Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

20160715. TỔNG QUAN VỀ 'PHƯƠNG PHÁP DELPHI'

ĐIỂM BÁO MẠNG 
Một phần của di chỉ khảo cổ Delphi nổi tiếng của Hy Lạp
Delphi là gì ?
Delphi (dɛlf/) là địa danh thị trấn vùng Phocis ở miền Trung Hy Lạp. Vào thời cổ đại, nơi này từng có có đền thờ Apollo – ngôi đền quan trọng vào bậc nhất của Hy Lạp cổ đại. Nó được xây dựng vào thế kỷ thứ 8 TCN, gắn thời kỳ nền văn minh Mycenaean trị vì Hy Lạp. Qua thời gian và sự tàn phá của những cuộc chinh chiến đến nay Delphi được biết đến như quần thể di chỉ khảo cổ, với những ngôi đền, nhà hát, đấu trường …chỉ còn lại những cột gẫy và phiến đá… Nhưng Delphi vẫn là nơi thu hút không chỉ các nhà khảo cổ mà còn là khách du lịch tứ phương. Có lẽ người ta đến đây không chỉ để ngưỡng mộ một nền văn minh vật thể lâu đời, hiếm có, mà còn cả những cảnh quan thiên nhiên xung quanh khu vực đền thờ như núi Parnassos hùng vĩ, vịnh Corinth nước trong xanh. Di chỉ khảo cổ Delphi nổi tiếng của Hy Lạp, đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1987.
 Ngày nay dù chưa du lịch tới Delphi chúng ta cũng có thể có những thông tin nêu trên từ internet (https://commons.wikimedia.org)-
Những nhà tiên tri Delphi
Quảng trường tròn của thánh đường Thần Apollo
Delphi cũng là nơi có những nhà tiên tri rất nổi tiếng, mà điển hình là nữ tiên tri Pythia. Nhà tiên tri thường tới quảng trường tròn của thánh đường Thần Apollo và nói ra những lời sấm truyền.Theo cuốn cẩm nang ‘Những khái niệm và công thức thống kê-toán trong phân tích kinh tế’ biên soạn bởi I.G. Veneskii và V.I. Veneskaia, NXB ‘Thống Kê’ Mockva, (1979) thì  điều được ghi lại trong các sự tích Delphi không phải là nội dung các sấm truyền, mà cách thức tạo ra sấm truyền của các nhà tiên tri. Đó là trước khi đưa ra sấm truyền, nhà tiên tri luôn hỏi ý kiến của ‘tập thể’ các nhà ‘thông thái’, một cách độc lập để chọn ra những ý kiến chung. Đây được coi là một kiểu dự báo cổ xưa nhất và hiện nay được gọi là Phương pháp Delphi (Delphi Method)
Ai là người đề xướng tên gọi Phương pháp Delphi ?
Theo trang mạng http://economy-od.wikidot.com/ thì tên gọi phương pháp được đề xướng bởi  hai nhà khoa học Mỹ là O.Helmer và D.Gordon khi các ông thực hiện nghiên cứu dự báo nền kinh tế - xã hội Mỹ từ 1969 tới năm 2000.  Từ đó phương pháp Delphi được coi như một trong những phương pháp dự báo được biết tới trên thế giới, với cái tên gọi khác đi ‘Phương pháp chuyên gia’ (Expert Methods) hay một số tên gọi khác, sẽ nêu ở mục vị trí của phương pháp Delphi trong các phương pháp dự báo hiện nay.
Quy trình dự báo của phương pháp Delphi hiện nay có gì khác so với các tiên tri  Hy Lạp?

Theo http://economy-od.wikidot.com  thì vẫn giữ những đặc điểm nguyên tắc sau:

  • Đánh giá tập thể vắng mặt
  • Có tính khuyết danh: Điều này loại trừ hoàn toàn hình thức thảo luận trực tiếp và công khai, loại trừ được yếu tố tâm lý. Cuộc trưng cầu được tiến hành thông qua bản tự khai khuyết danh và có ý kiến thông báo cho các chuyên gia, không nêu rõ của ai.
  • Sử dụng tích cực các mối quan hệ ngược để điều chỉnh các câu trả lời, điều đó được thể hiện ở chỗ cuộc trưng cầu được tiến hành qua nhiều giai đoạn, kết quả trưng cầu ở giai đoạn trước được thông báo cho giai đoạn sau. Dựa vào các thông tin đã được thông báo này mà các chuyên gia đánh giá điều chỉnh câu trả lời của mình. Liên hệ ngược cho phép loại bỏ những thông tin không có ích và giảm độ tản mạn trong các câu trả lời, hạn chế những tác động từ bên ngoài tập thể.
Yêu cầu của phương pháp được cụ thể:
  • Câu hỏi đặt ra phải cho phép trình bày phương án trả lời dưới dạng số lượng
  • Phải cung cấp đầy đủ thông tin cho các chuyên gia dự báo
  • Câu trả lời từng vấn đề phải được chuyên gia đánh giá có luận chứng
 Quy trình của phương pháp Delphi được cụ thể hóa theo bốn giai đoạn thời gian giữa hai giai đoạn khoảng hai tháng, trong mỗi giai đoạn chuyên gia phải nêu ý kiến của mình dưới dang số lượng theo chỉ dẫn sẵn có
  • Giai đoạn 1: Các chuyên gia phải đánh giá dự báo các sự kiện theo danh mục đã được các nhà phân tích chuẩn bị sẵn. Các chuyên gia dự báo cũng có thể bổ sung hoặc gạch bớt các sự kiện trong danh mục đó. Sau khi trưng cầu, các nhà phân tích xử lý đánh giá dự báo bằng trung vị và khoảng tứ phân vị
  • Giai đoạn 2: Các nhà phân tích phải xây dựng lại phiếu câu hỏi nếu cách nêu câu hỏi chưa được rõ ràng làm ảnh hưởng tới sự thống nhất ý kiến đánh giá. Trong phiếu câu hỏi gửi tới các chuyên gia, các nhà phân tích thông báo cho họ giá trị của trung vị và khoảng tứ phân vị đồng thời đề nghị các chuyên gia có ý kiến khác phải có lập luận rõ ràng.
Các chuyên gia phân tích có thể đưa ý kiến khác với ý kiến của đa số tập thể (không nêu của ai) để cho các chuyên gia đánh giá chú ý và điều chỉnh lần cuối các câu hỏi trả lời của mình. Kết quả thu được lại được các nhà phân tích xử lý và tính toán giá trị trung vị và tứ phân vị mới.
  • Giai đoạn 3: Giai đoạn ba này cũng được tiến hành theo như quy trình của giai đoạn hai và các nhà phân tích, xử lý, tính toán đưa ra một thông tin mới hơn cho các chuyên gia dự báo.
  • Giai đoạn 4: Các chuyên gia đánh giá lại được thông báo các thông tin từ giai đoạn ba mang lại và tiếp tục đánh giá dự báo trên cơ sở các thông tin cập nhật đó. Những ý kiến khác xa với đa số lại được thuyết minh quan điểm, luận chứng và các ý kiến này lại được tiến hành sửa đổi bổ sung. Trung vị tính toán được ở giai đoạn cuối này được coi là ý kiến của tập thể chuyên gia. Trong trường hợp mà đạt được sự thống nhất ý kiến sớm thì không nhất thiết phải tiến hành lập lại các bước cung cấp thông tin bổ sung như các bước hai và bước ba.
Vị trí của phương pháp Delphi trong các phương pháp dự báo hiện nay

  Cũng theo trang mạng  http://isponre.gov.vn/home/dien-dan/ (23/2/2010) thì  phương pháp Delphi (Phương pháp chuyên gia) nằm trong top 8 phương pháp được biết trên thế giới, gồm những phương pháp sau:

1-Tiên đoán (Genius Forecasting);
2- Ngoại suy xu hướng (Trend Extrapolation)
3- Phương pháp chuyên gia/ Expert methods (phương pháp Delphi/ Consensus methods/ phương pháp đổng thuận)
4- Phương pháp mô phỏng ( Mô hình hóa/ Stimulation )
5- Phương pháp ma trận tác động qua lại (Cross-impact  matrix method)
6- Phương pháp kịch bản (Scenario )
7- Phương pháp cây quyết định (Decision trees)
Tựu chung các phương pháp được chia thành 2 nhóm: Các phương pháp định tính và Các phương pháp định lượng. Phương pháp Delphi thuộc nhóm các phương pháp định tính.
Những công trình dự báo ở Việt nam có sử dụng phương pháp Delphi (phương pháp chuyên gia)?
Theo http://isponre.gov.vn/home/dien-dan/  (23/2/2010) thì những công trình dự báo theo phương pháp Delphi ở Việt Nam hầu như chưa có bên cạnh các công trình dự báo bằng phương pháp định lượng với nhận định: ‘Bản chất của phương pháp chuyên gia là lấy ý kiến đánh giá của các chuyên gia để làm kết quả dự báo. Phương pháp này được triển khai theo một quy trình chặt chẽ bao gồm nhiều khâu: thành lập nhóm chuyên gia, đánh giá năng lực chuyên gia, lập biểu câu hỏi và xử lý toán học kết quả thu được từ ý kiến chuyên gia. Khó khăn của phương pháp này là việc tuyển chọn và đánh giá khả năng của các chuyên gia. Phương pháp này được áp dụng có hiệu quả cho những đối tượng thiếu (hoặc chưa đủ) số liệu thống kê, phát triển có độ bất ổn lớn hoặc đối tượng của dự báo phức tạp không có số liệu nền. Kết quả của phương pháp dự báo này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu định hướng, quản lý vì thế cần kết hợp (trong trường hợp có thể) với các phương pháp định lượng khác’.
 Lời bàn với nghiên cứu sinh kinh tế:
- Không nên sử dụng phương pháp Delphi (phương pháp chuyên gia) khi chưa biết nguồn gốc, bản chất, hạn chế của nó.Trở ngại lớn nhất là vấn đề tuyển chọn các chuyên gia có năng lực thực sự, thoát khỏi những lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Dù có như vậy thì ý kiến của họ cũng mang tính chủ quan.
- Cần cố gắng sử dụng phương pháp dự báo ngoại suy, trong đó sử dụng những kiến thức của thống kê-toán đặc biệt là những kiến thức về phân tích tương quan (Correlation analysis Method), dựa trên mô hình tương quan giữa đại lượng đặc trưng cho hiện tượng nghiên cứu và các biến nhân tố ảnh hưởng. Xây dựng mô hình tương quan và đánh giá chất lượng của nó đương nhiên cần đến máy tính, nhưng không thể thiếu số liệu được thu thập bởi chính bạn với tư duy logic kinh tế. Chú ý rằng vào thời điểm hai nhà khoa học Mỹ là O.Helmer và D.Gordon đề xuất sử dụng phương pháp Delphi hay phương pháp chuyên gia (1969) thì laptop chưa ra đời. Nhưng hiện nay mỗi NCS đều sở hữu laptop với tốc độ ít nhất 3.0 GHz thì việc áp dụng phương pháp phân tích tương quan nói riêng, phương pháp định lượng nói chung không còn là vấn đề của công nghệ . Đó cũng là lý do mà nhà kinh tế  Mỹ Finn Kydland được giải Nobel 2004 khi đến thăm VN gần đây cho rằng: “Chương trình đào tạo kinh tế nên học toán nhiều hơn”
N.T.B

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét