Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

20180731. CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG VÀ KINH TẾ VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN KINH TẾ VIỆT NAM

TRẦN THỊ THU HIỀN */ TCCS 27-7-2018


Bất chấp các nỗ lực đàm phán, căng thẳng vẫn leo thang
Từ khi lên nắm quyền, thực hiện khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Donald Trump lần lượt xem xét lại các thỏa thuận thương mại của chính quyền tiền nhiệm. Trước hết là rút khỏi thỏa thuận TPP mà nước Mỹ cùng với 11 nước đối tác đạt được sau nhiều năm đàm phán cam go. Tiếp đó, tiến hành đàm phán lại thỏa thuận Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với những bạn hàng truyền thống, láng giềng là Mê-hi-cô và Ca-na-da. Với lý do bảo đảm an ninh quốc gia, Mỹ áp thuế mới đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, gây nên phản ứng gay gắt của nhiều nước, trong đó có các nước đối tác gần gũi của Mỹ như Ca-na-da, EU.
Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phát triển mạnh, ngày càng thách thức vị trí số một của Mỹ, ngày 22-3-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn với lý do đòi lại sự công bằng trong hoạt động thương mại giữa hai nước. Washington cho rằng mình đang chịu thua thiệt do Trung Quốc "cưỡng ép" các công ty và doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù khẳng định không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc. Ngày 05-4, Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung. Còn Trung Quốc, đã quyết định áp đặt các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ, sau khi xác định mặt hàng nông sản nhập khẩu này gây tổn hại hoạt động sản xuất và buôn bán trong nước.
Nhằm giải quyết căng thẳng thương mại, những nỗ lực ngoại giao đã được xúc tiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai nước đã tổ chức ba vòng đàm phán tại Bắc Kinh và Washington về vấn đề này. Tại các cuộc đàm phán, hai bên đã ra tuyên bố chung cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước, không đẩy căng thẳng đi xa thành một cuộc chiến thương mại. Sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ hai, hai bên đã ra tuyên bố: Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí từ bỏ chiến tranh thương mại và rút lại các lời đe dọa áp thuế. 
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu phái đoàn cấp cao Trung Quốc, sau đàm phán, cho biết: "Hai bên đã đạt đồng thuận, sẽ không tiến hành một cuộc chiến thương mại, và sẽ ngừng tăng thuế lẫn nhau."
Tuyên bố chung của hai nước cho biết Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp của Mỹ nhằm giảm khoản thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ lên tới hơn 370 tỷ USD; nêu rõ “Hai bên đã đạt được sự đồng thuận đối với các biện pháp hiệu quả nhằm giảm đáng kể thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ với Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc cũng như nhu cầu phát triển kinh tế chất lượng cao, Trung Quốc sẽ tăng cường đáng kể việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng và việc làm tại Mỹ." Theo tuyên bố chung, hai nước sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang liên quan tới mức thuế quan và nhất trí giải quyết những mối lo ngại về thương mại “một cách chủ động."
Tưởng như các nỗ lực ngoại giao đã có kết quả và hai bên đã có những nhượng bộ để giải tỏa được căng thẳng. Tuy nhiên, trái với những dự đoán về tinh thần hòa dịu, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29-5 vẫn đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và có những bước đi khác nữa để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận những công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng động thái này đi ngược lại sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được sau các vòng tham vấn mới đây, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Ngày 15-6, Mỹ tuyên bố áp mức thuế mới đối với khoảng 1.100 sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó đợt đầu là 818 sản phẩm, trị giá gần 34 tỷ USD, với mức thuế 25%. Mức thuế mới chính thức có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút ngày 06-7-2018. Trung Quốc ngay lập tức thông báo các biện pháp áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu có hiệu lực sau quyết định của Washington áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Đây mới chỉ là những bước đầu tiên của một cuộc chiến thương mại có thể còn kéo dài. Tổng thống Trump xác nhận ông sẵn sàng leo thang mạnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Theo Tổng thống Trump, Mỹ dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD. Ông Trump cũng cảnh báo Washington sẵn sàng áp thêm mức thuế 10% nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ và tiếp tục trả đũa. Nếu cảnh báo này được hiện thực hóa, tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, cao hơn cả mức 506 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017.
Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Washington đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế; nêu rõ mức thuế quan nói trên vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời làm tổn hại đà phục hồi kinh tế toàn cầu và gây rối loạn thị trường thế giới cũng như gây tổn hại đối với chính kinh tế nước này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thì khẳng định "Trung Quốc sẽ không bao giờ khơi mào chiến tranh thương mại, nhưng nếu bất cứ bên nào thực hiện tăng thuế, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích phát triển, cũng như hệ thống và các quy định thương mại đa phương". 
Qua những phát ngôn của hai bên thì thấy, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu dừng lại và sẽ còn tiếp tục leo thang.
Tác động của cuộc chiến thương mại
Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cả hai cường quốc đều chịu thiệt hại, ngoài ra, cũng sẽ tác động lớn đến các nền kinh tế khác. 
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra 2,6 triệu việc làm cho nước Mỹ. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ làm cho nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng và giá cả tăng vọt. Khi Trung Quốc có các biện pháp trả đũa, người tiêu dùng Mỹ có thể trở thành đối tượng chịu thiệt thòi do giá cả các hàng hóa nhập khẩu tăng lên. Về du lịch, Trung Quốc có thể khuyến cáo người dân ngừng các chuyến du lịch tới Mỹ, gây thiệt hại nặng cho ngành du lịch của Mỹ. 
Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc đa phần là các mặt hàng có giá trị thặng dư cao, mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp Mỹ. Khi chiến tranh thương mại bùng nổ, những doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng tỷ USD vào thị trường Trung Quốc như Apple, Boeing - sẽ chịu thiệt hại lớn bởi các đối thủ cạnh tranh sẽ chiếm lĩnh thị phần tại Trung Quốc.
Trung Quốc cũng chịu không ít rủi ro bởi lẽ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn được hỗ trợ bởi sự phát triển của hoạt động thương mại. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn Mỹ trong cuộc chiến này, vì nhu cầu trong nước của Trung Quốc đã suy giảm khi chính phủ nước này đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản phát triển quá nóng và bảo vệ môi trường, trong khi kinh tế Mỹ lại đang phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu trong nước tăng lên. Dù các chuyên gia Trung Quốc khẳng định rằng căng thẳng thương mại với Mỹ chỉ tác động hạn chế tới nền kinh tế nước này, song các phân tích đánh giá một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm mất đi 0,25% tổng sản phẩm nội địa của cả hai nền kinh tế trong năm 2018, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi mà cả hai nước đều phải chứng kiến độ sụt giảm về tăng trưởng kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn nữa.
Theo nhận định của WTO, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn và có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu. Vấn đề áp thuế nhập khẩu và một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ tạo một cú sốc và có thể khiến tăng trưởng GDP của thế giới giảm từ 1% đến 3% trong vài năm tới. 
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của nhiều nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng bên cạnh Nhật Bản thì Đông Nam Á cũng là nạn nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thuế tăng sẽ đẩy giá các sản phẩm Trung Quốc lên cao hơn, khiến doanh số bán các mặt hàng này tại Mỹ, một trong những thị trường lớn trên thế giới, trở nên sa sút, từ đó tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các nước mới nổi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà sản xuất Trung Quốc, trong đó có các nước ASEAN. 
Về lâu dài, tác động sẽ rất khó đoán định, nếu cuộc chiến tiếp tục leo thang và diện sản phẩm bị trừng phạt hay quy mô gia tăng. 
Tác động đến kinh tế Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP, vì vậy, một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hay cuộc chiến thương mại toàn cầu có tác động lớn đến kinh tế nước ta. Hơn thế nữa, các Trung Quốc và Mỹ đều là các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. 
Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa nước ta và Trung Quốc, quốc gia đứng thứ 2 về kinh tế trên thế giới đạt 93,69 tỷ USD, tăng thêm đến 21,79 tỷ USD tỷ USD so với năm 2016, và chiếm đến 22% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 35,463 tỷ USD, với con số tăng trưởng ở mức rất cao, lên đến gần 61,5% so với năm 2016, tương đương con số tăng thêm 13,503 tỷ USD. Mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm ngoái gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 là 21,2%). Thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 22,765 tỷ USD trong năm 2017.
Năm 2017, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 50,811 tỷ USD, chiếm 11,95% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó nước ta vẫn duy trì mức xuất siêu 32,405 tỷ USD. Trị giá kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Hoa Kỳ đạt 41,608 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2016, nhập khẩu đạt 9,203 tỷ USD, tăng gần 5,7%.
Tính chung, cả Trung Quốc và Mỹ đã chiến hơn 1/3 (33,95%) tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, vì vậy, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này tất yếu tác động đến thương mại nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung, bao gồm cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có các giải pháp chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức.
Là một nền kinh tế nhỏ, trước cuộc chiến thương mại, mà một bên là thị trường xuất khẩu lớn nhất (Mỹ) và một bên là thị trường nhập khẩu lớn nhất (Trung Quốc), Việt Nam sẽ phải chịu những tác động không nhỏ. Ở khía cạnh tích cực thì doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội tại thị trường Mỹ, khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao. Còn ở thị trường Trung Quốc, một số hàng hóa mà Trung Quốc có thể áp thuế cao đối với Mỹ và hàng hóa của Việt Nam sẽ có thêm cơ hội cạnh tranh ở thị trường này. 
Từ góc độ tiêu cực, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác và Việt Nam là một hướng thuận lợi cho xu hướng đó. Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc. Ở thị trường nội địa của Việt Nam, hàng hóa trong nước sẽ chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, một phần hàng hóa của Trung Quốc lẽ ra để xuất khẩu, trước áp lực về thuế của Mỹ, sẽ buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, nên xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này cũng có thể sẽ gặp khó khăn hơn. Đà tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam thời gian qua (tăng 61,5% năm 2017 so với 2016 và tăng 30% so với cùng kỳ 2017) có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn. 
Để có đối sách phù hợp, ở tầm vĩ mô, cần theo dõi sát sao diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dự báo các kịch bản có thể xảy ra để có các phản ứng chính sách phù hợp. Chú trọng thúc đẩy phát triển thị trường trong nước thông qua triển khai các chương trình, hoạt động để xúc tiến thương mại trong nước, như các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", “Tự hào hàng Việt Nam”. Đây cũng là xu hướng mà đa phần các quốc gia trên thế giới đang thực hiện.
Từ khía cạnh doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cần theo dõi sát sao tình hình thị trường, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng việc điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, nguồn cung và thị trường một cách linh hoạt. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm những con đường xuất khẩu khác, ổn định và thuận lợi hơn; tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã và sẽ có với các thị trường tiềm năng khác ngoài Mỹ và Trung Quốc. 
Đối với các doanh nghiệp bán hàng trong nước, cần chú trọng nhiều hơn tới thị trường trong nước; giành thị phần và niềm tin yêu, ưa chuộng của người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, cũng cần nghĩ đến việc liên kết lại, thông tin lẫn nhau và cùng hành động khi cần thiết. Ví dụ, sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp như kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài. 
Về lâu dài, các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ, đầu tư vảo công nghệ sản xuất, quản lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo được nội lực, sức mạnh giúp doanh nghiệp tồn tại và vượt qua mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong thời đại khoa công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay./.
*Trần Thị Thu Hiền Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

20180730. BÌNH LUẬN SÁCH CỦA DONALD TRUMP

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỌC SÁCH CỦA TRUMP

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 30-7-2018

Kết quả hình ảnh cho Time to get tough, make America #1 again.

