Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

20180721. THẮC MẮC VỀ GDP

ĐIỂM BÁO MẠNG
THẮC MẮC VỀ GDP

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 21-7-2018

clip_image002
Nguồn ảnh: Khều – Vietnamnet.vn
Được  thông báo GDP của quốc gia  tăng ngoạn mục mà  cứ băn khoăn. Nó tăng nhờ cái gì? Tại sao GDP như vậy  mà nợ nước ngoài vẫn tăng  và không biết GDP tăng thì toàn dân được lợi gì? Riêng  lão già hưu trí như tôi thấy bị thiệt  so với mấy năm trước vì lương hưu tuy có thêm  chút ít , nhưng lạm phát và giá cả tăng nhanh hơn. Tôi vốn không giỏi về kinh tế tài chính và không có điều kiện tìm thầy tìm lớp để học nên chỉ  vào Google tìm kiến thức, may ra giải đáp được phần nào.
Google  giải thích: GDP, viết tắt của Gross Domestic  Product - Tổng Sản phẩm Quốc nội. Có 3 phương pháp (PP) tính GDP. Đó là PP theo chi tiêu, PP theo thu nhập và PP sản xuất (hoặc giá trị gia tăng). Lại còn chia ra GDP danh nghĩa và GDP thực tế. Tôi không tìm thấy Việt Nam theo PP nào. Có một bài ghi câu trả lời của ông Nguyễn Bích Lâm (Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê), rằng GDP của VN được tính theo đúng thông lệ quốc tế.
Theo PP chi tiêu, GDP tính theo công thức:
GDP = C + I + G + NX,  trong đó:
C - tiêu dùng của toàn dân
I - tổng vốn đầu tư
G - chi tiêu của chính phủ
NX - Xuất khẩu ròng
Xét về xuất khẩu, tuy VN có xuất được hàng nông thủy sản, dệt may, dày dép, v.v. nhưng  chủ yếu vẫn là sản phẩm của  doanh nghiệp FDI ( 100% vốn nước ngoài). Thí dụ VN xuất được  10 triệu chiếc điện thoại thông minh, thu  4 tỷ đô la thì số điện thoại và tiền đó hoàn toàn là của Sam Sung, nhưng khi tính GDP của VN  lại được kể vào. Thế là VN được tiếng GDP tăng 4 tỷ đô, còn miếng thì chủ yếu Sam Sung hưởng. Nhà nước chỉ được một phần nhỏ, đó là thu thuế. Thí dụ khi Sam Sung thu  4 tỷ, trong đó tiền lãi 800 triệu, đánh thuế  6% trên số lãi, nhà nước  thu được 48 triệu.  Tiếng là GDP tăng 4 tỷ nhưng thu nhập của nhà nước chỉ là 48 triệu (nghe nói mấy năm qua Sam Sung ở VN xuất được trên 60 tỷ đô la sản phẩm các loại).
Khi xuất khẩu các mặt hàng khác hoặc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (kể cả du lịch) thì thu nhập chính thuộc về các công ty và cá nhân, nhà nước chỉ thu được một phần rất nhỏ là thuế. Mà tiền thuế là nguồn chính để chi cho hoạt động bộ máy, để bảo vệ đất nước và làm các công trình phúc lợi.
Thế nhưng nghe nói có một số doanh nghiệp FDI trong nhiều năm xuất khẩu hàng chục tỷ đô nhưng không đóng được đồng thuế nào vì khai là bị lỗ (nhưng chắc chúng phải chi khá nhiều cho những người ký công nhận khoản lỗ đó). Trong dự thảo luật 3 đặc khu có điều khoản miễn giảm 6 loại thuế cho các doanh nghiệp, như vậy với đặc khu, GDP có thể tăng nhưng  tiền thuế nhà nước thu được không đáng kể.
Về vốn đầu tư, tôi có hỏi một người bạn là H. Hải, chuyên gia lĩnh vực công trình giao thông, rằng đầu tư cho giao thông ảnh hưởng đến GDP như thế nào.  Câu trả lời làm tôi quá ngạc nhiên, vì khi làm công trình mà tham nhũng càng nhiều, lãng phí càng lớn, chất lượng càng kém thì GDP càng tăng! 
Chuyên gia Hải giải thích:  Giả thử làm một con đường, chỉ cần 500 tỷ, nhưng dự toán gian dối thành 800 tỷ, quyết toán lên 950 tỷ.  Chênh lệch: 950 - 500 = 450 là do tham nhũng và lãng phí đã được hợp pháp hóa. Khi làm xong con đường GDP được tăng lên 950 tỷ, bằng số quyết toán. Nếu tham nhũng và lãng phí cao hơn, bằng 600 tỷ, quyết toán sẽ là 1100 tỷ, kéo theo GDP tăng  1100 tỷ.  Khi  chất lượng đường là tốt, không cần sửa chữa thì giá thành con đường dừng lại. Nếu chất lượng kém, xẩy ra hư hỏng, phải tốn thêm 50 tỷ để sửa chữa thì 50 tỷ này lại được đem cộng vào  vốn đầu tư và GDP lại được tăng lên.
Sau khi biết được như trên, tôi à một tiếng thật to, nhưng xem ra vẫn chưa dám nói là đã hiểu biết đúng bản chất. Bạn nào, vị nào biết rõ hơn, nếu có điều kiện xin mách bảo thêm, và nếu phát hiện tôi viết sai chỗ nào xin được chỉ giáo.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

