Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

20170621. VIẾT NHÂN NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

NHỚ LẮM 'NGƯỜI HAY CÃI'

PHẠM ĐẠO/ ND 20-6-2017
Nhà báo Hữu Thọ.

Tôi chưa thấy Tổng Biên tập Hữu Thọ vắng mặt một ngày 21-6 nào. Những năm gần đây, do bị tai nạn giao thông trong một chuyến công tác, sức khỏe của ông giảm sút như chiếc xe xuống dốc. Thật xúc động khi nhìn ông chống gậy vào hội trường rồi lên phòng ăn ở tầng 7, nói dăm ba câu chuyện, uống một ly rượu mừng với thế hệ những người làm báo là con em mình. Năm 2001, từ Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, ông được điều động trở về làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, ông vui như con chim được hợp đàn về tổ ấm, con hổ được về với đại ngàn. Trưa hôm ấy, ông rủ chúng tôi ra đầu phố Hàng Bông “đãi các cậu bữa cơm đầu ghế” (cơm hàng ngồi trên vỉa hè). Chính những kỷ niệm ấy cứ thôi thúc viết về vị Tổng Biên tập, mặc dù đó là việc vượt xa tầm nghĩ, tầm viết của mình. Tôi chưa một lần làm cán bộ trực tiếp dưới quyền của ông nhưng may mắn nhiều lần được làm việc, được sự chỉ bảo trực tiếp của ông.
Thời gian lắng đọng giúp tôi hiểu hơn gánh nặng đặt nên vai đồng chí Tổng Biên tập một tờ báo lớn, vị Tổng Tư lệnh các mặt trận tuyên truyền kinh tế công - nông nghiệp, văn hóa - xã hội, nhà nước và pháp luật, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn nảy sinh vấn đề từng giờ, từng ngày. Đất nước vật vã bước vào công cuộc đổi mới khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ. Khi làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nhà báo Hữu Thọ, một mặt tập trung lãnh đạo chỉ đạo tờ báo thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mặt khác, không chỉ có viết, ông dặn chúng tôi: Chúng ta không chống lại kinh tế thị trường, không chống lại đường lối của Đảng. Nhưng chúng ta phải hiểu để nói rõ được mặt trái của kinh tế thị trường tác động lên đời sống xã hội, tình cảm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ban Chính trị - Xã hội chúng tôi thường mặc cảm là "dân trang ba, nhà tầng năm" nay có đất dụng võ khá xông xênh. Tổng Biên tập Hữu Thọ trực tiếp dẫn chúng tôi về Nam Định, rồi sang Thái Bình nghiên cứu tình hình an ninh nông thôn thông qua những vụ việc khiếu kiện dẫn đến sự bất ổn chính trị sau này. Dịp kỷ niệm 48 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (1993), ông chấp thuận và dẫn các phóng viên Ban Chính trị - Xã hội xuống tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo với những người trực tiếp làm than cho Tổ quốc. Hội thảo mang chủ đề "Kế thừa và phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Hội thảo đã kết thúc thành công bởi đồng hồ đã chỉ qua 12 giờ 30 phút mà người nghe vẫn đông kín hội trường Công ty than Cẩm Phả. Phát biểu kết thúc hội thảo, Tổng Biên tập nói thẳng thực trạng niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, có sự chao đảo ở không ít cán bộ, Đảng viên.
