Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

20170630. NHỮNG KỊCH BẢN CHO KẾT QUẢ THANH TRA VỤ ĐỒNG TÂM

ĐIỂM BÁO MẠNG
BIẾN CỐ ĐỒNG TÂM-CHUYỆN NGỤ NGÔN VỀ HAI CON DÊ CÙNG QUA CHIẾC CẦU HẸP?

NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ vst /BVN 30-6-2017

Kết quả hình ảnh cho thanh tra nhà nước

1. Nín thở chờ đợi

Những ngày này có lẽ, người dân Đồng Tâm đang nín thở chờ đợi kết quả thanh tra của chính quyền Hà Nội theo như cam kết của ông Nguyễn Đức Chung. Không biết có phải mọi chuyện đã được sắp đặt sẵn rồi hay không khi mà mới đây, người đứng đầu Chính phủ cũng đã tuyên bố trong chuyện này sẽ “Xử quan trước, phạt dân sau”. Phải chăng với tuyên bố này thì sắp tới đây đằng nào thì người dân Đồng Tâm cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm? Không những vậy, sẽ là thảm hại hơn nữa nếu kết luận cuối cùng cho rằng đất mà bà con khiếu kiện, tranh chấp là đất Quốc phòng?
Trong bài viết trước đây, tôi có phân tích rằng: “ông Chung và chính quyền Hà Nội thật ra đã tính toán rất kỹ cũng như rất sành sỏi trong cuộc “thương lượng” và “đối thoại” với người dân Đồng Tâm. Lời hứa thanh tra toàn diện vấn đề đất đai trong 45 ngày của ông Chung đã nói lên tất cả điều ấy. Thử nghĩ xem, sau thời hạn 45 ngày thanh tra, chính quyền Hà Nội đưa ra kết luận cuối cùng rằng đất mà người dân Đồng Tâm quyết giữ lâu nay là đất thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng thì có phải mọi sai trái lúc này hoàn toàn thuộc về bà con Đồng Tâm không? Điều đó cũng có nghĩa sau này bà con sẽ không được phép khiếu kiện gì nữa dù những mất mát và thiệt thòi là điều ai cũng nhìn thấy. Đây có thể nói là những bước đi đã được toan tính kỹ lưỡng và cẩn thận của cả một “êkip chính trị” mà ông Nguyễn Đức Chung chắc chắn là một thành viên trong đó” (…). Vậy nên, hạn 45 ngày thanh tra đã gần hết, những ai thật lòng nghĩ và lo cho bà con ở Đồng Tâm thì nên cầu nguyện cho họ; hãy cầu mong cho tất cả mọi hồ sơ, sổ sách giấy tờ không bị ai đó tác động làm cho sai lệch đi. Nếu không cụ Kình và người dân Đồng Tâm chắc chắn sẽ mất tất cả!”
Và thật trùng hợp làm sao, sau đó không bao lâu thì Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 129/PC44-Đ2, để điều tra về 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo điều 123 bộ luật Hình sự) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”(theo điều 143 bộ luật Hình sự).

2. Kịch bản nào sẽ được lựa chọn?

Do tính chất nhạy cảm của vụ việc; cùng với sự “lãnh đạo toàn diện” theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”thì một kịch bản nào đó dưới sự chỉ đạo và dàn dựng của Đảng là điều rất có khả năng xảy ra. Trên cơ sở này, người viết thử đặt ra giả thuyết về 4 kịch bản như sau:
Kịch bản 1: Kết luận của đoàn thanh tra về phần đất tranh chấp ở Đồng Xênh là đất quốc phòng; đồng thời CA Hà Nội tiến thêm bước nữa là ra quyết định khởi bố bị can đối với những người dân Đồng Tâm. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Hà Nội quyết định đánh đổi “sinh mạng chính trị” của tướng Chung (dù sao ông Chung hiện tại cũng đang có bệnh và đang điều trị), biến tờ cam kết của tướng Chung với bà con Đồng Tâm thành tấm giấy lộn không hơn không kém.
Kịch bản 2: Kết luận của đoàn thanh tra về phần đất tranh chấp ở Đồng Xênh là đất nông nghiệp; CA Hà Nội ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự đã khởi tố đối với bà con Đồng Tâm; đồng thời ra quyết định khởi tố bị cán đối với những quan chức sai phạm trọng vụ bắt người và gây thương tích cho cụ Kình. Nghĩa là chính quyền Hà Nội tôn trọng tờ cam kết và không đánh đổi “sinh mang chính trị” của tướng Chung.
Kịch bản 3: Kết luận của đoàn thanh tra về phần đất tranh chấp ở Đồng Xênh là đất quốc phòng; tuy vậy chính quyền Hà Nội vẫn tôn trọng tờ cam kết và không đánh đổi “sinh mạng chính trị” của tướng Chung.
Kịch bản 4: Kết luận của đoàn thanh tra về phần đất tranh chấp ở Đồng Xênh là đất nông nghiệp; nhưng đồng thời chính quyền vẫn phá bỏ tờ cam kết của tương Chung và tiếp tục truy tố người dân Đồng Tâm.
Phân tích, nhận xét:
Có thể nói, dù sao thì mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi và quan trọng là không có để lại hậu quả gì nghiêm trọng. Thế nên, nếu muốn mọi chuyện kết thúc trong êm thắm, thiển nghĩ lãnh đạo Đảng và chính quyền Hà Nội hãy cho chính họ và người dân một cơ hội để sửa sai. Cá nhân tôi, cho đến giờ vẫn bảo lưu quan điểm lãnh đạo chính quyền Hà Nội phải tuyệt đối tôn trọng tờ cam kết của ông Chung với người dân Đồng Tâm. Và nhất là phải tiếp cận và xử lý tờ cam kết này như một biệt lệ để tránh những tranh cãi không đáng có. Vì thế, lãnh đạo và chính quyền Hà Nội hãy dám dũng cảm lựa chọn kịch bản 2. Với kịch bản này không những danh dự và uy tín của tướng Chung không bị sứt mẻ gì mà cơ hội để lãnh đạo chính quyền lấy lại niềm tin với dân chúng lại được mở ra.
Ngược lại, nếu chọn kịch bản 1 thì cái niềm tin vốn đã rất mong manh của người dân dành cho chính quyền chắc chắn sẽ không còn. Và khi ấy, chưa biết những hệ lụy khôn lường nào sẽ diễn ra (rất có thể không chỉ ở Đồng Tâm mà còn trên cả nước khi có những tranh chấp tương tự). Đừng ngây thơ nghĩ rằng nếu truy tố và xử lý người dân Đồng Tâm sẽ có tác dụng răn đe người dân ở các địa phương khác (một khi vẫn cố chấp duy trì chính sách đất đai như hiện nay). Hơn nữa, “thượng bất chính hạ tắc loạn”, một khi tinh thần thượng tôn pháp luật của ngay bản thân các quan chức lãnh đạo, chính quyền lâu nay chỉ là một con số không tròn trĩnh thì đừng ở đó cao giọng dọa nạt, răn đe, yêu cầu người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu tờ cam kết của tướng Chung với người dân không được tôn trọng thì rất có thể sẽ là hành động đổ thêm dầu vào lửa. Khi ấy, hai con dê chắc chắn sẽ rơi xuống suối và ngỏm củ tỏi (vì không con nào chịu lùi lại để nhường nhau).
Còn nếu chọn kịch bản 3 hay kịch bản 4, nhìn chung đây là những kịch bản có tính trung dung. Về cơ bản và trước mắt tuy không bên nào bị thua (vì được cái này mất cái kia) nhưng trên thực tế và lâu dài cũng là một sự thất bại cho cả hai. Bởi đây chỉ là những giải pháp mang tính tình thế; nó không đảm bảo cho một sự “thấu cảm” giữa chính quyền và người dân một cách căn cơ, trọn vẹn.

3. Thay lời kết

“Quan nhất thời, dân vạn đại”. Nếu thực sự là “đầy tớ”, “vì dân phục vụ” thiết nghĩ trong chuyện này lãnh đạo và chính quyền Hà Nội không nên dây dưa kéo dài thời gian; cò kè bớt một thêm hai với người dân. Tất cả mọi sự “câu giờ” chỉ làm tăng thêm sự nghi ngờ đối với dân chúng về tính khách quan, minh bạch mà thôi.
Ngoài ra, nếu sắp tới đây, quân đội đã có chủ trương không làm kinh tế nữa thì cho dù Đồng Xênh có là đất quốc phòng đi nữa thì chính quyền cũng nên ứng xử thật đàng hoàng và tử tế với người dân. Dù sao họ cũng quanh năm suốt tháng cày bừa, làm lụng vất vả để nuôi lãnh đạo, chính quyền.
Bên cạnh đó, đối với cá nhân ông Nguyễn Đức Chung, lãnh đạo, chính quyền Hà Nội cũng không nên mang ông ấy ra để làm con Tốt thí cho những toan tính hơn thua với người dân. Xét riêng trong chuyện này, nếu chính quyền để cho ông ấy bị người đời nguyền rủa thì thật là bất nhẫn và vô lương. Dù sao thì ông ấy không đáng bị như vậy!
Cuối cùng, nói gì thì nói dù sao tất cả chỉ là những giả thuyết ở thì hiện tại; mọi chuyện vẫn còn ở phía trước, mọi khả năng đều có thể xảy ra. Nhưng dù thế nào thì cũng hi vọng chính quyền và người dân sau vụ này sẽ thực sự tìm được tiếng nói chung; coi như cho nhau một cơ hội để cả hai cùng tự vấn lại bản thân mình nhất là về tinh thần thượng tôn pháp luật.
Đặc biệt là về phía chính quyền, một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, nếu nói về bài học kinh nghiệm gì đó sau vụ này thì điều quan trọng nhất là đừng bao giờ để xảy ra những cuộc “đối thoại trực tiếp” (kiểu “ba mặt một lời” với dân trong hoàn cảnh bất thường như vừa rồi) mà phải luôn là sự “đối thoại gián tiếp” thông qua hệ thống pháp luật minh bạch, rõ ràng và nhất là không bị chi phối bởi các “nhóm lợi ích” nào đó. Và trong hoàn cảnh nếu cái quy định”đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” rất khó có sự thay đổi từ hệ thống chính trị trong tương lai gần thì những điều luật về thu hồi đất đai của người dân cần phải nhanh chóng điều chỉnh theo hướng có lợi nhất cho dân (cho dù đó là dự án phục vụ lợi công cộng hay an ninh quốc phòng đi nữa). Đây là việc hoàn toàn có thể làm ngay nếu lãnh đạo, chính quyền Nhà nước thật sự vì dân; thành tâm muốn “đối thoại” với dân cũng như không muốn bị đau đầu về những vụ việc tương tự trong tương lai.
CT, 29/6/2017
N.T.B.
__________
Nguồn tham khảo:
“Thủ tướng nói về Đồng Tâm: Xử quan trước, phạt dân sau”http://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-noi-ve-dong-tam-xu-quan-truoc-phat-dan-sau-711362.html
“Khởi tố điều tra vụ bắt người trái pháp luật ở xã Đồng Tâm”.http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/khoi-to-dieu-tra-vu-an-hinh-su-bat-nguoi-trai-phap-luat-o-dong-tam-378150.html#inner-article
“Biệt lệ Đồng Tâm, điển hình Đinh La Thăng và một số vấn đề có liên quan khác”http://www.viet-studies.net/kinhte/NTrongBinh_DongTamDinhLaThang.htm
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 29-6-17

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

20170629. LẠI BÀN VỀ 'ĐỐI THOẠI'

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỐI THOẠI: NHẬN THỨC VÀ RÀO CẢN

NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ Viet-studies/ BVB 28-6-2017

  1. Độc quyền tư tưởng, độc quyền chân lý và hệ lụy tất yếu
1.1 Từ khi ra đời đến nay, “Đảng ta” vốn chỉ sùng bái và tôn thờ duy nhất chủ nghĩa Mác-Lênin. Nói cho cùng, đây là chuyện hết sức bình thường vì đó là quyền tự do tư tưởng của Đảng (chính xác hơn là của những người trong Đảng, theo Đảng). Tuy vậy, điều không bình thường là Đảng ta hiện nay (ước khoảng 4 triệu người) lại buộc cả dân tộc với hơn 90 triệu dân còn lại phải tôn thờ và sùng bái giống như mình. Người xưa bảo: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Ấy vậy mà Đảng ta đã dùng sức mạnh của toàn hệ thống chính trị áp đặt lên toàn thể dân chúng (“Điều 4” của Hiến pháp năm 2013) để mình độc quyền lãnh đạo dân tộc và đất nước. Đây rõ ràng là sự xâm phạm thô bạo quyền tự do tư tưởng của 90 triệu dân chúng ngoài Đảng; là nguyên nhân cốt tử nhất làm cho con người Việt Nam tụt hậu và trì trệ trước hết là về tư duy và nhận thức so với các dân tộc, quốc gia tiến bộ khác trên thế giới. Bởi lẽ, tri thức nhân loại ngoài học thuyết Mác-Lê, còn biết bao chủ thuyết khác, điều hay khác; Đảng si mê Mác-Lê là quyền của Đảng cớ sao lại bắt ép người khác cũng si mê như mình?
Thật ra, cũng không ai phủ nhận cái lý tưởng cùng mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh” của Đảng đối với đất nước. Nhưng rõ ràng để cụ thể hóa mục tiêu ấy, Đảng phải để cho mỗi người dân tự do lựa chọn con đường “mưu cầu hạnh phúc” của riêng họ. Càng nhiều sự lựa chọn càng tốt, có như thế mới góp vào sự thành công chung trong sự đa dạng. Hoặc như nếu người này thất bại thì vẫn còn nhiều người khác với con đường khác. Nhưng không, mấy mươi năm qua Đảng tự huyễn hoặc, tự cho rằng chỉ có mình mới “tài tình”, “sáng suốt”. Thế là Đảng kiên quyết chặn hết mọi ngã đường, lùa tất 90 triệu dân để tất cả cùng chen chúc nhau trên một con đường mà đích đến là một sự mơ hồ không biết sẽ về đâu. Năm này qua tháng khác, Đảng tự nhét vào mồm dân chúng câu “ý đảng lòng dân” hay “tuyệt đại đa số nhân dân tin tưởng, ủng hộ” thế nhưng chưa một lần Đảng dám “trưng cầu dân ý” để xem thực tế có đúng như vậy không?
1.2 Việt Nam đến hôm nay nữa đã là bốn mươi hai năm kể từ sau ngày kết thúc chiến tranh thống nhất đất nước. Nếu nói đời người bất quá chỉ 60 năm, thì “Đảng ta” đã lấy hơn “nửa đời người” của mấy chục triệu dân để tiến hành công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Thế nhưng kết quả thu về là như thế nào? Nếu ai đó không đủ dũng khí để thừa nhận một thất bại thì có lẽ cũng không nên huênh hoang nói rằng Đảng ta gặt hái rất “nhiều thành tựu vượt bậc” gì đó…!
Hãy nhìn xem, về kinh tế, tuy không phủ nhận đất nước có sự thay da đổi thịt, đời sống người dân trên đại thể có nâng cao hơn trước nhưng rõ ràng sự thay đổi này vẫn không tương xứng với tiềm năng vốn có của đất nước và dân tộc (vị trí địa lý, tài nguyên, con người…) nếu so với một số quốc gia khác. Trong mắt bạn bè thế giới, Việt Nam hôm nay là một đất nước “kỳ lạ” đến nỗi họ phải ngạc nhiên và cảm thán giùm: tại sao lũ Việt Nam chúng nó có đầy đủ điều kiện và niềm năng để phát triển nhưng lại “không chịu phát triển”? Đây là một sự thật đã được chính Đảng thừa nhận.
Ngoài ra, nếu quan sát kỹ sẽ thấy động lực cho sự phát triển kinh tế mấy mươi năm qua của đất nước chủ yếu đến từ…“bản năng sinh tồn” của cả dân tộc (trong hoàn cảnh đói nghèo, cùng cực buộc mỗi cá nhân phải tìm mọi cách để bươn chảy, mưu sinh) hơn là được dẫn dắt bởi những chủ trương, quyết sách mang tầm nhìn xa và sự chủ động của Đảng. Ví như năm 1986, Đảng bảo mình “tài tình”, “sáng suốt” khi đã quyết liệt “đổi mới” và “cởi trói” nhưng ngẫm kỹ lại (theo nhiều chuyên gia đã phân tích) chẳng qua chỉ là sửa chữa sai lầm mà thôi. Vì lẽ, trước năm 1975, kinh tế thị trường đã có ở miền Nam, sau khi “giải phóng” Đảng đã xóa bỏ; còn ở miền Bắc, có lẽ không nói thì mọi người cũng biết. Trong hoàn cảnh kiệt quệ về mọi mặt như thế, người dân cả hai miền vì bản năng sinh tồn, để có miếng bỏ vào mồm nên buộc phải “xé rào” làm “khoán chui”, “khoán 10” … Và may mắn thay, đó lại chính là động lực để Đảng quyết liệt “đổi mới” chuyển sang mô hình “kinh tế thị trường định hướng XHCN” như hiện nay. Nhưng mà “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là gì? Đến nay, nhìn chung về mặt lý luận nó là một đống bùng nhùng, bum xum, đến nỗi ngay một cựu lãnh đạo cấp cao của Đảng năm nào – Bộ trưởng Bộ Kế hoạc Đầu tư và phát triển Bùi Quang Vinh đã có lần công khai thừa nhận: làm gì có cái đó mà tìm! Còn trên thực tiễn thì không thể nào chua chát và khốn nạn hơn. Cái tham vọng làm những “quả đấm thép” bằng mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước giờ đây đã tự chứng minh rằng: các quan chức Nhà nước không thể/ không biết làm kinh tế mà quan trọng hơn nó chính là “cái ổ” cho lãng phí và tham nhũng (từ cấp cao đến cấp thấp), gây mất niềm tin và bức xúc trong nhân dân!
Về phương diện văn hóa – xã hội, có thể nói không ngoa rằng, dưới sự dẫn dắt của Đảng, “con người mới XHCN” hôm nay đang ở trong tình cảnh “hoang tàn không nhận ra”. Hãy nhìn xem, các quan chức, lãnh đạo chính quyền không hiểu sao càng “học tập Bác” càng suy đồi, tha hóa; càng chấn chỉnh càng hư đốn; Bác liêm khiết, giản dị bao nhiêu thì các quan chức hôm nay lại xa hoa, phù phiếm, giả trá bấy nhiêu; ngày xưa Bác ở “nhà sàn đơn sơ vách nứa” thì các quan chức hôm nay tuy lương công chức “ba cọc, ba đồng” nhưng toàn ở biệt phủ, ngai vàng… Về phía dân chúng, xét trên mặt bằng chung vẫn là một sự trì trệ, mù quáng và không tự “trưởng thành”. Thậm chí có một bộ phận đã và đang bị bào mòn, thui chột thiên lương, thiện tính; đôi khi chỉ một chuyện vặt vảnh, một “cái nhìn đểu” không đâu cũng sẵn sàng lao vào ẩu đả và đoạt mạng nhau… Thảm trạng đau lòng này, không phải ai khác mà là chính miệng ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận trong kỳ họp Quốc hội những ngày qua…
Có người lý giải nguyên nhân của “thảm trạng” này trước hết là do cái “căn tính” của dân tộc Việt. Điều này không sai, nhưng cái “căn tính” này lẽ ra vẫn có thể từng bước cải tạo được bằng con đường giáo dục hoặc các hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng, lành mạnh... Thế nhưng, do sự độc quyền tư tưởng, độc quyền chân lý nên tất cả mọi hoạt động văn hóa, giáo dục, nghệ thuật,… đều bị Đảng “chính trị hóa”; cùng với đó là dựng lên hàng loạt những rào cản, cơ chế kiểm duyệt gắt gao và xuẩn ngốc. Thay vì khơi thông, chấp nhận sự đa dạng nhằm từng bước khai sáng cho dân chúng thì Đảng ta lại biến họ thành những cái máy, những con rối còn hơn cả “chính sách ngu dân” thời Pháp thuộc trước đây.
  1. “Sợ hay không sợ” -đó không phải là vấn đề
 Ngày 18/5/2017 tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương có nói rằng: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”. 
Phát biểu trên của ông Thưởng thật ra cũng không có gì mới mẽ hay đặc sắc nhưng lại là đề tài làm dấy lên cuộc bàn luận sôi nổi trong xã hội ngay sau đó. Chỉ với điều này thôi đã cho thấy, chỉ ở những quốc gia mà đời sống tinh thần của con người bị uy hiếp, đe dọa, bị dồn nén, bị “căng cứng” với nhiều ẩn ức, bức bối nên người dân mới có những phản ứng như thế. Nói cách khác, “đối thoại” và “tranh luận” về một vấn đề nào vốn là lẽ tự nhiên, thường tình trong cuộc sống con người; là biểu hiện bình thường của một xã hội dân chủ, văn minh nhưng ở Việt Nam thì cần phải xin phép và được sự đồng ý của Đảng và Chính quyền. 