Tháng 8/2011 Trump công bố quyển sách: Time to get tough, make America #1 again. Năm 2015 sách được tái bản. Cuối năm 2016 Trump được bầu làm Tổng thống nước Mỹ. Tháng 2/ 2017 sách được Nguyễn Quốc Vĩ dịch ra tiếng Việt với tên Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa.
Việc Trump trúng cử tổng thống là một hiện tượng nên được tìm hiểu về phương diện tâm lý xã hội. Một nhà kinh doanh, chưa qua bất kỳ chức vụ lãnh đạo nào trong đảng và chính quyền, không phải là chính khách, nghĩa là từ một dân thường, lại bị khá nhiều phê phán, chỉ trích về đạo đức và tác phong, bị nghi ngờ về khả năng làm chính trị, già trên 70 tuổi, thế mà trúng cử tổng thống với số phiếu khá cao. Hiện tượng Trump, đối với đa số dân Mỹ là tương đối bình thường, đối với nhân loại là hơi lạ, còn đối với đa số dân Việt Nam là quá lạ, quá bất ngờ. Vì sao vậy? Vì dân Việt trong thời gian dài tăm tối, đã quen với nhầm lẫn tai hại là để làm được quan to phải trèo từng bước từ thấp lên cao, phải được lọt vào cơ cấu, phải từ cán bộ nguồn, bị hạn chế tuổi. Điều này được viết rõ trong các nghị quyết, đã được thấm nhuần vào nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, tưởng là rất đúng, nhưng thật ra chứa đựng sai lầm lớn.
Với mục đích tìm hiểu tâm lý xã hội mà tôi đọc sách của Trump. Đọc xong, thấy có vài điều thú vị, xin giới thiệu và trao đổi với những ai có quan tâm.
Sách có 10 chương và kết, đầu đề như sau: 1- Phải kiên quyết; 2- Nắm lấy dầu; 3-Đánh thuế Trung Quốc và cứu việc làm của Mỹ; 4- Đó là tiền của bạn - Bạn phải được giữ lại nhiều tiền hơn; 5- Một chính phủ mà chúng ta có thể đáp ứng được; 6- Tăng cường sức mạnh của Mỹ; 7- Một dàn lưới an toàn chứ không phải là một chiếc võng; 8- Bãi bỏ Obamacare; 9- Gọi nhập cư bất hợp pháp là có lý do; 10- Một nước Mỹ xứng đáng cho con cháu của chúng ta; Kết- Báo chí và Tổng thống.
Về lý do viết sách, Trump bày tỏ (trích từng câu ở các đoạn): “Tôi viết cuốn sách này bởi vì đất nước mà tôi yêu đang trải qua một thảm họa kinh tế toàn diện ngay lúc này,… Mỗi ngày làm kinh doanh tôi thấy nước Mỹ bị xé nát tanh bành và bị lạm dụng… Chúng ta đã trở thành trò cười, thành thằng nhỏ bị đòn oan của thế giới, bị đổ lỗi cho mọi thứ, chẳng được tí công lao và không được sự tôn trọng nào… Chính phủ tống tiền người nộp thuế để thưởng cho các nhóm lợi ích đặc biệt của mình… Trung Quốc đang lừa gạt chúng ta hàng trăm tỉ đô la…”.
Sách được phát hành vào khoảng 1 năm trước khi Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ 1 và nhiệm kỳ 2. Trong toàn bộ cuốn sách Trump đã chỉ trích Obama rất nhiều, chỉ xin trích dẫn một số câu hoặc ý kiến: “Obama? Đó là một sự bất tài, cận kề với sự phản bội… Obama đã hợp thức hóa Trung Quốc trên sân khấu thế giới… Obama đã cúi mình trước Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và chào đón ông ta vào Nhà Trắng. Obama thậm chí đã cho nhà lãnh đạo Cộng sản được vinh dự lớn của một buổi quốc yến chính thức… Chính sách của Obama đối với OPEC là ngu ngốc… Obama là một thảm họa hoàn toàn. Ông đã san bằng đất nước này và đã phá hủy công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế… Obama đã làm xói mòn mỗi nguyên tắc cốt lõi… Bản năng ngu ngốc của Obama là coi những kẻ khủng bố là tội phạm (thay vì như là các chiến binh thù địch). Tái cử Barack Obama, nước Mỹ mà chúng ta để lại cho con cháu sẽ không còn giống như nước Mỹ mà chúng ta đã rất may mắn được lớn lên trong đó. Chúng ta sẽ để tang cho nước Mỹ, một nước Mỹ đã mất dưới thời Obama…”.

Trong 8 năm Obama làm tổng thống tôi được nghe nhiều lời khen ngợi ông. Khi Obama thăm VN, ăn bún chả, gặp gỡ với thanh niên, nói rằng để làm tốt công việc của tổng thống hàng ngày ông phải nghe rất nhiều chỉ trích v.v… tôi cảm phục ông. Đến khi đọc những lời chỉ trích của Trump tôi biết thêm một Obama khác. Có 2 việc mà Obama đã bỏ khá nhiều tâm trí và công sức, đó là luật về bảo hiểm y tế Obamacare nhằm giúp đỡ người nghèo và Hiệp định TPP nhằm phát triển mậu dịch xuyên Thái Bình Dương. Thế nhưng Trump chống lại kịch liệt và ngay sau khi nhậm chức tổng thống, ông đã sớm ra lệnh bãi bỏ. Tại sao vậy? Trong chuyện này ai đúng, ai sai, đúng sai ở đâu? Thì ra có đọc sách của Trump mới hiểu mặt trái của luật Obamacare, trong lúc nó có tính nhân đạo, đem lại một số lợi cho người nghèo thì nó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sản xuất của nhiều công ty và doanh nghiệp, và như vậy nó mang lại lợi ít, hại nhiều, mang lại cho người nghèo cái lợi nhỏ trước mắt và cái hại lớn lâu dài.
Trump cho rằng Obama quan tâm nhiều đến việc tạo ra sự nổi tiếng cá nhân mà ít quan tâm đến phát triển đất nước. Về vai trò của tổng thống, Trump cho rằng: Một tổng thống không “tạo” công ăn việc làm, chỉ có doanh nghiệp mới có thể làm được điều đó. Nhưng tổng thống có thể giúp tạo ra một môi trường cho phép các doanh nhân, các doanh nghiệp nhỏ và lớn lo việc làm giàu cho nước Mỹ.
Tôi nghĩ, người như Trump ở Việt Nam, dưới chế độ cộng sản thì đã bị diệt từ đời nào, may mắn thoát chết thì cũng bị vài chục năm tù về tội lợi dụng tự do để phỉ báng lãnh đạo và chống đối chế độ.
Điều làm tôi thích khi đọc sách của Trump là thái độ của ông đối với Trung quốc, và gần đây ông đã chủ động gây ra cuộc “Chiến tranh thương mại” với Tập Cận Bình. Trump đang được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít người phản đối. Đánh giá Trump với tư cách tổng thống ngoài con người cá nhân (tác phong, đạo đức…) cần quan tâm hơn con người chức năng (trình độ, đường lối, việc làm…). Đại đa số nhân dân Mỹ và đặc biệt những người đối lập sẽ có đánh giá chính xác hơn về Trump khi ông ta thôi không làm tổng thống.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

20180729. BÀN VỀ CHẤN HƯNG GIÁO DỤC VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỔI MỚI HAY CHẤN HƯNG GIÁO DỤC ?

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 29-7-2018

Chấn hưng giáo dục để hình thành một thế hệ người Việt mới chính là đòi hỏi cấp thiết nhất lúc này. Ảnh mang tính minh hoạ: Giaoducthoidai.vn
Sau khi có kết quả chấm thẩm định, Công an đã khởi tố hai vụ án liên quan đến việc nâng điểm bài thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hà Giang đến Sơn La, câu hỏi đặt ra là liệu có còn vụ án nào khác sẽ tiếp tục khởi tố hay đến đây là dừng?
Việc nâng điểm cho một số thí sinh (mà dư luận cho rằng đa số là con em cán bộ lãnh đạo, đại gia) khiến cả xã hội phẫn nộ, khiến niềm tin vốn đã suy giảm rất nhiều vào bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp - lại càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.  
“Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”, “Niềm tin bị đánh cắp”, “Sự kiện không thể nào xấu hổ hơn của ngành Giáo dục”,… [1] là đánh giá mà báo chí dành cho sự kiện đã diễn ra tại kỳ thi này ở một vài địa phương và cũng cho cả ngành Giáo dục nước nhà.
Điều tồi tệ khó có thể tưởng tượng này đã góp thêm bằng chứng cho nhận định “Giáo dục Việt Nam thất bại” mà nhiều chuyên gia đã đề cập, được truyền thông đăng tải. 
Để đổi mới toàn diện giáo dục, từ năm 2013, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW song cho đến nay, dường như một số chủ trương trong Nghị quyết này chưa đi được vào cuộc sống.
Bằng chứng chính là các vụ gian lận trong kì thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, kỳ thi tuyển viên chức giáo dục tại một số địa phương và những ý kiến không đồng thuận tại Quốc hội về thang bậc lương nhà giáo.
Người viết cho rằng thay vì “đổi mới” cần làm một cuộc “Chấn hưng giáo dục”.
Thực ra đến năm 2018 này mới đặt vấn đề “Chấn hưng giáo dục” là quá muộn song muộn vẫn còn hơn không.
Chấn hưng nền giáo dục quốc gia không có nghĩa là phá bỏ xây mới nhưng cũng không thể níu kéo những hủ lậu khiến nền giáo dục nước nhà càng ngày càng bộc lộ thêm khiếm khuyết.
Chấn hưng giáo dục không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà của cả hệ thống chính trị, trước hết là Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Muốn chấn hưng quốc gia, phải chấn hưng dân tộc, muốn chấn hưng dân tộc phải chấn hưng giáo dục.
Đó là con đường không thể khác khi đất nước đang đối mặt với quốc nạn tham nhũng, khi niềm tin vào thể chế bị suy giảm, nợ công tăng cao và văn hóa, đạo đức xuống cấp trầm trọng.
Tổ quốc không chỉ là mảnh đất mà hơn 90 triệu người Việt sinh sống, tổ quốc nằm trong trái tim người Việt dù họ định cư ở bất kỳ nơi nào, là nơi mà văn hóa Việt được truyền bá và chấp nhận.
Nếu dân tộc không đủ mạnh về ý chí và lực lượng, dân tộc đó có nguy cơ bị nô dịch.
Dân tộc bị nô dịch, tổ quốc sẽ không còn đó, là thực tiễn lịch sử xưa nay chưa bao giờ sai.
Vậy nên chấn hưng giáo dục để hình thành một thế hệ người Việt mới chính là đòi hỏi cấp thiết nhất lúc này.
Trước khi đề xuất một vài ý kiến về “Chấn hưng giáo dục” xin đề cập đôi điều về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia 2018.
Thứ nhất, có không ít ý kiến đổ lỗi cho ngành Giáo dục như bài báo đăng trên Infonet.vn [1] nêu trên.
Người viết cho rằng nhận định như vậy có phần không công bằng, những từ ngữ trong bài viết mang tính quy chụp đối với riêng ngành Giáo dục và Đào tạo mà chưa đặt sự kiện trong cái nhìn tổng thể. 
Mọi sai phạm liên quan đến giáo dục đều bị quy kết cho ngành Giáo dục là căn bệnh nhiều người “vô tư” mắc phải.
Không ít người chưa chịu tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân dẫn tới sai phạm đó hay đơn giản là họ cần phải tìm ra ai đó để đổ lỗi?
Vậy sự kiện “không thể xấu hổ hơn” đang xảy ra là lỗi của ai, của cơ quan nào?
Năm 2017 và 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT và 04/2018/TT-BGDĐT kèm theo Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Thông tư của Bộ là văn bản quy phạm pháp luật mà cơ quan nhà nước, công chức, viên chức và công dân buộc phải chấp hành.
Sai phạm xảy ra tại Hà Giang, Sơn La là do người thực thi công vụ tại địa phương thực hiện, kẽ hở dẫn tới sai phạm nằm ở sự chỉ đạo, giám sát của Hội đồng thi cấp tỉnh và cấp nhà nước.
Phải thấy rằng tất cả cán bộ dính líu đến sai phạm tại Hà Giang, Sơn La (và có thể còn những nơi khác) đều không chịu sự quản lý về nhân sự của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Họ là cán bộ, công chức địa phương chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của đảng bộ, chính quyền địa phương.
Những người đã được nêu đích danh tại Hà Giang và Sơn La đều được đề bạt, bổ nhiệm bởi ngành Nội vụ chứ không phải Giáo dục.
Hơn nữa, những người này trước khi được đề bạt làm lãnh đạo (cấp trường, phòng, sở) đều được học tập, bồi dưỡng kiến thức “quản lý hành chính nhà nước”, “lý luận chính trị” tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện, Trường Bồi dưỡng Chính trị cấp tỉnh hoặc cao hơn, các cơ sở này không do Bộ Giáo dục và Đào tạo điều hành, quản lý.
Thứ hai, người viết cho rằng quy trình thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vẫn chưa hoàn chỉnh, trong đó có việc giao toàn bộ quá trình tổ chức thi, chấm thi cho địa phương (có phối hợp với trường đại học) nhưng chưa lường hết các sự cố có thể xảy ra. 
Nếu có camera giám sát toàn bộ quá trình thi và xử lý bài thi (quét ảnh bài thi, niêm phong, chấm thi,…) truyền trực tiếp dữ liệu về trụ sở Ban Chỉ đạo thi quốc gia thì sai phạm chắc chắn sẽ được hạn chế.
Việc công bố đáp án thi trắc nghiệm ngay sau khi thi xong cũng là kẽ hở, nhờ thế Phó Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang mới có dữ liệu để sửa điểm.
Mặt khác, việc chấm thẩm định bài thi tại Hà Giang, Sơn La dẫu có chỉ ra sai phạm cũng chỉ là chữa bệnh phần ngọn, lấy gì bảo đảm quá trình coi thi không có gian dối, lấy gì khẳng định các bài thi được chấm do thí sinh làm 100%?
Trước đây, người xử lý dữ liệu thi đại học trên máy tính đều nắm được nguyên tắc đánh số báo danh theo vần A, B, C,… của tên thí sinh, từ danh sách thí sinh (đã gán số báo danh), máy tính sẽ tự động xếp người vào phòng thi,…  
Tại một địa phương năm nay, bố trí khu vực thi riêng cho một số đối tượng đặc biệt, như vậy buộc phải xáo trộn cách đánh số báo danh và xếp phòng theo thông lệ, tại sao lại như vậy?
Tại sao thanh tra Bộ ủy nhiệm không làm việc suốt quá trình thi mà chỉ tập trung vào thời gian chấm thi?...
Thứ ba, một điều có thể coi là đáng tiếc là sự chủ quan, có phần vội vàng của lãnh đạo Ban Chỉ đạo thi quốc gia khi chưa tiến hành hậu kiểm, chưa tận dụng ưu thế công nghệ thông tin để phát hiện “đột biến” mà đã khẳng định kỳ thi an toàn, thành công…
Vậy nên lỗi không thuộc về riêng một cơ quan hay cá nhân nào mà thuộc về hệ thống.
Muốn chấn hưng giáo dục phải dựa vào ba trụ cột, đó là Đường lối - chính sách; Bộ máy điều hành và Pháp luật.
Thứ nhất, về đường lối, chính sách:
Trong bản thảo Di chúc viết lần đầu vào tháng 5/1965, Hồ Chủ tịch căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tr. 616 và 612, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011). [2] 
Mặc dù đã qua nhiều lần “đổi mới” song phải gần 50 năm sau khi Hồ Chủ tịch viết di chúc, mãi đến năm 2013 mới xuất hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về “Đổi mới toàn diện Giáo dục và đào tạo…”
Vậy sau hơn 50 năm Hồ Chủ tịch viết Di chúc, khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng toàn quốc, ngành Giáo dục nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung đã “học tập” được những gì, đã “làm theo” được những gì?
Nếu tham nhũng được xem là “quốc nạn” thì tham nhũng trong lĩnh vực “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” phải được xem là cội nguồn của “quốc nạn” đó.
“Cội nguồn của quốc nạn” thể hiện như thế nào và ở đâu?
1. Những chuyến tàu vét
“Đoàn tàu giáo dục” như cách ví von của một vị cựu Bộ trưởng, có phải chỉ đến năm 2018 này mới xuất hiện những “chuyến tàu vét” như câu chuyện thi cử ở Hà Giang, Sơn La,…?
Với tất cả sự thận trọng cần thiết, người viết vẫn buộc phải nói rằng, những “chuyến tàu vét” mà ngành Giáo dục vận hành đã rời ga từ nhiều chục năm trước.
Căn cứ vào những từ ngữ, ca dao hiện đại lưu truyền trong dân gian từ đầu những năm 70 thế kỷ trước như “Chuột chạy cùng sào”, “Nhất Y nhì Dược,…”, có đủ cơ sở để khẳng định những “chuyến tàu vét” Giáo dục đã khởi hành từ lâu lắm rồi. 
Lúc đầu những đoàn tàu này mới chỉ “vét” thày, còn bây giờ, các đoàn tàu Giáo dục của thế kỷ 21 còn thêm những toa dành riêng để “vét” học trò.
Xin nhấn mạnh, rằng ngành Giáo dục chỉ chịu trách nhiệm “vận hành” những “chuyến tàu vét” đó chứ không phải là cơ quan chế tạo đầu và toa tàu, càng không phải là cơ quan đặt đường ray cho những “Cung đường giáo dục”.
Một đoàn tàu cũ kỹ được kéo bởi những chiếc đầu máy rệu rã và đội ngũ lái tàu “ngủ quên trên vòng nguyệt quế” liệu có thể đòi hỏi gì hơn?
2. “Những lời có cánh”
Dân chúng chắc không ít lần nghe những “lời có cánh”, chẳng hạn “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề”, “Nhà giáo là kỹ sư tâm hồn”,…
Thế thì vì sao Giáo dục lại ra nông nỗi này?
Có thể là duy tâm, dẫu sao người viết cũng vẫn muốn nói rằng đó là luật nhân quả.
Người xưa nói: “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, gần như toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đều là “nhân” mà nền giáo dục xã hội chủ nghĩa của chúng ta đã “gieo” ít nhất là từ mốc thời gian 1975, sau khi thống nhất đất nước, giáo dục cả ba miền đều chung một tình trạng.
Có điều, trong những “hạt giống” tuyển chọn cho mùa sau thì “cánh đồng giáo dục” hầu như chỉ được gieo bằng các hạt chất lượng kém.
Mấy chục năm cứ cắm cúi gieo những “hạt lép” thì lấy đâu ra mùa vàng bội thu?
Vậy vì sao giáo dục chỉ biết “gieo” mà không thể tự mình chọn hạt giống?
3. Vị thế ngành Giáo dục
Người viết cho rằng Giáo dục là ngành có vị thế yếu trong toàn bộ hệ thống.
“Giáo dục không làm ra tiền; Giáo dục tiêu tốn ngân sách quốc gia nhiều nhất (20%); Giáo dục nhiều công chức, viên chức hưởng lương nhất trong hệ thống;…”.
Đó là những từ ngữ xuất hiện thường xuyên trong các văn bản và trang báo. 
Liệu có phải vì mặc cảm là ngành tiêu nhiều tiền thuế nhất khiến cho đội ngũ lãnh đạo ngành không mấy khi dám lên tiếng về đãi ngộ nhà giáo, về phân bổ chi tiêu, về nhân sự giáo dục địa phương… cho đến trước khi Nghị quyết 29- NQ/TW ra đời?
Ngược lại, ngành Giáo dục thường là người bị đặt nhiều câu hỏi nhất trong nghị trường, và cũng bị dư luận trách móc liên tục! 
Xin nêu một câu hỏi, vì sao có những định hướng ghi rất rõ trong Nghị quyết 29-NQ/TW (như vấn đề thang bậc lương nhà giáo) đến nay sau năm năm vẫn chưa được thực hiện?
Điều này có cho thấy giáo dục đang đứng đâu trong hàng ngũ các đối tượng “ưu tiên”? 
Câu trả lời chính xác là “Không phải là vị trí số một”.
Vị thế của Giáo dục yếu hơn các ngành khác không phải chỉ do Giáo dục tự hạ thấp mình mà còn bởi những lý do rất khó diễn đạt trong một bài báo.

4. Quan điểm chỉ đạo
Sinh thời, Hồ Chủ tịch dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục, quan điểm rõ ràng, nhìn xa trông rộng của Người đúc kết trong câu:
Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”.
Trước lúc đi xa, người không quên căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".
Muốn có những con người xã hội chủ nghĩa, muốn bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau thì phải có đội ngũ nhà giáo giỏi chuyên môn và tận tâm với nghề, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục am hiểu pháp luật, đủ tâm và đủ tầm.

Muốn chấn hưng giáo dục thì giáo dục phải thu về một mối. Ảnh minh hoạ: Chinhphu.vn
Thực tế cho thấy trong nhiều thập niên, Nhà nước chưa dành sự quan tâm đúng mực tới công tác đào tạo nhà giáo từ bậc mầm non, phổ thông đến bậc đại học và sau đại học.
Công tác nhân sự có quá nhiều bất cập thể hiện qua hàng loạt sự kiện “Cả họ làm quan”, “Con ông cháu cha”, “Mua quan bán chức”,… và nhân sự trong ngành Giáo dục cũng không phải là ngoại lệ.
Vậy có nên đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu % con ông cháu cha trong ngành Giáo dục?”.  
Thói giả dối trong một bộ phận gọi là trí thức, trong đội ngũ khá đông đảo cán bộ, công chức phát triển mạnh và đã lây lan sang cả lớp học sinh, sinh viên?
Một nghiên cứu được công bố năm 2008 cho thấy tỷ lệ nói dối tăng theo độ tuổi, học sinh ở cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50% và cấp 3 là 64% và sinh viên đại học là 80%. [3]
Nếu số liệu nghiên cứu trên là chính xác thì càng học hành lên cao người ta càng nói dối nhiều hơn.
Phải chăng vì thế, nạn “đạo văn”, “lò tiến sĩ”,… thường xuất hiện ở những nơi được xem là đầu đàn về văn hóa, giáo dục như Học Viện, Đại học đầu ngành,…? 
Báo Laodong.vn ngày 28/9/2017 dẫn ý kiến Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Phó ban thứ nhất Ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, chỉ kiểm tra trong một năm (2002) đã phát hiện 10.000 trường hợp sử dụng bằng giả.
Bài báo kết luận: “Nạn gian dối chính là một thứ bệnh hoạn của xã hội, do chính những người có chức, có quyền lực tạo ra”. [4] 
Dù đã được báo động từ năm 2002, được nhắc lại vào năm 2008 song hình như vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào dành riêng cho việc trừng phạt nạn dùng bằng giả và đạo văn trong cán bộ, công chức.  
Thiếu một chế tài nghiêm khắc, không quyết tâm tiêu diệt nạn bằng giả cũng đồng nghĩa với việc dung túng cho sự dối trá và những gì xảy ra ở ở Hà GiangSơn La chỉ là hậu quả đã được báo trước cho cách chỉ đạo, quản lý hiện tại. 
“Dối trá”, “đạo văn”, “bệnh thành tích” là “ba mũi giáp công” vào lòng lòng trung thực và vì vậy thất bại của giáo dục là khó tránh khỏi.
5. “Hoa thơm mỗi người hưởng một tí”
“Xé lẻ Giáo dục” thành các mảnh ruộng phần trăm chia cho các bộ - ngành, tỉnh - thành phố, đoàn thể quần chúng quản lý không phải là chủ trương do ngành Giáo dục đề xuất.
Địa phương quản lý tiền và con người (giáo viên), Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chương trình, sách giáo khoa và một số cơ sở giáo dục bậc đại học.
Đây chỉ là “chia để quản lý” hay ẩn chứa phía sau là quyền chi nguồn ngân sách khá lớn dành cho Giáo dục?
Với cán bộ quản lý giáo dục địa phương phạm pháp như vụ Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể đề nghị địa phương xử lý, Bộ làm gì có quyền “đưa ra khỏi ngành” những người đó như ý kiến được công bố gần đây! 
Sau thời kỳ chia ruộng cho nông dân nay đến thời kỳ “cánh đồng mẫu lớn”, thời kỳ tích tụ ruộng đất, vậy Giáo dục còn chia năm xẻ bảy đến bao giờ?
Nếu không sớm thống nhất bộ máy quản lý, đừng nói đến chấn hưng giáo dục.
Thứ hai, bộ máy quản lý
Giáo dục không chỉ manh mún ở tầm vĩ mô, số liệu thống kê tại các địa phương càng cho thấy rõ hơn sự manh mún này.
Tính đến đầu năm 2018, Việt Nam có 11.162 đơn vị hành chính cấp xã, 713 đơn vị hành chính cấp huyện [5] cùng thời kỳ này cả nước có 15.052 trường tiểu học; 10.155 trường trung học cơ sở;
Tính bình quân mỗi xã/phường có 2,25 trường nghĩa là có hai Ban Giám hiệu, hai đội ngũ nhân viên phục vụ trong khi bình quân học sinh mỗi trường (cả tiểu học và trung học cơ sở) chỉ là 518 người. [6]
Theo Baochinhphu.vn cả nước hiện có 6.191/11.162 xã không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số, phải chăng số trường bị chia nhỏ kéo theo lực lượng quản lý, phục vụ cồng kềnh là do phụ thuộc vào địa bàn hành chính?
Ở cấp cao hơn, năng lực quản lý của lãnh đạo đang đặt ra nhiều câu hỏi.
Có thể lấy ví dụ qua không ít văn bản Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhưng bị dư luận phê phán hoặc kiến thức pháp luật yếu của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo qua vụ việc liên quan đến công tác tuyển sinh lớp 10 các trường ngoài công lập Hà Nội hè năm 2018.
Giáo dục là quá trình diễn ra thường xuyên, liên tục, chính sách giáo dục phải nhất quán trong một khoảng thời gian đủ dài (nhưng không quá dài).
Nếu vị Bộ trưởng mới nhậm chức lại phản bác ngay quan điểm của người tiền nhiệm thì giáo dục sẽ chỉ mang tính nhiệm kỳ.
Liệu điều này thể hiện tư duy đổi mới hay đang “phá nát quy hoạch giáo dục” - như cách nói của lãnh đạo Hà Nội về quy hoạch thủ đô.
Một số trường hợp lãnh đạo bộ được điều động thẳng từ đại học lên làm Thứ trưởng, Bộ trưởng có phải là cách làm hợp lý?
Phải chăng ai cũng có thể làm Bộ trưởng miễn là được đề cử và được phê duyệt?
Liệu các giáo sư, tiến sĩ Việt Nam có tài năng toàn diện đến mức lãnh đạo bộ nào cũng làm được, kiểu gì cũng làm tốt?
Trong khi xã hội dị nghị về trình độ của đa số người tốt nghiệp chuyên tu, tại chức thì những người vừa làm việc vừa học lấy bằng “Quản lý hành chính nhà nước”, “Lý luận chính trị cao cấp” có phải là hệ “chính quy” hay cũng chỉ là tại chức?
Nhìn ra thế giới, một trong những trường được liệt vào hàng “thanh thế” nhất nước Pháp là Trường Quốc gia Hành chính Pháp.
Mỗi năm trường này chỉ đào tạo khoảng 80-90 sinh viên và hầu hết số sinh viên này đều tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học ưu tú nhất nước Pháp.
Tại Việt Nam, chỉ công chức có ý định hướng đến một vị trí cụ thể nào đó trong bộ máy công quyền mới theo học các chương trình Quản lý hành chính nhà nước và Lý luận chính trị và thực tế là không ít cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện cầm trong tay tấm bằng cử nhân tại chức chứ không phải là sinh viên ưu tú nhất của các đại học tiếng tăm nhất! 
Thực tế trên với ngành Giáo dục có thể chỉ đúng một nửa, nghĩa là các văn bằng chuyên môn là chính quy còn văn bằng khác thì vừa làm việc vừa học.
Vấn đề là thực ra, ai chính thức là tư lệnh ngành Giáo dục?
Trong loạt bài “Giáo dục - đến lúc phải nói cho ra nhẽ”; “Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại”; “Giáo dục - vấn đề không nằm ở Hà Giang” người viết đã phân tích khá nhiều câu hỏi này.
Quyền lực - như Hồ Chủ tịch diễn giải: “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” - bao gồm “quyền hành” và “lực lượng”.
Một vị tư lệnh ngành phải có đủ “quyền hành” và “lực lượng” mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bộ máy quản lý giáo dục hiện nay đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ được trao một nửa, tức là “quyền” ban hành văn bản quy phạm pháp luật, còn “lực” tức là tiền và người do địa phương nắm giữ.
Xảy ra vụ việc ở Hà Giang, Sơn La thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ có thể “đề nghị các địa phương kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sai phạm” chứ không thể làm gì hơn!
Nếu vụ việc xảy ra trong hệ thống trường đào tạo nghề, cao đẳng nghề thì cơ quan giải quyết là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Muốn chấn hưng giáo dục thì giáo dục không thể chia năm xẻ bảy, giáo dục phải thu về một mối, do một cơ quan duy nhất quản lý và vị tư lệnh ngành phải có “quyền hành” và “lực lượng”.
Thứ ba, cơ sở pháp luật
Nền giáo dục Việt Nam hiện được điều chỉnh bởi ba bộ luật là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, ngoài ra còn bị điều chỉnh bởi khá nhiều văn bản dưới luật do các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành.
Luật Giáo dục 2005 có 120 điều, Luật Giáo dục đại học (2012) có 73 điều; Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014) có 79 điều, tổng cộng là 272 điều.
Việc áp dụng các Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp luôn phải tham chiếu Luật Giáo dục trong khi việc sửa đổi, bổ sung các luật này lại không cùng thời điểm, dẫn tới khó khăn khi áp dụng.
Phải chăng vì nền giáo dục manh mún nên luật cũng phải chia nhỏ cho phù hợp?
Thống nhất quản lý toàn bộ nền giáo dục nước nhà trong một bộ và gộp cả ba bộ luật làm một mang lại lợi ích hay khó khăn cho người điều hành?
Điểm mặt những thất bại của giáo dục
Điều quan trọng nhất để chấn hưng giáo dục nước nhà là khắc phục triệt để căn bệnh “Nói nhưng không làm, làm không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi”.
Sự chú ý của dư luận xã hội dường như dồn vào chuyện chống tham nhũng, chuyện “Lò nóng củi tươi” trong các lĩnh vực kinh tế, đất đai, ngân hàng, công thương,… và gần đây là sai phạm của không ít tướng lĩnh trong quân đội và công an.
Đó là những việc “cần làm ngay” mang tính cảnh báo, răn đe, đa số vụ việc liên quan đến những lãnh đạo (dân sự và quân sự) đã nghỉ hưu, đến những vụ việc nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng đã xảy nhiều vài năm trước.
Xử lý một số cá nhân, vụ việc tuy cần thiết nhưng chỉ là xử lý phần ngọn, thay đổi văn hóa tiểu nông, tạo nên thế hệ người Việt đáp ứng tiêu chí “Công dân toàn cầu” mới là phần gốc.
Vậy ngành giáo dục có gây thất thoát nhiều tỷ đồng ngân sách không, lãnh đạo ngành có mắc phải các sai phạm nghiêm trọng không? 
Báo Nhandan.com.vn trong bài “Những đề án, dự án hàng nghìn tỷ đồng đổi mới giáo dục và đào tạo trước nguy cơ thất bại” viết: 
Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” có tổng kinh phí là 9.378 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì…
Dư luận xã hội bức xúc còn bởi hiện trạng: Sau khi tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều năm, chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ trong nhà trường vẫn cho kết quả “đội sổ” so với các môn trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. [7]
Sự “đội sổ” không chỉ vào năm 2016 khi bài báo được đăng mà năm 2018 này cũng vậy, điểm trung bình môn Tiếng Anh trong kỳ thi quốc gia 2018 là 3,91 và được đánh giá là môn học “Mãi không chịu lớn”.
Chính xác thì đề án trên “mới” tiêu hết có 5.400 tỷ đồng và thất bại đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận trước Quốc hội. [8] 
Vậy số tiền 5.400 tỷ đồng ấy tương đương bao nhiêu “dự án nghìn tỷ đắp chiếu” của Bộ Công thương và có nên xem đó cũng là một đại án?
Năm 2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quốc hội đề án “Đổi mới chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông” với dự trù kinh phí khoảng 34.000 tỷ đồng.
Bị dư luận và đại biểu Quốc hội phản bác, đề án rút xuống còn 718 tỷ đồng.
Chúng ta đang “đổi mới giáo dục” theo một cung cách hết sức khó hiểu, đó là tích hợp các môn học trước khi đào tạo một cách bài bản đội ngũ “giáo viên tích hợp”, hậu quả có thể thấy là hai ba thày cô dạy một môn học. 
Từ một đề xuất duy ý chí, thế là chữ viết bị thay đổi theo kiểu chữ trong bản vẽ kỹ thuật.
Chỉ với số tiền viện trợ nhỏ nhoi 84,6 triệu USD (không hoàn lại) của “Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu” thế là hàng loạt trường bị “thí điểm” học theo mô hình VNEN. 
(Năm học 2011-2012, thí điểm mô hình này tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh.
Năm học 2012-2013, triển khai trên diện rộng và thí điểm tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Năm học 2015-2016, 4.177 trường tiểu học ở 63 tỉnh, thành triển khai thực hiện mô hình này).
Cho đến nay, lời khẳng định sự thất bại của mô hình VNEN có thể tìm thấy trên nhiều tờ báo uy tín như Tienphong.vn, [9] Vietnamnet.vn [10], Congly.vn [11], Giaoduc.net.vn, [12]…
Liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổng kết, so sánh những mất mát tại 4.177 trường tiểu học bị “thí điểm” so với số tiền hơn 80 triệu USD nhận được? 
Liệu có nên đưa những người chịu trách nhiệm về các thất bại của giáo dục ra tòa?
Nếu không có sự “buông lỏng quản lý” đối với Giáo dục, liệu giáo dục Việt Nam có xuống cấp đến mức khiến cả xã hội bất bình như ngày nay?
Điều đọng lại là gì?
Vị thế quốc gia không phụ thuộc vào nước ấy to hay nhỏ, người nhiều hay ít.
Các quốc gia Bắc Âu, Do Thái, Singapore, Hàn Quốc,… không phải là nước lớn nhưng có vị thế đáng nể bởi trước hết là văn hóa của họ sau đó mới là sức mạnh kinh tế.
Dân tộc Do Thái nhiều thế kỷ không có tổ quốc, nhưng vẫn giữ được nền văn hóa từ thời cổ đại và nhờ thế ngay khi tái lập quốc, họ trở thành một sức mạnh đủ sức đường đầu với mọi đe dọa.
Người Việt định cư ở nước ngoài giới thiệu với người bản địa văn hóa Việt, ẩm thực Việt chứ không phải bản đồ nước Việt.
80% sinh viên nói dối ra trường sẽ bổ sung vào đội ngũ công chức, viên chức, một số trong đó sẽ là nhà giáo.
Liệu họ có “chừa” thói nói dối khi được học sinh gọi là thày?
Truyền thống ham học đang bị mai một, tính cần cù, chịu khó biến mất dần khỏi thế hệ trẻ, tính cộng đồng, tương thân tương ái trở thành xa xỉ trong bộ phận khá đông người Việt là thực tế.
Vào thời cách mạng công nghiệp 4.0, cần cù, chịu khó mà không có tri thức mãi mãi chỉ là người làm thuê chứ không thể làm ông chủ. 
Muốn làm ông chủ phải sáng tạo, muốn chấn hưng đất nước phải có nền giáo dục khai phóng, muốn chấn hưng giáo dục hãy bắt đầu từ người thày.
Khi thói dối trá thịnh hành thì người trung thực trở nên lạc lõng, ý chí đấu tranh sẽ mai một, sự im lặng của những người tử tế sẽ là hồi chuông của sự cáo chung.
Không cải tạo giống nòi, cả tầm vóc lẫn tư duy thì rừng còn bị phá, biển còn bị ô nhiễm, đất còn bị xói mòn và cái họa suy vong sẽ sớm hiển hiện.
Trước khi phát kiến những điều vĩ đại, hãy làm cho bằng được những gì đã nói, đã viết. 
Hãy biến những điều ghi trong Hiến pháp, trong các Nghị quyết thành hiện thực, thế có lẽ cũng là rất tốt rồi.
Cách đấu tranh hữu hiệu nhất với các “nhóm lợi ích”  là đất nước không tồn tại một nhóm lợi ích nào, tất cả người Việt, dù là công nhân, nông dân hay Bí thư, Chủ tịch đều phải chung một định hướng, nhà nước và thể chế chính trị phải là “Của dân, do dân và vì dân”.
Ngày xưa, lịch sử không được ghi chép đầy đủ, thế nên có điều lúc này đúng, lúc khác sai.
Ngày nay tất cả chủ trương, đường lối và phát ngôn của chính khách đều được lưu trữ, được đánh giá, phản biện vì thế khó có thể hy vọng chủ thuyết của Gơ ben - “Một điều dù phi lý, dối trá tới đâu nếu được nhắc đi nhắc lại ngàn lần cũng sẽ được nhận thức như là chân lý” - sẽ có tác dụng.
Như đã nhiều lần đề cập, nước Việt cần một nền giáo dục khai phóng, nền giáo dục ấy phải hướng đến mục tiêu đào tạo thế hệ công dân sáng tạo, biết làm chủ tình thế và làm chủ bản thân chứ không phải những người học vẹt, học để đối phó với các kỳ thi, học để làm quan,…
Muốn có nền giáo dục khai phóng, cần xây dựng độ ngũ “Nhà giáo khai phóng”. 
Đó là những người thày biết chắt lọc trong sách giáo khoa - vốn bị đánh giá là không ít sai sót - những gì là cần với học trò, biết tự nghiên cứu, học hỏi thêm từ truyền thông, trên mạng xã hội để nâng cao kiến thức bản thân chứ không chỉ nhăm nhe ôn tập cho các kỳ thi chuyển ngạch.
Chuyện thày mặc “quần đùi” hoặc cô mặc mini juyp lên lớp không phù hợp với con mắt người Việt song cũng không nên quá khắt khe về chuyện ăn mặc.
Quan trọng là đọng lại sau mỗi bài giảng khối kiến thức học trò tiếp nhận được (nếu sự “ngắn hay dài” của trang phục không quá trớn hoặc mang lại sự phản cảm).
Cung cách vận hành khó hiểu của giáo dục cũng đã được áp dụng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa 12, chúng ta phấn đấu đến năm 2030 “Cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Cụ thể là: 
Đối với cán bộ cấp chiến lược: Thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; trên 15% dưới 45 tuổi; từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”. 
Xu hướng hội nhập quốc tế, nền kinh tế mở đã thực hiện nhiều năm, thế mà phải 12 năm nữa, đến năm 2030 mới phấn đấu có 40-50% cán bộ cấp chiến lược “đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”, có phải vì thế mà hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, hàng loạt dự án có nguy cơ “đắp chiếu” hoặc đội vốn?
Không đào tạo được một đội ngũ cán bộ đủ tâm và tầm, chúng ta đang phải trả giá, báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội về “Hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016” cho biết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lỗ hơn 12.000 tỉ. [13]
Cả nước có 12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, chỉ một đơn vị là Tập đoàn Than - Khoáng sản đã có sai phạm gần 15.000 tỉ đồng. [14]
Có ý kiến cho rằng lỗi làm ăn thua lỗ là do chủ trương, cơ chế, do học tập không đến nơi đến chốn mô hình Chaebol của Hàn Quốc,… 
Chủ trương, chính sách là do con người định ra, học tập kinh nghiệm nước ngoài cũng do con người tiến hành.
Nếu phải tìm lỗi thì chính là bởi nền giáo dục nước nhà đã đào tạo ra không ít cán bộ nhận trọng trách nhưng thiếu cả trình độ lẫn tâm đức, bởi cơ chế tuyển chọn cán bộ không phải theo năng lực mà theo “quy trình”.
Nghị quyết 29-NQ/TW nêu mục tiêu tổng quát của đổi mới giáo dục đào tạo là:
Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. 
Chấn hưng giáo dục ngoài mục tiêu như Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu, cần tầm nhìn xa hơn, có thể là cả thế kỷ 21 để làm biến đổi toàn diện và triệt để “con người Việt Nam” về tư duy và thể chất.
Đó phải là những con người “có một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể cường tráng”, đoạn tuyệt vĩnh viễn tâm lý tiểu nông, dám đấu tranh và dám chịu trách nhiệm.
Làm ra sản phẩm quan trọng hơn sáng tác khẩu hiệu.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://infonet.vn/vu-sua-diem-o-ha-giang-nha-giao-tran-van-do-gui-thu-ngo-toi-bo-truong-bo-gddt-post268744.info
[2] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/24197102-boi-duong-the-he-cach-mang-cho-doi-sau-la-mot-viec-rat-quan-trong-va-rat-can-thiet.html
[3] http://dantri.com.vn/su-kien/giao-su-tran-ngoc-them-benh-ua-thanh-tich-va-benh-gia-doi-trong-giao-duc-rat-nang-20161213071952913.htm
[4] https://laodong.vn/giao-duc/gs-pham-minh-hac--nguyen-bo-truong-bo-gddt-da-tung-phat-hien-10000-bang-gia-trong-1-nam-566972.ldo
[5]http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Ban-viec-sap-nhap-cac-huyen-xa-chua-dat-50-tieu-chuan/341087.vgp
[6]https://www.moet.gov.vn/content/tintuc/Lists/News/Attachments/5138/To%20gap%20Giao%20duc%20-VN-2017%20(noi%20dung).pdf
[7] http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/30437702-nhung-de-an-du-an-hang-nghin-ty-dong-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao-truoc-nguy-co-that-bai.html
[8] http://www.doisongphapluat.com/giao-duc/diem-mat-nhung-cai-cach-that-bai-cua-bo-giao-duc-dao-tao-a192445.html
[9] https://www.tienphong.vn/giao-duc/vi-sao-vnen-that-bai-tieng-noi-cua-co-giao-dung-lop-1169677.tpo
[10] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/phan-tich-nhung-that-bai-quan-trong-hon-chung-minh-vnen-tot-the-nao-397737.html
[11] http://congly.vn/tam-diem-du-luan/vnen-that-thu-223184.html
[12] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Vi-sao-VNEN-that-bai-tieng-noi-cua-co-giao-dung-lop-post178298.gd
[13] http://plo.vn/thoi-su/cac-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc-lo-hon-12000-ti-735376.html
[14] https://nld.com.vn/thoi-su/tap-doan-than-khoang-san-sai-pham-gan-15000-ti-dong-20180101211830199.htm
Xuân Dương
TIN BÀI LIÊN QUAN:
SUY NGHĨ VỀ THỰC TRẠNG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG Ở  VIỆT NAM HIỆN NAY

NGUYỄN HỮU PHẦN/ BVN 26-7-2018

Lâu nay, tôi cũng đọc nhiều công trình nghiên cứu, bài viết, ý kiến… phân tích về tình hình GDVN, những “chệch hướng”, “sai lầm”, “suy thoái”… đã kéo dài đã hàng chục năm mà chưa có cách gì “điều chỉnh” “cải cách”… lại được. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu, bài viết, ý kiến… đều đi vào những vấn đề vĩ mô như “triết lý giáo dục”, “cách mạng”, “đổi mới”, “thay đổi mô hình”, “điều chỉnh hệ thống”, “trận đánh lớn”, “thay đổi căn bản” v.v… Những vấn đề lớn lao này không phải là không cần thiết, nhưng khi bàn đến cái “vĩ mô” cũng cần thiết phải hiểu rõ cơ sở hạ tầng của nó là gì? Cơ sở ấy liệu có “cáng” được những “gánh nặng” cải cách, cải tổ rậm rộ đó hay không chứ?
Trong bài viết này tôi chỉ mong muốn trình bày được những suy nghĩ của mình với một vài vấn đề nhỏ (hoặc tưởng như là nhỏ) của GDVN, đó là vấn đề người làm giáo dục (“người làm giáo dục” ở đây cần được hiểu là người trực tiếp đứng lớp, quản lý hoạt động giáo dục ở trường học, các cấp học chứ không phải các quan chức quản lý ngành). Nói tóm lại đó là vấn đề con người đang thực hiện các chủ trường, nhiệm vụ giáo dục.
Tôi nhớ cách đây đến gần chục năm (hình như năm 2007) báo chí có đăng một bài PV Giáo sư Việt kiều Nguyễn Đăng Hưng, người rất quan tâm đến giáo dục Việt Nam. Trong bài PV có câu hỏi và trả lời như sau:
PV. - Giả sử nếu là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam, ba vấn đề ông ưu tiên giải quyết là gì?
GS NĐH - Tôi không hề nghĩ đến chức vụ ấy bởi tôi cũng chỉ là… một thường dân. Nhưng giả thuyết là Bộ trưởng, tôi sẽ thay đổi ít nhất 50% nhân sự, sa thải những người thiếu trách nhiệm, chỉ giữ lại những người tâm huyết.
Tôi không định bàn đến con số 50 hay bao nhiêu phần trăm nhân sự ngành GD thiếu trách nhiệm, tôi có cảm giác vị giáo sự này định nói về những quan chức, cán bộ quản lý ngành, còn tôi lại muốn bàn về các nhà giáo trực tiếp làm công việc giảng dạy các thế hệ học sinh. Cũng xin được hạn chế phạm vi bàn luận của tôi là giáo viên trường phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) chứ không (hoặc chưa) dám bàn luận về giáo viên các ngạch trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, đại học và trên đại học.

I. Người thầy và vị trí quan trọng của thầy giáo trong sự nghiệp giáo dục

Bất cứ ngành kinh tế, khoa học,văn hoá, xã hội nào cũng cần đến lực lượng lao động. Đội ngũ nhân sự có thể nhiều ít khác nhau, có thể là lực lượng lao động trí óc hay chân tay, thậm chí có những ngành nghề khoa học hiện đại ngày càng sử dụng ít, rất ít nhân sự vì đã có hệ thống công nghệ tự động. Nhưng giáo dục dù trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển đến đâu cũng không thể thay thế vị trí người thầy giáo bằng máy móc, phương tiện kỹ thuật. Hay nói cách khác là mặc dù phương tiện kỹ thuật đã được đưa vào nhà trường, phục vụ, hỗ trợ cho việc dạy học nhưng không thể thiếu vắng người thầy giáo, người truyền thụ kiến thức, người quản lý, giáo dục học sinh.
Thầy (cô) giáo là những người lao động trí óc (tuy nhiên cũng phải sử dụng không ít sức lực) có những đặc điểm riêng khác với Người lao động ở các ngành nghề khác. Họ luôn luôn phải tiếp xúc trực tiếp với đối tượng giáo dục (học sinh/con người), do vậy họ không chỉ là người truyền thụ kiến thức như một cỗ máy mà còn cần phải thể hiện sự sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, phải là một hình mẫu có cá tính, có phẩm cách, kiến thức, kinh nghiệm sống… để thể hiện trước đối tượng giáo dục của mình. Thầy giáo dạy hay, có cách nhìn nhận, phương pháp giảng dạy độc đáo (khác biệt), thầy giáo có đạo đức, nhiệt tình, có lòng yêu thương (trẻ em học sinh nói riêng và con người nói chung) mới được học sinh tin tưởng, hào hứng tiếp nhận kiến thức, ham thích học tập, rèn luyện và quan trọng hơn tôn trọng, coi thầy giáo là một hình mẫu để noi theo.
Trong hệ thống giáo dục trước đây, có khi cùng một bài dạy (về một bài thơ Đường luật hay một trích đoạn Kiều chẳng hạn) nhưng mỗi thầy giáo lại có những cách dạy khác nhau (tất nhiên là không sai kiến thức) thể hiện rõ trình độ hiểu biết và cách quan sát, cách thể hiện cá tính của người thầy. Vì vậy phụ huynh mới có nhu cầu chọn thầy và học sinh mới có niềm tự hào mình là học sinh của thầy A thầy B nào đó (coi thầy giáo của mình hơn hẳn, hay khác biệt với những thầy giáo khác).
Những điều này không chỉ ở môn văn, các môn xã hội, mà ở bất kỳ môn học nào. Thầy giáo không chỉ là người “dạy chữ” mà còn “dạy làm người” nữa. Người thầy giáo là người hàng ngày đứng trước học sinh, tiếp xúc trực tiếp với các em để vừa truyền thụ tri thức, vừa dùng bản thân (trí tuệ, phong cách, cá tình, nhân cách…) của mình dạy cho các thế hệ học sinh trưởng thành, làm người.
Cho đến bây giờ, phụ huynh và học sinh vẫn bàn đến và hy vọng vào trình độ kiến thức cũng như tính cách của các thầy, cô giáo. Người ta nhận xét thầy, cô giáo này hiền, nghiêm, ăn nói hấp dẫn… Tuy nhiên, đấy mới chỉ là một phần nhỏ trong phẩm cách thầy giáo. Cao hơn nữa là những thầy giáo giỏi, yêu trẻ, nhiệt tình với công việc giảng dạy… Nhưng rất thiếu những người thầy kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái giỏi (về tri thức) với cá tính sáng tạo, nhân cách để trở thành tấm gương khiến học sinh cảm phục, kính yêu… không chỉ trong thời gian học mà có khi đến suốt cuộc đời.
Thế nhưng, những người thầy/cô giáo như vậy hiện đang có mặt đồng đảo trong hệ thống giáo dục của chúng ta không? Xin nhìn lại những vấn đề về đào tạo, hoạt động nghề nghiệp của hệ thống giáo viên phổ thông ta từ trước đến nay.

II. Thầy giáo trong các trường phổ thông

1. Sơ lược về đào tạo sư phạm đối với giáo viên phổ thông

Nhìn lại cả quá trình đào tạo giáo viên ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học sư phạm từ năm 1954 đến nay ta có thể nhận thấy một số vấn đề về giáo viên trong thời kỳ đầu tiên xây dựng hệ thống giáo dục ở miền Bắc. Những năm ấy (sau khi hoà bình lập lại) Ngành Giáo dục có nhu cầu rất lớn về giáo viên, ngoài việc sử dụng lực lượng giáo viên trường công, trường tư của nền giáo dục cũ và nhanh chóng thay thế bằng những lớp giáo viên mới được đào tạo cấp tốc từ các trường sư phạm như: giáo viên 7+1 (học hết lớp 7, học thêm sư phạm 1 năm), 7+2, 10+1, 10+2, 10+3, đại học 4 năm… đấy là vấn đề đào tạo giáo viên. Còn về quan niệm xã hội với nghề giáo viên cũng có những vấn đề đáng quan tâm: Sau CCRĐ, Cải tạo Tư sản (1956, 1958) ngành học sư phạm bị coi thường so với các ngành học khác. Những câu ca dao của thanh niên, học sinh ngày đó thể hiện rõ điều này “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua…” và sự thật như vậy, rất ít thanh niên đăng ký hoặc thi vào các trường sư phạm. Còn Nhà nước (hoặc Ngành Giáo dục) cũng không thật sự coi trọng ngành này, họ thường để cửa cho những thanh niên học sinh lý lịch “không cơ bản” (con địa chủ, tư sản, nguỵ quân, nguỵ quyền, trí thức cũ…) vào học ngành Sư phạm (những ngành quan trọng khác như Y, Dược, Bách khoa dành cho con em công - nông - binh). Hồi đó khi vào trường sư phạm các tân sinh viên thường hỏi nhau “cậu hay bố cậu có vấn đề gì mà phải vào trường này vậy?”.
Thế nhưng những thanh niên con nhà đã từng giầu, đã từng có tri thức khi biết gạt bỏ những sự thiếu công bằng vẫn có thể là những sinh viên giỏi và sau đó có những thế hệ giáo viên có nhiều phẩm chất “thầy giáo”.
Thời xây dựng CNXH và chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ngành Sư phạm vẫn tiếp tục đón nhận những sinh viên con em các gia đình không được xã hội đánh giá cao và học hành phổ thông ở mức trung bình, yếu kém. Các hệ đào tạo 7+… và 10+… vẫn tiếp tục đào tạo cho đến cuối thập kỷ 60 đầu 70 mới được thay thế dần… Những năm đầu thế kỷ XXI, Bộ GD-ĐT đã có dự án “Chuẩn hoá giáo viên các cấp học phổ thông” nghĩa là tập trung các giáo viên dưới chuẩn 10+2 (cấp tiểu học), 10+3 (cấp THCS) đi học tập, bồi dưỡng vài ba tháng lấy bằng “Chứng nhận giáo viên đạt chuẩn”).
Bây giờ, các hệ đào tạo sư phạm ở trung ương và địa phương đã ổn định (cao đẳng sư phạm cho mẫu giáo, tiểu học), đại học 3 năm, 4 năm cho THCS và THPT). Thế nhưng trong các kỳ tuyển sinh đại học, ai cũng có thể nhận thấy học sinh THPT thuộc tốp 1, tốp 2 (giỏi, khá) thưởng không nộp đơn vào các trường sư phạm cho dù ở những trường này các em nhận được nhiều ưu đãi về học phí.
Điểm qua những chặng đường như vậy để thấy việc đào tạo giáo viên chưa bao giờ được coi trọng cả với hệ thống quản lý ngành cũng như trong quan niệm xã hội. Và những điều này đã trở thành một trong những nguyên nhân cần xem xét khi bàn về chất lượng giáo viên phổ thông.