Sau đó, đã diễn ra một loạt các cuộc hội thảo về 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuộc hội thảo này chúng tôi đã mời được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Chu Huy Mân và các nhân chứng lịch sử đến giao lưu với đại biểu trẻ; rồi hội thảo 30 năm Phong trào Ba sẵn sàng. Các cuộc hội thảo đó đã tạo được dấu ấn trong dư luận xã hội lúc bấy giờ. Càng đi sâu vào nền kinh tế thị trường, càng phải làm thật tốt công tác xã hội của tờ báo. Bây giờ có ba việc mà Báo Nhân Dân phải "xông vào". Đó là công tác khuyến học, khuyến tài và khuyến thiện. Tổng Biên tập Hữu Thọ từng nói với chúng tôi như thế. Năm ấy, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức liên hoan "trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi", Ban Biên tập vui vẻ nhận lời tiếp cả Đoàn đại biểu các cháu. Tổng Biên tập Hữu Thọ chủ trì tiếp với nghi thức trọng thị. Và quan trọng hơn, ông chỉ đạo đưa tin và ảnh như một sự kiện nổi bật trong số báo ra ngày hôm sau. Sau đó vài ngày, một đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn nói với tôi: Nhờ có sự đón tiếp trọng thị của Báo Nhân Dân, Đoàn đại biểu trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi, đi đến đâu cũng được đón tiếp hết sức nồng nhiệt. Năm tháng đi qua, rồi chúng ta chẳng ai nhớ sự kiện này, nhưng hơn 100 đại biểu thiếu nhi sẽ không bao giờ quên cây đa 71 Hàng Trống, quên tờ báo Đảng.
Từ khi đảm nhận nhiệm vụ Ủy viên Ban Biên tập, rồi Phó Tổng Biên tập, nhà báo Hữu Thọ có thói quen ngồi duyệt bài ngay tại phòng làm việc của Ban Thư ký – Biên tập. Bài tin duyệt đến đâu, ông trả ngay cho anh em khỏi phải lên xuống cầu thang nhận bài như nhiều đồng chí lãnh đạo khác. Khi rảnh, ông tranh thủ đọc bản tin TTXVN. Có tin nào hay, ông đánh dấu chuyển cho kíp trực. Có lần, tôi xuống Ban Thư ký – Biên tập xem bài tường thuật cuộc đối thoại của công nhân với đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng. Chợt thấy tôi, ông gọi đến bên bàn cho xem bài đã chữa. Ý kiến phát biểu của một nữ công nhân được ông thêm một ý "nguyện vọng tha thiết của chị em phụ nữ công nhân chúng tôi là lương đúng hạn, gạo đúng kỳ". Đến bây giờ nhớ lại, tôi vẫn rưng rưng và thầm cảm phục sự hiểu biết sâu sắc đời sống xã hội ở Tổng Biên tập Hữu Thọ.
Lần khác, chữa xong bài phóng sự, ông đập bút đánh cạch một cái xuống bàn và giận dữ: Thế này mà gọi là phóng sự à? Không khí làm việc của Ban Thư ký - Biên tập lúc đó như trùng xuống. Thế nhưng chiều hôm sau vào phòng làm việc của nhà báo Lê Huyền Thông, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội, ông rút từ trong cặp ra một chai rượu nút lá chuối. Vậy là thầy trò chúng tôi cùng nâng lên đặt xuống chén rượu cay xè. Đến lúc ngà ngà men rượu, ông mới đủng đỉnh: Các cậu thông cảm với cánh già chúng tớ rất sốt ruột vì tay nghề của các cậu. Làm báo là một nghề "Bánh đúc đổ ra sàng" không giấu được ai đâu. Câu nói ấy mạnh như rượu Làng Vân thấm vào tôi đến bây giờ.