Tuy vậy, trong cái nhìn tích cực và chân thành nhất, phát biểu trên của ông Thưởng ít nhiều cũng cho thấy có một sự chuyển biến trong nhận thức (ít nhất là trong tư cách cá nhân của một lãnh đạo cấp cao) của Đảng. Nó cho phép chúng ta suy luận một cách có cơ sở rằng, trong bối cảnh và tình hình phức tạp của đất nước hiện nay Đảng đã không còn “bưng tai giả điếc” như trước đây nữa.
Ngoài ra, ở cương vị của một cấp dưới, ông Thưởng đã nhận ra vấn đề thì tin chắc chắc ở vị trí và tầm cỡ như TBT Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí cấp cao khác của ông cũng không “lú lẫn” như dân gian vẫn hay kêu ca, đồn thổi. Một số chỉ dấu trong quá khứ như trường hợp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay gần và cụ thể nhất là hàng loạt bài viết (với tinh thần thừa nhận những bất cập về nhận thức lâu nay của Đảng) của ông Vũ Ngọc Hoàng (người cũng giữ cương vị tương đương ông Thưởng hiện tại) … ít nhiều cho chúng ta nhìn rõ hơn vấn đề này.
Nếu những suy luận trên đây là đúng thì phải chăng vấn đề quan trọng nhất ở đây không phải Đảng ta không nhận ra những sai lầm của mình mà là trong hàng ngũ của Đảng hiện nay chưa có một cá nhân nào thực sự có đủ quyền hành và dũng khí để đường đường chính chính, công khai thừa nhận trước toàn thể quốc dân đồng bào; vẫn chưa xuất hiện một chính khách thực thụ dám vượt qua nỗi sợ hãi của những bè phái, lợi ích nhóm và nhất là vượt ra khỏi tư tưởng bảo thủ giáo điều để quyết liệt thay đổi tận gốc? Câu nói:“Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận…” của ông Thưởng thực ra cho thấy Đảng đang rất… sợ. Vì sao? Ở góc độ tâm lý, câu nói trên chính là biểu hiện của chứng “tự kỷ”(sự tự kỷ này thể hiện rõ nhất qua cuộc “vận động học tập và làm theo tâm gương đạo đức Hồ Chí Minh” rầm rộ lâu nay và “chống suy thoái”, “chống tự diễn biến” cho những người trong Đảng thời gian gần đây); ít nhiều cho thấy Đảng không còn ảo tưởng về sức mạnh của mình như trước đây nữa dù rằng về cơ bản vẫn Đảng vẫn đang kiểm soát mọi thứ. Nói cách khác, lâu nay sức mạnh của Đảng một phần là do sự chuyên quyền, độc đoán; phần còn lại do sự mê muội, hèn kém của dân chúng cộng lại tạo nên. Nhưng trong thời đại công nghệ hôm nay cả hai nguồn sức mạnh ấy đã không còn vững chắc nữa. Mọi chuyện đều có thể xảy ra vì bằng nhiều nguồn khác nhau, giờ đây dân chúng đã có thể tự khai sáng cho mình nên những chiêu trò tuyên truyền, tô hồng thành tựu vĩ đại của Đảng có khi lại phản tác dụng bởi niềm tin của người dân đã không còn. Thế nên, sợ hay không sợ thực ra không phải là vấn đề. Mà vấn đề là trong bất cứ cảnh huống nào nếu thực sự “vì dân, vì nước” thì Đảng cũng không được phép đặt mình ngang hàng hay thậm chí đặt trên cả lợi ích của Dân tộc, Quốc gia. Sứ mạng lịch sử của Đảng trong quá khứ (thời kỳ chiến tranh) đúng là có những chuyện, những vấn đề không thể phủ nhận nhưng khi đất nước hòa bình, thống nhất và nhất là trong tình hình hiện tại và tương lai nhất định cần phải trung thực nhìn nhận và xem xét lại một cách toàn diện, thấu đáo. Hàng loạt những bài học về sự nổi giận của nhân dân vẫn còn nguyên đó và cũng không vô cơ mà bùng phát ra như: vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc năm nào; vụ tiếng súng của Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình); vụ “Formosa thất thủ” và vụ Đồng Tâm bắt người mới đây...   
Tóm lại, về phát biểu của ông Thưởng, mỗi người, tùy vị trí, góc nhìn có thể tin hoặc không tin (dù là trong tư cách cá nhân ông ta hay đại diện, thừa lệnh của Đảng) nhưng chắc chắn một điều nếu cứ mãi duy trì hiện trạng như nay (của Đảng tiếp tục “độc thoại”, “độc diễn” và bất chấp thực tiễn về sự thất vọng và mất niềm tin trong nhân dân) thì tương lai của dân tộc và đất nước này sẽ còn mù mịt, đừng mong gì một sự khởi sắc.
  1. Đối thoại để hòa giải, hòa hợp dân tộc, tránh “nồi da xáo thịt”
Trong nhiều bài viết của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy cho rằng, trong hoàn cảnh và tình hình hiện nay, Việt Nam muốn phát triển, muốn “hóa rồng” không còn cách nào khác là phải đổi mới thể chế cả về chính trị lẫn kinh tế. Theo ông, đây chính là “mệnh lệnh” của cuộc sộng nhằm tạo “động lực” mới cho đất nước. Quan điểm này là xác đáng nhưng có lẽ đây chỉ mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là cả dân tộc phải thật sự đoàn kết và chung sức chung lòng; lợi ích quốc gia dân tộc phải được đặt lên trên hết mọi tư tưởng của bè phái, phe nhóm. Từ đây, nếu phải nói mục tiêu lớn nhất của vấn đề đối thoại chính là, một mặt phải “tạo điều kiện” cho Đảng tự “cởi trói” (thông qua việc đổi mới thể chế); mặt khác phải hướng đến sự hòa giải, hòa hợp dân tộc một cách chân thành và trọn vẹn nhất; đối thoại để dân tộc không phải rơi vao cảnh “nồi da xáo thịt” thêm một lần nào nữa. Đất nước đã có hơn 40 năm thống nhất rồi nên không có lý do gì lại để cho cả dân tộc sống trong cảnh một ly tán, đồng sàng dị mộng; hay ý Đảng lòng dân thực chất chỉ là hai đường thẳng song song chẳng bao giờ gặp nhau; Đảng nhìn dân bằng cặp mắt nghi ngờ, cảnh giác; dân từ chỗ xem Đảng là niềm tin, là khát vọng thì giờ đây lại coi thường, khinh khi ra mặt.
Trong một bài viết năm 2015, liên quan đến vấn đề này, người viết cho rằngvề mặt nhận thức chung, trước hết Đảng, Nhà nước Việt Nam phải dũng cảm đối mặt với hai vấn đề. Một là, phải nghiêm túc tự kiểm điểm vì sao đã hơn 40 năm rồi nhưng chuyện “hóa giải hận thù” giữa “bên thắng cuộc” và “không thắng cuộc” vẫn không có tiến triển gì đáng kể? Hai là, tại sao giờ đây lòng dân ngày một thêm bức bối, bất mãn, “không yên”? Tất cả sự kiểm điểm này phải trên nền tảng của sự chân thành và chủ động đối thoại với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước chứ không phải “độc thoại” một chiều như thời gian qua. Và để có cơ sở pháp lý vững chắc cho vấn đề này, Đảng, Nhà nước Việt Nam cần nhanh chóng ra một bản Nghị quyết mới cho vấn đề “hòa hợp, hòa giải dân tộc” phù hợp với điều kiện và tình hình mới hiện nay. Phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của đất nước và dân tộc trong một vài năm tới.
Như vậy, nếu phải nói về điều kiện hay sự chuẩn bị gì đó để những cuộc “đối thoại” đạt được kết quả có lẽ phải nói rằng, tất cả các bên phải tự đối thoại với bản thân mình trước; các bên hãy cho nhau một niềm tin, một cơ hội để dân tộc có một sự hòa giải, hòa hợp thật sự.
Có thể thấy, quan điểm và cách nói về “đổi mới thể chế” của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy thì mọi vấn đề vẫn do Đảng chủ động. Phải chăng nếu làm được điều này cũng có nghĩa là Đảng đang tự đối thoại với mình? Và với nhân dân đó là cách đối thoại gián tiếp thông qua hệ thống chính sách, pháp luật minh bạch, rõ ràng và nhất là không bị chi phối bởi các “nhóm lợi ích” nào đó.
Nói cách khác, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu Đảng vẫn chưa thể chủ động thu xếp cho những cuộc đối thoại trực tiếp “ba mặt một lời” với bên bất đồng chính kiến thì những chủ trương chính sách nào của Đảng nào đi ngược với hiến pháp và ý nguyện của nhân dân cần phải nhanh chóng điều chỉnh và thay đổi. Vấn đề này, nói nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh là: “dù thế nào, nếu thật sự muốn lấy lại niềm tin trong nhân dân, để đất nước được ổn định phát triển lâu dài và thông suốt, tiêu chí của giá trị cải cách nhất định cũng phải được đánh giá dựa trên cái ngưỡng từ đó trông thấy rõ nỗ lực vượt lên mấy nút chặn nghiệt ngã bấy lâu nay, liên quan những nội dung/ vấn đề cốt lõi như quyền tự do ngôn luận-báo chí-xuất bản, quyền ứng cử, quyền biểu tình, quyền sở hữu ruộng đất (trên thực tế)…, chứ không thể chỉ dựa vào mấy câu chữ lưỡng nghĩa vốn đã được sửa đi sửa lại nhiều lần ghi trong các bản nghị quyết suốt mấy chục năm nay mà bản chất gần như không có gì đổi mới”.
  1. Vượt qua những rào cản
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy, rào cản lớn nhất cho vấn đề đối thoại hiện nay ở Việt Nam chính là tư tưởng cực đoan, bảo thủ của cả hai phía. Ông nói: “Muốn đối thoại phải tránh cực đoan. Những người chống cộng cực đoan cũng nguy hiểm không kém gì những người cộng sản cực đoan. Họ sẵn sàng chụp mũ cho những người không cùng quan điểm với họ là “việt cộng”, cũng như những người cộng sản cực đoan sẵn sàng chụp mũ cho những người không cùng quan điểm với họ là “phản động”.  Thực ra, chính những người cực đoan của cả hai phía mới là “phản động”, vì họ làm cản trở cơ hội hòa giải và hòa hợp dân tộc để chung tay đổi mới và phát triển theo hướng dân chủ hóa”.  
          Quả đúng như thế nhưng nói cho cùng đây là chuyện không thể tránh khỏi bởi cuộc sống là vậy, nhân loại sẽ không bao giờ hết những “phần tử IS” cực đoan. Vấn đề là làm sao để vượt qua rào cản trên. Bởi chẳng lẽ, chỉ vì một vài phần tử như thế lại làm cản đà tiến bước của cả dân tộc?
Như đã nói, dù sao hiện nay Đảng vẫn đang nắm quyền kiểm soát mọi thứ. Thế nên, trong chuyện này, để vượt qua trở ngại trên thì sự chân thành và chủ động của Đảng vẫn đóng vai trò quyết định. Cụ thể, những người có tư tưởng cấp tiến trong Đảng phải dũng cảm và quyết liệt hơn để thuyết phục những người còn lại nếu tất cả thật sự vì tương lai của dân tộc và đất nước.
Bên cạnh đó, Đảng và chính quyền phải hiểu rằng, nhân dân dân nói chung ngoài chuyện phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật thì việc phản biện hay thậm chí là chỉ trích những chủ trương chính sách của Đảng, chính quyền cũng là một nhiệm vụ cần được nghiêm túc nhìn nhận. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, một chính quyền thật sự vì dân là một chính quyền phải tạo mọi điều kiện để nhân dân “mở miệng” nói ra tất cả những gì họ nghĩ, họ muốn. Vì thế, chính quyền phải xem những tiếng nói khác, thậm chí là những tiếng nói chỉ trích mình là chuyện hết sức bình thường. Sự chỉ trích của dân chúng, nghiêm túc mà nói chỉ giúp cho chính quyền tốt hơn thêm mà thôi. Bởi đó chính là cơ sở để chính quyền nhìn lại và điều chỉnh những chủ trương sai lầm của mình. Chính quyền phải lắng nghe dân nhưng cũng không nhất thiết phải làm theo tất cả những gì dân muốn bởi không phải sự phản biện, chỉ trích nào của dân cũng đúng và có cơ sở. Tuy vậy, tuyệt đối không vì thế mà chính quyền giở mọi thủ đoạn ra để trả thù dân khi bị chỉ trích. Vì dù sao chính quyền sống và tồn tại được là nhờ tiền thuế của dân. Một chính quyền mà lúc nào cũng muốn dân chúng ngợi ca mình như Thánh sống là một chính quyền xuẩn ngốc và hoang tưởng.
          Có thể thấy, ngay sau phát biểu của ông Thưởng về phía người dân có những ý kiến quan điểm khác nhau. Trong vai trò lãnh đạo, lẽ ra việc đầu tiên là Đảng, chính quyền phải ghi nhận tất cả những ý kiến ấy. Tuy nhiên, không biết có phải thừa lệnh của Đảng hay không, ngay lập tức trên một tờ báo nọ cũng xuất hiện một bài viết mà chỉ cần nhìn tiêu đề thôi đã cho thấy sự chuyên quyền, “độc đoán”. Đặc biệt hơn, tác giả bài viết thay vì tìm đến những bài viết nghiêm túc của những người bất đồng chính kiến để đối thoại và phản biện thì này lại tìm đến vô số những comment vô thưởng, vô phạt của vài các nhân cực đoan bảo thủ nào đó. Cách đặt vấn đề và lập luận như vậy, không những không thuyết phục mà vô hình chung là “cầm đèn chạy trước ô tô”; đi ngược lại đề xuất “đối thoại” của cấp trên mình.
Nói khác đi, ở khía cạnh tích cực nhất, chủ trương và đề xuất đối thoại của ông Thưởng nếu được nhanh chóng thực hiện chắc chắn sẽ là một cú “hích” rất lớn đối với sự phát triển của dân tộc và đất nước. Nhưng chủ trương kia chưa kịp triển khai thì không ai khác chính những người trong Đảng (hoặc thay mặt Đảng) với tư tưởng bảo thủ và nhỏ nhen đã làm cho mọi thứ có nguy cơ đổ vỡ.
Từ đây, có thể nói để có thể vượt qua rào cản về sự bảo thủ và cực đoan của cả hai phía, có hai vấn đề quan trọng cần phải giải quyết là:
Thứ nhất, Đảng và chính quyền phải thể hiện sự chủ động, một mặt phải tự nâng mình lên để không rơi cực đoan và cay cú hơn thua với đám đông dân chúng; mặt khác phải chấp nhận và xem mọi sự phản biện chỉ trích của dân chúng như là cơ hội để mình tốt hơn.
Thứ hai, phải từng bước mở rộng quyền tự do báo chí tiến đến tư nhân hóa hoạt động này; lấy báo chí làm cầu nối tạo điều kiện cho những cuộc trao đổi, tranh luận, đối thoại giữa hai phía diễn ra một cách công bằng, sòng phẳng giữa. Đó cũng là cách nhằm góp phần kiểm soát những phần tử có tư bảo thủ và cực đoan từ cả hai phía.
  1. Thay lời kết
Để khép lại bài viết này, có lẽ không gì thú vị hơn là xin được dẫn lại và sắp xếp theo trình tự xuất hiện ba câu nói mà tin rằng mọi người hẳn đã từng nghe, từng biết. Chỉ dẫn lại thôi và không bình luận gì thêm nữa để tất cả mọi người cùng đối chiếu và suy ngẫm trên cơ sở hiện tình về đất nước, xã hội và con người Việt Nam hôm nay.
Một là câu nói của đại văn hào, triết gia người Pháp – Voltaire: “Tôi không đồng ý điều anh nói, nhưng tôi thề sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền được nói của anh”.
Hai là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra, đừng để dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng” (Hồ Chí Minh)
Ba là, phát biểu của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan năm nào:“Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản.” 
----------------
Nguồn tham khảo:
- Trần Văn Chánh – “Bang vô đạo”. http://www.viet-studies.net/kinhte/TranVanChanh_BangVoDao.htm
- Nguyễn Quang Dy – “Văn hóa đối thoại và sự đồng thuận quốc gia”.http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_VanHoaDoiThoai.htm
- Tá Lâm – “Ông Võ Văn Thưởng: Không sợ đối thoại tranh luận”. http://plo.vn/thoi-su/ong-vo-van-thuong-khong-so-doi-thoai-tranh-luan-702827.html
- Bắc Hà – “Không được lợi dụng đối thoại để chống phá”. http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/khong-duoc-loi-dung-van-de-doi-thoai-de-chong-pha-508533
CT, 27/6/2017
 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 27-6-17
LẠI NÓI VỀ ĐỐI THOẠI
BÙI QUANG VƠM/ BVN 28-6-2017
1Đã gần hai tháng sau cái ngày 18/05, ngày ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo TW phát ra thông điệp đối thoại, khiến bao người ngơ ngác, bao người sững sờ. Cuối cùng thì vẫn im lặng, không có gì xảy ra. Ban Bí thư chưa ra được bản hướng dẫn. Có thể sẽ chẳng có bản hướng dẫn nào cả. Với thái độ kẻ cả ngạo mạn vốn có, đối thoại với những người lãnh đạo trong chế độ độc đảng cầm quyền có thể vẫn chỉ là ảo tưởng.
- “Sự ngạo mạn đần độn” đã làm những người cộng sản đi từ sai lầm này sang sai lầm khác, không phải chỉ ở Việt Nam. Trung Quốc từng có một cơ hội cải cách thành một chế độ dân chủ.
Trong tuyên bố chung Anh - Trung năm 1984 giữa Đặng Tiểu Bình và bà thủ tướng Thatcher, ông Đặng giải thích, sở dĩ có công thức “một quốc gia hai chế độ” là vì sau 50 năm, Trung Quốc có thể đã trở thành một quốc gia phát triển (ngang với Hồng Kông hiện tại), thì “Trung Quốc và các nước khác có thể trở nên lệ thuộc lẫn nhau, thế nên không có lý do gì để thay đổi hệ thống ở Hồng Kông”. Ý của ông Đặng rõ ràng là trong khoảng 50 năm, Trung Quốc cũng sẽ là một quốc gia dân chủ hiện đại, sẽ không có gì mâu thuẫn với chế độ đang có tại Hồng Kông.
“Sự ngạo mạn ngu xuẩn” của những kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh đã nghiền nát phôi thai của một nền văn minh bằng bánh xích xe tăng trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng sáu năm 1989, để bây giờ, khi Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói trong một cuộc họp có mặt Tập Cận Bình, ngày 17/03 tại Singapore, rằng “Trung Quốc không thể dẫn dắt khu vực vì nước này phi dân chủ”. Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc GS. William C. Kirby, cũng nói: “...những tranh luận về tương lai của TQ, dù là ngầm, đang sôi nổi chưa từng có ở Đại Lục. Nhưng khi nào những cuộc tranh luận như thế trở nên cởi mở, công khai và thậm chí là dự đoán được, ở Đại Lục, khi đó - và chỉ khi đó - mới tin được là TQ có năng lực để thực sự làm người lãnh đạo”.
Nếu những lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc không mắc bệnh “ngạo mạn”, thì họ đã có cơ hội cất cánh từ 30 năm trước. Và với một nền dân chủ, Trung Quốc có thể đã là một trung tâm khu vực Đông Nam Á như một liên minh theo mô hình Liên minh châu Âu.
Khát vọng bành trướng Đại Hán kết hợp với một cuồng vọng vĩ nhân đang thúc ép ông Tập dàn trận cho một cuộc cải cách muộn màng. Để cải cách, ông Tập cần quyền lực, nhưng ông ta quên rằng chính quyền lực sẽ phá huỷ hạ tầng của dân chủ.
- “Sự ngạo mạn ngu xuẩn” tương tự cũng đã khiến ông cựu Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cướp đi của lịch sử cơ hội phát triển hợp tác với Mỹ ngay từ sau chiến tranh.
- Có thể cũng chỉ do “ngạo mạn ngu xuẩn” mà ông Nguyễn Phú Trọng ngộ nhận về một ảo tưởng “mình phải thế nào họ mới đón tiếp như vậy chứ”. Nếu ông Trọng biết lắng nghe bằng hai tai, ông sẽ tránh được cái quả đắng mà ông Trump giành cho Đảng Cộng sản của các ông hôm nay.
2- Báo Quân đội nhân dân có một bài của một nhân vật có “nick name” Bắc Hà, nói rằng mọi người đã hiểu sai ý của Trưởng ban Tuyên giáo. Không có đối thoại với đối lập nào cả. Những người khác quan điểm với Đảng mà ông Thưởng đề cập, là những người chưa hoặc không hiểu đường lối chính sách của Đảng, được mời “đối thoại để được giải thích thông suốt”, không có chuyện đối thoại để thay đổi luật pháp và chính sách, càng không thể có chuyện đối thoại để thay đổi thể chế chính trị.
Bài báo cố ý để người đọc hiểu rằng, chân lý không phải cần qua cọ xát, nhất là cọ xát với với đối lập quan điểm.Tất nhiên, một nhận định có tính cốt lõi như vậy đăng trên mục “chống diễn biến” của cơ quan Quân uỷ mà ông Trọng trực tiếp là Bí thư, thì phải hiểu rằng cái ông Bắc Hà vô danh nào đấy chỉ là cái lưỡi thay lời ông Trọng, theo chỉ thị của ông trọng hay ít nhất cũng được ông Trọng cho phép.
Nghĩa là, nếu không phải là ông Thưởng phạm lỗi dùng từ “đối thoại” không đúng chỗ, hoặc lẫn lộn nghĩa của từ “đối thoại” với “quán triệt” thì rất có thể chính ông Trưởng ban Tuyên giáo đang có vấn đề về tư tưởng.
Khi ông Thưởng nói: “Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước” và còn nhấn mạnh thêm, rằng: “Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý…”, thì không thể hiểu là ông Thưởng chờ Ban Bí thư hướng dẫn những người dân đến gặp Đảng và chính quyền để nghe giải thích đường lối và quán triệt “chân lý” của Đảng?!!
Ông Trọng chỉ đạo bẻ quặt ý của ông Thưởng, vuốt mặt ông Thưởng hay còn tính gì khác!?
Chân lý xưa nay vẫn là độc quyền của Đảng, không phải “hình thành qua đối thoại và cọ xát”, nhất là lại cọ xát với đối kháng. Đây là diễn biến suy thoái. Trưởng ban Tuyên giáo mà suy thoái tư tưởng? Nếu ông Trọng không bị loại khỏi ghế Tổng Bí thư, thì ông Thưởng phải chuyển nghề khác. Hãy chờ xem.
Vở kịch còn đang diễn. Xung đột chỉ đang tiệm cận đỉnh điểm.
3- Đảng Cộng sản Việt Nam nếu loại bỏ được vai trò cá nhân của ông Tổng Bí thư giáo điều Nguyễn Phú Trọng, thì một triển vọng cải cách đi trước Trung Quốc có thể thành hiện thực. Việt Nam gọn nhẹ và thông minh hơn nhiều. Và đã từng bỏ qua các cơ hội đối thoại.
Góp ý vào dự thảo thay đổi Hiến pháp năm 2013, Kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức nổi tiếng viết: “Cuộc sống chỉ rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình hình ấy (mất lòng tin của dân, tham nhũng và trì trệ kinh tế) chính là chế độ toàn trị của một đảng trên thực tế đang chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị, đứng trên Nhà nước và pháp luật, vô hiệu hóa nhiều quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp… đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, là yêu cầu cấp bách của đất nước, của nhân dân”.
Kiến nghị của 61 đảng viên kỳ cựu ngày 28/07/2014 cũng viết: “Việc cần làm ngay để thể hiện sự thực tâm chuyển đổi thể chế chính trị, tạo niềm tin trong dân là các cơ quan công quyền chấm dứt các hành động sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập, trả tự do cho những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình”.
Nhưng ông Trọng là người duy nhất trong những người lãnh đạo Đảng quy kết: “Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thế là suy thoái chứ còn gì nữa. Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì? Nên phải quan tâm xử lý những điều đó”.
Khó có thể hình dung một con người cực đoan đến mức mụ mẫm như vậy có thể đứng đầu một đảng cầm quyền một quốc gia hơn 90 triệu dân.
Chỉ một giả thuyết không có mặt ông Nguyễn Phú Trọng trên sân khấu, đủ để một kịch bản đối thoại tới dân chủ đích thực trở thành hiện thực.
4- Tại sao ông Võ Văn Thưởng phát tín hiệu đối thoại? Có phải sự kiện xảy ra tại Đồng Tâm là hình mẫu lộ trình dẫn đến thế đối thoại? Người dân phải bắt giam công cụ đàn áp của chính quyền. Người dân phải rào làng và sẵn sàng thề chết để bảo vệ quyền và môi trường sống của mình? Muốn chính quyền chịu chấp nhận đối thoại phải theo hình mẫu này? Có phải đây là lời nhắn nhủ của ông Thưởng và những người còn giấu mặt?
Nhưng người dân Đồng Tâm đã không đủ sức bền để khả dĩ chịu đựng thách thức. Họ quá đói nghèo, mỏng manh và cô độc để đương đầu với những thủ đoạn nham hiểm khó lường của chính quyền.
Cần có một cú huých! Có phải quyết định khởi tố hình sự của công an Hà Nội nhằm mục đích tạo ra cú huých? Một ông Chủ tịch thất hứa, một chính quyền lừa bịp. Pháp luật của cái chính quyền này tuỳ thuộc sức mạnh và ý muốn của mỗi phe cánh, không thể tin và vì vậy không thể tuân thủ vô điều kiện. Pháp luật do nhà cầm quyền đặt ra từ tay phải, thực hành bằng tay trái và chỉ nhằm bảo vệ sự tồn tại của chế độ có đủ tư cách và phẩm chất để được gọi là luật không? Sự tráo trở, lật lọng của nhà cầm quyền chỉ xảy ra khi đó là chính quyền độc trị, không có dân chủ đích thực. Cú khởi tố đã cố tình khơi lại ngọn lửa, tạo sức ép cho một cuộc đối thoại? Cuộc đối thoại mới sẽ không phải của ông Chủ tịch Thành phố mà sẽ là của ông Chủ tịch nước!?
Không thể có đối thoại suông kiểu Kiến nghị 72 và Kiến nghị 61. Chìa khoá của đối thoại là áp lực có thật từ phía quần chúng, một quần chúng có số đông và được tổ chức. Hãy chứng minh khả năng đối thoại bằng một cuộc xuống đường quy mô hơn, sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi với cường độ gay gắt hơn trước sự thách thức công khai, trắng trợn của chính quyền bằng lệnh khởi tố. Nếu không có xuống đường thì sẽ vẫn không có đối thoại, và sự “ngạo mạn ngu xuẩn” sẽ vẫn ngự trị.
5- Khởi tố có thể là hòn đá dò đường, nhưng cũng là loại thuốc thử.
Nếu là hiện tượng bột phát, chỉ cần quây hai cụ Lê Đình Kình và cụ Lê Hữu Ba là sẽ chẳng có gì xảy ra tiếp theo nữa! Hai cụ sẽ bị khởi tố hình sự cùng với những người đập phá tài sản công.
Nếu 6.000 dân Đồng Tâm có một hạt nhân lãnh đạo, người dân tập hợp theo hiệu lệnh và hoàn toàn có ý thức, thì hạt nhân sẽ một mặt, bị buộc phải lộ diện và họ sẽ tức khắc bị tiêu diệt bằng điều 79, tội hoạt động lật đổ chế độ, nhưng ngược lại, nếu quả thực, dân Đồng Tâm đã có một “bộ não” và phong trào dân chủ đã có hình thù như một thực thể có thật, thì những nhân tố trong phe cải cách sẽ tận dụng nó như một lực lượng đồng minh và đối thoại sẽ là công cụ để phe cấp tiến thực hiện cải cách. Như vậy, muốn có đối thoại cải cách thì dứt khoát, dân làng Đồng Tâm phải được tổ chức. Muốn có đối thoại với đảng cầm quyền thì những gì xảy ra tại Đồng Tâm phải được mở rộng ra toàn quốc và có thể vận hành được bằng hiệu lệnh thống nhất.
Chưa có gì, về phía dân chưa có gì giống những điều cần phải có, vì vậy những gì giống như chuyện đối thoại với nhà cầm quyền vẫn chưa thể xảy ra. Ban Bí thư sẽ chẳng cần phải mất công soạn thảo bản hướng dẫn, hay nếu có thì chỉ là một bản bày cách lừa bịp dân cho các cấp cơ sở trực tiếp.
6 - Nhưng tại sao lại do Võ Văn Thưởng là người phát tín hiệu sẵn sàng đối thoại? Võ Văn Thưởng là quân xanh, là cò mồi hay Võ Văn Thưởng là người ủng hộ cải cách mà người đứng đầu, đang được đồn đoán là thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, phát tín hiệu khởi động đối thoại để tìm kiếm lực lượng?
Tại sao Công an Hà Nội khởi tố hình sự ngày 13/06, một tháng sau lời kêu gọi đối thoại của ông Thưởng, hai tháng sau khi xảy ra vụ bắt 38 cảnh sát cơ động của dân làng Đồng Tâm? Công an Hà Nội thuộc phe nào? Hạ nhục Nguyễn Đức Chung chỉ nhằm mục đích trả thù vụ tố cáo Công an Hà Nội bảo kê các quán bia hay nhằm dọn đường cho việc hạ bệ ông Chung khỏi chân Chủ tịch Thành phố, gạt nốt nhân vật con nuôi của dây Lê Hồng Anh - Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài Thủ đô, sau khi loại Đinh La Thăng ra khỏi Sài Gòn?
Nhưng nếu Công an Hà Nội cố tình khởi tố chống dân là nhằm hạ nhục chính quyền lừa bịp, kích động lòng dân tẩy chay pháp luật cộng sản? Khó giải thích tại sao Công an Hà Nội hành động đúng như tiên đoán của dư luận trước đó, rằng chính quyền sẽ giả vờ nhân nhượng để tháo ngòi, tước vũ khí, rồi sẽ tách để diệt từng người? Họ muốn phơi trần bộ mặt tráo trở và lừa bịp của chế độ phi dân chủ của Đảng Cộng sản?!
Trả lời cử tri Hải Phòng ngày 26/06, ông Phúc nói “Việc bắt giữ người trái phép, phá hoại tài sản phải được điều tra nghiêm túc. Trước khi xử lý người dân sai trái, quá khích này, phải xử lý ngay những cán bộ đã lạm dụng, vô trách nhiệm, đã làm sai ở tại xã đó”. Ý ông muốn nói, dân sai do quan sai, dân phạm luật do quan phạm luật, phải xử lý quan trước, dân sau.
Vậy ai là người chỉ đạo Công an Hà Nội khởi tố hình sự những người nghèo xã Đồng Tâm khi cam kết của ông Chủ tịch Thành phố còn chưa kịp khô mực? Không phải là chuyện thượng tôn pháp luật, khi pháp luật do chế độ tuỳ ý làm ra. Vậy cứ theo ý ông Phúc thì trước hết các quan quân đội, rồi đến quan huyện, quan xã phải là đối tượng xử lý đầu tiên.
7- Trong khi Ngoại trưởng Phạm Bình Minh chuẩn bị đi Mỹ (20/04/2017) với nội dung chủ yếu là kiếm được lời mời chính thức của Tổng thống Mỹ giành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì tại Đồng Tâm xảy ra chuyện quan huyện kết hợp quan xã cài bẫy bắt cóc hai cụ Lê Đình Kình, Lê Hữu Ba cùng một số người dân, dẫn đến việc người dân bắt giữ nhân viên an ninh đòi trả người. Chính quyền huy động công an và cảnh sát cơ động vũ trang, dự định thẳng tay đàn áp. Ngay lập tức, Công ty môi giới của CSVN tại Washington nhắn với Hà Nội rằng “nếu xảy ra đàn áp tại Đồng Tâm thì ông Phạm Bình Minh không nên đi Mỹ” (?).
Theo tác giả Bùi Anh Trinh, nếu Cộng sản Việt Nam hành động tại Đồng Tâm y như chính quyền Trung Cộng tại Thiên An Môn thì Tổng thống Trump sẽ rút lại lời mời ông Phúc đi Mỹ. (Tổng thống George H. W. Bush đã ra lệnh cấm vận Trung Cộng khi xảy ra vụ đàn áp Thiên An Môn).
Những kẻ chủ mưu gây ra chuyện Đồng Tâm là ai, có nằm trong âm mưu phá hoại chuyến đi của ông Phúc không? Nếu có thì những kẻ thực hiện chắc chắn là tay chân của Trung Nam Hải. Và ông Nguyễn Đức Chung khi ký cam kết không xử lý hình sự toàn thể dân Đồng Tâm, dùng đối thoại để giải toả xung đột, chính là kẻ thọc gậy bánh xe, là tên phá đám?!
8- Như vậy, xác suất khả tín là ông Thưởng đánh tiếng đối thoại thật. Chưa thể xác định ông Trọng là chủ mưu của sự kiện Đồng Tâm, nghĩa là tay sai của Tàu, nhưng có thể khẳng định ông Trọng là người phá đối thoại.
Nếu đã xuất hiện nhu cầu đối thoại, thì xu hướng dân chủ hoá là có thật và nội bộ Đảng đang chia thành hai luồng khác nhau. Một luồng kiên cố trung thành với Chủ nghĩa Mác do ông Trọng đại diện. Luồng thứ hai ủng hộ cải cách triệt để theo mô hình dân chủ hiện đại, có thể bao gồm gần hết nội các của ông Phúc, và có vẻ như có sự hỗ trợ của ông Võ Văn Thưởng và ông Đinh Thế Huynh.
9- Chiến dịch nhân danh tận diệt tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc dù trực chỉ tiêu diệt phe cánh ông cựu thủ tướng tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng có thể đang giấu lưỡi gươm thọc sườn ông Phúc bằng chỉ thị kiểm tra tài sản 1000 cán bộ cao cấp. Ông Phúc sẽ phải buông bỏ mục tiêu cải tổ, nếu không kịp che chắn cho đống tài sản khủng mà ông đang sở hữu, thực chất đúng là tài sản tham nhũng, nhưng không thể không tham nhũng nếu muốn tồn tại dưới tay ông Dũng.
Ngày 20/03/2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đi Mỹ “thăm dò phản ứng của Mỹ và dọn đường cho chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam”. Ngày 16/04/2014 xảy ra vụ Đồng Tâm. Ngày 20/04/2017, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đi Mỹ vận động giấy mời cho ông Phúc. Ngày 21/04, ông Minh nhận được lời mời chính thức. Ngày 22/04/2017, ông Nguyễn Đức Chung kí giấy cam kết với dân làng Đồng Tâm. 18/05, ông Thưởng phát tín hiệu sẵn sàng đối thoại. 23/05/2017 Bộ Chính trị công bố Chỉ thị kiểm tra tài sản 1.000 cán bộ cao cấp. Ngày 29/05 ông Phúc khởi hành đi Mỹ. Ngày 13/06/2017 Công an Hà Nội công bố quyết định khởi tố dân Đồng Tâm.
Lôgíc các sự kiện dẫn đến một nhận định là nội bộ Đảng đang có đặc tình của Trung cộng và phe chống lại cải cách là phe do ông Trọng cầm đầu. Điều còn chưa rõ là phe chống lại cải cách có là một với các phần tử cài cắm của Trung cộng hay không.
10- Vẫn có khả năng Ban Bí thư sẽ ra bản hướng dẫn đối thoại, vì nếu ý của ông Thưởng đúng như sự giải thích của ông Bắc Hà, thì ông Thưởng chẳng cần gì phải chờ hướng dẫn, xưa nay vẫn vậy. Nghĩa là ông Thưởng đi tìm “đối thoại thật”. Nhưng cái ông Thưởng đang chờ, rất có thể là kết cục của cuộc phân tranh cuối cùng đang sắp kết thúc. Đó là khi ông Trọng chính thức lấm lưng, và chỉ cần một mình ông Trọng “đi” là đủ, khi đó Ban Bí thư sẽ có bản hướng dẫn!.
Có thể vào lúc đó, cuộc đối thoại đích thực hướng tới hình thành một bản hiến pháp mới, đảm bảo cho sự ra đời một thể chế chính trị dân chủ đa đảng, sẽ trở thành hiện thực.
27/06/2017
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN.
HƯỞNG ỨNG CUỘC THI GIẢI BÚA LIỀM VÀNG
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 28-6-2017

A- Mở đầu

Ngày 19/5/2017, Ban Tổ chức Trung ương, báo Nhân dânTạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức buổi họp với chủ đề Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng, lấy tên GIẢI BÚA LIỀM VÀNG, lần thứ hai - năm 2017. Có khá nhiều giải thưởng, giải nhất 100 triệu.
Tôi viết bài này không gửi dự thi mà chỉ nhân dịp, góp vài ý kiến nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để có thể tiếp tục vai trò cầm quyền (hoặc lãnh đạo như Đảng muốn).
Năm 1945 Đảng chỉ có vài ngàn đảng viên, thế mà lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công. Đó là nhờ nội bộ trong sạch, đoàn kết, nhân dân tin tưởng vào lòng yêu nước, ý chí giành độc lập của Đảng. Bây giờ Đảng có khoảng 4 triệu đảng viên, nắm chính quyền, lãnh đạo toàn diện mọi mặt, mà nội bộ không thống nhất, dân mất lòng tin. Phải ban hành hết nghị quyết này đến nghị quyết khác để củng cố và làm trong sạch, thế mà chẳng đâu vào đâu, càng ngày càng bị thoái hóa.
Tại sao vậy? Tại vì Đảng đã mắc một số sai lầm nghiêm trọng mà không chịu nhận ra để sửa chữa. Giống như một người bị bệnh nặng trong não và hệ thần kinh, lục phủ ngũ tạng đã bị ruỗng nát, nó thể hiện ra bên ngoài bởi các lở loét trên mặt, trên da. Vậy mà cho rằng bệnh chỉ ở ngoài da, chỉ lo tìm thuốc bôi bên ngoài, thể thì làm sao chữa được bệnh trong óc não và gan ruột. Bệnh của Đảng nhiều người đã thấy rõ, đã chỉ ra, nhưng những lãnh đạo của Đảng không chịu nghe. Có thể là vì kém trí tuệ nên không thấy được, cũng có thể một số có biết nhưng vì quyền lợi, vì một hạn chế nào đó mà không dám nói. Cũng đã có một vài người như ông Vũ Ngọc Hoàng có nói được vài điều, nhưng xét ra vẫn còn né tránh những vấn đề cơ bản.
Việc tổ chức cuộc thi giải Búa liềm vàng, chẳng qua là đi tìm một vài chiếc lá về xoa lên da, may ra làm đỡ ngứa hoặc dịu cơn đau trong chốc lát. Hồi còn trong Đảng tôi đã viết nhiều thư và kiến nghị góp ý kiến xây dựng, nhưng tất cả đều không được xem xét. Lần này tôi viết nhằm khám bệnh và bốc thuốc với 2 nhận thức sau:
1- Trước và sau năm 1975, tuy có cùng tên nhưng đã là 2 đảng khác nhau. Trước 1975 là đảng cách mạng, dựa trên lòng yêu nước. Sau 1975 là đảng cầm quyền, độc tài, toàn trị, lo chia chác quyền lợi.
2- Phân biệt Đảng và đảng viên. Đảng CS là một tổ chức rất khó hoặc không thể cải tạo, nhưng đảng viên có nhiều người, trước khi vào Đảng là tử tế, tuy bị nhiệm vụ đảng viên khống chế, nhưng họ vẫn giữ được phần nào bản chất tử tế đó, họ có thể giác ngộ, nhận ra nhiều sự thật bị che giấu, bị lừa dối và sẵn sàng đứng về phía nhân dân, về phía lẽ phải.
Đảng cho rằng mọi tệ nạn phát sinh, phát triển, lây lan trong Đảng, làm cho Đảng rệu rã, dân mất lòng tin có nguyên nhân là sự thoái hóa, biến chất, là sự tự diễn biến, tự chuyển hóa của một số cán bộ và đảng viên. Tưởng như thế là đã tìm ra nguyên nhân chính xác, nhưng thật ra đã nhầm ở 2 điểm quan trọng sau đây: a- Ghép chung sự thoái hóa biến chất với tự diễn biến, tự chuyển hóa là sai lầm lớn vì 2 hành động này thuộc 2 loại người có tính cách ngược nhau, với mục đích rất khác nhau. b- Chỉ ra nguyên nhân do cán bộ, đảng viên là không sai, nhưng chưa đúng nguyên nhân gốc, cơ bản. Đó chỉ là nguyên nhân gần, dễ thấy, là những mụn nhọt, lở loét ngoài da chứ chưa phải bệnh trong đầu óc và gan ruột. Chính vì sai lầm trong đánh giá nguyên nhân nên mọi nghị quyết viết ra, mọi biện pháp được dùng chỉ như một chút dầu cao bôi lên da cho tạm đỡ đau, đỡ ngứa chứ không thể nào chữa khỏi bệnh nan y, cứ để cho bệnh ngày càng phá ruỗng lục phủ ngũ tạng.

B-Khám bệnh

Để khám bệnh cho phong trào CS nói chung và các đảng CS đã có nhiều công trình có giá trị. Có thể dẫn ra vài tác phẩm: Thất bại lớn- Sự ra đời và cái chết của CNCS thế kỷ 20 (Brezezínski); Giai cấp mới (Milovan Djilas); Chế độ phát xít (Zeliu Zelev). Cách mạng 1989-Sự sụp đổ của chế độ xô viết(Victor Sebestyen) v.v… Tôi được biết quyển Thất bại lớn đã được ông Phan Diễn (Thường trực Ban Bí thư TƯ khóa 9) đặt NXB 210 cuốn để phát cho các ủy viên BCH TƯ Đảng, nhưng hầu như không mấy ai đọc, mà có đọc vài trang thì cũng cho là luận điệu của bọn đại phản động.
Ở Việt Nam có nhiều người, trong đó có tôi đã nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân gốc của những tệ nạn trong chính trị và xã hội, của những sai lầm và thất bại trong lãnh đạo và quản lý đất nước. Theo sách “Trần Đức Thảo-Những lời trăng trối”(Phan Ngọc Khuê) thì đích danh thủ phạm gây ra nhiều sai lầm chính là ông Karl Marx chứ không ai khác. Theo tôi: “Nguyên nhân gốc của mọi tệ nạn trong xã hội VN hiện nay là do sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa một bên là những yếu kém trong nền văn hóa dân tộc, một bên là những độc hại trong Chủ nghĩa Mác Lê (CNML)”.
Văn hóa dân tộc Việt có nhiều mặt tốt, ưu điểm, mọi người đã nói nhiều, bên cạnh còn tồn tai một số yếu kém như thói ích kỷ, lợi mình hại người, tham bát bỏ mâm, thích hư danh, thói cam chịu, thói vô cảm, một người làm quan cả họ được nhờ, v.v…Về CNML, tôi không phủ định sạch trơn, chỉ muốn nhấn vào các độc hại của nó như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, công hữu hóa nền kinh tế, sự ngụy biện trong tuyên truyền v.v…
Khám bệnh cho xã hội VN, nhiều người đã chỉ ra nguyên nhân đẻ ra và nuôi dưỡng bọn cán bộ thoái hóa biến chất chính là “nền độc tài toàn trị của những người vừa kém trí tuệ vừa tham lam”. Kết hợp 3 yếu tố này lại với nhau sẽ đẻ ra sự đểu cáng, sự tham nhũng, sự mua quan bán chức, bọn lợi ích nhóm, bọn tư bản thân hữu và nhiều thứ tồi tệ khác. Để phân tích, để lý giải từng vấn đề phải viết thành tài liệu hàng ngàn trang với hàng chục vạn chữ. Trong một bài viết tôi chỉ mới có thể nêu ra vài nét chính mà thôi.
1- Về trình độ và nhận thức - CNCS tỏ ra chỉ là ảo tưởng. CNML có nhiều độc hại. Cứ mỗi lần Đảng tích cực vận dụng CNML là một lần thất bại thảm hại, ví như cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư sản, công nghiệp quốc doanh v.v… Phe XHCN và Liên Xô đã sụp đổ. Thế mà Đảng vẫn kiên trì con đường ấy. Đó là một sai lầm lớn về nhận thức. Có sai lầm đó là do kém về trình độ trí tuệ. Theo Brezezinski, phong trào CS sẽ phải sụp đổ chính vì thiếu trí tuệ. Nghe rằng Đảng có nhiều người giỏi lý luận. Tôi chưa được gặp trực tiếp họ, đối thoại để xem trình độ đến đâu, chứ cứ xem nhiều ông bà xuất hiện ở các hội nghị thì chỉ nghe được những điều nhàm chán, nhưng có lẽ đối với các ông bà ấy và một số thân cận lại là vô cùng mới mẻ. Tôi đọc nhiều nghị quyết và báo cáo chính trị của Đảng, phát hiện ra trình độ luận lý của những người soạn ra và thông qua những văn bản ấy là yếu kém. Hình như nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và phần đông đảng viên chỉ học thuộc một số câu trích dẫn từ các tác phẩm của CNML mà không có hiểu biết sâu rộng về các nền văn minh thế giới.
Về hình thức Đảng cũng chú ý bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, có tiêu chuẩn chọn lựa cán bộ, nhưng theo tôi sự hiểu biết về nhân tài, về tầng lớp tinh hoa, về tiêu chuẩn chọn cán bộ của Đảng là thiếu chính xác. Thiếu như thế nào tôi xin trình bày vào dịp khác.
Trí tuệ trong Đảng càng gày càng sa sút, trong khi trí tuệ trong dân không phát triển được mà còn bị nạn chảy máu chất xám cuốn đi. Tầng lớp tinh hoa của VN chưa kịp hình thành thì đã bị phá nát.
2- Về tổ chức - Tổ chức của Đảng và chính quyền quá nặng nề, quá cồng kềnh vì thế rất kém hiệu quả và năng suất rất thấp. Điều này có xuất phát từ tham nhũng quyền lực do độc tài toàn trị đẻ ra. Sự tham nhũng quyền lực này đã có từ những ngày đầu tiên sau CM tháng 8.
Về Đảng, chưa thấy được sự khác nhau giữa đảng làm cách mạng và đảng cầm quyền. Phần lớn đảng viên và quần chúng của Đảng được tuyên truyền và do đó có nhận thức sai về đảng cầm quyền và vai trò, chức năng của chính quyền. Việc kiểm soát quyền lực đã được nhân loại biết đến từ rất lâu, thế mà rất gần đây lãnh đạo Đảng nêu ra như là một phát minh rất mới của mình, mà cũng chỉ mới nói chứ chưa có cách làm hiệu quả.
3- Về chủ trương đường lối đối nội - Vô cùng nguy hiểm khi kết hợp 3 thứ vào trong một thể chế: mất dân chủ, bạo lực và dối trá. Nói nhiều và văn hoa về dân chủ nhưng thực chất rất mất dân chủ từ trong Đảng ra ngoài xã hội. Sự mất dân chủ có nhiều biểu hiện khác nhau, nặng nề nhất là ngăn cản tự do tư tưởng, cấm đoán tự do ngôn luận và triệt hạ mọi lực lượng bất đồng quan điểm. Bạo lực sắt máu trong đấu tranh giai cấp, trong việc dùng lực lượng hùng hậu của công an để theo dõi, bắt bớ, đàn áp, gây nên nỗi sợ hãi thường trực cho mọi tầng lớp và oan trái cho nhiều người. Về tuyên truyền, ban đầu do nhu cầu thu phục lòng tin vào tương lai tươi sáng chưa có mà buộc phải dùng bánh vẽ. Đó là sự dối trá đáng yêu, có thể được tha thứ. Nhưng rồi người ta quen dần, dối trá trở thành phương tiện. Chính quyền và Đảng dối trá để xoa dịu và lừa dân, người dân dối trá để tồn tại. Dối trá thâm nhập sâu vào cả giáo dục nhà trường và gia đình. Kèm thêm vào dối trá là tính kiêu ngạo cộng sản. Bàn chất là kém trí tuệ nhưng lại tự huyênh hoang là nhờ CNML mà họ sáng suốt và dũng cảm nhất thế giới từ trước đên nay.
4- Về đối ngoại - Từ những năm 50 của thế kỷ 20 một số nhà khoa học đã cảnh báo tai họa từ Trung Quốc. Thế nhưng vì ý thức hệ mà chúng ta buộc phải dính vào họ, nhận viện trợ của họ. Thời kỳ Lê Duẩn, cũng đã thấy được dã tâm của họ, nhưng rồi cũng chỉ vì ý thức hệ mà sau đó để cho họ thao túng đủ mọi điều. Một số người cho rằng chúng ta có lợi trong chính sách đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng thực ra ta đã bị Trung Quốc khống chế nhiều bề. Về hình thức chúng ta ký nhiều hiệp ước với các nước, tham gia công việc của Liên Hợp Quốc, nhưng thực tình VN hầu như không có bạn thân, đặc biệt người Việt đi ra nước ngoài không được tôn trọng.

C- Bốc thuốc

Đảng nhiều lần đã tự khám bệnh và bốc thuốc, rõ ràng nhất là các nghị quyết vế xây dựng và củng cố tổ chức. Đó chỉ là những bài thuốc bôi ngoài da, chỉ giỏi lắm là chữa vài cái mụn nhọt, ghẻ lở chứ không có tác dụng gì đến bệnh bên trong. Cũng đã có vài người mang thuốc tốt đến dâng, nhưng Đảng cho là thuốc đắng và độc, không thể dùng. Thuốc bị vứt đi, một vài người dâng thuốc bị hãm hại.
Nay tôi lại xin dâng vài bài thuốc đắng, nếu biết dùng sẽ là thuốc tốt, nếu cho là thuốc độc mà vứt đi cũng không sao, nhưng chắc rằng về sau sẽ hối hận. Vì vậy xin đừng vội vàng vứt đi mà cứ cất vào chỗ nào đó, biết đâu sẽ có lúc dùng tới. Những bài thuốc này không phải do tôi nghĩ ra hoàn toàn mà chỉ có một phần, còn là sưu tập từ nhiều nguồn rồi tổng hợp lại, nhiều người cũng đã biết.
Bài thuốc 1- Xác định rõ ràng, dứt khoát mục đích cao đẹp, duy nhất và cuối cùng là TỰ DO và HẠNH PHÚC của toàn dân, luôn luôn đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết. Mọi thứ khác như vị thế của đất nước, vai trò của Đảng, nền kinh tế tư nhân hay quốc doanh, vào ban này bệ nọ của Liên Hợp Quốc, ký hiệp ước với nước ấy nước kia v.v… đều chỉ là phương tiện hoặc mục tiêu phụ, tạm thời. Việc gì làm tăng tự do và hạnh phúc thì làm, có hiệu quả cao thì làm. Việc gì ảnh hưởng xấu đến tự do, hạnh phúc, không có hiệu quả thì kiên quyết tránh. Không vì một học thuyết nào cả, không vì một chủ nghĩa nào cả.
Bài thuốc 2- Từ bỏ CNML. Đây là điều kiện tiên quyết. Còn ôm lấy thây ma CNML mà thương tiếc thì bệnh càng nặng thêm. Để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, đáp ứng mục tiêu: Hòa bình, Độc lập, Thống nhất, Tự do, Dân chủ, Giàu mạnh, Hạnh phúc thì không cần thêm một học thuyết mới nào nữa cả, chỉ cần thực thi dân chủ với tam quyền phân lập, tôn trọng nhân quyền, chấp nhận đa nguyên thì rồi xã hội sẽ phát triển theo đúng quy luật. Khi đã từ bỏ CNML rồi thì nên đổi tên Đảng, lấy lại tên Đảng Lao động VN.
Bài thuốc 3- Từ bỏ điều 4 của Hiến pháp. Chuyển ngay cương lĩnh và tổ chức từ một đảng làm cách mạng sang một đảng chính trị. Đáng có cầm quyền được hay không là do tín nhiệm của dân. Để có thể trở thành một đảng mạnh, cầm quyền thì quan trọng nhất là nâng cao trí tuệ. Đảng làm cách mạng phải coi trọng tổ chức, còn đảng cầm quyền phải đề cao trí tuệ. Lúc này không phải Đảng tìm cách triệt hạ tinh hoa của dân tộc mà phải tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, vận động để đưa họ vào những vị trí xứng đáng trong các cơ quan quyền lực. Làm lễ trưởng thành và cho nghỉ sinh hoạt hàng triệu đảng viên già yếu, kém năng lực hoặc dính vào tệ nạn. Dẹp bớt các cơ quan của Đảng tương đương với chính quyền, chấp nhận cạnh tranh bình đẳng với các tổ chức khác. Không dùng ngân sách nhà nước để nuôi bộ máy cồng kềnh của Đảng cũng như của các đoàn thể chính trị do Đảng lập ra. Việc này sẽ làm cho một số đông người trước đây làm việc cho Đảng bị thất nghiệp, tôi đã nghĩ ra kế sách giải quyết, nếu được hỏi tôi sẽ trình bày sau. Khi Đảng có những hoạt động ích nước lợi dân Quốc hội sẽ xét, cấp cho Đảng một khoản tiền để hoạt động, khoản này phải công khai và không quá một số phần trăm nào đó của ngân sách.
Bài thuốc 4- Trong cương lĩnh phải nêu cao việc xây dựng chế độ dân chủ với tam quyền phân lập. Khi Đảng giữ được vai trò cầm quyền thì không can thiệp vào quyền lập pháp và tư pháp. Đảng chỉ tổ chức ra chính quyền hành pháp.
Bài thuốc 5- Kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ, không vì ý thức hệ mà lệ thuộc vào Trung cộng. Trong lúc vẫn duy trì quan hệ bình thường, kiên quyết tìm cách thoát những ảnh hưởng xấu từ Trung Quốc. Việc này chắc chắn sẽ gây ra một số khó khăn, gặp phải một số thiệt hại trong thời gian ngắn, nhưng nếu không làm được thì càng ngày càng sa lầy, càng lệ thuộc. Có kiên quyết thoát Trung thì mới có động lực và điều kiện để phát triển quan hệ tốt với các nước khác.
Bài thuốc 6- Bài này không dành cho Đảng mà cho một số đảng viên. Năm bài thuốc quá đắng nêu trên khi được một số cán bộ cao cấp của Đảng chấp nhận sẽ đem ra trình bày và thảo luận ở một hội nghị TƯ nào đó, tốt hơn là ở một đại hội chính thức hoặc bất thường. Gọi những người đề xuất việc trên là phái cải cách. Nếu cải cách được đa số tán thành thì tuyên bố đổi tên Đảng và tiếp tục các công việc. Nếu phái cải cách bị thiểu số thì tuyên bố tách ra, lập đảng mới, lấy tên là Đảng Lao động. Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục tồn tại. Đảng Lao động trở thành đảng đối lập với Đảng Cộng sản. Trước mắt ĐLĐ chỉ mới thu nạp những đảng viên bất đồng chính kiến từ ĐCS chuyển sang.

D- Câu hỏi lớn

Viết rằng Đảng phạm sai lầm này nọ là chung chung, thực ra những sai lầm phải được quy kết cho từng cá nhân người lãnh đạo. Nhưng người lãnh đạo ở đâu ra. Không những người lãnh đạo có tài năng hoặc có sai lầm mà cả những bọn thoái hóa biến chất và tất cả chúng ta đều sinh ra, lớn lên trên đất nước này, do khí thiêng sông núi của dải đất hình chữ S này hun đúc nên, do truyền thống lịch sử từ đời các Vua Hùng, do phong thủy của Ba Vì, Tam Đảo, Trường Sơn, Biển Đông tạo nên. Mấy năm nay tôi suy nghĩ đến một câu hỏi lớn: “Du du bỉ thương hề, thùy tạo nhân” (Xanh kia thăm thẳm tầng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này). Đặng Trần Côn đặt câu hỏi cho Chinh phu và Chinh phụ, còn tôi đặt câu hỏi cho dân tộc, cho đất nước. Vì đâu mà đất nước này, dân tộc này phải chịu đựng những thử thách oan nghiệt. Trên đây tôi viết “Nguyên nhân gốc của mọi tệ nạn trong xã hội VN hiện nay là do sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa một bên là những yếu kém trong nền văn hóa dân tộc, một bên là những độc hại trong Chủ nghĩa Mác Lê”, nhưng xét ra đó vẫn chưa phải là nguyên nhân cuối cùng. Hỏi tiếp: Từ đâu mà xẩy ra sự kết hợp đó.
Suy nghĩ sự đời Nguyễn Du viết: “Ngẫm hay muôn sự tại trời”, nhưng rồi ông cũng viết: “Có trời mà cũng có ta”. Lại nữa, trong văn hóa nhiều dân tộc và tôn giáo đều phổ biến câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Trong 6 tập sách nổi tiếng có nhan đề chung là PHƯƠNG PHÁP của Edgar Morin, nổi bật lên một nhận xét là “tính chất bất định” mọi hoạt động của nhân loại. Nhiều công việc, ban đầu người ta nhằm đến A, nhưng rồi sau một thời gian phát hiện ra đã hoàn toàn chệch hướng. Tôi rất muốn nghiên cứu nguyên nhân, động lực của sự chệch hướng đó, nhưng đang vướng vào thế “lực bất tòng tâm” nên nêu ra để bạn nào quan tâm thì nghên cứu. Hướng của tôi là muốn tìm nguyên nhân từ trong đời sống tâm linh của dân tộc. Dân gian có câu: “bị trời phạt”. Phải chăng dân tộc VN đang bị trời phạt, bị phạt vì tội lỗi gì, làm sao để chuộc lỗi đây.
Trong bài thơ dài “Theo chân Bác” Tố Hữu viết: “Muôn nẻo người đi bước trước sau. Một câu hỏi lớn biết về đâu…”. Đó là câu hỏi lớn của chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc. Tưởng là đã tìm ra, nhưng rồi lại bị lạc. Lạc đường mất rồi, dù cho có vài cái nghị quyết 4, dù cho mở ra vài cuộc thi Giải Búa liềm vàng thì cũng chỉ là luẩn quẩn trong mê cung. Dân tộc này đang trông chờ, từ trong Đảng có những người nhận thức ra vấn đề và mở ra cuộc thi TÌM CON ĐƯỜNG MỚI.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.