2. Chất lượng và con đường hành nghề của giáo viên phổ thông

* Sách “Hướng dẫn giảng dạy” và sự thiếu vắng cá tính sáng tạo, hạn chế, tiêu huỷ khả năng cập nhật của giáo viên.
Tiếp tục với vấn đề đào tạo giáo viên, chuẩn hoá giáo viên như trên, các trường phổ thông dần dần có được đội ngũ giáo viên đạt chuẩn… đứng trên bục truyền dạy bồi dưỡng phẩm chất trí tuệ, nhân cách cho học sinh. Những thầy/cô giáo này được trở thành những cá thể có cá tính sáng tạo, có phẩm ccách công dân, hình mầu làm người để dìu dắt cho thế hệ trẻ.
Để đảm bảo cho giáo viên giảng dạy đúng mục tiêu môn học, mục đích yêu cầu từng bài học, Ngành Giáo dục đã soạn thảo, in, phát cho giáo viên sách “hướng dẫn giảng dạy” cho từng môn học. Trong những cuốn sách này, các nhà biên soạn đã hướng dẫn cho giáo viên từng bài giảng từ mục đích yêu cầu, phương pháp giảng dạy, nội dung kiến thức cần truyền đạt (cần nhấn mạnh hoặc lướt qua), thậm chí có sẵn cả hệ thống câu hỏi để sử dụng trong từng bước giảng dạy, từng phân mục bài giảng... Sách “Hướng dẫn giảng dạy” cung cấp cho giáo viên từng giáo án bài giảng. Người sử dụng chỉ cần áp dụng theo sách để thực hiện từng bước lên lớp. (có những trường vẫn bắt giáo viên soạn giáo án, nộp, kiểm tra giáo án nhưng đó chỉ là hình thức và giáo viên chắc chắn sẽ chép từ sách hướng dẫn là có giáo án ngay).
Sách hướng dẫn của ngành do các tác giả uy tín biên soạn và qua nhiều cấp duyệt thì chắc chắn là đúng, là hay rồi. Tôi sẽ không bàn đến chất lượng sách mặc dù nhìn chung những cuốn sách này thường được biên soạn một lần và dùng trong nhiều năm học nên luôn thiếu sự đổi mới, không được cập nhật những thay đổi, tiến bộ của tri thức và đời sống… cần thiết cho cả giáo viên và học sinh. Tôi muốn bàn đến hệ quả của việc sử dụng các loại sách hướng dẫn này. Giáo viên được yêu cầu dạy đủ, dạy đúng kế hoạch, chương trình năm học và nội dung trong sách hướng dẫn, nên cũng không cần, không có điều kiện thể thể hiện khả năng sáng tạo, cá tính sư phạm của mình trong giảng dạy kiến thức. Cứ như vậy các giáo viên nhanh chóng trở thành những hình mẫu tương đối giống nhau như những bộ máy giảng dạy tuy rằng họ vẫn có sự khác biệt về vẻ mặt, dáng người, cách cười nói…
Việc dạy học thiếu cá tính, hình mẫu của người thầy chắc chắn sẽ không có sức thu hút với học sinh cả trong việc truyền dạy kiến thức đến vai trò dạy làm người mà chúng ta mong muốn. Nhưng không chỉ có thế, sách “Hướng dẫn giảng dạy” còn tạo ra một thói quen có thể nói là nguy hiểm đối với người làm nghề thầy giáo: Cái gì cũng đã có trong sách hướng dẫn rồi, như thế đã là rất đủ cho việc lên lớp… nên người giáo viên dần dần đánh mất khả năng tham khảo, nghiên cứu, học tập, cập nhật kiến thức khoa học (tự nhiên, xã hội, chuyên ngành…) ngoài xã hội nữa.
Tôi xin được kể một cuộc đối thoại với cô giáo dạy văn THCS ở Hà Nội: Là giáo viên dạy văn nhưng cô giáo này không bao giờ đọc sách văn học, đúng ra khi học ở trường sư phạm, cô ấy đã đọc được khoảng 5, 10 cuốn sách có trong chương trình giảng dạy của nhà trường sư phạm, nhưng từ khi ra trường thì không… Vì “Tại sao lại phải đọc khi trong sách hướng dẫn đã có đủ cả? Đây nhé, các nhà văn có trong chương trình dạy đều có một trang đến trang rưỡi viết về tiểu sử, liệt kê tên các tác tác phẩm lớn của tác giả đó (để tham khảo, mở rộng hiểu biết cho giáo viên) trước khi có trích đoạn trong Sách giáo khoa mà giáo viên cần bình giảng trên lớp”… Bằng cách đọc một hai trang tham khảo này, cô giáo dạy văn biết hết các nhà văn lớn như Victo Hugo, Lep Tolstoi, Mácxim Gorski, Nguyễn Huy Tường, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận… Vì những tác giả này có trong chương trình giảng dạy. Khi tôi hỏi: “Cô giáo biết gì về Văn học VN đương đại?”, cô giáo trả lời: “Cần gì phải biết, mà biết cũng có dạy ở lớp được đâu. Những tác giả, tác phẩm đương đại chưa được đưa vào chương trình giảng dạy thì cần gì phải biết”… Thấy tôi ngạc nhiên, cô giáo nói thêm: “Thời gian để đọc sách ấy, dành cho mở lớp dạy thêm còn kiếm ra tiền hơn”.
Xin bảo đảm đây là câu chuyện có thật 100%, và nếu ai đó quen thân với giáo viên chắc chắn họ sẽ kể cho những chuyện tương tự như vậy (còn nếu phỏng vấn để viết báo họ sẽ không nói như thế đâu). Qua câu chuyện trên, tôi muốn nói đến khả năng cập nhật kiến thức khoa học và đời sống của người àm nghề giáo viên (kể cả giáo viên tự nhiên hay xã hội) đều rất đáng lo ngại. Một thí dụ nữa là nhà trường phổ thông từ hơn chục năm nay đã đưa môn tin học vào giảng dạy, thế nhưng bộ môn này hình như chỉ dành cho giáo viên bộ môn và học trò. Phần lớn các giáo viên tự nhiên, xã hội trong hội đồng nhà trường không mấy ai thấy cần phải tìm hiểu về CNTT cả. Về ngoại ngữ cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên mấy năm gần đây, lớp cử nhân sư phạm trẻ về các trường học phổ thông đã mang về, truyền thụ cho giáo viên lớp trước nhiều hứng thú trong việc sử dụng các ứng dụng của CNTT như facebook, smartphone, zalo, viber, mail… khiến cho “trình độ tin học” ứng dụng của đội ngũ giáo viên có bước tiến bộ (cách đây 10 năm và cho đến tận bây giờ, trình độ tin học, CNTT của giáo viên khá thấp, không ít giáo viên không dám đụng tay đến máy tính - có những tiết giảng mẫu cho quan khách tham dự giáo viên mù máy tính nhờ chồng, con, hoặc giáo viên tin học tạo giúp một bản PPT để chỉ cần thò ngón tay ấn vào phím mũi tên lên xuống… và đã có nhiều tình huống dở khóc dở cười về chyện này).
Trong câu chuyện được kể ở phần trên, tôi quan tâm đến chi tiết “dành thời gian để mở lớp dạy thêm, kiếm được nhiều tiền hơn”. Chắc người đọc sẽ thắc mắc: Tại sao chất lượng giáo viên như vậy mà khi mở lớp dạy thêm lại có thể thu hút khá động học sinh? Câu trả lời như nhiều người đã biết là những chiêu trò, bắt ép, doạ dẫm, trù úm… buộc phụ huynh phải cho con đi học thêm… nhưng đó chỉ là một mặt mang tính tiêu cực. Còn trong thực tế có nhiều lớp dạy thêm, nhiều thầy cô giáo dạy thêm tạo được uy tín thực sự (như tỷ lệ học sinh đạt khá giỏi, thi đỗ lên cấp ba, vào đại học cao). là do những thầy cô giáo này đã đặt mình, nghề nghiệp của mình vào cơ chế thị trường, ở đó khoản thu nhập mà người thầy giáo (dạy thêm) thu được tỷ lệ thuận với chất lượng truyền thụ kiến thức của họ, nghĩa là những thầy cô giáo này phải vượt qua lối sống, lối làm việc thụ động trong hệ thống trường học mà họ đang, đã làm việc. Họ sẽ phải đọc, nghiên cứu, tham khảo những tài liệu liên quan, cập nhật tiến bộ khoa học và đời sống để nâng cao trình độ cho mình, để dạy thêm có uy tín. để trở thành những thầy cô giáo dạy thêm có khả năng, tạo được kết quả thực sự, Vậy là dạy thêm, mở trường tư (dân lập, cổ đông) không phải hoàn toàn là tiêu cực, dạy thêm, mở trường dân lập có tâm, có tầm, có thể những mặt tích cực, tạo ra sự cạnh tranh thực sự cho “thị trường giáo dục” và tạo ra đòi hỏi người thầy giáo phải tự thay đổi mình.
* Vốn sống, sự hiểu biết xã hội để giáo viên trở thành hình mẫu cho học sinh.
Giáo viên là những người lao động tương đối ổn định (nhất là hệ thống giáo viên trường công lập). Sau khi tốt nghiệp sư phạm, về trường phổ thông làm giáo viên và sống dạy học suốt đời trong môi trường này, một môi trường tương đối bình yên, ít có sự va đập, cạnh tranh quyết liệt như các ngành nghề khác. Cũng chính vì vậy nên giáo viên ít có những trải nghiệm với đời sống xã hội.
Hãy kiểm lại mỗi ngày và cả những năm làm nghề của người giáo viên trường phổ thông: Đến trường, gặp gỡ đồng nghiệp, lên lớp giảng dạy, quản lý học sinh, tổ chức các cuộc thi đua, các sinh hoạt tập thể (đoàn đội, câu lạc bộ…) cho học sinh. Thỉnh thoảng gặp gỡ, tiếp xúc với phụ huynh học sinh… Môi trường làm việc tương đối bình lặng, đơn giản, đối tượng tiếp xúc của người giáo viên chủ yếu là học trò (ở lứa tuổi của cấp học) và phụ huynh học sinh. Mối quan hệ giữa hai đối tượng này với giáo viên luôn ở vị thế không bình đẳng: thầy cô giáo là “thầy” là người trên có thể cáu giận, quát nạt, trấn áp, thi hành kỷ luật học sinh. Với phụ huynh học sinh dù nhiều người có cương vị xã hội, học vấn, hiểu biết nhưng khi gặp thầy cô giáo cũng thường phải nhún nhường, tỏ ý tôn trọng, ở thế người nhờ vả (nhờ thầy, cô trông nom, dạy bảo, giúp đỡ, tha thứ… cho cháu)…
Môi trường sống và các mối quan hệ đơn giản, có thể hơi cách xa với đời sống xã hội, cộng với sự “bất cập nhật” kiến thức cũng như đời sống xã hội (đã thành thói quen của giới thầy cô giáo) tạo cho giáo viên có cảm giác về vị thế của mình là rất quan trọng (vai trò trí thức, chức năng truyền dạy kiến thức và làm người cho thế hệ tương lại). Từ đó sinh ra lối sống tự tôn, thiếu dân chủ trong các mối quan hệ của mình. Thậm chí khi về gia đình, ra xã hội người giáo viên cũng rất khó xác định đúng vị thế thực sự và thiếu rất nhiều kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp theo quan niệm bình đẳng, dân chủ… Cũng có thể từ đấy sinh ra những thói xấu, những việc làm tiêu cực trong giáo dục mà xã hội thường bàn luận…
Sự thiếu kiến thức về đời sống, xã hội của người giáo viên gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giáo dục của thầy cô giáo trong các lĩnh vực “dạy làm người” cho các thế hệ học trò, đồng thời tạo tình trạng bất hợp tác, thiếu trung thực, giả tạo trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh học sinh.
Như vậy vai trò hình mẫu, tấm gương về tri thức, nhân cách, vốn sống… của người giáo viên trược học sinh rất khó có thể bảo tồn được. Không khí trường học, mối quan hệ thầy - trò - phụ huynh học sinh luôn chứa đựng đợt “sóng ngầm” của sự phản ứng, thiếu tôn trọng, đồng thời làm nẩy sinh ra nhiều hiện tượng tiêu cực, hay phản ứng thái quá (cãi cọ với thấy, bạn, chán học, bỏ học, bao lực học đường…) trong một bộ phận học sinh.
3. Một vấn đề tưởng như rất nhỏ của trường phổ thông: hiện trạng “nữ hoá giáo dục”.
Từ bao đời nay người ta vốn “mặc định” gíao viên là nam giới với cách gọi “thầy giáo” (một trong năm nghề người làm nghề được gọi là thầy: thầy giáo, thầy thuốc, thầy địa lý, thầy tu, thầy cúng). Các thế hệ nho sinh trong thời kỳ cổ đại, cận đại và cả học trò học chức quốc ngữ sau này đều được học tư các thầy. Khi kể về sự thành đạt của mình người ta thường tự hào khoe rằng tôi là học trò của thầy A, thầy B nào đó và chỉ như vậy cũng đã tạo được niềm tin cho người khác (vì danh tiếng, uy tín, trình độ, nhân cáh của thầy A thầy B đó đã được cả xã hội tin tưởng)
Ngày nay, nền giáo dục đương đại hình như rất thiếu vắng những người đàn ông làm nghề giáo (thầy giáo), thay vào đó hầu hết giáo viên các cấp học từ mẫu giáo đến THPT đều là phụ nữ (cô giáo). Tôi không có con số thống kê tỷ lệ giáo viên nữ ở ngách GDPT hay từng cấp học, nhưng nếu đến một trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bất kỳ, ta có thể thấy tỷ lệ giáo viên nữ chiếm 100% ở cấp mẫu giáo, khoảng 95% cấp tiểu học, 80-90% ở cấp THCS, và 75-80% ở cấp THPT. Ngay từ nguồn đào tạo giáo viên, hàng năm các trường sư phạm nhận được rất ít đơn dự tuyển của nam, nhiều lớp sư phạm 100% sinh viên nữ. Hình như cả xã hội đã quan niệm nghề dạy học là nghề của phụ nữ chắc là vị nghề này nhàn hạ, phù hợp với sức khoẻ của phụ nữ, hơn thế nữa phụ nữ trời sinh ra đã có chức năng làm mẹ (sinh đẻ, nuôi, dạy con) nên làm giáo viên là tốt nhất.
Tôi gọi hiện tượng này là “nữ hoá giáo dục” và trong bài viết này tôi muốn luận bàn về cái hay, cái dở trong việc “nữ hoá” này.
Trước hết, tôi nghĩ nghề dạy học không giống với việc nuôi dạy con (do mình sinh ra). Nghề dạy học là nghề hướng dẫn, rèn luyện cho thế hệ trẻ từng bước vào đời. Lớp trẻ trong giáo dục là một đối tượng xã hội độc lập có quyền sống, quyền tự do, bình đẳng trong việc tiếp nhận nền giáo dục và mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh (dù nhỏ tuổi) là bình đẳng (khác với quan hệ mẹ con). Giáo viên phải tôn trọng và nâng đỡ cho sự phát triển tri thức, nhân cách của học sinh… Đó đó không nên cho rằng chức năng sinh đẻ, nuôi, dạy con trong gia đình của phụ nữ là hoàn toàn phù hợp với vai trò thầy giáo trong nhà trường.
Khi bàn về giới, người ta thường bàn đến, chỉ ra những đặc điểm của phái nam, phái nữ. Có những sự khác biệt về phẩm chất, tính cách, thói quen, điều tốt, điều xấu liên quan đến mỗi giới. Vì vậy việc đội ngũ giáo viên phổ thông gần như chỉ có nữ giới như hiện nay liệu có giúp chúng ta có được những hiệu quả giáo dục cao nhất cho học sinh và sự nghiệp dạy người nói chung không?
Tôi không có ý định liệt kê cái hay, cái dở trong tính cách của cả hai giới. Nam hay nữ cũng có những đặc điểm mạnh, điểm yếu hiển hiện hoặc tiềm ẩn còn tuỳ theo các tính, phẩm chất cụ thể mang tính các nhân của họ. Ở đây đang bàn về “nữ hoá giáo dục” nên tôi muốn nói đến những đặc điểm tốt, xấu của giới nữ trong đời sống và sự thể hiện những điều này trong môi trường giáo dục.
Ai cũng công nhận phụ nữ là phái đẹp, thể hiện sự dịu dàng, nhỏ nhẹ, có sức thuyết phục… nhưng cũng không tránh được những nhược điểm như thiếu công bằng, hay để ý những chi tiết nhỏ, thiên về cảm tính, đôi khi thiếu kiềm chế… Có người thường gọi là tính cách “đàn bà” (tôi không đồng ý, không muốn dùng từ này để bình phẩm về phụ nữ. Thế nhưng nếu như người giảng dạy, dìu dắt các thế hệ trẻ trưởng thành với mục tiêu trở thành những “con người toàn diện” mà lại chỉ có giành cho phụ nữ làm nghề này thì chắc là sẽ gây ra sự thiên lệch, thiếu vắng những phẩm chất cần thiết (chất “đàn ông”) cho các em trong quá trình trưởng thành và phát triển sau này.
Đã có không ít những trường hợp cô giáo lên lớp và cư xử với học sinh thiếu công bằng, trù úm, thành kiến, bắt bẻ những điều nhỏ mọn, không thiết lập được mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng học sinh (do cảm tính), hoặc thể hiện trước lớp học cả nhiều tâm trạng mang tính cá nhân như cáu giận ở đâu đó cũng trút vào học sinh, tâm sự những điều không gắn bó gì với mục đích giáo dục của mình và hơn thế nữa là giáo viên nữ vì quá bận bịu việc nhà nên ít cập nhật kiến thức khoa học, đời sống xã hội hơn nam giới.
Có những vị phụ huynh nói với tôi “con mình là con trai, nhưng cả 12 năm phổ thông đều được học cô giáo, sau này chắc chắn cháu nó sẽ có “nữ tính”, sẽ có nhiều phẩm cách đàn bà hơn, như thế liệu có trở thành người toàn diện không?”
Nguyên cơ tại sao nam giới không thích vào ngành Sư phạm? Tại sao giáo dục bị “nữ hoá” bản thân tôi cũng không giải thích được, nhưng tôi có cảm giác hệ thống quản lý Ngành Giáo dục và cả xã hội vẫn thường coi vấn đề này là đương nhiên, không có gì phải suy nghĩ cả… Thế nhưng với bản thân tôi và với những người đã từng qua hệ thống giáo dục phổ thông khoảng 15, 20 năm trước đây, hầu như ai cũng mơ ước trong nhà trường cần có tỷ lệ giáo viên nam, nữ tương đương, như vậy học trò (cả nam và nữ) mới học được, rèn luyện theo những điểm tốt trong tính cách của cả hai giới, học sinh không chỉ có nữ tính mà còn có tính cách “đàn ông” - rất cần cho cuộc sống sau này.

III. Có thể cải tổ Ngành Giáo dục bằng những chiến lược vĩ mô?

Cũng như bất cứ ngành kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật nào, ngành GD-ĐT nước ta cũng đã đạt được những thành tựu lớn là tạo ra những thế hệ công dân có đủe tri thức, tư cách để thực hiện mọi nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong những giai đoạn lịch sử vừa qua. Trước những đòi hỏi mới của thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế ngày nay, Đảng, Nhà nước, Ngành GD-ĐT và toàn xã hội đều đã nhận ra và thẳng thắn nhìn nhận vào những yếu kém, lạc hậu của cả nền giáo dục và trong từng lĩnh vực hoạt động của ngành. Những cuộc tranh luận nảy nửa, những quyết sách được đề ra, những cuộc thể nghiệm đã được thực hiện… nhưng việc thay đổi cơ bản việc dạy và học, hệ thống nhà trường, nội dung giảng dạy vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Với suy nghĩ cá nhân của mình, tôi mong muốn các nhà làm chính sách, những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục không chỉ quan tâm đến những vấn đề lý luận, những chủ trương, chính sách mà phải nhìn nhận vào thực tế của các hệ thống giáo dục, trong đó quan trọng nhất là giáo dục phổ thông, để mọi chủ trương chính sách gắn bó và có tác dụng thực sự với mục tiêu cải cách mà chúng ta đang tiến hành.
Trên đây là những ý kiến mang tính cá nhân, chủ quan. Tôi rất mong nhận được sự hồi đáp của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là những nhà nghiên cứu giáo dục đang làm việc hết sức mình cho sự thay đổi, phát triển nền giáo dục nước nhà.
N.H.P.
Tác giả gửi BVN.