Vào dịp đại hội Công đoàn các tỉnh, thành phố, tiến tới Đại hội Công đoàn toàn quốc (Lúc đó chưa gọi là Liên đoàn Lao động, và tôi không nhớ rõ đại hội lần thứ mấy). Tôi viết một bài về Đại hội Công đoàn tỉnh Vĩnh Phú với chủ ý thông qua tham luận của các đại biểu nêu rõ thực trạng khó khăn, khốn khổ về việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân và người lao động . Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trả lời đối thoại với đại biểu bằng một bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn, không thỏa đáng. Đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với đại biểu là hình thức mở rộng dân chủ trong dịp đại hội này. Nó đã được khẳng định trong chỉ thị của Ban Bí thư. Vĩnh Phú tổ chức Đại hội vẫn còn giữ hình thức cũ kỹ. Bài viết đã nằm trên bàn của Tổng Biên tập. Linh tính mách bảo tôi số phận bài viết sẽ gay go. Mà gay go thật. Khi tôi “cọc cạch” đạp xe từ nhà đến cơ quan vào chiều chủ nhật cũng là lúc Tổng Biên tập đã duyệt xong bài. Ông hỏi tôi mọi sự đúng như bài viết chứ?
- Thưa đúng ạ, không những thế, Vĩnh Phú còn bầu tròn đoàn đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn toàn quốc - Tôi nói. Nghe xong, Tổng biên tập Hữu Thọ đặt ngay cái tít phụ "Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chưa thỏa đáng". Ông còn thêm một câu nặng như búa bổ vào bài viết: "Thời buổi dân chủ đang mở rộng mà Vĩnh Phú vẫn bầu tròn trong đại hội". Ông nhìn thẳng vào mặt tôi:
- Cậu còn trẻ mà đã hèn. Ăn thì họ cho ăn rồi. Việc gì mà phải bẻ cong ngòi bút của mình.
Thú thật, lúc đó người tôi run bắn lên như thuở còn học vỡ lòng, chữ viết thiếu nét bị ông giáo làng bắt để hai tay lên bàn cho vài cái thước kẻ. Ra gốc đa ngồi cho định thần cũng là chờ ông nguôi ngoai cơn giận, tôi lại gõ cửa:
- Thưa anh đúng là Vĩnh Phú bầu tròn đại biểu. Nhưng báo ta đưa lên thì Vĩnh Phú phải tổ chức đại hội lại để làm công tác nhân sự. Liệu có ảnh hưởng gì đến Đại hội Công đoàn toàn quốc hay không? Ông hạ giọng:
- Chú ra gặp anh em thư ký nói rõ anh Hữu Thọ bảo bỏ câu như chú vừa nói.
Tôi ra về trong niềm vui khôn tả vì sau cơn giông trời lại sáng. Và bất ngờ đến với tôi: Trong cuộc họp giao ban xuất bản ngày hôm sau, Tổng Biên tập Hữu Thọ biểu dương bài viết của tôi nêu được vấn đề, tốt hơn tất cả các bài viết trước đó. Nhà báo Hữu Thọ là thế, sòng phẳng, công bằng đối với ưu điểm, khuyết điểm của từng cây bút. Có lần ông nói riêng với tôi: Tớ xuống một số tỉnh ủy, thành ủy, anh em người ta có nhắc đến tên cậu, hỏi thăm cậu trong khi nhiều bộ trưởng, thứ trưởng chưa chắc họ đã nhớ. Bút danh là quý lắm. Cậu phải phấn đấu hơn nữa để giữ bút danh, giữ lấy bạn đọc của mình. Ở báo ta, ăn bát cơm của cán bộ lãnh đạo, quản lý chan lẫn với mồ hôi, đôi khi cả nước mắt. Nhưng tờ báo này là của nhân dân, của Đảng, anh em mình phải phấn đấu từng ngày. Viết ra những dòng này, tôi nghĩ nhà báo Hữu Thọ không chỉ dạy riêng tôi.
Xin được kết thúc bài viết này bằng những dòng lưu bút chan chứa tình cảm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với nhà báo Hữu Thọ trong tang lễ ông, ngày 14-8-2015: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Hữu Thọ, một nhà báo lớn, giàu nhiệt huyết, trung thực, trách nhiệm, sắc sảo, luôn nặng lòng với dân với nước. Vĩnh biệt một con người, một nhân cách mà chúng tôi kính trọng. Kính viếng!".

CÓ TÌNH TRẠNG BÁO CHÍ BỊ MẠNG XÃ HỘI DẪN DẮT

XUÂN TÙNG/ DT 20-6-2017

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, có tình trạng báo chí bị mạng xã hội dẫn dắt, tồn tại những bất cập trong việc sử dụng, thông tin trên mạng xã hội của một số phóng viên, nhà báo...


Ông Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: VOV)
Ông Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: VOV)

Ngày 20/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Giao ban báo chí tuần 4, tháng 6 năm 2017. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, những tháng đầu năm 2017, các cơ quan báo chí đã bảo đảm thông tin khách quan, kịp thời, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng dư luận, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Các cơ quan báo chí đã tăng cường tuyên truyền những kết quả quan trọng trong triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng; thông tin về quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã thông tin tuyên truyền tốt về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV cũng như phản ánh ý kiến của cử tri cả nước. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí xây dựng chuyên mục, chuyên đề Khởi nghiệp; Chủ đề tái cơ cấu nông nghiệp, chính sách mở rộng hạn điền, nông dân, nông thôn được đề cập đậm nét; Chủ đề hội nhập kinh tế gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Phát biểu tại buổi giao ban, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chúc mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), đồng thời mong muốn các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, nhà báo tiếp nối truyền thống vẻ vang của báo chí Việt Nam, tiếp tục cống hiến, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian qua, đời sống báo chí, truyền thông có những chuyển biến đáng mừng, tính chuyên nghiệp, bản lĩnh, nghiệp vụ của các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, nhà báo được nâng cao; nhiều tờ báo giữ vững tôn chỉ, mục đích hoạt động, phản ánh được những vấn đề nóng, vấn đề nhạy cảm của xã hội.
Bên cạnh đó cũng có nhiều hiện tượng đáng quan ngại như tình trạng trục lợi trong việc đưa tin, bài, hay việc rút bài bất thường trong hoạt động báo chí thời gian qua. Đội ngũ cán bộ quản lý báo chí ở nhiều đơn vị còn chưa đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực, chuyên môn, trình độ chính trị...
Công tác tuyển dụng, sử dụng phóng viên, cộng tác viên của nhiều tờ báo còn hạn chế, bất cập. Tình trạng báo chí bị mạng xã hội dẫn dắt, những bất cập trong việc sử dụng, thông tin trên mạng xã hội của một số phóng viên, nhà báo...
Liên quan công tác quản lý báo chí, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nhiều cơ quan chủ quản làm tốt, giúp nhiều tờ báo phát triển toàn diện về nội dung và chất lượng. Bên cạnh đó nhiều cơ quan chủ quản còn chưa quan tâm xây dựng cơ quan báo chí, cả về cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực, từ đó khiến tình trạng nhiều tờ báo phải tự trang trải kinh phí hoạt động, tìm cách tăng nguồn thu, kể cả bằng những cách thức không được khuyến khích, ảnh hưởng đến tôn chỉ mục đích hoạt động của tờ báo.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng các cơ quan báo chí phải nhìn thẳng vào những khiếm khuyết, bất cập, từ đó phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, góp phần đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Xuân Tùng
TTXVN

ĐỒNG TÂM CÙNG TẮC BIẾN

NGUYỄN QUANG DY/ Viet-studies 20-6-2017

Người ta hay nói “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Không biết quy luật đó liệu có ứng vào trường hợp Đồng Tâm hay không, nhưng “hiệp một” đã qua và “hiệp hai” đã đến. Điều gì phải đến đã đến. Chỉ có điều, ta chưa biết “hệ quả không định trước” là gì. 
Quả bom nổ chậm
Cách đây khoảng hai tháng, vì nhiều lý do còn chưa thật rõ, Đồng Tâm bỗng trở thành một điểm nóng như thùng thuốc súng, một bàn cờ thế đầy nguy hiểm như “quả bom nổ chậm”, làm cả nước lo lắng như sắp xảy ra thảm họa. Nhưng may mà quả bom nổ chậm đã được tháo ngòi đầy kịch tính, làm cả nước thở phào, như một bi kịch kết thúc “có hậu”.
Người Việt mình thật dễ tính và dễ quên, vừa dễ lừa vừa dễ ngộ nhận. Gần hai tháng qua, Đồng Tâm bỗng biến mất khỏi màn hình radar như chưa hề xảy ra. Cách đây vài ngày, tin Công an Hà Nội quyết định khởi tố vụ án Đồng Tâm như một mồi lửa đốt nóng quả bom nổ chậm, làm Đồng Tâm trở lại màn hình radar như trước. Cả nước lại như lên đồng, và ngồi trên thùng thuốc súng. Chưa biết “hiệp hai” Đồng Tâm liệu kết thúc có hậu hay không, nhưng đáng tiếc là nhiều người (cả luật sư và nhà báo) cũng bị phân hóa và tranh cãi như mổ bò.
Thực ra, khó tránh khỏi “hiệp hai”, như trong “Bài học Đồng Tâm” (24/4/2017) đã viết, “Thắng lợi bước đầu chỉ là “hiệp một” trong một trận đấu lớn. Vì vậy, đừng vội ăn mừng, không nên chủ quan và thỏa mãn mà mất cảnh giác, chừng nào thể chế lỗi thời về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ, và các nhóm lợi ích vẫn chưa bỏ cuộc. Bài học “Ô Khảm” bên Trung Quốc là một ví dụ. Cuộc đấu tranh ôn hòa nhằm đổi mới thể chế và dân chủ hóa là một quá trình lâu dài, gian khổ và phức tạp, vì “Cách mạng không phải là một bữa tiệc”.   
Nói cách khác, Đồng Tâm như một “trận đồ bát quái” để các nhóm lợi ích cướp đất của dân, để  các phe phái chính trị đấu đá tranh giành quyền lực, và những kẻ cơ hội mị dân có dịp nhảy vào hôi như đám kền kền. Người ta hay nói “Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”. Người dân luôn là nạn nhân và dù ai thắng thì họ cũng thua. Hết chiến tranh huynh đệ tương tàn, nay lại đến tranh giành quyền lực như “trò chơi vương quyền” (game of thrones).
Trong một cuốn sách mới xuất bản (“China’s Crony Capitalism: The Dynamics of Regime Decay”, Minxin Pei, Harvard University Press, October 2016), học giả Minxin Pei (Claremont McKenna College ) đã nhấn mạnh tính bền vững của tham nhũng tại Trung Quốc (cũng giống Việt Nam), trong khi học giả Andrew Nathan (Columbia university) lại nhấn mạnh tính bền vững của chế độ độc tài Trung Quốc (authoritarian resilience).
Vấn nạn tham nhũng còn bất trị hơn cả con quái vật Frankenstein và con quỷ Medusa cộng lại. Chặt cái đầu này thì nó mọc ra cái đầu khác. “Năm 2016, Trung Quốc đã kỷ luật 415.000 người, gồm 76 quan chức cấp bộ về tội tham nhũng”. Nhưng theo Minxin Pei, Tập Cận Bình “còn lâu mới diệt trừ được tham nhũng dựa trên thân hữu, mà chỉ làm đấu tranh phe phái càng khốc liệt hơn và chế độ càng dễ sụp đổ”. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra môi trường đặc quyền đặc lợi cho hệ thống tư bản thân hữu (hay tư bản đỏ), nuôi dưỡng tội phạm. Vì vậy, di sản của nó sẽ làm cho trào lưu dân chủ hóa rất khó khăn và rắc rối. (“Will Corruption Doom China?”, Dali Yang, Foreign Affairs, July/August 2017). 
Bước đường cùng
Trong một thể chế mà mọi lĩnh vực đều bị “chính trị hóa” và các vụ án xử quan tham phải theo luật đảng, như ông phó giám đốc công an Sài Gòn đã công khai thừa nhận, thì khởi tố người dân Đồng Tâm “theo đúng quy trình pháp luật” thật bất cập và bất công. Trước “bước đường cùng”,  người dân Đồng Tâm chỉ còn cách theo lời khuyên của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Nếu lời cam kết quân tử trong văn tự ký tươi kèm lăn tay của Chủ tịch Thành phố và đại biểu quốc hội “không có giá trị pháp lý” vì người ký bội tín do bất cứ lý do gì, thì dân Đồng Tâm chắc chỉ còn ba lựa chọn.
Thứ nhất, “quốc tế hóa” sự việc, đưa vụ tranh chấp và kiện tụng này ra công luận và toà án quốc tế, vì người dân bị đối xử bất công và các luật sư bênh vực họ cũng bất lực trước các nhóm lợi ích và luật pháp nước sở tại. Các luật sư (trong nước và ngoài nước) nếu thực có tâm và năng lực thì hãy giúp dân Đồng Tâm “khởi kiện tập thể”, đưa vụ tranh chấp và vi phạm dân quyền này ra Tòa án Quốc tế của LHQ (International Court of Justice).   
Thứ hai, nếu dân Đồng Tâm đấu tranh ôn hòa và khởi kiện chính đáng không có kết quả, vẫn bị tước hết nguồn sống và dồn đến bước đường cùng, thì họ chỉ còn một lối thoát là “di cư tập thể” sang nước khác. Cả làng thử xin quy chế tị nạn, thông qua UNHCR dàn xếp với một nước thứ ba cho tái định cư. Hàng triệu người Việt đã từng ra đi (bằng thuyền), hàng vạn nguời khác ra đi (bằng máy bay), trong đó có các quan tham “ăn của dân không chừa một thứ gì” để làm giàu rồi “tìm đường cứu nước”. Tại sao người dân Đồng Tâm lại không thể?
Thứ ba, nếu hai cách trên đều không có kết quả, thì dân Đồng Tâm chỉ còn cách cuối cùng là “tự thủ” để gây sốc quốc gia (và quốc tế). Họ lại phải “rào làng chiến đấu” một lần nữa như “đấu tranh này là trận cuối cùng…”.  Nếu không có “con tin” thì dân Đồng Tâm đành phải biến mình thành “vật tế thần” (còn hơn “khổ nhục kế”). Những người dũng cảm trong làng có thể dấn thân “tự cứu mình” như những người “tử vì đạo” bằng cách “tuyệt thực tập thể”, hay thậm chí sẵn sàng tự thiêu (nếu cần) như hòa thượng Thích Quảng Đức (1963). 
Nếu bi kịch trên xảy ra mà đất nước này và thế giới này vẫn vô cảm thì có lẽ loài người sắp đến “ngày tận số”. Tuy chuyện gì cũng có thể xảy ra nếu người dân bị đẩy đến bước đường cùng, nhưng tôi tin vẫn còn nhiều người tử tế sẵn lòng hỗ trợ và bênh vực họ, vì muốn đổi mới thể chế để đất nước vượt qua vấn nạn hiện nay. Nếu “đồng tâm nhất trí” là thế mạnh của Đồng Tâm và là điều kiện cốt yếu, thì mạng xã hội và công cụ truyền thông số chính là vũ khí hiệu quả và đồng minh mới của họ. Bằng phương tiện đó, người dân Đồng Tâm có thể tự mình truyền tin và hình ảnh (breaking news) ngay lập tức ra khắp cả nước và thế giới (không thua kém CNN). Đây là một lợi thế răn đe có thể làm thay đổi cuộc chơi (game changers).   
Thay lời kết
Mỗi khi bí cờ, những người bị dồn đến bước đường cùng hay dùng nước cờ gambit để thoát hiểm bằng “đòn cân não” khi thi gan đấu trí, vì kẻ nào không sợ chết thường thắng. Con nhím khi bị thú lớn tấn công thì nó cuộn tròn và xù bộ lông lên như một bàn chông để tự vệ. Con sứa nhỏ bé và mềm yếu nhưng có chất độc làm cá lớn không dám ăn thịt. Đó là bản năng tự vệ chính đáng của tạo hóa ban cho để răn đe (deterrence) và liên kết (linkage). Nếu “hiệp một” là tiền đề cho “hiệp hai” thì “hệ quả không định trước” có cơ may tốt hơn xấu.
Nay người dân Đồng Tâm không còn gì để mất, nên họ có thể chơi nước cờ gambit, nhưng phải thận trọng vì “sai một ly đi một dặm”.  Đồng Tâm là một mô hình cần được bảo vệ và nhân bản, như Mao đã nói, “cách mạng không phải là một bữa tiệc”.  Khác với bài học Ô Khảm, bài học Đồng Tâm cho thấy người dân có thể thoát hiểm bằng nước cờ gambit khôn ngoan, nếu họ dám chơi và biết vận dụng sáng tạo quy luật “cùng tắc biến, biến tắc thông”.     
NQD. 21/6/2017 
(Nhân ngày báo chí cách mạng)

BA Ý KIẾN GẦN ĐÂY CỦA HUY ĐỨC VỀ BÁO CHÍ 'CÁCH MẠNG'

BVN 21-6-2017

1. Bộ Thông tin hay Bộ Công an

(Nhân đọc bài viết phản cảm
Quan sát những chính sách của Bộ 4T dưới thời Trương Minh Tuấn, tôi không hiểu ông Tuấn đang làm Bộ trưởng Bộ Thông tin hay là Bộ trưởng Bộ Công an [Những kẻ leo lên ghế đó bằng gót chân Achilles thì trong lòng thường sợ hãi và hay gồng mình chứng tỏ]. Càng nghĩ, càng thấy đề xuất của Bộ trưởng đầu tiên của Bộ 4T, ông Đỗ Trung Tá, cách đây gần 20 năm là rất sáng suốt: Cần tách phần truyền thông ra và lập "bộ công nghệ thông tin". Ông Tá là Bộ trưởng cuối cùng hiểu biết như một chuyên gia về viễn thông và công nghệ thông tin. Cấu trúc của Bộ 4T đang mở đường cho các cán bộ tuyên huấn nửa mùa về làm Bộ trưởng trong khi ngành tác động đến tương lai của đất nước là công nghệ thông tin thì bọn họ chỉ là những anh mù [Nhắc các nhà báo không like phòng khả năng mất thẻ].

2. Báo chí phản ứng trước chính sách xấu

43% người đọc tìm kiếm thông tin được dẫn qua mạng xã hội đã làm "sex, sến hóa" báo chí. Khác với thời làm báo của chúng tôi, báo chí giờ đây rất thờ ơ với chức năng phản biện chính sách. Đó là là nguyên nhân để cho 7.000 điều kiện kinh doanh xuất hiện trong giai đoạn 2008 -2015. Cám ơn Điệp HoàngTuổi trẻ, hy vọng sau bài viết này, Tuổi trẻ sẽ quay lại với sứ mệnh truyền thống phản ứng nhanh, mạnh, bài bản với cái xấu trong đó bao gồm cả chính sách xấu.

3. Đề xuất một kiến giải (3)

Để tránh lá cải hóa "nền báo chí cách mạng", "cách mạng" nên cho phép báo lá cải danh chính ngôn thuận vận hành. Để tư nhân không còn phải núp bóng các cơ quan mũ cao áo dài. Để cái mông, vòng eo của Ngọc Trinh; cái lưỡi của Lý Nhã Kỳ... vẫn có thể đong đưa trước đám đông mà "cách mạng" không còn mang tiếng.
Các cơ quan đã nắm quyền lực nhà nước, nhất là các cơ quan siêu quyền lực như Công an, Tòa án, VKS, Thanh tra... thì không được nắm cơ quan ngôn luận. Thật là nguy hiểm khi một người vừa bị bắt, đã bị báo ngành mô tả như tội phạm; một người đã bị án phạt tù lại còn phải chịu án ngôn từ của một cơ quan thuộc tòa. Các cơ quan này nên bán các tờ báo đang ăn khách của họ và chuyển những nhà báo biên chế sang làm những tờ nội san, thuần túy thông tin và trao đổi nghiệp vụ.
Quốc hội cần ra một nghị quyết chỉ cấp ngân sách cho một số cơ quan báo chí nhất định nhằm đảm bảo quyền được thông tin của người dân và, trước khi cho phép tư nhân, cho phép các hiệp hội ra báo để đảm bảo quyền tự do ngôn luận của người dân.
Hãy coi báo chí như một doanh nghiệp và hãy để báo chí vận hành như một doanh nghiệp. Một khi phía sau báo chí không phải là một cơ quan nhà nước, nếu nhà báo đưa tin để vu khống, bôi nhọ, tống tiền... sẽ dễ dàng bị doanh nghiệp, người dân kiện ra tòa hoặc bị tố giác trước các cơ quan thực thi pháp luật.
Thay vì tô vẽ vai trò của nhà báo hoặc trao cho họ các sứ mệnh lớn lao hãy coi báo chí là một nghề có vớ vẩn có cao quý như nhiều nghề khác. Hãy để các nhà báo thực hiện quyền hành nghề và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật (kể cả việc tự đối diện với các vụ kiện). Chỉ có tòa án mới có thể tước quyền hành nghề của các nhà báo; quyền ấy không đơn giản chỉ là cái thẻ để cho Bộ TT & TT hăm dọa nay cấp mai rút. Thay vì ca tụng hãy để cho các nhà báo được quyền nói ra sự thật.
(1) (2) (3) Đều do BVN thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét