chế của ta để trúng thầu. Và sau đấy họ thực hiện theo cách vụ lợi khiến ta thiệt hại vô vàn. Chuyện dại dột kéo dài nửa thế kỷ khiến người dân tin chắc đang tồn tại một nhóm lợi ích ngụy trang bằng quyền lực. Liệu đúng đến đâu?
Chuyện bao trùm hơn, đó là ĐCS TQ lừa ta về ý thức hệ. Lừa thầu chỉ là bộ phận. Nếu hai nước thành công xây dựng CNCS thì biên giới không còn. Mỗi người VN có 13 người TQ đứng xung quanh (theo tỷ lệ dân số). Không hiểu 14 người này sẽ giao lưu bằng ngôn ngữ gì?
Chỉ cần giảng giải 30-60 phút là người bình thường thấy được âm mưu của TQ với thế giới và với VN (bài viết của TS Tô Văn Trường chỉ cần 10 phút để đọc và suy rộng).
Tôi không tin giới quyền lực thiếu thông tin tới mức rất nhiều trí thức và các vị lão thành cách mạng đã góp ý đầy xây dựng, ôn hòa (kể cả lễ phép và như van lạy) mà vẫn không lay chuyển. Hẳn là, đúng như TBT Nguyễn Phú Trọng đã gợi ra: Một nhóm lợi ích đã hình thành vững chắc và đang cố thủ.
Các vị cách mạng lão thành có thể chịu khổ, chịu chết để chiến đấu cho CNCS. Thế hệ cách mạng hiện nay dựa CNCS để được sống như ý. Góp ý gì nổi?
Các Cụ, các Bác đã nghe một một đứa con có hiếu lạy van người cha để ông ta cai nghiện ma túy chưa?
Đã bập vào ma túy thì lời lạy van nào cho thấu? Nếu còn nói dai, nói dài, tau đập chết… thằng cha mi.

Nguyễn Ngọc Lanh



CỤ TS TÔ VĂN TRƯỜNG-MỘT TRÍ THỨC
ĐAN THƯƠNG/ BVN 23-5-2020
Rất nên đọc lại lần nữa, bài Bàn tay ma quỷ và vấn đề thể chế chính trị xã hội của TS Tô Văn Trưởng (đăng ở trang Ba Sàm) - với lời bạt kèm theo.

Câu hỏi khi thoạt đọc tên bài: Bàn tay ma quỷ nào vậy?

Chỉ cần đọc ít dòng, đã thấy đây chính là bàn tay của đảng bạn "môi-răng" đã tặng "đảng ta" 16 chữ vàng (úa).
Tác giả minh họa "bàn tay ma quỷ" bằng những mánh khóe gian lận khi chúng tham gia đấu thầu, khiến ta bị thiệt hại cực lớn. Thiệt vật chất đong đếm được, nhưng phá hủy môi trường thì đúng là vô kể. Còn lời bạt của bài, tuy có nói về đấu thầu, nhưng còn nói về... nguy cơ xây dựng thành công CNCS (!). Cái này mới khủng! Liệu điều này có phù hợp với ý xa xôi của tác giả?.

Tinh thần toàn bài toát ra:

- Bàn tay TQ vươn dài, phủ khắp (như ma quỷ), dai như đỉa đói, nhằm thôn tính toàn diện VN.
- VN không thể thoát ra, chính vì cái "thể chế chính trị-xã hội" (chính trị-xã hội rất nên có dấu gạch ngang - khi dịch sang ngoại ngữ) cứ như thứ gông cùm, khiến ta không thể cựa quậy. Con nhím giương mắt căm phẫn nhìn con trăn há miệng đỏ lòm, lùi lũi tiến gần mà không thể xù bộ lông lợi hại lên, đành chịu bị thôn tính (thôn = nuốt, ngốn, tiêu diệt, chiếm đoạt).

Trong bài này, cụ TS Tô Văn Trường dùng "đấu thầu gian lận" để minh họa cho bàn tay ma quỷ của Tàu; tuy nhiên...

Đúng là tác giả đã "đi guốc trong bụng" bọn chúng. Chỉ mất 30-60 phút để cụ TS giảng giải cho các đồng chí chủ thầu, nhưng tại sao ta cứ mắc lừa triền miên trong đấu thầu? Phải cắt nghĩa bằng thể chế chính trị-xã hội. Đó là thứ thể chế không có sự kiểm soát quyền lực, khiến nó bị tha hóa (thối nát) không cưỡng nổi, tự sinh ra tham ô, tham nhũng...
Tuy nhiên, bài dùng chuyện đấu thầu làm ví dụ minh họa "bàn tay ma quỷ" thì quả là chưa tương xứng với mưu sâu, kế hiểm của kẻ thù, cũng như chưa tương xứng với tai hại khổng lồ do Thể chế chính trị-xã hội đem lại.

Khi bài đăng ở tạp chí Việt Mỹ tên bài được đổi thành

TRUNG QUỐC VÀ VẤN ĐỀ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

và nội dung bài cũng thay đổi theo chiều hướng tổng quát hơn (như tên gọi) và cân đối hơn giữa hai vế: Bàn tay TQ - Thể chế VN. 
Tuy vậy, khi cụ Tô Văn Trường đề xuất cách thoát hiểm cho VN, cụ vẫn lấy những ví dụ cụ thể và rất chi tiết về cảnh giác với Tàu khi đấu thầu.
Hãy tin rằng cụ TS Tô Văn Trường suy tư sâu rộng hơn những gì Cụ viết ra.

Cụ TS rất có uy tín với một số nhân vật cấp cao trong hệ thống chính trị VN.

Nguyên nhân số 1 là trái tim trí thức của cụ. Những điều cụ nói với họ là từ tấm lòng yêu nước, yêu dân. Tiếp đó, là trình độ uyên thâm, uyên bác trong lĩnh vực chuyên môn của mình, khiến cụ ở tư thế "nói phải - củ cải cũng nghe". Hai điều trên kết tinh thành điều thứ 3: Sự kiên nhẫn và niềm hy vọng vô bờ của cụ vào những cá nhân mà cụ chọn nói với.
Tuy nhiên, sau vô số lần góp ý, có lẽ cụ bắt đầu nhận ra: Thuyết phục các cá nhân cụ thế trong thể chế (dẫu thành công) vẫn rất khác với tác động để thay đổi cả một thể chế.

Đ.T.

Tác giả gửi BVN