FDI: LỖ ÂM VỐN CHỦ SỞ HỮU NHƯNG VẪN HOẠT ĐỘNG BÌNH THƯỜNG

THÙY DUNG/ KTSG 19-7-2018

(TBKTSG Online) - Chuyển giá đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp không chỉ ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà ngay cả doanh nghiệp trong nước. Cần phải có thêm công cụ cho Kiểm toán Nhà nước đấu tranh lại với tình trạng đang trở nên phổ biến này.

Chuyển giá của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất lớn và ngày càng tinh vi, phức tạp. Ảnh minh họa: TD
Cắt lỗ 1,5 tỉ đô la, truy thu thuế 10.000 tỉ đồng
Tại hội thảo chuyển giá – Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay diễn ra ngày 19-7 do Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc tổ chức, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường đại học Fulbright Việt Nam cho hay, không thể phủ nhận những đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế Việt Nam, song điều đáng quan ngại là vấn đề tránh thuế nói chung và chuyển giá nói riêng của nhiều doanh nghiệp FDI thời gian qua.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mỗi năm có khoảng từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ luỹ kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh.
Một số địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như TPHCM, Bình Dương, tỉ lệ doanh nghiệp FDI kê khai lỗ lên đến 50-60%, trong đó, có nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ trong nhiều năm. Theo báo cáo gần đây nhất vào đầu năm 2018 của VCCI, có đến 37,9% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm 2017.
Tình trạng kê khai lỗ không cá biệt trong bất kỳ ngành nghề nào nhưng thường phổ biến ở các ngành nghề như chế biến chế tạo, sản xuất hàng may mặc, da giầy, sản xuất các mặt hàng gia dụng, bán lẻ, nước giải khát…
Ở TPHCM, theo thông tin của Cục thuế, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực siêu thị, bán lẻ, nước giải khát đứng đầu danh sách các doanh nghiệp luôn báo lỗ. Một số báo cáo khác cho thấy, có đến 90% số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP HCM có báo cáo tài chính lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong cùng ngành lại có lãi. Điều này mâu thuẫn khi nhìn chung các doanh nghiệp nội địa thường được đánh giá có năng lực và lợi thế cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI cùng ngành. Điều đáng chú ý là mặc dù lỗ, thậm chí lỗ luỹ kế đến mức âm vốn nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh thay vì phá sản, đóng cửa sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là có thật. Tuy nhiên, việc có đủ bằng chứng chứng minh việc chuyển giá là hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều bên nên đến nay tại Việt Nam, hầu như chưa có doanh nghiệp nào bị phạt vì hành vi này. Một số tên tuổi lớn dính “nghi án” chuyển giá tại Việt Nam như Coca Cola, Pepsi... và gần đây nhất là Keangnam Vina.
“Công tác kiểm toán chuyển giá là một công việc mới, trong khi việc chuyển giá của doanh nghiệp FDI lại hết sức tinh vi, phức tạp", ông Cường nói.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, tổng hợp báo cáo của cơ quan thuế trong khoảng 5 đến 6 năm qua cho thấy đã có khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ số tiền giảm lỗ và số truy thu thuế là 10.000 tỉ đồng.
“Liệu như vậy đã đủ chưa?”, ông Tuấn đặt câu hỏi khi mà mỗi năm cơ quan chức năng chỉ thanh tra khoảng vài nghìn doanh nghiệp. Nếu tăng số lượng doanh nghiệp bị thanh tra thì số tiền giảm lỗ và truy thu thuế sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Làm sao chống chuyển giá?
Ở Việt Nam cách đây khoảng chục năm “chuyển giá” vẫn là một khái niệm mới lạ thì hiện nay nó đã là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI mà còn xảy ra ở cả các doanh nghiệp trong nước (hay hoạt động này còn được gọi là chuyển giá nội địa).
Mục đích của hoạt động chuyển giá là tối thiểu hoá nghĩa vụ tính nộp thuế trong tập đoàn, doanh nghiệp nhằm tối đa hoá lợi nhuận dựa vào chính sách ưu đãi hoặc sự khác biệt về thuế giữa các vùng miền, quốc gia.
Ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho hay, thời gian qua, KTNN đã thu hồi hàng trăm nghìn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán. Không chỉ FDI mà còn cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước.
Theo ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 12, một số hình thức chuyển giá phổ biến có thể kể đến như doanh nghiệp nâng cao giá của yếu tố đầu vào. Theo đó, công ty mẹ bán máy móc thiết bị hàng hóa vật tư, nguyên liệu đầu vào cho công ty con ở Việt Nam với giá cao, làm tăng chi phí không hợp lý, giảm nghĩa vụ thuế.
Hay có thể thông qua hoạt động xuất khẩu sản phẩm ngược trở lại công ty mẹ với giá thấp hơn so với giá thị trường, làm giảm lợi nhuận công ty con ở Việt Nam, qua đó cũng trốn thuế.
Hình thức trốn thuế phổ biến nữa là giao công ty mẹ ở nước ngoài trúng thầu các hợp đồng cung cấp hàng hoá, thiết bị tại Việt Nam với giá cao, nhưng giao cho công ty con ở Việt Nam thực hiện trực tiếp và chuyển giao hàng hóa dịch vụ cho đối tác nhưng mức giá rất thấp, qua đó lợi nhuận nằm chính ở công ty mẹ.
Hoặc có hình thức với nhóm các công ty liên kết trong nước, các công ty mẹ ký hợp đồng và giao khoán cho các công ty con đang được hưởng ưu đãi về thuế. Những công ty con này thường là mới thành lập hoặc đang có trụ sở ở địa bàn đang được ưu đãi về thuế. Ví dụ ký hợp đồng 100 đồng và giao khoán lại giá 95 đồng, đẩy toàn bộ lợi nhuận về chi nhánh, hoặc công ty con ở địa bàn đang được ưu đãi thuế.
Để giải quyết bài toán này, theo các đại biểu tham dự hội thảo, cần phải xây dựng được dữ liệu về giá cả thị trường các hàng hoá nhập khẩu; phải giao cho một cơ quan xác định giá thị trường; tăng cường hợp tác quốc tế.
Ví dụ, hãng H. có nhà máy ở Việt Nam và Thái Lan. Nếu có quan hệ với cơ quan thuế của Thái Lan thì kiểm toán Việt Nam sẽ biết được động cơ xe, khung xe... mà công ty H. ở Việt Nam bán cho Thái Lan là bao nhiêu, trên cơ sở đó để đấu tranh thu thuế với doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần bổ sung chức năng của Kiểm toán Nhà nước có quyền thực hiện hoạt động kiểm toán nghĩa vụ nộp thuế tại các doanh nghiệp có hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Mời đọc thêm:

Chống chuyển giá: Đã cụ thể và rõ ràng hơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét